Mách bạn bí kíp làm bài thi trắc nghiệm Lịch sử đạt điểm cao Cách làm bài thi môn Sử THPT Quốc gia 2024
Mẹo khoanh trắc nghiệm Lịch sử 12 thi THPT Quốc gia 2024 giúp các em học sinh tham khảo, nắm được các bí kíp, mẹo nhỏ để biết cách lựa chọn cho mình các đáp án đúng nhất, nhanh nhất để đạt kết quả cao trong kỳ thi quan trọng sắp tới.
Với môn Lịch sử các em phải nắm được thật chắc kiến thức, các mốc lịch sử quan trọng thì mới đạt được điểm 9, 10. Trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm 2024 có 40 câu trắc nghiệm, với thời gian làm bài trong 50 phút. Các câu hỏi sẽ dàn trải tất cả kiến thức trong sách giáo khoa, trong đó phần lịch sử thế giới là 30% và lịch sử Việt Nam là 70%. Các dạng câu hỏi trong đề thi bao gồm:
- Dạng câu hỏi đúng sai
- Dạng câu hỏi chọn đáp án đúng nhất
- Dạng câu hỏi điền đáp án ngắn vào chỗ trống
- Dạng câu hỏi sắp xếp thứ tự của sự kiện lịch sự
- Dạng câu hỏi chọn đáp án phủ định (dạng câu hỏi học sinh dễ nhầm lẫn)
- Dạng câu hỏi nguyên nhân kết quả
- Dạng câu hỏi về mốc sự kiện, thời gian,…
Mẹo khoanh trắc nghiệm Lịch sử 12 thi THPT Quốc gia 2024
Để giúp các em đạt điểm cao môn Lịch sử, Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương (Giảng viên chính của Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Giáo viên bộ môn Lịch sử của AT School) sẽ chia sẻ những mẹo khoanh trắc nghiệm giúp em tự tin lựa chọn được phương án đúng
1. Điểm liệt môn Sử là bao nhiêu?
Điểm liệt là mức điểm giới hạn mà thí sinh có đủ điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp hay không. Nếu số điểm đạt được bằng hoặc dưới mức này thì có nghĩa là bạn đã bị điểm liệt.
Mức điểm liệt môn Sử là 1.0 hoặc dưới 1.0 điểm
Quy định về điểm liệt trong kì thi THPTQG năm 2024 là 1.0 điểm hoặc dưới 1.0 điểm. Như vậy môn lịch sử cũng giống các môn khác, nếu thí sinh đạt điểm 1.0 hoặc dưới 1.0 là đã bị điểm liệt.
2. Mẹo khoanh trắc nghiệm Lịch sử 12
a. Dễ làm trước, khó làm sau
Học sinh cần đọc hết các câu hỏi và đáp án trong đề, phân tích và xử lí nhanh yêu cầu. Câu nào ở mức độ Nhận biết, Thông hiểu làm trước; câu Vận dụng, Vận dụng cao làm sau. Việc làm câu dễ trước giúp em tiết kiệm thời gian, giải tỏa được tâm lí, tăng sự tự tin, dành nhiều thời gian cho những câu hỏi khó.
Mỗi câu hỏi chỉ có hơn một phút, học sinh nên phân bố thời gian hợp lí. Không dành quá nhiều thời gian cho một câu mà ảnh hưởng đến quỹ thời gian chung.
Không chỉ riêng môn Lịch sử, với các môn Khoa học xã hội nói chung, học sinh nên chú trọng làm những câu lí thuyết trước, sau đó là câu liên hệ thực tế và cuối cùng là câu suy luận.
b. Khoanh mốc thời gian trong câu hỏi và các đáp án
Đọc kĩ từng câu hỏi để tìm ra từ khoá liên quan đến mốc thời gian. Có hai dạng mốc thời gian: bằng số (ví dụ như 1930, 1945,…) và bằng chữ (ví dụ như “sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, “sau Cách mạng Tháng Tám”,…). Cứ nhìn thấy mốc thời gian, em khoanh vòng tròn lại để khu biệt kiến thức và tìm dữ kiện, tránh nhầm lẫn với các sự kiện khác.
