Hệ thống kiến thức văn xuôi lớp 12 Tóm tắt kiến thức lớp 12 môn Ngữ văn

Hệ thống kiến thức văn xuôi lớp 12 là tài liệu vô cùng hữu ích, củng cố lại kiến thức môn Ngữ văn lớp 12.

Hệ thống kiến thức văn xuôi lớp 12
Hệ thống kiến thức văn xuôi lớp 12

Download.vn mời bạn đọc cùng tham khảo nội dung chi tiết của tài liệu được đăng tải ngay sau đây.

A. Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh)

I. Đôi nét về Hồ Chí Minh

1. Vài nét về tiểu sử

- Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 2.9.1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Gia đình: Thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà Nho yêu nước có tư tưởng tiến bộ có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Người. Thân mẫu của Người là bà Hoàng Thị Loan.

- Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sử dụng nhiều tên gọi khác nhau: Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc... Tên gọi “Hồ Chí Minh” được sử dụng lần đầu tiên trong hoàn cảnh: Ngày 13 tháng 8 năm 1942, khi Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt Minh và Hội Quốc tế Phản Xâm lược Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Hoa Dân Quốc.

- Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn được biết đến với tư cách là một nhà văn nhà thơ lớn.

- Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thể giới.

2. Sự nghiệp văn học

a. Quan điểm sáng tác

- Hồ Chí Minh coi văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như chiến sĩ ngoài mặt trận.

- Bác luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.

- Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn tự đặt câu hỏi:

  • Viết cho ai? (Đối tượng)
  • Viết để làm gì? (Mục đích)
  • Viết cái gì? (Nội dung)
  • Viết thế nào? (Hình thức)

b. Di sản văn học

- Văn chính luận

  • Từ những thập niên đầu thế kỉ XX, các bài văn chính luận mang bút danh Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp đăng trên các tờ báo: Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền… thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ.
  • Một số văn bản như Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến… được viết trong giờ phút lịch sử của dân tộc.

- Truyện và kí hiện đại

  • Một số truyện kí viết bằng tiếng Pháp: Pa-ri (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923)...
  • Những tác phẩm này đều nhằm tố cáo tội ác dã mạn, bản chất xảo trá của bọn thực dân phong kiến và tay sai…

- Thơ ca

  • Tên tuổi của nhà thơ Hồ Chí Minh gắn với tập Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù).
  • Ngoài ra, Người còn một số chùm thơ viết ở Việt Bắc (1941 - 1945): Tức cảnh Pác Bó, Thướng sơn, Đối nguyệt…

c. Phong cách nghệ thuật

- Văn chính luận: ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giàu tính luận chiến, kết hợp nhuần nhuyễn mạch luận lí với mạch cảm xúc, giọng điệu uyển chuyển.

- Truyện và kí hiện đại, giàu tính chiến đấu, nghệ thuật trào phúng sắc bén, nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay.

- Thơ ca: Thơ tuyên truyền cách mạng mộc mạc, giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc; Thơ nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển với yếu tố hiện đại, cô đọng, súc tích.

=> Trong văn chính luận, truyện, kí hay thơ ca, phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh hết sức phong phú, đa dạng mà thống nhất.

II. Giới thiệu về Tuyên ngôn Độc lập

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Nhân dân ta giành được chính quyền trên cả nước.

- Ngày 26 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

- Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Người thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới.

2. Bố cục

Gồm 3 phần:

  • Phần 1. Từ đầu đến “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”: Cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn để khẳng định quyền bình đẳng, độc lập dân tộc.
  • Phần 2. Tiếp theo đến “Dân tộc đó phải được độc lập”: Cơ sở thực tế tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong tám mươi năm thống trị nước ta.
  • Phần 3. Còn lại: Lời tuyên bố độc lập.

3. Ý nghĩa nhan đề

Trong lịch sử nhân loại, không phải bất cứ một văn kiện nào cũng được gọi là một bản “Tuyên ngôn Độc lập”.

Chúng ta đã từng biết đến những bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới: “Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ”, “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791” và đặc biệt là “Tuyên ngôn Độc lập” của Việt Nam năm 1945. Trước hết, chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn một nhan đề ngắn gọn, quy chuẩn và mang tính pháp lý cao: “Tuyên ngôn Độc lập”. Qua nhan đề này người đọc, người nghe đã thấy được mục đích cũng như vai trò của văn bản trên. Đây là một văn kiện lịch sử đánh dấu chấm hết cho chính quyền cai trị của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời khẳng định Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và quyền tự quyết. Toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền tự do dân chủ. Đây là những quyền được luật pháp quốc tế công nhận.

Như vậy, “Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị trong nội dung câu chữ mà ngay từ nhan đề cũng đã thể hiện được điều đó.

4. Tóm tắt

Tuyên ngôn Độc lập đã trích dẫn hai bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Mỹ, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp để khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Sau đó, bản tuyên ngôn lên án tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam trong đó hơn 80 năm xâm lược. Đó là tội ác về kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục và tội bán nước hai lần cho Nhật. Đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng là lời tuyên bố độc lập.

5. Nội dung

Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.

6. Nghệ thuật

Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, ngôn ngữ hùng hồn, sử dụng các thủ pháp nghệ thuật hợp lý…

III. Đọc hiểu văn bản

1. Cơ sở pháp lý

- Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791, cho thấy vốn am hiểu sâu rộng của Bác.

- Trích dẫn sáng tạo “suy rộng ra…”: từ quyền cá nhân nâng lên thành quyền dân tộc, cho thấy tư tưởng nhân văn cao đẹp.

=> Qua đây thì đã đề cao những giá trị hiển nhiên của tư tưởng nhân loại và tạo tiền đề cho lập luận sẽ nêu ở mệnh đề tiếp theo.

- Ý nghĩa: thủ pháp “gậy ông đập lưng ông”, đặt ba nền độc lập ngang hàng nhằm thể hiện niềm tự hào dân tộc.

2. Cơ sở thực tiễn

b.1. Bản cáo trạng tội ác thực dân Pháp:

- Vạch trần bộ mặt xảo quyệt của thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”.

- Bác đã kể ra năm tội ác về chính trị:

  • Tước đoạt tự do dân chủ.
  • Luật pháp dã man, chính sách chia để trị.
  • Chém giết những chiến sĩ yêu nước của dân ta.
  • Ràng buộc dư luận và thi hành chính sách ngu dân.
  • Đầu độc bằng rượu cồn, thuốc phiện.

- Năm tội ác lớn về kinh tế:

  • Bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy.
  • Cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
  • Độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
  • Đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, dân cày và dân buôn trở nên bần cùng
  • Không cho nhà tư sản của ta góc đầu lên.

- Về văn hóa - giáo dục:

  • Lập ra nhiều nhà tù hơn trường học.
  • Thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta.
  • Tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
  • Trong vòng 5 năm bán nước ta 2 lần cho Nhật.
  • Thẳng tay khủng bố Việt Minh; “thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

b.2. Quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta

- Từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Nhân dân ta đã giành độc lập từ tay Nhật không phải từ tay Pháp.

- Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân và chế độ quân chủ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị.

- Kêu gọi sự ủng hộ của các nước đồng minh: “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

3. Lời tuyên bố với thế giới

- Khẳng định nước Việt Nam ta có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.

- Nhân dân đã quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

=> “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc ta, thể hiện phong cách chính luận của Hồ Chí Minh.

B. Vợ nhặt (Kim Lân)

I. Đôi nét về tác giả Kim Lân

- Kim Lân (1920 - 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài.

- Quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

- Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có tác phẩm đăng báo trước cách mạng.

- Vốn gắn bó với nông thôn, các tác phẩm của ông chủ yếu chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.

- Ngoài sự nghiệp sáng tác, Kim Lân còn được biết đến với vai trò là một diễn viên (vai Lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy, Lý Cựu trong Chị Dậu…)

- Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

- Một số tác phẩm tiêu biểu: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962)...

II. Giới thiệu về truyện ngắn Vợ nhặt

1. Xuất xứ

- “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” (1962).

- Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” - được viết ngay sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công nhưng còn dang dở và thất lạc bản thảo.

- Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết lại truyện ngắn này.

2. Bố cục

Gồm 4 phần:

  • Phần 1. Từ đầu đến “hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần": Tràng dẫn người nhợ nhặt về nhà.
  • Phần 2. Tiếp theo đến “đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về”: Tràng nhớ lại việc mình có được vợ.
  • Phần 3. Tiếp theo đến “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”: cuộc gặp gỡ của bà cụ Tứ và nàng dâu mới.
  • Phần 4. Còn lại: cuộc sống của nàng dâu mới ở nhà Tràng trong buổi sáng hôm sau.

3. Thể loại

Tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân thuộc thể loại truyện ngắn.

