12 dạng toán ôn thi Violympic lớp 4 Tổng hợp 12 dạng toán thi Violympic lớp 4 cấp trường

12 dạng toán ôn thi Violympic lớp 4 bao gồm các dạng Toán thường gặp trong đề thi Violympic, có kèm theo ví dụ cụ thể, cùng hướng dẫn giải chi tiết, giúp các em chuẩn bị cho các vòng thi Violympic các cấp thật tốt.

12 dạng bài tập Violympic Toán lớp 4 năm 2023 - 2024 mang tới các dạng toán tìm hai số với tổng và hiệu, tìm x, toán chia có dư, toán chia hết, toán về phân số, toán về trung bình cộng... Ngoài ra, có thể tham khảo thêm Thuật ngữ thi Violympic Toán Tiếng Anh. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

1. Bài toán Tìm hai số với tổng và hiệu

Ví dụ: Tìm hai số có tổng bằng 2015 và hiệu bằng 57. Theo cách giải bình thường ta có sơ đồ:

12 dạng toán ôn thi Violympic lớp 4

Như vậy số bé là (2015 – 57) : 2 = 1958 : 2 = 879

Số lớn là (2015 + 57) : 2 = 2072 : 2 = 1036

Mặc dù có thể tìm số lớn sau số bé hoặc ngược lại bằng các lấy tổng trừ cho số tìm được trước nhưng vì để minh họa thành công thức nên ở đây hai số được tìm độc lập với nhau. Khái quát cách tính ta có công thức sau:

Số bé = (tổng – hiệu) : 2

Số lớn = (tổng + hiệu) : 2

Tuy nhiên, đa số bài toán lại thường không mô tả trực tiếp hiệu mà mô tả một cách gián tiếp.

a. Ví dụ giữa hai số có 10 số tự nhiên khác thì hiệu hai số là 11 (tăng một đơn vị cho số lượng số tự nhiên giữa hai số). Trường hợp này không cần quan tâm hai số là chẵn hay lẻ.

b. Nếu giữa hai số chẵn có 15 số chẵn khác thì hiệu hai số là (15 + 1) × 2 = 32 (tăng một đơn vị cho số lượng số chẵn giữa hai số chẳn rồi nhân hai).

c. Nếu giữa hai số lẻ có 19 số lẻ khác thì hiệu hai số là (19 + 1) × 2 = 40 (tăng một đơn vị cho số lượng số lẻ giữa hai số lẻ rồi nhân hai). Tính chất này cũng giống số lượng số chẵn giữa hai số chẵn.

a. Nếu có một số chẵn và một số lẻ thì đề bài lại thường không mô tả mà chỉ cho tổng là một số lẻ. Nếu giữa hai số này có 4 số chẵn hoặc 4 số lẻ thì hiệu hai số là 4 × 2 + 1 (gấp hai lần cho số lượng số lẻ hoặc số chẵn giữa hai số có tổng là số lẻ rồi cộng thêm một đơn vị).

b. Nếu chuyển 21 đơn vị từ số lớn sang số bé hoặc từ số này sang số còn lại ta được hai số mới bằng nhau thì hiệu hai số đó là 21 × 2 = 42 (gấp đôi số đơn vị chuyển đi làm cho hai số bằng nhau). Thường bài toán này có thể không còn là tìm hai số mà là tìm số lượng dầu hay sản phẩm giữa hai thùng hay kho chứa, hay bài toán gián tiếp khác.

g. Nếu thêm hoặc bớt chỉ một trong hai số cần tìm mà được hai số mới bằng nhau thì số đơn vị thêm bớt cho một số bằng hiệu của hai số. Mô tả này có thể hiểu gián tiếp chẳng hạn thêm chữ số 2 vào bên trái số bé có ba chữ ta được số lớn nghĩa là hiệu của hai số bằng 2000. Nếu đề bài không nói rõ số bé có bao nhiêu chữ số có thể phỏng đoán thông qua tổng. Ví dụ tổng của hai số là 2840 thì số bé chỉ có thể có là số có ba chữ số. Các trường hợp khác cần suy nghĩ sao cho hợp lý.

h. Một số trường hợp tổng hoặc hiệu có thể được mô tả thông qua mô tả tính chất và cấu tạo của số tự nhiên chẳn hạn như: số lớn nhất có một chữ số là số 9; số chẵn lớn nhất có hai chữ số 98; số lẻ nhỏ nhất có ba chữ số khác nhau là 103; và nhiều mô tả tương tự khác.

i. Nếu đề bài cho số trung bình cộng của hai số thì tổng gấp hai lần số trung bình cộng của hai số.

2. Bài toán tương tự Tìm hai số biết tổng và hiệu

Các bài toán như tìm số thóc hai kho biết hai chứa tất cả 12 tấn 360 kg. Nếu thêm vào kho A 500 kg và bớt ở kho B đi 140 kg thì số thóc còn lại của hai kho lúc này bằng nhau. Tìm số thóc hai kho ban đầu. Lúc này cần tìm hiệu của số thóc hai kho với bài này là 500 + 140 = 640. Rồi áp dụng cách tìm hai số biết tổng và hiệu với số thóc kho B ban đầu là số lớn và số thóc kho A ban đầu là số bé. Vậy, số thóc kho B là (12360 + 640) : 2 = 13000 : 2 = 6500 kg; và số thóc kho A là 12360 – 6500 = 5860 kg.

Bài toán tìm chiều dài hoặc chiều rộng hoặc diện tích của hình chữ nhật biết chu vi và số đơn vị chênh lệch giữa chiều dài và chiều rộng cũng được đưa về dạng này.

Chẳng hạn, cho hình chữ nhật có chu vi là 320 m, biết nếu tăng chiều rộng thêm 12m và giảm chiều dài 24m thì nó trở thành hình vuông. Tính diện tích của hình chữ nhật theo đơn vị m². Vậy phải suy ra rằng tổng chiều dài và chiều rộng là nửa chu vi hình chữ nhật.

Theo đề bài thì nửa chu vi hình chữ nhật bằng 320 : 2 = 160 m.

Cũng theo mô tả thì hiệu của chiều dài và chiều rộng là 24 + 12 = 36 m.

Chiều dài là số lớn nên bằng (160 + 36) : 2 = 196 : 2 = 98 m.

Chiều rộng là 160 – 98 = 62 m.

Diện tích hình chữ nhật là 98 × 62 = 6076 m².

Trên đây chỉ là hai bài toán trong nhiều bài toán có thể gặp phải, học sinh cần rèn luyện thêm trên trang luyện thi hoặc các vòng thi tự do.

3. Bài toán Tìm x và tính giá trị của biểu thức

Cách tìm x đã được học ở trên lớp, nên không nhắc lại ở đây. Do không được sử dụng máy tính cầm tay trong kỳ thi chính thức nên học sinh cần học cách tính nhanh nếu có thể. Đặc điểm chung của bài tìm x và tính giá trị của biểu thức là học sinh cần thực hiện phép toán cộng trừ nhân chia theo thứ tự thích hợp. Tuy nhiên một số trường hợp cần thay đổi thứ tự theo đúng quy tắc hoặc thêm bớt số hạng hoặc thừa số để thuận tiện hơn khi tính toán.

Ví dụ 1: Tính 98 × 32 + 98 × 68 = .........

Cách làm: tổng (hoặc hiệu) của các tích có thừa số giống nhau bằng tích của thừa số giống nhau đó với tổng (hoặc hiệu) các thừa số còn lại.

Áp dụng cho ví dụ: 98 × 32 + 98 × 68 = 98 × (32 + 68) = 98 × 100 = 9800.

Cách làm đó vừa giảm số phép tính từ 3 xuống còn hai phép tính, mặt khác tìm tổng hai số thường nhanh hơn tìm tích nếu hai số lớn, tổng hai số này nếu là 10, 100, ... thì càng thuận tiện cho phép tính sau đó.

Ví dụ 2: Tính 123 × 18 + 18 × 82 + 82 × 105 = ........

Lúc này cần lựa chọn ghép cặp cho phù hợp. Ta thấy nếu ghép hai phép nhân đầu tiên thì tổng 123 + 82 = 205 tuy có dễ nhưng vẫn khó tính vì không thể gộp với phép nhân còn lại. Thử ghép hai phép nhân phía sau sẽ xuất hiện tổng 18 + 105 = 123 giống thừa số 123 của phép nhân thứ nhất nên thuận tiện hơn.

Áp dụng: 123 × 18 + 18 × 82 + 82 × 105

= 123 × 18 + (18 + 105) × 82

= 123 × 18 + 123 × 82

= 123 × (18 + 82)

= 123 × 100 = 12300.

Cần lưu ý: cách làm áp dụng cho cả tổng và hiệu các tích có thừa số giống nhau. Thừa số giống nhau có thể xuất hiện một mình và xem nhƯ thừa số đó nhân với thừa số 1.

Ví dụ 3: Tính 459 : 9 – 360 : 9 = .........

Cách làm: tổng (hoặc hiệu) của các thƯơng của các phép chia có số chia giống nhau bằng thƯơng của tổng (hoặc hiệu) các số bị chia với số chia giống nhau.

Áp dụng cho ví dụ: 459 : 9 – 360 : 9 = (459 – 360) : 9 = 99 : 9 = 11. Lợi ích cách làm này tương tự như cách ghép các phép nhân tức là giảm bớt phép tính và đổi phép tính khó thành dễ hơn.

Ví dụ 4: Tìm x biết: 2250 : x + 750 : x = 8.

Biểu thức được biến đổi thành (2250 + 750) : x = 8 → 3000 : x = 8 → x = 3000 : 8 = 375. Đây là bài toán bắt buộc sử dụng cách làm trên không có cách nào khác.

4. Tìm cạnh hình vuông hoặc hình chữ nhật theo diện tích

Ví dụ 1: Cho hình vuông có diện tích là 2025 m². Cạnh hình vuông là ........ m.

Cách làm: cạnh hình vuông là một số tự nhiên sao cho tích của nó với chính nó bằng số đo diện tích. Nếu hai chữ số tận cùng của diện tích là 25 thì cần tìm hai số tự nhiên liên tiếp sao cho tích của hai số đó bằng số đo diện tích bỏ đi hai chữ số tận cùng. Sau đó thêm chữ số 5 vào bên phải của số tự nhiên nhỏ hơn ta được số đo cạnh của hình vuông.

Áp dụng: số 2025 bỏ đi hai chữ số tận cùng là 25 còn lại số 20. Nhẫm 4 × 5 = 20 suy ra thêm chữ số 5 vào sau số 4 được 45 là số đo cạnh hình vuông. Vậy hình vuông có số đo của cạnh là 45 m.

Ví dụ 2: Cho hình chữ nhật có diện tích là 432 m². Biết chiều dài gấp 3 lần chiều rộng. Chu vi của hình chữ nhật là ........ m

Nếu giảm 3 lần chiều dài ta sẽ được hình vuông có diện tích là 432 : 3 = 144 m².

Nhẩm số 12 × 12 = 144 nên cạnh hình vuông cũng là chiều rộng hình chữ nhật đều bằng 12 m.

Chiều dài hình chữ nhật là 12 × 3 = 36 m. Chu vi hình chữ nhật là (12 + 36) × 2 = 96 m.

Bài tập tự luyện: Cho hình chữ nhật có diện tích bằng 256 m². Biết chiều dài gấp 4 lần chiều rộng. Chu vi hình chữ nhật là ......... m.

Bước 1. Nếu giảm chiều dài 4 lần thì hình chữ nhật trở thành hình vuông có cạnh bằng chiều rộng và diện tích hình vuông là ..........................................................

Bước 2. Tìm số tự nhiên sao cho tích số đó với chính nó bằng diện tích hình vuông. Số đó là .......... Suy ra chiều rộng hình chữ nhật là ........ m. Chiều dài hình chữ nhật là .......... m. Vậy chu vi hình chữ nhật là ........... m.

5. Toán chia có dư

Số bị chia bằng tích của thương với số chia cộng với số dư. Số dƯ lớn nhất có thể có nhỏ hơn số chia một đơn vị. Mọi số dư đều nhỏ hơn số chia.

Ví dụ 1: Tìm một số biết số đó chia cho 74 được thương 108 và số dư là số dư lớn nhất có thể có. Số cần tìm là ........

Áp dụng: số chia là 74 nên số dư lớn nhất có thể có là 73. Vậy số bị chia bằng 74 × 108 + 73 = 7992 + 73 = 8065.

Ví dụ 2: Một công ty tổ chức cho 570 công nhân đi du lịch bằng xe ô tô, mỗi xe chở được nhiều nhất là 45 công nhân. Công ty đó phải thuê ít nhất bao nhiêu xe ô tô như vậy?

Áp dụng: trong bài toán này có thể là phép chia có dư, trong khi số người dư ra dù không đầy một xe thì cũng phải thuê thêm một xe nên số xe phải thuê hơn thương của phép chia một đơn vị. Bây giờ thực hiện chia 570 cho 45 được thương 12 dư 30. Do đó số xe cần thuê là 12 + 1 = 13.

6. Toán chia hết và vấn đề thêm bớt chữ số

Ví dụ 1: Có 4710 lít nước mắm chia đều vào 15 thùng. Vậy mỗi thùng có .......... lít nước mắm.

Hướng dẫn

Số lít nước mắm mỗi thùng là 4710 : 15 = 314.

Ví dụ 2: Một căn phòng hình chữ nhật có chiều dài 12m, chiều rộng 5m. Người ta lát nền căn phòng đó bằng loại gạch hình vuông có cạnh là 4dm. Hỏi số viên gạch cần để lát đủ căn phòng đó là bao nhiêu?

Hướng dẫn

Diện tích mỗi viên gạch là 4 dm × 4 dm = 16 dm².

Diện tích của hình chữ nhật là 12m × 5m = 60m² = 6000 dm².

Số viên gạch là 6000 : 16 = 375 viên.

7. Toán về phân số

Phân số có dạng\frac{a}{b} với a là tử số và b là mẫu số. Phân số a/b được đọc là “a phần b”.

Tính chất cơ bản của phân số: khi nhân hoặc chia tử và mẫu cho cùng một số tự nhiên khác 0 sẽ được phân số mới bằng phân số ban đầu.

Ví dụ 1: Tìm số điền vào chỗ chấm \frac{9}{16}=\frac{117}{\ldots}. Số cần tìm là .............

Thấy rằng 117 : 9 = 13, nên theo tính chất cơ bản của phân số thì số cần tìm là 16 × 13 = 208.

Cần lưu ý: có thể vận dụng tính chất cơ bản của phân số vào một số phép chia bằng cách chia cả số bị chia và số chia cho cùng một số nếu thuận tiện.

Ví dụ 2: Tính 78000 : 600 = .......

Áp dụng: 78000 : 600 = 780 : 6 = 130.

Ví dụ 3: Tìm x biết: 7000 × x = 3619000.

Áp dụng: x = 3619000 : 7000 = 3619 : 7 = 517.

Ví dụ 4: Tính 8684 : 52 = .......

Áp dụng: 8684 : 52 = 4342 : 26 = 2171 : 13 = 167.

Cần lưu ý: Phân số có tử lớn hơn mẫu là phân số lớn hơn 1, phân số có tử nhỏ hơn mẫu là phân số nhỏ hơn 1, phân số có tử bằng mẫu là phân số bằng 1.

8. Toán về các nhầm lẫn của phép nhân

Ví dụ 1: Khi nhân một số với 412, do nhầm lẫn nên một học sinh đã đặt các tích riêng thẳng cột với nhau và ra kết quả sai là 1617. Tìm tích đúng.

Cách làm: nếu đặt các tích riêng thẳng cột thì kết quả đó là tích của thừa số chưa biết với tổng các chữ số của thừa số đã biết. Tìm thừa số đó bằng cách chia kết quả sai cho tổng các chữ số của thừa số thứ hai rồi thực hiện tìm tích đúng.

Áp dụng: thừa số thứ hai có tổng các chữ số là 4 + 2 + 1 = 7. Thừa số cần tìm là 1617 : 7 = 231. Tích đúng là 231 × 412 = 95172.

Ví dụ 2: Khi nhân một số với 85, do nhầm lẫn nên một học sinh đã viết nhầm thừa số thứ hai thành 58 nên tích bị giảm đi 3240 đơn vị. Tìm tích đúng.

Cách làm: hiệu của thừa số đúng và thừa số viết nhầm nhân với thừa số thứ nhất sẽ bằng số đơn vị giảm đi. Tìm thừa số thứ nhất rồi tính tích đúng.

Áp dụng: Thừa số thứ nhất bằng 3240 : (85 – 58) = 3240 : 27 = 1080 : 9 = 120. Tích đúng là 120 × 85 = 120 × 5 × 17 = 600 × 17 = 10200.

....

Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Lương
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 1.465
  • Lượt xem: 6.759
  • Dung lượng: 455,7 KB
Liên kết tải về
Sắp xếp theo