Thuyết minh về cách làm bánh trôi nước (Sơ đồ tư duy) 3 Dàn ý & 5 mẫu Thuyết minh cách làm món ăn hay nhất

Thuyết minh về cách làm bánh trôi nước gồm 5 mẫu hay nhất, kèm theo 3 dàn ý chi tiết và sơ đồ tư duy, giúp các em có thêm những thông tin bổ ích về nguồn gốc, xuất xứ, cách làm món bánh trôi, để viết bài văn thuyết minh món ăn yêu thích thật hay.

Bánh trôi nước

Nguyên liệu chính để làm bánh trôi nước bao gồm bột nếp, đường, nước và đậu xanh. Cách làm bánh cũng khá đơn giản, nguyên liệu lại thông dụng nên vô cùng tiện lợi. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để nhanh chóng hoàn thiện bài văn thuyết minh về đặc sản của quê hương thật hay.

Sơ đồ tư duy Thuyết minh cách làm bánh trôi

Sơ đồ tư duy Thuyết minh cách làm bánh trôi

Dàn ý thuyết minh cách làm bánh trôi

Dàn ý 1

1, Mở bài

  • Dẫn dắt về vấn đề cần thuyết minh

2, Thân bài

  • Nguồn gốc
  • Nguyên liệu làm bánh
  • Cách làm bánh

3, Kết bài

  • Khẳng định giá trị của bánh

Dàn ý 2

1. Mở bài:

Giới thiệu trực tiếp hay gián tiếp, dẫn dắt người đọc đi vào chủ đề yêu cầu bánh trôi nước.

Việt Nam chúng ta có vô vàn ẩm thực phong phú, đa dạng, kết tinh nền văn hóa của dân tộc. Những món ăn đã tạo nên thương hiệu, biểu tượng đáng tự hào mỗi khi ai đó nhắc đến ẩm thực nước nhà.

Và một trong những món ăn có tồn tại từ lâu đời, đặc trưng văn hóa con người đất Kinh Bắc dịp Tết cổ truyền chính là bánh trôi nước. Ngày hôm nay, nhân tiết trời mát mẻ, tôi xin giới thiệu đến quý vị cách làm bánh trôi nước thơm ngon, đúng chuẩn người miền Bắc.

2. Thân bài:

Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của bánh trôi nước.

Khi thuyết minh về cách làm món ăn, người ta sẽ tập trung vào các nội dung như: nguyên liệu, cách làm, yêu cầu thành phẩm.

Cách làm được trình bày theo trình tự, cái nào cần làm trước, cái nào cần làm sau để có được sản phẩm tốt nhất.

3. Kết bài:

Nêu một số lưu ý, mẹo để hoàn thành món ăn đúng chuẩn.

Trình bày cảm nhận của mình về món ăn.

Dàn ý 3

1. Mở bài:

Bánh trôi nước là món ăn truyền thống có xuất xứ từ vùng đất Kinh Bắc. Món bánh này đặc trưng được ăn trong dịp Tết cổ truyền của người Việt, và có ý nghĩa đặc biệt về mặt tâm linh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên liệu, quy trình làm bánh trôi nước và những câu chuyện thú vị xoay quanh món ăn này.

2. Thân bài:

- Xuất xứ, lịch sử và ý nghĩa của bánh trôi nước:

  • Bánh trôi nước được xem là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Với lịch sử hơn một ngàn năm, bánh trôi nước đã trở thành một phần văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Việt Nam.
  • Ý nghĩa của bánh trôi nước trong tâm linh rất quan trọng. Theo truyền thuyết, bánh trôi nước được coi là một loại thực phẩm “thần thánh”, bảo vệ con người khỏi những ma quỷ xấu xa, mang lại may mắn, thành công và hạnh phúc cho gia đình. Việc ăn bánh trôi nước còn được xem như là cách để giúp tinh thần của mỗi người được thanh tịnh, thăng hoa hơn trong năm mới.

- Nguyên liệu làm bánh trôi nước: Nguyên liệu chính để làm bánh trôi nước bao gồm bột nếp, đường, nước và đậu xanh. Bột nếp được sử dụng để làm vỏ bánh, đường và đậu xanh được dùng để làm nhân bánh.

- Quy trình làm bánh trôi nước:

  • Làm nhân bánh: Đậu xanh được ngâm nước từ trước, sau đó đem luộc chín, đánh nhuyễn. Thêm đường vào đậu xanh đã đánh nhuyễn, đảo đều cho đường tan đều vào. Sau đó đậu xanh và đường được trộn với nhau để tạo thành nhân bánh.
  • Làm vỏ bánh: Bột nếp được đổ vào bát, sau đó thêm nước vào để trộn đều bột. Trong quá trình trộn, nếu cần thêm nước thì cứ từ từ đến khi phần bột đủ mềm và dai để nặn thành những viên bi nhỏ
  • Sau khi đã đem nồi nước đun sôi, tiếp tục đổ từng viên bánh trôi vào nồi nước sôi. Chúng ta cần lưu ý để không cho các viên bánh dính vào nhau bằng cách đảo chúng liên tục trong nồi. Khi các viên bánh nổi lên và trôi trên mặt nước, tiếp tục đun khoảng 2-3 phút nữa, tùy thuộc vào kích thước của bánh. Sau đó, dùng muỗng rách từng viên bánh ra khỏi nồi và cho vào tô nước lạnh để nguội.
  • Sau khi bánh trôi đã nguội, chúng ta có thể ăn liền hoặc phết mật ong lên trên mỗi viên bánh trôi để tăng thêm hương vị thơm ngon. Đây là cách ăn bánh trôi rất được yêu thích tại miền Bắc.

- Những câu chuyện truyền thuyết gắn liền với chiếc bánh trôi nước:

Bánh trôi nước không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết đầy ý nghĩa trong văn hóa dân tộc. Theo truyền thuyết, bánh trôi nước được coi là đại diện cho tình cảm gia đình, sự gắn kết của người thân. Trong ngày Tết cổ truyền, khi cả nhà quây quần bên nồi bánh trôi nước, tất cả đều được gắn kết lại với nhau và tạo nên một không khí ấm áp, vui tươi.

Ngoài ra, trong truyền thuyết, bánh trôi cũng được coi là đại diện cho sự trường thọ, bền vững. Theo tâm linh, khi ăn bánh trôi, người ta sẽ được bảo vệ và gia đình sẽ được trường thọ, bền vững.

3. Kết bài:

Như vậy, bánh trôi nước không chỉ là món ăn truyền thống đặc trưng của dân tộc mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa và tâm linh của người Việt. Qua bài viết này, chúng ta đã cùng tìm hiểu về xuất xứ, lịch sử, ý nghĩa của bánh trôi nước cũng như cách làm bánh.

Thuyết minh về cách làm bánh trôi nước - Mẫu 1

Bánh trôi là loại bánh không thể thiếu trong ngày tết thanh minh. Đó chính là nét văn hóa lễ tết từ lâu đời của người miền Bắc. Những phụ nữ lớn tuổi ở miền Bắc thì hầu như ai cũng làm được món này một cách nhuần nhuyễn, tuy nhiên các bạn trẻ không phải ai cũng biết làm món bánh này ngon và chuẩn vị.

Cách làm món bánh trôi, bánh chay

Nguyên liệu chuẩn bị làm món bánh trôi

  • 1 gói đường phèn làm bánh trôi
  • Dừa nạo sợi
  • Vừng rang
  • Đậu xanh đã xát sạch vỏ
  • Bột sắn dây
  • Nước hoa bưởi
  • Bột gạo nếp
  • Bột gạo tẻ (lấy tỉ lệ bột tẻ là 1/10 bột nếp)
  • Đường cát trắng
  • Tinh chất vani

Hướng dẫn làm bánh trôi ngon đúng vị

Cách làm món bánh trôi truyền thống rất đơn giản các bạn ạ, chúng ta sẽ tiến hành nhào bột trước. Bên cạnh đó chúng ta cũng tiến hành làm nhân cho bánh chay luôn.

Nhào bột

Cho bột gạo nếp và bột gạo tẻ vào cái âu lớn, sau đó cho thêm nước từ từ, để bột ngấm nước. Sau đó nhào bột. Bạn nhào cho bột ngấm đủ nước, không quá nhão là được. Sao cho bạn có thể viên lại các viên bột dẻo mịn.

Nhân bánh

Đậu xanh đem vo thật sạch, sau đó nấu lên giống như nấu cơm. Khi đậu xanh chín nhừ. Sau đó lấy ra một ít cho vào bát nhỏ. Phần còn lại dùng thìa miết cho đậu thật nhuyễn. Sau đó bắc lên bếp cho thêm đường vào đun lên, cho đường tan, tạo thành hỗn hợp sền sệt. Lúc đó chúng ta tắt bếp, cho thêm chút vani vào, đảo lên.

Cách làm bánh trôi

Lấy những cục bột viên trong lại, nhỏ vừa ăn, sau đó làm dẹt ra lấy viên đường cho vào trong, vê tròn lại. Cho nồi nước lên bếp, bật lửa lớn cho nhanh sôi, khi nước sôi cho lửa vừa bắt đầu thả những viên bột vào. Tiếp theo chuẩn bị bát nước lạnh bên cạnh

Khi thấy bánh bắt đầu nổi lên và phần bột chuyển sang màu trắng đục thì bánh đã chín. Chúng ta vớt bánh ra để vào bát nước lạnh khoảng 3 phút. Sau đó cho ra đĩa. Chúng ta cứ làm như vậy cho hết mẻ bánh. Lấy một ít vừng rắc lên đĩa bánh, cho thêm chút dừa tươi nạo lên trên. Là chúng ta đã xong được món bánh trôi.

Thuyết minh về cách làm bánh trôi nước - Mẫu 2

Bánh trôi nước là một món ăn đặc trưng của người dân Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng.

Để làm món ăn này, bạn phải chuẩn bị những nguyên liệu như sau: 500g bột gạo nếp, 50g bột gạo tẻ, 100g đường đỏ viên đã cắt sẵn, 1 bát vừng rang. Dừa nạo và cuối cùng là 1 ít nước hoa bưởi. Lưu ý: Bạn có thể mua bột bánh trôi bán sẵn để rút ngắn thời gian làm bột. Bạn hãy bỏ qua bước làm bột nếu đã có bột bánh trôi rồi nhé!

Thứ hai, về cách làm bột bánh trôi nước. Bước 1: Dùng phới lồng trộn đều bột nếp và bột tẻ trong một chiếc âu lớn. Bước 2: Từ từ đổ nước vào bột đồng thời trộn đều để bột và nước được hoà quyện hoàn toàn. Bước 3: Để hỗn hợp nghỉ trong khoảng 3 tiếng cho bột lắng, tách bột và nước thành 2 phần. Bước 4: Đổ bớt nước ở âu và cho bột vào một chiếc khăn xô, buộc túm lại và treo lên để bột róc hết nước. Bước 5: Sau khoảng 1 tiếng bạn có thể mở khăn kiểm tra, nếu bột mịn, không dính tay thì chúng ta sẽ có thể bắt tay vào nặn bánh trôi được rồi đó!
Tiếp theo, là công đoạn nặn bánh trôi nước. Bước đầu tiên, bạn hãy chia bột thành những sợi dài, đường kính từ 1,5-2cm và dùng dao cắt chúng theo chiều dài khoảng một đốt ngón tay. Việc chia bột như vậy sẽ giúp các viên bánh trôi của bạn đều nhau hơn, tránh trường hợp viên to, viên nhỏ thiếu thẩm mỹ. Tiếp theo, hãy vê tròn và ấn dẹt viên bột, rồi đặt một viên đường đỏ vào giữa. Sau đó, bao bột lại sao cho bột bọc kín viên đường rồi vê tròn lại. Lưu ý nên vê bột cho thật khít, không để không khí vào gây ra viên bánh trôi sau khi luộc xong bị xẹp. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên vo quá kỹ, tránh trường hợp bánh vỡ khi đun.

Sau khi đã nặn bột xong, chúng ta sẽ chuyển tới công đoạn cuối cùng - luộc bánh trôi.

Trước hết, bạn hãy đun sôi nước rồi vặn lửa nhỏ vừa, rồi nhẹ nhàng thả các viên bánh trôi đã nặn vào.

Bánh đã chín sẽ nổi lên mặt nước. Lúc này, hãy vớt bánh ra và thả vào chậu nước đun sôi để nguội để bánh bớt dính.

Sau đó, cho bánh ra đĩa và gạn bớt nước.

Cuối cùng, dùng đầu ngón tay ướt chấm vào bát vừng rang và chấm lên mặt bánh để đĩa bánh trôi nước của bạn trở nên đẹp mắt hơn. Hoặc bạn có thể rắc vừng lên mặt bánh nếu không muốn mất thời gian.

Ngoài ra, bạn có thể cho thêm nước hoa bưởi ở vào nước luộc bánh để tạo cho bánh có mùi hương hấp dẫn hơn.

Bánh trôi nước sau khi hoàn thành cần có màu trắng, các viên tròn và đều nhau, nhân không bị vỡ. Khi ăn, vỏ bánh trôi phải mềm, dai, nhân đường trong bánh phải tan vừa đủ. Khi cắn miếng bánh, mật trào ra hoà quyện với vỏ bánh tạo nên hương vị tuyệt vời.

Thuyết minh về cách làm bánh trôi nước - Mẫu 3

Bánh trôi nước là món bánh cổ truyền của người dân Việt Nam, là thức quà có ý nghĩa đặc biệt thường được sử dụng trong dịp lễ lạt, cúng kiếng. Vào dịp Tết Hàn thực, bánh trôi nước là món chủ đạo, đặc trưng. Mỗi năm cứ đến dịp lễ này, nhà nhà, người người lại đổ xô đi mua bánh trôi, bánh chay về thờ cúng.

Bánh trôi nước được làm từ bột gạo, có vỏ bên ngoài trắng ngần và nhân ngọt bên trong. Khác với chè trôi nước miền Nam, bánh trôi nước miền Bắc có kích thước nhỏ, thường được ăn cùng với nước và có nhân đường phèn. Những miếng bánh trắng ngà, dẻo mịn và thơm mùi nếp cùng vị béo ngậy của tinh dầu chuối.

Theo tài liệu từ quyển Ẩm thực Việt Nam và Thế giới của tiến sĩ Nguyễn Diệu Thảo, món ăn bánh trôi nước trong Tết Hàn thực được lấy cảm hứng từ tích Con Rồng Cháu Tiên của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng, vua rồng xứ Lạc Việt là Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ là tiên, sinh được bọc trăm trứng chứa trăm người con. Những người con này được cho là hậu duệ của người Việt Nam bây giờ, nên mới có từ gọi “đồng bào”, ý chỉ sự gắn kết của mỗi con người Việt Nam. Những chiếc bánh trôi nước chính là biểu hiện cho truyền thống đáng quý ấy.

Trong tiết trời Hà Nội lành lành như ngày hôm nay, tôi xin được phép giới thiệu đến các bạn cách làm món bánh trôi nước, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.

Trước tiên, chúng ta cần chuẩn bị nguyên liệu:

  • Gạo nếp thơm: 400 gr
  • Đậu xanh xát vỏ: 200 gr
  • Đường hoa mai hoặc đường thốt nốt: 300 gr
  • Hành tím băm: 2 muỗng cà phê.
  • Gừng: 100 gr
  • Dầu ăn: 4 muỗng.
  • Vừng rang chín
  • Muối sạch: 2 muỗng
  • Đường cát trắng 2 muỗng
  • Hành tím phi thơm 100 gr.

Cách làm bánh trôi nước:

Phần 1: Chế biến nước đường

Bước 1: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ. Sau đó thì được đập dập.

Bước 2: Đặt 500ml nước sạch cùng đường và gừng lên bếp đun sôi. Khi đun bạn nên để lửa nhỏ, dùng muỗng khuấy nhẹ để đường tan hết. Sau đó cho thêm vào nồi 1 thìa cà phê muối. Cuối cùng vặn to lửa để nồi nước nhanh sôi.

Bước 3: Khi nồi nước đã sôi bạn vặn nhỏ lửa. Đợi thêm khoảng 10 phút thì bắc xuống. Lúc này nước đã dậy lên mùi thơm ấm của gừng còn đường thì đã sệt lại.

Phần 2: Làm nhân bánh

Bước 1: Đậu xanh cần được rửa nhiều lần để sạch bụi bẩn (đến khi nước trong là được). Sau đó bạn ngâm đậu xanh với 500ml trong một cái bát lớn trong khoảng 30 phút.

Bước 2: Đậu xanh sau khi ngâm được cho vào nồi cơm điện để nấu chính. Bạn nên đổ nước xâm xấp mặt đậu để đậu chín vừa tới.

Bước 3: Khi đậu đã chín, bạn dùng muỗng lấy toàn bộ đậu ra một bát lớn. Lúc đậu còn nóng thì bạn nhanh tay tán nhuyễn sao cho sau khi tán đậu nhìn mềm, mịn là được.

Bước 4: Tiếp tục cho thêm 100gr đường cát trắng cùng 100gr hành tím phi vàng vào rồi trộn đều tay.

Bước 5: Cuối cùng bạn dùng muỗng múc từng phần đậu và nặn thành những viên tròn vừa phải cho đến khi hết lượng đậu trong bát (khoảng 8 viên).

Phần 3: Làm phần vỏ bánh

Bước 1: Cho 300ml nước sôi cùng 4 muỗng canh dầu ăn vào 350gr bột nếp thơm. Vừa đổ bạn vừa dùng tay đảo đều để không bị vón cục. Lưu ý, khi làm hỗn hợp cần được đổ từ từ và khuấy đều tay để bột có thể ngấm đủ nước. Khuấy đến khi hỗn hợp bột rất dính và ướt thì dừng tay và đậy kín chúng từ 15 tới 30 phút để bột nghỉ. Việc này giúp bột ngấm nước rồi nở ra từ từ. Lượng nước cũng ít hơn khi nhào.

Bước 2: Lót một lớp bột áo lên bàn, sau đó chuyển bột đã nhào ra khỏi tô. Bạn dùng tay để nhào số bột thành một thanh dài chừng 20cm. Lưu ý, cả thanh bột đều phải dính một lớp bột áo bên ngoài. Sau đó bạn chia thanh bột thành 8 phần bằng nhau.

Bước 3: Với mỗi phần bột bạn nặn tròn rồi ấn dẹt chúng xuống sao cho to gấp 2 lần viên đậu xanh đã nặn ở phần 2.

Bước 4: Sau khi cán dẹt, bạn cẩn thận đặt viên đậu xanh vào giữa và bọc kín lại. Phải làm sao cho lớp vỏ bánh và nhân đậu xanh dính sát nhau, không có chỗ cho không khí. Lớp vỏ bánh cũng bao trọn viên đậu bên trong. Làm như này thì khi nấu bánh sẽ không bị vỡ.

Bước 5: Dùng hai bàn tay xoa nhẹ để bánh có được hình tròn xinh và bột thì mịn. Khi xoa bạn nên làm nhẹ tay để nhân không bị lòi ra ngoài nhé!

Bước 6: Trước khi đặt chúng lên đĩa, bạn lót một lớp màng bọc thực phẩm để chúng không dính vào đĩa. Đồng thời các viên bánh cần được để cách nhau 1 khoảng để chúng không dính vào nhau.

Bước 7: Đun 500ml nước đến khi sôi thì thả nhẹ nhàng từng viên bánh vào. Sau khi thả, bạn dùng muỗng nhẹ nhàng khuấy đều để các viên bánh không dính vào nhau. Khi thấy bánh nổi lên trên mặt nước thì vớt ra (khoảng 2-3 phút).

Bước 8: Sau khi vớt bánh ra bạn cần cho ngay vào tô nước lạnh sạch. Chừng 1 – 2 phút thì vớt ra để ráo nước rồi thả vào bát nước đường đã đun sôi. Cuối cùng chỉ cần rắc thêm một chút vừng rang thơm là có thể dùng được.

Yêu cầu thành phẩm:

– Mỗi viên bánh đều nhau, trắng, bột mịn, nhân không bị vỡ. Vỏ bánh khi ăn có độ mềm dai vừa miệng. Đường trong nhân bánh phải tan hết để khi ăn có cảm giác mật chảy tràn trong miệng. Nhân bánh trôi chay phải thơm mùi đỗ xanh đã đồ chín. Đặt bánh trôi ra đĩa và chấm chút vừng lên từng viên bánh.

– Nước để ăn cùng bánh trôi chay phải có độ sánh của bột sắn, ngọt thanh của đường phèn, hương thơm thoang thoảng của hoa bưởi và vị ấm nồng của gừng.

Lưu ý giúp cho món bánh trôi được ngon:

– Bột làm bánh trôi ngon nhất là khi bạn dùng gạo nếp thơm ngâm kỹ đến khi gạo nở. Sau đó xóc với ít muối rồi đem đi xay mịn.

– Muốn nhân đỗ xanh thơm, mềm thì nên chọn loại đỗ tiêu, hạt bé.

– Khi nhào bột, ngoài việc bạn đổ nước từ từ thì cần nhào đều tay để bột không bị ướt. Nhào xong, dùng màng bọc thực phẩm bọc viên bột lại để không bị khô.

– Bột cần được vo khít, không có lỗ hổng không khí để khi đun bánh không bị vỡ.

Về cách luộc bánh

– Khi nước sôi, bạn chuyển lửa về mức trung bình, sau đó nhẹ nhàng thả từng viên bánh vào nồi.

– Bánh cần được luộc đều ở mức lửa trung bình. Nếu bạn luộc với lửa quá to thì sẽ khiến vỏ bánh chín còn nhân bánh thì sống.

– Khi bánh nổi lên bạn không nên vớt ra ngay mà dùng đũa khuấy nhẹ nhàng thêm 30s nữa cho bánh chín đều.

– Muốn bánh không bị dính vào nhau thì khi vớt ra cho ngay vào tô nước đá lạnh từ 5 tới 10 phút. Việc này giúp bánh săn lại và không bị dính vào nhau.

Thuyết minh về cách làm bánh trôi nước - Mẫu 4

Cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, mọi người lại làm bánh trôi, bánh chay. Đây là một phong tục cổ truyền rất quen thuộc với mọi người dân Việt Nam.

Nguyên liệu để nấu bánh rất thông dụng, quen thuộc. Trước tiên, chúng ta phải có gạo nếp ngon. Có thể trộn thêm gạo tẻ nhưng gạo nếp vẫn phải chiếm đa số. Có gạo làm vỏ bánh, cần có thêm đường làm nhân để tạo vị ngọt cho bánh. Nhân bánh truyền thống là bằng mật có vị thơm đậm đà. Ngày nay, nhiều gia đình dùng đường phèn có vị thơm mát. Để làm nhân bánh chay, chúng ta cần đậu xanh xay nhuyễn. Ngoài ra, cần một ít vừng, cùi dừa để rắc lên hai loại bánh.

Cách làm bánh khá đơn giản. Đầu tiên là ngâm gạo khoảng 6 đến 8 tiếng sau đó vo gạo. Vo xong, đổ gạo ra xay nước. Chú ý là không được xay khô vì như thế sẽ làm vụn gạo và các hạt sau khi xay sẽ to nhỏ không đều nhau. Xay xong đổ tất cả bột vào túi vải, buộc chặt, lấy tay nén từ từ, nhẹ nhàng để vắt nước ra. Tránh ấn mạnh tay sẽ làm bung túi vải. Nén hết nước, ta sẽ có một thứ bột dẻo để làm vỏ bánh.

Tiếp theo sẽ là bước nặn bánh. Bánh trôi được nặn tròn, to vừa phải. Cho một viên đường vào trong, nặn bột bao kín để khi luộc, đường không chảy ra. Nhân bánh chay là đậu xanh được đãi sạch vỏ, đồ chín, xay nhuyễn. Bánh và nhân phải theo một tỉ lệ hợp lí. Không nên để bánh hay nhân quá to hoặc quá nhỏ sẽ làm mất ngon khi ăn.

Tinh tế nhất là luộc bánh. Đun sôi nước rồi mới thả bánh vào. Đợi đến lúc bánh nổi lên trên mặt nước, nhẹ nhàng vớt lấy rồi thả ngay vào nước sạch và lạnh. Nếu để nóng quá lâu bánh sẽ bị chảy, không dẻo và ngon.

Thưởng thức bánh trôi, bánh chay là cả một nghệ thuật. Bánh trôi được bày vào đĩa, rắc lên trên một lớp vừng mỏng và một chút sợi cùi dừa. Bánh chay được bày trong bát. Đun nước đường pha với bột sắn rồi chan ngập mặt bánh. Ở trên rắc một ít hạt đậu xanh chín xay vỡ đôi đã đãi sạch vỏ. Màu trong của bánh, của nước dùng hài hòa với màu vàng tươi của hạt đậu xanh trông thật đẹp mắt. Đây đều là hai loại bánh ăn nguội. Bánh trôi cho vào miệng, ngậm lại rồi cắn sẽ cảm nhận được vị ngậy của gạo, vị ngọt của đường. Còn bánh chay, dùng thìa xúc miếng bánh, cắn nhẹ sẽ thấy vị ngọt mát, thơm dẻo. Với cả hai loại bánh, nếu thích, có thể cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi.

Bây giờ, người ta không tự làm bánh nhiều như trước mà phần lớn đều đi mua khi cần. Nhưng phải tự tay mình nấu rồi thưởng thức mới cảm nhận hết cái ngon của bánh. Bánh trôi, bánh chay sẽ mãi là hai món ăn truyền thống đặc sắc của người Việt Nam.

Thuyết minh về cách làm bánh trôi nước - Mẫu 5

Theo truyền thống người Việt, cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân lại làm bánh trôi, bánh chay. Đây được coi là phong tục cổ truyền rất quen thuộc với mọi người dân Việt Nam.

Theo nghiên cứu từ cuốn Ẩm thực Việt Nam và Thế giới của tiến sĩ Nguyễn Diệu Thảo, món ăn bánh trôi nước trong Tết Hàn thực được lấy cảm hứng từ tích Con Rồng Cháu Tiên của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng, vua rồng xứ Lạc Việt là Lạc Long Quân đã kết duyên cùng mẹ Âu Cơ là tiên, sinh được bọc trăm trứng chứa trăm người con. Tuy nhiên, họ phải chia cắt, năm mươi xuống biển, 50 lên núi. Trăm con được cho là hậu duệ của người Việt Nam bây giờ, nên mới có từ gọi “đồng bào”, ý chỉ sự gắn kết của mỗi con người Việt Nam và hình ảnh những chiếc bánh trôi nước chính là biểu hiện cho truyền thống đáng quý ấy.

Bánh trôi là một trong những món ăn truyền thống của người Việt, đây là món ăn có quy trình khá đơn giản. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là gạo nếp, có thể trộn thêm một ít gạo tẻ. Trước tiên, người ta mang gạo đi ngâm để nó mềm, sau đó, tiến hành xay, nghiền nhỏ thành bột. Phần bột sau khi nghiền được cho vào một túi vải dày, bọc kỹ và treo lên để ráo nước. Sau đó, người ta tiến hành nặn bột thành những viên bi nhỏ. Nhân bánh truyền thống làm bằng mật có vị thơm đậm đàm tuy nhiên, ở nhiều nơi, người ta sử dụng đường phèn có vị thơm mát. Ngoài ra, để cho món ăn thêm bắt mắt, người ta sử dụng một ít vừng, cùi dừa để rắc lên trên bề mặt bánh.

Bánh trôi nước được làm từ bột gạo, khi nấu chín, vỏ bên ngoài trắng ngần và nhân ngọt bên trong, những miếng bánh trắng ngà, dẻo mịn và thơm mùi nếp cùng vị béo ngậy của tinh dầu chuối.

Tinh tế nhất là luộc bánh, đun sôi nước rồi mới thả bánh vào và đợi đến lúc bánh nổi lên trên mặt nước, nhẹ nhàng vớt lấy rồi thả ngay vào nước sạch và lạnh. Bánh trôi được bày vào đĩa tròn, rắc lên trên một lớp vừng mỏng và một chút sợi cùi dừa.

Thưởng thức bánh trôi là cả một nghệ thuật, người ta đun nước đường pha với bột sắn rồi chan ngập mặt bánh, rắc thêm một ít hạt đậu xanh chín xay vỡ đôi đã đãi sạch vỏ. Bánh trôi cho vào miệng, ngậm lại rồi cắn sẽ cảm nhận được vị ngậy của gạo, vị ngọt của đường mật.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta cũng dần quên đi hình ảnh những chiếc bánh trôi, không còn thời gian tỉ mỉ, tận tâm chăm chút từng chiếc bánh nhỏ. Mà hầu như, vào những ngày 3/3, ở rất nhiều nơi đều có đặt sẵn. Do vậy, hình ảnh chiếc bánh trôi cũng dần xa hơn với con người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể không quên được những câu chuyện cổ tích xung quanh chiếc bánh ấy.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm