Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận về hiện tượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường Viết đoạn văn nghị luận về một hiện tượng xã hội

Viết đoạn văn nghị luận về hiện tượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường là một chủ đề rất hay viết về một hiện tượng xã hội.

Tài liệu bao gồm 2 đoạn văn mẫu, giúp các bạn học sinh lớp 12 có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi kiến thức để đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi THPT Quốc gia sắp tới. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm một số đoạn văn khác như: đoạn văn về bản lĩnh, đoạn văn nghị luận về lòng vị tha. Chúc các bạn học tốt.

Viết đoạn văn ngắn về hiện tượng hàng giả, hàng nhái - Mẫu 1

Xã hội ngày càng phát triển. Cuộc sống lại càng nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm. Mà đặc biệt hiện nay mạng xã hội phát triển việc mua hàng online rất nhiều. Vì vậy càng phát sinh hàng nhái, hàng giả. Vấn đề này đang xảy ra rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, và được làm rất thật nên khó phân biệt được. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho những người sản xuất hàng thật nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là ảnh hưởng đáng sợ nhất. Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh...giả, kém chất lượng khiến những người ăn phải dễ mắc bệnh như ung thư, hay bị ngộ độc vô cùng nguy hiểm. Có lẽ nguyên nhân gây ra tình trạng này trước tiên là do ý thức của chính mỗi người họ ham lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả cho người khác. Thứ hai là do sự bất cập trong cơ chế quản lý, không chỉ vậy còn do sự “tiếp tay” của người tiêu dùng. Vậy để khắc phục tình trạng đó mỗi người cần nâng cao ý thức của chính bản thân. Đừng vì lợi ích trước mắt, mà quên đi mạng sống của người khác. Chúng ta hãy cùng chung tay tuyên truyền vận động để tẩy chay hàng giả, hàng nhái. Để cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa và văn minh hơn.

Viết đoạn văn ngắn về hiện tượng hàng giả, hàng nhái - Mẫu 2

Chuyện hàng giả, hàng nhái đã diễn ra trong cuộc sống của chúng ta rất lâu, thậm chí giờ đây dường như xã hội còn chấp nhận sống chung với nó vậy. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là việc sử dụng hàng tốt hay xấu, chất lượng hay không mà đó còn là lương tâm của người bán hàng, là sự trung thực của những người kinh doanh. Nếu “hàng thật” là những sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, đã được các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh đăng kí, được đảm bảo qua quá trình kiểm duyệt thì hàng giả, hàng nhái là những hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký. Ở Việt Nam, chuyện làm giả làm nhái và ăn cắp bản quyền, dường như đã thành chuyện hàng ngày ở huyện, đến mức, người ta không cảm thấy xấu hổ gì cả khi làm việc đó. Có lần tôi đi mua tương bần, đã được nhắc trước là mua ở hiệu Bà Già, chỗ đó là ngon nổi tiếng. Thế nhưng, khi đến nơi, thì thấy cả một dãy phố, cửa hiệu nào cũng treo biển Bà Già, hoa hết cả mắt. Cuối cùng, tôi phát hiện ra có một cửa hàng treo biển Bà Già Đừng Nhầm và quyết định rẽ vào. Ở đó, tôi gặp một bà già trông rất đẹp lão, khi được hỏi tại sao cửa hàng của bà treo biển lạ thế, bà nói là vì khi bà treo biển Bà Già, ngay lập tức các nhà khác cũng treo biển Bà Già. Cực chẳng đã, bà treo thêm chữ Đừng Nhầm để phân biệt với những nhà khác. Nhưng mà tôi đồ rằng, một ngày nào đó, cả dãy phố sẽ đầy ắp những biển Bà Già Đừng Nhầm, chẳng khác nào yêu quái đội lốt Tôn Ngộ Không để lừa gạt Đường Tăng. Bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã phải cay đắng sống chung với lũ, hoặc là thay tên đổi họ, hoặc là rút cục đã bị chèn ép bởi chính những kẻ làm giả, làm nhái, vì không đủ sức để bảo vệ bản quyền của mình. Có người làm thật, mà rút cục không đủ to mồm, không đủ tiền hay không đủ quan hệ, còn bị đổ oan cho là làm nhái. Thực ra, việc làm nhái không những có hại cho người làm thật, mà có hại cho chính người làm nhái nữa. Tôi tin rằng, nếu thực sự đam mê, tìm tòi và đi đến cùng con đường của mình, thì ai rồi cũng có thể tìm ra một cái gì đó riêng, độc đáo, khác biệt, và đều có thể đóng góp một điều gì đó cho cộng đồng. Bởi vì tri thức hay chân lý hay phương pháp hay kĩ thuật hay sản phẩm, là không có giới hạn, dù hàng nghìn người cùng theo đuổi và tìm kiếm đi chăng nữa, cũng không bao giờ có thể hết được. Thế nhưng, quen với việc làm nhái làm giả, người ta dần dần trở nên lười biếng, không chịu đào sâu suy nghĩ, đánh mất đam mê và bản sắc, cuối cùng không bao giờ dám đi đến cùng con đường của mình, vì thế cũng khó có thể tạo nên một cái gì đó thật sự sâu sắc, thật sự chất lượng. Cái gì không thực sự sâu sắc và chất lượng, thì chỉ có thể hấp dẫn người ta lúc ban đầu, lừa bịp người ta trong chốc lát chứ khó có thể phát triển một cách bền vững được. Người làm giả làm nhái, tưởng là có thể đạp lên trên đối thủ, hóa ra lại đang giết chết chính mình. Rồi người sử dụng sản phẩm hoặc tiếp nhận tri thức thì lại càng thiệt hại hơn nữa, như bị lạc vào ma trận, dẫn đến đánh mất niềm tin vào những giá trị chân chính, đánh mất niềm tin vào con người. Đồ dùng đánh mất có thể mua lại, tiền bạc đánh mất có thể kiếm lại, nhưng niềm tin bị mất thì không bao giờ tìm lại được.

Chia sẻ bởi: 👨 Thảo Nhi
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 27
  • Lượt xem: 5.749
  • Dung lượng: 111,8 KB
Sắp xếp theo