Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử Dàn ý & 21 bài phân tích Đây thôn Vĩ Dạ

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử gồm gợi ý cách viết kèm theo 21 bài văn xuất sắc của các học sinh giỏi. Qua bài văn phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ các bạn sẽ được trang bị kiến thức, suy nghĩ sâu sắc nội dung ý nghĩa của bài thơ để nhanh chóng biết cách viết bài văn phân tích hay.

TOP 21 bài phân tích Đây thôn Vĩ Dạ cực chất dưới đây không chỉ giúp các em học sinh rèn luyện kĩ năng viết văn mà còn giúp trau dồi kiến thức, cải thiện kỹ năng viết văn phân tích bài thơ hay, có thêm sự tự tin, chủ động trong các kì thi. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: phân tích Đọc Tiểu Thanh kí, Cảm nhận bài thơ Độc Tiểu Thanh kí.

Dàn ý phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

I. Mở bài

Giới thiệu tác giả và tác phẩm:

Hàn Mặc Tử có lẽ là một cái tên mà không ai có thể quên khi nhắc đến phong trào thơ mới. Một trong những thi phẩm mang dấu ấn sâu đậm nhất của thi sĩ đã để lại trong lòng bao thế hệ bạn đọc biết bao niềm khơi gợi sâu sắc chính là bài thơ Đây thôn vĩ dạ. bài thơ cũng giống như một bức tâm thư bộc lộ những tình cảm thầm kín và khao khát cháy bỏng của thi sĩ

II. Thân bài:

1. Phân tích khổ thơ thứ nhất:

- Bài thơ mở đầu và một câu hỏi "sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

- Ta có cảm giác như đây là một lời trách yêu của một người con gái, trong đó ẩn dấu sự dỗi hờn cả sự ngóng trông da diết

- Thực tế thì không có một người con gái nào đang trực tiếp đối mặt với Hàn Mặc Tử, bởi vậy có lẽ lời trách yêu này là cất lên từ những bức ảnh những bức tâm thư, nó xôn xao, nó rạo rực sống dậy trong lòng nhà thơ, hướng trái tim người thi sĩ về với quê hương xứ Huế thân yêu ngày tiếp đó câu thơ thứ hai khiến chúng ta bất ngờ vì ngay lập tức cảnh thiên nhiên xứ Huế, cảnh vật nơi thôn Vĩ Dạ được mở ra

- Rõ ràng câu hỏi một cách lên thì trước mắt nhà thơ đã là không gian của thôn Vĩ Dạ đây chắc chắn là một cuộc hành trình trong tâm thức

- Cái nắng hiện lên trong quan sát của nhà thơ, một cái nắng hiện lên trong vẻ tinh khôi, tươi mới, chẳng phải là cái nắng rực rỡ của mùa hè cũng chẳng phải cái nắng dịu nhẹ của mùa thu mà nó là "nắng mới lên" tức là nắng của buổi bình minh

- Câu thơ có hai từ nắng làm cho không gian như tràn ngập ánh sáng, chẳng từ ngữ miêu tả màu sắc, nhưng ánh nắng hiện ra cứ trong trẻo và tinh khôi biết nhường nào

- Điểm nhìn của Hàn Mặc Tử dường như là từ trên cao nhìn xuống từ xa lại gần, đôi mắt của Hàn Mặc Tử trong cuộc hành trình như xé toạc bầu trời để nhìn thấy ánh bình minh cùng ánh nắng diệu kỳ thắp lên từ những ngọn cau cao vút, để có một cái nhìn bao quát thấy được với màu xanh bao trùm lên khu vườn

- "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc", câu thơ là một lời cảm thán thốt lên trước vẻ đẹp của khu vườn

- Tính từ lướt ra hình ảnh so sánh xanh như ngọc đã làm hiện lên vẻ đẹp tuyệt diệu của khu vườn thôn Vĩ

- Câu thơ không chỉ đem lại cho ta cảm nhận về thị giác mà còn gợi lên cái cảm giác như được chạm vào những lá xanh mượt mà, đi chính là một trong những nét đặc trưng của các nhà thơ mới chịu ảnh hưởng bởi thơ tượng trưng siêu thực Pháp khi cảm nhận vạn vật bằng nhiều giác quan.

- Hình ảnh so sánh "xanh như ngọc" là một hình ảnh so sánh độc đáo, màu xanh của lá cây được ví với màu xanh ngọc mang lại cho ta một cảm giác thật dễ chịu tươi mới, tất cả mọi thứ đều non tươi mơn mởn và tràn đầy sức sống

- Đến câu thơ thứ tư thì hình ảnh con người mới xuất hiện "Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

- Câu thơ cuối khổ một là câu thơ có nhiều cách hiểu khác nhau. Có người cho rằng "mặt chữ điền" chính là khuôn mặt của người con gái đã mời Hàn Mặc Tử về chơi thôn Vĩ. Bời vì "vườn ai" chính là vườn của em, nhìn thấy khuôn mặt của em trong khu vườn ấy thì rất hợp lí

- Nhưng cũng có người cho rằng đó chính là tác giả trong cuộc hành hương tâm tưởng, Hàn Mặc Tử đã gặp lại chính mình với gương mặt chữ điền thời còn là chàng trai tài hoa nổi danh trên đất Huế

- Dường như, nhà thơ muốn yêu một tình yêu trong trắng, thanh thản, đắm say thì phải trở lại là con người của quá khứ, phải là một nhà thơ đa tình phong lưu thời còn ở Huế. Nói đúng ra là nhà thơ muốn quên mình trong hiện tại với căn bệnh hiểm nghèo để được yêu

- Hình tượng "lá trúc che ngang" càng cung cấp cho gương mặt chữ điền ấy những nét ngang tàng, phóng khoáng mạnh mẽ của người đàn ông bởi lá trúc trong quan niệm xưa chính là biểu hiện cho người quân tử.

2. Phân tích khổ thơ thứ hai:

- Bốn câu thơ buồn khổ thứ hai như vẽ xe trước mắt chúng ta không cảnh của quê hương xứ Huế trong buổi chiều tối với những gam màu trầm lắng mỗi câu thơ gợi dám hình ảnh làm đầy thêm bức tranh phong cảnh nhưng nếu như nhìn thật kỹ ta sẽ thấy những nghịch lý những điều trái tự nhiên ẩn trong từng sự vật

- "Gió theo lối gió mây đường mây", câu thơ có lẽ không chỉ còn là nghịch lý mà lại còn chứa đựng cả sự trớ trêu, chưa được sự biệt ly chia cắt

- "Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay", theo lẽ thường gió gió thổi làm hoa bắp lai thì sóng nước cũng phải theo đó mà gợn mà lay động, ấy thế nhưng dòng nước lại đứng im, chẳng khác nào lứa đôi dù ở gần kề nhau nhưng lại chẳng thể đồng điệu, trong gần gũi lại có mùi gì của sự chia phôi

- Phải chăng đây là cảm giác của nhà thơ trong xa cách nhớ thương, và đây cũng là mặc cảm của những con người xưa trong cuộc sống. Nỗi buồn về sự chia li, tiễn biệt đọng lại trong lòng người phảng phất buồn và mang một nỗi niềm xao xác

- Nếu khổ thơ đầu ta cảm nhận một tình yêu sắp nảy nở tuyệt vời nhưng đến khổ thơ sau thì ta lại gặp một cuộc tình tan nát chia phôi.

- Phải chăng, thông qua cách nói hình tượng Hàn Mặc Tử đã chua chát phủ định người mời mình về thăm thôn Vĩ. "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?"

- Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử xuất hiện rất nhiều. Trăng muôn đời là biểu tượng của hạnh phúc, đặc biệt là hạnh phúc lứa đôi. Quá khao khát hạnh phúc nên hai câu thơ của Hàn Mặc Tử tràn ngập ánh trăng: bến trăng, sông trăng, thuyền trăng, chở trăng.

- Tác giả đã gửi gắm một tình yêu khát khao, nỗi ngóng trông, mong nhớ vào con thuyền trăng, vào cả dòng sông trăng.

- Vầng trăng trong hai câu thơ này là vầng trăng nguyên vẹn của thi nhân trước mảnh tình yêu chưa bị phôi pha.

- Câu hỏi làm nhịp thơ chùng xuống biểu lộ niềm lo lắng của một số phận không có tương lai.

- Hàn Mặc Tử hiểu căn bệnh của mình nên ông mặc cảm về thời gian cuộc đời ngắn ngủi, vầng trăng không về kịp và Hàn Mặc Tử cũng không đợi vầng trăng hạnh phúc đó nữa, một năm sau ông vĩnh biệt cuộc đời.

3. Phân tích khổ thơ thứ ba:

- Thi sĩ buồn cho cái số phận ngắn ngủi, cho ước mơ vẫn còn dở dang, nhưng rồi người nghệ sĩ lại tiếp tục sống trong khao khát của mình

- Hình ảnh "khách đường xa" nhấn mạnh hai lần đã nói lên phần nào nỗi trông ngóng, nhớ thương của tác giả dành cho người thương.

- Màu áo trắng cũng là màu ánh nắng của Vĩ Dạ mà nhìn vào đó tác giả choáng ngợp, thấy ngây ngất trước sự trong trắng, thanh khiết, cao quý của người yêu

"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / Ai biết tình ai có đậm đà?"

- Câu thơ đã tả thực cảnh Huế - kinh thành sương khói. Trong màn sương khói đó con người như nhòa đi và có thể tình người cũng nhòa đi

- Câu hỏi tu từ cuối cùng cất lên như một tiếng ngậm ngùi, tự vấn qua một trái tim khao khát với tình yêu nhưng trước mắt lại có quá nhiều gian truân trở ngại

- Hai đại từ "ai" ở câu thơ này tạo nên nhiều cách hiểu: không biết em có hiểu được chính tình yêu của em đậm đà hay không? Không biết bản thân anh có biết được tình yêu của chính mình đậm đà không? Liệu em có biết tình anh đậm đà không? Liệu anh có biết tình em có đậm đà không?

- Một câu hỏi trong thơ nhưng ẩn chứa biết bao nhiêu câu hỏi đằng sau nó, càng hỏi càng thấy "mờ nhân ảnh", càng tuyệt vọng.

- Càng tha thiết một tình yêu đậm đà Hàn Mặc Tử càng thấy sự đổ vỡ tuyệt vọng với tình yêu. Vì thế mà cảm hứng chủ đạo của "Đây thôn Vĩ Dạ" chính là cảm hứng đau xót về một tình yêu tuyệt vọng.

III. Kết bài:

Mọi sự tuyệt vọng đều làm cho ta bi quan nhưng tình yêu tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử lại khơi lên trong ta ánh sáng của khao khát mãnh liệt da diết. Chính tình yêu đã tiếp thêm nghị lực cho người thi sĩ trong hoàn cảnh khó khăn trong những giây phút đớn đau chiến đấu với bệnh tật. Cũng giá trị nhân văn ấy đã khẳng định tên tuổi của Hàn Mặc Tử trên bầu trời thơ ca Việt Nam và giúp cho thi phẩm mãi xanh trong lòng bao thế hệ bạn đọc.

Xem thêm: Phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Sơ đồ tư duy phân tích Đây thôn Vĩ Dạ

Phân tích đánh giá bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 1

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ có sức sáng tạo nhất trong phong trào thơ mới. Ông để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị. Đặc sắc và gây xúc động nhất là bài “Đây thôn Vĩ Dạ”. Bài thơ là bức tranh tuyệt đẹp về miền quê đất nước và tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Bài thơ mở đầu bằng một hoài niệm mênh mang về cảnh và người thôn Vĩ. Bức tranh thơ đẹp, còn tình người thì tha thiết nhớ mong.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Mở đầu bài thơ là một lời trách móc nhẹ nhàng, lời mời gọi chân thành và là lời tự hỏi chính mình của nhân vật trữ tình. “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Câu hỏi tu từ nổi bật nhiều màu sắc, thể hiện niềm đau xót, tiếc nuối ngọt ngào. Nhà thơ sử dụng từ “chơi” mà không sử dụng từ “thăm”, từ “chơi” gợi nên sự thân mật, gần gũi thắm thiết, thâm tình. Đó cũng chính là một câu hỏi đau đớn vì trở về Huế là điều không thể bởi nhà thơ đang trong giai đoạn cuối của cơn bệnh.

Ba câu thơ tiếp theo là hình ảnh thôn Vĩ hiện lên qua cái nhìn tha thiết, mang vẻ đẹp của “hàng cau”, “nắng mới”. Câu thơ với điệp từ “nắng” và cách ngắt nhịp 4/3 gợi ra trong mắt người đọc một không gian đầy ánh sáng. Một vẻ đẹp mượt mà, tươi tốt, đầy sức sống, “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Tác giả dùng màu xanh ngọc để diễn tả sức sống, vẻ đẹp thiên nhiên nơi thôn Vĩ, một màu sắc cao quý, trong trẻo. Nếu không có một tình yêu sâu lắng nồng nàn đối với Vĩ Dạ thì Hàn Mặc Tử không thể có được những vần thơ trong trẻo như vậy.

Và cảnh đẹp thôn Vĩ càng đẹp hơn trước bởi sự xuất hiện hình bóng con người “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Trong thôn Vĩ Dạ kia, nhành lá trúc và khuôn mặt chữ điền sao lại có mối liên quan bất ngờ và đẹp thế: những lá trúc thanh mảnh, thon thả che ngang mặt chữ điền, khuôn mặt ấy chỉ hiện ra thấp thoáng sau lá trúc mơ màng, hư hư thực thực. Trong tâm trí người thi nhân vì thế mà bất chợt hiện về khuôn mặt chữ điền ấy lấp ló sau hàng trúc. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hài hòa giữa con người và cảnh vật và đồng thời thông qua đó, tác giả cho người đọc nhìn thấy được vẻ đẹp phúc hậu, duyên dáng của con người xứ Huế.

Nếu như khổ thơ thứ nhất nhà thơ nhìn cảnh vật bằng niềm lạc quan yêu đời thì sang khổ hai, tâm trạng thi nhân dần có sự đổi khác, từ cảm xúc niềm vui chuyển đổi đột ngột sang lo âu đau buồn khi tác giả mặc cảm với thân phận ở đó ta thấy được khát khao chờ đợi một cách tuyệt vọng.

“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Thôn Vĩ Dạ nằm ngay bờ sông Hương êm đềm. So với tả cảnh làng quê ở khổ thơ đầu hé mở tình yêu, tác giả chuyển sang tả cảnh sông với niềm bâng khuâng, nỗi nhớ sầu mong.

Hàn Mặc Tử đã sử dụng phép nhân hóa làm dòng sông như chở nặng nỗi buồn sầu của nhà thơ. Nỗi buồn của thi nhân nhường như phủ khắp cả cảnh vật, “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Gió và mây là hai sự vật luôn sánh đôi như cá với nước nhưng ở đây Hàn Mặc Tử đã diễn tả gió mây chia lìa, xa cách: “gió theo lối gió, mây đường mây”. Hình ảnh thiên nhiên không hòa hợp do mặc cảm về thân phận.

Hai câu thơ tiếp theo, thi nhân đưa người đọc vào cõi mộng mơ, đưa người đọc vào không gian ngập đầy ánh trăng. Hình ảnh “bến sông trăng” gợi vẻ đẹp lãng mạn huyền ảo không thực.

Câu hỏi “Có chở trăng về kịp tối nay?” đó là hiện thân cho nỗi lo sợ của tác giả, sợ quỷ thời gian ít ỏi của mình mà khát vọng giao cảm với cuộc sống vẫn đong đầy, thiết tha.

Mặc dù sống trong mơ nhưng thi nhân không mất hy vọng mà vẫn mong ước:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Câu thơ “mơ khách đường xa, khách đường xa” thể hiện sự xa xôi, cách trở về thời gian và cả không gian. Màu trắng tượng trưng cho vẻ đẹp trong trắng, tinh khôi của cô gái Huế, màu trắng ở đây cũng đã hóa thành màu của ảo ảnh “áo em trắng quá nhìn không ra” thể hiện sự hư ảo, mơ hồ về hình ảnh người xưa nên tác giả rơi vào trạng thái hụt hẫng, xót xa.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, nơi mà Hàn Mặc Tử dưỡng bệnh, ông luôn xem là tù ngục giam lỏng mình. Bởi thế câu thơ như vừa mơ, còn kỉ niệm cứ chìm vào nơi xứ Huế nơi đó giai nhân trong mộng đang lẫn trong màu khói xường của kỉ niệm.

Câu hỏi cuối khổ thơ vang lên đầy hoài nghi, đầy khắc khoải về một mối tình vô vọng: “Ai biết tình ai có đậm đà?”, đây là sự hoài nghi của người yêu đời tha thiết. Nhà thơ bộc lộ nỗi cô đơn, trống vắng khi hoài niệm về quá khứ hay ước vọng không thể, nhà thơ càng thêm đau đơn, điều đó chứng tỏ tình yêu tha thiết cuộc sống của một con người, khát khao yêu thương và gắn bó cuộc đời.

Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh vẽ đẹp về miền quê đất nước, là một tác phẩm nói lên mối tình đơn phương vô vọng nhưng cũng rất đỗi thiết tha, yêu đời.

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 2

Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn thề”.

Ai đã từng sinh ra và lớn lên trên cõi đời này mà không biết đến “lời rao trăng” của Hàn Mặc Tử - một tên tuổi đã in thật sâu trong lòng độc giả. Tử được biết đến là “một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại, đau đớn, dường như có một cuộc vật lộn và giằng xé dữ dội giữa linh hồn và xác thịt”. Tử “đã tạo ra cho thơ mình một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái và xa lạ với cuộc đời thực. Có lẽ vì thế mà trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã xếp Hàn Mặc Tử vào nhóm thơ “kì dị” cùng với Chế Lan Viên. Tuy vậy, bên những dòng thơ điên loạn ấy, vẫn có những vần thơ trong trẻo đến lạ thường. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ như thế! Vĩ Dạ được ví như lời tỏ tình với cuộc đời của một tình yêu tuyệt vọng, yêu đơn phương nhưng ẩn sâu bên trong đó lại là cả một khối u hoài của tác giả.

Theo thi sĩ Quách Tấn – bạn thơ của Hàn Mặc Tử thì bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được gợi cảm hứng từ tấm bưu ảnh của người con gái có tên Hoàng Cúc - một người con gái dịu dàng thướt tha của xứ Huế. Một kiệt tác của đời thơ Hàn, một bài thơ trong trẻo hiếm hoi được Hàn làm trong chuỗi ngày đau thương, tăm tối nhất của đời mình. Đó là ngày tháng Hàn đang phải tự cách li cộng đồng, sống đơn côi trong một xóm vắng Bình Định để chữa căn bệnh “quái ác” như người đời xưa vẫn gọi.

Xứ Huế không biết từ khi nào đã là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nghệ sĩ. Từ âm nhạc, hội họa, đến kí... thể loại nào cũng để lại “dấu” riêng. Không ít người đã phải thốt lên rằng: “Đã bao lần đến với Huế mộng mơ, tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt” hay “Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón, em cầm trên tay ra đứng bờ sông... ”, Huế có trong câu hát vần thơ, có trong lòng mọi người và nay lại có trong thơ Hàn Mặc Tử. Câu thơ mở đầu là một câu hỏi mang nhiều sắc thái:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Như vừa hỏi, vừa nhắc nhở, vừa trách móc nhưng đó còn là một lời giới thiệu và mời gọi mọi người. Câu thơ có bảy chữ nhưng chứa tới sáu thanh bằng đi liền nhau làm cho âm điệu trách móc cứ dịu nhẹ đi, trách đấy mà sao tha thiết, bâng khuâng thế! Nhưng ai trách, ai hỏi? Phải chăng là Hoàng Cúc - người con gái thôn Vĩ mà Tử đã thầm yêu trộm nhớ bấy lâu. Không! Không phải Hoàng Cúc. Câu hỏi ấy chính là của chủ thể trữ tình Hàn Mặc Tử, từ nỗi lòng da diết với Huế để rồi vút lên câu hỏi tự vấn khắc khoải ấy. Tử phân thân để hỏi chính mình về một việc cần làm, đáng ra phải làm từ lâu - đó là về lại thôn Vĩ, thăm lại cảnh cũ người xưa nhưng lại chưa làm được mà giờ đây Tử không biết mình còn có cơ hội đó nữa hay không. Nhớ lắm, thương lắm, khao khát lắm nhưng cũng đầy mặc cảm và hoài nghi về khả năng thực hiện ao ước của mình. Vậy có còn cách nào cho thỏa ước ao? Cơ hội về lại Vĩ Dạ cơ hồ không còn nữa. Tử đã chủ động cách ly, tuyệt giao với cuộc đời nhưng tuyệt giao mà không tuyệt tình, thi sĩ đã trở về Vĩ Dạ bằng con đường hoài niệm và nhờ tưởng tượng chắp cánh cho tình yêu. Những hình ảnh đẹp đẽ nhất về Vĩ Dạ, về Huế lập tức sống dậy trong ký ức nhà thơ:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Vĩ Dạ hiện lên trong kí ức Hàn Mặc Tử thật giản dị mà sao đẹp quá! Bằng tình yêu thiên nhiên của mình, Tử đã mở ra trước mắt ta một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Thôn Vĩ nói riêng và Huế nói chung được đặc tả bằng ánh sáng của buổi bình minh và một vườn cây quen thuộc. Đây là ánh nắng mà ta có thể bắt gặp trong bài “Mùa xuân chín ” của tác giả:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”.

Nắng trong thơ Hàn Mặc Tử thường lạ, đầy ấn tượng với những “nắng tươi”, “nắng ửng”, còn ở thôn Vĩ là “nắng mới lên”. Đó là thứ nắng mai tinh khôi, tươi tắn, trong trẻo khiến cho thiên nhiên thêm ấm áp, tràn đầy sự sống. Ai đã từng sống với cau, dễ thấy cau là một thứ cây cao, thậm chí ở mảnh vườn nào đó, có thể là cao nhất. Vì thế cau là cây đầu tiên nhận được những tia nắng sớm mai đầu tiên. Nắng mai rót vào vườn cứ đầy dần lên theo từng đốt, từng đốt của thân cau. Đến khi tràn trề thì nó biến cả khu vườn xanh thành viên ngọc lớn. Khu vườn với vẻ xanh mướt, tốt tươi, mượt mà, đầy sức sống như được bàn tay ai đó chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chiếc lá. Chẳng những thế, khu vườn ấy còn vừa được gội sương đêm giờ ánh lên màu xanh ngọc long lanh dưới ánh mặt trời khiến thi sĩ không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ. Giữa khung cảnh đó, con người xuất hiện làm cho thiên nhiên đã đẹp lại trở nên có linh hồn. Đó là hình ảnh con người xứ Huế với gương mặt “chữ điền” thấp thoáng sau lá trúc. Nhà thơ không tả thực mà gợi bằng ấn tượng cốt để lộ thần thái của con người nơi đây với vẻ đẹp phúc hậu mà ý nhị, kín đáo. Vẫn là khu vườn đó hàng ngày, quen thuộc trong cấu trúc nhà vườn đặc trưng của xứ Huế ai chẳng biết, vẫn là con người đó mà sao qua ngòi bút của Hàn Mặc Tử trở nên mới lạ, có hồn và hấp dẫn đến vậy! Có lẽ, ở đây không phải chỉ là vấn đề góc nhìn, kỹ thuật tả cảnh, tả người điêu luyện mà hơn hết là ở cái tình, ở lòng yêu tha thiết của thi nhân đối với cảnh và người xứ Huế.

Vẫn là tình yêu đời đó, nhưng đến khổ thơ thứ hai, đã bộc lộ thành dạng thức khác với những thi ảnh không còn đẹp đẽ, ấm áp mà tan tán, chia lìa:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

Hai câu thơ nói tới một thực tại phiêu tán. Tất cả dường như đang bỏ đi, gió bay đi một lối, mây trôi đi một đường … Hình ảnh thơ chứa đựng sự phi lý nếu đem quy luật tự nhiên ra mà xem xét bởi lẽ thường thì gió thổi mây bay, gió và mây cùng đường, ở đây bỗng tan tác, chia lìa. “Gió” và “mây” bị đẩy về hai phía tận cùng của câu thơ, gợi lên sự cách xa vời vợi mà theo xu thế chuyển động thì càng lúc càng xa, cảm giác trống vắng dâng đầy cả câu thơ. Mượn hình ảnh mây và gió, tác giả mụốn nói lên tâm trạng của chính mình, về sự xa cách của mình với cuộc sống trần gian tươi đẹp và cũng có thể sự xa cách đó là vĩnh viễn bởi Hàn Mặc Tử bây giờ đã là một phế nhân, đang nằm chờ cái chết. Còn dòng sông (xưa nay vẫn được hiểu là sông Hương) thì mang một gương mặt ủ ê, “buồn thiu”, chừng như không một gợn sóng. Tử đã khéo léo khoác lên dòng sông biện pháp nhân hóa, khiến “dòng nước buồn thiu”. “Dòng nước buồn” vì tự mang trong lòng một tâm trạng buồn hay nỗi buồn chia phôi của gió - mây đã bỏ buồn vào dòng sông? Chẳng riêng dòng sông mà hình ảnh “hoa bắp lay” cũng gợi trong ta một nỗi buồn hiu hắt - một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất. Và phía sau mây, gió, đất, nước chính là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, tất cả bây giờ chỉ còn lại trong mộng tưởng.