Lưu ý: Song song với việc khoanh mốc thời gian trên câu hỏi/phần dẫn, ở phần đáp án chúng ta nên viết mốc thời gian sang bên cạnh (nếu nhớ được những mốc thời gian cụ thể của các sự kiện) để thao tác loại trừ phương án sai.
Thao tác khoanh mốc thời gian này được gọi tắt là KK. K1 là khoanh mốc thời gian bằng số; K2 là khoanh mốc thời gian bằng chữ.
c. Gạch chân từ khoá đúng – Gạch chéo từ khoá sai
Từ khoá đúng là những từ, cụm từ xuất hiện ngay trên câu hỏi/phần dẫn và ở những câu trả lời đúng. Với những từ khoá đúng, chúng ta sẽ gạch chân (G1). Trên thực tế, tìm đủ và đúng từ khóa đúng sẽ ra đáp án đúng.
Cách tìm từ khoá đúng như sau: Học sinh sẽ phải đọc kỹ câu hỏi để nhận diện được những yêu cầu từ câu lệnh, tập trung chủ yếu vào từ để hỏi, đối tượng được hỏi và nội dung hỏi.
Đối với những câu hỏi ở mức độ dễ, giản đơn, học sinh chỉ cần thao tác gạch chân từ khóa đúng (kết hợp khoanh mốc thời gian KK) là có thể ra được đáp án. Ở những câu hỏi khó và phức tạp hơn, chúng ta sẽ kết hợp cả các thao tác khoanh mốc thời gian, gạch từ khoá đúng và từ khoá sai.
d. Từ khoá sai là những từ và cụm từ trong phương án nhiễu không phù hợp, không đúng với dữ kiện đưa ra trong câu hỏi/phần dẫn. Với những từ khoá sai, chúng ta sẽ gạch chéo hoặc gạch ngang (G2). Đây thực chất là phương pháp loại trừ vẫn hay sử dụng khi làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử.
Cách tìm từ khoá sai như sau: Từ khoá sai luôn xuất hiện trên các phương án gây nhiễu, có thể chỉ là một từ hoặc một cụm từ hoặc cả câu phương án đó (đó có thể là đặc điểm của một sự kiện, hiện tượng lịch sử khác). Khi chúng ta gạch chéo những từ khoá sai đó sẽ nhìn thấy được đáp án đúng trên cơ sở kiến thức về sự kiện, hiện tượng lịch sử mình đã có.
Lưu ý: Trong quá trình tìm từ khoá, chúng ta nên nháp lại (ghi lại) những nội dung kiến thức liên quan sang bên phải của các đáp án trả lời. Thao tác này có thể thực hiện trực tiếp trên đề thi hoặc trên giấy nháp.
Tóm lại, thao tác gạch từ khóa này được gọi tắt là GG. G1 là gạch chân từ khoá đúng, G2 là gạch chéo hoặc gạch ngang từ khoá sai.
Phương pháp khoanh mốc thời gian, gạch từ khoá đúng và từ khoá sai trong quá trình phân tích đề thi được gọi là KKGG (Khoanh khoanh gạch gạch). Kĩ thuật này khi đi vào thực tế giảng dạy trong những năm học gần đây đã giúp rất nhiều học sinh biết cách phân tích đề thi và tự tin khẳng định đáp án đúng. Nhiều học sinh đạt điểm 9, điểm 10 nhờ kĩ thuật KKGG.
e. Không bỏ sót bất cứ câu nào
Một trong những lợi thế lớn nhất của thi trắc nghiệm đó chính là "random" câu trả lời. Trong một số trường hợp bí câu trả lời, hoặc gặp những câu hỏi hóc búa mà thời gian lại sắp hết, không thể hỏi ai thì chỉ còn một cách duy nhất là tin vào may mắn.
