Thuyết minh về chùa Bái Đính (2 Dàn ý + 7 mẫu) Thuyết minh danh lam thắng cảnh hay nhất

TOP 7 bài Thuyết minh về chùa Bái Đính hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về vị trí địa lí, cấu tạo, kiến trúc và khái quát chung về chùa Bái Đính, để viết bài văn thuyết minh thật hay.

Thuyết minh về chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình, với những nét kiến trúc vô cùng độc đáo, thu hút đông đảo du khách. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn, có thêm nhiều vốn từ để hoàn thiện bài văn Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em.

Dàn ý Thuyết minh về chùa Bái Đính

Dàn ý 1

1. Mở bài

  • Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: chùa Bái Đính

2. Thân bài

a. Vị trí, lịch sử, khái quát chung về chùa Bái Đính

  • Vị trí: nằm phía Tây khu di tích Cố đô Hoa Lư, phía Bắc quần thể di sản thế giới Tràng An, thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình.
  • Lịch sử: Là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 1000 năm
  • Quần thể chùa Bái Đính gồm khu chùa cổ và chùa mới xây dựng, lối kiến trúc truyền thống đồ sộ, diện tích lên đến 1700 ha

b. Khu vực chùa Bái Đính cổ

  • Vị trí: nằm trên đỉnh núi yên tĩnh cách khu chùa mới 800 mét
  • Vùng đất hội tụ yếu tố địa linh nhân kiệt
  • Các khu vực chính: Hang Sáng, Động Tối, Đền thờ thánh Nguyễn, Đền thờ thần Cao Sơn, Giếng Ngọc
  • Sự kiện chính: nơi đây vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn cầu mưa thuận gió hòa, vua Quang Trung làm lễ tế cờ

c. Khu vực chùa Bái Đính mới

  • Vị trí: rộng 80 héc ta, nằm bên kia núi so với chùa cổ
  • Gồm nhiều hạng mục: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan m, Bảo Tháp, Tháp Chuông, tượng Phật Di Lặc, Hành lang La Hán, Cầu đá, Hồ phóng sinh

d. Ngôi chùa lớn sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam

  • Tượng Phật lớn nhất Châu Á, Chuông đồng lớn nhất Việt Nam, Bảo tháp cao nhất Châu Á, Hành lang La Hán dài nhất Châu Á...

e. Lễ hội chùa Bái Đính

  • Lễ hội được tổ chức thường niên, khởi đầu cho nhiều lễ hội hành hương về vùng Cố Đô nghìn năm văn hiến

3. Kết bài

  • Khẳng định vẻ đẹp, ý nghĩa tâm linh và giá trị của quần thể chùa Bái Đính

Dàn ý 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần thuyết minh: danh lam thắng cảnh chùa Bái Đính.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình.

2. Thân bài

a. Khái quát chung

  • Chùa Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100km về phía nam và nằm trong quần thể danh thắng Tràng An.
  • Chùa được chia thành hai khu chính: khu chùa mới và khu chùa cổ, mỗi khu có kiến trúc khác nhau nằm dựa vào đỉnh núi.
  • Mỗi năm, chùa thu hút một lượng lớn du khách từ khắp mọi miền đất nước cũng như du khách nước ngoài đến tham quan, chiêm bái.

b. Thuyết minh chi tiết

- Chùa Bái Đính tân tự (Chùa mới):

  • Chùa được khởi công xây dựng từ đầu những năm 2000, là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với nhiều kỉ lục được công nhận.
  • Cổng Tam Quan có hai ông hộ pháp được làm bằng đồng canh gác, là nơi giao thoa giữa trần gian và cõi phật, hai bên có dãy hành lang đi lên phía trên.
  • Dãy hành lang chạy dài trong khuôn viên chùa được sắp xếp với 500 vị La Hán, mỗi vị có hình dáng và tên khác nhau được làm hoàn toàn bằng đá tại làng đá Ninh Vân, Ninh Bình.
  • Sau khi đi qua Cổng Tam Quan sẽ đến tháp Chuông, nơi thờ Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam nặng 36 tấn được đúc bằng đồng. Tháp có hai tầng, để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của chuông chúng ta phải đi lên tầng hai, nhìn xuống phía dưới sẽ thấy chiếc trống đồng Đông Sơn to khổng lồ đặt dưới chuông.
  • Lên trên là Điện Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được dát vàng trong điện nguy nga, tráng lệ, xung quanh là những thần hộ pháp được đúc bằng đồng. Cột là trụ cho điện hoàn toàn là gỗ lim lâu năm to một người ôm không xuể.
  • Tiếp theo là Điện Pháp Chủ thờ phật Thích Ca Mâu Ni nặng 100 tấn bằng đồng tay cầm búp sen, đây được coi là pho tượng lớn nhất Đông Nam Á.
  • Trên cùng cũng là điện chính chính là Điện Tam Thế thờ ba vị Phật tổ. Mỗi pho tượng nặng 50 tấn được dát vàng với ba tư thế khác nhau. Bên cạnh điện Tam Thế là tượng phật Di Lặc hiên ngang giữa trời và tòa bảo Tháp cao 13 tầng thờ Ngọc Xá Lợi phật rước từ nước ngoài về.