Trên cái xu thế đang trôi đi, bay đi, chảy đi, phiêu tán ấy, Hàn Mặc Tử mong có một thứ có thể ngược dòng “về” vớí mình, ấy là trăng:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Xưa nay, con thuyền và dòng sông là những hình ảnh quen thuộc trong thi ca, nhất là dòng thi ca về Huế. Nhưng cái lạ, cái hay trong thơ Hàn ấy là hình ảnh con thuyền “chở trăng” trôi trên dòng “sông trăng”. Liên tưởng phong phú, tinh tế của thi nhân đã tạo ra những hình ảnh trôi giữa đôi bờ thực - ảo. Không biết dòng nước đang hoá mình thành dòng trăng hay ánh trăng đang tan mình thành nước, chỉ biết rằng dòng sông đã trở thành một dòng ánh sáng tự lúc nào, bến sông trở thành “bến trăng” và con thuyền cũng chở đầy trăng. Hình ảnh thực biến thành hình ảnh mộng tưởng, đẹp lung linh, hư thực huyền hồ. Nhưng Hàn Mặc Tử vẫn khao khát có được trăng, mong con thuyền chở trăng kia có thể về “kịp” với mình trong “tối nay”. Toàn bộ hi vọng của Hàn đặt cả vào con thuyền chở trăng đó, hi vọng mà sao vẫn có gì phấp phỏng, âu lo. Sức nặng của câu thơ nằm trong từ “kịp”, giản dị, khiêm nhường, không bóng bẩy, không cầu kỳ mà sâu sắc. Nó gợi cảm giác âu lo, phấp phỏng. Nó chứa đựng nỗi ám ảnh lớn về thời gian. Nó hé mở mặc cảm về một hiện tại ngắn ngủi. Hình như Hàn Mặc Tử đã chờ trăng từ lâu lắm, và đã cảm nhận được sắp đến lúc không thể chờ được nữa, con người có thể bị bứt lìa khỏi đời sống bất cứ lúc nào, ngay cả khi chưa kịp tận hưởng vẻ đẹp của trăng, sự thơ mộng của cuộc đời. Cho nên cùng với mặc cảm cuộc đời ngắn ngủi, từ “kịp” còn hé mở cho người đọc thấy một tâm thế sống của Hàn Mặc Tử: sống là chạy đua với thời gian, tranh thủ từng giây từng phút trong cái quỹ thời gian đang vơi đi từng khắc, từng ngày của mình vì một cuộc chia lìa vĩnh viễn đang đến rất gần… Sống là hối hả chạy đua với thời gian, điều này Hàn Mặc Tử gặp gỡ Xuân Diệu, bởi cả hai nhà thơ đều yêu cuộc sống đến thiết tha, cháy bỏng, đều trân trọng, quý giá từng khoảnh khắc sống ở trần gian. Nhưng tâm thế sống của mỗi người một khác. Cái tôi Xuân Diệu cảm nhận về “cái chết” luôn chờ mỗi người ở “cuối con đường”, nên tranh thủ sống mà tận hưởng “tối đa” hạnh phúc trần thế. Còn cái tôi Hàn Mặc Tử, cảm nhận về “cái chết” đã “cận kề” nên “được sống” không thôi đã là hạnh phúc.

Tiếp nối mạch thơ trên, khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong cái mênh mông, bao la của đất trời. Đó là sự hi vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Nếu tình yêu đời ở hai khổ thơ trên chủ yếu hướng tới cảnh, thì khổ thơ cuối bài thơ khép lại bài thơ bằng tình yêu hướng tới con người, nếu ở trên là vườn đẹp, trăng đẹp thì ở đây là người đẹp. Dễ dàng thừa nhận hình ảnh “khách đường xa” ở đây chính là đối tượng mà cái tôi chủ thể hướng tới. Có thể là Hoàng Cúc (người gửi bưu ảnh, người Hàn thầm thương trộm nhớ), là cô gái xứ Huế (nữ sinh Đồng Khánh với sắc áo trắng tinh khôi), mà cũng có thể là người đời nói chung. Dù hiểu con người là ai đi nữa thì ta vẫn thấy giữa thi nhân và họ khoảng cách xa xôi vời vợi. Xa vì là “khách”, xa hơn chút nữa vì ở trên “đường xa”, lại xa hơn nữa vì sắc áo “trắng quá”, trắng đến không thực, đến hư ảo, đến nao lòng, và xa xôi vời vợi đến mức không thể nắm bắt, không thể với tới khi lẫn vào “sương khói”. Những hình ảnh ấy lại không phải là thực, lại chỉ là “mơ”.

Tất cả lúc này chỉ còn lại mờ mờ, ảo ảo. Tử cố níu kéo, cố bám víu nhưng nhưng không được vì cảnh và đời chỉ toàn là “sương” với “khói”. Cảm giác như chới với, hụt hẫng nên có lúc thi sĩ rơi vào hoài nghi:

“Ai biết tình ai có đậm đà?”

Hai đại từ phiếm chỉ “ai” hướng tới hai đối tượng: chủ thể trữ tình và đối tượng mà chủ thể trữ tình muốn giãi bày, dù hiểu thế nào, dù “ai” có là “ai” đi nữa thì cuối cùng vẫn chỉ là cái tình ấy, của cái tôi ấy – Hàn Mặc Tử, trên chuyến hành trình bất đắc dĩ đã gần đến cõi “thượng thanh khí”, vẫn cứ đau đáu, tha thiết, khắc khoải ngoảnh lại cuộc đời để mà yêu, mà gắn bó. Yêu đời đã là quý, yêu trong tuyệt vọng, càng tuyệt vọng lại càng yêu, một thứ tình yêu được thử thách và vượt lên trên cái chết, tình yêu đó chẳng đáng quý bội phần sao?

“Đây thôn Vì Dạ” là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, tác giả Hàn Mặc Tử đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống và ẩn trong đó là nỗi lòng của chính nhà thơ: nỗi đau đớn trước sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Dù vậy ta vẫn thấy sau nỗi niềm ấy là một Hàn Mặc Tử với tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, nồng cháy và một khát vọng về cuộc sống ấm tình bởi Tử mang trong mình một trái tim suốt cuộc đời luôn thổn thức tình yêu.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử ngưng mình, lắng đọng trong tập “Thơ Điên” và khép lại trên giá sách bạn đọc. Nhưng dư ba về cảm xúc có lẽ cứ nhói lên mà sống dậy trong lòng độc giả. Cái khắc khoải, khôn nguôi đến khó tả bởi ta nhận ra một niềm yêu trong nỗi đau. Đó là tình yêu say đắm của một người thi sĩ với cuộc đời trong tấn bi kịch đau đớn khi sắp phải chia lìa, cách biệt với cuộc đời.

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ học sinh giỏi - Mẫu 3

Trong phong trào thơ Mới, Hàn Mặc Tử là một trong những cái tên nổi bật nhất với lối thơ đặc biệt vừa lãng mạn tươi trẻ, vừa bi thương day dứt, tất cả đều đến từ cuộc đời có quá nhiều đớn đau, chua xót của người nghệ sĩ trẻ bạc mệnh. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những sáng tác nổi bật và xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử, đồng thời cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới. Bài thơ mang đậm dấu ấn sáng tác của tác giả khi vừa chứa đựng những nội dung trong sáng, thanh khiết vô ngần, bộc lộ tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời tha thiết, đồng thời cũng bộc lộ những nỗi ám ảnh, tiếc nuối của tác giả trước số phận nghiệt ngã của bản thân thông qua những vần thơ kỳ dị, phức tạp đan xen giữa cảnh thực và cảnh mơ.

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ tài năng nhưng có cuộc đời nhiều bất hạnh đắng cay, khi ông không may mắc phải căn bệnh phong quái ác khi tuổi đời còn trẻ, sự nghiệp đang thời kỳ nở rộ nhất, đặc biệt trong tình yêu Hàn Mặc Tử cũng lại là người kém may mắn khi phải chịu nhiều thương tổn, day dứt. Trong giai đoạn cuối đời, ông trở về mảnh đất Quy Nhơn để chữa trị thì bỗng nhận được tấm bưu thiếp có in hình phong cảnh Huế, trên bức thiếp ấy là những dòng chữ nhắn gửi của nàng Kim Cúc, cô gái mà Hàn Mặc Tử vẫn thường nhung nhớ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã dấy lên trong cõi lòng cô độc của người nghệ sĩ những xúc cảm hạnh phúc, vui tươi, lòng ông dào dạt những tình cảm nhớ mong Huế, nhớ về một xứ Huế đẹp tươi, đồng thời bộc lộ tấm lòng khao khát sống, khao khát hạnh phúc đến tột cùng thông qua những vần thơ đầu thật tươi sáng, trong trẻo.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Mở đầu bài thơ là một lời hỏi ngỏ rất dễ thương, đậm chất xứ Huế “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”, đó có thể là lời hờn trách vu vơ của một người con gái mong ngóng mãi người thương về thăm Huế, thăm mình cho thỏa nỗi nhớ mong, rồi ấy cũng có thể là một lời mời mọc thân tình của một người bạn xa, muốn tác giả một lần về lại Huế, thăm lại chốn cố đô yên bình. Rồi sau thẳm trong lời hỏi ngỏ ấy, ta cũng dường như nhìn thấu lòng tác giả, Hàn Mặc Tử phải chăng cũng đang hỏi chính bản thân sao không về thăm lại chốn quê cũ, thể hiện sự bất lực trước bệnh tật, trước hoàn cảnh éo le của bản thân.

Trong dòng hồi tưởng, thôn Vĩ của Hàn Mặc Tử đã hiện ra với một hình ảnh đặc trưng, ấy là những khu vườn với hàng cau thẳng tắp đón nắng lên. Hình ảnh “nắng hàng cau” là một hình ảnh đặc biệt, có tính khái quát và ấn tượng, nắng hàng cau tức là nắng buổi sớm, mặt trời đã lên khá cao, đương độ ấm áp nhất, và cũng không nóng gắt như buổi ban trưa. Giữa khung cảnh ấy, ánh nắng bao trùm không gian, phủ lên những ngọn cau xanh một màu vàng nhạt, mở ra một không gian trong trẻo, tràn đầy sức sống, cũng như sự thanh bình, yên tĩnh nơi làng quê. “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, từ phiếm chỉ “vườn ai” đã đem vào cho bức tranh thiên nhiên thêm sự ấm áp của tình người, bên cạnh cái ấm áp của nắng sớm, khung cảnh càng trở nên hài hòa khi có sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên.

Những tính từ “mướt quá”, “xanh như ngọc” đều là những nét vẽ thật tài tình và đầy tinh tế của Hàn Mặc Tử khi nhớ về thôn Vĩ Dạ, chúng đã khéo léo, mở ra một bức tranh thiên nhiên dịu dàng, sinh động, trong trẻo, tinh khiết và tràn đầy sức sống. Ấy là cái non tươi mỡ màng của cây lá, là sự trong lành mát mẻ của những giọt sương sớm còn đọng lại sau một đêm dài, mà dưới cái nắng ấm áp chúng ánh lên thật đẹp như những ngọc ngà châu báu, khiến người ta không khỏi suýt xoa ngỡ ngàng. Đến câu thơ cuối, bút pháp thi trung hữu họa đã thực sự làm rõ và nổi bật vẻ đẹp của con người xứ Huế trong bức tranh quê, “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, lấy cái sự mảnh nhỏ, vắt ngang của lá trúc để làm nổi bật lên khuôn mặt chữ điền, phúc hậu, dịu dàng và thông minh của người con gái Huế, đó có thể cũng là bóng hình mà Hàn Mặc Tử vẫn thường nhung nhớ, một con người với những vẻ đẹp cổ điển và tâm hồn đáng quý, đại diện cho cả một vùng đất với những con người thân thương mà tác giả ngày đêm hướng về.

Nếu như ở khổ thơ đầu tiên, Hàn Mặc Tử nhìn đời, nhìn người với tinh thần tích cực, lạc quan, tràn đầy hy vọng, bằng bức tranh thiên nhiên tươi sáng, trong trẻo, thì đến khổ thơ tiếp theo, mạch cảm xúc của tác giả đã nhanh chóng thay đổi theo sự thay đổi giữa ngày và đêm, giữa hai bức tranh thiên nhiên hoàn toàn khác biệt với những gam màu mới.

“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Từ bức tranh thiên nhiên tươi sáng, với những gam màu ấm áp, thanh mát, giản dị, Hàn Mặc Tử đã chuyển ngay sang khung cảnh đêm tối với bức tranh sông nước mênh mông lạnh lẽo, sâu kín thể hiện sự trống trải, cô độc đang len lỏi trong lòng tác giả. Hình ảnh “Gió theo lối gió mây đường mây” là hình ảnh buồn, lạc lõng, gợi sự chia ly, tan rã không ngày gặp lại. Rõ ràng gió và mây là hai thực thể luôn gắn liền, gió thổi kéo mây bay, dường như gắn bó như hình với bóng, ấy thế mà trong thơ Hàn Mặc Tử gió và mây lại tách biệt, hai thứ hai nơi dường như chẳng chút liên hệ. Phải chăng đây là ẩn ý cho mối tình của ông với nàng Kim Cúc, hai người giờ đây đã dường như cách biệt phương trời, và rồi mai đây nữa chính là âm dương chia cắt. Rồi cảnh mây gió ấy cũng lại gợi liên tưởng đến sự liên quan của tác giả với thế gian, dường như giây phút này, ông cũng đã bắt đầu cảm nhận được bản thân không còn nhiều thời gian, dường như sự sống đối với ông ngày càng xa cách, cuộc đời trần thế của ông có lẽ cũng chẳng còn nhiều nữa. Chính những suy nghĩ và hiện thực đã càng dày vò thêm trái tim mới vừa được thắp lên hy vọng của Hàn Mặc Tử. Một tấm thiếp đã khiến ông vui, tưởng chừng đã thoát khỏi cái u mê, tăm tối của cuộc đời, thế nhưng nó vẫn không thể chiến thắng được sự nghiệt ngã của số phận và bản thân ông bị buộc phải tỉnh mộng quay trở về với thực tại đau thương.

Đến câu thơ tiếp theo “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”, thực đúng với câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” của Nguyễn Du, trước nỗi buồn số phận, Hàn Mặc Tử nghĩ về dòng sông Hương hiền hòa, đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, ông dường như thấy dòng nước ấy cũng như đang hiểu được nỗi buồn của mình, lặng lẽ buồn thiu, một nỗi buồn âm thầm không biết tỏ bày cùng ai, cô độc, lạc lõng không một người bầu bạn. Hình ảnh “hoa bắp lay” là một hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt, hoa bắp vốn là loài hoa không sắc, không hương, mờ nhạt lại nhanh héo tàn. Nó dường như chính là hình ảnh cuộc đời của Hàn Mặc Tử lúc cuối đời, tàn úa chỉ mặc cho gió lung lay mà không thể chống đỡ lại số phận, điều đó khiến cho người ta không khỏi xót xa cho cuộc đời người nghệ sĩ bạc mệnh, cũng như những nỗi đau mà ông đã phải chịu đựng trong suốt cuộc đời.

Đang trong lúc buồn khổ, tuyệt vọng và cô đơn nhất Hàn Mặc Tử lại nhớ đến trăng, người bạn tri kỷ duy nhất ông có thể tâm tình và thấu hiểu ông. Cảnh bến thuyền, ánh trăng sáng là một trong những hình ảnh thường thấy xuất hiện trong thơ ca cổ điển, miêu tả cảnh sông nước thanh vắng, êm đềm, và có đôi chút hiu quạnh. Đến trong thơ của Hàn Mặc Tử cảnh tượng này độc đáo và sáng tạo hơn với câu hỏi “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?”, ấy là một câu hỏi đầy tâm sự, giữa cảnh sông nước mênh mông, ánh trăng loang vàng khắp mặt nước, có một chiếc thuyền lặng lẽ nằm yên, thật thơ mộng trữ tình biết mấy. Lòng Hàn Mặc Tử lại không được yên bình như thế, người vội hỏi thuyền ai neo bến, người vội hỏi có mang trăng về kịp không, có mang người bạn tâm giao về kịp không. Dường như ta thấy Hàn Mặc Tử đang vội vã, lo lắng, lòng ngập tràn nỗi hoang mang, sợ rằng bản thân không còn nhiều thời gian nữa, không còn có thể chờ kịp ánh trăng về chiếu rọi lòng ông. Càng đọc, càng hiểu sâu tấm lòng người thi sĩ, càng biết được những mối lo, những nỗi cô đơn, bất lực của ông ta lại càng thương cho một kiếp người nhiều đớn đau, khi cả tình yêu, cả sự sống đều nằm ngoài tầm tay với. Tất cả những nỗi đau trong thơ, những tuyệt vọng về cuộc đời của Hàn Mặc Tử đều bộc lộ thực rõ tấm lòng khao khát sự sống, khao khát tình yêu đến quằn quại, dù rằng trong thâm tâm tác giả đã nhiều lần buông bỏ, chấp nhận số phận, thế nhưng chỉ cần có một chút niềm tin, thì tấm lòng ấy lại rạo rực, vui sướng hơn bao giờ hết. Dù rằng tất cả cũng như pháo hoa rực rỡ, đẹp, nhưng chóng nở chóng tàn.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”

Đang từ cõi thực, Hàn Mặc Tử chuyển bước vào cõi mơ, thể hiện rất rõ cái hông thơ phức tạp và khó hiểu bậc nhất của mình trong làng thơ ca Việt Nam đương đại. “Mơ khách đường xa khách đường xa”, đó cũng là một câu thơ mập mờ, không rõ ý, “khách đường xa” được lặp lại hai lần, như nhấn mạnh sự xuất hiện của nhân vật này, tuy nhiên càng nêu bật lại càng mờ mịt. Vị khách ấy là từ trong mơ, không rõ mặt, không rõ diện mạo, chỉ biết là họ đang ngày càng xa tầm với, xa mãi không trở lại, ám chỉ sự vô vọng của Hàn Mặc Tử trong mối tình với nàng Kim Cúc xứ Huế, cũng như sự tồn tại của ông trên cõi đời ngày càng trở nên mong manh, mờ mịt. Tác giả đã cách nhân thế rất xa, dần trở thành một vị khách xa lạ, đi một chặng đường ngắn ngủi chừng 28 năm, rồi rời đi vô thanh, vô sắc, liên tưởng ấy khiến người ta vừa ám ảnh, vừa xót xa cho cuộc đời người thi sĩ.

Đến câu thơ tiếp “Áo em trắng quá nhìn không ra”, là bóng dáng chập chờn của người con gái ông yêu trong tiềm thức, bộc lộ khoảng cách ngày một xa xôi giữa ông và nàng, đó không chỉ là khoảng cách về địa lý, mà còn là khoảng cách tâm hồn, khoảng cách sinh ly tử biệt không thể vãn hồi. Chính những khoảng cách ấy, đã khiến Hàn Mặc Tử ngày càng tuyệt vọng, và bóng dáng cô gái năm xưa ngày càng trở nên mờ mịt, ông nhìn không rõ, sờ không được, muốn mà không thể chạm tới đầy xót xa. Để giải thích cho cái sự mờ nhạt, không rõ của nhân vật “em”, tác giả đã viết “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, nhằm xóa bớt khoảng cách, vịn vào lý do sương khói mờ mịt xứ Huế làm ông không thể thấy rõ, thế nhưng nó lại càng nhấn mạnh vào cái sự mờ mịt, bế tắc và tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử trước cuộc đời, khi chính bàn tay ông cũng chẳng thể nào vén lớp sương mù để tìm thấy bóng hình yêu thương, cũng chẳng thể chống lại số mệnh từ chối cái chết.

Sự đớn đau, mặc cảm số phận đã khiến tác giả không thể mở lòng mình để hiểu rõ tình cảm của nàng Kim Cúc, cũng như chẳng thể đưa bản thân thoát khỏi những mộng tưởng dày đặc, trước tình cảnh ấy ông chỉ còn có thể thốt lên “Ai biết tình ai có đậm đà?”, đó như là lời gửi đến người con gái phương xa liệu có còn nhớ mong kẻ tội nghiệp này, rồi cũng là lời trách móc nhiều đau thương khi lòng ông lo sợ Kim Cúc vốn đã không còn mặn mà với đoạn tình cảm này từ lâu. Cuối cùng ấy còn có thể là lời yêu ông muốn nhắn gửi một cách thật ý nhị, kín đáo vì biết mình không còn sống được bao lâu đến cô gái xứ Huế, ông muốn nàng biết tình cảm của mình, lại cũng muốn nàng không biết, sự phức tạp và mâu thuẫn ấy chính là xuất phát bởi một tâm hồn có quá nhiều thương tổn, đồng thời đang tiến dần những ngày cuối của cuộc đời trần thế, chính lẽ đó người ta không thể có quá nhiều tự tin, hay là gieo rắc hy vọng, tình yêu cho một ai khác. Chi bằng tự ôm lấy nỗi đau, tình yêu tuyệt vọng ấy một mình cho đến hết cuộc đời ngắn ngủi.

Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những tác phẩm xuất sắc và đặc biệt nhất trong suốt đời thơ của Hàn Mặc Tử khi chứa đựng đầy đủ phong cách sáng tác của ông, đồng thời nội dung thơ ấn tượng với nhiều xúc cảm phong phú được thể hiện trong các bức tranh thiên nhiên từ sáng sớm đến tối muộn, từ cảnh thực đến cảnh mơ. Bộc lộ được tài năng sáng tác, cũng như một tâm hồn dù có chịu nhiều đau thương, bất hạnh, thế nhưng Hàn Mặc Tử vẫn giữ gìn vẹn nguyên được tấm lòng yêu cuộc sống, những khao khát hạnh phúc, tình yêu thực giản dị, dù rằng điều đó đối với người nghệ sĩ đã là quá xa tầm với.

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất - Mẫu 4

Nhắc đến Hàn Mặc Tử không thể không nhắc đến bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ- một trong những tuyệt phẩm bất hủ của ông. Bài thơ được bắt nguồn cảm hứng từ bức bưu ảnh của Hoàng Thị Kim Cúc- người con gái ông từng thầm yêu. “Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác trong thời gian ông đang điều trị bệnh ở Quy Hòa nên mỗi tứ thơ trong câu từ của tác phẩm đều mang một nỗi niềm khát khao được giao cảm của nhà thơ.

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

Câu hỏi tu từ được sử dụng mở đầu bài thơ thể hiện sự trông ngóng, nỗi mong chờ của người con gái đang thôn Vĩ. Câu hỏi vừa như lời trách móc kèm chút hờn dỗi, lại vừa như lời mời gọi, mong đợi. Lời thơ nhẹ nhàng như tiếng lòng của người xứ Huế, vừa da diết lại quá đỗi dịu dàng.

Sau câu hỏi từ từ là bức tranh tươi đẹp của thôn Vĩ hiện lên đầy sống động, tươi mắt, tinh khôi:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Phải chăng vì lời mời gọi thiết tha ấy, mà dù đôi chân không thể bước về Huế, Hàn Mặc Tử vẫn quyết trở về trong tâm thức để ngắm nhìn và tận hưởng vẻ đẹp của chốn cũ, người thương. Hình ảnh đầu tiên ta là “nắng hàng cau”- một màu nắng thật đặc biệt trong thơ ca. Đó là cái nắng đầy mới mẻ, trong trẻo của buổi sớm bình minh xứ Huế- “nắng mới lên”, những hàng cau vừa thức giấc sương còn đọng trên lá long lanh dưới nắng ban mai. Từ xa ngắm nhìn nắng hàng cau, khi tới gần, được cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của cảnh vật. Màu xanh ngọc bích vừa tươi tắn vừa sang trọng được gợi lên từ vẻ đẹp khu vườn. Tính từ “mướt” càng gợi lên vẻ non tơ, mềm mại, mỡ màng nhựa sống của cây lá. Phải chăng, mảnh vườn được tưới tắm bởi hương vị của tạo hoá, được chăm sóc bởi bàn tay khéo léo của con người mà đẹp càng thêm đẹp, tươi càng thêm tươi. Bóng dáng người con gái kín đáo, e ấp bước ra từ khu vườn cổ tích, ẩn hiện dưới lá trúc xanh lại càng tôn lên vẻ đẹp của không gian và con người đất Huế. Ẩn sâu trong từng lời thơ trong sáng, thanh thoát và tươi tắn ấy là một tâm hồn với khát khao mãnh liệt được giao cảm, được trở về chốn cũ, gặp lại người xưa sau những tháng ngày xa cách. Nhưng có lẽ điều đó thật khó có thể có được.

Nếu khổ thơ đầu gợi cho ta ấn tượng về buổi sáng trong ngần thì khổ thơ thứ hai cho dẫn chúng ta về với không gian thuyền nước, sông trăng vào buổi xế chiều- đêm tối:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Gió và mây gợi sự trôi nổi, lang thang, biện pháp đối “gió theo lối gió, mây đường mây” càng nhấn mạnh sự chia lìa đôi ngả. Phải chăng, đó là hình ảnh ẩn dụ cho sự xa cách của nhà thơ với người mình thầm thương mến, dù yêu nhưng không thể cùng là bạn đồng hành trong quãng đời ngắn ngủi còn lại của kiếp người. Nghệ thuật nhân hóa “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” càng khẳng định nỗi sầu giăng trong lòng người thi sĩ, nỗi buồn thấm vào cảnh vật, hay chính tâm hồn nhà thơ đang sầu muộn, mà cảm nhận thiên nhiên cũng sầu thương, buồn bã đến nặng lòng, bởi vốn dĩ:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Nếu khổ thơ đầu, nỗi buồn nhẹ nhàng, cảnh vật còn mang sự tươi tắn thì đến với khổ thơ hai, cảnh vật nhuốm màu buồn hơn, nỗi buồn và cô đơn cũng vì thế mà thấm đẫm hơn:

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"

Chữ "kịp" được đặt trong câu hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay?” cho thấy được nỗi hoài vọng của tác giả về một hạnh phúc, về một người có thể cùng thi nhân giao cảm. Trong câu thơ, ta thấy được sự bất lực trước thời gian của tác giả. Dường như, nhà thơ đã đem nỗi mặc cảm về căn bệnh quái ác của bản thân vào trong cả tứ thơ của mình.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra.”
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.”

