Luyện từ và câu: Ôn tập về dấu câu (Dấu phẩy) trang 133 (tiếp) Luyện từ và câu lớp 5 Tuần 31 - Tiếng Việt Lớp 5 tập 2

Ôn tập về dấu câu (Dấu phẩy) - Tuần 31 giúp các em học sinh lớp 5 nhanh chóng trả lời các câu hỏi SGK Tiếng Việt 5 Tập 2 trang 133, 134. Nhờ đó, các em sẽ biết cách sử dụng dấu phẩy trong câu cho đúng quy tắc.

Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Luyện từ và câu Tuần 31 cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ôn tập thật tốt kiến thức cho tiết Luyện từ và câu.

Hướng dẫn giải Luyện từ và câu SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 133, 134

Câu 1

Nêu tác dụng của các dấu phẩy được dùng trong các đoạn văn dưới đây:

a) Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp hài hoà giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.

Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

Theo TRẦN NGỌC THÊM

b) Cơn bão dữ dội bất ngờ nổi lên. Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng. Hai tiếng đồng hồ trôi qua... Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lớn. Quang cảnh thật hỗn loạn.

Theo A-MI-XI

Trả lời:

a. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài “tân thời”.

⟶ Tác dụng của dấu phẩy: Ngăn cách trạng ngữ với CN và VN.

* Chiếc áo dài tân thời là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.

⟶ Tác dụng của dấu phẩy: Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.

* Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

⟶ Tác dụng của dấu phẩy: Ngăn cách trạng ngữ với CN và VN, ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.

b. Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng

⟶ Tác dụng của dấu phẩy:Ngăn cách các vế câu trong câu ghép.

* Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lơn.

⟶ Tác dụng của dấu phẩy:Ngăn cách các vế câu trong câu ghép.

Câu 2

Đọc mẩu chuyện vui dưới đây và trả lời câu hỏi:

Anh chàng láu lỉnh

Ngày trước, bò nuôi chỉ để cày ruộng, con nào không cày được mới đem làm thịt. Một hôm, có anh hàng thịt viết đơn xin xã cho thịt một con bò. Thấy con bò còn khoẻ, lại đang giữa vụ cày nên cán bộ xã phê vào đơn: "Bò cày không được thịt."

Anh kia về cứ đem bò ra mổ. Xã gọi lên phạt, anh chàng liền chìa đơn ra cãi :

- Bò cày không được, xã đã cho phép tôi thịt rồi.

TRẦN MẠNH THƯỜNG sưu tầm

a) Anh hàng thịt đã thêm dấu câu gì vào chỗ nào trong lời phê của xã để hiểu là xã đồng ý cho làm thịt con bò?

b) Lời phê trong đơn cần được viết như thế nào để anh hàng thịt không thể chữa một cách dễ dàng?

Trả lời:

a) Anh hàng thịt đã thêm dấu câu nào vào lời phê của xã để hiểu là xã đồng ý cho làm thịt con bò: Bò cày không được, thịt.

b) Lời phê trong đơn cần được viết để anh hàng thịt không thể chữa một cách dễ dàng: Bò cày, không được thịt.

Câu 3

Trong đoạn văn sau có 3 dấu phẩy đặt sai vị trí. Em hãy sửa lại cho đúng.

Sách Ghi-nét ghi nhận, chị Ca-rôn là người phụ nữ nặng nhất hành tinh. Ca-rôn nặng gần 700kg nhưng lại mắc bệnh còi xương. Cuối mùa hè, năm 1994 chị phải đến cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Phơ-lin, bang Mi-chi-gân, nước Mĩ. Để có thể, đưa chị đến bệnh viện người ta phải nhờ sự giúp đỡ của 22 nhân viên cứu hoả.

Theo MỘT CỬA SỔ NHÌN RA THỂ GIỚI

Trả lời:

* Các câu văn dùng sai dấu phẩy:

  • Sách Ghi-nét ghi nhận, chị Ca-rôn là người phụ nữ nặng nhất hành tinh.
  • Cuối mùa hè, năm 1994 chị phải đến cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Phơ-lin, bang Mi-chi- gân, nước Mĩ.

Để có thể, đưa chị đến bệnh viện người ta phải nhờ sự giúp đỡ của 22 nhân viên cứu hoả.

* Sửa lại:

  • Sách Ghi-nét ghi nhận chị Ca-rôn là người phụ nữ nặng nhất hành tinh. (bỏ 1 dấu phẩy dùng thừa)
  • Cuối mùa hè năm 1994, chị phải đến cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Phơ-lin, bang Mi-chi- gân, nước Mĩ. (đặt lại vị trí 1 dấu phẩy).
  • Để có thể đưa chị đến bệnh viện, người ta phải nhờ sự giúp đỡ của 22 nhân viên cứu hoả.

