Cảm nhận nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
Cảm nhận nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa tuyển chọn 5 mẫu hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về một người nghệ sỹ chân chính với sự rung cảm tuyệt đẹp trước cái vĩ đại, cái lớn lao .
Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa cũng để lại rất nhiều ấn tượng khó phai nhòa trong lòng độc giả. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để hiểu rõ hơn truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa học trong chương trình Văn 9, Bài 6 sách Ngữ văn 8 Kết nối tri thức Tập 2.
Cảm nhận nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa
Dàn ý cảm nhận nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
- Giới thiệu nhân vật Ông họa sĩ
2. Thân bài
Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã khắc hoạ thành công hình ảnh những con người lao động bình thường, những con người đang thầm lặng cống hiến cho công cuộc chiến đấu và dựng xây của đất nước. Đọc Lặng lẽ Sa Pa, ta không thể quên nhân vật ông hoạ sĩ - một người am hiểu nghệ thuật và từng trải.
* Ông hoạ sĩ là người có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm và khắc hoạ các nhân vật khác.
- Người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của ông hoạ sĩ để quan sát và miêu tả cảnh sắc thiên nhiên ở Sa Pa. Đôi mắt và tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ say mê nghệ thuật đã khiến con người và cảnh sắc Sa Pa hiện lên tuyệt đẹp và đầy chất thơ.
- Nhân vật chính là anh thanh niên được khắc hoạ chủ yếu qua điểm nhìn của người hoạ sĩ già, nhân vật này hiện lên rõ nét và ấn tượng hơn nhờ những suy nghĩ của ông hoạ sĩ.
* Ông hoạ sĩ của Nguyễn Thành Long là người nghệ sĩ khát khao sáng tạo, đam mê nghệ thuật đến cháy bỏng.
- Ông hoạ sĩ già đã lặn lội lên tận Sa Pa để tìm cảm hứng sáng tác, tìm đối tượng nghệ thuật.
- Khi gặp anh thanh niên, sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát sáng tạo trong ông đã bừng dậy khiến ông bối rối xúc động vì ông “đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước...ôi! một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác...”.
- Ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút ký hoạ.
* Là người từng trải, ông hoạ sĩ có những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống và con người.
- Đối diện với anh thanh niên, ông đã cảm nhận rất sâu sắc vẻ đẹp trong tâm hồn anh “Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ...”
- Đứng trước anh thanh niên, ông hoạ sĩ hiểu về “sức mạnh nghệ thuật và sự bất lực của nó”. Ông cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống ở con người trẻ tuổi này và cũng hiểu rất rõ ngôn ngữ của hội hoạ không đủ khả năng để diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của anh, đặc biệt là những suy nghĩ của anh về công việc và cuộc sống.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề
- Gợi mở vấn đề
Cảm nhận nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa
Lặng lẽ Sa Pa là một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Thành long, viết về những con người cống hiến thầm lặng cho đất nước, quê hương. Ta chú ý đến nhân vật chính là anh thanh niên, cũng không thể bỏ qua những nhân vật phụ đầy ấn tượng, đó là bác lái xe, cô kỹ sư và đặc biệt là ông họa sĩ già.
Ông họa sĩ là một người hết mình vì nghệ thuật, ông đang đi tìm cảm hứng vẽ bức vẽ cuối cùng trước khi gác nghề họa. Và ông đã bị ấn tượng bởi anh thanh niên làm việc một mình trên đỉnh yên sơn, anh có tầm vóc nhỏ và nét mặt rạng rỡ. Đối với ông họa sĩ, việc tìm được nguồn cảm hứng như vậy như khiến ông trẻ lại và khao khát sáng tạo lại dâng đầy, ông “bắt gặp một điều thực ra ông vẫn ao ước được biết”, “ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đã là giá trị một chuyến đi dài”. Chính sự nhiệt tình, chu đáo của chàng thanh niên đã khiến ông có những cảm xúc ấy, mặc dù cho đây có lẽ sẽ là chuyến đi thực tế cuối cùng của ông. Và ông muốn lưu giữ lại hình ảnh chàng trai ấy qua bức ký họa dạt dào cảm xúc của mình: “Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá.” Đó là khoảnh khắc mà người họa sĩ bắt gặp được nguồn sống của mình, một nét đẹp gì đó mà trước giờ ông vẫn khát khao kiếm tìm, “là một cơ hội hữu hạn cho sáng tác”. Hành trình ấy quả thực không có gì dễ dàng, khiến ông nhọc, nhưng nhọc trong niềm vui và hạnh phúc. Chính những khoảnh khắc thăng hoa của người nghệ sĩ, khi mà học thực sự cảm thấy đâu là nguồn sáng tạo chân chính của mình, nét đẹp nghệ thuật sẽ ra đời và đó là bước khởi đầu của một kiệt tác.
Trò chuyện với chàng thanh niên ấy, ông rút ra nhiều điều, suy nghĩ nhiều điều về chính ông, về cách mà ông nhìn thiên nhiên và mọi thứ thuộc về Sapa, ông suy nghĩ về sức mạnh và sự bất lực của nghệ thuật, nơi mà ông đang thuộc về. Bởi “những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác”. Sapa, vốn dĩ là nơi mà người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, nơi ấy vẫn có những con người cần cù làm việc, cần cù lao động thầm lặng để cống hiến cho đất nước. Người họa sĩ cứ thế phác họa chàng trai trẻ trong vô thức, có lẽ ông cũng như bị ma lực tuổi trẻ, sự nhiệt huyết lao động cống hiến, đưa ông về với những miền cảm xúc lâu rồi chưa có. Ở khía cạnh này, ta lại thấy ông họa sĩ với những suy nghĩ giản dị, ông luôn sẵn sàng đón nhận những nhiều tốt đẹp, những chiêm nghiệm và suy nghĩ dù cho đó là từ một ông bạn già cùng lứa tuổi hay là một anh thanh niên trẻ với trái tim thèm người.
Trên chuyến xe, ta bắt gặp hình ảnh một người họa sĩ hòa đồng, thân thiện, ông như người kết nối mọi người. Ông cũng trò chuyện với cô kỹ sư trẻ và truyền cho cô thật nhiều cảm xúc bức vào đời, những điều ân cần và giản dị như một người cha và một cô con gái.
Ông họa sĩ cũng là một biểu tượng đẹp cho hình ảnh những con người hết mình vì nghệ thuật. Trái tim nghệ sĩ đầy rung cảm, luôn như ngọn lửa âm ỉ chỉ cần khẽ thổi cũng bùng lên cháy huy hoàng với ước mơ và khát vọng.
Suy nghĩ về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa
Dù không phải là nhân vật chính nhưng nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa có vai trò rất quan trọng trong truyện: người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và những ý nghĩ của ông hoạ sĩ để trần thuật, để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của truyện. Qua nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm những suy nghĩ về con người lao động, về cuộc sống mới, về vai trò của nghệ thuật và trách nhị nhị của mỗi con người đối với đất nước.
Ông hoạ sĩ là người nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm. Ngay từ những phút ban đầu gặp gỡ anh thanh niên, bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông đã xúc động và bối rối. Ông hoạ sĩ đã xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ”. Sau đó ông lại ngạc nhiên khi thấy anh thanh niên đang hái hoa, cảm động và bị cuốn hút trước sự cởi mở chân thành của anh. Rồi ông lại cảm giác “mình bối rối” khi nghe anh thanh niên kể về công việc.
Bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ sáng tạo đi tìm đối tượng của nghệ thuật. Ông biết mình đang xúc động và bối rối vì đã “bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi dù khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới dù là giá trị một chuyến đi dài”. Anh thanh niên là một con người như thế và có thể là nhân vật tương lai trong một tác phẩm của ông.
Vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa cao quý của những công việc thầm lặng trên chốn Sa Pa lặng lẽ là đối tượng nghệ thuật mới, đã thôi thúc người hoạ sĩ sáng tác. Anh thanh niên muốn dành 20 phút để nghe chuyện dưới xuôi. Ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí họa và “người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá”. Những xúc cảm và suy tư của nhân vật ông họa sĩ về người thanh niên và về những điều khác nữa được gợi lên từ câu chuyện của anh làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và tạo nên chiều sâu tư tưởng.
Ông hoạ sĩ hứa mười ngày nữa trở lại, còn bây giờ ông muốn dành trọn vẹn 20 phút ngắn ngủi để hiểu thật kỹ về người thanh niên, về đối tượng mà ông đang định thể hiện trong bức tranh của mình. Ông muốn làm một bức phác họa chân dung về anh thanh niên nhưng làm thế nào “cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà hoạ sĩ vào giữa bức tranh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.
Ông họa sĩ chấp nhận những thử thách của quá trình sáng tác, đã bắt cảm hứng của mình hiện lên trang giấy: “cũng may mà bằng mấy nét, hoạ sĩ đã ghi xong, lần đầu gương mặt của người thanh niên, người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ”.
Chính cái nhìn thật đẹp về cảnh vật và con người, những suy nghĩ đẹp, những khát vọng đẹp của ông họa sĩ đã làm nên chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Cảnh sắc Sapa hiện lên với tất cả sắc màu và tình yêu mến thiết tha dành cho nó. Cuộc sống con người cũng được bọc trong cảm xúc nâng niu, quý trọng và nể phục của ông họa sĩ càng khiến chúng ta biết trân quý và muốn giữ gìn, tôn vinh.
Có thể xem nhân vật ông họa sĩ là nhân vật luận đề mà nhà văn đã khéo léo xây dựng. Toàn bộ vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên được nhìn nhận và ghi nhận qua ánh mắt và suy nghĩ của ông họa sĩ. Qua nhân vật ông họa sĩ, Nguyễn Thành Long bày tỏ điểm nhìn nghệ thuật về cuộc sống, lý tưởng sống của con người trong thời đại mới.
Cảm nhận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa
“Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm, trong đó tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Tác phẩm văn học nghệ thuật dù viết về điều gì thì cũng hướng đến con người, cũng nhằm phát hiện, đề cao, trân trọng những vẻ đẹp bên trong con người. Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, ta bắt gặp rất nhiều những vẻ đẹp bên trong con người và ấn tượng là nhân vật ông họa sĩ.
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa pa” được nhà văn Nguyễn Thành Long viết vào năm 1970- thời kì miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Truyện tập trung thể hiện những vẻ đẹp của con người trong thời đại này.
Nhân vật họa sĩ dù chỉ là nhân vật phụ trong truyện những chúng ta rất ấn tượng với vẻ đẹp của ông. Có thể nói ông họa sĩ là một người họa sĩ chân chính, rất yêu nghề của mình. Những giây phút đầu gặp gỡ anh thanh niên và cả trước đó được nghe qua lời giới thiệu của bác lái xe, ông họa sĩ đã rất xúc động về người thanh niên ấy. Để rồi đến khi gặp gỡ, ông bối rối “Một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị của chuyến đi dài”. Đó chẳng phải là những xúc động của một trái tim nghệ sĩ chân chính trước những vẻ đẹp của cuộc sống hay sao?
Lòng yêu nghề của người họa sĩ ấy còn được thể hiện qua việc ông muốn ghi lại hình ảnh của người thanh niên ấy “Người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm người ta suy nghĩ về anh, và về những điều anh suy nghĩ...cuồn cuộn hiện ra khi gặp người”. Thế mới biết, dù ở tuổi già nhưng trong người nghệ sĩ ấy vẫn có một cảm hứng, một khát khao sáng tạo nghệ thuật. Như vậy, những khát khao ấy không có giới hạn về thời gian, nó làm con người ta dường như quên đi tất cả để cống hiến. Một người thanh niên- hiện thân của những cái đẹp của cuộc sống khiến ông họa sĩ nhận ra được nhiều giá trị và ý nghĩa của cuộc đời này.
Từ lòng say mê nghệ thuật, ông còn là hiện thân của những chân lý về nghệ thuật. Từ nhân vật ông thanh niên, ông suy nghĩ về những cái chưa làm và đã làm. Ông nhận ra sự bất lực của hội họa trước vẻ đẹp của con người,...
Câu chuyện xoay quanh cuộc trò chuyện trong vòng khoảng ba mươi phút trên đỉnh Yên Sơn qua cuộc gặp gỡ với anh thanh niên. Nhà văn đã gợi ra vẻ đẹp của ông họa sĩ nói riêng và các nhân vật khác nói chung thông qua những hành động, lời nói. Ngôn ngữ đượm hồn thơ. Tất cả làm hiện hình sống động vẻ đẹp của những con người trong bối cảnh miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh truyện ngắn ra đời, nhà văn còn muốn nói với chúng ta một điều rằng: dù chúng ta là ai, dù ta đang làm gì và sống ở đâu, hãy sống hết mình với công việc, với những gì mình đang theo đuổi, có như vậy đất nước của chúng ta mới trở thành một vì sao luôn tiến lên phía trước...
Câu chuyện đã cho ta thấy rất nhiều vẻ đẹp khác nhau trong mỗi con người. Truyện ngắn như một lời đề nghị về những lẽ sống cao đẹp cho chúng ta. Khi ta đã hiểu những điều tác giả muốn nhắn gửi, hãy sống sao cho đẹp, cho có ích. Câu chuyện dù viết từ một thời nhưng đến nay vẫn có sức hấp dẫn đối với độc giả bởi những điều tác giả muốn gửi gắm!
Cảm nhận nhân vật ông họa sĩ hay nhất
“Ai bảo dính vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong”
(Nguyễn Bính)
Sống và viết – đó là hành trình khổ cực mà vĩ đại của người nghệ sĩ. Để một tác phẩm thành hình và ra đời, người nghệ sĩ phải trả giá bằng máu huyết và bằng chính cuộc đời mình, như con trai ôm ấp bao đau đớn mà dâng hiến hạt ngọc quý cho đời. Phải chăng trong cuộc hành trình ấy, niềm hạnh phúc lớn lao nhất chính là tìm được cho mình nguồn cảm hứng sáng tạo – nguồn cảm hứng bắt mạch từ chính cuộc sống mênh mông rộng lớn? Những tâm sự về nghệ thuật và cuộc sống ấy đã được Nguyễn Thành Long gửi gắm qua hình tượng nhân vật bác họa sĩ, một nhân vật độc đáo trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”.
Nguyễn Thành Long viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp, chuyên viết truyện ngắn và kí. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả. Truyện trích trong tập “Giữa trong xanh” in năm 1972. Nhan đề truyện ngắn gợi nhắc đến bức tranh thiên nhiên Sa Pa vừa thơ mộng, lãng mạn, nhưng vừa tĩnh lặng, trầm buồn. Nhan đề còn gợi nhắc đến những con người lao động bình dị, âm thầm cống hiến nơi mảnh đất Sa Pa nói riêng và trên đất nước Việt Nam nói chung. Từ đó, nhan đề đề cao vẻ đep của người lao động và khẳng định ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” có một cốt truyện khá đơn giản. Trên chiếc xe từ Lào Cai lên Sa Pa, qua sự giới thiệu của bác lái xe, ông họa sĩ già và cô kĩ sư nông nghiệp làm quen với anh thanh niên 26 tuổi đang công tác một mình trên đỉnh Yên Sơn 2600 mét. Anh mời họ lên thăm nhà và dùng nước. Anh thanh niên tặng hoa cho khách, tự giới thiệu về công việc của mình: đo nắng, đo mưa, tính gió, tính mây, ngày báo 4 lần mà gian khổ nhất là lúc một giờ sáng. Công việc của anh nói chung là thầm lặng nhưng anh đã xác định được vai trò của mình, biết sắp xếp cuộc sống để yên tâm công tác. Anh lại rất khiêm tốn giới thiệu với ông họa sĩ những người khác xứng đáng hơn anh. Đến lúc phải chia tay, ông họa sĩ hẹn ngày quay lại, anh thanh niên lấy li do sắp đến giờ “ốp” không tiễn khách, mà chỉ tặng trứng gà cho khách ăn dọc đường. Anh đã mang lại những ý nghĩ tốt đẹp cho ông họa sĩ và cô kĩ sư.
Đoạn trích ghi lại những cảm nhận của bác họa sĩ trong cuộc trò truyện với anh thanh niên, từ đó cho thấy những quan niệm sâu sắc của bác họa sĩ về nghệ thuật và cuộc đời.
Bác họa sĩ là một người yêu nghề, có những quan niệm nghệ thuật đúng đắn.Trong cuộc hành trình đến Sa Pa, mục đích của bác họa sĩ là tìm kiếm cho mình một nguồn cảm hứng sáng tạo. Duyên kì ngộ giữa ông và anh thanh niên đã thắp lên ngọn lửa cảm hứng ấy. Cho nên, khi trò chuyện với anh thanh niên, ông “bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối”. Đó là thứ cảm hứng bất chợt, nhưng mãnh liệt và rất tự nhiên. Chính những vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên hiện ra qua lời tâm tình chân thành của anh đã khơi dậy mạch nguồn nghệ thuật nơi người họa sĩ.
Bác họa sĩ hiểu rõ mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: “ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời.” “Ông thấy ngòi bút của ông bất lực trên từng chặng đường đi nhỏ của ông”. Phép ẩn dụ “hành trình vĩ đại của cuộc đời” đã khái quát được tầm vóc lớn lao vô tận của hiện thực cuộc sống. Quả đúng như vậy, dù nghệ thuật có vẻ đẹp lung linh huyền ảo riêng của nó, thì nghệ thuật cũng bắt đầu từ cuộc đời và phải hướng tới cuộc đời, tác phẩm nghệ thuật có thể hoàn tất nhưng cuộc đời thì luôn tiếp diễn, cho nên có những lúc nghệ thuật không thể phản ánh hết cuộc sống, có những vẻ đẹp của cuộc sống nghệ thuật không thể truyền tải trọn vẹn. Và chính khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống ấy là một sự thử thách gian nan đối với bất kì người nghệ sĩ chân chính nào. Đối với cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời, thì sự sáng tạo của người nghệ sĩ đôi khi cũng chỉ là “từng chặng đường đi nhỏ” nhưng đầy thử thách.
Nhưng một khi dám dũng cảm dấn thân trên con đường nhiều chông gai ấy, tâm hồn người nghệ sĩ sẽ trở nên cao đẹp hơn. Bác họa sĩ nhận ra con đường nghệ thuật “như là một quả tim nữa của ông”. Đây là phép so sánh đặc sắc, nghệ thuật giống như một thứ ánh sáng thần kì khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ trở nên mới mẻ hơn, phong phú hơn như một vườn hoa đầy hương sắc. Đồng thời, con đường nghệ thuật ấy cũng là “quả tim cũ được ‘đề cao’ lên”. Ngọn lửa thử vàng của nghệ thuật sẽ giúp chất vàng mười trong trái tim người nghệ sĩ hé lộ và chói ngời.
Có thể thấy, sự nhận thức sâu sắc và đúng đắn về nghệ thuật chính là biểu hiện của một người nghệ sĩ chân chính, giàu tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, con đường nghệ thuật “nặng nhọc, gian nan” vì từng tác phẩm nghệ thuật cần phải chuyên chở tâm huyết của người nghệ sĩ. Điều đó thể hiện qua một loạt câu hỏi như giày vò tâm trí người họa sĩ: “Làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu anh ta, mà không phải hiểu như một ánh sao xa? Và làm thế nào để đặt được chính tấm lòng người họa sĩ vào bức tranh đó?”. Các câu hỏi vang lên như tiếng gọi của lương tâm người nghệ sĩ, nó vừa truyền tải thông điệp về thiên chức của người nghệ sĩ với cuộc đời, đồng thời nó cũng truyền tải thông điệp về sứ mệnh của hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung: cần phải khơi phá được những vẻ đẹp của cuộc sống, cần phải khiến những vẻ đẹp ấy chạm được vào trái tim công chúng, khiến vẻ đẹp ấy thật gần gũi để có thể cộng hưởng với tâm hồn mọi người để cái đẹp cứ thể nảy nở, sinh sôi trong cuộc sống.
Vẻ đẹp ấy cụ thể trong trường hợp này chính là anh thanh niên, một chàng trai đáng yêu say mê lý tưởng. Bác họa sĩ muốn mọi người hiểu được anh, yêu mến anh và cảm thấy anh gần gũi, chứ không phải chỉ đơn thuần ngưỡng vọng anh như một “ngôi sao xa”. Hình ảnh “ngôi sao xa” có tính chất biểu tượng, nó xuất hiện hai lần trong tác phẩm. Lần thứ nhất, ở đầu tác phẩm, hình ảnh ngôi sao xa hiện lên qua lời nói của anh thanh niên gợi tới một vẻ đẹp khiêm nhường, lẻ loi nhưng cao quý. Cho nên, nguyện vọng của bác họa sĩ muốn vẽ bức chân dung của anh thanh niên để người xem không hiểu anh “như một ngôi sao xa” mang mong muốn khiến cho ánh sao lẻ loi, cô độc ấy được thấu hiểu, giúp người xem hiểu hơn về anh thanh niên, về công việc và lý tưởng của anh, từ đó trân trọng, quý mến anh. Bác họa sĩ muốn làm cho ánh sao xa xôi ấy trở nên thật gần gũi và ánh sáng lấp lánh của nó có chạm tới trái tim mọi người. Tức là, khiến cho những việc tốt, những suy nghĩ đẹp, lý tưởng sống cao cả của anh dễ được mọi người đồng cảm, noi theo và nhân rộng trong cuộc sống. Phải chăng mục đích vẽ tranh của bác họa sĩ cũng chính là mục đích của nhà văn Nguyễn Thành Long khi sáng tác nên thiên truyện ngắn đầy chất thơ này?
Những suy tư trăn trở ấy đã khơi dậy những xúc cảm trong tâm hồn bác họa sĩ. Câu cảm thán “Chao ôi!” cất lên như một sự xúc động, như một sự vui mừng. Bởi lẽ ông đã tìm được nguồn cảm hứng sáng tác mà ông cho là “hãn hữu” và cũng nhận ra rằng để đi hết con đường nghệ thuật ấy không phải là dễ dàng. Thế nhưng, ông “đã chấp nhận sự thử thách”. Thái độ mạnh mẽ, quyết tâm ấy thể hiện một tình yêu tha thiết với nghề và một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, đáng quý trọng.
Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Người nghệ sĩ có quan niệm nghệ thuật đúng đắn sâu sắc, cũng là một người từng trải, có những nghiêm nghiệm sống sâu sắc Khi vẽ bức chân dung anh thanh niên, đồng thời bác họa sĩ cũng nhận ra những ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Người thanh niên ấy để lại ấn tượng tốt trong lòng ông, ông nhận ra “người con trai ấy đáng yêu thật”, nhưng đồng thời lại khiến ông “nhọc quá” bởi những suy nghĩ trăn trở mà anh gợi ra trong tâm hồn ông. Những vẻ đẹp của anh thanh niên được nhà văn Nguyễn Thành Long khéo léo xây dựng trên hình thức cuộc đối thoại, cho nên những góc nhìn khác nhau những, tư tưởng khác nhau, “những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh” và “những điều anh suy nghĩ” cứ soi chiếu, cộng hưởng với nhau làm nên những trăn trở, suy tư về cuộc đời trong bác họa sĩ.Câu văn: “Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người” tuôn dài miên man đầy chất thơ. Nó gợi tới hoàn cảnh làm việc “cô độc nhất thế gian”, một mình lẻ loi trên đỉnh Yên Sơn của anh thanh niên. Đồng thời, nó cũng khiến ta nhớ lại những suy tư xúc động, đầy ý nghĩa của anh về công việc, về trách nhiệm, về lý tưởng: “Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”, “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc”. Con người chỉ có thể sống có ý nghĩa khi biết cống hiến, khi chan hòa với cộng đồng, khi biết góp sức xây dựng quê hương.
Những bài học cuộc sống giản dị mà sâu sắc ấy lại được nói ra bởi một người trẻ tuổi như anh thanh niên, chính điều ấy đã khiến bác họa sĩ xúc động mạnh. Ông đúc kết ra một chân lý: “Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng”. Anh thanh niên trở thành những âm vang trong lặng lẽ, gọi thức những suy nghĩ đúng đắn, tốt đẹp không chỉ trong tâm hồn cô kĩ sư trẻ, mà ngay cả trong tâm trí bác họa sĩ già, từng trải.
Đại thi hào Nguyễn Du từng tâm niệm: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, đó là một định nghĩa đúng đắn về người nghệ sĩ. Và định nghĩa ấy cũng đúng với bác họa sĩ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Qua đoạn trích trên, ta nhận ra được ở bác họa sĩ sự trăn trở và tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật và một tấm lòng nhân hậu, yêu con người, yêu cuộc sống.
Nghệ thuật là một cuộc dấn thân phải trả giá bằng máu huyết, nhưng một khi người nghệ sĩ chân chính có can đảm theo đuổi cuộc hành trình ấy, tâm hồn anh ta sẽ được tôi luyện để trở nên phong phú hơn, cao đẹp hơn. Phải chăng ý nghĩa tồn tại thật sự của hai tiếng nghệ-sĩ cũng chính là cuộc hành trình vĩ đại ấy?
Những hành động đẹp, những suy nghĩ đẹp, những tình cảm đẹp luôn có sức lan tỏa trong cuộc sống, nó như một thứ ánh sáng dịu dàng ấm áp gọi thức những đóa hoa đẹp trong tâm hồn mọi người.
Hình tượng nhân vật bác họa sĩ được xây dựng bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, xây dựng tính cách nhân vật chủ yếu qua độc thoại nội tâm. Câu chuyện được kể qua góc nhìn của bác họa sĩ, và do vậy nhà văn có thể nắm bắt được những chi tiết đặc sắc giàu sức gợi thông qua quan sát tinh tường của nhân vật. Ngôn ngữ truyện ngắn đậm chất thơ, với những câu văn giàu nhạc điệu và những hình ảnh có tính chất biểu tượng “gợi những chiều sâu chưa nói hết”. Cách kết cấu hệ thống nhân vật của Nguyễn Thành Long rất đặc sắc, qua góc nhìn của bác họa sĩ nhà văn đã làm bật lên vẻ đẹp của nhân vật trung tâm là anh thanh niên, đồng thời vẫn xây dựng nhân vật bác họa sĩ thật sống động, có cá tính và suy nghĩ riêng, chứ không phải chỉ là một bức nền vô hồn tôn vinh nhân vật chính.
Một trang văn in bóng một cuộc đời, mỗi nhân vật hằn in tâm tình người nghệ sĩ. Phải chăng Nguyễn Thành Long đã âm thầm gửi gắm tâm huyết nghệ thuật một đời mình vào hình tượng bác họa sĩ, một người họa sĩ đã dấn thân và không ngừng dấn thân trên cuộc hành trình nghệ thuật đầy khổ nhọc mà cũng đầy vinh quang?
Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về ông họa sĩ
Lặng lẽ Sa Pa bên cạnh việc khắc họa hình ảnh thanh niên với vẻ đẹp thì ta còn thấy được chân dung ông họa sĩ. Tuy không dùng cách kể ở ngôi thứ nhất, nhưng hầu như người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông hoạ sỹ để quan sát và miêu tả thiên nhiên đến những cảm nhận về con người. Ông là một người nghệ sỹ chân chính với sự rung cảm tuyệt đẹp trước cái vĩ đại, cái lớn lao. Lúc nào ông cũng trăn trở phải vẽ được cái gì mà suốt đời mình thích nên lựa chọn hành trình khám phá để tìm kiếm một cái gì đó thật đẹp. Người hoạ sỹ nhạy cảm nhận ra vẻ đẹp từ tâm hồn anh thanh niên và thực sự thấy bối rối, xúc động trước một con người lớn lao như anh. Ông phát hiện được vẻ đẹp mới ở Sa Pa, đẹp hơn cả thiên nhiên Sa Pa, đó là vẻ đẹp từ tâm hồn con người ở Sa Pa. Ông luôn trăn trở và khao khát, mê say với nghệ thuật nên hành động ông hướng mình muốn được vẽ anh thanh niên như là sự ghi nhận, sự yêu quý vô cùng của ông với chàng trai trẻ ấy. Và ắt hẳn, ông cũng là người say mê lao động, sáng tạo, từng trải. CHính ông, chính ông cũng đã và đang hoàn thiện vẻ đẹp con người VIệt Nam, con người say mê sáng tạo trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh ông mãi đẹp trong lòng bạn đọc bao thế hệ.