4. Tóm tắt

Tràng - một người dân nghèo khổ sống cùng với mẹ già ở xóm ngụ cư. Một ngày nọ, trên đường kéo xe bò vào dốc tỉnh, Tràng tình cờ gặp gỡ với thị. Chỉ với câu đùa và bốn bát bánh đúc, thị đã đồng ý theo làm vợ và theo Tràng về nhà. Khi về đến nhà, bà mẹ của Tràng ban đầu rất ngạc nhiên, sau đó là đón nhận người đàn bà khốn khổ ấy làm con dâu với một sự thương cảm sâu sắc. Sáng hôm sau, Tràng bỗng cảm thấy mình đổi khác. Anh cảm thấy mình có trách nhiệm hơn. Bữa cơm đầu tiên của nàng dâu mới chỉ có vài món ăn đơn giản và một nồi cháo cám mà bà mẹ nói đùa đó là chè khoán. Miếng cám chát, nghẹn cổ nhưng Tràng vẫn cùng vợ hướng về một cuộc sống đổi khác. Cuộc trò chuyện về tiếng trống thúc thuế kết thúc và trong óc Tràng hiện ra đám người đói phá kho thóc và lá cờ đỏ bay phấp phới.

5. Ý nghĩa nhan đề

- Trước hết, từ “vợ” là một danh từ thiêng liêng, dùng để chỉ người phụ nữ trong mối quan hệ được pháp luật công nhận với “chồng”. Theo phong tục, vợ chồng chỉ được công nhận khi có sự chứng kiến của họ hàng, làng xóm. Còn “nhặt” là hành động cầm vật bị đánh rơi lên.

- Kim Lân đã sáng tạo ra một nhan đề độc đáo. Vì người ta chỉ nói “nhặt” được một món đồ nào đó. chứ không ai nhặt được một con người về làm vợ bao giờ cả. Nhưng qua đó, nhà văn đã thể hiện được cảnh ngộ thê thảm của con người lúc bấy giờ.

- Nhan đề “Vợ nhặt” trước hết khái quát được tình huống của truyện. Đồng thời đó cũng lời kết án đanh thép của Kim Lân đối với chế độ thực dân đã đẩy người nông dân vào tình cảnh nghèo đói, người “chết như ngả rạ”.

- Nhan đề “Vợ nhặt” có tính khái quát cao, hoàn cảnh của Tràng chỉ là một trong số đó. Đồng thời, qua nhan đề nhà văn cũng thể hiện sự đồng cảm xót xa cho cảnh ngộ của người nông dân trong nạn đói năm 1945.

6. Nội dung

Truyện ngắn Vợ nhặt không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp của họ: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khao khát tổ ấm gia đình và yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

7. Nghệ thuật

  • Tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn.
  • Khắc họa khung cảnh chân thực: cảnh người chết đói, cảnh bữa cơm ngày đói…
  • Nhiều chi tiết đắt giá: giọt nước mắt của bà cụ Tứ, nồi cháo cám…
  • Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, đối thoại sinh động…

III. Đọc hiểu văn bản

1. Nhân vật anh Tràng

* Lai lịch, ngoại hình

- Tràng là một gã trai nghèo khổ, dân cư ngụ, làm nghề đẩy xe bò thuê, nuôi mẹ già. Tràng bị coi khinh, chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về.

- Ngoại hình xấu xí, thô kệch: “hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn… Đầu cạo trọc nhẵn, cái lưng to rộng như lưng gấu, ngay cả cái cười cũng lạ, cứ phải ngửa mặt lên cười hềnh hệch”.

* Tính cách

- Tràng là người hầu như không biết tính toán, không ý thức hết hoàn cảnh của mình. Anh ta thích chơi với trẻ con và chẳng khác chúng là mấy.

- Tràng là người đàn ông nhân hậu, phóng khoáng: Ban đầu không chủ tâm tìm vợ. Thấy người đàn bà đói, anh cho ăn. Khi thấy thị quyết theo mình thì Tràng vui vẻ chấp nhận. Hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa no nê… Anh còn mua hai hào dầu thắp sáng trong đêm đầu có vợ.

- Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm: Anh ngoan ngoãn với mẹ, tránh gợi niềm tủi hờn ở người khác. Từ một anh phu xe cục mịch, chỉ biết việc trước mắt, sống vô tư, Tràng đã là người quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi đời. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập, Tràng đã thần mặt ra nghĩ đến cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ đỏ to lắm.

2. Nhân vật người vợ nhặt

* Hoàn cảnh, ngoại hình

- Một người đàn bà không tên, không tuổi, không quê quán, gốc gác, không gia đình.

- Không có một nhan sắc xinh đẹp, và cái đói khổ nó lại càng làm cho cái nhan sắc xấu xí ấy thêm phần thảm hại: “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, người ngợm “gầy sọp”, “trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, “cái ngực gầy lép nhô lên” và “hai con mắt trũng hoáy”.

* Tính cách

- Trong lần gặp gỡ: Cong cớn, chỏng lọn, chua ngoa… Khi nghe thấy anh Tràng đãi ăn “hai con mắt trũng hoáy của thị sáng lên”, điệu dáng đon đả, đổi hẳn thái độ. Cúi đầu ăn một chặp 4 bát bánh đúc không thèm chuyện trò gì, ăn xong thì lấy đôi đũa quệt ngang miệng, thở “hà”.

=> Mọi hành động của Thị đều chỉ vì muốn được sống, khao khát được hạnh phúc.

- Trên đường trở về nhà với Tràng:

  • Thị bỗng trở nên “e thẹn, rón rén”, đầu cúi xuống, cái nón tà nghiêng nghiêng che nửa đi khuôn mặt đang ngại ngùng, đúng với dáng vẻ của một cô dâu khi bước về nhà chồng.
  • Gặp phải cảnh trêu chọc của đám trẻ con, ánh nhìn ái ngại của những người làng, thị thấy khó chịu, tủi cho phận mình là một người vợ theo không.

- Khi về đến nhà Tràng:

  • Khi ra mắt mẹ chồng, thị đã rất phải phép mà chào bà cụ Tứ, dáng điệu khép nép, ngại ngùng. Thị đã lột xác trở thành một nàng dâu hiền lành, e ấp, khác hẳn với dáng bộ của người đàn bà đanh đá, chua ngoa ở chợ tỉnh.
  • Sau đêm tân hôn, thị trở thành một người phụ nữ của gia đình, đảm đang tháo vát, gánh lấy cái trách nhiệm thu xếp nhà cửa, đem đống quần áo rách ra sân hong, gánh nước, quét sân, gom rác đem vứt, rồi dọn cơm...
  • Khi đối diện với nồi cháo cám “đôi mắt thị tối lại” nhưng vẫn “điềm nhiên và vào miệng”. Cách cư xử tinh tế, bộc lộ sự thấu hiểu và cảm thông.
  • Kể việc ở Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế mà đi phá kho thóc của Nhật. Bộc lộ những suy nghĩ và hướng nhìn mới của thị, người đàn bà bà này không cam chịu cuộc đời đói kém và tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.

3. Nhân vật bà cụ Tứ

- Sự ngạc nhiên của cụ khi Tràng dắt vợ về:

  • Về đến nhà, thấy một người phụ nữ ngồi trong nhà mà còn thưa u. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình xấu xí, nghèo mà vẫn có vợ trong thời khó khăn.
  • Bà cụ vẫn không tin vào những gì con trai mình nói “Kìa nhà tôi nó chào u”… “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”...
  • Bà vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

- Tâm trạng vừa mừng vừa tủi của bà cụ:

  • Khi biết rằng con bà “nhặt” được vợ: bà vui vì con đã an bề gia thất, buồn phận làm mẹ mà không cưới nổi vợ cho con và bà nghĩ đến chồng, đến con gái lại càng trở nên buồn hơn.
  • Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo túng quẫn: Bà không biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng con đã có vợ. Bà khóc vì thương con không biết làm sao vượt qua nỗi khó khăn này.

- Nỗi lo của bà cụ Tứ: Bà lo cho con trai, con dâu, cái gia đình nhỏ của mình không biết phải qua những ngày khó khăn này như thế nào. Người mẹ ấy khuyên con, khuyên dâu cùng nhau thương nhau, cố gắng vươn lên.

- Niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống của cụ Tứ:

  • Bà suy nghĩ vui trong những điều tốt đẹp tương lai “Rồi ra may mà ông giời cho khá…”
  • Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa.
  • Vui trong bữa cơm đạm bạc đầu tiên có con dâu.
  • Bà vẫn luôn tạo một không khí ấm cúng cho bữa ăn để con dâu đỡ tủi.

=> Người mẹ nghèo từng trải đời, hết mực yêu thương con, luôn lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn. Bà cụ Tứ là đại diện cho người mẹ Việt Nam cần mẫn, mộc mạc, giản dị, giàu tình yêu thương và đức hi sinh

C. Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

I. Đôi nét về tác giả Tô Hoài

- Tô Hoài, tên khai sinh là Nguyễn Sen.

- Ông sinh ra tại quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

- Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta.

- Sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật đời thường.

- Các tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận…

- Năm 1996, Tô Hoài được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Một số tác phẩm tiêu biểu:

  • Dế Mèn phiêu lưu ký (truyện dài, 1941)
  • O chuột (tập truyện ngắn, 1942)
  • Cỏ dại (hồi ký, 1944)
  • Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953)
  • Tự truyện (1978)
  • Quê nhà (tiểu thuyết, 1981)
  • Cát bụi chân ai (hồi ký, 1992)
  • Chiều chiều (tiểu thuyết, 1999)
  • Chuyện cũ Hà Nội (ký sự, 2010)...

II. Giới thiệu về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

1. Xuất xứ

“Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm đặc sắc nhất trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953) của nhà văn Tô Hoài.

2. Hoàn cảnh sáng tác

Năm 1952, Tô Hoài đi với bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Trong chuyến đi dài tám tháng, nhà văn đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với đồng bào các dân tộc thiểu số từ khu căn cứ du kích trên các núi cao đến các bản làng mới giải phóng. Chuyến đi đã giúp Tô Hoài hiểu hơn về cuộc sống và con người miền núi. Truyện là thành quả sau chuyến đi thực tế đó.

3. Bố cục

Gồm ba phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “ Đến bao giờ chết thì thôi ”. Hoàn cảnh sống của Mị.
  • Phần 2. Tiếp theo đến “ Vì thế mà sinh sự đánh nhau ở Hồng Ngài ”. Cuộc đời của A Phủ.
  • Phần 3. Còn lại. Cuộc gặp gỡ và tự giải thoát của Mị và A Phủ.

4. Ý nghĩa nhan đề

Tập truyện “Truyện Tây Bắc” của nhà văn Tô Hoài đạt giải nhất Giải thưởng hội văn nghệ Việt Nam năm 1954 - 1955. Trong đó, “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm tiêu biểu giàu giá trị nội dung và nghệ thuật nhất. Nhan đề tác phẩm gợi lên nhiều ý nghĩa cho người đọc. “Vợ chồng A Phủ” trước hết được Tô Hoài đặt theo tên của một nhân vật trong tác phẩm: A Phủ - nhân vật đóng vai trò hết sức quan trọng. Còn cụm từ “vợ chồng” chỉ mối quan hệ giữa hai nhân vật chính của tác phẩm (Mị và A Phủ). Trong cuộc sống, “vợ chồng” là những người có mối quan hệ vô cùng gắn bó, tuy không có quan hệ huyết thống nhưng họ cùng chung sống và cùng tạo dựng hạnh phúc. Trong truyện ngắn này, A Phủ và Mị từ hai người xa lạ, cùng chung cảnh ngộ cùng chạy trốn khỏi sự áp bức tù đày để tìm đến với tự do, từ đó họ trở thành vợ chồng. Qua đây, nhà văn muốn phản ảnh được số phận cuộc đời đau thương bất hạnh của những con người ở vùng núi Tây Bắc. Và khẳng định muốn có được cuộc sống hạnh phúc và sự đổi đời, con người phải biết đồng lòng cùng nhau vượt lên số phận. Cũng như vai trò to lớn của chính ánh sáng cách mạng sẽ soi đường dẫn lối cho họ tìm đến với hạnh phúc. Tóm lại, nhan đề “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài đã giúp cho người đọc có được những ấn tượng ban đầu về tác phẩm.

5. Tóm tắt

Mị là con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Trá. Quanh năm, Mị chỉ biết làm hết mọi công việc trong nhà. Khi mùa xuân về, Mị cũng muốn đi chơi. Nhưng A Sử - chồng của Mị trở về đã trói cô trên cột. Cả đêm Mị phải đứng trói như thế. Có tiếng xôn xao phía ngoài. Rồi một đám đông vào nhà. A Sử chệnh choạng vào buồng. Áo rách toạc một mảnh vải. Lúc này, người chị dâu mới đến cởi trói cho Mị, rồi bảo cô đi hái thuốc cho chồng. Đến khi Mị về thì nhìn thấy A Phủ - người đã đánh A Sử quỳ giữa nhà. Kể từ hôm đấy, A Phủ phải làm thân nô lệ cho nhà thống lí Pá Trá. Một lần nọ, A Phủ để hổ ăn mất một con bò, bị thống lí phạt trói. Đêm ấy, Mị dậy để thổi lửa, nhìn thấy dòng nước mắt chảy trên gò má của A Phủ. Mị nghĩ đến thân phận mình, liền cởi trói cho A Phủ. Một lúc sau, Mị chạy theo A Phủ. Hai người trốn Phiềng Sa, trở thành vợ chồng. A Phủ gặp được A Châu, tham gia cách mạng. Họ cùng nhau chiến đấu để bảo vệ bản làng.

6. Nội dung

Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện về người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất bị áp bức, đày đọa và giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã biết vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.

7. Nghệ thuật

Giọng văn tinh tế, đượm màu sắc dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.

III. Đọc hiểu văn bản

1. Nhân vật Mị

* Trước khi trở thành con dâu gạt nợ

- Mị là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, có tài thổi sáo.

- Cô đã từng yêu, luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu.

- Một cô gái hiếu thảo, chăm chỉ, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên sẵn sàng làm nương ngô trả nợ thay cho bố.

* Từ khi trở thành con dâu gạt nợ

- Nguyên nhân: món nợ truyền kiếp từ thời cha mẹ Mị, tục cướp vợ của người Mông đem về cúng trình ma.

- Mị phải chịu những đày đọa về thể xác: phải làm việc không kể ngày đêm, “không bằng con trâu con ngựa”, bị đánh đập dã man...

- Mị dần trở nên chai sạn với nỗi đau: “mặt buồn rười rượi”, sống lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa”, “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”.

- Trong đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài, sức sống của Mị đã trỗi dậy:

  • Âm thanh (tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình...) đánh thức những kỉ niệm trong quá khứ.
  • Mị ý thức được sự tồn tại của bản thân “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm ...”, với khát khao tự do, thắp sáng căn phòng tối, muốn “đi chơi tết” chấm dứt sự tù đày.
  • Khi bị A Sử trói, lòng Mị vẫn lửng lơ theo tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu đến những đám chơi. Lúc vùng dậy cô chợt tỉnh trở về với hiện thực.

- Nhận xét: Sức sống mãnh liệt luôn âm ỉ trong lòng người con gái Tây Bắc và chỉ chờ có cơ hội để bùng lên mạnh mẽ.

- Khi A Phủ làm mất bò, bị phạt trói đứng:

  • Ban đầu Mị dửng dưng bởi sau đêm tình mùa xuân, cô trở lại là cái xác không hồn.
  • Khi thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị nhớ đến hoàn cảnh của mình trong quá khứ, Mị lại biết thương mình và thương cho kiếp người bị đày đọa “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau, ... phải chết”.
  • Bất bình trước tội ác của bọn thống lí, Mị cắt dây đay cởi trói cho A Phủ. Mị sợ cái chết, sợ nhà thống lí, cô chạy theo A Phủ tìm lối thoát.

- Nhận xét: Mị là người con gái lặng lẽ mà mạnh mẽ, hành động của Mị đã đạp đổ cường quyền, thần quyền của bè lũ thống trị miền núi.

2. Nhân vật A Phủ

- Số phận: mồ côi cha mẹ, sống một mình…

- Khi trở thành nô lệ người ở gạt nợ:

  • Nguyên nhân: đánh con quan, thua cuộc trong vụ xử kiện quái gở.
  • A Phủ chịu sự đày đọa về mặt thể chất: phải làm những công việc nặng, nguy hiểm như “đốt rừng, cày nương, săn bò tót...”, không có giá trị bằng một con bò, làm mất bò mà bị trói đứng đến chết.

- Tích cách:

  • Lúc nhỏ mạnh mẽ, gan bướng: khi bị bán xuống cánh đồng thấp lại trốn lên núi cao.
  • Lớn lên là chàng trai khỏe mạnh chăm chỉ, biết làm mọi công việc. Là người biết bất bình trước bất công (đánh A Sử), khao khát tự do (nén đau để vùng chạy khi được cắt dây trói).

D. Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)

I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Thi

- Nguyễn Thi (1928 - 1968), còn có bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca.

- Quê ở xã Quần Phương Thượng (nay là xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

- Ông mồ côi cha từ năm mười tuổi, mẹ đi bước nữa, Nguyễn Thi phải sống nhờ họ hàng nên vất vả, tủi cực từ nhỏ.

- Năm 1943, ông theo người anh vào Sài Gòn, vừa đi làm vừa tự học.

- Năm 1945, Nguyễn Thi tham gia cách mạng rồi gia nhập vào lực lượng vũ trang.

- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm công tác tuyên huấn, vừa chiến đấu vừa hoạt động văn nghệ.

- Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

- Năm 1962, Nguyễn Thi trở lại chiến trường Nam Bộ, là thành viên sáng lập tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng.

- Năm 1968, trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân, ông đã hy sinh tại mặt trận Sài Gòn.

- Một số tác phẩm: Trăng sáng (1960), Đôi bạn (1962), Những đứa con trong gia đình (1966)...

II. Giới thiệu về Những đứa con trong gia đình

1. Hoàn cảnh sáng tác

Những đứa con trong gia đình được sáng tác vào tháng 2 năm 1966. Đây là những ngày chiến đấu ác liệt nhất khi ông công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng.

2. Bố cục

Gồm 2 phần:

  • Phần 1. Từ đầu đến “và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong…”: Việt bị thương ở chiến trường, ngất đi tỉnh lại nhiều lần.
  • Phần 2. Còn lại: Việt nhớ lại về những ngày ở nhà trước khi đi tòng quân.

3. Tóm tắt

Chiến và Việt là những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước. Cha bị Pháp chặt đầu hồi chín năm, mẹ vừa bị đại bác Mỹ bắn chết. Khi hai chị em Chiến và Việt lớn lên, cả hai đều giành nhau đi tòng quân. Nhờ sự đồng tình của chú Năm, chú đã thuyết phục anh cán bộ ghi danh cho cả hai. Trước ngày hành quân, chị em Chiến và Việt dọn dẹp đồ đạc, nấu cơm cúng má và khiêng bàn thờ sang gửi nhờ nhà chú Năm. Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi đâu đấy, Chiến và Việt ngồi nghe chú Năm hò điệu hò đặc trưng của người dân Nam Bộ. Sau đó, chú nói về cuốn sổ gia đình và mong muốn giao cuốn sổ cho hai chị em Việt. Trong một trận chiến ác liệt, Việt bị thương, lạc mất đồng đội. Một mình nằm lại chiến trường, Việt ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, Việt hồi tưởng về gia đình, về những người thân yêu.

4. Ý nghĩa nhan đề

- Nhan đề “Những đứa con trong gia đình” không chỉ có giá trị thông báo về vị trí thế hệ của hai nhân vật Chiến và Việt mà còn mang ý nghĩa khái quát sâu xa. Tác phẩm được kể lại qua dòng hồi tưởng của Việt khi đang bị trọng thương, phải nằm lại nơi chiến trường. Anh nhớ về gia đình mà thực chất là thực chất là gia đình ấy không còn nữa. Ba má bị kẻ thù giết chết, nhà cho hợp tác xã mượn làm trường học, bàn thờ cũng đem sang nhà chú Năm gửi còn chị em Chiến và Việt thì đi tòng quân. Gia đình ấy chỉ còn lại trong dòng hồi tưởng của Việt. Qua đó, nhan đề gợi ra ý nghĩa sâu sắc về gia đình trong cảm nhận của những đứa con.

- Nhan đề trên đã biểu hiện mối quan hệ giữa những đứa con với truyền thống của gia đình. Chỉ có thể hiểu được vẻ đẹp của những đứa con khi tìm hiểu về cội nguồn truyền thống gia gia đình.

- Nhan đề còn gợi liên tưởng đến người dân trong một đất nước. Các gia đình tiếp nối nhau tạo nên truyền thống của dân tộc.

5. Nội dung

Truyện kể về những người con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung son sắc với quê hương, cách mạng. Chính sự gắn bó, sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu thương nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

6. Nghệ thuật

Nghệ thuật trần thuật qua dòng hồi tưởng của nhân vật, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí sắc sảo, ngôn ngữ phong phú, góc cạnh và đậm chất Nam Bộ.

III. Đọc hiểu văn bản

1. Vẻ đẹp của dòng sông truyền thống

a. Vẻ đẹp của khúc sông trước

- Cha Việt là cán bộ cách mạng, trung thành với Đảng và bị giặc giết hại.

- Má Việt là một người phụ nữ đảm đang tháo vát nhưng cũng rất mạnh mẽ, gan góc: dám đem con đi đòi lại đầu chồng…

- Chú Năm - người lưu giữ truyền thống gia đình với cuốn sổ: người lao động chất phác, có tâm hồn nghệ sĩ.

=> Khúc sông thượng nguồn kết tinh những vẻ đẹp truyền thống của gia đình.

b. Vẻ đẹp của khúc sông sau:

* Nhân vật Chiến:

- Ngoại hình: “hai bắp tay tròn vo ... chắc nịch”, giống má từ cái lối nằm với thằng út em, biết lo liệu mọi việc một cách chu đáo (đặc biệt trước đêm sắp xa nhà), Chiến tự thấy mình như hòa vào máu “Tao cũng đã lựa ý... nên tao cũng tính vậy”.

- Một cô gái mới lớn giàu tình cảm (nhường em, tháo vát...).

- Một cô gái nữ tính: vào chiến trường vẫn không quên mang gương nhỏ.

- Gan góc, kiên cường: “nếu giặc còn thì tao mất”...

* Nhân vật Việt:

- Việt là chàng trai mới lớn, trong trẻo và hồn nhiên:

  • Luôn tranh giành phần hơn từ chị: đi bắt ếch, giết giặc, đi bộ đội, ...
  • Thích những trò chơi hiếu động: bắn chim, câu cá, đi bộ đội vẫn mang ná thun...
  • Đêm trước khi lên đường đi bộ đội, Việt vẫn vô tư “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay”, rồi ngủ quên lúc nào không biết.
  • “Giấu chị như giấu của riêng” trước những lời trêu đùa của các anh trong đội.
  • Bị thương trên chiến trường, không sợ địch, không sợ chết mà chỉ sợ con ma cụt đầu, gặp lại anh em thì vừa khóc vừa cười như đứa trẻ “khóc đó rồi cười đó”.

- Việt là một chàng trai nhạy cảm và giàu tình yêu thương: Yêu thương bá má nên căm thù giặc, thương chị Chiến…

- Việt cũng là một chiến sĩ dũng cảm:

  • Lúc còn nhỏ: theo má đi đòi đầu ba, xông vào đá thằng giặc giết cha mình.
  • Lớn lên: Tranh đi tòng quân với chị Chiến dù chưa đủ tuổi. Trên chiến trường, chiến đấu rất dũng cảm, dùng pháo tiêu diệt được một xe bọc thép của giặc. Khi bị bị thương nặng nhưng vẫn luôn trong tư thế chiến đấu, không hề run sợ: “Tao sẽ chờ mày ... mày là thằng chạy”.

=> Việt và Chiến chính là khúc sông sau, kế thừa những tinh hoa của khúc sông trước và chảy xa hơn khúc sông trước.

2. Ý nghĩa chi tiết khiêng bàn thờ má

- Tóm tắt nội dung chính và dẫn dắt đến chi tiết:

  • Sau khi được chú Năm đồng ý, xin anh cán bộ tuyển quân ghi tên cho cả hai cùng đi tòng quân một đợt, hai chị em Chiến, Việt cắt đặt việc nhà gọn gàng chu đáo.
  • Buổi sáng ngày lên đường, hai chị em làm cơm cúng má. Chị Chiến vào bếp nấu cơm, Việt đi câu cá.
  • Cúng má và cơm nước xong, mấy chú cháu thu xếp đồ đạc dọn nhà. Hai chị em mỗi người một đầu khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm, băng tắt qua bãi đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác…

- Ý nghĩa chi tiết:

  • Thể hiện tình yêu thương má sâu sắc và tình cảm chị em cảm động: Hai chị em Việt đã đem cho toàn bộ đồ đạc trong nhà, chỉ có bàn thờ má là nơi linh thiêng nhất thì đem gửi sang nhà chú Năm.
  • Thể hiện tình yêu nước gắn với lòng căm thù giặc: Bàn thờ của má chính là minh chứng cho mối thù của hai chị em. Chúng không chỉ là kẻ thù cướp nước mà còn là kẻ thù của gia đình Việt, cướp đi một gia đình đầy đủ và hạnh phúc.

3. Ý nghĩa chi tiết cuốn sổ gia đình

- Cuốn sổ gia đình (gia phả) là vật mà các gia đình thường ghi chép lại những tiểu sử, truyền thống của những thành viên trong gia đình đó.

=> Là vật quan trọng của mỗi gia đình vì nó ghi lại chi tiết toàn bộ nguồn gốc xuất thân, thành phần gia đình cũng như truyền thống của gia đình đó.

- Cuốn sổ của chú Năm: được viết bằng nét chữ lòng còng của chú.

- Ý nghĩa của cuốn sổ:

  • Cuốn sổ đã ghi lại những chiến công của một gia đình giàu truyền thống cách mạng, được nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thể hiện niềm tự hào về truyền thống yêu nước của gia đình.
  • Bên cạnh đó, cuốn sổ cũng phản ánh tội ác của kẻ thù, để những thế hệ đi sau khi đọc được còn cảm nhận được những máu và nước mắt mà những người đi trước phải đổ xuống cho nên độc lập của dân tộc.
  • Ngoài ra, hình ảnh chú Năm trao lại cuốn sổ cho chị em Việt: Đó là một cuộc chuyển giao giữa hai thế hệ. Thế hệ đi trước của chú Năm, ba má Việt đã qua đi, bây giờ chính là thời đại dành cho thế hệ của Chiến và Việt. Hai chị em chính là những người viết tiếp trang sử vẻ vang của gia đình cũng như của đất nước.

.........Xem chi tiết tại file tải dưới đây.........

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Ngữ văn 12
Sắp xếp theo
👨