Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã đọc) 4 bài văn mẫu lớp 7
Download.vn sẽ cung cấp đến các bạn học sinh tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã đọc).
Nội dung của tài liệu sẽ được đăng tải ngay sau đây, mời các bạn học lớp 7 sinh tham khảo để hiểu rõ hơn.
Đề bài: Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã đọc).
Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống
Vấn đề gợi ra từ tác phẩm văn học - Mẫu 1
Kính chào thầy/cô giáo và các bạn, sau đây tôi sẽ trình bày về… được gọi ra từ tác phẩm…
Bầy chim chìa vôi là một trong những tác phẩm hay, giàu ý nghĩa. Truyện được xây dựng tình huống vào một đêm mưa bão, lúc hai giờ sáng nhân vật Mon tỉnh giấc. Mon tỉnh dậy lúc hai giờ sáng. Cả đêm, nó nằm lo lắng cho bầy chim chìa vôi làm tổ gần bờ sông. Mon liền gọi anh Mên dậy rồi tâm sự. Cả hai quyết định sẽ cùng ra bờ sông để đưa những chú chim vào bờ. Chiều hôm qua, nước đã dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, chim bố mẹ lại dẫn bầy con tránh nước đến đó. Chúng đã nhảy đến phần cao nhất của dải cát. Đến sáng, bầy chim đã bay lên. Bỗng, một con chim non đuối sức, nó rơi xuống như một chiếc lá. Chim mẹ chạy đến gần xòe đôi cánh lượn quanh đứa con và kêu lên như để cổ vũ cho nó. Đôi chân mảnh dẻ và run rẩy của con chim non chạm vào mặt sông. Đôi cánh của nó đập một nhịp quyết định. Tấm thân bé bỏng của nó vụt bứt ra khỏi dòng nước và bay lên cao. Mon và Mên đã tận mắt chứng kiến cảnh đó. Cả hai khóc lúc nào mà không biết.
Qua câu chuyện, nhà văn muốn gửi gắm bài học về tình yêu thương động vật cũng như trân trọng và bảo vệ thiên nhiên. Mon và Mên đều là những cậu bé nhưng rất có trách nhiệm, giàu tình cảm rất đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
Dưới đây là phần trình bày suy nghĩ của tôi, cảm ơn thầy/cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, xin chân thành cảm ơn.
Vấn đề gợi ra từ tác phẩm văn học - Mẫu 2
Kính chào thầy/cô giáo và các bạn, sau đây tôi sẽ trình bày về… được gọi ra từ tác phẩm…
Tác phẩm Trở gió của Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện tình cảm của tác giả về gió chướng. Qua tác phẩm, nhà văn bộc lộ tình cảm với quê hương qua tình yêu gió chướng.
Những câu văn miêu tả gió chướng thật tinh tế như “hơi thở gió rất gần”; “âm thanh ấy sẽ càng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không”; “mừng húm”; “hừng hực, dạt dào”; “Cồn cào. Nồng nhiệt. Mà thiệt dịu dàng”. Mỗi lần gió chướng về, tác giả đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như “ Mừng đó, rồi bực đó”; “buồn, buồn muốn chết”; “Cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau”. Gió chương chính là biểu tượng của quê hương, gợi nhắc về quê hương dù thời gian có trôi qua, mọi vật có thay đổi.
Những cảm xúc được Nguyễn Ngọc Tư bày tỏ thật đơn giản mà tinh tế. “Tôi” luôn mong ngóng mùa gió chướng về. Đó giống như một thói quen, hay một điều thân thuộc không thể thiếu. Trong câu văn cuối cùng của văn bản gợi về tình cảm dành cho quê hương của tác giả. Dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng nhà văn vẫn nhớ về quê hương, nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ của mình.
Văn bản “Trở gió” không chỉ sâu sắc bởi những cảm nhận tinh tế của tác giả mà còn phảng phất hương vị quê hương bởi những điều bình dị, thiết thân.
Dưới đây là phần trình bày suy nghĩ của tôi, cảm ơn thầy/cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, xin chân thành cảm ơn.
Vấn đề gợi ra từ tác phẩm văn học - Mẫu 3
Kính chào thầy/cô giáo và các bạn, sau đây tôi sẽ trình bày về… được gọi ra từ tác phẩm…
Bài thơ “Đồng dao mùa xuân” đã gợi cho em suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước. Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những năm tháng đau thương, mất mát trước nhiều kẻ thù xâm lược. Biết bao thế hệ đã hy sinh tính mạng để đấu tranh và bảo vệ cho nền độc lập của dân tộc.
Chính vì lẽ đó, ngày hôm nay, thế hệ trẻ cần ý thức được trách nhiệm đối với đất nước. Điều đó được thể hiện qua suy nghĩ, việc làm của mỗi bạn trẻ. Ý thức học tập để nâng cao kiến thức, tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội. Cùng với việc tiếp thu văn minh nhân loại một cách có chọn lọc, trên cơ sở vẫn giữ gìn và phát huy được truyền thống văn hóa dân tộc. Thật tự hào khi nhiều bạn trẻ đã đạt được thành tích cao trên đấu trường quốc tế, thể hiện được tinh thần của con người Việt Nam khiến cho bạn bè năm châu phải tôn trọng. Khi đất nước phải đối mặt với nguy hiểm, lòng yêu nước của thế hệ trẻ được thể hiện qua sự tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc hay cùng chung tay giúp đỡ mọi người.
Ngược lại, nhiều bạn trẻ lại sẵn sàng chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa… Họ quên đi nguồn cội của mình, rời bỏ quê hương hoặc thậm chí là tìm cách chống phá đất nước (để lộ bí mật quốc gia, hiện tượng chảy máu chất xám…). Đó là những hành động cần phải lên tiếng phê phán và tránh xa.
Mỗi người trẻ hãy ý thức được trách nhiệm của bản thân để góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Cần hiểu được rằng, nền độc lập, và tự do mà chúng ta đang được hưởng phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của biết bao thế hệ con người Việt Nam.
Dưới đây là phần trình bày suy nghĩ của tôi, cảm ơn thầy/cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, xin chân thành cảm ơn.
Vấn đề gợi ra từ tác phẩm văn học - Mẫu 4
Kính chào thầy/cô giáo và các bạn, sau đây tôi sẽ trình bày về… được gọi ra từ tác phẩm…
“Gặp lá cơm nếp” của nhà thơ Thanh Thảo là một tác phẩm gây cho tôi nhiều ấn tượng. Bài thơ là câu chuyện của một người con đã xa nhà nhiều năm, nhìn thấy lá cơm nếp nhớ về bát xôi mùa gặt của mẹ, nhớ về người mẹ. Hình ảnh “lá cơm nếp” giống như một vật khơi gợi kí ức, gợi nhắc về mùi quê hương của người con, hương vị của xôi nếp đã quen thuộc với người con khi còn thơ bé, để khi đi bất cứ nơi đây cũng đều nhớ về. Người mẹ giản dị, tần tảo sớm hôm đã “nhặt lá về đun bếp”, “thổi cơm nếp” hiện lên khiến tôi cảm thấy thật xúc động. Người con đã bộc lộ trực tiếp tình cảm dành cho người mẹ của mình: “Mẹ già và đất nước/Chia đều nỗi nhớ thương”. Đối với người con, tình yêu dành cho mẹ và cho đất nước được chia đều, luôn thường trực trong trái tim của người con. Bài thơ đã gợi cho người đọc suy nghĩ về tình cảm mẫu tử thiêng liêng, đáng trân trọng.
Tình cảm mẫu tử là thứ tình cảm yêu thương, trân trọng giữa người mẹ và đứa con. Có thể khẳng định rằng, người mẹ có một vai trò vô cùng quan trọng với mỗi người. Chúng ta được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ. Từ khi thơ bé vẫn còn nằm trong bụng mẹ và được mẹ bao bọc che chở. Đến khi sinh ra người đầu tiên ôm ấp ta vào lúc cũng là mẹ. Nhờ có bầu sữa ngọt ngào của mẹ mà chúng ta lớn lên từng ngày. Và trên hành trình trưởng thành cũng luôn có mẹ dõi theo. Người mẹ giống như một điểm tựa tinh thần của mỗi người vậy. Không chỉ xuất phát từ phía người mẹ, tình mẫu tử cũng là tình cảm, sự kính trọng của con dành cho mẹ. Mỗi người cần phải biết ơn công ơn dưỡng dục của mẹ. Cũng như không làm những điều khiến mẹ phải buồn lòng, đau khổ.
Đối với một học sinh thì điều tốt nhất chính là cố gắng học tập thật tốt, rèn luyện phẩm chất tốt, hoặc giúp đỡ những công việc nhỏ trong nhà. Chúng ta cần cố gắng nỗ lực để trở thành niềm tự hào của mẹ.
Dưới đây là phần trình bày suy nghĩ của tôi, cảm ơn thầy/cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, xin chân thành cảm ơn.
Link Download chính thức:
Các phiên bản khác và liên quan:
- Nguyễn NgọcThích · Phản hồi · 2 · 06/11/23
- Dũng Phan XuânThích · Phản hồi · 2 · 30/10/23