Văn mẫu lớp 11: Đoạn văn bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều Những bài văn hay lớp 11
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều trong một lần được Nguyễn Du miêu tả là một trong những chủ đề rất hay thuộc chương trình Ngữ văn 11 sách Kết nối tri thức với cuộc sống tập 2.
Viết đoạn văn bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều mang đến đoạn văn mẫu siêu hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 11 có thêm nhiều gợi ý ôn tập, trau dồi kiến thức, biết cách làm để nhanh chóng trả lời câu hỏi 4 trang 28 SGK Ngữ văn 11 tập 2. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: viết đoạn văn chỉ ra biểu hiện của sự “hiểu” và “thương" trong Trao duyên, tóm tắt Truyện Kiều.
Viết đoạn văn bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều
Tiếng đàn là một ngôn ngữ đặc biệt biểu hiện trực tiếp tâm trạng nạn nhân của Kiều.Cảm hứng bi kịch thích hợp với tiếng đàn nên Từ Hải không được nghe đàn lần nào mặc dù Từ là tri âm tri kỷ. Sống với Từ Hải phần nạn nhân trong tâm hồn Kiều coi như bị tiêu vong nên khúc “Bạc mệnh” kia không còn lý do tồn tại. Từ Hải chết, con người nạn nhân trong Kiều sống lại dữ dội nên tiếng đàn cũng ùa trở về với một sắc thái bi thảm chưa từng thấy. Tiếng đàn là ngôn ngữ không biết nói dối. Tiếng đàn không hề có chức năng che dấu tâm trạng mà có chức năng giải tỏa tâm trạng, nó có một phép màu nhiệm khiến cho ngay cả khi nó cất lên tiếng “ca vui đầm ấm dung hòa” mà một kẻ như Hồ Tôn Hiến cũng thấu hiểu được tâm trạng đó là “muôn oán nghìn sầu”, buồn thấm thía. Khi nó xuất hiện trước Kim Trọng, tính chất nạn nhân của nó bộc lộ theo một kiểu khác, không phải để nguyền rủa để tố cáo, để lên án, nên cái anh chàng Kim Trọng mới có lúc bị lừa: Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy? Anh ta bị Nguyễn Du “tiêm” thứ thuốc mê lý tưởng hóa vào để lừa đấy thôi, lúc ấy mà anh ta còn nghe thấy tiếng nói nạn nhân nữa thì đoạn đoàn viên như thế là hỏng bét! Và có lẽ sự lạc quan của Kim Trọng cũng là một cách “chiêu tuyết” cho Kiều chăng? Ngày xưa, anh ta là tri âm của Kiều, chính Kiều cũng công nhận (“Đã cam tệ với tri âm bấy chầy”), nhưng bây giờ đoàn viên thì anh ta không còn là tri âm nữa. Bởi vì đôi tai của con người kiểu Kim Trọng vốn là như thế, nó quá tinh đến nỗi nghe được những âm vang từ một cõi siêu hình mà tai trần không nghe thấy được, nhưng nó lại cố điếc đến nỗi không nghe thấy những âm vang từ cuộc đời “quằn quại vũng lầy” mà ai cũng thấy văng vẳng bên tai. Vì vậy, khi con người nạn nhân của Kiều đã nhiễm những kinh nghiệm thực tiễn thì nó mất đi một tri âm tự nguyện là Kim Trọng và thêm vào những kẻ tri âm bất đắc dĩ là Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến.