Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Phương Định trong một lần phá bom Dàn ý & 4 bài văn Phân tích nhân vật Phương Định

TOP 4 bài Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Phương Định trong một lần phá bom hay nhất dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp đáng quý của nhân vật Phương Định, đó là lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm với công việc.

Phá bom

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được học trong chương trình Văn 9, Bài 7 sách Ngữ văn 8 Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 2. Qua đó, cho chúng ta thấy rõ diễn biến tâm trạng của Phương Định khi phá bom, bộc lộ vẻ đẹp đáng trân trọng của cô.

Lập dàn ý Phân tích tâm lý nhân vật Phương Định trong một lần phá bom

I. Mở bài:

  • Giới thiệu về tác giả Lê Minh Khuê.
  • Giới thiệu về tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”.
  • Giới thiệu nội dung đoạn trích và nêu cảm nhận chung về nhân vật Phương Định: Khung cảnh và công việc phá bom của Phương Định ở một cao điểm trên đường mòn Trường Sơn đã được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động qua đoạn trích trên. Nhân vật Phương Định trong đoạn trích đã để lạ ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lòng quả cảm, không sợ hi sinh…

II. Thân bài:

1. Hoàn cảnh sống và chiến đấu:

  • Phương Định cùng với chị Thao và Nho làm thành một tổ trinh sát mặt đường. Họ ở “trong một hang dưới chân cao điểm”…
  • Công việc của Phương Đình và đồng đội đặc biệt nguy hiểm. Hằng ngày, họ thay nhau đứng trên cao điểm đếm bom rơi rồi lao ra trọng điểm sau mỗi trận bom để đo khối lượng đất, đá phải san lấp,đánh dấu và phá những quả bom chưa nổ.

=> Cuộc sống gian khổ giữa chiến trường ác liệt, công việc đầy nguy hiểm và luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng Phương Định vẫn giữ được những vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nổi bật là tinh thần dũng cảm, gan dạ, không sợ hi sinh được thể hiện sâu sắc trong một lần phá bom.

2. Tinh thần dũng cảm, gan dạ trong một lần phá bom:

  • Khung cảnh và không khí chứa đầy sự căng thẳng “Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Ðất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa”. Không cần tô vẽ, tự bản thân khung cảnh ấy, với những hình ảnh của hung thần chiến tranh đã đủ gây ấn tượng về chiến trường ác liệt, nơi hằng ngày Phương Định cùng với những người đồng đội của mình phải sống và chiến đấu, làm nhiệm vụ. Trang viết của Lê Minh Khuê đã ghi lại một cách ít lời nhất cuộc chiến đấu khốc liệt của tổ trinh sát mặt đường.
  • Trong không khí căng thẳng và vắng lặng đến rợn người, nhưng rồi một cảm giác bỗng đến với cô làm cô không sợ nữa : “tôi đến gần quả bom . Cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Lòng dũng cảm của cô như được kích thích bởi sự tự trọng. Chính tình đồng đội đã khiến cô vững tâm hơn, yên tâm hơn về công việc nguy hiểm mà mình đang và sẽ phải đối mặt ở phía trước.
  • Và khi đã ở bên quả bom, kề sát với cái chết có thể đến tức khắc, từng cảm giác của cô như cũng trở nên sắc nhọn hơn và căng như dây đàn : “ thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi, tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí ! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Thần chết nằm chực ở đó chờ phút ra tay. Cô phải nhanh hơn, mạnh hơn nó, không được phép chậm trễ một giây. Thật đáng sợ cái công việc chọc giận Thần Chết đó. Ai dám chắc là quả bom sẽ không nổ ngay bây giờ, lúc Phương định đang lúi húi đào đào, bới bới ấy. Thế mà cô vẫn không run tay, không bỏ cuộc và thực hiện nhiệm vụ cho đến thao tác cuối cùng. Cô cố gắng thực hiện các động tác nhanh, chạy đua với thời gian nhưng vẫn cẩn trọng, nhẹ nhàng; chỉ cần sai sót nhỏ thôi là bom sẽ nổ ngay lập tức.
  • Xong nhiệm vụ, Phương Định chạy tới chỗ ẩn nấp, hồi hộp chờ đợi, lo lắng, “tim đập không rõ”, thần kinh căng thẳng cao độ. Cô có nghĩ đến cái chết, nhưng đó là “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”; tâm trí Phương Định chỉ còn băn khoăn việc “liệu mìn có nổ, bom có nổ không ? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai”. Cô không ngần ngại hi sinh; cái công việc khủng khiếp bóp nghẹt trái tim này đâu chỉ diễn ra hôm nay, những nguy hiểm không kể xiết ấy diễn ra từng ngày, trở thành một điều quen thuộc.: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần”. Cô chỉ sợ đường không thông, không hoàn thành nhiệm vụ. Rồi khi bom nổ - một thứ tiếng kì quái váng óc - ngực nhói, mắt cay, cô vẫn phủi áo và chạy xuống ngay nơi nổ.
  • Trong truyện, có lẽ đây là đoạn xuất sắc nhất; tâm lí nhân vật được miêu tả vô cùng chi tiết. Khi cái chết im lìm và đáng sợ kề bên, mọi cảm giác của Phương Định đều trở nên sắc nhọn. Chính sự khốc liệt của chiến trường đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm của một nữ sinh thành bản lĩnh của người thanh niên xung phong kiên cường, bất khuất...

