Bộ đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Có đáp án) Ôn tập Ngữ văn 12

Bộ đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt mang đến 3 đề đọc hiểu giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu để nắm vững kiến thức tốt hơn.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những tác phẩm trọng tâm trong chương trình Ngữ văn 12 và ôn thi THPT Quốc gia. Chính vì thế với 3 đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt  cực chất dưới đây sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích để các bạn ôn luyện củng cố kiến thức. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng học tốt môn Ngữ văn các em tham khảo thêm: đề đọc hiểu Việt Bắc, Bộ 110 đề thi đọc hiểu luyện thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.

Đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Đề 1

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Đế Thích: Ông Trương Ba… (đắn đo rất lâu rồi quyết định) Vì lòng quí mến ông, tôi sẽ làm cu Tị sống lại, dù có bị phạt nặng… Nhưng còn ông… rốt cuộc ông muốn nhập vào thân thể ai?

Hồn Trương Ba: (sau một hồi lâu): Tôi đã nghĩ kĩ… (nói chậm và khẽ) Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!

Đế Thích: Không thể được! Việc ông phải chết chỉ là một lầm lẫn của quan thiên đình. Cái sai ấy đã được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống.

Hồn Trương Ba: Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn…

Đế Thích: Không! Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào…

Hồn Trương Ba: Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa…

Đế Thích: Ông có biết ông quyết định điều gì không? Ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa.

Hồn Trương Ba: Tôi hiểu. Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi! Còn lấy lí lẽ gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được? Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai? Họa chăng chỉ có lão lí trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc! Đúng, chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc.

(Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008, tr.151-152)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Giới thiệu vài nét về vở kịch này.

Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 3. Vì sao Hồn Trương Ba lại quyết định “không muốn nhập vào hình thù ai nữa”? Quyết định đó cho thấy vẻ đẹp gì trong Hồn Trương Ba?

Câu 4

Anh/chị có đồng tình với cách giải quyết của Hồn Trương Ba hay không? Vì sao?

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1: Giới thiệu vài nét về vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ:

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch đặc sắc nhất, gây được nhiều tiếng vang của Lưu Quang Vũ. Vở kịch được viết năm 1981, nhưng đến năm 1984 mới lần đầu ra mắt công chứng, đã được công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước.

- Tác phẩm này được Lưu Quang Vũ viết dựa trên một cốt truyện dân gian nhấn mạnh vào sự phản kháng của linh hồn nhân hậu, thanh cao chống lại sự lấn át và chế ngự của thể xác thô lỗ, phàm tục.

- Vở kịch gồm 7 cảnh và đoạn kết

Câu 2: Chủ đề của đoạn trích: Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích thể hiện thái độ kiên quyết lựa chọn cái chết để được trở lại là chính mình của Hồn Trương Ba

Câu 3:

- Dù rất ham sống (“Ông tưởng tôi không ham sống hay sao?”) nhưng Hồn Trương Ba lại quyết định “không muốn nhập vào hình thù ai nữa” vì hơn ai hết ông thấu hiểu nỗi khổ của bản thân mình khi phải nương nhờ vào thân xác của người khác. Ông cũng không muốn những người thân của mình phải khổ, phải liên lụy vì mình.

- Bằng cách từ bỏ cuộc sống vay mượn, Hồn Trương Ba đã chiến thắng sự dung tục, giả tạo, trở lại với bản nguyên trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao của mình (“tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”).

Câu 4: Cách giải quyết của Hồn Trương Ba là duy nhất đúng và toàn vẹn nhất dù cách đó có thể khiến Hồn Trương Ba vĩnh viễn rời xa cuộc đời này, thậm chí “cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa”. Vì chỉ khi “chết hẳn”, Hồn Trương Ba mới tìm lại được sự thanh thản, trong sáng; những người thân của Trương Ba cũng sẽ không còn phải khổ vì ông; thằng con của Trương Ba sẽ có cơ hội trở lại con đường ngay thẳng. Cho đến phút cuối cùng, Hồn Trương Ba vẫn rất nhân hậu, vị tha.

Đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Đề 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

(Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008, tr.149)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Thuộc thể loại nào? Giới thiệu vài nét về thể loại đó.

Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 3. Thái độ của Hồn Trương Ba trước vấn đề Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. được thể hiện như thế nào? Nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Hồn Trương Ba.

Câu 4. Theo anh/chị, con người ta cần phải sống như thế nào?

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1: Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

- Tác phẩm được viết theo thể loại kịch.

- Kịch là một trong ba phương thức phản ánh hiện thực bằng hình tượng (trữ tình, tự sự, kịch) và là một trong bốn loại thể cơ bản của văn học (thơ, kí, truyện, kịch).

- Kịch phản ánh cuộc sống bằng việc khám phá, phát hiện những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống thực tại rồi diễn đạt bằng hành động và ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật

Câu 2: Chủ đề của đoạn trích là: Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, không chấp nhận cảnh sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”

Câu 3:

- Trước vấn đề Tôi muốn được là tôi toàn vẹn., Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ. Trong lời thoại của Hồn Trương Ba, ta thấy lặp đi lặp lại điệp khúc phủ định lối sống vay mượn thân xác của người khác: không thể, không thể, không thể. Mặt khác, ông còn thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.

- Thái độ kiên quyết từ chối cảnh sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, sống nhờ thân xác của ngƣời khác cho thấy tâm hồn trong sạch, ngay thẳng, tự trọng của Hồn Trương Ba.

Câu 4: Dựa vào hai quan điểm mấu chốt dưới đây để viết bài

- Cuộc sống của con người thật quý giá, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình muốn và theo đuổi còn quý giá hơn. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi người ta được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác.

- Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý: thể hiện qua cuộc đối thoại với xác hàng thịt

Đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Đề 3

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hồn Trương Ba: (ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy) Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! (nhìn chân tay, thân thể) Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!

(Tới đây, bắt đầu lớp kịch “Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác”. Trên sân khấu, Hồn Trương Ba tách ra khỏi xác anh hàng thịt và hiện hình lờ mờ trong dáng nhân vật Trương Ba thật. Thân xác bằng thịt vẫn ngồi nguyên trên chõng và lúc này chỉ còn là thân xác.)

Xác hàng thịt: (bắt đầu) Vô ích, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác…

Hồn Trương Ba: A, mày cũng biết nói kia à? Vô lí, mày không thể biết nói! Mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù…

Xác hàng thịt: Có đấy! Xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy!

Hồn Trương Ba: Nói láo! Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!

Xác hàng thịt: Có thật thế không?

Hồn Trương Ba: Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt…

Xác hàng thịt: Tất nhiên, tất nhiên. Sao ông không kể tiếp: Khi ông ở bên nhà tôi… Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… Đêm hôm đó, suýt nữa thì…

Hồn Trương Ba: Im đi! Đấy là mày chứ, chân tay mày, hơi thở của mày…

Xác hàng thịt: Thì tôi có ghen đâu! Ai lại ghen với chính thân thể mình nhỉ! Tôi chỉ trách là sao đêm ấy ông lại tự dưng bỏ chạy, hoài của!... Này, nhưng ta nên thành thật với nhau một chút: Chẳng lẽ ông không xao xuyến chút gì à? Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao? Để thỏa mãn tôi, chẳng lẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì? Nào, hãy thành thật trả lời!

Hồn Trương Ba: Ta… ta… đã bảo mày im đi!

Xác hàng thịt: Rõ là ông không dám trả lời. Giấu ai chứ không thể giấu tôi được! Hai ta đã hòa với nhau làm một rồi!

Hồn Trương Ba: Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…

Xác hàng thịt: Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!

Hồn Trương Ba: (bịt tai lại) Ta không muốn nghe mày nữa!

Xác hàng thịt: (lắc đầu) Ông cứ việc bịt tai lại! Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu! Mà đáng lẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh. Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi không? Con giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi… Ha ha!

Hồn Trương Ba: Ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở thành tàn bạo.

Xác hàng thịt: Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải qui phục! Đâu phải lỗi tại tôi… (buồn rầu) Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cũng đáng được quí trọng chứ! Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân… Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi… Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác… Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quí, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác… Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ!

Hồn Trương Ba: Nhưng… Nhưng…

Xác hàng thịt: Hãy công bằng hơn, ông Trương Ba ạ! Từ nãy tới giờ chỉ có ông nặng lời với tôi, chứ tôi thì vẫn nhã nhặn với ông đấy chứ. (thì thầm) Tôi rất biết cách chiều chuộng linh hồn.

Hồn Trương Ba: Chiều chuộng?

Xác hàng thịt: Chứ sao? Tôi thông cảm với những “trò chơi tâm hồn của ông”. Nghĩa là: Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà không phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: Cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện! Hà hà, miễn là… ông vẫn làm đủ mọi việc để thỏa mãn những thèm khát của tôi!

Hồn Trương Ba: Lí lẽ của anh thật ti tiện!

