Địa Lí 9 Bài 20: Vùng Đồng bằng sông Hồng Soạn Địa 9 trang 75

Soạn Địa 9 Bài 20 giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi phần nội dung bài học và bài tập cuối trang 75 bài Vùng Đồng bằng sông Hồng thuộc phần Sự phân hóa lãnh thổ.

Địa 9 bài 20 Vùng Đồng bằng sông Hồng được biên soạn với các lời giải chi tiết, đầy đủ và chính xác bám sát chương trình sách giáo khoa. Hi vọng đây sẽ là tài liệu cực kì hữu ích hỗ trợ các em học sinh lớp 9 trong quá trình giải bài tập. Đồng thời qua bài học này các bạn học sinh hiểu được vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và đặc điểm dân cư vùng đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó các bạn xem thêm nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Địa lí 9.

Trả lời câu hỏi Địa Lí 9 Bài 20

(Trang 71 sgk Địa Lí 9)

- Quan sát hình 20.1 (SGK trang 72),hãy xác định:

- Ranh giới giữa Đồng bằng sông Hồng với các vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

- Vị trí các đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ.

Trả lời:

Dựa vào lược đồ (Hình 20.1) để xác định:

- Ranh giới giữa Đồng bằng sông Hồng với các vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

- Các đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ là hai đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố Hải Phòng.

(Trang 71 sgk Địa Lí 9)

- Dựa vào hình 20.1 (SGK trang 72)và kiến thức đã học, nêu ý nghĩa của sông Hồng đối với sự phát triển nông nghiệp và đời sống dân cư.

Trả lời:

- Bồi đắp phù sa, mở rộng diện tích về phía vịnh Bắc Bộ.

- Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và đời sống

- Khai thác và nuôi trồng thủy sản.

- Do đặc điểm về thủy chế sông Hồng nên phải có hệ thống đê điều ven sông vững chắc để bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân.

(Trang 72 sgk Địa Lí 9)

- Quan sát hình 20.1 (SGK trang 72), hãy kể tên và nêu sự phân bố các loại đất ở Đồng bằng sông Hồng.

Trả lời:

- Đất phù sa: chiếm phần lớn diện tích của đồng bằng.

- Đất lầy thụt: tập trung thành một vùng ở phía tây nam đồng bằng (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) và tỉnh Bắc Ninh.

- Đất mặn, phèn: phân bố thành một dải ven biển từ Hải Phòng đến Ninh Bình.

- Đất feralit: nằm ở rìa phía tây bắc và tây nam của đồng bằng.

- Đất xám trên phù sa cổ: ở tây bắc đồng bằng. (Vĩnh Phúc, Hà Nội).

(Trang 73 sgk Địa Lí 9)

- Dựa vào hình 20.2 (SGK trang 73), cho biết mật độ dân số của Đồng bằng sông Hồng gấp bao nhiêu lần mật độ trung bình của cả nước, của các vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên?

Trả lời:

Mật độ dân số của Đồng bằng sông Hồng gấp 4,9 lần mật độ trung bình của cả nước , gấp 10,3 lần mật độ trung bình của Trung du và miền núi Bắc Bộ; gấp 14,5 lần mật độ trung bình của Tây Nguyên.

(Trang 73 sgk Địa Lí 9)

- Mật độ dân số cao ở Đồng bằng sông Hồng có những thuận lợi và khó khăn gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội?

Trả lời:

- Thuận lợi:

+ Nguồn lao động dồi dào.

+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn.

+ Người dân ở đây có trình độ thâm canh lúa nước, giỏi nghề thủ công, tỉ lệ lao động qua đào tạo tương đôi cao; đội ngũ trí thức, kĩ thuật và công nghệ đông đảo.

- Khó khăn:

+ Bình quân đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa) hiện ở mức thấp nhất trong cả nước.

+ Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn cao hơn mức trung bình toàn quốc.

+ Nhu cầu lớn về việc làm, y tế, văn hoá, giáo dục ngày càng cao, đòi hỏi đầu tư lớn.

(Trang 74 sgk Địa Lí 9)

- Quan sát bảng 20.1 (SGK trang 73), nhận xét tình hình dân cư, xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng so với cả nước.

Trả lời:

- So với cả nước, Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ gia tăng tự nhiên dân số, tỉ lệ thiếu việc làm ở nông thôn, thu nhập bình quân đầu người một thán , tỉ lệ dân thành thị thấp hơn; tỉ lệ thất nghiệp ở đô thị, tỉ lệ người lớn biết chữ, tuổi thọ trung bình cao hơn.

- Nhìn chung, đây là vùng có trình độ phát triển dân cư, xã hội khá cao.

Giải bài tập SGK Địa 9 bài 20 trang 75

Câu 1

Điều kiện tự nhiên của Đồng bằng Sông Hồng có những thuận lợi và khó khăn gì cho phát triển kinh tế - xã hội?

Gợi ý đáp án

- Thuận lợi:

+ Đất phù sa sông Hồng màu mỡ.

+ khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh nên có thể trồng cây nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới. Có khả năng thâm canh, xen canh, tăng vụ và đưa vụ đông lên thành vụ chính.

+ Tài nguyên nước dồi dào, thuận lợi cung cấp nước cho tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt

+ Tài nguyên khoáng sản có giá trị đáng kể là các mỏ đá, sét cao lanh, than nâu, khí tự nhiên.

+ Tài nguyên biển đang được khai thác có hiệu quả nhờ phát triển nuôi trồng và đáng bắt thủy sản, du lịch,...

- Khó khăn:

+ Diện tích đất lầy thụt, đất mặn đất phèn cần được cải tạo.

+ Rìa đồng bằng một số nơi đất đã bạc màu.

+ Chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán,..

Câu 2

Tầm quan trọng của hệ thống đê điều ở Đồng bằng sông Hồng?

Gợi ý đáp án

Gợi ý 1

- Tránh được nguy cơ phá hoại của lũ lụt hàng năm do sông Hồng gây ra, đặc biệt vào mùa mưa bão.

- Làm cho diện tích đất phù sa của Đồng bằng sông Hồng không ngừng được mở rộng.

- Địa bàn phân bố dân cư được phủ khắp châu thổ, làng mạc trù phú, dân cư đông đúc.

- Nông nghiệp thâm canh, tăng vụ; công nghiệp, dịch vụ phát triển sôi động. Nhiều di tích lịch sử, giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được lưu giữ và phát triển.

Gợi ý 2

Đồng bằng sông Hồng là khu vực có hệ thống sông khá dày đặc với hệ thống sông con xoay quanh con sông lớn đó là sông Hồng. Cũng chính bởi hệ thống sông lớn như vậy nên vào những mùa mưa bão thì mực nước trong các con sông thường dâng cao với địa hình đồng bằng thấp nên dễ xảy ra tình trạng lũ lụt. Chính vì thế người dân đã thực hiện đắp đê điều để ngăn chặn việc này.

Như vậy hệ thống đê điều ở Đồng bằng sông Hồng có tầm quan trọng đối với người dân khu vực là:

  • Hệ thống đê đều giúp ngăn chặn những tàn phá của lũ lụt do sông Hồng gây ra vào mùa mưa bão, hệ thống đê giúp cho mực nước sông dâng lên không bị tràn vào khác khu vực của dân cư.
  • Hệ thống đê còn đảm bảo cho đời sống nhân dân nơi đây được ổn định khi không còn lũ lụt và sự phân bố dân cư khu vực này cũng trở nên đông đúc hơn nhờ sự ổn định này.
  • Hệ thống đê giúp cho vùng đồng bằng sông Hồng được mở rộng về phía biển Đông. Điều này là do trước kia sông Hồng bồi đắp phù sa cho cả vùng đồng bằng nhưng do đê điều ngăn nước tràn vào vùng đất sinh hoạt nên tất cả phù sa đã đổ ra biển và đồi đắp ở khu vực cửa sông nên vùng đất đó ngày càng mở rộng.
  • Hệ thống đê còn giúp cho ngành nông nghiệp phát triển với hệ thông nước được điều tiết quanh năm, cùng với đó là những ngành công nghiệp và dịch vụ cũng ổn định phát triển sôi động hơn.
  • Ngoài ra còn giúp cho những di sản văn hoá, di tích lịch sử được gìn giữ trước những tàn phá của tự nhiên.

Như vậy có thể thấy nếu như không có hệ thống đê điều của khu vực Đồng bằng sông Hồng sẽ không phát triển như ngày nay bởi những thiên tai và lũ lụt. Vì thế việc xây dựng đê điều là điều hoàn toàn đúng đắn của người dân.

Câu 3

Dựa vào hảng số liệu trang 75 SGK, vẽ biểu đồ cột thể hiện bình quân đất nông nghiệp theo đầu người ở Đồng bằng sông Hồng và cả nước (ha/người). Nhận xét.

Gợi ý đáp án

- Xử lí số liệu:

Bình quân đất nông nghiệp đầu người ở đồng bằng sông Hồng và cả nước năm 2002.

Ha/người
Cả nước0,12
Đồng bằng sông Hồng0,05

- Vẽ biểu đồ:

Biểu đồ thể hiện bình quân đất nông nghiệp theo đầu người ở đồng bằng sông Hồng và cả nước năm 2002 (ha/người).

- Nhận xét: bình quân đất nông nghiệp theo đầu người ở Đồng bằng sông Hồng rất nhỏ so với cả nước (chỉ bằng 1/2 mức của cả nước).

Lý thuyết Địa 9 Bài 20: Vùng Đồng bằng sông Hồng

1. Vị trí địa lý và giới hạn lãnh thổ

- Diện tích: 14.806 km2, là đồng bằng châu thổ lớn thứ 2 của đất nước.

- Dân số: 17,5 triệu người (năm 2002).

- Phía Bắc, Đông Bắc giáp Trung du và miền núi Bắc Bộ

- Phía Tây giáp Tây Bắc

- Phía Nam giáp Bắc Trung Bộ

- Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ

=> Ý nghĩa: thuận lợi cho lưu thông, trao đổi với các vùng khác và thế giới.

2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

* Đặc điểm: châu thổ sông Hồng bồi đắp, khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh, nguồn nước dồi dào, chủ yếu là đất phù sa, có Vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng.

* Thuận lợi:

- Đất phù sa màu mỡ, điều kiện khí hậu, thủy văn thuận lợi cho thâm canh lúa nước.

- Thời tiết mùa đông thuận lợi cho việc trồng một số cây ưa lạnh. Phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính.

- Một số khoáng sản có giá trị đáng kể (sét cao lanh, than nâu, khí tự nhiên).

- Vùng ven biển và biển thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch.

* Khó khăn: thiên tai (bão, lũ lụt, thời tiết thất thường), ít tài nguyên khoáng sản.

3. Đặc điểm dân cư, xã hội

* Đặc điểm: Dân số đông, mật độ dân số cao nhất nước (1179 người/km2) nhiều lao động có kĩ thuật.

* Thuận lợi:

- Nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn.

- Người lao động có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, có chuyên môn kĩ thuật.

- Kết cấu hạ tầng nông thôn hoàn thiện nhất cả nước.

- Có một số đô thị được hình thành từ lâu đời:

+ Hà Nội là thủ đô của cả nước.

+ Hải Phòng là cửa ngõ biển quan trọng của đồng bằng sông Hồng hướng ra vịnh Bắc Bộ.

* Khó khăn:

- Sức ép dân số đông đối với phát triển kinh tế - xã hội.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

+ Đồng bằng sông Hồng có vị trí địa lí thuận lợi trong giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng trong nước.

+ Đất phù sa sông Hồng rất màu mỡ, thích hợp với thâm canh lúa nước. Khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông lạnh là điều kiện thuận lợi để phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính.

+ Đây là vùng dân cư đông đúc nhất nước ta, nguồn lao động dồi dào, kết cấu hạ tầng nông thôn tương đối hoàn thiện. Một số đô thị được hình thành từ lâu đời.

Chia sẻ bởi: 👨 Mai Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 23
  • Lượt xem: 5.553
  • Dung lượng: 175,4 KB
Tìm thêm: Địa lí 9
Sắp xếp theo