Thêm nữa, việc bỏ trống câu trả lời chỉ vì không biết rất đáng tiếc vì biết đâu phương pháp KKGG lại đúng thì sao. Nếu không có câu trả lời chính xác, em có thể chọn đáp án ít xuất hiện ở những câu trên nhất, chọn đáp án bạn tin tưởng nhất, hoặc chọn đáp án dài nhất,...tùy trường hợp. Một điều nữa đó chính là khi chọn sai em cũng không bị mất điểm hoặc mất rất ít điểm. Tuy nhiên, rất hạn chế đánh bừa thôi nhé!
f. Nắm vững kiến thức cơ bản và nâng cao
Nếu em không nắm vững kiến thức cơ bản và nâng cao, em sẽ không thể phân tích được đề, nhận định được đâu là từ khoá đúng, từ khoá sai. Kiến thức chủ yếu nằm trong sách giáo khoa nhưng chỉ dừng ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Từ câu 30 trở đi trong đề thi THPT là những câu hỏi vận dung, vận dụng cao, có những thuật ngữ hoặc kiến thức nâng cao không có trong sách giáo khoa. Vì vậy, em nên kết hợp việc học kiến thức nền tảng và chuyên sâu, cùng với thành thạo kĩ thuật KKGG để chinh phục điểm cao môn Lịch sử.
3. Cách chống liệt môn Sử
Chúng ta đều biết, thi trắc nghiệm là không thể học tủ, với ngân hàng đề hàng trăm ngàn câu, việc chọn ra 40 câu trong đề thi là điều hết sức ngẫu nhiên khiến học sinh khóc thét. Bởi dù các em có chăm chỉ luyện đề như thế nào đi chăng nữa mà không nắm vững kiến thức cơ bản, thì tất cả cũng sẽ đổ sông đổ bể nếu đề thi không trúng những câu ta đã làm qua.
Các em cũng biết rằng, đề thi bao gồm 40 câu nhưng lại chia thành 24 mã đề khác nhau. Nghĩa là trong 1 câu, các đáp án có thể bị đảo đến 24 lần kia chứ không phải 4 lần đâu nhé. Ví dụ mã đề 001 câu 1 đáp án là A, mã đề 002 đáp án là B, mã đề 003 đáp án là C, mã đề 004 đáp án là D, thì đến mã đề 005 tất cả lại đi theo một trình tự khác cho đến hết mã đề 024.
Do vậy, việc các em khoanh lụi, khoanh A cả, B cả, C cả hay D cả chưa chắc đã đúng, đạt điểm và thậm chí còn vi phạm quy định.
Trong thi trắc nghiệm trước tiên có 3 mức độ.
Một là đọc xong câu hỏi các em biết luôn đáp án, đây là những câu hỏi thuộc dạng nhận biết hoặc thông hiểu mà các em đã nắm được kiến thức cơ bản, với dạng câu hỏi này đọc xong câu hỏi các em có thể chọn đáp án ngay, khoanh vào tờ đề.
Hai là đọc xong câu hỏi, đọc xong đáp án mới biết đáp án. Với dạng câu hỏi này chủ yếu ở dạng vận dụng thấp, có nghĩa là các em đọc xong câu hỏi và các đáp án sẽ nhận ra đây là vấn đề mình đã từng biết, từng đọc, từng làm qua, do vậy các em chỉ cần chọn đáp án phù hợp nhất, sau đó khoanh vào đề.
Ba là đọc xong câu hỏi, đọc xong đáp án nhưng....Vẫn không biết đáp án đúng. Dạng này là câu hỏi khó, chủ yếu là câu hỏi vận dụng cao. Quan trọng nhất để đạt điểm cao và phân hóa thí sinh chính là ở dạng câu hỏi này đây. Vậy bây giờ chúng ta phải làm như thế nào???