- Chùa Bái Đính cổ tự (Chùa cổ)

  • Đây là ngôi chùa có từ lâu đời thờ Thánh Minh Không nằm trong hang đá thuộc núi Ba Dau. Để đi đến đây, chúng ta phải leo qua nhiều bậc thang bằng đá để lên đỉnh núi.
  • Phía bên tay phải là động thờ Phật (còn được gọi là Hang Sáng) nằm trong hang với những pho tượng phật nhỏ.
  • Lên trên cũng là điện chính chính là động thờ Mẫu và đức thánh Minh Không (còn được gọi là hang tối), trước đây, hang động này nổi tiếng là linh thiêng vì nằm sâu trong hang đá tối tăm mà không ai khai thông được. Đi vào trong hang sẽ thấy tượng thờ Mẫu, phía tay phải là ao tiên, phía tay trái là tượng đức thánh Minh Không.
  • Ngôi chùa này nổi tiếng về sự linh thiêng cùng những câu chuyện, giai thoại thần kì.

3. Kết bài

Khái quát lại vẻ đẹp của chùa Bái Đính.

Thuyết minh chùa Bái Đính

Hướng về mảnh đất Cố đô, mỗi người lại nhen nhóm trong lòng những dự định khác nhau. Giống như một con thuyền thả trôi theo dòng nước khi đến với Ninh Bình con thuyền ấy lần lượt đi qua Cố đô, Tràng An và về với Bái Đính. Quần thể chùa Bái Đính cho đến nay đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông để lại khi đi vãn cảnh chùa đã nói lên vẻ đẹp cũng như vị trí đắc địa của ngôi chùa này trong lịch sử Việt Nam:

"Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà".

Là một Cố đô xưa, từng là kinh thành của một nước, ngày nay Ninh Bình đã và đang ngày càng phát triển, trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Chùa Bái Đính trở thành biểu tượng của du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch tâm linh của cả nước nói chung. Quần thể chùa Bái Đính nằm phía Tây khu di tích Cố đô Hoa Lư, phía Bắc quần thể di sản thế giới Tràng An, thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Đây là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 1000 năm bao gồm khu chùa cổ và chùa mới xây dựng, lối kiến trúc truyền thống đồ sộ, diện tích chùa lên đến 1700 ha.

Bái Đính cổ tự có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng cách đây hơn 1000 năm, khu chùa nằm tách biệt cách 800 mét so với khu chùa mới. Khuôn viên chùa nằm trên đỉnh của vùng núi yên tĩnh, chỉ có một số hạng mục nhỏ nhưng mang lối kiến trúc cổ như: nhà tiền đường, các đền thờ, nổi bật nhất là Hang Sáng và Động Tối, nơi đây thu hút rất nhiều khách tham quan ưa khám phá. Đền thờ Thánh Nguyễn thờ Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không, ông là thiền sư sáng lập lên chùa Bái Đính. Giếng Ngọc nằm ở gần chân núi Bái Đính, tương truyền rằng đây là nơi thiền sư đã lấy nước sắc thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông và nhân dân, giếng có đặc điểm là không bao giờ cạn nước.

Khu vực chùa Bái Đính cổ gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại như: vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn cầu mưa thuận gió hòa, vua Quang Trung làm lễ tế cờ tiến quân ra bắc. Có thể nói đến với quần thể chùa Bái Đính mọi người ấn tượng hơn với khu chùa mới được xây dựng từ 2003, khu chùa mới rộng 80ha với nhiều hạng mục hoành tráng, đồ sộ, các bức tượng khổng lồ mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam. Kiến trúc của khu chùa mới gây ấn tượng mạnh với hệ thống gỗ, đá, gạch men, mái ngói cong vút. Những công trình tiêu biểu nhất phải kể đến là: Điện Tam Thế nguy nga rộng lớn, Điện Pháp Chủ trang nghiêm, Điện Quan m lộng lẫy, trong cả ba điện đều có tượng Phật, tượng Bồ Tát to đẹp và đạt kỷ lục. Bên cạnh đó còn có những công trình như chiếc cầu đá dài đi vào cổng Tam quan, gác chuông có trống đồng và chuông đồng, Bảo tháp nhiều tầng, hành lang La Hán với 500 pho tượng La Hán khác nhau, hồ phóng sinh trong vắt màu xanh ngọc. Ấn tượng nhất phải kể đến kiến trúc bên trong bảo tháp với những bức phù điêu tượng Phật được tạc trên trần bảo tháp, tượng Phật ngọc, tượng Phật dát vàng, xá lợi Phật kinh thiêng mang từ Ấn Độ về, bên trong bảo tháp thảy đều là màu vàng sáng chói. Đứng từ vị trí của bảo tháp phóng mắt nhìn ra toàn cảnh khuôn viên chùa Bái Đính sẽ cảm thấy đây như một vùng đất rộng lớn và yên bình. Bao trùm toàn cảnh là màu xanh của núi rừng, cây cối, mái ngói hiện lên giữa làn nước và màu xanh cây lá chỉ như đường chỉ màu nâu.

Nói chùa Bái Đính là ngôi chùa lớn và sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam quả không sai. Ở quy mô Châu Á có các kỷ lục: Tượng Phật trong điện Pháp Chủ là tượng bằng đồng dát vàng lớn nhất, Bảo tháp cao nhất, Hành lang La Hán dài nhất; quy mô Đông Nam Á có các kỷ lục: Tượng Phật Di Lặc lớn nhất; quy mô trong nước có các kỷ lục: chuông đồng lớn nhất, khu chùa rộng nhất, có nhiều tượng La Hán nhất, có giếng ngọc lớn nhất, có nhiều cây bồ đề nhất. Chùa Bái Đính không chỉ biết đến với các lễ hội đầu năm được tổ chức thường niên mà đây đã trở thành nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa cũng như chính trị lớn tiêu biểu như: Đại lễ Phật Đản thế giới 2008, Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI năm 2010, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014, Hội thảo Phật Giáo quốc tế, đón nhận bằng của UNESCO vinh danh quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đúng như món quà mà đất trời ban cho, Ninh Bình chính là vùng đất địa linh nhân kiệt, trải qua bao đời, sự thăng trầm của thời gian, viên ngọc Bái Đính ngày càng được gột rửa thêm sáng bóng và đẹp đẽ. Mỗi con người Ninh Bình nói riêng và thế hệ trẻ của đất nước nói chung phải biết gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo vẻ đẹp đó, có trách nhiệm với những gì đang có, phấn đấu không ngừng để đưa quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Thuyết minh về chùa Bái Đính - Mẫu 1

"Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi, ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời,...", lời bài hát thay cho lời mời gọi du khách đến với mảnh đất hình chữ S tươi đẹp, với những con người cần cù, chất phác và với những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử nổi tiếng. Một trong số đó phải kể đến ngôi chùa Bái Đính với những nét kiến trúc vô cùng độc đáo, thu hút không chỉ khách du lịch trong nước mà còn cả du khách nước ngoài.

Về với Ninh Bình, mảnh đất cố đô xưa giàu truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam ta, ngoài danh thắng cố đô Hoa Lư, quần thể Tràng An, chúng ta không thể không nhắc đến chùa Bái Đính, là một trong số những ngôi chùa, khu du lịch tâm linh lớn nhất của cả nước. Chùa Bái Đính tọa lạc tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, cách cố đô Hoa Lư 3km về phía Tây, cách thành phố Ninh Bình gần 20 cây số và Hà Nội khoảng 97 km. Từ thủ đô Hà Nội, bạn có thể lựa chọn hai cách di chuyển phổ biến. Đi bằng ô tô theo đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tiếp tục đi 35 cây số, tới cầu Giẽ, đi thẳng tiếp qua cầu, theo biển chỉ dẫn là đến được Bái Đính. Đi bằng xe máy, từ Hà Nội, men theo đường Giải Phóng, qua quốc lộ 1 cũ, đi qua Thường Tín, đến Cầu Giẽ rẽ trái theo hướng quốc lộ về Hà Nam, sau đó tiếp tục đi thẳng khoảng 15 cây số nữa, gặp biển chỉ dẫn rẽ sang Ninh Bình, đi thêm khoảng 35km là tới thành phố Ninh Bình, từ Ninh Bình đi tiếp gần 15km nữa là đến chùa Bái Đính. Và dù là di chuyển bằng phương tiện nào, bạn cũng có thể tự mình chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, trùng điệp, là sự kết hợp hoàn hảo giữa mây trời, non nước và không khí vô cùng thoáng đãng, yên tĩnh, thanh tịnh của mảnh đất nơi đây.

Chùa Bái Đính cổ có lịch sử hình thành khá lâu đời. Theo sử sách lưu truyền lại, hơn 1000 năm trước, khi Ninh Bình có ba triều đại phong kiến nối tiếp: Đinh, Tiền Lê, Lý trị vì; các triều đại đều suy tôn Phật giáo là Quốc giáo nên cho xây dựng nhiều ngôi chùa tại đây, trong đó có chùa Bái Đính nằm trên núi Tràng An. Câu chuyện xây dựng chùa bắt nguồn từ việc dưới thời Lý, một vị Thiền sư là Nguyễn Minh Không khi đi tìm vị thuốc quý chữa bệnh cho Hoàng thái tử Dương Hoán, trên đường về, ngài đã phát hiện ra hai hang động đẹp nằm trên đỉnh núi cao. Bằng cảm quan thần Phật, sau khi chữa khỏi bệnh cho Thái tử, ngài được vua phong chức cao nhưng đã từ chối, xin vua về ngọn núi đã tìm ra cây thuốc để xây chùa thờ Phật để tạ ơn trời Phật. Và ngôi chùa Bái Đính được xây dựng từ đó. Theo dân gian, tên Bái Đính được chiết tự: Bái trong chữ lễ bái, Đính là đỉnh, tên Bái Đính có nghĩa là cúng bái thần Phật ở nơi cao nhất.

Khu du lịch tâm linh Bái Đính ngày nay bao gồm chùa Bái Đính cổ và chùa Bái Đính mới được xây dựng năm 2003, trên sườn núi nằm giữa thung lũng bao quanh là hồ và núi đá. Chúng ta sẽ cùng khám phá từng khu chùa Bái Đính để tìm hiểu những đặc điểm kiến trúc riêng của quần thể chùa lớn nhất Việt Nam này. Đầu tiên là chùa Bái Đính cổ, nằm trên đỉnh núi yên tĩnh, là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố địa linh nhân kiệt: Đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Chùa gồm nhà Tiền Đường ở giữa; bên phải là Hang Sáng thờ Phật, đền thờ thần Cao Sơn; bên trái là đền thờ thánh Nguyễn và Động Tối, với những nét chạm trổ mang đậm kiến trúc thời Lý. Tiếp đến, cách chùa cổ về phía Nam khoảng 800 mét là tới với điện Tam Bảo của chùa Bái Đính mới. Chùa có diện tích khoảng 80 ha, nằm về phía Tây của cố đô với kiến trúc tiêu biểu bao gồm: Điện Tam Thế, điện Quan Âm, Pháp Chủ, Tháp Chuông, Bảo Tháp,... với những mái vòm nâu sẫm cong vút như hình đuôi chim phượng mang đậm kiến trúc đình chùa Việt Nam.

