Phân tích bài thơ Thời nắng xanh của Trương Nam Hương Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10
Phân tích bài thơ Thời nắng xanh của Trương Nam Hương gồm 2 mẫu khác nhau cực hay, giúp các em học sinh có thêm nhiều nguồn tư liệu tham khảo để biết các viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.
Thời nắng xanh là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Nam Hương. Qua bài thơ chúng ta thấm thía sâu sắc thứ tình cảm kì diệu trong thơ qua những hình tượng tưởng gần gũi nhưng được làm mới theo cách riêng dưới góc nhìn của người nghệ sĩ. Vậy sau đây là 2 bài văn mẫu phân tích Thời nắng xanh hay nhất mời các bạn theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích bài thơ Vịnh năm canh, phân tích bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai.
Phân tích bài thơ Thời nắng xanh
Phân tích bài thơ Thời nắng xanh
Âm điệu thơ tự bao giờ cứ ngân vang mãi trong trái tim tôi. Khúc hát ca văn chương mang một sức mạnh diệu kỳ đi sâu vào tiềm thức nơi trái tim người đọc để lại biết bao rung cảm sâu sắc trong lòng những kẻ phiêu lưu du ngoạn cùng ngôn từ. Từ bao đời nay, thi ca luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình đặt chân đến xứ xở của cái đẹp. Song thơ cũng không chỉ là cái đẹp nó còn là “người thư kí trung thành của những trái tim” (Duy bra lay). Ngoài việc là tấm gương phản ánh cuộc sống, thi ca là dòng chảy của tình cảm- nơi thi nhân trải những cảm xúc lên trang giấy trắng chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Quả là như vậy, chỉ khi đến với “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương tôi mới thấm thía sâu sắc thứ tình cảm kì diệu trong thơ qua những hình tượng tưởng gần gũi nhưng được làm mới theo cách riêng dưới góc nhìn của người nghệ sĩ :
Nắng trong mắt những ngày thơ bé
Cũng xanh mơn như thể lá trầu
Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau
Chở sớm chiều tóm tém
Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm
Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài
Bóng bà đổ xuống đất đai
Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt
Rủ rau má, rau sam
Vào bát canh ngọt mát
Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.
Dù vài câu thơ nhưng thành công neo vào lòng người đọc hình ảnh người bà tần tảo yêu thương con cháu. Giọng thơ tâm tình tha thiết ăm ắp tình cảm chân thành của người cháu dành cho người bà kính yêu.
Bài thơ gây ấn tượng với người đọc từ nhan đề của bài thơ “Nắng thời xanh”. Nắng trong thi ca không còn là hình ảnh mới, từng xuất hiện trong rất nhiều thi phẩm như “ Đây thôn Vĩ Dạ” ( Hàn Mặc Tử )
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Hay nắng xanh cũng từng xuất hiện trong thơ Tố Hữu :
“Bác đã đi rồi sao Bác ơi !
Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời “
Nhưng trong thơ của Trương Nam Hương nắng lại gắn với một “thời xanh”. Phải chăng đó là quãng thời gian hạnh phúc vui vẻ nhất của tác giả trong suốt tuổi thơ của mình. Màu xanh gợi liên tưởng đến một sức sống thanh xuân khoẻ khoắn, bền lâu cùng với dòng chảy vô tình của thời gian. Dường như một phần đời nơi tâm hồn ấy mãi nằm lại với những hồi ức đẹp nhất rực rỡ như ánh nắng của thiên nhiên đất trời. Và thi sĩ cũng dùng hình ảnh nắng lật tứ vẽ nên bức chân dung người bà kính yêu mang vẻ đẹp giản dị truyền thống chân quê:
“Nắng trong mắt những ngày thơ bé
Cũng xanh mơn như thể lá trầu
Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau
Chở sớm chiều tóm tém
Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm
Trong mắt của đứa trẻ “nắng” xanh mơn mởn như “lá trầu” . Nhà thơ còn khéo léo kết hợp nghệ thuật so sánh cùng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác hoàn toàn mới mẻ “ nắng” có màu xanh mơn mởn tinh khôi mới mẻ. Hình ảnh thơ đầy sáng tạo khiến câu thơ trở nên sinh động mang đậm dấu ấn sáng tạo riêng của thi sĩ. Hai câu thơ đầu như cánh cửa dẫn lối người đọc đến với người bà hiện lên bình dị trong lao động hàng ngày. Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền và giành để thưởng thức sớm chiều. Ngược trở lại dòng chảy văn chương hình ảnh những người bà ăn trầu đã không còn quá xa lạ. “Miếng trầu làm đầu câu chuyện” và nó cũng trở thành hình ảnh gợi nhắc về người bà. Ăn trầu là tập tục ở miền quê đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lắng nghe trong đôi câu chữ là hình ảnh của người bà mang vẻ đẹp, thói quen sinh hoạt của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Ôi! Chỉ là màu của trầu mà ngỡ cả ráng chiều đọng lại trên vành môi quặng thâm của bà. Nó đã trở thành mảnh kí ức ghim chặt trong nỗi nhớ của người cháu về bà của mình. Một hình ảnh quá đỗi giản dị gần gũi thân quen nhưng bước vào thơ Trương Nam Dương lại dội nên một nỗi nhớ sâu sắc về bóng hình gắn bó với một thời nắng xanh tươi đẹp. Những kỉ niệm về người bà như một cuốn sách tiếp tục được lật mở đến không gian mới :
“Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài
Bóng bà đổ xuống đất đai
Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt
Rủ rau má, rau sam
Vào bát canh ngọt mát”
Bài thơ được triển khai theo kết cấu đan xen một câu tả hình ảnh “nắng” thiên nhiên và sau đó là những câu thơ xuất hiện hình ảnh người bà của nhân vật trữ tình. Người bà một lần nữa xuất hiện cùng hình ảnh “nắng” trong những luống khoai liếp vách không cài. Nắng hồn nhiên như trẻ con nhảy từ luống khoai nọ đến luống khoai kia. Cả khu vườn rắc đầy bụi vàng của nắng. Hình ảnh thôn quê thanh bình, yên ả hiện lên sống động trước mắt những người thưởng thức. “Xiên” là động từ mạnh chỉ ánh sáng đột ngột, xuyên thẳng xuống. Có lẽ đó là cái nắng nóng gay gắt của những ngày hạ chí nhưng người bà vẫn tiếp tục công việc cày xới :
“Bóng bà đổ xuống đất đai”
Hình ảnh thơ khơi nguồn liên tưởng về những người nông dân chân lấm tay bùn “bán lưng cho đất bán mặt cho trời” để làm nên những hạt lúa mang nặng tinh hoa đất trời, hạt cơm ta có trong mỗi bữa ăn. Người bà của nhà thơ mang dáng dấp của những người nông dân lao động cần cù, vất vả. Nhưng tất cả những gian truân ấy để đổi lấy niềm vui cho đứa cháu thơ “rủ châu chấu cào cào” và cả luống rau ăn ngày còn thiếu thốn đủ điều. Hạnh phúc ấy kết vào bát canh yêu thương ngọt mát. Một thời thơ ấu bình yên bên người bà, dù còn nhiều khó khăn nhưng cháu vẫn có được tuổi thơ trọn vẹn nhất. Tựa như một bát canh ngọt mát có thể làm dịu cơn đói của người lâu ngày chưa ăn thì những kí ức đấy làm bóng mát cho tâm hồn nhân vật trữ tình để khi nhớ lại bật thành thơ dồn nén cảm xúc:
“Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.”
