Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 12 năm 2024 - 2025 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 12 (Cấu trúc mới - Có đáp án)

Đề thi giữa kì 1 Văn 12 Kết nối tri thức năm 2024 - 2025 có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua tài liệu này giúp các bạn học sinh ôn luyện củng cố kiến thức để biết cách ôn tập đạt kết quả cao.

Đề thi giữa kì 1 Văn 12 Kết nối tri thức được biên soạn với phần ngữ liệu ngoài chương trình SGK theo cấu trúc đề minh họa từ năm 2025. Hi vọng qua đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức sẽ giúp các em học sinh lớp 12 dễ dàng ôn tập, hệ thống kiến thức, luyện giải đề, rồi so sánh kết quả thuận tiện hơn. Đồng thời đây cũng là tài liệu hữu ích giúp giáo viên ra đề ôn luyện cho các em học sinh của mình. Vậy sau đây là trọn bộ đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức năm 2024 - 2025 mời các bạn cùng theo dõi.

Đề thi giữa kì 1 Văn 12 Kết nối tri thức năm 2024 - 2025

Đề kiểm tra giữa học kì 1 Ngữ văn 12

SỞ GD & ĐT …

TRƯỜNG THPT ………

--------------------

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ 1

Năm học: 2024 – 2025

Môn thi: NGỮ VĂN. Khối 12

Thời gian làm bài: 90 phút

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

VÔ CÙNG XƯA CŨ

(Bảo Ninh)

Ngày ấy, hình như cha luôn có điều cần nói với Tâm, nhưng không nói. Là Tâm đoán thế, chẳng chắc lắm. Bởi vì, thật vậy, giữa một người cha và một thằng con thì phỏng có gì nhiều nhặn để mà quanh quẩn chuyện trò. Cha Tâm lại vốn kiệm lời. Có thể nói, ông cực độ im lìm. Ngày mồng bốn Tết, ngay trước hôm Tâm lên đường nhập ngũ, buổi chiều, cha bảo anh đi dạo cùng ông. [...] Hai cha con vào một quan cà phê “chui” nằm ẩn trên tầng áp mái một ngôi nhà cũ nát ở kế rạp Chuông Vàng.

Tâm điềm nhiên bóc bao thuốc, rút một điếu. Cha xòe diêm châm lửa cho anh. Cha Tâm nghiêm khắc, nhưng hiếm khi nặng lời, càng không khi nào phạt đòn con cái. Chỉ một lần, ông cho Tâm một bạt tai. Ấy là khi ông bắt gặp Tâm và mấy thằng bạn ngồi phì phèo thuốc lá ở quán nước đầu phố. Ông hầu như không hề biết rằng con trai ông đã 16 tuổi, đã 17 tuổi, và thậm chí đã 18. Ông từ chối ký đơn tình nguyện nhập ngũ của Tâm. “Học hành cho xong đi. Muốn trở thành một quân nhân thì trước tiên phải có học thức”, ông nói vậy, không buồn nhìn lá đơn. Ông không biết và không hề muốn biết rằng ở phòng tuyển quân của Khu đội người ta đã gần như nhẵn mặt con trai ông. Hết lần đơn này tới lần đơn khác của Tâm đều bị gạt. Cay đắng, tủi phận, song Tâm vẫn nghiến răng, nhẫn nại. Lượng người xung phong vào bộ đội không phải là ít, lắm bữa đông nườm nượp, có cả phụ nữ, hầu hết đều được toại nguyện. Chỉ trừ Tâm. Con trai một, lại đang học dở cấp ba. Đơn tình nguyện không có chữ ký của phụ huynh. Ông động viên: “Bù lại cậu có tinh thần cao. Thế là tốt và cứ yên tâm. Chẳng chóng thì chầy. Ngay lập tức thì khó, nhưng gì chứ đi đánh Mỹ thì chẳng lo hết lượt.

Vào lứa tuổi của Tâm, nỗi sầu muộn và niềm chua xót có thể giúp người ta phát triển dài người ra như là được bón thúc. Chân, tay, tóc tai, cổ và cằm, các đốt xương. Mình mẩy mọc thêm nhiều thứ, thừa thãi, bơ phờ. Và vừa bải hoải, trỉu nặng, ủ ê, vừa luôn thấy rậm rực, bứt rứt, nôn nao, cồn cào,

y như thể phải thường xuyên canh cánh ngậm trong lòng một cơn sốt âm ỉ. Về đêm thì ngủ mê, nói mớ và rên rỉ, một mình vật vã trên gác xép, tự mình cào mình đến nỗi sáng ra ngực đầy vết xước. Mẹ Tâm mua lá ở hàng thuốc nam, sắc lên, ép anh uống, ngày một bát, rồi tăng liều lên, ngày hai bát. Mẹ bảo: – Chịu khó uống. Cho dịu mộng mị, con ạ. Cho khuây đi... Như vậy là chẳng những không ký đơn cho Tâm, cha anh còn giấu biệt không để mẹ biết việc anh xin nhập ngũ. Khiến cho mẹ nghĩ rằng vì Loan. Mẹ đã gán cho Tâm nỗi đau tình ái. Mẹ nghĩ rằng anh tương tư cô gái dưới gầm cầu thang, mới vừa nhập ngũ hồi cuối thu.

[...]Cùng lớp nhưng Tâm và Loan chẳng phải chỗ bạn bè mật thiết. Loan không được tập thể ưa. Mà tập thể thế nào thì Tâm thế nấy. Chẳng vì một lý do rõ ràng, Loan luôn bị mọi người để ý. Tâm nhớ là ngay từ bữa đầu vào lớp, Loan đã vấp phải lời xì xào của những bạn cùng bàn rằng đi học mà rẩy nước hoa đầy người như quân tư sản. Cứ bước đi một bước là Loan liền để lại đằng sau mình cả một vệt dài hương thơm. Nhưng cô một mực thề trước lớp là chưa hề bao giờ xoa sức lên mình dù chỉ là một tỵ ty thôi bất kỳ một thứ xa xỉ phẩm nào. “Mà thực tình là tôi không cảm thấy gì cả, – Loan nói, rân rấn nước mắt – Có cảm thấy cũng không biết làm thế nào. Tự như vậy chứ tôi không cố tình..” Với Loan, Tâm hết sức gìn giữ một dáng vẻ nguội lạnh, hững hờ và xa cách. Cha mất, Loan gia nhập lực lượng Thanh xung phong của Thành đoàn, vào Khu Bốn. Cô đi chẳng gửi lời chào Tâm.

Nhưng từ ngày Loan đi bỗng dưng tình bạn chưa bao giờ có với Loan lại khiến Tâm chao đảo. Bỗng dưng anh trở thành đa cảm, và vô cớ mà tâm trí anh chùng hẳn xuống trong ủy mị. Thậm chí có đêm Tâm nằm mộng thấy Loan. Cô đến với anh vào quãng hai giờ sáng, thời gian thầm kín nhất của giấc ngủ, rồi cô biến mất khi đồng hồ đổ chuông báo thức. Một làn hương mơ hồ như là hương thơm từ giấc mơ cứ mãi vương vấn trên căn gác xép....Ở trên lớp không buồn nghe giảng, về nhà chẳng thiết ngó ngàng tới bài vở, và mỗi tuần, không sao đừng nổi, phải quyết trốn học chí ít một buổi. Lang thang, Tâm đi lẫn mình vô định vào trong các phố dọc phố ngang chằng chịt để lan man tìm một hướng đi. Mẹ anh có lẽ đã âm thầm hiểu thấu lòng anh hơn cả bản thân anh. Chính là mẹ đã thuyết phục cha ký vào lá đơn tình nguyện thứ tư. “Đừng nên ngăn nữa mình ạ. Thiết tha thế có gì xấu đâu. Nó mong đi bộ đội cơ mà. Và nó thương nhớ con bé ấy. Yêu nước thì cũng như là yêu nhau, có khác gì đâu mà ngăn. Mà ngăn làm sao được hở mình”. Mặc dù cha mẹ nói chuyện rất khẽ tiếng, nhưng vì nằm ngủ ở gác xép ngay sát bên trên nên vào lúc nửa đêm khi bất chợt thức giấc, Tâm đã nghe thấy. Cha mẹ cùng ký. Và cả đêm, Tâm nghe tiếng mẹ khóc khẽ khẽ. Tiếng cha rầu rầu an ủi mẹ. Thỉnh thoảng lại bật ho. Sáng hôm sau cha cùng Tâm tới Khu đội. Dọc đường, ông bảo: “Cha mẹ muốn con học lên, vào đại học, với lại thấy sức vóc con yếu ớt, tâm tính cũng còn non dại, nên dùng dằng không ký đơn cho con. Nhưng thấy lòng con đã quyết, cha cũng mừng... Làm trai sinh ra gặp thời loạn lạc không thể dửng dưng với vận nước. Nước mất thì nhà tan, ấy là châm ngôn truyền đời... Có điều, con ạ, cha không hoàn toàn an tâm. Cha sẽ chỉ an tâm nếu như biết chắc được rằng con quyết tâm ra đi chiến đấu là bởi con thật sự thấy con đường mình chọn là đúng đắn và tất yếu chứ không phải chỉ vì con muốn thoát khỏi tai tiếng gia đình, muốn chạy khỏi những phiền muộn riêng tư..”[...]

Cái buổi chiều tối ấy, cái quán cà phê ấy và nói chung, tất cả những ngày xưa cũ ấy sống mãi suốt đời Tâm, nhưng chắc chắn anh sẽ không bao giờ muốn nhớ lại và nhắc lại làm gì nếu như không vì muốn có một lần trở về với tình cha con nhiều đau đớn của một thời.

(Bảo Ninh, Những truyện ngắn, NXB Trẻ, 2013)

Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)

Câu 1. (0,5 điểm) Văn bản Vô cùng xưa cũ kể về những sự việc gì? Hãy mô hình hóa câu chuyện bằng một sơ đồ thích hợp?

Câu 2. (0,5 điểm) Hãy xác định 2 đặc điểm nổi bật của truyện ngắn thể hiện trong văn bản Vô cùng xưa cũ.

Câu 3. (1,0 điểm) Việc “hết lần đơn này tới lần đơn khác của Tâm đều bị gạt. Cay đắng, tủi phận, song Tâm vẫn nghiến răng, nhẫn nại. Lượng người xung phong vào bộ đội không phải là ít, lắm bữa đông nườm nượp, có cả phụ nữ” cho chúng ta hiểu gì về Tâm về thời đại đó?

Câu 4. (1,0 điểm) Loan và mẹ của Tâm là người như thế nào? Hai nhân vật này có vai trò như thế nào trong tác phẩm?

Câu 5. (1,0 điểm) Xác định bức thông điệp và giá trị nhận thức của tác phẩm. Từ đó hãy cho biết tác phẩm đã để lại ấn tượng nào trong em ?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Tâm trong truyện ngắn từ văn bản Vô cùng xưa cũ – Bảo Ninh ở phần đọc hiểu trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Từ câu chuyện về nhân vật Tâm trong tác phẩm Vô cùng xưa cũ của nhà văn Bảo Ninh anh / chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) bàn luận và thể hiện chính kiến của mình về việc chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

---- Hết ----

Đáp án đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 12

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4,0

1

– Kể về các sự việc xưa cũ của nhân vật Tâm: Hai cha con ít nói chuyện, và cuộc nói chuyện ở quán cà phê; chuyện Tâm làm đơn và nhập ngũ; chuyện Tâm đã từng bị bố bạt tai vì hút thuốc lá; chuyện tình cảm của Tâm và Loan...

– HS có thể mô hình hóa câu chuyện bằng sơ đồ theo đồ cá nhân nhưng phải thể hiện mạch lạc các sự việc chính đã nêu ở trên.

0,5

2

– Số lượng nhân vật ít: gia đình nhà Tầm (3 người) và Loan.

- Cốt truyện đơn giản: xoay quanh chuyện cũ của nhân vật Tâm (ít sự việc).

0,5

3

– Tâm khao khát lên đường nhập ngũ, kiên trì thực hiện khát vọng của mình; Tâm xứng đáng là chàng trai sinh ra gặp thời loạn lạc không thể dửng dưng với vận nước...

– Thời đại (khi Tâm đang học cấp 3): nước nhà có giặc ngoại xâm, người dân nước ta yêu nước và hầu như ai cũng có khát vọng nhập ngũ, ra chiến trường chống giặc cứu nước.

1,0

4

- Loan là thanh niên yêu nước, giàu – Loan là cô gái xinh đẹp và rất đặc biệt (Cứ bước đi một bước là Loan liền để lại mùi hương

- Nhiệt huyết, sẵn sàng hòa mình vào không khí chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc (cha mất, Loan gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong của Thành đoàn, vào Khu Bốn).

- Mẹ Tâm là người mẹ thương con, dõi theo những biến đổi tâm lý của con, hiểu con

à Hai nhân này có vai trò khá quan trọng trong tác phẩm: thể hiện không khí, tinh thần yêu nước của thời đại; góp phần khắc họa nhân vật chính với những rung động đầu đời trong sáng, đầy say mê (Loan); diễn tả nỗi dằn vặt của Tầm (mẹ Tầm).

1,0

5

- Thông điệp:

+ Là thanh niên hãy có trách nhiệm với đất nước, hãy lên đường khi đất nước cần.

+ Hãy sống và thực hiện khao khát chính đáng của mình; Nếu yêu thương hãy bày tỏ. (học sinh tự triển khai)

+ Hãy quyết tâm ra đi / thực hiện khi thấy con đường mình chọn là đúng đắn và tất yếu.

+ Không nên hành động nếu chỉ muốn thoát khỏi tai tiếng gia đình, muốn chạy khỏi những phiền muộn riêng tư.

– Giá trị nhận thức của tác phẩm.

+ Không bày, không giao kết, người trong gia đình cũng không hiểu nhau (học sinh tự triển khai)

+ Không thực hiện được khát vọng, không xác định được hướng đi, con người sẽ sống trong bế tắc dằn vặt, hoang mang.

+ Yêu nước thì cũng như là yêu nhau, nó tha thiết, mãnh liệt không ai có thể ngăn

cản được.

- Ấn tượng về tác phẩm: HS tự trả lời (cần mạch lạc và thuyết phục).

1,0

II

VIẾT

6,0

1

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Tâm trong truyện ngắn từ văn bản Vô cùng xưa cũ – Bảo Ninh ở phần đọc hiểu trên.

2,0

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nhân vật Tâm

0,25

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.

Sau đây là một số gợi ý:

Đoạn văn đảm bảo dung lượng 200 chữ và hướng vào nội dung chính

Mở đoạn: giới thiệu tác giả Bảo Ninh, tác phẩm Vô cùng xưa cũ và nhân vật Tâm

Thân đoạn:

- Biến động, xao động ở thời điểm học dở cấp 3

- Viết đơn xin nhập ngũ.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: chú ý miêu tả khát vọng, nội tâm, trong phạm vi không gian, thời gian hẹp, trong mối quan hệ với sốt ít nhân vật của truyện ngắn

- Nghệ thuật: Xây dựng nhân vật

Kết đoạn: Đánh giá lại nhân vật dì hai Giang

1,0

d. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25

đ. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Từ câu chuyện về nhân vật Tâm trong tác phẩm Vô cùng xưa cũ của nhà văn Bảo Ninh anh / chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) bàn luận và thể hiện chính kiến của mình về việc chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

4,0

a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài:

Nghị luận xã hội.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bàn luận và thể hiện chính kiến của mình về việc chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết:

Tham khảo:

a) Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: bàn luận và thể hiện chính kiến của mình về việc chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

b) Thân bài:

Giải thích

Chọn ngành nghề là gì ?

Bàn luận:

* Trong tác phẩm Vô cùng xưa cũ qua nhân vật Tâm

+ Biểu hiện

+ Ý nghĩa

* Đối với tuổi trẻ hiện nay:

- Chọn nghề theo ý bố mẹ; Chọn nghề theo điều kiện của gia đình

- Chọn nghề theo đam mê, sở trường cá nhân

- Chọn nghề “hot” theo xu hướng xã hội.

à Phân tích nguyên nhân, hệ quả của từng cách lựa chọn nghề nghiệp trên (dùng lí lẽ bằng chứng để có cái nhìn khách quan).

* Quan điểm của cá nhân về chọn nghề.

– Lựa chọn những ngành nghề nào?

– Lí do khiến bạn có lựa chọn ấy.

à Sử dụng một số phép tu từ, câu phủ định, khẳng định để bộc lộ chính kiến, quan điểm cá nhân.

c) Kết bài:

- Nhận thức của cá nhân về vấn đề.

- Hành động/dự định của cá nhân .

0,5

3,0

đ. Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