Cách sử dụng dấu phẩy

1. Dấu phẩy được dùng để chỉ ranh giới bộ phận nòng cốt với thành phần ngoài nòng cốt của câu đơn và câu ghép.

  • Thành phần ngoài nòng cốt có thể là các thành phần than gọi, chuyển tiếp, chú thích, tình huống, khởi ý.
  • Khi thành phần tình huống đặt ở đầu câu, dấu phẩy có thể được lược bớt, nếu thành phần đó là một danh ngữ có cấu tạo đơn giản dùng để chỉ thời gian, nơi chốn.
  • Khi thành phần ấy là do động từ hay tính từ đảm nhiệm và đặt ở cuối câu thì rất cần dấu phẩy giữa nó và nòng cốt.

2. Dấu phẩy dùng để chỉ ranh giới giữa các yếu tố trong liên hợp, nhất là liên hợp qua lại.

  • Giữa các yếu tố của một liên hợp song song, khi đã dùng kết từ thì thường lược bớt dấu phẩy.
  • Giữa các yếu tố của một liên hợp song song có tính chất ổn định hoá, dấu phẩy cũng thường được lược bớt.

3. Dấu phẩy dùng để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép (song song hay qua lại).

Khi có dùng kết từ trong câu ghép song song hay qua lại thì có thể lược bớt dấu phẩy giữa các vế.

4. Dấu phẩy có thể dùng để chỉ ranh giới giữa phần đề và phần thuyết trong những trường hợp sau đây:

  • Khi phần đề làm thành một đoạn khá dài.
  • Khi lược bớt động từ trong câu luận.
  • Khi phần thuyết được đặt trước phần đề

Ngoài những trường hợp vừa kể thì giữa phần đề và phần thuyết của nòng cốt câu đơn, nói chung, không dùng dấu phẩy.

5. Dấu phẩy còn dùng vì lẽ nhịp điệu trong câu, nhất là khi nhịp điệu có tác dụng biểu cảm.

6. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu phẩy. Nói chung, quãng ngắt ở dấu phẩy tương đối ngắn, so với những dấu đã nói trên.

Bài tập Ôn tập về dấu câu (Dấu phẩy) trang 133 (tiếp)

Câu 1: Với nội dung sau đây, con hãy đặt một dấu câu phù hợp:

Bày tỏ sự yêu thích của con trước cái áo mà bạn con đang mặc

A. Bạn mặc chiếc áo này đẹp đấy?
B. Bạn mặc chiếc áo này đẹp đấy.
C. Bạn mặc chiếc áo này đẹp đấy!
D. Bạn mặc chiếc áo này đẹp đấy

Đáp án: C

Câu 2: Với nội dung sau đây, con hãy đặt một dấu câu phù hợp:

Bày tỏ sự tò mò, thắc mắc trước một vấn đề mà con còn chưa được rõ

A. Cậu là Minh có phải không?
B. Cậu là Minh có phải không!
C. Cậu là Minh có phải không.
D. Cậu là Minh có phải không:

Đáp án: A

Câu 3: Với nội dung sau đây, con hãy đặt một dấu câu phù hợp:

Thể hiện yêu cầu, nguyện vọng mong muốn bạn mình thực hiện.

A. Trời nóng quá, mở cửa giúp tớ với.
B. Trời nóng quá, mở cửa giúp tớ với?
C. Trời nóng quá, mở cửa giúp tớ với!
D. Trời nóng quá, mở cửa giúp tớ với:

Đáp án: C

Câu 4: Điền dấu câu thích hợp vào chỗ trống trong câu chuyện sau đây:

Cô giáo viết lên bảng một câu ghép ....

“Mặc dù tên cướp rất hung hăng ..... gian xảo nhưng cuối cùng hắn vẫn phải đưa tay vào còng số 8 ....”

Rồi cô hỏi ....

- Em nào cho cô biết chủ ngữ của câu trên ở đâu ....

Hùng nhanh nhảu ....

- Thưa cô ..... chủ ngữ đang nằm trong nhà giam ạ .....

Đáp án:

Cô giáo viết lên bảng một câu ghép ( : )

“Mặc dù tên cướp rất hung hăng ( , ) gian xảo nhưng cuối cùng hắn vẫn phải đưa tay vào còng số 8 ( . )”

Rồi cô hỏi ( : )

- Em nào cho cô biết chủ ngữ của câu trên ở đâu ( ? )

Hùng nhanh nhảu ( : )

- Thưa cô ( , ) chủ ngữ đang nằm trong nhà giam ạ ( ! )

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 25
  • Lượt xem: 5.428
  • Dung lượng: 229,5 KB
Sắp xếp theo