Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 2022

Mâm Tết Đoan Ngọ 3 miền

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 2022 ở mỗi vùng miền thường khác nhau, tuy nhiên cũng vẫn phải đảm bảo đủ lễ vật như hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp. Còn tùy mỗi miền như miền Bắc, miền Trung, miền Nam mà các món trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ lại có những nét đặc trưng riêng.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết diệt sâu bọ, là một ngày lễ truyền thống rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Vào ngày 5/5 hàng năm, mỗi gia đình thường có mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ. Vậy mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để sắm lễ thật đầy đủ, chu đáo.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc

Một mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Bắc không thể thiếu những thứ sau:

  • Hương, hoa, vàng mã.
  • Nước, rượu nếp.
  • Các loại hoa quả.
  • Bánh tro.
  • Xôi, chè.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc

Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Cơm rượu nếp của người miền Bắc thường được làm từ gạo nếp lức hoặc gạo nếp cẩm.

Hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ tại miền Bắc chủ yếu là các loại quả mùa hè có tính nóng: Quả mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu… đặc biệt là mận, đào, vải. Ở một số địa phương miền Bắc, Tết Đoan Ngọ cúng gì cũng không thể thiếu món bánh gio bởi người ta tin rằng khi ăn loại bánh này, bệnh tật sẽ tiêu tan hết. Đây là loại bánh tương tự như bánh ú của người miền Nam nhưng không có nhân và ăn kèm mật mía.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Trung

Còn miền Trung, món cơm rượu nếp trong lễ cúng Tết Đoan Ngọ người ta chỉ sử dụng nếp trắng bình thường và cơm rượu được nén thành từng khối chứ không rời như miền Bắc.

Bên cạnh các loại hoa quả đúng mùa, vịt cũng là món không thể thiếu bởi người miền Trung quan niệm, bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, vịt sẽ vào mùa, những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Trung

Những người gốc Huế, thì không thể bỏ quên món chè kê. Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè, khi ăn dùng bánh tráng để xúc thay cho muỗng, thìa. Vị giòn của bánh tráng sẽ nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê, mùi thơm của dầu chuối và vị cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn. Món ăn có tác dụng bồi bổ khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, thích hợp cho tiết trời oi bức dịp Tết Đoan Ngọ.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam

Lễ cúng Tết diệt sâu bọ của người miền Nam không thể thiếu món cơm rượu nếp. Người miền Nam thường chỉ dùng nếp trắng để chế biến thành cơm rượu, đặc biệt hơn, cơm rượu Nam Bộ được viên thành những khối tròn chứ không rời như miền Bắc hay ép thành từng khối như miền Trung.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người miền Nam còn ăn cả chè trôi nước. Đây là phong tục hoàn toàn khác với miền Bắc, nơi thường cúng và ăn chè trôi nước vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch (Tết Hàn Thực). Một món ăn truyền thống khác trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam đó là bánh ú, một phiên bản khác của bánh gio miền Bắc. Bánh ú của người Nam Bộ thường có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bên ngoài gói bằng lá, bên trong là bột nếp và nhân đậu xanh.

  • 70 lượt xem
👨 Lê Thị tuyết Mai Cập nhật: 03/06/2022
Xem thêm: Tết Đoan Ngọ
Sắp xếp theo