Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về tình trạng nói dối ở giới trẻ Dàn ý & 8 bài văn nghị luận lớp 9

Nghị luận về tình trạng nói dối ở giới trẻ hiện nay tuyển chọn 8 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ những tác hại, hậu quả mà nói dối gây ra để điều chỉnh bản thân, hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp.

Nói dối

Nói dối là thói xấu mà con người dễ mắc phải mang đến nhiều hậu quả khó lường. Vì vậy, mỗi người cần cùng chung tay đẩy xa tình trạng nói dối để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Dàn ý Nghị luận bàn tình trạng nói dối ở giới trẻ ngày nay

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tình trạng nói dối ở giới trẻ ngày nay. (Học sinh tự lựa chọn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp cho bài làm phù hợp với năng lực của bản thân mình).

2. Thân bài

a. Thực trạng

  • Các bạn học sinh nói dối cha mẹ bỏ học đi chơi; khi chưa làm bài tập hay học bài cũ, liền nói dối bị quên vở; xin tiền mẹ nói dối là đi học thêm nhưng thực chất là lấy tiền đi xem phim;...
  • Nhiều bạn trẻ có hành động lừa dối những người xung quanh hòng trục lợi cá nhân, có hành vi lừa đảo người khác để đạt được mục đích của mình.

b. Nguyên nhân

  • Chủ quan: do chính bản thân mỗi người có suy nghĩ và hành động lệch lạc, vì những thú vui phù phiếm phía trực mà không màng đến những hậu quả phía sau nó.
  • Khách quan: do thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ, sự lỏng lẻo của nhà trường mà môi trường xung quanh nhiều người xấu, có thói quen nói dối tác động vào và hình thành thói quen xấu này cho các em.

c. Hậu quả

  • Các em dần hình thành tính cách xấu, thói quen nói dối ban đầu là nói dối những điều nhỏ nhặt, sau lớn dần thành nói dối những việc lớn hơn thậm chí là lừa đảo.
  • Bản thân người đó sẽ không nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của những người xung quanh và khi gặp bất kì khó khăn nào trong học tập hay trong công việc và cuộc sống nói chung, cũng sẽ không nhận được bất kì sự giúp đỡ hay hỗ trợ nào từ người khác.
  • Một khi ta đã làm sai chuyện gì, ta vẫn không thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi, dằn vặt, day dứt lương tâm.

d. Giải pháp

  • Mỗi người cần tự điều chỉnh bản thân mình, thành thật với bản thân cũng như người khác, hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp.
  • Gia đình cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, giáo dục chúng đức tính thật thà, trung thực.
  • Nhà trường có biện pháp quản lí học sinh hợp lí, xử lí những học sinh nói dối vi phạm nội quy trường lớp.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận (tình trạng nói dối ở giới trẻ ngày nay) và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Nghị luận bàn về lời nói dối - Mẫu 1

Một trong những vấn đề nổi cộm nhận được sự quan tâm của toàn dư luận ngày nay chính là hiện tượng gia tăng tình trạng nói dối ở giới trẻ.

Ngày nay, thật không khó để bắt gặp các bạn học sinh nói dối cha mẹ bỏ học đi chơi. Khi chưa làm bài tập hay học bài cũ, các bạn liền nói dối bị quên vở; xin tiền mẹ nói dối là đi học thêm nhưng thực chất là lấy tiền đi xem phim, chơi game… Nghiêm trọng hơn nữa, có nhiều bạn trẻ có hành động lừa dối những người xung quanh hòng trục lợi cá nhân, có hành vi lừa đảo người khác để đạt được mục đích của mình. Như vậy, có thể thấy, tình trạng nói dối ở giới trẻ hiện nay vô cùng phức tạp và xảy ra ở nhiều hình thức khác nhau từ nhẹ đến nặng.

Nguyên nhân của tình trạng này không thể không nhắc đến đầu tiên đó là do chính bản thân mỗi người có suy nghĩ và hành động lệch lạc, vì những thú vui, lợi ích phù phiếm phía trước mà không màng đến những hậu quả phía sau nó. Nguyên nhân khách quan là do các bạn thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ, sự lỏng lẻo của nhà trường mà môi trường xung quanh nhiều người xấu, có thói quen nói dối tác động vào và hình thành thói quen xấu này cho các bạn.

Hậu quả của việc nói dối vô cùng khó lường. Các bạn trẻ sẽ dần hình thành tính cách xấu, thói quen nói dối ban đầu là nói dối những điều nhỏ nhặt, sau lớn dần thành nói dối những việc lớn hơn thậm chí là lừa đảo. Khi nói dối, bản thân người đó sẽ không nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của những người xung quanh và khi gặp bất kì khó khăn nào trong học tập hay trong công việc và cuộc sống nói chung, cũng sẽ không nhận được bất kì sự giúp đỡ hay hỗ trợ nào từ người khác. Hơn nữa, mỗi người khi nói dối, dù có hối hận cũng không thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi, dằn vặt, day dứt lương tâm.

Để khắc phục cũng như sửa chữa “căn bệnh” nói dối, trước hết mỗi người cần tự điều chỉnh bản thân mình, thành thật với bản thân cũng như người khác, hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, giáo dục chúng đức tính thật thà, trung thực. Nhà trường có biện pháp quản lí học sinh hợp lí, xử lí những học sinh nói dối vi phạm nội quy trường lớp.

Mỗi con người một hành động nhỏ, cùng chung tay đẩy xa tình trạng nói dối sẽ khiến cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, lan tỏa được những thông điệp tích cực và các bạn trẻ sẽ trở nên hữu ích hơn cho xã hội.

Nghị luận bàn về lời nói dối - Mẫu 2

Trung thực, thật thà luôn là đức tính vô cùng đáng quý của mỗi người trong cuộc sống, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác nhau, chúng ta luôn gặp phải những lời nói dối. Đa phần những lời dối trá đó đều mang hại và hoàn toàn sai trái, và thật đúng khi nói rằng: Nói dối có hại cho bản thân.

