6 tin vui về lương và bằng cấp cho giáo viên thời gian tới

Quy định mới cho giáo viên các cấp

Sắp tới, giáo viên các cấp sẽ đón nhận rất nhiều tin vui về lương, bằng cấp như hệ số lương giáo viên Tiểu học thấp nhất là 2,34, chính thức bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên các cấp, lương giáo viên sẽ được các địa phương tính theo quy định mới của các Thông tư 01, 02, 03, 04... Mời thầy cô cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây của Download.vn:

Giáo viên Tiểu học đạt chuẩn có hệ số lương thấp nhất là 2,34

Theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, từ ngày 20/3/2021 những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo mới theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 (tức có bằng Đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc bằng Đại học các chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy kèm theo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên tiểu học trở lên) sẽ được áp dụng hệ số lương thấp nhất là 2,34 đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III, thấp nhất là 4,00 đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và thấp nhất là 4,40 đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.

Nhiều giáo viên Tiểu học có thể hưởng hệ số lương cao nhất đến 6,78

Cũng theo quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, từ ngày 20/3/2021 đối với những giáo viên Tiểu học có bằng tốt nghiệp thạc sỹ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên, có thời có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng và đáp ứng những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I thì sẽ được xếp vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I và được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 và sẽ có hệ số lương cao nhất là 6,78.

Chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên các cấp từ 20/3/2021

Cụ thể, theo quy định trước đây, giáo viên các cấp, các hạng chức danh nghề nghiệp, ở các vùng miền khác nhau đều phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 (tùy hạng và tùy cấp) và yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Đối với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác.

Tuy nhiên, tại 04 Thông tư mới ban hành ngày 02/02/2021 (Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cũng như bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ tại tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên các cấp, thay vào đó yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ với nội dung "có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên mầm non/tiểu học/THCS/THPT theo từng hạng và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao".

Như vậy, từ ngày 20/3/2021, người dự tuyển để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT sẽ không cần phải có chứng chỉ chứng minh trình độ ngoại ngữ, tin học nữa mà chỉ cần có có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Lương giáo viên các cấp sẽ tăng theo chuẩn trình độ đào tạo mới từ 20/3/2021

Cụ thể, theo quy định hiện nay, lương của giáo viên là viên chức sẽ được trả theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng. Các giáo viên mới vào ngành sẽ có chức danh thấp nhất nên mức lương nhận được cũng là mức thấp nhất. Việc chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương của giáo viên ở các bậc học này, về logic cũng đã được nâng lên.

Đối với bậc tiểu học, trình độ đào tạo của giáo viên sẽ được nâng lên từ trung cấp lên đại học, nên đây cũng là bậc học mà lương có thay đổi mạnh nhất. Hiện nay, mức lương ban đầu với hệ trung cấp là hệ số 1,86; hệ đại học là 2,34 - riêng điều này cũng cho thấy mức tăng của lương giáo viên tiểu học là rất lớn. Về cơ bản, có thể thấy một số thay đổi lớn về lương của giáo viên các cấp theo chuẩn trình độ đào tạo mới tại 4 Thông tư của Bộ Giáo dục và đào tạo như sau:

  • Giáo viên mầm non: Hệ số lương thấp nhất tăng từ 1,86 lên 2,10; Hệ số lương cao nhất tăng từ 4,89 lên 6,38.
  • Giáo viên tiểu học: Hệ số lương thấp nhất tăng từ 1,86 lên 2,34; Hệ số lương cao nhất tăng từ 4,98 lên 6,78.
  • Giáo viên trung học cơ sở: Hệ số lương thấp nhất tăng từ 2,10 lên 2,34; Hệ số lương cao nhất tăng từ 6,38 lên 6,78.
  • Giáo viên trung học phổ thông: Giữ ổn định như hiện nay.

Yêu cầu cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức

Phó Thủ tướng yêu cầu cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp. Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn 3845/VPCP-TCCV truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Giáo viên các cấp tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên

Áp dụng quy định mới về phụ cấp thâm niên giáo viên từ 1/8/2021. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP ngày 1.8.2021 quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Theo đó, nhà giáo sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên.

Theo đó, Nghị định áp dụng với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về tiền lương đối với các bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bao gồm:

  • Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.
  • Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập.
  • Những nhà giáo không thuộc 2 nhóm đối tượng trên mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 thì không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

  • Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.
  • Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).
  • Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).
  • Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm:

  • Thời gian tập sự; Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; Thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại các điểm nêu trên.
  • 1.196 lượt xem
👨 Thu Thảo Cập nhật: 03/09/2021
Sắp xếp theo