Từ “mơ” được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh giấc mộng của tác giả về một điều đẹp đẽ, có vị khách đường xa tới thăm, cùng đồng điệu, tâm sự với kẻ cô đơn trong cảnh bệnh tật. Điệp từ “khách đường xa” được lặp lại càng khẳng định khao khát được gặp gỡ của Hàn Mặc Tử nhưng có lẽ giấc mộng ấy chẳng thể nào thành bởi vị khách đã xa lại càng xa.

Bằng ngòi bút đầy tài năng và nội tâm phong phú của mình, Hàn Mặc Tử đã mang đến cho độc giả những vần thơ đẹp đẽ. Trong chữ có tình, trong tình có chữ, những cảm quan đầy tinh tế gợi cho người đọc bao dư vị về tình đời qua bài thơ.

Đây thôn Vĩ Dạ phân tích - Mẫu 5

Hàn Mặc Tử là một trong những cây bút tài năng xuất sắc. Những tác phẩm của ông thường ít tả và kể mà thương hướng tâm, hướng nội. “ Đây thôn Vĩ Dạ” – một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong trái tim của độc giả. Bài thơ được sáng tác trong thời gian Hàn Mặc Tử đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ không chỉ thể hiện nỗi nhớ, tình yêu đối với người con gái xứ Huế ông thầm thương, với mảnh đất đẹp nơi thôn Vĩ mà ẩn sâu trong đó còn có cả sự cô đơn, nuối tiếc và nỗi buồn chất chứa trong trái tim tác giả.

Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ ẩn chứa nhiều ý nghĩa, đã tốn không ít giấy mực của các nhà các phê bình văn học:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”

Có ý kiến cho rằng, nhà thơ Hàn Mặc Tử khi đang nằm điều trị căn bệnh nan y, người con gái tên Hoàng Thị Kim Cúc mà ông thầm thương trộm nhớ đã gửi cho nhà thơ một tấm bưu ảnh với vài lời thăm hỏi trong đó có hỏi nhà thơ sao bấy lâu không về thăm thôn Vĩ. Nếu hiểu theo hoàn cảnh này, có lẽ nhà thơ đã mượn lời hỏi thăm ấy để mở đầu cho bài thơ của mình. Câu hỏi tu từ đầu tiên thể hiện một sự trách móc nhẹ nhàng của người con gái. Cũng có thể do nhà thơ tự phân thân hoặc tự vấn bản thân mình đã bấy lâu rồi không về thăm mảnh đất ấy với một niềm mong ước một lần được quay trở lại nơi đây.

Trong khổ thơ đầu, bài thơ cũng đã mang người đọc đến với một quê hương thôn Vĩ đẹp đẽ, thơ mộng:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc?
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Những hình ảnh thân thuộc bình dị và đặc trưng của thôn Vĩ như “hàng cau”, “vườn ai” đã được nhà thơ khéo léo tái hiện trong ba câu thơ. Trước mắt người đọc hiện lên là hình ảnh của những hàng cau tăm tắp vươn lên trước “nắng mới”, với khu vườn đã “mướt” lại “ xanh như ngọc”. Với cách sử dụng ngôn ngữ tài tình trong hai từ “ nắng mới”, “mướt” , câu thơ thể hiện một khung cảnh thật tươi đẹp và đầy sức sống. Biện pháp tu từ so sánh được nhà thơ sử dụng khéo léo trong câu thơ thứ ba “xanh như ngọc” cho thấy thôn Vĩ không chỉ hữu tình, nên thơ mà còn rất trù phú. Cảnh vật thiên nhiên trong bài thơ thì tuyệt vời đến thế, còn con người thì rất thật thà và đôn hậu qua hình ảnh “lá trúc” với “mặt chữ điền”. Chỉ hai hình ảnh ấy thôi cũng đủ để người đọc cảm nhận được điều đó bởi người xưa thường ví cây trúc với người quân tử, còn gương mặt chữ điền thường là những người có tấm lòng nhân hậu. Không chỉ khắc họa hình ảnh tươi đẹp, con người đáng yêu của thôn Vĩ, bài thơ còn cho người đọc nhận thấy được sự ngợi ca, lòng yêu mến của tác giả đối với con người và cảnh vật vùng đất yên bình đó.

Nếu như khổ thơ đầu mang đến một hình ảnh tươi vui, đẹp đẽ thì ở khổ thơ thứ hai lại mang ta đến với những hình ảnh chia lìa, một nỗi buồn trống trải chất chứa của nhà thơ:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

Người ta thường nói “gió thổi, mây bay” bởi gió và mây thường đi liền với nhau, gắn bó, hòa quyện với nhau. Tuy nhiên trong câu thơ trên thì gió đi một lối, mây đi một đường. Kết hợp với nhịp thơ dứt khoát 4-3, câu thơ thể hiện một sự chia lìa, xa cách. Nhà thơ tiếp tục sử dụng biện pháp nhân hóa tài tình trong câu thơ tiếp theo với hình ảnh “dòng nước buồn thiu” kết hợp với hình ảnh “hoa bắp lay”. Điều đó dường như hé lộ một nỗi buồn mang mác của người thi sĩ lúc này bởi lẽ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Càng đọc những câu thơ tiếp, người đọc càng dần thấy được một Hàn Mặc Tử cô đơn, u sầu và hướng nội:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Trong thơ ca xưa nay, người ta thường thấy hình ảnh của trăng được rất nhiều thi nhân đưa vào trang viết của mình. Nếu nhà thơ Lý Bạch có “Ngẩng đầu ngắm trăng sang – Cúi đầu nhớ cố hương”, Bác Hồ có “trăng vào cửa sổ đòi thơ” thì Hàn Mặc Tử cũng góp vào nguồn cảm hứng vô tận ấy hình ấy một “bến sông trăng” và con thuyền “chở trăng”. Có lẽ hình ảnh ẩn dụ “sông trăng” và thuyền “chở trăng” là hai hình ảnh cực kỳ đắt giá và mang nhiều ý nghĩa nhất trong khổ thơ này. “Trăng” ở đây có thể hiểu như một người bạn tri kỷ mà lúc cô đơn này nhà thơ rất cần để giãi bày tâm sự. Nếu đặt vào hoàn cảnh sáng tác và kết hợp với nội dung khổ thơ đầu, người đọc cũng có thể hiểu rằng trăng chính là nhà thơ. Bởi lẽ ở khổ thơ đầu hình ảnh thôn Vĩ và con người đáng yêu đến thế thì hình ảnh thuyền “chở trăng về” chính là hình ảnh ẩn dụ một mong ước của thi nhân được trở về mảnh đất ấy. Hai từ “thuyền ai” cùng câu hỏi tu từ cuối khổ thơ dù thể hiện nỗi niềm đau đáu nhớ về thôn Vỹ, mong muốn về thăm nhưng dường như lại chất chứa cả một nỗi khác khoải, cô đơn của nhà thơ khi biết mình đang mang bệnh khó có thể trờ về.

Sau những hình ảnh buồn man mác và sự cô đơn trong nỗi lòng người thi sĩ thì bài thơ lại tiếp tục đưa ta đến với một cõi mộng ảo, hư hư thực thực với một sự chới với, vô vọng trong trái tim tác giả:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Aó em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Với điệp từ “khách đường xa” được nhấn mạnh hai lần, câu thơ thể hiện một sự xa cách vô cùng. Vậy vị ‘khách đường xa” ấy là ai? Có thể đó chính là nhà thơ – một vị khách đường xa muốn trở về thăm xứ Huế. Khổ thơ không chỉ có vị khách mà còn có hình ảnh người em áo trắng. Trong một số tài liệu có viết rằng bà Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho ông một tấm bưu ảnh phong cảnh đẹp đẽ, một số tài liệu lại cho rằng đó là bức hình của bà mặc một chiếc áo dài. Và dù theo tài liệu nào thì người ta cũng vẫn ngầm hiểu rằng hình ảnh cô gái áo trắng trong bài thơ chính là Hoàng Cúc – người mà thi sĩ thầm thương bấy lâu. Hình ảnh “trắng” “ nhìn không ra” cùng “sương khói mờ nhân ảnh” đã đưa độc giả đến một cõi xa xôi nào đó, mờ mờ ảo ảo. Dường như niềm thương, nỗi nhớ và mong ước trở về thăm lại người xưa chốn cũ của nhà thơ với con thuyền chở trăng khó kịp nên ông đã vào tận trong cõi mơ để tìm kiếm. Nhưng có lẽ cuộc tìm kiếm ấy vẫn chới với, vô vọng khi thi sĩ thốt lên “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Lại một lần nữa nhà thơ tự hỏi lòng mình – một câu hỏi không biết có lời giải đáp ấy lại càng cho thấy rõ sự khắc khoải vô cùng của nhà thơ. Nếu khổ thơ đầu có “vườn ai”, khổ thơ thứ có “thuyền ai” thì khổ thơ thứ ba lại có “tình ai” nằm trong những câu hỏi tu từ ở mỗi khổ đều có sức truyền cảm lớn đến trái tim của người đọc và thể hiện tài năng sử dụng ngôn từ tài tình bậc thầy với lời ít nhưng ý nhiều của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Gấp lại trang thơ, hình ảnh miền quê tươi đẹp, trù phú và con người xứ Huế cùng tình yêu của nhà thơ với mảnh đất yên bình thôn Vĩ vẫn khắc sâu trong tâm trí độc giả. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ tài tình và các biện pháp tu từ một cách khéo léo, bài thơ cũng mang cho người đọc một sự thấu hiểu về sự cô đơn khắc khoải và mong ước trở về với mảnh đất đẹp đẽ cũng như mong ước trở về với cuộc sống đời thường của nhà thơ Hàn Mặc Tử. “Đây thôn Vĩ Dạ” sẽ mãi ghi dấu ấn trong trái tim bạn đọc, đóng góp một tác phẩm xuất sắc cho nền thi ca nước nhà.

Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ lớp 11 - Mẫu 6

Hàn Mặc Tử một trong những “cây bút” tài năng bậc nhất của phong trào thơ mới những năm 1932-1945 với nhiều tác phẩm tiêu biểu. Trong đó, tác phẩm để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc có lẽ là "Đây thôn Vĩ Dạ"- một bài thơ đặc sắc trong sự nghiệp văn chương của ông. Bài thơ là bức tranh hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên trong trẻo, tinh khôi xứ Huế với bức tranh tâm cảnh của một cái tôi tha thiết yêu đời, khát khao giao cảm với cuộc sống, con người nhưng đầy những âu lo, trăn trở.

Câu hỏi tu từ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" như hờn trách nhẹ nhàng lại như lời mời đầy tha thiết của người con gái xứ Huế. Một lời hờn trách đầy dịu dàng nhưng đằng sau đó là lời mời ân cần và đầy chân thành: "Sao anh không về chơi". Ở đây tác giả không dùng từ "thăm" mà lại dùng từ "chơi" đủ để thấy sự thân thiết, chân thành, mộc mạc, gợi lên được tình cảm thân mật, gần gũi. Và dường như, đó cũng là câu hỏi mà nhà thơ đang tự hỏi chính mình, tự trách chính mình sao bấy lâu chẳng trở về với chốn cũ, người xưa để giờ đây trong cơn bạo bệnh lại chỉ còn những tiếc nuối, băn khoăn. Trong câu thơ chất chứa cả mỗi nỗi khát khao được trở về với Vĩ Dạ thân yêu.

Từ nỗi nhớ, bức tranh thôn Vĩ dần hiện ra trước mắt người đọc qua từng lời thơ, một bức tranh Vĩ Dạ đầy lung linh, tươi đẹp và căng tràn sức sống:

"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên"

Cau là loài cây dân dã cũng là linh hồn của làng quê Việt Nam. Trong truyện cổ tích, trầu- cau gắn với tình yêu đôi lứa. Trong câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu gắn với nỗi nhớ, với vẻ đẹp của thiên nhiên. Hình ảnh "nắng hàng cau" là một hình ảnh đẹp gợi vẻ tinh khôi, trong trẻo của những tia nắng sớm mai. Màu nắng hàng cau là màu nắng vô cùng mới mẻ mà trước Hàn Mặc tử chưa có thi nhân nào gợi ra được màu nắng ấy. Những tàu cau được nắng mới bao trùm, nắng hòa vào hạt sương đọng trên phiến lá tạo nên vẻ long lanh đến kiều diễm. Thiên nhiên trở nên thanh thoát, trong trẻo đến lạ lùng, không gian trở nên cao ráo và đầy khoáng đạt. Ánh nắng hàng cau làm sáng bừng lên cả một khu vườn thơ mộng, hữu tình.

Xa xa là bóng hàng cau, khi lại gần, khu vườn càng thêm đẹp, thêm tươi. Có cây ngời ngợi màu xanh sáng, xanh trong, xanh mỡ màng, mượt mà:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Câu thơ cất lên như sự ngỡ ngàng đến xuýt xoa của tác giả trước vẻ đẹp của tạo hoá được tưới tắm bởi bàn tay khéo léo của người làm vườn. Tính từ “mướt” gợi lên sắc xanh ngời ngợi, ngọc ngà, xuân sắc đầy sức sống của khu vườn. Có thể thấy qua những hình ảnh thơ gần gũi, bình dị mà bằng cách sử dụng ngôn từ độc đáo, bức tranh thôn Vĩ đầy đẹp đẽ, sống động và cao quý được gợi lên.

Cảnh thôn Vĩ ngày càng trở nên hài hòa hơn khi có sự xuất hiện của con người:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Lối nói cách điệu thể hiện vẻ đẹp e ấp, kín đáo, dịu dàng và rất Huế của người con gái. Sự xuất hiện của khuôn mặt chữ điền phúc hậu, dịu dàng đã làm cho bức tranh Vĩ Dạ trở nên sinh động hơn khi có sự hài hòa giữa cảnh vật và con người.

Khổ thơ thứ hai gợi ra cảnh sông nước êm đềm, mang nỗi niềm bâng khuâng, nỗi mong cầu hư ảo:

“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ? “

Không gian có gió, mây, sông nước, có thơ mộng, có êm đêm những gợi buồn, gợi chia ly. Cảnh chia đôi ngả “gió theo lối gió, mây đường mây” phải chăng chính là sự mặc cảm của nhà thơ về tình yêu xa cách, không thể đồng hành cùng người thương của mình. Vì lòng người mang sau bi nên thiên nhiên cũng vương buồn. Dòng sông nước vẫn chảy mà “buồn thiu”, gió xao động, hoa bắp lay trôi vô định trên làn nước. “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” cảnh vật gợi vẽ quạnh quẽ, thê lương, u sầu. Dòng sông buồn như chính tâm trạng thi nhân.

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"

Tứ thơ “Có chở trăng về kịp tối nay?” gửi gắm cả một nỗi niềm của thi nhân, một khao khát vào tình yêu cập bến, để được cùng người tâm sự, tỏ bày. Nỗi ngóng trông, mong chờ, khát khao mãnh liệt được tâm giao được cất lên trong tiếng thơ bình dị. Có chăng, lúc này đây, tác giả đang lo sợ vì vận mệnh ngắn ngủi của cuộc đời mình. Sợ rằng thời gian ngày một ngắn thêm mà lòng người vẫn chưa thể được khỏa lấp nỗi trống vắng, cô đơn, sầu muộn. Liệu con thuyền kia có chở kịp vầng trăng hạnh phúc ấy về với kẻ mệnh bạc này không?

Thực tại phũ phàng, cô đơn ngập lối, tác giả đành tìm đến giấc mơ, nơi đó có thể nhìn thấy người con gái mình yêu, dẫu đó chỉ là chút hạnh phúc trong ảo ảnh:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra;
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Trong giấc mơ mang màu hy vọng, thi nhân thấy vị khách đường xa trong tà áo trắng tinh khôi, ẩn hiện trong sương khói. Bóng hình như nhoè đi rồi biến mất trong phút chốc. Sự thanh khiết, cao quý của người con gái trong ảo ảnh khiến thi nhân không khỏi không lo sợ:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?"

Trong lời thơ, tác giả phân vân, lo sợ về một tình cảm không chắc chắn. Một trái tim khao khát yêu và được yêu nhưng không bao giờ có được tình yêu trọn vẹn khiến tác giả hoài nghi về tình cảm, về tình yêu của đối phương. Không biết tình người có đậm đà như chính lòng ta chăng?

Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi tư từ chất chứa nỗi niềm hoài nghi và thất vọng. Vĩ Dạ đẹp nhưng buồn, lòng người buồn mà đẹp, tất cả tạo nên sự hòa quyện giữa cảnh và tình.

Đây thôn Vĩ Dạ qua bao thế hệ người đọc vẫn mang một sức sống dạt dào. Bài thơ không chỉ là một bức tranh êm đềm và tươi đẹp của Vĩ Dạ mà còn là bức tranh đẹp của một tấm lòng tha thiết với thiên nhiên và khát khao được sống, được yêu của Hàn Mặc Tử.

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 7

Bài thơ đây thôn Vĩ Dạ được ra đời từ một nguyên cớ rất đặc biệt. Khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh nặng chờ đợi những giây phút đến với tử thần ở trại phong Quy Hòa, Quy Nhơn, thì nhà thơ đã bất ngờ nhận được một tấm bưu ảnh do người bạn gái là Hoàng Thị Kim Cúc gửi tặng từ thôn Vĩ Dạ. Tấm bưu ảnh ấy có phong cảnh sông nước đêm trăng, có thuyền và bến. Phía sau kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi nhà thơ lúc này đang mang căn bệnh hiểm nghèo.

Đối với người bình thường tấm bưu ảnh chỉ là một quan hệ xã giao thăm hỏi nhau nhưng với Hàn Mặc Tử thì có ý nghĩa rất riêng. Nó đã cho nhà thơ được yêu người trong mộng với một tình yêu sâu kín nỗi lòng. Vì thế mà, kiệt tác "Đây thôn Vĩ Dạ" đã ra đời.

Khổ thứ nhất mở đầu là câu hỏi của một người con gái.

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

Thực ra đây là một lời trách yêu, một sự dỗi hờn thể hiện nỗi trông ngóng da diết của cô gái ở thôn Vĩ. Nhưng trong thực thế thì không có người con gái nào đang trực tiếp đối với Hàn Mặc Tử cả. Lời nói dịu dàng và chứa đầy yêu thương ấy chính là những dòng chữ trong tấm bưu ảnh kia, nó xôn xao, sống dậy, nó trở thành giai điệu và phát ra tiếng nói.

Ở câu thơ thứ hai chúng ta hết sức bất ngờ vì lời mới vừa cất lên thì ngay lập tức Hàn Mặc Tử đã có mặt ngay ở không gian thôn Vĩ Dạ. Rõ ràng đây là một cuộc hành trình trong tâm thức.

"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên"

Câu thơ này xuất hiện hai từ "nắng". Một cái nắng được phát hiện được miêu tả "nhìn nắng hàng cau" và một cái nắng tinh khôi mới mẻ, nó khiến nhà thơ phải xuýt xoa reo lên như trẻ con "nắng mới lên". Đây không phải là thứ nắng của mặt trời mà ngày nào chúng ta cũng thấy. Đây là một thứ nắng rất mới vì nó xuất hiện trong buổi bình minh. Nó thắp nên trên những hàng cau.

Từ trước đến nay người ta đều cho rằng điểm nhìn của Hàn Mặc Tử là từ xa đến gần. Người du khách thấy được nắng hàng cau và càng đến gần khu vườn càng thấy màu xanh ngọc của là cây. Thực ra ông trở về bằng tâm thức thì không nhất thiết phải có một cuộc dạo chơi như vậy. Đôi mắt của Hàn Mặc Tử đang ở trên cao, trên khu vườn thôn Vĩ. Nhà thơ đang xé toạc vòm trời đen để nhìn thấy bình minh nắng mới diệu kì thắp lên từ thôn Vĩ Dạ. Không gian nơi có người mình yêu là một khu vườn địa đàng, là nơi có nhiều phép màu cổ tích. Về với thôn Vĩ là trút được những nỗi phiền muộn đớn đau. Vì thế nên tâm thức của Hàn Mặc Tử đã đáp xuống khu vườn thôn Vĩ.

"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc" Câu thơ có đến hai lần xuýt xoa, kinh ngạc. Đã "vườn ai mướt quá" lại còn phát hiện ra cái "mướt quá" ấy là "xanh như ngọc". Tất cả đều non tơ, tất cả đều xanh tươi, mỗi chiếc lá ở đây đều xanh như ngọc. Nó không chỉ cho ta cảm nhận bằng thị giác mà còn cho ta cảm nhận tiếng va chạm của những chiếc lá ngọc.

"Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

Câu thơ cuối khổ một là câu thơ có nhiều cách hiểu khác nhau. Có người cho rằng "mặt chữ điền" chính là khuôn mặt của người con gái đã mời Hàn Mặc Tử về chơi thôn Vĩ. Bời vì "vườn ai" chính là vườn của em, nhìn thấy khuôn mặt của em trong khu vườn ấy thì rất hợp lí. Nhưng nhà thơ Chế Lan Viên - bạn của Hàn Mặc Tử đã rất bất mãn với cách hiểu này, ông cho rằng mặt chữ điền có thể không xấu nhưng nhất định đó là gương mặt không theo chuẩn mực cái đẹp của người Việt Nam khi đánh giá phụ nữ. Cũng có ý kiến lại nói là "mặt chữ điền" là viên gạch có bốn ô vuông thường được xây trên bức bình phong của những ngôi nhà ở thôn Vĩ.

Thực ra nếu đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta sẽ bắt gặp nhiều hình tượng, thế giới kì lạ. Việc nhà thơ gặp mình trong quá khứ cũng như trong tương lai là rất phổ biến. Vì thế dù thật khó tin nhưng ở đây Hàn Mặc Tử đã gặp lại chính mình với gương mặt chữ điền thời còn là chàng trai tài hoa nổi danh trên đất Huế. Nhà thơ muốn yêu một tình yêu trong trắng, thanh thản, đắm say thì phải trở lại là con người của quá khứ, phải là một nhà thơ đa tình phong lưu thời còn ở Huế. Nói đúng ra là nhà thơ muốn quên mình trong hiện tại với căn bệnh hiểm nghèo để được yêu. Hình tượng "lá trúc che ngang" càng cung cấp cho gương mặt chữ điền ấy những nét ngang tàng, phóng khoáng mạnh mẽ của người đàn ông. Lá trúc trong quan niệm xưa chính là biểu hiện cho người quân tử.

Nếu khổ thơ thứ nhất cho chúng ta ấn tượng về buổi sáng thì khổ thơ thứ hai cho chúng ta ấn tượng vè buổi chiều ở một không gian trống rỗng ngoài thôn Vĩ Dạ và sau đó là buổi tối với cảnh sông nước con thuyền tràn ngập ánh trăng. Cả bốn câu thơ phần nào gợi cho chúng tôi về phong cảnh xứ Huế nhưng thực ra mọi hình tượng đều tồn tại trong những quan hệ nghịch lí, trái tự nhiên.

"Gió theo lối gió, mây đường mây"

Câu thơ thứ hai không chỉ là nghịch lí mà còn là một sự trớ trêu. Lẽ tự nhiên hoa bắp lay động thì mặt nước phải gợn sóng. Thế nhưng ở đây chỉ có hoa bắp lay động cùng giò để dòng nước một mình buồn thiu. Chẳng thà xa mặt cách lòng như gió với mây còn hơn đứng bên cạnh nhau mà cho nhau nhiều đắng cay, tủi cực.

Nếu khổ thơ đầu ta cảm nhận một tình yêu sắp nảy nở tuyệt vời nhưng đến khổ thơ sau thì ta lại gặp một cuộc tình tan nát chia phôi. Thông qua cách nói nóng gió, Hàn Mặc Tử đã chua chat phủ định người mời mình về thăm thôn Vĩ. Đó là một kẻ phụ tình bỏ rơi những lời hẹn ước, làm tan nát trái tim của kẻ yêu thương tin tường dại khờ.

Người yêu trong mộng của Hàn Mặc Tử khi thì mời đón dành sẵn một thế giới yêu thương chờ đợi, khi thì trở thành một kẻ phụ tình phũ phàng rất lạnh lùng. Và thật bất ngờ con người ấy bỗng dưng hiện ra thật nhân từ và độ lượng.

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"

Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử xuất hiện rất nhiều. Trăng muôn đời là biểu tượng của hạnh phúc, đặc biệt là hạnh phúc lứa đôi. Quá khao khát hạnh phúc nên hai câu thơ của Hàn Mặc Tử tràn ngập ánh trăng: bến trăng, sông trăng, thuyền trăng, chở trăng.

Nhân vật "ai" ở đây chỉ có thể là người mời Hàn Mặc Tử về thăm thôn Vĩ. Người ấy đang cắm thuyền ở bến sông để chờ đợi lấy được nhiều ánh trăng hạnh phúc và sẽ chở trăng về cho nhà thơ tối nay. Đó là sự yêu thương cao cả, là sự thấu hiểu đến tường tận những khao khát của Hàn Mặc Tử. Thế nhưng chữ "kịp" ở đây lững lờ một câu hỏi: liệu có chở kịp trăng về trong tối hôm nay? Có thể kip và cũng có thể không còn kịp nữa... Tối nay là một khái niệm thời gian ngắn ngủi. Hàn Mặc Tử biết rằng sự sống của mình chỉ còn lại những giây phút ngắn ngủi ở trần thế, sẽ có người đem hạnh phúc đến cho nhà thơ nhưng nếu đến trễ thì hạnh phúc ấy thật vô nghĩa.

"Mơ khách đường xa, khách đường xa"

Mở đầu khổ thơ thứ ba là một câu thơ thật đặc biệt. Khách vốn đã xa lạ mà nhà thơ còn lặp đến hai lần sự xa lạ ấy "khách đường xa, khách đường xa". Thế mà, lại có một giấc mơ về người khách không quen ấy. Thực ra đây là người mời Hàn Mặc Tử về thăm thôn Vĩ nhưng nhà thơ hiểu rằng người ấy ngoài tầm tay với của mình. Con người đó càng lúc càng trở nên xa lạ và càng không níu kéo được nên Hàn lại càng gửi gắm vào giấc mơ. Có thể thấy tâm sự này qua những vần thơ khác của Hàn:

"Người đã đi rồi khôn níu lại
Tình yêu chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi đến dại khờ".

Bởi muốn tìm một tình yêu trong mộng để được sống có ý nghĩa trong những giây phút cuối đời nên tâm trạng của Hàn Mặc Tử luôn có những đối cực. Ban đầu là hi vọng tràn trề rồi lại trách móc coi người mình yêu là kẻ phụ tình; liền sau đó nhà thơ thấy người con gái mời mình về thăm thôn Vĩ thật chung tình, sẵn sàng cắm thuyền đợi chờ mong ánh trăng hạnh phúc đến cho mình. Tiếp theo, Hàn Mặc Tử tuyệt vọng nhìn người yêu mình như "khách đường xa". Nhưng cũng liền sau đó, nhà thơ thấy người ấy quay trở lại với mình, cô gái ấy hoàn toàn trong trắng và thánh thiện. Đại từ "em" thật giản dị, gần gũi biết bao:

"Áo em trắng quá nhìn không ra"

Câu thơ vừa sáng bừng lên niềm hi vọng thì nó đã cho Hàn Mặc Tử cảm nhận ngay sự tuyệt vọng. Đáng lẽ "áo em trắng quá" thì anh phải nhìn rất rõ em. Thế nhưng áo em càng trắng bao nhiêu thì anh lại càng không nhìn ra bấy nhiêu. Thực ra anh không dám nhìn bởi vì em quá trong trắng, thanh cao... Mặc cảm khi yêu thương là một quy luật. Nhưng tôn thờ để rồi mặc cảm như Hàn Mặc Tử là do có nguyên nhân từ cuộc đời riêng. Nhà thơ hiểu hoàn cảnh thực tại của mình, vì thế mà dù nhân vật "em" trở lại với mình, nhà thơ cũng không dám yêu. Hàn Mặc Tử phải tự khước từ với tình yêu của mình.

Câu thơ thứ ba nhuốm màu sắc bi quan của một triết lí nhân sinh:

"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh"

Nguyễn Gia Thiều đã từng viết:

"Con quay búng sẵn lên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm"

Đời người là một con quay đã búng sẵn, chính bản thân ta cũng không thể điều khiển được số phận của ta. Trong mối quan hệ với người khác thì ta chỉ nắm bắt được "nhân ảnh" chứ không thể là chính người đó. Hàn Mặc Tử cũng vậy, nhà thơ hiểu rằng mình không chủ động được với chính mình, mình không thể nhìn thấy rõ hình ảnh của người yêu. Thi sĩ hiểu rằng sương khói của cuộc đời đang xóa nhòa "nhân ảnh" của nhân vật "em"... Đó là một nhận thức thật chua chát, ngậm ngùi, nó để lại sự trống vắng như một trong hoang mạc trong tâm hồn Hàn Mặc Tử. Đây chính là nguyên nhân khiến cho thi sĩ thốt ra một câu hỏi bơ vơ tuyệt vọng không có chỗ nào để bám víu:

"Ai biết tình ai có đậm đà?"

Hai đại từ "ai" ở câu thơ này tạo nên nhiều cách hiểu: không biết em có hiểu được chính tình yêu của em đậm đà hay không? Không biết bản thân anh có biết được tình yêu của chính mình đậm đà không? Liệu em có biết tình anh đậm đà không? Liệu anh có biết tình em có đậm đà không? Một câu hỏi trong thơ nhưng ẩn chứa biết bao nhiêu câu hỏi đằng sau nó, càng hỏi càng thấy "mờ nhân ảnh", càng tuyệt vọng. Càng tha thiết một tình yêu đậm đà Hàn Mặc Tử càng thấy sự đổ vỡ tuyệt vọng với tình yêu. Vì thế mà cảm hứng chủ đạo của "Đây thôn Vĩ Dạ" chính là cảm hứng đau xót về một tình yêu tuyệt vọng.

Mọi sự tuyệt vọng đều cho người ta bi quan, riêng tình yêu tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử lại dạy cho ta giá trị nhân văn cao cả. Nhà thơ níu kéo cuộc sống này bằng tình yêu, dù đó là một tình yêu tuyệt vọng. Chúng ta không gặp hoàn cảnh bi đát như Hàn Mặc Tử, nên chúng ta cần phải biết sống như thế nào, yêu như

Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 8

Mấy ai đã từng say trăng như Hàn Mạc Tử? Cả một thế giới trăng trong thơ ông:

Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi..."

(Bẽn lẽn)

"Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu"

(Hãy nhập hồn em)

"Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn".

(Đêm không ngủ)

Thi sĩ còn nói đến thuyền trăng, sông trăng, sông trăng... Cả một thế giới trăng mộng ảo, huyền diệu. Thơ Hàn Mạc Tử rợn ngợp ánh trăng, thể hiện một tâm hồn "say trăng" với tình yêu tha thiết cuộc đời, vừa thực vừa mơ. Ông là một trong những nhà thơ lỗi lạc nhất của phong trào Thơ mới (1932-1941). Với 28 tuổi đời (1912-1940), ông để lại cho nền thơ ca dân tộc hàng trăm bài thơ và một số kịch thơ đặc sắc. Thơ của ông như trào ra từ máu và nước mắt, có không ít hình tượng kinh dị. Cũng chưa ai biết hay về mùa xuân và thiếu nữ ("Mùa xuân chín"), về Huế đẹp và thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" như Hàn Mạc Tử.

"Đây thôn Vĩ Dạ" rút trong "Tập thơ Điên" xuất bản năm 1940, sau khi nhà thơ đã qua đời. Bài thơ nói rất hay về Huế, về cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, về con người xứ Huế, nhất là các cô gái duyên dáng, đa tình, đáng yêu. Hàn Mạc Tử đã viết về một tình yêu - tình yêu đơn phương thơ mộng đắm say, lung linh trong sáng đến huyền ảo. Bài thơ giãi bày một nỗi niềm bâng khuâng, một khát khao về hạnh phúc của thi sĩ đa tình, có nhiều duyên nợ với cảnh và con người Vĩ Dạ.

Câu đầu của khổ thơ thứ nhất "dịu ngọt" như một lời chào mời vừa mừng vui hội ngộ, vừa nhẹ nhàng trách người thương xiết bao thương nhớ, đợi chờ. Giọng thơ êm dịu, đằm thắm và tình tứ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?". Có mấy xa xôi. Cảnh cũ người xưa thấp thoáng trong vần thơ đẹp mang hoài niệm. Bao kỉ niệm sống dậy trong một hồn thơ. Nó gắn liền với cảnh sắc vườn tược và con người xứ Huế mộng mơ:

"Nhìn nắng hàng cau nắng mới. lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?"

Cảnh được nói đến là một sáng bình minh đẹp nơi thôn Vĩ. Nhìn từ xa, thi nhân say mê ngắm nhìn những ngọn cau, tàu cau ngời lên dưới màu nắng mới, "nắng mới lên" rực rỡ. Hàng cau cao vút là hình ảnh thân thuộc của thôn Vĩ Dạ từ bao đời nay. Hàng cau như chào mời, như vẫy gọi.

Quên sao được màu xanh cây lá nơi đây. Nhà thơ trầm trồ thốt lên khi đứng trước một màu xanh vườn tược Vĩ Dạ: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc". Sương đêm ướt đẫm cây cỏ, hoa lá. Màu xanh mỡ màng, non tơ ngời lên, bóng lên dưới ánh mai hồng trông "mướt quá" một màu xanh ngọc bích. Đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa, con người cần cù chăm bón mới có màu sắc "xanh như ngọc" ấy. Thiên nhiên như rạo rực, trẻ trung và đầy sức sống. Cũng nói về màu xanh ngọc bích, trước đó (1938) Xuân Diệu đã từng viết: "Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá..." ("Thơ duyên"). Hai chữ "vườn ai" gợi ra nhiều ngạc nhiên và man mác bâng khuâng. Câu thơ thứ tư tả thiếu nữ với khóm trúc vườn xuân: "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Mặt trái xoan, mặt hoa da phấn, khuôn mặt búp sen là vẻ đẹp của giai nhân. Mặt chữ điền là gương mặt đầy đặn, vuông vắn, phúc hậu. "Lá trúc che ngang" là một nét vẽ thần tình đã tô đậm một nét đẹp của cô gái Huế duyên dáng, dịu dàng, kín đáo, tình tứ đáng yêu. Hàn Mạc Tử hơn một lần nói về trúc và thiếu nữ. Khóm trúc như tỏa bóng xanh mát che chở cho một mối tình đẹp đang nảy nở:

"Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây"

(Mùa xuân chín)

Câu 3, 4 trong khổ thơ đầu tả cau, tả nắng, tả vườn, tả trúc và thiếu nữ với một gam màu nhẹ, thoáng, ẩn hiện, mơ hồ. Đặc sắc nhất là hai hình ảnh so sánh và ẩn dụ (xanh như ngọc... mặt chữ điền). Cảnh và người nơi Vĩ Dạ thật hồn hậu, thân thuộc đáng yêu.

Vĩ Dạ một làng quê nằm bên bờ Hương Giang, thuộc ngoại ô cố đô Huế. Vĩ Dạ đẹp với những con đò thơ mộng, những mảnh vườn xanh tươi bốn mùa, sum sê hoa trái. Những ngôi nhà xinh xắn thấp thoáng ẩn hiện sau hàng cau, khóm trúc, mà ở đây thường dìu dặt câu hát Nam ai, Nam bình, qua tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục huyền diệu, réo rắt. Thôn Vĩ Dạ đẹp nên thơ. Hàn Mạc Tử đã dành cho Vĩ Dạ vần thơ đẹp nhất với tất cả tấm lòng tha thiết mến thương. Xa cách Huế và Vĩ Dạ đã bao năm tháng rồi. Thế mà cảnh sắc và con người nơi thôn Vĩ vẫn được nhà thơ ôm ấp trong lòng, càng trở nên lung linh, biểu lộ niềm ước mong tha thiết được trở lại cố đô thăm cảnh cũ người xưa. Bức tranh tâm cảnh đã được thể hiện một cách tài hoa bức tranh thôn Vĩ hữu tình nên thơ.

Khổ thơ thứ hai nói về cảnh mây trời, sông nước. Một không gian nghệ thuật thoáng đãng, mơ hồ, xa xăm. Hai câu 5, 6 là bức tranh tả gió, mây, dòng sông và hoa (hoa bắp). Giọng thơ nhẹ nhàng, thoáng buồn. Nghệ thuật đối tạo nên bên phiên cảnh hài hòa, cân xứng và sống động. Gió mây đôi ngả như mối tình nhà thơ, tưởng gần đấy mà xa vời, cách trở. Dòng Hương Giang êm đềm trôi lững lờ, trong tâm tưởng thi nhân trở nên "buồn thiu", nhiều bâng khuâng man mác. Hoa bắp lay, nhè nhẹ đung đưa trong gió thoáng. Nhịp điệu khoan thai, thơ mộng của miền sông Hương núi Ngự được diễn tả rất tinh tế! Các điệp ngữ luyến láy gợi nhiều vương vấn mộng mơ. Ngoại cảnh mênh mang chia lìa như nỗi lòng, như tâm tình thi nhân vậy;

"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay".

Hai câu tiếp theo, nhà thơ hỏi "ai" hay hỏi mình khi nhìn thấy, hay nhớ tới hình ảnh con đò nằm mộng bến sông trăng. Sông Hương quê em trở thành "sông trăng". Hàn Mạc Tử với tình yêu Vĩ Dạ đã sáng tạo nên vần thơ đẹp nói về dòng sông Hương với những con đò dưới vầng trăng. Nguyễn Công Trứ đã từng viết: "Gió trăng chứa một thuyền đầy". Hàn Mạc Tử cũng góp cho nền thơ Việt Nam hiện đại một vần thơ trăng độc đáo:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Tâm hồn nhà thơ xao xuyến khi nhìn sông trăng và con thuyền. Thuyền em hay "thuyền ai" vừa thân quen, vừa xa lạ. Chất thơ mộng ảo trong "Đây thôn Vĩ Dạ" là ở những thi liệu ấy. Câu thơ gợi tả một hồn thơ đang rung động trước vẻ đẹp thơ mộng của xứ Huế miền Trung, nói lên một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn. ở đây bức tranh tâm cảnh tràn ngập ánh trăng, thấm thía một nỗi buồn cô đơn li biệt của khách đa tình.

Khổ thơ thứ ba nói về cô gái Huế và tâm tình thi nhân. Đương thời, nhà thơ Nguyễn Bính đã viết về thiếu nữ sông Hương: "Những nàng thiếu nữ sông

Hương - Da thơm là phấn, má hường là son...". Vĩ Dạ mưa nhiều, những buổi sớm mai và chiều tà lắm sương khói. "Sương khói" trong Đường thi thường gắn liền với tình cố hương, ở đây sương khói đã làm nhòa đi, mờ đi áo trắng em, nên anh nhìn mãi vẫn không nhận ra dáng hình em (nhân ảnh). Người thiếu nữ Huế thoáng hiện, trắng trong, kín đáo và duyên dáng. Gần mà xa. Thực mà mơ. Câu thơ chập chờn, trắng trong, kín đáo và duyên dáng. Gần mà xa. Thực mà mơ. Câu thơ chập chờn, bâng khuâng. Ta đã biết Hàn Mạc Tử từng có một mối tình đẹp đơn phương với một thiếu nữ Huế mang tên một loài hoa đẹp. Phải chăng nhà thơ nói về mối tình này?

"Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?"

"Mơ khách đường xa, khách đường xa... ai biết... ai có..." các điệp ngữ và luyến láy ấy tạo nên nhạc điệu sâu lắng, dịu buồn, mênh mang. Sự cách biệt và nỗi buồn xa vắng chia li như kéo dài trong không gian và thời gian vô tận. Người đọc thêm cảm thương cho nhà thơ tài hoa, đa tình mà bạc mệnh, từng say đắm với mối tình đơn phương nhưng suốt đời phải sống trong cô đơn và bệnh tật.

Cũng cần nói một đôi lời về chữ "ai" trong bài thơ này. Cả 4 lần chữ "ai" xuất hiện đều mơ hồ, ám ảnh: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc?" - "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?" - "Ai biết tình ai có đậm đà?''. Con người mà nhà thơ nói đến là con người xa vắng, trong hoài niệm, bâng khuâng. Nhà thơ luôn luôn cảm thấy mình hụt hẫng, chơi vơi trước một mối tình đơn phương mộng ảo. Một chút hi vọng mong manh mà tha thiết như đang nhạt nhòa và mờ ảo cùng sương khói?.

Hàn Mặc Tử đã để lại cho ta một bài thơ tình thật hay và cảm động. Cảnh và người, mộng và thực, say đắm và bâng khuâng, ngạc nhiên và thẫn thờ... bao hình ảnh và cảm xúc đẹp mà buồn hội tụ trong ba khổ thơ thất ngôn, câu chữ toàn bích. "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ tình tuyệt tác. Cái màu xanh như ngọc của vườn ai, cọn thuyền ai đậu bến sông trăng, và cái màu trắng của áo em như dẫn hồn ta đi về miền sương khói Vĩ Dạ thôn một thời xa vắng, tìm lại bóng giai nhân, thương nhớ nhà thơ tài hoa, đa tình mà mệnh bạc. Bức tranh tâm cảnh trong "Đây thôn Vĩ Dạ" vương vấn mãi lòng ta. Nhà thơ Thu Bồn đã nói hộ lòng ta.

"Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực mà nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô".

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 9

“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ hoài niệm. Theo tư liệu về Hàn Mạc Tử, khi còn làm việc ở Sở Đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử đã đem lòng yêu Hoàng Thị Kim Cúc – con gái ông chủ sở Đạc điền Quy Nhơn, quê ở thôn Vĩ, xứ Huế. Tất cả tình cảm của mình Hàn Mạc Tử gửi gắm vào tập Gái quê. Khi Hoàng Cúc theo cha về nghỉ hưu ở Huế – Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử xem như nàng đã đi lấy chồng.

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi, hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng,
Ngồi lên đó thả cái hồn thơ.

Hàn Mặc Tử khi lâm bệnh hủi năm 1936. Năm 1939, Hàn nhận được tấm bưu ảnh của Kim Cúc gửi tặng, đó là một bức ảnh chụp phong cảnh xứ Huế, có sông nước, có thuyền, có bến có trăng, cùng những hàng cau cao vút kèm theo dòng chữ của Hoàng Cúc để an ủi nhà thơ. Bức bưu thiếp đã đánh thức cảm xúc của thi sĩ, nên có bài thơ tuyệt bút này.

Khổ thứ nhất mở đầu bằng một câu hỏi tu từ. Câu thơ thoáng như một lời trách móc nhẹ nhàng có pha chút tiếc nuối của ai đó, nhưng đằng sau đó là lời chào mời tha thiết khách đến thăm để được thưởng thức cảnh đẹp của “thôn Vĩ”.

Về thôn Vĩ để được “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Nhà thơ nói đến cây cau trước tiên vì cau là loài cây thanh nhã, xinh xắn với thân thẳng tắp, tán lá xanh tươi, gợi sự ngay thẳng thủy chung. Hình ảnh hàng cau ở đây còn có một chi tiết khó quên, ấy là “Nắng hàng cau, nắng mới lên”. Điệp từ “nắng” gợi cho ta ánh nắng ban mai, biểu tượng cho sức sống, niềm vui đang lan tỏa tràn đầy mặt đất. Trong ánh nắng ban mai, những thân cau còn đọng sương đêm sáng lên lấp lánh như đang vươn lên hút lấy những ánh vàng rực rỡ

Cảnh đẹp, thu hút sự chú ý của tác giả. Câu thơ thứ ba cất lên như một tiếng reo thích thú biểu hiện sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ. Khung cảnh Vĩ Dạ đẹp như một bức tranh: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Vườn Vĩ Dạ với những cây trái được sự chăm sóc bởi bàn tay khéo léo, lại được tắm gội mưa gió thường xuyên, nên mượt mà và dưới ánh nắng ban mai lấp lánh như những viên ngọc bích. Hình ảnh so sánh của tác giả trong câu thơ vừa chính xác, vừa gợi cảm. Có thể nói, tả vườn của Hàn Mặc Tử đã đạt đến độ tinh tế của một họa sĩ tài hoa.

Chỉ bằng vài nét vẽ chấm phá, Hàn Mạc Tử đã phác họa được khung cảnh khu vườn một làng quê xứ Huế vừa quen thuộc, bình dị, vừa thi vị độc đáo. Ngắm vườn xứ Huế trong cái “nắng mới lên” thật thanh thản. Nhưng cảnh vật Vĩ Dạ bổng sinh động hẳn lên, khi bóng dáng con người xuất hiện: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Mặt chữ điền thường gợi về vẻ đẹp phúc hậu. trang trọng, quý phái, còn lá trúc gợi cái dáng vẻ mảnh mai, xinh xắn, thanh tú. Câu thơ ngoài ý nghĩa tả thực: thấp thoáng sau khóm trúc có khuôn mặt rất phúc hậu của ai đó hình như đang dõi theo khách đường xa, còn có ý nghĩa tượng trưng, cách điệu hóa.

Cảnh và người tô điểm cho nhau: cảnh xinh xắn, thơ mộng, người phúc hậu quý phái. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Nhờ thế câu thơ đã làm bật được cái linh hồn vườn cây xứ Huế mà khổ thơ tập trung biểu hiện.

Tóm lại, bằng những chi tiết rất quen thuộc và bình dị, Hàn Mạc Tử đã khắc họa một bức tranh quê Vĩ Dạ tràn đầy sức sống với vẻ đẹp bất ngờ, có sự hài hòa giữa cảnh và người. Đoạn thơ làm khơi dậy trong tâm hồn người đọc biết bao nỗi niềm quê hương làng mạc Việt Nam.

Khổ thơ thứ hai cho thấy một thế giới khác của Huế: Dòng sông Hương và vẻ đẹp êm đềm trầm tư của Vĩ Dạ nói riêng và Huế nói chung.

Về với Vĩ Dạ, về với Huế, với núi Ngự, sông Hương, Hàn Mạc Tử cũng cảm nhận được cái linh hồn, cái nhịp điệu rất Huế ấy. Khung cảnh Huế dưới ngòi bút của Hàn Mặc Tử có sông nước, bờ bài, có gió, có mây và con thuyền ai đó đậu dưới trăng nơi bến vắng. Tất cả tạo nên một bức tranh êm đềm, thơ mộng.

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

Hai câu thơ tả cảnh nhưng thấm đẫm tình người. Hai câu thơ gợi cảm giác chia ly buồn vắng đến não nề. Phải chăng một mối tình đơn phương, chưa có phút giây gặp gỡ ngọt ngào đã sớm chia li nên cảnh cũng hòa vào lòng người mà sầu tủi, phân li? Bởi đang trong tâm trạng buồn như vậy nên nhìn vào đâu cũng thấy buồn. Gió thổi mây bay thường là một chiều, nhưng đây lại đứt gãy, như là không có sự gặp gỡ. Điệp từ “gió” và “mây” đã thể hiện ra điều đó. Và ngay đến dòng nước vô tri kia cũng trở nên buồn hiu cùng với hoa bắp hiu hắt khẽ “lay”. Hai câu thơ không chỉ tả cảnh và tình trong cảnh, mà dường như còn muốn tả cái nhịp điệu của cảnh. Đó là cái nhịp điệu êm đềm, lững lờ, nét trầm tư rất điển hình không nơi nào có được của Huế. Hai câu thơ có cái nhịp khoan thai chậm rãi cũng đã diễn tả rất thành công cái cảm xúc trên.

Viết về Huế không thể không tả trăng. Trăng dưới ngòi bút của Hàn Mạc Tử huyền ảo, tràn đầy vũ trụ, tạo nên một không khí nửa thực, nửa hư như trong mộng:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”

Chỉ có trong mộng thì sông mới là sông trăng và thuyền mới chở trăng. Ở đây Hàn Mặc Tử là con người có con mắt rất mơ, rất ảo. Nhìn vào sự thật thì sự thật thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy sẽ sang địa hạc huyền diệu. Lời thơ của Tử thanh tao quá! Ngọt lịm cả người” (Bích Khê).

Trăng là biểu tượng cho cái đẹp của cuộc đời và thiên nhiên. Trăng cũng tượng trưng cho hạnh phúc thanh bình. Vì vậy, hình ảnh thơ của Hàn Mặc Tử đã khơi dậy trong trái tim người đọc một niềm tin, niềm vui, một khát vọng hướng tới cái đẹp hoàn mỹ và thánh thiện. Những lời thơ lại cất lên như một câu hỏi vô vọng. Hai câu thơ sau của khổ thơ thể hiện tâm trạng khát khao gặp gỡ đồng thời cũng thể hiện nỗi niềm lo âu. phấp phỏng về sự muộn màng. Chỉ một chữ “kịp” câu thơ cuối cùng đã nói lên điều đó.

Đến với khổ thơ thứ ba cho thấy vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và tình người tình đời thiết tha mà xa xăm vô vọng của tác giả.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra”

Điệp ngữ “khách đường xa” vừa thể hiện tâm trạng khắc khoải nhớ mong tha thiết vừa diễn tả cái khoảng cách xa vời của mối tình đơn phương vô vọng. Vì vậy, “mơ khách đường xa” tác giả chỉ thấy “áo’’ nhưng “nhìn không ra”. Cô gái này là ai? Một cô gái Huế nào đó hay chính là cô gái thôn Vĩ chập chờn trong cõi mộng của nhà thơ khiến cho tác giả có cảm giác bâng khuâng hư thực? Chỉ biết đây là một hình ảnh vừa rất đỗi gần gũi tha thiết vừa xa xôi. Gần gũi vì nó đã trở thành một hoài niệm thường trực, xa vời vì khoảng cách thời gian, không gian và làn khói sương của một mối tình chưa có lời ước hẹn “Áo em trắng quá nhìn không ra” là một câu thơ khá đặc sắc. Màu trắng là màu áo dài của nữ sinh xứ Huế và cũng là màu gợi về sự thanh khiết trắng trong rất phù hợp với cô gái trong mộng tưởng. Cái màu trắng cả không gian, làm nhập nhòe cả thị giác của tác giả. Và “áo trắng quá” lại càng khó nhận ra khi lẩn vào sương khói hư ảo của Huế lắm nắng, nhiều mưa và sương khói của mối tình chưa có ước hẹn. Vì vậy, tình cảm của người con gái thôn Vĩ hôm nào có bền chặt cho chăng? “Ai biết tình ai có đậm đà?”.

Trong đau thương tột cùng mà nhà thơ vẫn có những phút giây thả hồn trong trẻo để hướng về một miền quê thân thiết và một mối tình đây mộng ảo để tạo nên một “viên ngọc thơ tuyệt vời, chói lọi nghìn năm” Chế Lan Viên .

Bài thơ cố nhiên có một xuất xứ, có một nguồn cảm hứng cụ thể, nhưng qua việc phân tích, ta thấy, tác phẩm đã vượt xa ranh giới của những gì cụ thể, đạt tới sự khái quát hóa nghệ thuật cao độ để đến với cuộc đời bao la.

Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử không chỉ là một bài thơ thể hiện tình yêu với một người con gái xứ Huế, thậm chí không chỉ dành riêng cho một thôn Vĩ cụ thể mà còn là lời tâm sự thiết tha, là lời trăng trối của thi sĩ Hàn Mặc Tử về tình yêu day dứt và quá đỗi sâu nặng đối với cuộc đời này.

Xem thêm: Phân tích khổ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

......................

Tải file tài liệu để xem thêm bài văn phân tích Đây thôn Vĩ Dạ

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
178
  • Lượt tải: 2.912
  • Lượt xem: 684.135
  • Dung lượng: 1 MB
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Tử Đinh Hương
    Tử Đinh Hương

    Bài văn rất hay, đầy đủ các luận điểm.

    Thích Phản hồi 03/05/22