=> Cảm xúc và suy nghĩ chân thực của cô đã truyền sang cho người đọc nỗi niềm đồng cảm yêu mến và sự kính phục. Một cô nữ sinh nhỏ bé, hồn nhiên, giàu mơ mộng và nhạy cảm mà cũng thật anh hùng, thật xứng đáng với những kì tích khắc ghi trên những tuyến đường Trường Sơn bi tráng. Một ngày trong những năm tháng Trường Sơn của cô là như vậy! Những trang lịch sử Trường Sơn không thể quên ghi một ngày như thế!

3. Nhận xét, đánh giá về nội dung và nghệ thuật:

  • Có thể nói, gan dạ, dũng cảm là nét nổi bật trong phẩm chất của Phương Định, của biết bao người con gái, người trai khi đến với chiến trường ác liệt, tham gia vào việc chiến đấu và bảo vệ Tô quốc.
  • Người đọc yêu mến cô còn bởi lí tưởng sống cao đẹp, tình đồng đội gắn bó, tâm hồn trong sáng giàu mơ mộng. Với tất cả những phẩm chất đáng quí đó, cô và những người đồng đội của mình thực sự là “những ngôi sao xa xôi” toả sáng trong trái tim độc giả, trong suy nghĩ của biết bao thế hệ con người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau.
  • Thành công nghệ thuật của tác giả Lê Minh Khuê khi xây dựng nhân vật: ngôi kể thứ nhất, Phương Định là nhân vật chính cũng là người kể chuyện; giọng điệu nữ tính; xây dựng nhân vật vừa có nét tương đồng lại có những cá tính riêng....

III. Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề.

Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Phương Định trong một lần phá bom ngắn gọn

Bằng tài năng và những trải nghiệm thực tế của một người chiến sĩ, nhà văn Lê Minh Khuê đã tái hiện sống động cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn xưa. Sự khốc liệt, nguy hiểm và gian nan của chiến tranh cũng như sự dũng cảm, bất khuất không sợ hi sinh của các chiến sĩ được thể hiện chân thực nhất qua một lần phá bom của nhân vật Phương Định.

Trong khung cảnh chiến tranh ác liệt, mưa bom bão đạn, cô gái trẻ Phương Định lại đi làm nhiệm vụ phá bom. Đường đi tới vị trí quả bom chưa phát nổ cần phá được diễn tả như một hành trình, trên hành trình với thử thách sống còn ấy cô gái trẻ không thoát khỏi được những lo âu, kinh sợ. Phương Định không hề nhút nhát nhưng cô thận trọng và cũng có chút bận tâm với cái "vắng lặng đến phát sợ", tuy nhiên cô chợt nghĩ rằng cô không hề một mình, cô còn đồng đội và các anh cao xạ vần luôn dõi theo và giúp cô vượt qua nỗi sợ, tiến gần tới quả bom một cách nhanh hơn, đường hoàng hơn chứ không phải đi khom.

Quả bom - hiện thân của chết chóc ấy vậy mà Phương Định phải gần kề sát bên nó "dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom", cô nhắc nhở chính thần kinh của mình phải thật tỉnh táo để tập trung tối đa cho công việc. Tiếng xẻng chạm vào quả bom trở thành thứ âm thanh sắc lạnh đến gai người, như muốn cắt đứt dây thần kinh đang cố sức của Phương Định "Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm". Tâm lý của cô đẩy lên cao trào khi châm ngòi mìn nổ và chờ đợi, giống như sự chờ đợi phán quyết sống còn. Phương Định có nghĩ đến cái chết nhưng cái chết ấy lại mờ nhạt và không cụ thể, quan trọng hơn cái chết ấy vẫn là liệu cô có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không, vừa phá được bom lại không bị thương ấy là hoàn hảo nhất. Cuối cùng thì Phương Định đã vượt qua thử thách quen thuộc ấy, bom đã nổ và phán quyết cuối cùng rằng cô đã an toàn đi tiếp cuộc hành trình. Sau tiếng bom nổ ta đã thấy một Phương Định tự tin, bạo dạn và lại trở về với dáng vẻ hồn nhiên, trong sáng.

Cách nhân vật Phương Định được lựa chọn là người kể chuyện đã góp phần khiến cho câu chuyện của cô chân thực tuyệt đối, đồng thời giúp cho người đọc thấm thía hơn tư tưởng của truyện.

Phân tích nhân vật Phương Định trong một lần phá bom

Lê Minh Khuê là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn. Ngòi bút của bà luôn hướng về cuộc chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" là một trong số những tác phẩm đầu tay của bà, được viết vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Phương Định - nhân vật chính của truyện là một cô gái thanh niên xung phong với nhiều phẩm chất cao đẹp như dũng cảm, bản lĩnh,... Điều này được thể hiện rõ nét trong một lần cô phá bom.

Trong lúc đơn vị “thường ra đường vào lúc mặt trời lặn và làm việc có khi 1 suốt đêm ”thì Phương Định và tổ trinh sát mặt đường phải chạy trên cao điểm cả ban ngày, dưới có cái nóng trên 30 độ”. Nơi đây lại còn ẩn giấu những quả bom chưa nổ, tính mạng cô luôn bị đe dọa. Vậy mà Phương Định vẫn bình thản, thậm chí cô không chịu đi viện để chữa vết thương trên đùi chưa lành miệng. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm cao với công việc, tinh thần yêu nước, đầy quả cảm của cô gái thanh niên xung phong.

Đặc biệt, nhà văn tập trung khắc họa nhân vật Phương Định trong một lần phá bom trên cao điểm ở Trường Sơn. Đây là một trong những đoạn văn xuất sắc nhất của truyện ngắn “ Những ngôi sao xa xôi ” . Ngòi bút miêu tả của nhà văn cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua của nhân vật. Sau những đợt thả bom của giặc, Phương Định cùng đồng đội chạy lên cao điểm để làm nhiệm vụ . Không gian lúc đó vắng lặng đến phát sợ. Nhưng cô không hề sợ hãi. Cô có cảm giác như các chiến sĩ đang dõi theo mình. Cô quyết định không đi khom, bởi Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cử đường hoàng mà bước tới. Cảm giác ấy vừa thể hiện lòng tự trọng, vừa là ý chí mạnh mẽ giúp cô dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy. Phương Định “dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom ”. Lưỡi xẻng thỉnh thoảng lại chạm vào quả bom“ Một tiếng động sắc đến ghê người cứa vào da thịt ... Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành".

Cách miêu tả của tác giả thật tài tình , khiến cho người đọc cũng có thể cảm thấy rùng mình như Phương Định, càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh, gan dạ của cô. Những lúc đối mặt với quả bom sắt lạnh lùng, cô cũng có nghĩ đến cái chết nhưng một cái chết rất mờ nhạt, không cụ thể”. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Còn điều mà cô quan tâm lúc này là “liệu mìn có nổ không , bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Như vậy, trong suy nghĩ của Phương Định, cô luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt dù có phải hi sinh. Cô quyết phá hết những quả bom chưa nổ để đoàn xe tiến về phương nam thuận lợi, an toàn.

Và chính nhờ sự gan góc, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp cô hoàn thành tốt công việc của mình. Người đọc yêu mến , trân trọng và kính phục Phương Định cũng như muôn ngàn cô gái khác trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, đang hàng giờ dệt nên những kì tích cho Tổ quốc thân yêu.

Tóm lại, truyện "Những ngôi sao xa xôi" của tác giả Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong mọi người hình ảnh tuyệt đẹp của những cô gái thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mĩ với tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm. Phương Định tuy chỉ là một ngôi sao nhỏ nhưng sẽ luôn tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam. Tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng Mĩ cứu nước.

Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Phương Định trong một lần phá bom

Có những bài ca không bao giờ quên, cũng có những năm tháng chiến tranh không phai mờ trong tâm trí mỗi người. Văn học với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của nó, đã phản ánh thời kỳ chiến tranh với những hình tượng đẹp. “Những ngôi sao xa xôi” là một trong số đó. Đọc “Những ngôi sao xa xôi” ta ấn tượng nhất là khi nhà văn miêu tả tâm lý nhân vật phương định trong một lần phá bom.

Những ngôi sao xa xôi viết năm 1971 của nhà văn Lê Minh Khuê. Truyện đề cập tới hoàn cảnh sống và làm việc của ba cô gái thanh niên xung phong nơi chiến trường. Phá bom là công việc thường ngày. Bới thế, tác giả đã miêu tả tâm lý nhân vật Phương định phá bom rất chân thực.

Trước hết tâm lý nhân vật được thể hiện khi Phương Định đến gần quả bom” Vắng lặng đến phát sợ, cây còn lại xơ xác. Đất nóng, khối đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa” Lê Minh Khuê sử dụng câu văn ngắn liệt kê để diễn tả không khí chiến tranh ác liệt, sợ hãi. Khung cảnh quanh cao điểm thật im lặng đến phát sợ như không còn sống. Khi ấy, Phương Định tuy có chút bận tâm nhưng cô quyết định sẽ đi khom. Cũng bởi các cao xạ không thích đi khom khi mà họ có thể thẳng lưng mà đi. Lòng tự trọng đã khiến cô trở nên dũng cảm nơi chiến trường.

Tâm lý nhân vật, không chỉ thế còn được thể hiện khi Phương Định đến gần quả bom. Cô bắt tay vào làm công việc của mình. Công việc mà ba năm nay mỗi ngày từ năm đến ba lần cô đều phải làm: Phá bom. Định bỏ thuốc nổ bên cạnh quả bom “ Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào mỏ quả bom, một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tý! Bỏ quả bom nóng một dấu hiệu chẳng lành” Không khí giờ đây thật căng thẳng nhưng cô từng nói “Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn lần trong ruột những quả bom” Thì công việc này quả thực rất nguy hiểm, cận kề tới cái chết. Từ đó, ta có thể thấy được sự dũng cảm và tình yêu nước của các cô gái thanh niên xung phong. Rồi trong giờ phút đó người ta cũng dõi theo từng cử chỉ của nhân vật. Cô có nghĩ đến cái chết mờ nhạt. Bởi vậy các cô gái thanh niên xung phong vẫn tiếp tục lạc quan làm việc, cống hiến cho tổ quốc.

Bên cạnh đó, tâm lý Phương Định được miêu tả sinh động khi cô chờ bom nổ, Nấp sau tảng đá lớn là một căn hầm. Cô lo lắng” liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Nếu không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai” Trong giờ phút sinh tử ấy, điều cô quan tâm chính là công việc chừng không phải mạng sống của chính mình. Ý nghĩ đó đã thể hiện trọn vẹn được tinh thần trách nhiệm trong cô. Đã hai mươi phút trôi qua, đồng hồ chạy đè nặng lên những con số vĩnh cửu, lửa đang chạy vào trong ruột quả bom. Rồi bom cũng nổ, mùi thuốc bom buồn nôn. Những mảnh bom như xé trong không trung. Sau tiếng nổ đó là tiếng nổ của những quả bom mà đồng đội của cô châm ngòi và khi gặp chị Thao, Phương định nhận ra Nho đã bị thương.

Tâm lý của Phương Định lúc bom nổ, có thể nói đã thể hiện tính cách của cô. Tiếng nổ lớn vang lên, đó là khi Phương Định đã hoàn thành nhiệm vụ. Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì chợt nhận ra Nho bị thương, hầm của cô bị sập Định hốt hoảng lo lắng cứu chữa cho Nho. Cuối cùng mọi chuyện diễn ra khá tốt đẹp và có lẽ sẽ để lại trong lòng Phương Định nhiều kỷ niệm.

Cùng với “Những ngôi sao xa xôi” nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã thành công ở nhiều phương diện không chỉ ở nội dung mà còn ở nghệ thuật. Bằng sự thăng hoa giữa tài năng và cảm hứng, ngòi bút hiện thực của người nghệ sĩ đã viết lên những câu văn ca ngợi hình tượng những nữ thanh niên xung phong mà tiêu biểu là trích đoạn khi Phương Định phá bom đã thể hiện được phẩm chất chung của họ. Câu văn ngắn gọn, câu rút gọn đặc biệt được sử dụng tài tình. Đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc. Giọng văn linh hoạt, ngôi kể thứ nhất thuận lợi việc bộc lộ cảm xúc. Lê Minh Khuê viết ít về những đau thương mất mát với tác dụng động viên, quả thực tác giải góp vào đề tài một tác phẩm hay.

Gấp lại trang truyện Lê Minh Khuê cũng như trích đoạn hình ảnh Phương Định phá bom đã neo đậu trong tim ta ấn tượng đẹp. Từ đó, học sinh chúng ta có ý thức trách nhiệm với tổ quốc hơn như trong câu hát:

“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà phải hỏi ta đã làm gì cho cuộc sống hôm nay”

(Chế Lan Viên)

Phân tích diễn biến tâm lí Phương Định trong 1 lần phá bom

Nhà văn Lê Minh Khuê trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" đã khắc họa thành công bức tượng đài về thế hệ trẻ trên tuyến đường Trường Sơn chống Mĩ. Đó là Nho, Thao và Phương Định, trong đó tác giả đi sâu nhất vào tâm lý của nhân vật Phương Định đặc biệt là trong một lần cô phá bom.

Đây không phải là lần phá bom đầu tiên của Phương Định, bởi phá bom là công việc hàng ngày, thậm chí có ngày còn phá tới năm quả bom, thế nhưng tâm lý của cô trong mỗi lần phá bom vẫn vô cùng phong phú. Từng bước chân tiếp cận quả bom vẫn còn vướng nỗi lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên dù có căng thẳng đến đâu cô cũng không cho phép vượt quá lòng tự trọng của mình, là chiến sĩ xung phong cô phải dũng cảm hơn, không cho phép mình đi khom cái kiểu rón rén khó coi. Kề bên quả bom, cái chết im lìm đáng sợ ấy khiến cô gái trẻ không khỏi rùng mình, chiếc xẻng đào đất giờ đây lại trở thành thứ đồ vật nguy hiểm nhất, chỉ sơ sẩy một chút thôi cũng có thể kích nổ quả bom khiến cô mất mạng.

Cô tự nhận ra rằng mình quá căng thẳng nên làm chậm, tự nhắc bản thân phải làm nhanh hơn, sự đấu tranh trong tâm lý của Phương Đinh luôn giành phần thắng cho lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ. Trải qua một nửa quá trình phá bom, thời khắc quan trọng đã đến, Phương Định cẩn thận, bỏ thuốc mìn vào lỗ đã đào, châm cho ngòi cháy và cô cũng chạy về ngay nơi trú ẩn của mình. Sự lo lắng hồi hộp khiến người cô tự động nép vào ẩn náu vào bên bức tường đất, dường như để khỏa lấp đi nỗi sợ hãi đó trong ý nghĩ của cô tự động nghĩ về quả bom hơn là cái chết, cô mãi nghĩ nếu bom không nổ thì phải làm sao để châm cho nổ hay là nghĩ thêm phải đứng cho cẩn thận kẻo mảnh bom mà ghim vào cánh tay thì "khá phiền". Rồi bom nổ, như chính cái bong bóng sợ hãi, căng thẳng, lo âu trong cô gái đã vỡ tan, khi phá bom thì căng thẳng là thế nhưng sau khi phá xong cô lại coi như chuyện bình thường "phủi áo" rồi đi tìm các đồng đội của mình.

Qua chi tiết phá bom có thể thấy Phương Định là một cô gái có thế giới nội tâm phong phú, không những thế cô còn là một người chiến sĩ dũng cảm, giàu trách nhiệm với công việc.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 98
  • Lượt xem: 53.878
  • Dung lượng: 235,8 KB
Sắp xếp theo