Tất cả những kỉ niệm hồi cháu sống với bà đã hóa thân vào hình ảnh “bát canh” ngọt lành bà cho. Bát canh đầy ăm ắp những hạnh phúc giản dị bình yên ấy cháy lên “thời nắng xanh” của mình trở thành tuổi thơ không bao giờ quên. Chỉ với một câu thơ mà bao nhiêu phù sa tình cảm lắng đọng xuống đáy sâu trong lòng người đọc về tình cảm của người cháu. Dù trong bài thơ không có một chữ “yêu” nhưng cứ đọc câu thơ hiện lên như cả một bầu trời thương nhớ đến người bà của nhà thơ. Chính tuổi thơ ngọt ngào bên người bà đã nâng đỡ thi sĩ bước trên ngả đường của giấc mơ và khát vọng.
Đôi ba câu thơ nhẹ nhàng nhưng neo đậu vào tâm hồn người đọc rung động đưa ta trở lại với miền đất mang tên kỉ niệm về một thời thương nhớ. Thi sĩ đã phục dựng hình ảnh người bà mang nét đẹp của người phụ nữ truyền thống, chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó. Dù hoàn cảnh còn thiếu thốn nhưng người bà ấy vẫn yêu thương và mang đến cho đứa cháu những điều tốt đẹp nhất. Tuổi thơ của cháu có “châu chấu, cào cào”, có niềm vui từ bát canh ngọt mát và cả bóng hình của bà chở che. “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim cuộc sống đã ứ đầy” ( La mác tin ), có lẽ tình yêu của người cháu dành cho người bà suốt bao năm không thể kìm nén mà chảy tràn trên ngòi bút thành thơ. Đó là tình cảm chân thành, kính trọng, nhớ thương da diết, giàu tình yêu thương đối với người bà tần tảo của mình. Song thơ hay là “hay cả hồn lẫn xác”, thời nắng xanh đâu chỉ cuốn người đọc vào giai điệu tâm hồn mà còn vào cả thứ âm nhạc diệu kì của ngôn ngữ thơ. Lời thơ giản dị, nhẹ nhàng mà dồn nén tất cả cảm xúc chan chứa từ bên trong. Nghệ thuật so sánh kết hợp với những hình ảnh của cuộc sống quen thuộc “lá trầu”, “cào cào”, “châu chấu” , “bát canh” tạo dựng hình ảnh lên cuộc sống chân quê thanh bình, yên ả nhưng thật gần gũi thân thương trong ký ức. Chắp vá kí ức bạc màu thành thước phim quay chậm sống dậy hồi ức ngọt ngào, hạnh phúc một thời không thể quên.
Hình ảnh người bà trong thi ca là nguồn thi liệu khơi gợi cảm xúc của người nghệ sĩ như “Bếp lửa” của Bằng Việt hay “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, “Thời nắng xanh của Trương Hương Dương cũng đóng góp một nhìn mới vào dòng chảy của văn chương nghệ thuật. Hình ảnh người bà truyền thống, giàu tình yêu thương, tần tảo, chăm chỉ cần cù sẽ mãi khắc ghi trong lòng người đọc. Tình cảm trân trọng, kính yêu với người bà của thi sĩ sẽ được văn chương lưu giữ vẹn nguyên vượt qua mọi sự biến thiên của lịch sử và đẻ lại trong lòng người đọc dấu lặng không thể nào quên.
Phân tích Thời nắng xanh
Văn học nghệ thuật luôn gắn liền với đời sống hiện thực đem lại những bài học, trải nghiệm quý giá cho độc giả. Đồng thời những tác phẩm ấy còn đem lại những cảm xúc, hồi ức thú vị có sức lay động diệu kỳ đến trái tim của người yêu văn học. Và người con của nghệ thuật nhà thơ Trương Nam Hương đã tạo ra một tác phẩm mang "sức lay động diệu kỳ" ấy - bài thơ Thời nắng xanh.
Trương Nam Hương là một nhà thơ tài hoa và biết cách làm mới mình. Trải qua bao thập kỷ văn chương ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá phải kể đến như: nhà thơ được yêu thích nhất năm 1992 , gương mặt Văn học 20 năm TP Hồ Chí Minh 1975 - 1995, gương mặt Văn học 30 năm TP Hồ Chí Minh 1975 - 2005, giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt nam 1991. Xuyên suốt hành trình ấy là hàng chục đứa con tinh thần ra đời : khúc hát người xa xứ (990), ngoảnh lại tháng năm (1995), thơ với tuổi thơ (2005), và gần đây nhất là Thời nắng xanh và những bài thơ khác (2022). Bài thơ Thời nắng xanh là một phần trong tác phẩm, bài thơ mang nét thâm trầm , thanh dịu, thể hiện rõ nét hơi thở hiện đại .
Khúc hát văn chương được mở đầu bằng những hình ảnh bình yên khi tác giả hồi tưởng lại thời thơ bé của mình. Mở đầu là một khung cảnh bình dị đầy mà sắc với màu vàng của nắng và màu xanh của lá trầu. Hai màu sắc tưởng chừng như không liên quan nhưng chúng lại được tác giả đem ra so sánh tại nên một tình huống tinh nghịch nhưng cũng rất độc đáo. Cũng có thể nói nhà thơ đã thực sự hóa thân thành một đứa trẻ để quay lại tuổi thơ của mình. Ông nhìn và cảm nhận mọi thứ qua đôi mắt của một đứa trẻ . Nhà thơ đã khéo léo kết hợp nghệ thuật so sánh cùng với ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thật mới mẻ "nắng" và "xanh mơn mởn như thể lá trầu" , "bổ cau thành tám chiếc thuyền cau". Hình ảnh trầu cau trong đoạn thơ cũng gợi đến một phong tục là phong tục ăn trầu. Phong tục ăn trầu là một phong tục lâu đời của Việt Nam thời xưa, nó được xem như một bản sắc văn hóa độc đáo khi ăn có một màu đỏ được tác giả ví như màu hoàng hôn . Xuyên suốt bài thơ nhân vật được tác giả nhắc đến nhiều nhất khi hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình là nhân vật người bà. Người bà là một nhân vật trữ tình được tác giả gửi gắm bap lời yêu thương và trân trọng. Bà không vừa là người mẹ , bà vừa là người cha và bà còn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của ông. Bà không quản khó khăn nhọc nhằn nuôi ông khôn lớn:
Bóng bà đổ xuống đất đai
Rủ châu chấu cào cào về cháu bắt
Thành rau má rau sam…
Thành bát canh ngọt mát
Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình
Thấm đẫm được nỗi khó nhọc của người bà, nhà thơ không hề đòi hỏi hay oán trách mặt khác đã luôn đồng hành cùng bà, luôn âm thầm biết ơn sự hy sinh cao cả của bà. Có lẽ đứa trẻ hiểu chuyện ấy biết rằng bà luôn yêu thương và luôn bảo vệ mình. Và đứa trẻ ấy biết rằng gia tài duy nhất của bà là cháu:
Gia tài ngoại là các con các cháu
Là câu hát nương che ngày gió bão
Là chảo nồi, chum vại, lọ và chai…
Là mắm muối, tương cà, gạo đỗ
Là mụn vải vá viu ngày thương khó
Cúc tần xanh nghèo ngặt
Cúc tần xanh…
Bài thơ được triển khai theo kết cấu đan xen một câu tả hình ảnh thiên nhiên sau đó là một câu tả người. Người bà xuất hiện với hình ảnh chân chất của một người nông dân đích thực , một người nông dân lao động cần cù , vất vả. Khó nhọc là thế nhưng … gia tài của bà chỉ có con cháu cùng những câu hát , nào là nồi , chum vại hay mắm muối , tương cà , … Chỉ đôi ba câu thơ nhưng xót xa đến nhường nào , "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" để vật vã kiếm ăn từng ngày . Có lẽ vì một tuổi thơ chẳng mấy dư giả tiền bạc vật chất mà tác giả rất thấm thía về sự đời , thấu hiểu cho nỗi lo toan nhọc nhằn của bà. Dù bài thơ không có sự xuất hiện của chữ "yêu" , chữ "thương" nhưng khi đọc bài thơ ai ai cũng cảm nhận được tình yêu và nỗi nhớ tác giả dành cho người bà kính yêu cũng như tình yêu thương con cháu của người bà .
Nhận thức được bà luôn xuất hiện trong mọi cột mốc của cuộc đời đứa cháu hiểu chuyện ấy đã không kìm nén mà luôn bộc lộ tình cảm của mình. Tuổi thơ của tác giả tuy khó khăn, tuy “thơm thao bùn đất" nhưng chưa bao giờ ông than vãn nửa lời bởi ông biết ông đang được hưởng thụ một cuộc sống bình yên với bà của mình. Có lẽ với tác giả lúc ấy chỉ cần như thế là đủ và ông còn không biết được rằng mình còn được trải nghiệm cuộc sống này bao lâu nữa khi mà tóc của bà đã bạc . Trương Nam Hương đã khéo léo sử dụng những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống hằng ngày tạo nên một bài thơ thật nhẹ nhàng , đồng thời giúp cho người đọc cảm nhận dễ dàng về tuổi thơ đáng nhớ của ông. Người bà một lần nữa xuất hiện trong hai câu thơ : "Tôi đã dội vô tình bao nước mắt" , "Dội mát lành nỗi khó nhọc bà tôi". Hình ảnh người bà của nhà thơ liên tục khơi nguồn liên tưởng về những người nông dân chân lấm tay bùn đổ bao mồ hôi nước mắt để làm nương làm rẫy , nuôi lớn từng hại gạo để kiếm sống. Tất cả những vất vả ấy đều quy tụ thành quả về đứa cháu ngoan của bà. Tất cả những vất vả ấy đều để đổi lấy cái bụng no hay nụ cười của người cháu. Một thời thơ ấu bình yên bên người bà, tác giả đã ghim chặt vào lòng một sự trân trọng và biết ơn đối với bà .
Và rồi…đứa trẻ nào cũng lớn lên , tuân theo quy luật hiển nhiên của thời gian tuổi thơ ngày ấy bây giờ không còn được trải nghiệm nữa mà tất cả chỉ còn là những ký ức và kỷ niệm. Bóng làng dần xa đi trong tiềm thức cùng với dấu ba chấm đầu nghẹn ngào đã phần nào nói lên tình cảm lắng đọng bấy lâu của thi sĩ. Đó là tình cảm chân thành, kính trọng, nhớ thương da diết, giàu tình yêu thương mà một nhà thơ để lại .
Với lời thơ giản dị, nhẹ nhàng nhưng không kém phần tinh tế Trương Nam Hương đã lôi tất thảy những cảm xúc dồn nén trong mình ra để bộc bạch với độc giả. Đồng hành là những phép nghệ thuật so sánh kết hợp với những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống đã góp phần chắp vá nên một bài thơ tuy giản dị đặc biệt là về đề tài tuổi thơ nhưng gây ấn tượng rất mạnh. Đây quả thực là một tác phẩm để đời của ông.
Như một thước phim quay chậm cùng những phân cảnh da diết, bồi hồi "Thời nắng xanh" đã khắc một nốt chạm vào diễn đàn văn chương. Nốt chạm ấy sẽ mãi được lưu giữ cùng với sự trường tồn của thời gian mặc kệ thời đại. Trương Nam Hương đã mở ra một cánh cửa mới , một áng văn mới, một cái nhìn mới độc đáo cho nền văn học Việt Nam. Hãy trân trọng những phút giây hiện tại và trao đi những tình cảm cần trao, nhận lại những gì xứng đáng .
Chọn file cần tải:
Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:
