Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội câu tục ngữ Tiên học lễ, hậu học văn Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 12

Nghị luận xã hội câu tục ngữ Tiên học lễ, hậu học văn thuộc dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Chính vì vậy các bạn cần giới thiệu, giải thích tư tưởng đạo lí cần bàn luận; phân tích những mặt đúng, bác bỏ những sai lệch có liên quan. Từ đó rút ra được bài học, hành động về tư tưởng đạo lí đó.

Nghị luận Tiên học lễ, hậu học văn gồm dàn ý và 2 bài văn mẫu hay được chúng tôi tổng hợp từ bài làm của học sinh giỏi lớp 12 trên cả nước. Thông qua 2 bài văn mẫu này giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo từ đó biết sử dụng vốn từ, kiến thức để viết đúng, viết hay tự tin hơn với khả năng viết văn nghị luận ngày một hay hơn.

Dàn ý nghị luận về Tiên học lễ hậu học văn

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn. (Học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình).

2. Thân bài

a. Giải thích

“Tiên học lễ”: Con người trước hết phải rèn luyện, trau dồi lễ nghĩa, đạo đức, nhân cách bản thân ta phải tự hướng ta về những truyền thống đạo đức vốn có từ lâu đời của dân tộc.
“hậu học văn”: con người cũng cần phải rèn luyện kiến thức, trình độ chuyên môn cao, nắm vững khoa học kĩ thuật hiện đại.

→ Mỗi chúng ta muốn trở thành người có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cả đức lẫn tài, phải có nhân cách cao thượng, có tâm hồn trong sáng và có sự hiểu biết rộng rãi.

b. Phân tích

  • Mỗi con người cần rèn luyện cho mình một đạo đức tốt, một phẩm chất tốt, luôn đối xử đúng mực và giúp đỡ, chan hòa với người xung quanh ta sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và cuộc sống sẽ vui vẻ hơn.
  • Khi chúng ta có kiến thức tốt thì sẽ làm tốt công việc của bản thân và sẽ tiến gần hơn đến thành công, giúp ích cho xã hội.
  • Nếu con người vừa có tấm lòng nhân hậu, phẩm chất tốt và có kiến thức, kĩ năng thì sẽ giúp ích rất nhiều cho xã hội và sớm muộn cũng đạt đến đỉnh vinh quang, được người đời kính nể và học tập.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng là tấm gương có cả tài và đức để minh họa cho bài làm của mình.

Lưu ý: Dẫn chứng phải nổi bật, tiêu biểu, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong xã hội có nhiều người có đạo đức không tốt, đi ngược với tiêu chuẩn của xã hội, làm những việc xấu xa gây ảnh hưởng nặng nề đến xã hội. Có những người không chịu trau dồi kiến thức mà lười biếng, dựa dẫm vào người khác. → những người này đáng bị xã hội lên án và phê phán.

Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: “tiên học lễ, hậu học văn” đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Nghị luận Tiên học lễ, hậu học văn

Học tập là quá trình bền bỉ và lâu dài của con người. Mỗi chúng ta nếu không học tập sẽ không trở thành người có ích cho xã hội. Học tập đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Để răn dạy con người về tầm quan trọng của việc học tập kiến thức cũng như học cách làm người, ông cha ta đã có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

“Tiên học lễ” là việc con người trước hết phải rèn luyện, trau dồi lễ nghĩa, đạo đức, nhân cách bản thân ta phải tự hướng ta về những truyền thống đạo đức vốn có từ lâu đời của dân tộc. “Hậu học văn” là việc con người cũng cần phải rèn luyện kiến thức, trình độ chuyên môn cao, nắm vững khoa học kĩ thuật hiện đại. Ý kiến khuyên nhủ con người rằng: mỗi chúng ta muốn trở thành người có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cả đức lẫn tài, phải có nhân cách cao thượng, có tâm hồn trong sáng và có sự hiểu biết rộng rãi.

Học tập là việc cả đời của mỗi người, chúng ta không chỉ học kiến thức trong sách vở mà còn phải học cách làm người, trau dồi cho mình một nhân phẩm tốt để trở thành người có ích. Mỗi con người cần rèn luyện cho mình một đạo đức tốt, luôn đối xử đúng mực và giúp đỡ, chan hòa với người xung quanh sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và cuộc sống sẽ vui vẻ hơn. Ngoài việc có một đạo đức tốt, chúng ta cần có kiến thức vững vàng, khi chúng ta có kiến thức tốt thì sẽ làm tốt công việc của bản thân và sẽ tiến gần hơn đến thành công, giúp ích cho xã hội. Nếu con người vừa có tấm lòng nhân hậu, phẩm chất tốt và có kiến thức, kĩ năng thì sẽ giúp ích rất nhiều cho xã hội và sớm muộn cũng đạt đến đỉnh vinh quang, được người đời kính nể và học tập.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người có đạo đức không tốt, đi ngược với tiêu chuẩn của xã hội, làm những việc xấu xa gây ảnh hưởng nặng nề đến xã hội. Lại có những người không chịu trau dồi kiến thức mà lười biếng, dựa dẫm vào người khác,… những người này đáng bị xã hội lên án và phê phán.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Câu nói này hoàn toàn đúng đắn. Mỗi con người chỉ được sống một lần duy nhất, hãy trở thành một con người vừa có tài lại vừa có đức, xứng đáng là một công dân có ích cho đất nước.

Nghị luận về Tiên học lễ, hậu học văn

Từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam ta luôn được biết đến với truyền thống đề cao đạo đức, lễ nghi để trở thành những người có văn hóa, đạo đức. Trải qua thời gian, lời nhắc nhở về nếp sống ấy đã được ông cha ta gửi gắm cho thế hệ sau vào trong những câu tục ngữ, thành ngữ. Và câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" là một trong số đó. Tìm hiểu về câu tục ngữ sẽ mang đến cho chúng ta bài học sâu sắc về cách ứng xử trong cuộc sống.

Có thể thấy, câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" là câu tục ngữ gần gũi, quen thuộc với tất cả mỗi người, Vậy nên hiểu câu tục ngữ này như thế nào? Trước hết, "lễ" chính là lễ nghĩa, là phép tắc, thể hiện ở cách ứng xử có văn hóa, có đạo đức, biết trước biết sau, biết kính trên, nhường dưới của con người. Còn "văn" chính là văn hóa, văn chương hay nói rộng ra nó chính là vốn sống, vốn hiểu biết, kĩ năng của con người, giúp mỗi người có thể tham gia các kì thi và đỗ đạt. Từ cách hiểu đó có thể thấy, câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" muốn khuyên mỗi người việc trước tiên cần phải học đó chính là lễ nghi, là những chuẩn mực đạo đức rồi sau đó mới học văn hóa, mở rộng kiến thức, vốn hiểu biết, vốn sống của mình.

Câu tục ngữ đã nêu ra một bài học đúng đắn, có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với mỗi người. Trong cuộc sống, lễ nghi, đạo đức luôn có vai trò quan trọng hàng đầu, là yếu tố đầu tiên mà mỗi người được dạy dỗ, được học tập trước khi tiếp thu những kiến thức sách vở. Có thể dễ dàng nhận thấy, trước khi cắp sách đến trường học chữ với những phép toán, những bài văn để mở rộng vốn kiến thức hiểu biết chúng ta đã được học lễ nghi, phép tắc. Những lễ nghi, phép tắc ấy chính là lễ nghi với ông bà, với cha mẹ, với những người xung quanh. Nó được biểu hiện ra như khi gặp người lớn tuổi thì phải chào, nói chuyện với người hơn tuổi thì phải thưa,....

Đạo đức, lễ nghĩa, cách ứng xử là bài học trước tiên mà mỗi người phải học, phải rèn luyện bởi chúng là những yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu trong cuộc sống. Đạo đức, lễ nghi là một trong số những yếu tố quyết định đến thái độ học tập và kết quả của mỗi con người bởi lẽ những người có đạo đức, lễ nghi sẽ biết suy nghĩ trước khi hành động. Cùng với đó, những người có đạo đức, lễ nghi sẽ biết cách sử dụng kiến thức của mình vào những mục đích tốt đẹp, phù hợp, không đi ngược lại những chuẩn mực văn hóa, đạo đức của truyền thống dân tộc. Chính bởi lẽ đó những việc làm của họ sẽ mang đến hiệu quả cao hơn và họ luôn nhận được sự yêu mến, kính trọng của những người xung quanh. Song, nếu chúng ta chỉ chăm chú vào học kiến thức, trở thành những con người tài giỏi nhưng lại thiếu đi đạo đức, không biết cách ứng xử phù hợp với những người xung quanh thì tất yếu sẽ không nhận được sự yêu mến của người khác, đồng thời nó cũng sẽ biến ta thành con người thủ đoạn, bởi như Bác Hồ từng nói "Có tài mà không có đức là người vô dụng".

Như vậy, câu tục ngữ đã mang đến cho chúng ta bài học có giá trị sâu sắc và to lớn trong mọi thời đại. Mỗi người cần biết những quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội trước khi học văn hóa, mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, không nên chỉ chăm chú vào một vấn đề mà quên đi những yếu tố khác. Phải vừa cố gắng rèn luyện đạo đức vừa không ngừng học hỏi để có thể mở mang tri thức, vốn hiểu biết của bản thân mình. Trong cuộc sống ngày nay, có nhiều người chỉ chăm chú vào học tập để đạt được điểm cao mà quên đi rèn luyện đạo đức, cách ứng xử, luôn nói tục, chửi bậy. Thật đáng lên án, chê trách trước những con người có hành động như thế. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần phải có ý thức tự giác, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức, cách ứng xử với việc học tập, mở mang kiến thức để trở thành người toàn diện, có ích cho gia đình, xã hội.

Câu tục ngữ đã mang đến cho chúng ta những bài học có giá trị to lớn, ý nghĩa đối với mỗi người trong mọi thời đại. Vì vậy, chúng ta phải không ngừng cố gắng rèn luyện đạo đức và học tập để trở thành người có ích.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Vân
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 49
  • Lượt xem: 17.153
  • Dung lượng: 135,1 KB
Sắp xếp theo