Xác hàng thịt: Ấy đấy, ông bắt đầu gọi tôi là anh rồi đấy! Có phải lí lẽ của tôi đâu, tôi chỉ nhắc lại những điều ông vẫn tự nói với mình và người khác đấy chứ! Đã bảo chúng ta tuy hai mà một!

Hồn Trương Ba: (như tuyệt vọng) Trời!

Xác hàng thịt: (an ủi) Ông đừng nên tự dằn vặt làm gì! Tôi đâu muốn làm khổ ông, bởi tôi cũng rất cần đến ông. Thôi, đừng cãi cọ nhau nữa! Chẳng còn cách nào khác đâu! Phải sống hòa thuận với nhau thôi! Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!

(Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008, tr.143-146)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? Giới thiệu vài nét về tác giả đó.

Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 3. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.

Câu 4. Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba khi ngụ trong xác anh hàng thịt.

Câu 5. Anh/chị đồng tình hay phản đối các lí lẽ của anh hàng thịt trong phần đoạn trích in đậm? Vì sao?

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1: Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt của nhà văn Lưu Quang Vũ.

- Giới thiệu đôi nét về tác giả:

  • Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ đa tài: Làm thơ, vẽ tranh, viết truyện, viết tiểu luận, nhưng thành công nhất là soạn kịch. Ông là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
  • Kịch của Lưu Quang Vũ phản ánh nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống, đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước, góp phần đem đến cho sân khấu Việt Nam đương đại một sức sống mới. Các vở kịch của ông chủ yếu hấp dẫn người đọc, người xem không phải bằng xung đột xã hội gay gắt mà bằng xung đột trong cách sống và trong quan niệm sống, qua đó khẳng định khát vọng hoàn thiện cách sống, hoàn thiện con người.

Câu 2: Chủ đề của đoạn trích: Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với xác hàng thịt về sức mạnh của hồn và xác.

Câu 3: Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Cơ sở xác định: Đoạn trích thể hiện rõ các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:

  • Tính hình tượng: Hiện lên trong đoạn trích là hai hình tượng nhân vật Hồn Trương Ba và xác hàng thịt với những lời nói, cử chỉ, tính cách, quan niệm sống cụ thể.
  • Tính truyền cảm: Đoạn trích mang đến người đọc nỗi buồn đau, thất vọng trước sự lấn lướt, thắng thế của cái dung tục với những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quí trong con người.
  • Tính cá thể hóa: Mỗi nhân vật (Hồn Trương Ba, xác hàng thịt) hiện lên với thông qua vẻ riêng trong lời nói của từng nhân vật. Hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ còn xác hàng thịt thì cười nhạo và không ngừng đưa ra những “lí lẽ ti tiện”

Câu 4: Bi kịch của Hồn Trương Ba khi ngụ trong xác hàng thịt:

  • Hồn Trương Ba phải sống trong một nghịch cảnh vô lí: linh hồn nhân hậu, trong sáng của Trương Ba phải trú nhờ trong thể xác của một anh hàng thịt thô phàm.
  • Linh Hồn Trương Ba phải sống mƣợn, gá lắp, tạm bợ và lệ thuộc nên bị xác thịt ấy điều khiển.
  • Linh Hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt.
  • Trương Ba đau khổ, dằn vặt và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác hàng thịt để tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào thân xác anh đồ tể nhưng lại bị xác anh đồ tể dồn vào thế đuối lí, ve vãn.
  • Trương Ba nổi giận, tỏ ra khinh bỉ, mắng mỏ những “lí lẽ ti tiện” của xác thịt nhưng đồng thời cũng ngậm ngùi thấm thía nghịch cảnh mà mình đã lâm vào, đành trở lại xác thịt trong tuyệt vọng.

Câu 5: Những lí lẽ của anh hàng thịt trong phần đoạn trích in đậm vừa xác đáng lại vừa không xác đáng:

  • Xác đáng: Trong mối quan hệ với linh hồn, thể xác có vai trò quan trọng. Thể xác “là cái bình chứa đựng linh hồn”, nhờ có thể xác mà linh hồn có thể tồn tại. Nhiều người có quan niệm sai lầm khi không đánh giá đúng vai trò của thể xác, coi thể xác là phần không cần được quan tâm, chăm chút, để thể xác nhếch nhác, khổ sở. Phần lí lẽ này có thể đồng tình.
  • Không xác đáng: Xác hàng thịt đã đề cao quá mức phần bản năng thô tục của mình (“Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ!”). Phần lí lẽ này cần phải bác bỏ
Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 16
  • Lượt xem: 5.932
  • Dung lượng: 199,3 KB
Sắp xếp theo