Nói dối là nói những lời không chân thật, sai lệch với sự thật đối khi trái hẳn với thực tế một cách vô tình hoặc cố ý. Thực tế cuộc sống, ta đã gặp nhiều trường hợp con người nói dối có chủ đích, đó là lời bác sĩ nói dối bệnh nhân ung thư về bệnh tình của anh ta, rằng bệnh của anh không đáng lo ngại và anh hãy lạc quan lên, sắp được ra viện rồi... Ở đây, lời nói dối nhằm mục đích giúp người bệnh có tâm lí thoải mái hơn khi chữa bệnh, không căng thẳng, lo lắng, tránh ảnh hưởng đến việc điều trị. Lại có những lời nói dối thể hiện tình yêu thương và sự vị tha, đó là lời của người mẹ nghèo, đói đến xơ xác nhưng vẫn cố gắng chịu đựng mỉm cười nói với những đứa con "Mẹ ăn no rồi!" để nhường cho con phần cơm còn lại. Những lời nói dối này không nhằm mục đích xấu mà đây chỉ là một phương pháp làm giảm đi gánh nặng tâm lí cho người nghe mà thôi.

Trái lại, có nhiều lời nói dối nhằm mục đích không tốt: Một cậu bé nói dối cha mẹ bỏ học đi chơi; học sinh vì mải chơi chưa làm bài tập hay học bài cũ, liền nói dối bị quên vở; một cô bé xin tiền mẹ nói dối là đi học thêm nhưng thực chất là lấy tiền đi xem phim;... còn muôn vàn những kiểu nói dối khác nhau nữa mà chúng ta không thể kể xiết. Trong những trường hợp này, người nói dối nhằm mục đích che đậy tội lỗi và đều mang ý xấu. Bên cạnh đó, có những lời nói dối còn trắng trợn và đáng sợ hơn nhằm đổi trắng thay đen, nhằm hãm hại và đẩy người khác vào bước đường cùng. Việc nói dối nhiều lần sẽ thành thói xấu khó bỏ, khiến con người "tặc lưỡi" cho qua, lâu dần sẽ trở thành "căn bệnh" khó chữa và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có hại cho bản thân và ảnh hưởng xấu đến người khác.

Vậy tại sao nói dối có hại cho bản thân? Trước hết, có thể thấy nói dối để che giấu những điều sai trái, lỗi lầm có thể giúp con người thoát khỏi những tình huống bất lợi tức thời nhưng về lâu dài sẽ trở thành thói xấu, mang hại cho bản thân người nói dối. Người xưa có câu "Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra" ý chỉ dù có che đậy kĩ càng bằng những lời nói dối hoàn hảo đến đâu, sẽ có một ngày sự thật sẽ được phơi bày ra và khi đó người nói dối sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Bản thân người đó sẽ không nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của những người xung quanh và khi gặp bất kì khó khăn nào trong học tập hay trong công việc và cuộc sống nói chung, cũng sẽ không nhận được bất kì sự giúp đỡ hay hỗ trợ nào từ người khác. Dần dần, bạn sẽ bị tách biệt, bị cô lập khỏi thế giới và thật bất hạnh cho những người nào gặp phải trường hợp như vậy. Không chỉ có vậy, một khi ta đã làm sai chuyện gì, ta vẫn không thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi, dằn vặt, day dứt lương tâm, tâm lí sẽ luôn hoảng loạn và không yên ổn. Liệu chúng ta có thể yên tâm sống một cuộc sống lúc nào cũng trong trạng thái nơm nớp lo sợ hay không?

Đối với những lời nói dối mang tính chất trêu chọc, nhằm thỏa mãn thú vui nào đó của bản thân mình cũng thật sự nguy hiểm. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ câu chuyện Cậu bé chăn cừu, cậu bé đột nhiên nảy ra ý muốn trêu chọc các bác nông dân nên hai lần nói dối có sói đến ăn cừu của mình khiến cho mọi người đang bận rộn làm các công việc của mình vội vàng chạy đến giúp cậu đuổi sói. Chứng kiến cảnh các bác nông dân như vậy, cậu ta thích chí ôm bụng cười nhưng khi đến lần thứ ba, khi sói đến thật, cậu bé gào khản cổ nhưng chẳng có một ai tin và đến cứu vì họ đã mất niềm tin ở cậu. Và hậu quả là sói đã ăn thịt hết đàn cừu của cậu và từ đó trở đi, cậu bé không bao giờ được mọi người tin tưởng nữa. Qua câu chuyện này, người xưa muốn khuyên răn chúng ta, bất kể là chuyện gì cũng không được nói sai sự thật bởi một lần nói dối sẽ làm người khác không tin tưởng bạn nữa, và về sau nếu có nói thật, mọi người cũng sẽ luôn nghi ngờ bạn.

Hầu hết, những lời nói dối đều mang lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và đều là những lời nói dối có hại cho bản thân cũng như những người xung quanh. Nếu vậy, chúng ta cần làm gì để bản thân không nói dối? Trước hết, chúng ta cần tự mình nhận thức rõ ràng về tác hại của việc nói dối cũng như hậu quả xấu mà nó mang lại. Bên cạnh đó, rèn luyện cho mình đức tính trung thực, ngay thẳng, thật thà, không nói sai sự thật, đặc biệt là không dựng chuyện, bịa chuyện để nói xấu hay bôi nhọ người khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng cần sáng suốt, biết cân nhắc để nói năng hay ứng xử cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng trường hợp để có những ứng xử linh hoạt.

Như vậy, nói dối có hại cho bản thân là ý kiến vô cùng đúng đắn và nói dối còn có hại cho người khác nữa, bởi vậy chúng ta cần rèn luyện cho mình đức tính trung thực và cần lên án những lời nói hay hành vi dối trá để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn.

Nghị luận bàn về lời nói dối - Mẫu 3

Nói dối, giả dối là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội từ xưa đến nay. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, hiện tượng này ngày càng trở nên trầm trọng. Nói dối, làm giả gây ra nhiều biến đổi mạnh mẽ trong đời sống xã hội ở nước ta. Căn bệnh nói dối, làm giả đang trở thành một vấn nạn của xã hội. Có nhiều định nghĩa khác nhau về nói dối, giả dối. Về cơ bản, nói dối là chủ tâm nói không thật, không đúng với sự thật nhằm che giấu sự thật hoặc mưu cầu một lợi ích nào đó. Cùng nghĩa với nói dối có các từ ngữ khác cũng được sử dụng phổ biến như: nói điêu, nói xạo, nói khoác, nói láo,…

Đôi khi, nói dối chỉ là một hành động tế nhị, nói tránh sự thật để không gây đau lòng, tránh xúc phạm, để cứu người khác. Lúc này, nói dối trở thành một hành động cần thiết. Tuy nhiên, đó chỉ nên xem là ứng xử bất đắc dĩ trong tình thế mà thôi.

Xét dưới góc độ thời gian có ba hình thức nói dối. Thứ nhất là kể không đúng sự thật đã diễn ra. Thứ hai là tường thuật không đúng sự thật. Thứ ba là dự báo không đúng sự thật. Xét dưới góc độ nội dung sự việc có 4 hình thức nói dối: vọng ngữ, nói nước đôi, nói lời hung ác, thêu dệt sự thật.

Ngày nay, hiện tượng nói dối, lừa gặt, làm giả sản phẩm nhằm thu lợi về bản thần ngày càng trở nên phổ biến. Trong buôn bán, hàng giả hàng nhái vốn tràn lan trong đời sống. Vì lợi ích mà người sản xuất bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng lừa dối người khác. Lòng trung thực bị xem thường. Thái độ tôn trọng và niềm tin trong buôn bán cũng dần mai một.

Con người sẵn sàng lừa dối nhau vì vật chất hoặc tình cảm. Ban đầu chỉ là một vài trường hợp lẻ tẻ. Giờ đây, nó gần như trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội.

Trong trường học, ngày càng có nhiều học sinh nói dối, gian lận trong học tập. Khi xảy ra sai lầm, học sinh tìm mọi cách tránh né, bịa ra lí do nhằm tránh bị nhắc nhỏ, kỉ luật.

Trước hết, nói dối xuất phát từ đời sống văn hóa thuần nông cử nước ta. Lúc ban đầu nói dối để làm vui, trêu đùa nhau. Đọc truyện Trạng Quỳnh chúng ta thấy rõ bản chất này. Việc nói dối để giải quyết tình huống được đề cao như một trí tuệ dân gian. Từ đó ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống con người. Nói dối được xem như một sự khôn khéo trong ứng xử.

Do lối ứng xử cả nể, một vừa hai phải, tránh va chậm nhau của người Việt nhằm xây dựng một cộng đồng hài hòa, bền chặt. Lối ứng xử này chỉ phù hợp với một tổ chức làng xã nhỏ trước đây. Ngày nay, trước xu thế mở rộng hợp tác, lối ứng xử này gây nên không ít khó khăn trong đời sống xã hội.

Việc nói dối bị lạm dụng bởi nhiều kẻ cơ hội, mưu cầu danh lợi cho bản thân. Không ít người sẵn sàng làm chứng gian cho nhau, hoặc ngậm miệng cho qua mọi chuyện để cầu toàn, hưởng lợi… Vì thế giả dối luôn song hành với tâm lý xấu che, tốt khoe và sợ sự thật. Trong các quan hệ ứng xử, một khi người ta thiếu lòng tự trọng và sợ sự thật, thì đó là lúc sự giả dối phát tác và bắt đầu gây hại.

Giáo dục cũng không chú trọng vào việc rèn luyện tư cách cho con người. Những bài học lí thuyết trở nên nhàm chán. Việc thực hành đạo đức ở trường học không được tiến hành mạnh mẽ. Thầy cô giáo thiếu gương mẫu hoặc suy thoái đạo đức trầm trọng. Từ đó tạo ra tấm gương xấu khiến học sinh không còn kính trọng.

Nói dối, làm giả làm suy giảm lòng tin giữa con người với con người.

Nói dối, làm giả gây nên những mâu thuẫn trong xã hội. Thậm chí là những xung đột kịch liệt, để lại hậu quả đáng tiếc.

Hiện tượng nói dối, làm giả gây mất trật tự anh ninh, là một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn xã hội. Việc làm hàng giả gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế đất nước.

Người nói dối, giả dối không được người khác tôn trọng và bị pháp luật trừng trị khi xâm phạm đến lợi ích của người khác.

Nói dối, làm giả nêu gương xấu đối với người khác, nhất là đối với giới trẻ.

Trên đời này, có những lời nói dối là cần thiết, thế nhưng đa phần là sự nực cười, là lỗi lầm và sai trái. Con người ta không ai muốn bị lừa dối. Và không ai muốn tha thứ dễ dàng cho kẻ lừa dối mình. Vì thế hãy chân thật với người khác cũng như với chính bản thân mình để không đổi lại sự hối hận về sau.

Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, nhân phẩm cho học sinh trong trường học. Tăng cường rèn luyện con người có phẩm chất tốt đẹp, tri thức vững vàng và tự tin trong cuộc sống. Chỉ có giáo dục mới có thể giúp con người nhận thức được bản chất của cuộc sống là phải sống tốt đẹp.

Trong gia đình, người lớn phải gương mẫu. Không nên nói dối trước mặt con cái hay giả dối trong lời nói và công việc. Bởi con cái thường hay học hỏi và làm theo cha mẹ. Gia đình cũng cần đề cao văn hóa ứng xử, đề cao lễ nghĩa, xây dựng truyền thống gia đình tốt đẹp. Văn hóa và truyền thống gia đình có ý nghĩa quyết định nhân cách và lối sống của mỗi con người.

Xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh trong cộng đồng. Tuyên dương cái tốt đẹp, phê phán và bài trừ cái xấu, cái ác. Pháp luật nghiêm minh. Việc xử phạt phải công bằng, triệt để, thể hiện sức mạnh của công lí và chính nghĩa.

Trước sự thay đổi lớn của thời đại, chúng ta cũng cần xây dựng những chuẩn mực mới phù hợp và tiến bộ. Cần đưa ra những bộ quy chuẩn cho từng lĩnh vực trong đời sống. Căn cứ vào đó mà điều chỉnh hành vi con người.

Cần thực hiện công bằng xã hội để tăng cường niềm tin trong nhân dân. Chỉ có lòng tin tương mới giú con người không lừa dối, không gian lận.

Nâng cao cuộc sống, khuyến khích và đề cao lòng tốt, tình thương trong xã hội. Đồng thời nghiêm trị những trường hợp vi phạm để làm gương cho người khác.

Giả dối trong đời sống là một căn bệnh nguy hại. không những gây ra mâu thuẫn, xung đột xã hội mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác. Một xã hội văn minh, tiến bộ là một xã hội không có sự giả dối, không ai muốn giả dối. Dối trá luôn mang lại kết quả tai hại. Dối trá là hành động của kẻ ngu xuẩn không đủ can đảm trước sự thật.

Nghị luận bàn về lời nói dối - Mẫu 4

Đồng Hoa - một tiểu thuyết gia nổi tiếng của Trung Quốc đã viết trong cuốn sách của mình rằng: "Giành được lòng tin rất khó mà hủy diệt thì dễ lắm, quan trọng không phải là dối gạt chuyện lớn hay nhỏ mà chính việc dối gạt đã là vấn đề". Câu nói ấy gợi nhắc chúng ta câu chuyện về chú bé chăn cừu, một cậu bé với trò chơi khăm quái đản, luôn cố tình hét lên, cầu cứu với mọi người là có sói đến, nhưng thực tế lại chẳng có con sói nào cả. Trò đùa ấy diễn ra được vài lần, cho đến khi không ai còn tin vào lời của cậu ta nữa, rồi khi có sói đến thật, cậu bé kêu cứu thì đã không còn ai tin tưởng và kết quả đàn cừu của cậu ta bị bầy sói xơi tái bằng hết. Đó là hậu quả của một lời nói dối, một trò đùa tai hại mà cậu bé phải gánh chịu. Vậy trong thời buổi hiện nay thói quen nói dối đã đem lại những tác hại gì?

Trước hết là chúng ta cùng định nghĩa thế nào là nói dối. Nói dối tức là một phát ngôn không đúng với sự thật, nhằm phục vụ cho một mục đích nào đó của người nói và gần như trong tất cả các trường hợp nói dối đều là hành động mang tính tiêu cực, làm ảnh hưởng đến các cá thể khác vì sự sai lệch trong thông tin. Chỉ một số ít những trường hợp lời nói dối là vì mục đích nhân đạo và trở thành lời nói dối vô hại vì nó không mang tới ảnh hưởng xấu cho bất cứ một cá nhân nào. Và lời nói dối lúc nào cũng khoác lên mình một vẻ hào nhoáng, trau chuốt dễ khiến người khác tin tưởng hơn là một sự thật đầy gai góc ví như Albert Camus đã từng nói: "Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối thì ngược lại, là ánh chiều hôm tươi đẹp bao trùm lên mọi vật". Và sự dối trá cũng không chỉ riêng lời nói mà nó còn nằm ở hành động của mỗi con người giống như câu "Dối trá không nằm trong ngôn từ; nó nằm trong sự việc, theo Italo Calvino. Hoặc như Robert Southey đã từng nói: "Tất cả sự lừa lọc trong đời thực chất chẳng là gì khác ngoài lời nói dối được thực hành, và sự dối trá chuyển từ ngôn từ vào sự vật". Chung quy lại sự nói dối là biểu hiện rõ nét nhất của sự suy thoái đạo đức và đánh mất dần bản thân chân chính của một con người.

Trong xã hội hiện nay hiện tượng nói dối hay lừa lọc đã trở nên rất phổ biến ở mọi tầng lớp mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi tôn giáo. Có thể nói rằng lời nói dối luôn được phát ra mỗi một phút một giây, và trong một giây có hàng triệu con người đang bị những lời nói dối bịp bợm mà họ không hề ý thức được. Những đứa trẻ vài ba tuổi thì bắt đầu biết nói dối rằng chúng đau bụng để không phải ăn những thứ mà chúng ghét, những đứa trẻ đã đến trường thì bắt đầu dối gạt cha mẹ và thầy cô về bài tập của mình, một số đã biết thế nào là quay cóp, gian lận trong thi cử. Những sinh viên thì ngày càng trở nên bạo gan hơn trong việc dối trá, lừa dối cha mẹ về việc tham gia các khóa học tiếng anh, tin học, kỹ năng,... để xin tiền ăn chơi, trong khi thực tế cái họ học được duy nhất chỉ là cách nói dối ngày càng một chuyên nghiệp hơn. Khi bước ra ngoài xã hội, người ta lại tiếp tục lừa dối nhau bằng những lời nói dối tinh vi hơn, một chàng trai hay một cô gái nào đó sẵn sàng lừa dối người yêu của mình để qua lại với vài người khác nữa. Một nhân viên sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của đồng nghiệp để tranh công với sếp, những nhà thầu công trình khai sai số lượng vật liệu xây dựng để rút ruột công trình, những nhân viên kế toán tìm cách rút tiền công quỹ bằng cách hóa đơn khống. Những người chồng tìm cách nói dối vợ về các bữa tiệc xã giao để đem thời gian và tiền bạc đi cặp kè với nhân tình. Một số người nông dân dùng vô số loại thuốc bảo vệ thực vật vào rau củ của mình nhưng lại điềm nhiên nói rằng chúng hoàn toàn tươi sạch. Các nghệ sĩ, nhà văn thì ngấm ngầm đạo tác phẩm của đồng nghiệp rồi trắng trợn nói rằng chúng là do mình tự sáng tác,... Và còn rất nhiều những lời nói dối mà dù có liệt kê cả nghìn trang giấy cũng không thể nào cạn được.

Vậy cuối cùng thói dối trá đã đem lại cho con người những gì ngoài sự đổ đốn và mục rữa trong tâm hồn, có thể ngay lúc ấy sự lừa lọc kẻ khác đã đem cho chúng ta những lợi ích nhất định khiến chúng ta thỏa mãn, thế nhưng những hậu quả mà nó đem lại cho người khác thì sao? Những bậc cha mẹ và thầy cô phải phiền lòng vì sự dối trá của những đứa con, và bản thân chúng cũng trở nên mục rỗng thiếu kiến thức, thiếu trách nhiệm, cuối cùng nặng nề nhất ấy chính là thiếu hụt đạo đức, chúng không hề ý thức và ngày càng chìm đắm vào việc nói dối như một đam mê. Những cô gái, những chàng trai, những người vợ, người chồng phải đau khổ vì bị phản bội, bị mọc sừng, hạnh phúc trong tình yêu, trong hôn nhân lập tức sụp đổ ngay trước mắt. Còn những công trình bị rút ruột thì luôn ẩn chứa khả năng giết người tiềm tàng tựa như một cái máy chém sẵn sàng sập xuống bất cứ lúc nào. Còn những thứ rau quả toàn thức bảo vệ thực vật sẽ giết con người bằng lưỡi dao vô hình và khủng khiếp, nó hủy hoại dần con người ta từ bên trong khiến chúng ta chết từ từ với những căn bệnh quái ác như ung thư. Những kẻ đạo văn, đạo nhạc thì đã làm vấy bẩn thế giới nghệ thuật vốn tươi đẹp và thanh cao, làm cho con người ta không còn tín nhiệm vào những thứ để bồi bổ tâm hồn như sách vở và âm nhạc. Chung quy lại quá nhiều lời nói dối và các hành động dối trá diễn ra khiến con người luôn sống trong sự hoài nghi. Cha mẹ không dám tin tưởng con cái rồi vô tình gây ra những tổn thương cho đứa trẻ; người ta sợ hãi tình yêu hôn nhân; không còn tin vào chất lượng của các công trình, ái ngại khi bỏ tiền ra mua nhà cửa. Người ta cũng không dám ăn những thứ được bày bán ngoài chợ vì sợ có độc, sợ nguy hiểm cho bản thân và gia đình. Như vậy xã hội này đã biến thành một xã hội với những kẻ nói dối và những con người luôn hoài nghi, sợ hãi. Và tôi khẳng định rằng đó là một xã hội tồi tệ, khi con người không có niềm tin dành cho nhau, cuộc sống đó là một cuộc sống quá đỗi mệt mỏi.

Không chỉ gây nguy hại cho đời sống xã hội, lời nói dối còn có tác động tiêu cực với chính người đã tạo ra chúng. Trước hết việc lừa dối làm nhân cách đạo đức con người ngày một suy mòn, đi xuống, họ mất đi cái gọi là lòng trung thực, sự chân thành, riết rồi tâm hồn họ chỉ có hai chữ dối trá che mờ tất cả. Bởi một lời nói dối tất sẽ kéo theo những lời nói dối khác để che đậy cho nó, con người nói dối một lần, hai lần rồi nhiều đến mức họ tin rằng những lời nói dối đó là thật và trở nên điềm nhiên trong sự dối trá tệ hại của mình. Và đặc biệt không ai có thể nói dối cả đời như câu nói "Sống để bụng chết mang theo" được, trên đời này chỉ có sự thật là chính nó còn riêng lời nói dối lúc nào cũng như một kẻ phạm tội luôn để lại dấu vết ở khắp nơi. Một khi bị phát hiện là kẻ dối trá người thân, bạn bè, đồng nghiệp, sếp tổng sẽ không còn ai dám tin tưởng và hợp tác với bạn nữa. Hoặc mọi người sẽ tạm tin bạn và luôn đặt bạn dưới tầm ngắm nếu có bất cứ một vấn đề nào xảy ra, lúc này đây bạn cũng chẳng khác mấy so với chú bé chăn cừu tinh quái. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên tồi tệ khi mất đi sự tín nhiệm của mọi người, bạn sẽ dần bị xa lánh, ghét bỏ, không chỉ vậy mỗi một hành động của chúng ta đều có ảnh hưởng rất lớn đến con cái của chúng ta sau này. Sẽ khó có đứa trẻ nào ngoan ngoãn khi cha mẹ chúng liên tục nói dối, liên tục làm những trò bịp bợm trước mặt chúng, bởi đơn giản trẻ em là một tờ giấy trắng, tờ giấy ấy là một bức tranh đẹp hay một bức tranh tệ hại chính là phụ thuộc vào ngòi bút của những người lớn đấy các bạn ạ.

Tóm lại sống trên đời chúng ta nên trung thực và chân thành với lòng mình, chẳng hạn sự thật có quá đỗi trần trụi gai góc, thì chúng ta hãy uyển chuyển tìm cách khiến nó trở nên nhẹ nhàng, dễ tiếp thu chứ đừng biến nó rành những lời nói dối độc hại. Đừng tự hủy hoại bản thân và cuộc đời người khác bằng thói ích kỷ của mình nhé các bạn.

Nghị luận về hiện tượng nói dối của con người ngày nay

Benjamin Franklin từng nói rằng: “dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực”. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá. Không một ai cảm tìm thấy được hạnh phúc khi họ sống bằng sự giả dối cả. Thế mà, càng phát triển, con người càng nói dối nhiều hơn và khéo léo hơn. Hiện tượng nói dối của con người thật đáng lo ngại trong cuộc sống này.

Nói dối là chủ tâm nói một điều không đúng với sự thật nhằm thực hiện một mục đích nào đó trong giao tiếp. Một lời nói dối thường là một phát ngôn sai có mục đích, dùng cho việc lừa gạt. Nói dối có thể phục vụ cho nhiều mục đích và chức năng tâm lý khác cho cho những cá nhân sử dụng. Thông thường, thuật ngữ “nói dối” mang hàm ý tiêu cực và tùy vào hoàn cảnh, người nói dối sẽ là đối tượng chỉ trích của xã hội, pháp luật hay tôn giáo.

Lời nói dối có thể nói ra từ một người, một nhóm người hay một chính thể với chú ý tạo nên một sự việc giả dối, không có thực để làm cho người nghe tin là có thực. Đối tượng nói dối luôn luôn có sẵn một mục đích. Hiện tượng nói dối lúc ban đầu có thể chỉ là một câu chuyện vui đơn giản vô hại; cũng có thể là một mưu toan đi đến lường gạt rộng lớn; tội đại hình như: cướp của, giết người ….

“Không có gì che đậy được lâu dưới ánh sáng mặt trời”. Một sự nói dối to lớn còn gọi là sự lường gạt, nếu bị tìm ra thì hậu quả tai hại của nó không thể lường được. Phía sau lời nói dối có thể là những động cơ, nguyên nhân khác nhau: những toan tính, thủ đoạn của kẻ không trung thực; sự yếu đuối, hèn nhát của người không dám đối diện sự thật; né tránh sự thật đau lòng, không muốn làm tổn thương người khác. Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực“

Nói dối gây ra những hệ lụy không ai mong muốn, những hậu quả khôn lường. Lời nói dối có thể kéo theo những hành động gian dối, làm xói mòn nhân phẩm, niềm tin giữa con người với nhau, gây bất ổn nhiều mặt trong xã hội,… Biết bao nhiêu xung đột do lời nói giả dối gây ra, làm tổn hại tiền của và sinh mệnh. Biết bao nhiêu mối quan hệ tốt đẹp cũng rạn nứt hoặc chấm dứt là bởi những lời nói dối.

Nói dối làm suy giảm niềm tin giữa con người với con người. Không ai lại có thể tin tưởng một kẻ hay nói dối. Càng nói dối, bạn sẽ càng bị người khác xa lánh, ghét bỏ, trừng phạt. Bản thân người nói dối không những không chiếm được thiện cảm của người khác mà còn không nhận được sự trợ giúp. Bởi thế, kẻ nói dối thường thất bại và sống cuộc đời hèn kém trong cuộc sống này. Lời nói dối một khi bị phát hiện sẽ chặn đứng sự gần gũi của người khác, khiến họ đề phòng, xa lánh và lạnh lùng hơn.

Càng nói dối ta càng thêm bất an, hoài nghi và sợ hãi. Khi ấy, ta dành hết cả thời gian và suy nghĩ để che đậy hành vi giả dối của mình, lo lắng người khác phát hiện. Nói dối không những làm tổn hại sức khỏe mà còn tổn hại đến thần kinh vì lo sợ bị trừng phạt.

Kẻ hay nói dối thường không có lòng tin tưởng ở người khác. Họ hay nghi ngờ, đề phòng mọi thứ ở xung quanh. không những không có lòng trung thực, kẻ hay nói dối cũng không có lòng tôn trọng đối với người khác. Kẻ nói dối thường hay biến đúng thành sai, biến trắng thành đen nhằm vụ lợi cho bản thân hoặc hãm hại một ai đó. Bởi thế, kẻ nói dối thường gây mất đoàn kết trong tập thể, tổn hại đến trật tự, an ninh xã hội, làm đảo lộn các giá trị chân thực trong đời sống.

Sự nói dối thường phải được bổ sung bởi một hay nhiều lời nói dối khác. Như vậy người nói dối phải có trí nhớ thật tốt để nhớ tất cả những gì mình đã nói. Hoặc là phải có một chính sách thật tàn bạo để sẵn sàng cưỡng bức, áp chế người nghe. Dần dà sự thật trở thành kẻ thù đáng sợ nhất của sự nói dối. Một khi sự nói dối diễn tiến một cách liên tục, thì nó càng dễ bị khám phá bời vì sẽ đán lúc đầu và đuôi không ăn khớp với nhau nữa. Một khi bị khám phá ra, người nói dối sẽ mất hết tín nhiệm. Tín nhiệm đã mất thì khó mà xây dựng lại được.

Đối với cá nhân, chúng ta chỉ là những con người người bình thường chứ không phải là thánh nhân, nghĩa là sẽ có sai lầm. Không ai trong chúng ta dám nói là chưa bao giờ nói dối hoặc sẽ không bao giờ nói dối. Chúng ta đều hiểu là trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta phải cân nhắc xem nói dối hay nói thật cái nào sẽ có hại hoặc mang họa đến cho chúng ta nhiều hơn.

Con người ngày nay thường hay nói dối. Đó không phải là một vài trường hợp đơn lẻ mà dường như đã trở thành một hiện tượng, có tính phổ rộng. Nói dối là phá hỏng niềm tin và làm suy thoái nhân cách con người. Điều đó thật đáng lo ngại.

Nguyên do đầu tiên là vì sợ hãi. Trước cuộc sống đầy biến động, con người thường sống trong nhiều nỗi sợ hãi. Nói dối là cách để họ né tránh trách nhiệm, né tránh công việc, hoặc né tránh hình phạt. Càng yếu đuối, lười biếng, ích kỉ, con người càng nói dối nhiều hơn.

Nguyên nhân thứ hai là nhiều người có thói quen nói dối. Nhiều người trong gia đình có thói quen nói dối, giả dối khiến việc nói dối lây nhiễm. Chuyên lớn, chuyện nhỏ họ đều nói dối. Nói dối đối với họ như một thói quen, bởi thế họ không cho là sai phạm quan trọng.

Nền tảng đạo đức xã hội xuống cấp, con người đề cao đời sống vật chất thực dụng, đề cao giá trị tiền bạc khiến hiện tượng nói dối, lừa lọc trở nên phổ biến hơn. Người lớn không gương mẫu, nhà trường giáo dục đạo đức sơ sài, xã hội thờ ơ, căn bệnh nói dối vì thế ngày càng lan nhiễm nhiều hơn.

Kẻ hay nói dối là vì vụ lợi cho bản thân hoặc nói dối để hãm hại người khác. Nhiều người nói dối để có thể chiếm phần lợi ích cao hơn người khác. Nhiều người dùng lời dối trá để vu khống, hãm hại người khác, làm mất đoàn kết, khiến tập thể rối loạn nhằm một mục đích nào đó.

Lịch sử đã chứng minh nhiều lần là sự thực, chân lý cuối cùng sẽ thắng; kẻ dối trá sẽ phải đền tội xứng đáng. Nếu chúng ta muốn người khác thành thực với mình, thì mình trước hết phải tỏ rõ thiện chí, thành thực với họ trước. Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất.

Nói dối là một thói xấu, vì thế con người cần rèn luyện cho mình phẩm chất trung thực, không được nói dối. Cần lên án, phê phán nghiêm khắc những kẻ nói dối cũng như những hành vi gian dối. Nhưng cũng nên có cách nhìn nhận thấu đáo nếu phải nghe những lời nói dối.

Trong tình huống, cảnh ngộ cụ thể, nhất thời, con người có thể buộc phải nói dối. Tuy nhiên, không được lạm dụng lời nói dối. Bởi suy cho cùng, trong cuộc sống không ai muốn nghe hoặc phải nói những lời gian dối và sớm muộn sự thật cũng sẽ được phơi bày.

Sự giả dối là sản phẩm tồi tệ do con người tạo ra. Chỉ có những kẻ không có đủ sự dũng cảm và lòng trung thực mới nói dối. Và càng tồi tệ hơn nếu chúng ta mãi sống với nó. Không có cách nào khác để thành công tốt hơn đó là không bao giờ giả dối. Hãy rèn luyện những phẩm đức tốt đẹp, hãy chiến thắng bằng sức mạnh của niềm tin và ánh sáng. Đó là chiến thắng vẻ vang nhất mà mỗi con người cần hướng tới.

Suy nghĩ về bệnh nói dối

Nói dối - "căn bệnh thế kỉ" mà ai trong số chúng ta cũng đã ít nhất một lần mắc phải. Bên cạnh những lời giao tiếp thông thường, nói dối giống như một cách ứng xử trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, cách ứng xử mang tính tiêu cực, gây hại này nếu không sửa chữa, lâu ngày sẽ thành tật, thành bệnh, nói dối quen thân gây ảnh hưởng tới nhân cách con người.

Nói dối là cách nói sai sự thật hoặc bịa ra một câu chuyện hoàn toàn không có thật nhằm thỏa mãn mục đích của người nói dối. Việc nói dối thường sẽ là xấu xa, không đúng đắn, dùng để lấp liếm, che đậy. Trẻ nhỏ nói dối bố mẹ để tránh bị quở trách khi bị điểm kém, học sinh nói dối thầy cô để không phải làm bài tập, cha mẹ nói dối con cái để thoái thác trách nhiệm, người bán hàng nói dối về công dụng sản phẩm để chèo kéo người mua, bạn bè nói dối nhau về hoàn cảnh, gia đình... Bên cạnh đó, có những lời nói dối vô hại như nói dối để đỡ mất lòng, để tránh gây hiểu lầm hay thô lỗ,... Dù có lợi hay có hại, những lời nói không đúng sự thật đều bị coi là lời nói dối. Những lời dối trá lâu ngày phát ra từ miệng sẽ trở thành bệnh khó chữa khi người ta lúc nào cũng có nhu cầu nói dối và sống trong sự giả dối do chính mình gây ra.

Bệnh nói dối bắt nguồn từ thói khôn vặt, đáng buồn là lại thường xuyên xuất hiện trong những tác phẩm văn không chính thống. Những câu chuyện được coi là hài hước kể về trạng Quỳnh, Tí Quậy được kể lại, thậm chí là xuất bản thành sách truyện bày bán công khai. Từ xưa đến nay, văn hóa Việt Nam vẫn thường vô tình cổ xúy cho thói khôn ngoan, tinh ranh, biết tìm ra sơ hở của đối phương để lợi dụng đơm đặt, bịa chuyện. Bệnh nói dối cũng bắt nguồn từ cha mẹ ảnh hưởng tới con cái. Cha mẹ để tránh nhắc đến những chuyện nhạy cảm thường dùng những lời nói dối vô hại như "Con được một con cò mang tới để trước cửa" khiến trẻ em có suy nghĩ sai lệch, thiếu cơ sở khoa học. Ngoài ra, cha mẹ còn nói dối để phủi bỏ trách nhiệm, thất hứa với con cái. Đơn giản như việc khi ba mẹ hứa cho trẻ đi chơi, nhưng đến cuối tuần lại quá mệt mỏi vì công việc thường lấy lý do bận, cuối cùng lại không thực hiện được. Sự thất hứa đó không để lại hậu quả gì nhưng vô hình chung hình thành nếp suy nghĩ ba mẹ thất hứa, không đáng tin trong mắt con trẻ.

Bệnh nói dối hình thành rất dễ dàng và nhanh chóng ở lứa tuổi đang lớn, bởi vì những lời nói dối thường nhất thời mang đến sự yên bình, che giấu tội lỗi hoặc tạo ra một thế giới ảo trong mơ, nơi mà người nói dối thường khao khát được sống. Trẻ con nói dối để được nghỉ học, được cho đi chơi, trẻ vị thành niên nói dối về gia cảnh giàu có, lên mạng khoe những bức hình không phải của mình để xây dựng hình tượng cậu ấm cô chiêu ăn sung mặc sướng, người đi làm nói dối về trình độ học vấn để có một công việc tốt hơn. Thậm chí, ngay cả trong những chương trình tìm kiếm Hoa hậu - biểu tượng nhan sắc, quốc hồn quốc túy cũng có những trường hợp gian lận, dối trá, mua giải, mua bằng,... Một sự thật đau lòng rằng xung quanh chúng ta, bệnh nói dối tồn tại nhan nhản một cách công khai và không có khả năng loại trừ triệt để.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, nếu bạn cứ liên tục trễ hẹn thì liệu người ta còn muốn làm việc với bạn hay không? Tương tự như vậy đối với bệnh nói dối. Nói dối thành tật, thành bệnh dẫn tới âm mưu lừa đảo, liệu còn ai muốn tuyển dụng bạn vào công ty? Nói dối về thân thế gia cảnh của mình rồi cứ mãi sống trong ảo tưởng, đồng thời phải tìm cách che giấu bạn bè về thân phận thật, liệu có ăn ngon ngủ yên hay không? Nói dối về những cảm xúc bạn đang thực sự phải đối mặt, liệu bệnh trầm cảm, sự xa lánh của mọi người có từ đó mà giảm thiểu hay mất đi?

Xã hội càng phát triển, con người càng tìm cách lừa lọc, dối trá để trục lợi. Khi bị phát hiện là kẻ nói dối, sự xấu hổ, tủi cực sẽ ngăn cản chúng ta tiếp xúc, tái hòa nhập với cộng đồng. Nói dối thành tật đến mức có những trường hợp lúc nào cũng tìm cách nói dối dù lời nói thật hoàn toàn vô hại. Tệ hơn, sự nói dối trong thương nghiệp trở thành gian lận, lừa đảo khi vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng quảng cáo một cách thiếu chính xác, nói dối gây hậu quả nặng nề cho người tiêu dùng,... Liệu rằng sự tán dương, ngưỡng mộ nhất thời, liệu rằng niềm tin của con người với con người có đáng để đánh đổi bằng nhân cách và đạo đức như vậy hay không?

Cha mẹ, con cái lừa dối nhau, người yêu nói dối, vợ chồng lừa lọc để ngoại tình, kẻ bán người mua dối trá gian thương, lãnh đạo cấp cao che mắt nhân dân bằng bố máy dối trá bù nhìn,... Không còn chỗ cho tình cảm chân thật, cho những con người hết lòng vì nước vì dân, cho những tâm hồn chân thành nhạy cảm, cuộc sống đầy rẫy những toan tính, mưu kế nhằm hạ gục đối phương. Căn bệnh nói dối nhẹ thì làm ảnh hưởng tới niềm tin của người khác, nặng có thể dẫn đến giết người, như việc các công ty đa cấp thiếu uy tín lừa đảo người dân gửi tiền sinh lãi, cuối cùng lại cao chạy xa bay với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ,... Sống mà lúc nào cũng ủ mưu kế, sống mà luôn luôn nghĩ cách che đậy, lừa dối lẫn nhau, liệu đó có phải cách sống của lời người, chủ nhân của dải ngân hà bao la rộng lớn?

Một khái niệm khác của bệnh nói dối là "lời nói dối trắng". Nói dối trắng là khi ai đó cố gắng lựa chọn những lời lẽ tốt đẹp nhằm tránh gây mặc cảm, tổn thương với người đối diện. Hoặc dùng một lời nói dối không gây hại để đối phương cảm thấy vui vẻ, được an ủi, có niềm tin vào cuộc sống hơn cũng được coi là lời nói dối trắng. Một bệnh nhân ung thư sẽ như được tiếp thêm sức mạnh và khao khát được sống nếu họ không thực sự biết về bệnh tình của mình. Những lời nói dối cứu người đó tuy tốt nhưng cũng không hoàn toàn có lợi và được phép lạm dụng liên tục, tránh gây hậu quả khi sự thật bị phơi bày.

Không thể sửa được nếu nói dối đã trở thành bệnh, vì vậy, cần giáo dục con trẻ ngay từ khi còn nhỏ về tác hại của bệnh nói dối. Cha mẹ làm gương cho con cái, giáo viên răn dạy và xử phạt nghiêm khắc những trường học học sinh nói dối. Nhà nước cần nghiêm minh, trong sạch, loại trừ tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quan trọng nhất là bản thân mỗi người cần sống ngay thẳng, thật thà, tự nhủ không được phép nói dối, luôn uốn nắn bản thân trở thành người liêm khiết, trung thực.

Sống chân thực, thật thà vừa khiến ta quẳng đi gánh nặng âu lo, một cuộc đời hạnh phúc là một cuộc đời thảnh thơi, không cần phải suy nghĩ nay phải lừa ai, mai phải làm thế nào để có lợi cho bản thân. Hãy sống trong sạch, thẳng thắn, đồng thời khéo léo, từ tốn, xứng đáng với lời dạy "đói cho sạch, rách cho thơm' ông bà ta để lại.

Nghị luận xã hội bàn về thói dối trá

Trong đời sống hiện nay, có rất nhiều đức tính không tốt đang tồn tại ở trong mỗi con người chúng ta mà nổi bật trong đó là thói dối trá, được xem là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội. Vậy ta hiểu “dối trá” là như thế nào?

Quả đúng như vậy, dối trá là không trung thực, lừa dối người khác, tạo ra cái ảo để gây điều tin tưởng cho người khác nhằm mục đích vụ lợi, làm mất đi chuẩn mực của đạo đức. Thói dối trá đang tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống như trong công việc thì lừa gạt, khoét tiền của công ty và trong trường lớp thì coi tài liệu, chép bài của bạn để nộp cho thầy cô. Thói dối trá làm thiệt hại đến vật chất và tinh thần của xã hội. Nguyên nhân có sự tồn tại của thói dối trá ở con người là trình độ học vấn không đủ để lo cho bản thân, những thói xấu từ cha mẹ truyền qua con cái, từ môi trường xung quanh tác động đến mỗi người từ đó mà sinh ra những thói hư, tật xấu. Cho nên dối trá nhằm mục đích gì đều là tội lỗi, vô đạo đức.

Hậu quả của thói dối trá là khi đi đâu cũng bị người khác chê bai, coi thường, xa lánh, mất đi sự tin tưởng của mọi người, xem mình như kẻ tội đồ, rác rưởi. Từ một người có đạo đức, trở thành một người vô đạo đức. Không còn ai quan tâm và họ xem như mình không hề tồn tại trong xã hội. Chính vì thế chúng ta cần có những biện pháp khắc phục để xã hội không còn những thành phần xấu gây ảnh hưởng không tốt đến mọi người xung quanh. Chúng ta nên giáo dục thói quen trung thực cho con em từ nhỏ, đặc biệt là những mầm non của tương lai, cho chúng biết thế nào là những đức tính tốt cần phải học, những tính cách xấu nên tránh xa và tự khắc phục; cho chúng xem hay đọc những bộ phim hay truyện cố tích mang tính giáo dục cao. Còn người lớn thì phải biết suy nghĩ điều gì hay/ dở; điều gì tốt hoặc xấu trước khi làm và cũng để làm gương cho thế hệ sau này. Đối với chính tôi, thói dối trá là một đức tính xấu cần bị loại trừ, vì nếu tôi có đức tính xấu này thì tôi sẽ mất đi tình bạn bè, trở thành gánh nặng của xã hội. Vì vậy tôi cho rằng thói dối trá là thể hiện sự suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay. Tóm lại, thói dối trá là một đức tính xấu của con người. Người có thói dối trá là một con người vô đạo đức, bất chấp thủ đoạn để lấy cái lợi về cho bản thân, làm cho con người mất đi sự tin tưởng lẫn nhau.

Viết đoạn văn 200 chữ về lời nói dối

Nói dối là một thói xấu và là một bệnh chung của xã hội ngày nay, đó là sự không trung thực,hành động đó dần sẽ làm cho con người không sống thực với chính bản thân mình, làm mất đi lý trí và sẽ sống trong sự giả dối của chính lương tâm. Liệu có ai nghĩ tới hậu quả của việc nói dối? Những lời nói dối dẫn hệ lụy không ai mong muốn, những hậu quả khôn lường: lời nói dối có thể kéo theo những hành động gian dối, làm xói mòn nhân phẩm, niềm tin giữa con người với nhau, gây bất ổn nhiều mặt trong xã hội,.. Nói dối là một thói xấu, một thứ hủy hoại nhân cách mỗi con người. Chúng ta cần phải lên án những hành vi như vậy, nhưng đâu phải hành vi nói dối nào cũng sai? Bởi có những lời nói dối không nhằm vào những mục đích xấu, trục lợi bản thân. Đó là trong những tình huống nhất thời, con người nói dối để thoát khỏi sự đau khổ cho mình, cho người khác nữa. Tuy nhiên không đc quá lạm dụng mà hãy sử dụng vào việc rất cần thiết. Bởi suy cho cùng, trong cuộc sống không ai muốn nghe hoặc phải nói những lời gian dối và sớm muộn sự thật cũng sẽ được phơi bày. Hãy suy nghĩ thật kĩ mỗi khi định nói và phát biểu về điều gì!

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
57
  • Lượt tải: 93
  • Lượt xem: 118.023
  • Dung lượng: 422,8 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 9
Sắp xếp theo
👨

    Chủ đề liên quan