Các khu chính đều được xây dựng với phần đỉnh mái có chiều cao từ 14 mét trở lên, cao nhất là đỉnh mái điện Tam thế với 34 mét. Dọc hành lang nối hai đầu Tam Quan là hành lang La Hán với 500 pho tượng bằng đá xanh, mỗi pho cao 2 mét rưỡi và nặng đến 4 tấn. Tháp chuông gồm 3 tầng mái, bên trong có quả chuông nặng tới 36 tấn, được xác nhận kỷ lục là lớn nhất Việt Nam, phía dưới chuông là chiếc trống đồng nặng khoảng 70 tấn. Tiếp đến là các điện chính thờ Phật gồm điện Quan Âm với 7 gian, gian giữa là tượng Phật bà bằng đồng lớn nhất Việt Nam; điện Pháp Chủ gồm 5 gian, gian giữa là tượng Phật Pháp Chủ bằng đồng lớn nhất Việt Nam; điện Tam Thế nằm trên quả đồi cao 76 mét so với mặt nước biển, bên trong là 3 pho tượng Tam thế Phật tượng trưng cho Quá khứ, Hiện tại, Tương lai. Ngoài ra, chùa Bái Đính mới còn nhiều kiến trúc khác độc đáo, tiêu biểu như: Tượng Phật Di Lặc nặng tới 80 tấn, cao 10 mét được xây dựng trên một ngọn đồi cao; tòa Bảo Tháp trưng bày xá lợi Phật được xây dựng theo phong cách kiến trúc Ấn Độ, xung quanh tường được trang trí bởi hàng nghìn bức tượng Phật khác nhau. Và để làm nên những chi tiết kiến trúc tinh xảo, cầu kì, khi xây dựng chùa Bái Đính đã hội tụ rất nhiều bàn tay tài hoa và khối óc của nhiều người thợ lành nghề từ khắp các làng nghề trên đất nước: Chạm bạc Đồng Xâm, chạm khắc đá Ninh Vân, làng mộc Phúc Lộc, đúc đồng Ý Yên, sơn mài Cát Đằng,... với các nguồn nguyên vật liệu phong phú của địa phương như đá xanh Ninh Bình, gạch men Bát Tràng,...

Với những đặc điểm kiến trúc vô cùng độc đáo như vậy, chùa Bái Đính cổ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa, cách mạng cấp quốc gia (năm 1997). Chùa tân Bái Đính đã được sách Kỷ lục Việt Nam và sách Kỷ lục Châu Á công nhận 9 kỷ lục: Tượng Phật bằng đồng lớn nhất châu Á; tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; chuông đồng lớn nhất Việt Nam; Bảo Tháp cao nhất châu Á; khu chùa rộng nhất Việt Nam; khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á; khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam; khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam; khu chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của đất nước thu hút các đoàn đại biểu, khách du lịch trong và ngoài nước. Lễ hội chính của chùa Bái Đính kéo dài từ ngày mùng 1 Tết đến hết tháng 3 hằng năm với những nghi lễ thờ Phật, tế lễ thần thanh tịnh, trang nghiêm và phần hội với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Thiên nhiên quả thật ưu ái khi ban tặng cho vùng đất Ninh Bình nói riêng và cho đất nước Việt Nam nói chung những danh lam thắng cảnh đẹp, độc đáo mà tiêu biểu là quần thể chùa Bái Đính. Bái Đính thật xứng đáng là viên ngọc quý, nơi hội tụ tinh hoa đất trời, là nơi du lịch tâm linh ý nghĩa thể hiện sự thành kính của con người với thần Phật. Là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi chúng ta cần ra sức học tập không ngừng và có trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước ngày một văn minh, hiện đại hơn.

Thuyết minh về chùa Bái Đính - Mẫu 2

Nhắc đến danh lam thắng cảnh Chùa Bái Đính là nhắc đến một không gian văn hóa tâm linh nổi tiếng của vùng cố đô Ninh Bình. Được công nhận là một trong những ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á nơi đây không chỉ là hành trình văn hóa trên đất Phật mà còn chứa đựng giá trị tâm linh, du lịch của cả nước.

Khu tâm linh Chùa Bái Đính nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An cách thành phố Ninh Bình khoảng 15km. Phía Tây tiếp giáp với cố đô Hoa Lư, đây được xem là một trong ngôi chùa có nhiều thứ nhất ở vùng Đông Nam Á như : nhiều tượng phật bằng đồng nhất, chùa có diện tích lớn, hàng lang có nhiều tượng phật nhất.

Có thể nói về khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính chính là một nơi hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ. Không gian kiến trúc độc đáo, đồ sộ với những nét chạm trổ đúc đồng tinh tế, cảnh quan núi non hùng vĩ, núi gối sông, mây vờn đỉnh núi. Du khách hành hương đến đây tâm như sáng lòng như yên hơn.

Khi đến với Bái Đính điều đầu tiên bạn thấy đó chính là Tam Quan cao đến 17m, được xem là một trong những ranh giới giữa cõi thiêng và cõi trần. Bước qua Tam Quan bạn sẽ đến với không gian tâm linh thanh tịnh với chuông đồng cổ nặng 36 tấn, mỗi khi tiếng chuông ngân vang như xóa tan sự u tịch nỗi thống khổ của chúng sanh.

Dọc hành lang là 500 vị La Hán, con đường đưa con người đến cõi Phật, thức tỉnh lương tri làm người. Các pho tượng Quan Âm, Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam với hình dáng uy nghi bác ái mang đến cho con người niềm tin về vẻ chân thiện mỹ, gieo vào trong chúng ta cảm giác nhân sinh mạnh mẽ. Đây được xem là một trong những công trình đồ sộ giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Chùa Bái Đính dựa mình vào núi xanh thăm thẳm, từ đây nhìn xuống bạn sẽ thu trọn vào tầm mắt không gian lung linh huyền ảo như một bức tranh tâm linh tuyệt mĩ lại không kém phần cổ kính.

Người ta nhắc đến chùa Bái Đính thường đi kèm với nhận định đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Nơi mà Quốc sư Nguyễn Minh Không nhà Lý tu hành và đặt tên cho ngôi chùa. Quốc sư đã phát hiện ra vẻ kỳ vĩ của ngôi chùa, phía tây dựa núi cảnh sắc yên bình mà đặt dựng lên ngôi chùa Bái Đính này.

Nhắc đến Quốc sư Nguyễn Minh Không là nhắc đến một hiền tài của dân tộc. Ông không chỉ góp phần khai sáng nền tâm linh mà còn là ông tổ của ngành chữa bệnh bằng thuốc Nam. Ông đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua Lý Thần Tông, được phong là đức Thánh Nguyễn.

Không chỉ góp phần làm nên một nền y học lẫy lừng mà đức Thánh Nguyễn còn được biết đến là một trong những ông tổ của nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên Tứ đại khí nổi tiếng thời nhà Lý như tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, tượng phật Quỳnh Lâm, và vạc Phổ Minh.

Chính vì thế đến ngày nay chùa Bái Đính được mệnh danh là một trong những địa điểm hội tụ linh khí của trời đất, tâm linh của dân tộc và nhân kiệt xuất chúng. Thiên nhiên đã quá ưu ái khi ban tặng cho con người Ninh Bình một phong cảnh sơn thủy hữu tình và con người chính là những nhân tố quan trọng để tôn vinh vẻ đẹp đó. Chùa Bái Đính trở thành một trong những không gian văn hóa tâm linh độc đáo của cả nước. Nếu có dịp hành hương về vùng đất Phật linh thiêng này hãy đừng quên ghé thăm công trình kiến trúc đồ sộ này nhé.

Thuyết minh về chùa Bái Đính - Mẫu 3

Nước ta có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp có những giá trị độc đáo về văn hóa tâm linh của người Việt như: chùa Hương, chùa Yên Tử,... Một trong số đó phải kể đến chùa Bái Đính – nét đẹp tâm linh giữa lòng cố đô Hoa Lư.

Chùa Bái Đính là khu du lịch tâm linh xác lập nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam, là công trình của doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An. Có thể nói đây là ngôi chùa lớn nhất và nhiều kỷ lục nhất của Việt Nam. Chùa được hình thành từ hơn nghìn năm trước, trên đất Ninh Bình trong khoảng từ thời nhà Đinh đến nhà Lý bởi ba triều đại này đều rất quan tâm đến Phật giáo và đưa Phật giáo lên làm quốc sách hàng đầu cùng với việc xây dựng nhiều chùa chiền. Quần thể chùa Bái Đính hiện nay gồm hai khu: khu chùa cổ và khu chùa mới, nằm trên núi Tràng An.

Trải qua hàng ngàn năm đổi thay với những biến động lịch sử, chùa cổ Bái Đính vẫn giữ nét đẹp kiến trúc độc đáo của các triều đại xưa. Nơi đây nằm cách điện Tam Thế của khu chùa Mới 800m về phía Nam, mặt chùa quay về hướng chính Tây, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn - vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm, là một trong ba đền thờ thần của Hoa Lư tứ trấn ra đời dưới triều Đinh, ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian: đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Đặc biệt phải kể đến đền thờ thánh Nguyễn - người sáng lập chùa Bái Đính Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không, ông là là một thiền sư, pháp sư tài danh của thời đại nhà Lý. Sử cũ kể lại, ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra hang động đẹp, liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Không chị vậy ông còn có nhiều đóng góp lớn như có công trong việc chế tạo “ tứ đại khí”, tổ sư nghề đúc đồng,.. vì thế mà ông được nhân dân lập đền thờ xưng thánh, đền nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng. Ngoài ra còn có giếng ngọc được xác nhận là giếng lớn nhất Việt Nam, tương truyền Nguyễn Minh Không đã lấy nước nơi đây để chữa bệnh cho dân và cho vua Lý Thần Tông. Có thể nói, khu chùa cổ Bái Đính có lịch sử hình thành từ nhà Đinh nhưng đến thời nhà Lý chùa cổ mới được hoàn thiện, mang đậm nét kiến trúc thời Lý.

Khu chùa mới được xây dựng vào năm 2003, có những nét đẹp kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc. Kiến trúc nơi đây nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng, sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm… Đặc biệt chùa mới có vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng tạo nên sự khác biệt với mái vòm thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết kiến trúc nơi đây mang dấu ấn của những làng nghề truyền thống Việt Nam bởi chúng là sản phẩm của 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, chạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm… các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng… tạo nên vẻ đẹp thuần Việt cho chùa mới. Chùa gồm cổng Tam Quan với hai tượng Hộ pháp (ông Thiện và ông Ác), hành lang La Hán với 500 tượng đá mang những vẻ mặt khác nhau, các điện chính như điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, tháp chuông, đây là nơi thờ Phật. Ngoài ra còn có tượng Di Lặc - tượng lớn nhất Việt Nam nằm trên một ngọn đồi của chùa và Bảo Tháp trưng bày xá lợi Phật linh thiêng từ Ấn Độ và Miến Điện.

Lễ hội chùa Bái Đính là lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Không chỉ có những nét đẹp kiến trúc đồ sộ, độc đáo mà nơi đây còn có những giá trị đặc sắc về lịch sử phong kiến xưa, về văn hóa tâm linh, đời sống tâm linh của người Việt và giá trị du lịch cao, thu hút nhiều du khách tứ phương cũng như người dân bản địa đến tham quan, cúng thờ, thắp hương cầu may. Với những giá trị đó, Ninh Bình chính là niềm tự hào của người dân cố đô Hoa Lư nói chung và người Việt Nam nói riêng, quảng bá vẻ đẹp của một nền văn hóa tâm linh của Việt Nam đến với các bạn bè quốc tế.

Thuyết minh về chùa Bái Đính - Mẫu 4

Ai là con cháu Rồng Tiên
Tháng hai nhớ hội Trường Yên mà về
Về thăm đất cũ Đinh, Lê
Non xanh nước biếc bốn bề như xưa”

Ninh Bình, miền đất cố đô Hoa Lư ngày trước, nổi tiếng với nhiều nét đẹp văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, lưu giữ những giá trị lịch sử trường tồn như khu di tích cố đô Hoa Lư, di sản văn hóa thiên nhiên Tràng An,…. Một trong số đó phải kể đến chùa Bái Đính.

Chùa Bái Đính là một quần thể du lịch tâm linh của doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An và là ngôi chùa lớn nhất, xác lập nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam. Chùa được ra đời trong khoảng thời gian từ triều Đinh đến triều Lý bởi ở giai đoạn này nhà nước vô cùng quan tâm đến Phật giáo, đưa Phật giáo lên làm quốc sách, xây dựng nhiều công trình chùa chiền, kiến trúc mang hơi hướng Phật giáo, trong đó có chùa Bái Đính.

Điểm đặc biệt làm nên vẻ đẹp Bái Đính nằm ở nét kiến trúc đặc sắc, độc đáo, chùa gồm hai khu: khu chùa cổ và khu chùa mới. Khu chùa cổ nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới 800m về phía Nam, mặt chùa quay về hướng chính Tây, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn - vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm, là một trong ba đền thờ thần của Hoa Lư tứ trấn ra đời dưới triều Đinh, ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Chùa cổ Bái Đính có lịch sử hình thành từ thời Đinh nhưng những chi tiết kiến trúc, di vật cổ lại mang đậm dấu ấn thời Lý. Nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian: đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Đặc biệt phải kể đến đền thờ thánh Nguyễn - người sáng lập chùa Bái Đính Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không, đền nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng. Nguyễn Minh Không là một thiền sư, pháp sư tài danh, đóng góp nhiều công lao cho nhà Lý.Theo các tài liệu sử học, ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra hang động đẹp, liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Ngoài ra còn có giếng ngọc được xác nhận là giếng lớn nhất Việt Nam, tương truyền Nguyễn Minh Không đã lấy nước nơi đây để chữa bệnh cho dân và cho vua Lý Thần Tông. Tiếp đến là khu chùa mời, được xây dựng vào năm 2003, nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng, sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm… Đặc biệt chùa mới có vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng tạo nên sự khác biệt với mái vòm thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết kiến trúc nơi đây mang dấu ấn của những làng nghề truyền thống Việt Nam bởi chúng là sản phẩm của 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, chạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm… các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng… tạo nên vẻ đẹp thuần Việt cho chùa mới. Chùa gồm cổng Tam Quan với hai tượng Hộ pháp (ông Thiện và ông Ác), hành lang La Hán với 500 tượng đá mang những vẻ mặt khác nhau, các điện chính như điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, tháp chuông, đây là nơi thờ Phật. Ngoài ra còn có tượng Di Lặc - tượng lớn nhất Việt Nam nằm trên một ngọn đồi của chùa và Bảo Tháp trưng bày xá lợi Phật linh thiêng từ Ấn Độ và Miến Điện. Lễ hội chùa Bái Đính là lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Lệ hội nơi đây gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian, tham quan hang động, thưởng thức những làn điệu Chèo, Xẩm.

Có thể nói chùa Bái Đính là sự kết hợp vô cùng hài hòa giữa xưa và nay, giữa cổ điển và hiện đại, có nhiều giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa tâm linh. Đến với nơi đây, tâm hồn ta như được giải tỏa, thư thái, nhẹ nhõm, những nỗi phiền lo, căng thẳng bị gác lại để hòa vào không khí linh thiêng, trầm lắng. Chùa Bái Đính chính là niềm tự hào của người dân cố đô Hoa Lư cũng như của bao người con đất Việt.

Về với vùng đất Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, ngoài những nét đẹp về kiến trúc đồ sộ, độc đáo, nơi đây còn có những giá trị đặc sắc về lịch sử phong kiến xưa, là một trong những điểm đến cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cúng bái, thắp hương cầu may

Thuyết minh về chùa Bái Đính - Mẫu 5

Một ngôi chùa được coi là to và đẹp nhất Việt Nam đó chính là chùa Bái Đính, nằm trong một thung lũng mênh mang hồ và núi đá, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Trên đỉnh núi là Điện Tam Thế, được thiết kế 3 tầng mái cong, có 12 mái 4 phía, cao 30m, rộng 47m, dài 52m

Từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) đi vào đến núi Bái Đính chỉ khoảng 20km. Cách xa 2-3km đã thấy 2 ngôi chùa như hai búp sen khổng lồ mọc vững chãi trên vách núi, nối tiếp nhau, với những mái đao cong vút, xanh biếc. Tòa nằm phía trước, bên dưới gọi là Pháp Chủ điện. Tòa nằm phía trên, cách khoảng 100m, gọi là Tam Thế điện.

Chùa trong quần thể chùa Bái Đính. Phía ngoài cùng, ngay con đường quanh co dẫn lên chùa, cách Pháp Chủ điện khoảng 300m là gác chuông 3 tầng, 24 mái. Đây là nơi sẽ đặt một quả chuông nặng tới 36 tấn. Hiện tại, hai hạng mục gồm cổng tam quan (chạy dài hơn 200m) và hai hành lang tượng La Hán (nằm ở hai bên, dẫn từ cổng tam quan lên gần sát Tam Thế điện với chiều dài khoảng 500m, mỗi bên đặt 250 tượng La Hán bằng đá trắng) mới bắt đầu được động thổ.

Chùa Bái Đính, Ninh Bình với quả đại hồng chung bằng đồng nặng nhất Việt Nam 36 tấn (phá kỷ lục PGVN). Cả một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính, nhìn ra hồ Đầm Thị ở phía Bắc và xa hơn nữa là sông Hoàng Long. Đứng ở sân chùa Bái Đính trông ra, bốn bề là cảnh sông nước và núi đá vôi rất hữu tình, mang nét đặc trưng hiếm có của vùng Gia Viễn (Ninh Bình)- vốn được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”.

Chùa Bái Đính, Ninh Bình với giếng nước lớn nhất Việt Nam. Mặc dù đến nay, ngôi chùa vẫn chưa xây dựng xong, mới hoàn tất được khoảng 70% công việc, xây dựng chùa, nếu tính cả dự án gồm nhiều hạng mục như hồ, suối, khu vui chơi giải trí, hang động, đường sá… thì mới chỉ đạt 30%, nhưng danh tiếng của nó đã lan rộng ra khắp các vùng vì những kỷ lục đáng ngạc nhiên mà từ xưa đến nay chưa từng gặp ở Việt Nam.

Kỷ lục đầu tiên chính là sự bề thế và hoành tráng của ngôi chùa. Ngôi Tam Thế điện có diện tích lên tới 2.400m2, gồm 12 mái, với những cây cột cao từ 22-30m. Mỗi cây cột có đường kính 80-90cm, 2-3 vòng tay người ôm. Ngôi Pháp Chủ điện, cây cột cao nhất cũng lên tới 27m và rộng gần 2.000m2 (trong khi những ngôi chùa lớn hiện nay cũng chỉ rộng 150m2). Bước vào, khách phải ngước lên mỏi cổ mới nhìn thấy xà nhà. Bên trong chằng chịt giàn giáo xây dựng.

Thuyết minh về chùa Bái Đính - Mẫu 6

Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, nằm ở phía Tây khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang có nhiều tượng Phật nhất...là sự tiếp nối tâm linh từ ngàn năm trước chuyển tiếp đến ngàn năm sau.

Với kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy, những pho tượng có nét uy nghi, bao dung, nghệ thuật chạm khắc, đúc đồng tinh tế, tài tình cùng cảnh quan hùng vĩ, núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi, không gian tâm linh thanh tịnh bao trùm khiến mỗi khi bước chân đến đây, người người thư thái, lòng sáng, tâm tịnh, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ.

Đặt chân đến Bái Đính, ta có thể chiêm ngưỡng ngay trước mắt Tam Quan hoành tráng cao gần 17 mét. Đây chính là ranh giới giữa cõi thiêng và cõi tục. Chỉ cần bước chân qua Tam Quan, người ta có thể hòa mình vào không gian tâm linh thanh tịnh. Tiếp đó là chuông đồng nặng 36 tấn, được treo trên tháp cao với tiếng ngân vang vọng, lan tỏa khắp nơi, xua tan mọi nỗi thống khổ, cảnh tỉnh chúng sinh.

Hành lang dài với 500 vị La Hán, là con đường đưa ta đến gần với cõi Phật. Các pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn nhất Việt Nam mang trên mình bao nét uy nguy, bác ái, đem niềm tin về những điều thiện gieo vào lòng người. Một công trình kiến trúc đồ sộ, tinh tế được đặt giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Nhìn từ xa, khu chùa Bái Đính như đang tựa mình bên sườn đồi xanh thẳm. Cảnh sắc lung linh huyền ảo cùng không gian thiêng rộng lớn đã đưa Bái Đính trở thành một bức tranh tâm linh vừa tuyệt mĩ, vừa cổ kính.

Nói đến Bái Đính là nói đến vùng đất "địa linh - nhân kiệt". Đây là nơi mà Quốc sư Nguyễn Minh Không thời nhà Lý tu Phật và hành lễ trên đỉnh núi rồi đặt tên cho núi, cho chùa. Dấu chân của đức Thánh Nguyễn dày đặc khắp các nơi. Ông sinh ra tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Sinh thời, Nguyễn Minh Không là một thầy thuốc tài ba bậc nhất, là một nhà sư tài cao đức trọng. Ông đã phát hiện ra nơi tiên cảnh, núi lại hướng về phía Tây như chầu về đất Phật, rừng núi mênh mông với muôn vàn cây thuốc quý. Và ông đã dừng lại nơi đây để tu hành và biến nơi đây thành "vườn sinh dược" (có nghĩa là vườn thuốc quý) để cứu sinh độ thế muôn dân. Ông đã trực tiếp bốc thuốc chữa bệnh cho chúng sinh nhờ vào những loại thuốc quý có sẵn nơi đây và một số loại ông đưa từ nơi khác về trồng. Qua đây, ta có thể thấy sự nghiệp tu hành của đức Thánh Nguyễn gắn liền với "cứu nhân độ thế". Ông còn được coi là thần y khi chữa bệnh "hóa hổ" cho nhà vua Lý Thần Tông (1128-1138). Lưu truyền rằng: Khi sư Đạo Hạnh sắp trút xác, bèn đem thuốc và thần chú giao cho Nguyễn Minh Không và căn dặn "20 năm sau nếu thấy Quốc Vượng bị bệnh nặng thì đến chữa ngay". Sau khi thiền sư Đạo Hạnh hóa đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế. Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 Vua Lý Thần Tông bệnh nặng, mình mọc đầy lông lá, tiếng như hổ gầm, quan quân vô cùng sợ hãi. Các danh y tài giỏi từ khắp nơi được triệu đến chữa bệnh cho vua nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Khi đó trong dân gian, xuất hiện bài đồng dao của lũ trẻ chăn trâu rằng:

"Bổng bồng bông, tập tầm vông
Ở làng Điềm xá, có Nguyễn Minh Không
Chữa được bệnh cho Đức Thần Tôn"

Nguyễn Minh Không lúc bấy giờ đang tu hành ở núi chùa Bái đính, được mời về Kinh đô để chữa bệnh cho nhà vua. Khi đến nơi, ai ai cũng nhìn ông với ánh mắt nghi ngờ, có người dè bỉu vì vẻ bề ngoài quê mùa của ông, Nguyễn Minh Không liền lấy một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc đóng sâu vào chiếc cột lim rồi nói: "Ai rút được chiếc đinh này ra thì người đó sẽ chữa được bệnh cho nhà vua". Tất cả các danh y dù trong lòng có chút nghi ngờ nhưng vẫn tranh nhau mặc sức nhổ chiếc đinh đó, nhưng không tài nào nhổ được. Lúc đó, Nguyễn Minh Không chỉ dùng hai ngón tay kẹp lại, rồi nhẹ nhàng nhổ nhẹ chiếc đinh ra khỏi cột, khiến cho mọi người không khỏi khiếp phục.

Tiếp đó, ông sai lấy một vạc dầu lớn đun sôi, thả vào đó một trăm chiếc kim và hỏi: "Có ai dùng tay lấy đủ 100 chiếc kim trong này ra không?". Tất cả đều rùng mình lắc đầu không dám. Ông liền thò tay vào vạc dầu đang sôi sùng sục, quậy lên khoảng ba bốn lần rồi vớt đủ 100 cái kim. Sau đó, Nguyễn Minh Không lấy nước dầu sôi tắm cho nhà vua, lấy kim châm vào các huyệt, dầu dội đến đâu, lông lá trút hết đến đó. Bệnh liền bớt ngay. Nhà vua, các quan thần cũng như những người có mặt ở đó vô cùng kính phục trước tài phép của Nguyễn Minh Không.

Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Ông trở thành vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu. Là một nhân vật có thật, có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân nhưng đôi khi có những "hành trạng" kỳ bí, thực thực hư hư nên người Việt tôn sùng ông là đức Thánh Nguyễn.

Không chỉ là một danh y nổi tiếng mà Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên "Tứ đại khí" nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý là Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, và vạc Phổ Minh. Tương truyền rằng, ông một mình sang Trung Quốc để chữa bệnh cho Thái tử con vua phương Bắc. Được vua thưởng cho nhiều vàng, bạc, châu báu nhưng Nguyễn Minh Không chỉ xin một ít đồng đựng đầy túi ba gang của mình. Nhà vua nhìn thấy chiếc túi của ông, liền đồng ý, cho phép ông vào kho lấy đồng. Kỳ lạ thay, ông đã thu hết cả mười kho đồng mà vẫn chưa đầy túi ba gang. Sau đó, ông mang túi đồng xuống thuyền để về nước, nhưng không chiếc thuyền nào chịu nổi sức nặng của lượng đồng ông mang theo. Do đó, ông bèn cưỡi nón tu lờ thay cho thuyền để xuôi về quê hương. Về nước, Nguyễn Minh Không đã mang lượng đồng gom được từ Bắc quốc, đúc thành bốn vật báu quý giá của nước ta: Tháp Báo Thiên cao 20 trượng; gồm 12 tầng với đỉnh tháp hoàn toàn bằng đồng, các tầng còn lại được chạm khắc tinh tế bằng gạch, đá; chuông Quy Điền nặng gần 8 tấn đồng; tượng Phật Quỳnh Lâm cao tới sáu trượng, vạc Phổ Minh sâu tới 4 thước. Ông là người có công lao to lớn, đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phát triển văn hóa dân tộc Việt về các mặt: Y học, kiến trúc mỹ nghệ, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam, truyền từ đời này sang đời khác. Mang trong mình lòng khâm phục và sự biết ơn, người dân Ninh Bình, Nam Định cũng như một số tỉnh thành khác đã đúc tượng, lập đền thờ để đức Thánh Nguyễn trường tồn mãi cùng thời gian.

Có thể nói Bái Đính là nơi hội tụ của linh khí núi sông, của tâm linh dân tộc và của nhân kiệt xuất chúng. Thiên nhiên tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho những người con Ninh Bình phong cảnh sơn thủy kỳ thú, nhưng cũng chính con người cũng góp phần tôn vinh và làm đẹp thêm phong cảnh của tạo hóa. Tất cả những điều đó đã đưa Bái Đính trở thành một viên ngọc sáng lấp lánh, đa sắc màu, ngàn năm tâm linh, ngàn năm huyền thoại.

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 160
  • Lượt xem: 44.270
  • Dung lượng: 348,8 KB
Liên kết tải về

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 9
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan