Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Tiếng hát con tàu (3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12
Download.vn xin giới thiệu đến cho tất cả các bạn một số bài văn mẫu lớp 12: Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Tiếng hát con tàu.
Đây là tài liệu vô cùng hữu ích gồm 3 bài văn mẫu phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Tiếng hát con tàu. Hy vọng rằng với tài liệu này sẽ giúp cho các bạn học sinh có thể củng cố lại kiến thức Ngữ văn lớp 12, cũng như chuẩn bị hành trang thật tốt để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Sau đây, chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Phân tích đặc sắc nghệ thuật - Mẫu 1
Một trong những thành công nổi bật của bài thơ Tiếng hát con tàu là nghệ thuật sáng tạo hình ảnh. Có những hình ảnh được xây dựng theo thủ pháp tả thực, xong tiêu biểu là những hình ảnh – biểu tượng chứa đựng những khái quát triết lý sâu sắc, thể hiện chất riêng của phong cách thơ Chế Lan Viên.
Trong dòng hồi nhớ, những hình ảnh tả thực gắn liền với những kỉ niệm kháng chiến, là hình bóng của con người và thiên nhiên Tây Bắc đã in sâu trong kí ức nhà thơ: Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn; Lửa hồng soi tóc bạc; bản sương giăng, đèo mây phủ; Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng,… Như thế, kỉ niệm đã hiện hình bằng những chi tiết xác thực.
Ngay nhan đề của bài thơ đã là một hình ảnh biểu tượng: Tiếng hát con tàu. Biểu tượng về khát vọng và niềm hân hoan lên đường này có cơ sở từ thực tế: những năm 1958 – 1960 có một cuộc vận động lên Tây Bắc xây dựng kinh tế miền núi. Chỉ có điều là vào thời điểm ấy chưa hề có đường tàu và con tàu lên Tây Bắc. Cho nên, Tây Bắc ở đây không chỉ dừng lại ở ý nghĩa một địa danh cụ thể mà nó còn có ý nghĩa biểu trưng cho cuộc sống của nhân dân, là mảnh đất lớn chứa đựng nhiều hứa hẹn, nơi khởi nguồn của mọi cảm hứng nghệ thuật chân chính. Chúng ta còn bắt gặp nhiều hình ảnh được xây dựng theo phương thức ẩn dụ như thế trong suốt bài thơ: gió ngàn đang rú gọi; vầng trăng; trái đầu xuân; Mẹ yêu thương; Mùa nhân dân giăng lúa chín; mẹ của hồn thơ; vàng ta đau trong lửa; Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân,… Những hình ảnh biểu tượng kích thích trí tưởng tượng, suy ngẫm của người đọc để tạo ra những liên tưởng sâu xa, bất ngờ. Bên cạnh đó, người đọc còn thấy hàng loạt các hình ảnh so sánh độc đáo: ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa – Mười năm sau còn đủ sức soi đường; Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ – cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa – Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa – Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa; Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét – Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,… Những hình ảnh so sánh sinh động, liên tiếp, trùng điệp như thế có tác dụng trực tiếp thể hiện, cụ thể hoá những ý nghĩa vốn trừu tượng: ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến chống Pháp đối với sự sống nhân dân nói chung, người nghệ sĩ nói riêng; mối quan hệ khăng khít, máu thịt giữa nghệ thuật với cuộc sống nhân dân, đất nước; nỗi nhớ, tình yêu,…
Qua Tiếng hát con tàu, có thể khẳng định: sức mạnh lay động của thơ Chế Lan Viên chính là nghệ thuật sống tạo hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng.
Phân tích đặc sắc nghệ thuật - Mẫu 2
Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam hiện đại với tập thơ “Điêu tàn”. Con đường thơ của Ông trải qua nhiều biến động với những trăn trở tìm tòi không ngừng.Thơ của ông giàu tính triết lý,trong đó thường có rất nhiều những hình ảnh độc đáo và tinh tế.Ông đã sáng tác bài thơ “Tiếng hát con tàu” như một bài ca về một cách nhìn mới với một đất nước mới, thời kỳ này miền Bắc khôi phục kinh tế,bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thời kỳ mà giới văn nghệ sĩ đã có ý thức gắn bó mật thiết với công cuộc xây dựng cuộc sống mới của nhân dân, tự nguyện sẵn sàng đi đến những miền xa xôi của đất nước còn gặp nhiều khó khăn,gian khổ.
Chế Lan Viên đã làm bài thơ này để theo con tàu tâm tưởng đến với Tây Bắc với con người thân thiện nơi đây, điểm nhấn chính về phương diện nghệ thuật của bài thơ là nghệ thuật xây dựng hình ảnh thể hiện trước hết qua nhan đề và lời đề từ “ Tiếng hát con tàu” thật bất ngờ nhan đề đã gợi mở ra một bức hình sinh động, những âm thanh du dương, nhờ biện pháp nhân hóa con tàu mà tác giả đã gửi gắm thành công tình yêu quê hương.
Bốn câu mở đầu, được sáng tạo bằng tấm lòng của nhà thơ với mảnh đất ấy:
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bộn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.
Vừa đọc khổ thơ này, hình ảnh liên tưởng cho ta là Con tàu và Tây Bắc – những hình ảnh và địa danh mang tính biểu tượng. Con tàu là biểu tượng của khát vọng đi xa về với nhân dân, đến với những ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật, nhưng con tàu cũng có thể còn ý nghĩa tả thực vào những năm 1956-1958, có hàng vạn bộ đội và thanh niên xung kích đi khôi phục tuyến đường xe lửa lên Lào Cai, Yên Bái, thành công của con đường này có ý nghĩa rất to lớn. “Tây Bắc” là một địa danh tuyệt đẹp với cảnh sắc thiên nhiên, nhưng hết sức xa xôi, kèm cả thiếu thốn nhất của cực Tây Tổ quốc, nơi đó nhà thơ đã nhỏ máu tâm hồn xuống đất. Như vậy, Tây Bắc là nơi đến và là nơi trở về, trở về với nhân dân, về với kỷ niệm trong 9 năm kháng chiến, đến lúc tác giả phải thốt lên một câu thơ rất đắc “tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”. Nói một cách khéo léo, khi tâm hồn tình cảm của nhà thơ đã hòa làm một với hơi thở và tinh thần của cuộc sống lớn thì là lúc nhà thơ tìm thấy được những cảm xúc thơ ca đích thực cho bài thơ của mình.
Ở hai khổ thơ tiếp theo, đã một lần nữa sử dụng thành công biện pháp tu từ:
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia
Mở đầu khổ thơ là câu hỏi mang tầm vóc của thời đại, chứa đựng tâm hồn chung của thời kỳ lịch sử, nhà thơ đã mượn hình ảnh thiên nhiên để khơi gợi khát vọng lên đường. “Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng”. Nhà thơ nói với người khác và cũng là tự nhủ với chính lòng mình. Nghệ thuật sẽ không nảy sinh khi người nghệ sĩ không mở rộng hồn mình đón nhận những vang động của cuộc đời. Hãy ra khỏi những cô đơn chật hẹp của mình mà hòa nhập với mọi người, hãy vượt ra khỏi chân trời của cái tôi nhỏ bé để đến với chân trời của tất cả. Khát vọng này rất dễ tìm thấy trong những tác phẩm của Chế Lan Viên vì tâm hồn ông luôn rộng lớn muốn truyền nó đến với mọi người.
Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Tác giả sử dụng thêm biện pháp so sánh trùng điệp rất tài tình trong những câu thơ tiếp để muốn truyền tải đến độc giả một niềm hạnh phúc, khát vọng về với nhân dân và những kỷ niệm sâu nặng nghĩa tình. Nhà thơ đã nhắc đến kháng chiến với một tấm lòng đặc biệt biết ơn những tình cảm thiêng liêng sâu nặng. Từ cách xưng hô ta từ những khổ thơ trong sáng cái tôi cá nhân “con” – một cách xưng hô vừa thể hiện tấm lòng thành kính với nhân dân, vừa thể hiện tình cảm yêu thương bền chặt. Những hình ảnh này vừa có vẻ đẹp thơ mộng mượt mà, vừa có sự hòa hợp giữa nhu cầu khát vọng của bản thân với hiện thực. “Trở về với nhân dân” không chỉ là niềm vui là một lẽ tự nhiên phù hợp với quy luật về với cội nguồn bất tận của sự sống,với những gì sâu nặng thân thiết của lòng mình.
Tiếp theo tác giả sử dụng rất nhiều bút pháp tả thực khi đi từ những khái niệm trừu tượng ở những khổ thơ trên mà trở về với những con người gần gũi xiết bao thương mến. Nhân dân là anh con người anh du kích với chiếc áo nâu “Suốt một đời vá rách/ Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con”. Là anh em, “ thằng em liên lạc,rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ, đó là mế với “lửa hồng soi tóc bạc” “Năm con đau mế thức một mùa dài”. Với những điệp ngữ “nhớ” bài thơ chồng chất, ăm ắp kỷ niệm xúc động theo dòng hồi ức của nhà thơ.
Tính nghệ thuật còn nằm trong sự triết lý trong những câu thơ:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
Tác giả đã làm nên những câu thơ đáng để phải suy ngẫm, chiêm nghiệm, giàu tính khái quát về quy luật đời sống tình cảm trong tâm hồn con người. Đoạn thơ châm ngôn này được đúc kết một cách sắc sảo, súc tích mà vẫn có cái gì đó mới lạ, tất yếu mà vẫn thấy thật bất ngờ. Những miền quê mờ xa ẩn hiện trong màn sương giăng và mây phủ nghe có vẻ rất hấp dẫn, và đó là miền đất của tác giả - miền đất yêu thương, nên thơ. Ta còn thấy tác giả nhắc về tình yêu, chính tình yêu đã biến những vùng đất xa lạ trở thành thân thiết như quê hương ta, hóa thành máu thịt của tâm hồn ta, nơi ta đã để lại những giọt máu, mồ hôi đáng quý. Hình ảnh so sánh ở đoạn thơ này thấm đậm tính triết lý, mỗi sự vật, hiện tượng chỉ có thể tồn tại, có ý nghĩa trong mối quan hệ gắn bó sinh tử với một sự vật hiện tượng khác, triết lí ấy được rút ra từ tình cảm, cảm xúc chân thành từ tiếng lòng của tác giả không hề khô khan mà đến rất tự nhiên, giản dị. Đây được coi là những câu thơ hay nhất đời Chế Lan Viên.
Cuộc kháng chiến ấy diễn ra nơi vùng đất Tây Bắc đầy gian khổ, hy sinh, nhưng trên tất cả đã đặt niềm tin nơi thắng lợi, và quả thật đã đạt được thắng lợi vang dội trong những năm tháng này và đang trên con đường công cuộc đổi mới đất nước nên tác giả cũng gửi đến tình cảm đặc biệt nơi vùng đất này và chỉ nhắc đến như gợi nhớ về kỉ niệm tuyệt vời tuy đau thương vẫn hằn sâu trong tác giả. Hình ảnh được nhắc đến trong mỗi câu văn thường nhiều, phong phú và cũng tương xứng với nó là ý nghĩa của nó mà tác giả gửi gắm không hề nhỏ, khiến bài thơ mang một vẻ đẹp rất khác, đầy sâu sắc, tinh tế đến từng con chữ, giọng điệu ngọt ngào dễ thấm vào lòng độc giả và vẫn được nhấn mạnh nổi bật mà bạn đọc có thể cảm nhận được.
Khi nhắc đến nhà thơ ta nhớ ngay đến tác phẩm Tiếng hát con tàu, với những phương diện nghệ thuật tuyệt vời của tác phẩm xúc tác cho lời thơ thêm bay bổng con tàu chính là tâm hồn tuyệt vời của nhà thơ. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước,một tình quân dân keo sơn.Chằng những vậy mà lời thơ của Chế Lan Viên đã được các nhà phê bình ví như “một người phụ nữ đẹp ưa trang sức và biết cách trang điểm” nhà thơ thành công với phong cách sáng tác của mình.
Phân tích đặc sắc nghệ thuật - Mẫu 3
Là một nhà thơ lớn, thơ Chế Lan Viên đã đi qua và chiếm lĩnh cả ba đỉnh cao ở ba thời kỳ tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam thế kỉ XX: thời kỳ Thơ mới lãng mạn, Thơ ca Kháng chiến và thời kỳ Đổi mới sau 1986. Ông được đánh giá là một nhà thơ có phong cách đặc sắc và nổi bật.
Phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên thể hiện ở 2 đặc điểm chủ yếu là tính trí tuệ, triết lý và khả năng sáng tạo hình ảnh.
Là một nhà thơ ưa triết lý, Chế Lan Viên thường có những phát hiện sâu sắc, mới mẻ và bất ngờ về đối tượng. Thơ ông lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ, con đường đến với người đọc của thơ Chế Lan Viên đi từ trí tuệ đến trái tim, bởi ông quan niệm "thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh". Tuy nhiên, trí tuệ mà không khô khan, trừu tượng; trí tuệ nhưng luôn gắn liền với cảm xúc, là thứ trí tuệ của trái tim.
Rất nhiều câu thơ trong "Tiếng hát con tàu" có hàm lượng trí tuệ cao, nhiều câu được đúc kết như những triết lý, quy luật. Có thể dẫn tới một vài ví dụ:
- Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.
- Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
- Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.
Tính triết lý, trí tuệ đi liền với khả năng sáng tạo hình ảnh. Có thể nói Chế Lan Viên cảm nhận và suy nghĩ về mọi vấn đề bằng hình ảnh và thế giới nghệ thuật của thơ ông là thế giới của vô số những hình ảnh phong phú. Vì thế có người nhận xét thơ Chế Lan Viên mang vẻ đẹp của một người đàn bà đẹp ưa trang sức và biết trang sức.
"Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh"
Trong bài thơ này có những hình ảnh tả thực, chân thực:
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con.
Có những hình ảnh đẹp đẽ, lãng mạn:
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc.
Có khi cả khổ thơ là những hình ảnh sóng đôi liên tiếp:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
Và rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng, triết lý như Con tàu, Tây Bắc, vầng trăng, suối lớn mùa xuân...
Tính trí tuệ và khả năng sáng tạo hình ảnh luôn gắn liền với nhau tạo nên một vẻ đẹp riêng của thơ Chế Lan Viên. Nhờ hình ảnh mà trí tuệ không khô khan, trừu tượng; nhờ trí tuệ mà hình ảnh trở nên lấp lánh, đa nghĩa, lắng đọng và ám ảnh.