Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Mầm non Module 24 Xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em lứa tuổi Mầm non
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Mầm non Module 24 giúp các cô giáo Mầm non tham khảo, dễ dàng viết bài thu hoạch Module GVMN 24 trong Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Mầm non năm 2024.
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVMN 24: Xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ Mầm non còn giúp các cô có thêm kinh nghiệm, xây dựng môi trường học tập thật tốt, tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực cho các bé. Mời các cô cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVMN 24
1. Cơ sở khoa học và pháp lý của việc xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em
Môi trường giáo dục trong trường mầm non là tổ hợp những điều kiện tự nhiên, xã hội cần thiết trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non và hiệu quả của những hoạt động này nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ.
Môi trường giáo dục bao gồm:
- Môi trường xã hội và môi trường vật chất;
- Môi trường bên trong và ngoài lớp học.
Như vậy cơ sở để xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo an toàn lành mạnh, thân thiện cho trẻ em là những điều kiện tự nhiên, xã hội cần thiết và trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Những cơ sở này được phân thành môi trường xã hội, môi trường vật chất, môi trường bên trong và bên ngoài lớp học. Khi xây dựng được những cơ sở này hoàn thiện thì việc giáo dục trẻ mới đạt được hiệu quả chăm sóc trẻ.
Xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non là nhiệm quan quan trọng và có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ ở lứa tuổi này. Môi trường xung quanh đã tạo cơ hội cho trẻ được tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống. Trẻ được tự do lựa chọn hoạt động yêu thích một cách tích cực và dần tạo nên kiến thức và kỹ năng ở trẻ.
Môi trường cũng cần phải đảm bảo an toàn về thể chất, tâm lý cho trẻ, nơi đó trẻ được bảo vệ, yêu thương, tôn trọng trong tập thể cũng như mỗi cá nhân, và được xây dựng trong suốt quá trình thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ. Trẻ được tham gia, trải nghiệm những hoạt động vui chơi cùng các bạn từ đó giúp các em mạnh dạn, tự tin, năng động, chủ động và cởi mở hơn trong mọi hoạt động xung quanh.
Môi trường giáo dục thân thiện, đa dạng, phong phú sẽ kích thích tính tích cực chủ động của trẻ từ việc tự lựa chọn góc chơi, đồ chơi đến việc tự quyết định và tìm cách giải quyết nhiệm vụ. Trẻ sẽ dần biết tự chịu trách nhiệm với hành động của mình và biết đánh giá những thành công hay thất bại trong quá trình chơi, trẻ sẽ dần rút ra những bài học cho bản thân mình. Trong quá trình hoạt động, trẻ sẽ phối hợp chơi cùng nhau như cùng xây dựng, cùng chơi gia đình, bác sĩ, … trên cơ sở đó giúp trẻ tái hiện lại các mối quan hệ gia đình, cộng đồng. Qua đó, trẻ học được cách làm việc với người khác, học cách lắng nghe và chia sẻ suy nghĩ của bản thân với bạn bè. Đây là cơ sở hình thành tính tập thể và đoàn kết ở trẻ.
2. Tổ chức xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em trong nhóm, lớp
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, đa dạng, phong phú trong trường mầm non vô cùng cần thiết và đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành và nâng cao mối quan hệ thân thiện, tự tin giữa giáo viên với trẻ và giữa trẻ với nhau. Hơn thế nữa, nó còn được ví như người giáo viên thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, qua đó nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.
Tôi đã thực hiện một số biện pháp như:
- Xây dựng mối quan hệ hợp tác, tích cực, thân thiện giữa các thành viên (Giữa cô và trẻ, giữa trẻ và trẻ);
- Sắp xếp không gian, các góc hoạt động trong lớp hợp lý, thẩm mỹ, thân thiện, linh hoạt, dễ thay đổi đáp ứng nhu cầu, hứng thú vui chơi của trẻ;
- Đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu được lựa chọn và sử dụng đa dạng, linh hoạt, kích thích sự phát triển của trẻ;
- Trang trí môi trường nhóm lớp bằng chính sản phẩm của trẻ;
- Làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng để xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ.
- Hướng dẫn trẻ sắp xếp môi trường nhóm lớp gọn gàng, ngăn nắp.
Sau khi áp dụng các biện pháp trên tôi đã được kết quả như sau:
- Trẻ khỏe mạnh, luôn tự tin, vui vẻ thoải mái khi đến lớp, cảm thấy mình được quan tâm, chào đón ở lớp học, cảm thấy an toàn và được tôn trọng.
- Trẻ được tham gia vào các hoạt động một cách tích cực, chủ động và độc lập hơn trong quá trình khám phá thế giới xung quanh, thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết, phát huy tối ưu những tiềm năng sẵn có của bản thân trẻ, hình thành những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Đặc biệt là trẻ chuẩn bị bước vào trường Tiểu học.
- Mỗi ngày đến lớp, các con được nhìn thấy tên, thấy hình ảnh, ngày sinh nhật và các sản phẩm của mình trong lớp,... giúp các con thấy mình thuộc về lớp học/trường học.
- Trẻ luôn tin tưởng rằng “mình có thể làm được”. Bởi trẻ được sống trong môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô và các bạn, trẻ sẵn sàng chia sẻ nhu cầu, nguyện vọng của mình với cô giáo, các bạn cùng lớp, hay tự tin giao tiếp với môi trường xung quanh.
- Trẻ đã thiết lập và vun đắp được mối quan hệ thân thiện, hợp tác với các bạn trong lớp bằng cách tạo cơ hội để trẻ được làm việc theo nhóm, thông qua đó các con học được từ bạn để có thể thử làm những việc mà các con không dám làm trước cả lớp, tự bản thân mỗi trẻ luôn cố gắng nhiều hơn, hợp tác với bạn để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, trẻ học còn được một số kĩ năng giao tiếp xã hội để làm việc tốt trong nhóm.