Trước tiên các em cần đọc lại câu hỏi và xác định từ khóa trong câu hỏi, với các câu hỏi vận dụng cao từ khóa chủ yếu là Ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất, cơ bản nhất, bài học rút ra, vận dụng vào giai đoạn hiện nay, điểm mới, điểm sáng tạo, đánh giá, nhận xét, suy luận nào sau đây đúng sai...
Với tất cả các từ khóa trên, mỗi từ khóa sẽ tương ứng với một câu hỏi, một vấn đề, một giai đoạn lịch sử riêng biệt. Do vậy các em trước hết cần xác định đúng các từ khóa và các vấn đề cơ bản trong từng giai đoạn Lịch sử. Ví dụ như giai đoạn 1930-1931 bài học lớn là liên minh công nông, xây dựng chính quyền kiểu mới, giai đoạn 1936-1939 bài học lớn là tập hợp lực lượng quần chúng...Giai đoạn 1939-1945 bài học lớn là đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đại đoàn kết toàn dân trong mặt trận Việt Minh...Trong giai đoạn 1945-1946 là Mềm dẻo về sách lược, cứng rắn về nguyên tắc...vv. Vấn đề giải quyết chủ quyền hiện nay chủ yếu liên quan đến Sự lãnh đạo của Đảng, đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ ủng hộ quốc tế...Các em cũng cần nhớ chủ quan là bên trong, là quyết định, khách quan là bên ngoài, là tác động....
Từ đó các em có thể áp dụng vào các từ khóa trong câu hỏi.
Tiếp theo các em cần sử dụng phương pháp đồng tâm, đồng đại trong câu hỏi và câu trả lời, thường thì câu hỏi và đáp án sẽ có mối liên hệ với nhau về không gian hoặc thời gian cụ thể, cần đặc biệt chú ý vấn đề này. Nếu đọc câu hỏi và câu trả lời thấy nó hợp lý về thời gian, không gian, thậm chí hợp lý về cấu trúc ngữ pháp, ngôn từ cũng nên lưu ý. Không ai lại hỏi các em câu ai là người bay lên vũ trụ đầu tiên mà lại cho phương án là Chú Cuội cả, đúng không???
Tiếp nữa, các em có thể sử dụng phương pháp loại trừ, việc tìm ra phương án đúng nếu bất khả thi có thể loại trừ bằng việc tìm ra phương án sai, sau đó gạch chéo phương án sai, tìm ra các phương án phân vân, khi xác suất đoán đúng sẽ cao hơn nhiều.
Khi tất cả các phương án trên đều khó, các em cũng có thể áp dụng việc khoanh mò theo đáp án dài nhất.
4. Cách để ghi nhớ nhanh và lâu nhất các mốc thời gian trong môn Lịch sử
Các mốc thời gian trong lịch sử luôn là một vấn đề khó khăn và khô khan đối với các bạn học sinh khi tham gia môn học Lịch sử. Một số cách để các bạn có thể ghi nhớ nhanh nhất và lâu nhất các dấu mốc này chính là:
- Tạo liên kết: Liên kết các mốc thời gian với các sự kiện hay hình ảnh đặc trưng. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang xây dựng một chuỗi câu chuyện và kết nối các sự kiện lại với nhau. Có thể là sự liên kết từ lịch sử vào câu chuyện thực tế của bạn hoặc là sự liên kết với những ngày quan trọng trong cuộc đời bạn. Điều này giúp tạo ra một hệ thống nhớ mạnh mẽ.
- Sử dụng sơ đồ hoặc biểu đồ: Vẽ sơ đồ hoặc biểu đồ để hiển thị các mốc thời gian theo thứ tự. Bạn có thể sử dụng các cột, dòng hoặc mũi tên để kết nối các sự kiện với nhau và tạo ra một hình ảnh rõ ràng về quá trình lịch sử. Vẽ sơ đồ một cách logic, đầy đủ ý chính và ít chữ sẽ giúp bạn tự hình thành trong đầu lối tư duy về lịch sử.
- Sử dụng màu sắc và hình ảnh: Sử dụng màu sắc và hình ảnh để làm nổi bật các mốc thời gian. Bạn có thể sử dụng bút chì màu khác nhau, highlighter hoặc thậm chí là ảnh minh họa để làm cho thông tin trở nên sinh động và dễ nhìn. Hoặc bạn có thể sử dụng những màu sắc yêu thích của bản thân sẽ giúp bạn có hứng thú hơn trong việc học.
- Tạo câu hỏi: Đặt câu hỏi liên quan đến các mốc thời gian và cố gắng trả lời chúng bằng cách tìm hiểu và thu gọn kiến thức. Việc đặt câu hỏi và tự mình tìm tòi lời giải đáp giúp kích thích trí não và làm cho thông tin lưu lại trong trí nhớ lâu hơn.
- Sử dụng phương pháp gia tăng: Bắt đầu từ các mốc thời gian quan trọng, sau đó dần dần thêm vào các sự kiện khác để tạo ra một sự xây dựng từ từ và liên tục. Gia tăng kiến thức một cách có tổ chức và cấu trúc giúp bạn dễ tiếp thu và ghi nhớ.
- Luyện tập điều chỉnh: Thường xuyên luyện tập ghi nhớ các mốc thời gian bằng cách viết hoặc nhắc lại trong đầu. Đặt mục tiêu nhớ được một số lượng nhất định các mốc thời gian mỗi ngày để nắm vững kiến thức. Bạn phải chắc chắn rằng mình luôn đặt bút xuống biết lại các mốc thời gian thì như vậy mới có khả năng nhớ lâu được.
5. Những lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử
Kiểm tra đề ngay sau khi được phát đề thi: Trong các kỳ thi, học sinh thường có 5 – 10 phút để kiểm tra lỗi của đề thi trắc nghiệm như mờ đáp án, thiếu trang, thiếu nội dung,… Tuy nhiên học sinh thường chủ quan và bỏ qua bước này. Vậy nên, khi làm bài và gặp đề thi lỗi, học sinh bị ảnh hưởng thời gian làm cũng như tâm lý khi đi thi.
Chú ý thời gian khi làm bài thi: Đây là lưu ý quan trọng khi đi thi mà học sinh được nhắc nhở rất nhiều. Thầy cô coi thi sẽ là người nhắc nhở thời gian thi cho thí sinh nhưng bạn phải là người chủ động nắm thời gian để canh chỉnh để hoàn thành tất cả câu hỏi trong bài.
Không bỏ trống đáp án: Thậm chí trong trường hợp chưa từng học qua câu hỏi trắc nghiệm nào, bạn cũng nên khoanh “lụi” 1 đáp án. Xác suất chọn được đáp án đúng của bạn là 25% cho câu hỏi 4 đáp án và bạn có thể sẽ ghi điểm nếu chọn đúng đáp án đúng.
Giữ vững tâm lý khi đi thi: Nếu để tâm lý hồi hộp, lo lắng, run khi đi thi, bạn rất dễ bị nhầm lẫn và không thể tập trung khi làm bài. Thay vào đó, học sinh nên dành từ 3 – 5 phút sau khi bước vào phòng thi để bình tĩnh, lấy lại tâm lý đầu tiên.
Trên đây là toàn bộ bí kíp, kinh nghiệm làm bài trắc nghiệm Sử thi THPT Quốc gia 2024. Các sĩ tử hãy bình tĩnh và chọn cho mình các đáp án đúng nhất. Chỉ cần nắm vững tất cả những lưu ý trên chắc chắn rằng các bài thi trắc nghiệm sẽ không thể làm khó bạn với những điểm 9, 10.