Văn mẫu lớp 8: Cảm nhận về bài thơ Đi đường (Dàn ý + 4 mẫu) Bài thơ Đi đường (Tẩu Lộ) của Hồ Chí Minh
TOP 4 bài Cảm nhận về bài thơ Đi đường SIÊU HAY, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 8 thấy rõ những khó khăn, gian khổ, cùng sự kiên cường, rắn rỏi, đầy lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
Bài thơ Đi đường - Tẩu lộ của Hồ Chí Minh gửi gắm chân lý cho dù gian khổ, khó khăn, gập ghềnh, nhưng chỉ cần ý chí quyết tâm, nhất định sẽ đi tới vinh quang. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 8:
Đề bài: Cảm nhận về bài thơ "Đi đường" của Hồ Chí Minh.
Cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh
Dàn ý Cảm nhận về bài thơ Đi đường
1. Mở bài
- Giới thiệu về Bác Hồ
- Giới thiệu về bài thơ: Nằm trong tập "Nhật kí trong tù"
- Ý nghĩa của bài thơ: Ca ngợi tinh thần, ý chí vượt gian khổ của Bác.
2. Thân bài
- Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ:
- Được sáng tác khi Người bị giam ở nhà từ Tưởng Giới Thạch
- Sau những lần chuyển lao vất vả
- Ý nghĩa bài thơ gửi gắm:
- Ghi lại chân thực những khó khăn Hồ Chí Minh trải qua
- Khẳng định triết lý: Vượt qua hết thử thách sẽ tới thành công.
- Phân tích nội dung bài thơ:
- Câu một: Lời nhận xét, chiêm nghiệm từ thực tế.
- Câu thơ là lời nhận xét từ kinh nghiệm di chuyển của người tù với xiềng xích
- Bác Hồ thấu hiểu những khó khăn, gian khổ ấy
- "Tẩu lộ": Lặp lại, cho thấy những chặng đường dài cứ nối tiếp nhau, không thấy đích đến.
→ Khó khăn chồng chất, đường dài kéo lê chân người tù, miêu tả chân thực hiện thực→ Rút ra kinh nghiệm sống: Phải bắt tay vào công việc mới thấy được khó khăn.
→ Những khó khăn mà Cách mạng đang gặp phải trong những buổi đầu.
- Câu hai: Những khó khăn, gian lao chồng chất trước mắt Bác Hồ:
- Núi non liên tiếp xuất hiện trước tầm mắt
- Điệp từ "trùng san": xuất hiện ở đầu và cuối câu → Núi non trập trùng trước mắt, kéo dài bất tận không ngớt.
- Người tù phải trải qua hết khó khăn này tới khó khăn khác, phải vượt chặng đường dài → Khó khăn vất vả.
- Miêu tả chặng đường Cách mạng với nhiều khó khăn trước mắt, cần người chiến sĩ Cách mạng có ý chí kiên cường.
- Hai câu thơ cuối: Khẳng định kết quả sau khi vượt qua mọi khó khăn:
- Câu ba: Hình ảnh núi non tiếp nối, nhịp điệu câu thơ dồn dập, hối hả tiến về phía trước, bước chân tới "tận cùng" đỉnh núi.
- Câu bốn: Niềm hạnh phúc vỡ òa khi được đứng trước thiên nhiên rộng lớn.
- Nhịp thơ ở đây nhanh, mạnh mẽ, hối hả, cảm xúc vui sướng dạt dào.
- Hình ảnh Hồ Chí Minh vui sướng như được tự do khi đứng trước thiên nhiên.
→ Muốn khẳng định: Con đường Cách mạng phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng khi vượt qua hết, nhất định sẽ có được thắng lợi vẻ vang.
- Kết luận chung:
- Bài thơ là bức tranh hiện thực của Hồ Chí Minh khi chuyển lao ở nhà tù Tưởng Giới Thạch.
- Bức tranh về ý chí kiên cường cũng như tâm hồn thơ đầy xúc cảm của một người chiến sĩ Cách mạng.
- Gửi gắm chân lý về cuộc đời cũng như con đường Cách mạng: gian khổ, khó khăn, gập ghềnh, cần ý chí kiên cường, nhưng thành công sẽ vô cùng xứng đáng.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề.
- Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ Cách mạng, thi nhân xuất sắc của dân tộc.
Cảm nhận về bài thơ Đi đường - Mẫu 1
"Đi đường" là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt số 30 trong "Nhật kí trong tù". Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải lui giải tới qua nhiều nhà tù trên tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trải qua bao cay đắng thử thách nặng nề, Người gửi gắm bao suy nghĩ, cảm xúc của mình vào bài thơ "Tẩu lộ" này. Nam Trân đã dịch thành thơ lục bát:
"Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non"
Bài thơ mang hàm nghĩa: tác giả mượn chuyện đi đường - để nêu lên cảm nhận đường đời vô cùng khó khăn, nguy hiểm; phải có quyết tâm cao, nghị lực mới chiến thắng thử thách, mới giành được thắng lợi vẻ vang.
Hai câu đầu trong bài thơ chữ Hán có nghĩa là:
"Có đi đường mới biết đường đi khó,
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác"
Câu thứ nhất nêu lên một kinh nghiệm, một chiêm nghiệm sống ở đời, đó là chuyện đi đường và bài học đi đường khó. Với nhà thơ, con đường được nói tới còn là con đường cách mạng vô cùng nguy hiểm: "Là gươm kề tận cổ, súng kề tai - Là thân sống chỉ coi còn một nửa" ("Trăng trối - Tố Hữu). Hình ảnh con đường được miêu tả bằng điệp ngữ "trùng san" đã làm nổi bật khó khăn, thử thách chồng chất, người đi đường luôn luôn đối diện với bao gian khổ. Câu thơ chữ Hán không hề có chữ "cao"', dịch giả đã thêm vào, người đọc thơ cần biết:
"Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng"
Hai câu thơ đầu về mặt văn chương chữ nghĩa không có gì mới. Ý niệm: "hành lộ nan" đã xuất hiện trong cổ văn hơn nghìn năm về trước. Thế nhưng vần thơ Hồ Chí Minh hay và sâu sắc ở tính nghiệm sinh; nó cho thấy trải nghiệm của một con người "ba mươi năm ấy chân không nghỉ" (Tố Hữu), để tìm đường cứu nước. Con đường mà người chiến sĩ ấy đã vượt qua đâu chỉ có "Núi cao rồi lại núi cao trập trùng" mà còn đầy phong ba bão táp, trải dài trải rộng khắp bốn biển năm châu:
"Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi..."
(Người đi tìm hình của nước)
Người xưa có nhắc: "Đọc sách người ấy, đọc thơ người ấy, phải biết con người ấy" là thế.
Hai câu cuối cấu trúc theo mối quan hệ điều kiện - hệ quả. Khi đã chiếm lĩnh được đỉnh cao chót vót (cao phong hậu) thì muôn dặm nước non (vạn lí dư đồ) thu cả vào tầm mắt:
"Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non"
Muốn vượt qua các lớp núi lên đỉnh cao chót vót thì phải có quyết tâm và nghị lực lớn. Chỉ có thế mới giành được thắng lợi vẻ vang, thu được kết quả tốt đẹp. Câu thơ Hồ Chí Minh hàm chứa bài học quyết tâm vượt khó, nêu cao ý chí và nghị lực trong cuộc sống để giành thắng lợi. Bài học "Đi đường" thật là vô giá đối với bất cứ ai.
"Nhật kí trong tù" có nhiều bài thơ viết về đề tài "đi đường" như "Thế lộ nan", "Tẩu lộ", "Lộ thượng",... Đó là những vần thơ giàu chất trí tuệ, mang ý vị triết lí, được đúc kết từ máu và nước mắt:
"Núi cao gặp hổ mà vô sự,
Đường phẳng gặp người bị tống lao"
....
Xử thế từ xưa không phải dễ,
Mà nay, xứ thế khó khăn hơn"
(Đường đời hiểm trở)
Bài thơ "Đi đường" cho ta bài học về đường đời nhiều khó khăn nguy hiểm, bài học về quyết tâm, vượt khó, vươn lên giành thắng lợi trên con đường đời. Mỗi cuộc đời là một trăm năm, ai cũng phải một trăm năm đi đường. Có con đường lao động mưu sinh, có con đường công danh lập nghiệp. Tuổi trẻ còn có con đường học tập. Bài thơ "Đi đường" trở thành hành trang cho mỗi chúng ta sức mạnh để vươn lên thực hiện ước mơ của mình.
Cảm nhận về bài thơ Đi đường - Mẫu 2
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam ta. Người không chỉ là một nhà cách mạng xuất sắc mà còn đồng thời là một thi nhân vô cùng tài ba. Sinh thời, sự nghiệp sáng tác của Người cũng vô cùng đồ sộ, trong đó nổi bật nhất là tập thơ "Nhật kí trong tù". Tập thơ gồm hai mươi bài thơ, là những tác phẩm được Người hoàn thành trong khi bị giam giữ ở nhà ngục Tưởng Giới Thạch. Trong số đó, "Đi đường" ( Tẩu lộ) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất, ca ngợi hình ảnh của người chiến sĩ Cách mạng trong gian lao.
Trong 14 tháng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943), Bác đã chuyển đi trên ba chục nhà lao thuộc 13 huyện của tỉnh Quảng tây (Trung Quốc).
Trong cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên cho biết: trong những lần bị áp giải đi ấy, Bác “bị trói giật khuỷu tay cổ mang xiềng xích (...) dầm mưa dãi nắng trèo núi qua truông... Đau khổ như vậy, nhưng Cụ vẫn vui vẻ...”. Bài thơ Đi đường khơi nguồn cảm hứng từ những lần chuyển lao đầy gian khổ ấy. Bài thơ trong nguyên tác bằng chữ Hán, đó là một bài thất ngôn tứ tuyệt (7 chữ, 4 câu).
Sách giáo khoa dùng bản dịch của Nam Trân - đã chuyển thể thơ thất ngôn tứ tuyệt sang thể thơ lục bát uyển chuyển, mềm mại, trôi chảy nhưng làm giảm đi giọng điệu rắn rỏi trong nguyên tác.
Hai câu đầu trong bài thơ chữ Hán có nghĩa là:
"Có đi đường mới biết đường đi khó,
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác".
Câu thứ nhất nêu lên một kinh nghiệm, một chiêm nghiệm sống ở đời, đó là chuyện đi đường và bài học đi đường khó. Với nhà thơ, con đường được nói tới còn là con đường cách mạng vô cùng nguy hiểm: "Là gươm kề tận cổ, súng kề tai - Là thân sống chỉ coi còn một nửa" ("Trăng trối - Tố Hữu). Hình ảnh con đường được miêu tả bằng điệp ngữ "trùng san" đã làm nổi bật khó khăn, thử thách chồng chất, người đi đường luôn luôn đối diện với bao gian khổ. Câu thơ chữ Hán không hề có chữ "cao"', dịch giả đã thêm vào, người đọc thơ cần biết:
"Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng".
Hai câu thơ đầu về mặt văn chương chữ nghĩa không có gì mới. Ý niệm: "hành lộ nan" đã xuất hiện trong cổ văn hơn nghìn năm về trước. Thế nhưng vần thơ Hồ Chí Minh hay và sâu sắc ở tính nghiệm sinh; nó cho thấy trải nghiệm của một con người "ba mươi năm ấy chân không nghỉ" (Tố Hữu), để tìm đường cứu nước. Con đường mà người chiến sĩ ấy đã vượt qua đâu chỉ có "Núi cao rồi lại núi cao trập trùng" mà còn đầy phong ba bão táp, trải dài trải rộng khắp bốn biển năm châu:
"Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi..."
(Người đi tìm hình của nước)
Người xưa có nhắc: "Đọc sách người ấy, đọc thơ người ấy, phải biết con người ấy" là thế.
Hai câu cuối cấu trúc theo mối quan hệ điều kiện - hệ quả. Khi đã chiếm lĩnh được đỉnh cao chót vót (cao phong hậu) thì muôn dặm nước non (vạn lí dư đồ) thu cả vào tầm mắt:
"Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non".
Ý thơ chính, nay đột ngột bộc lộ ở câu thơ cuối. Thường có hình ảnh gây ấn tượng nhất vì thể hiện ý thơ chính gắn với chủ đề bài thơ. Nghĩa là con đường núi trập trùng, cao chất ngất cũng như con đường đời cũng dài dằng dặc và con đường cách mạng chồng chất gian lao... nhưng không phải là vô tận. Người đi đường không nản chí, biết kiên nhẫn thì rồi cuối cùng sẽ lên đến đỉnh cao chót vót, sẽ đi tới đích và sẽ đứng trên đỉnh cao của chiến thắng vẻ vang.
Từ trên đỉnh cao ấy, người đi đường có thể ngắm nhìn bao quát cả đất trời bao la: “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Câu thơ ngụ ý sâu xa: hạnh phúc lớn lao của người cách mạng sau khi giành đưực thắng lợi vẻ vang là đã trải qua bao gian khổ, hi sinh.
Cảm nhận về bài thơ Đi đường - Mẫu 3
Có những bài thơ rung động lòng ta bởi những vẻ đẹp mượt mà, mềm mại của tâm tư, cảm xúc. Có những bài thơ lại làm xao xuyến trong ánh sáng lung linh lấp lánh của vẻ đẹp ngôn từ. Nhưng cũng có những bài thơ bình dị và chân phương, mộc mạc và đôn hậu kết tinh từ bao thăng trầm nếm trải của thi nhân đã đến với ta như một nốt trầm xao xuyến, đọng lại trong mỗi trái tim một mạch nguồn xúc cảm nhuần nhị mà sâu lắng vô bờ. "Đi đường" của Hồ Chí Minh là một bài thơ như thế. Bài thơ nhắn nhủ mọi người hãy giữ vững ý chí phấn đấu, chịu đựng mọi gian khổ hi sinh trên con đường đời của mình:
"Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại, hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian."
(Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.)
"Đi đường" là bài thơ trích trong tập "Nhật kí trong tù" - lúc bấy giờ Hồ Chí Minh đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải qua nhiều nhà tù trên tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc với bao cay đắng, thử thách nặng nề. Bài thơ được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt và được Nam Trân dịch thành bài thơ lục bát. Bài thơ mượn chuyện đi đường, thi nhân nêu lên cảm nhận đường đời vô cùng khó khăn, nguy hiểm, phải có quyết tâm cao, nghị lực lớn mới chiến thắng thử thách, mới giành được thắng lợi vẻ vang.
Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh đi đường của người tù là vô cùng khó khăn, gian khổ:
"Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại, hựu trùng san"
Có đi đường mới biết đường đi khó. Câu khai đề của bài thơ như một nhận xét, một trải nghiệm rút ra từ thực tế. Nếu Bác Hồ không đi đường nhiều đến thế thì có lẽ cũng không rút ra được kết luận đó. Bác Hồ bị bọn giặc giải đi hết nhà tù này đến nhà tù khác, phải chịu bao nhọc nhằn, vất vả gấp nhiều lần so với khách bộ hành bình thường. Câu thơ "Trùng san chi ngoại, hựu trùng san" gợi lên lớp lớp những dãy núi chồng chất, liên tiếp nhau. Người tù bị giải trên đường đi, không biết đâu là nơi cuối trời, vượt qua dãy núi này rồi lại tiếp đến một dãy núi khác tưởng như bất tận và chỉ dừng lại khi tới một nhà tù khác hoặc trời quá tối, có khi tạm nghỉ trên một đống rạ ngoài đồng trống. Câu thơ còn có ý nghĩa như một lời triết lý đầy suy ngẫm: con đường đi hay chính là con đường đời, con đường cách mạng, càng đi càng thấy khó khăn, chông gai chồng chất, đòi hỏi phải có ý chí nghị lực để vượt qua.
Hai câu thơ kết lại, hình ảnh người đi đường đứng trên đỉnh núi cao chót vót hiện lên thật hiên ngang với một tâm hồn phơi phới niềm vui:
"Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian."
(Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.)
Câu thơ thứ ba như cầu nối, mạch thơ tiếp tục diễn tả những dãy núi cao nhưng là một sự cao hơn, cao đến tận cùng. Nhịp thơ như nhanh hơn, khẩn trương hơn, có phần thanh thoát như một cuộc chuẩn bị. Phảng phất trong câu thơ một thứ âm nhạc tâm hồn khoan khoái, xốn xang. Vậy điều gì đã xảy ra sau đó? Một sự gục ngã? Một sự chiến thắng? Người đọc đã trút đi được gánh nặng ngàn cân và thở phào nhẹ nhõm bởi câu thơ kết: "Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non". Chỉ trong chớp mắt, tình thế đã thay đổi, tâm trạng đã thay đổi. Từ tư thế con người bị đày đọa tới kiệt sức tưởng như tuyệt vọng, người đi đường cực khổ ấy bỗng trở thành du khách ung dung, say sưa ngắm cảnh thiên nhiên, đất trời. Câu thơ tả cảnh nhưng không giấu nổi một tiếng reo vui hạnh phúc ở bên trong, niềm hạnh phúc chân chính của một con người đã vượt qua bao chặng đường khổ ải, đã đi và đã đến với cái đích, đang ở đỉnh cao vời vợi. Câu thơ mang một ý nghĩa triết lí trong cuộc sống: vượt qua khó khăn thử thách con người sẽ đi đến đích của thành công. Câu thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn ý chí nghị lực của Hồ Chí Minh: dù khó khăn, vất vả đến đâu, người chiến sĩ ấy vẫn không ngã lòng. "Đi đường" hay chính là con đường mà Người đang theo đuổi để thực hiện lý tưởng cao đẹp. Người đã chủ động, chấp nhận mọi khó khăn, vượt lên trên hoàn cảnh. Cách mạng phải lâu, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi.
Bài thơ khép lại trong ý thơ triết luận về một chân lý giản đơn, cụ thể mà thật sâu sắc: đường đi - đường đời của mỗi con người. Đi đường cần quyết tâm vượt núi trèo đèo để lên tới đỉnh cao nhất, tới đích. Cố gắng vượt qua tất cả những chông gai thử thách, chúng ta sẽ trưởng thành, sẽ làm chủ được mọi nỗi buồn vui trong cuộc sống. Có lẽ vì thế chỉ với bốn câu thơ cô đọng, hàm súc, ta bắt gặp cả ba khía cạnh của con người Hồ Chí Minh: nhà hiền triết, nhà chiến sĩ và nhà thơ.
Bài thơ như một lời ca ngợi ý chí, sự chiến đấu của con người trước những thử thách cuộc đời trên con đường đến với ước mơ. Dù được ra đời cách đây đã hơn nửa thế kỉ nhưng bài thơ hôm nay và mai sau vẫn luôn mới mẻ với con người, là người bạn đường của con người.
Cảm nhận về bài thơ Đi đường - Mẫu 4
Bác Hồ từng tự sự:
"Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng mà trong ngục biết làm sao đây?"
Và bởi thế, ra đời trong những năm tháng Bác bị giam cầm, tập thơ "Nhật kí trong tù” từng được ví như một đoá hoa mà vô tình văn học Việt Nam nhặt được bên đường. Toát lên từ tập thơ là một tinh thần "thép" rắn rỏi, lạc quan: “Từ những bài thơ viết trong hoàn cảnh nhà tù dưới chế độ Tưởng Giới Thạch tàn bạo và mục nát toát ra một phong thái ung dung, một khí phách hào hùng, một ý chí sắt đá, một tinh thần lạc quan cách mạng không gì lay chuyển nổi”. Bài thơ "Đi đường" là một trong những số ấy.
“Tài lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian”.
Bài thơ được dịch là:
“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
Bài thơ ra đời trong những năm tháng Bác Hồ bị bắt giam trong nhà lao Tưởng Giới Thạch. Bác bị chúng giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác. Đường chuyển lao không những dài dặc mà còn vô cùng gian lao, phải trải qua núi non trùng diệp và những vực thẳm hun hút hiểm sâu. Nhưng dẫu vậy, từ trong khổ đau vẫn bừng lên ý chí “thép” mang đậm phong cách Hồ Chí Minh. Bài thơ “Đi đường” - “Tẩu lộ” đã thể hiện rõ điều đó.
“Đi đường mới biết gian lao”. Câu thơ là một nhận định nhưng đồng thời cũng là một chân lí: Có đi đường mới biết những sự vất vả, khó khăn của việc đi đường. Vậy những điều “nan”, “gian lao” ấy là gì?
“Núi cao rồi lại núi cao trập trùng". Đường chuyển lao là những con đường đi qua các vùng núi hiểm trở của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tầng tầng lớp lớp những ngọn núi tiếp nối nhau chạy mãi đến chân trời. Hết ngọn núi này lại đến ngọn núi khác. Vậy nên mới có hình ảnh “Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”. Trong nguyên văn chữ Hán là “Trùng san chi ngoại hựu trùng san”.
“Trùng san” có nghĩa là trùng trùng lớp lớp núi cao; “hựu” là “lại", câu thơ mang ý nghĩa: trùng trùng núi cao bên ngoài lại có núi cao trùng trùng. Một câu thơ mà có tới hai chữ “trùng san", huống chi lại có chữ “hựu”, bởi vậy, câu thơ nguyên gốc gợi nên hình ảnh những đỉnh núi nhọn hoắt cao vút trời xanh trập trùng chạy mãi đến chân trời. Con đường ấy, mới chỉ nhìn thôi đã thấy đáng sợ.
Nếu tù nhân là một người tù bình thường, ắt hẳn họ đã bị nỗi sợ hãi làm cho yếu mềm, nhụt chí. Nhưng người tù ấy lại là một người cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh. Và bởi vậy, hai câu thơ cuối bài đã thực sự thăng hoa:
“Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian”
Hai câu thơ được dịch khá sát là:
“Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
Sau những vất vả, nhọc nhằn của con đường leo núi, khi đã lên đến tận đỉnh người tù cách mạng được chứng kiến một hình ảnh vô cùng hùng vĩ “muôn trùng nước non”. Theo tâm lí thông thường, trên con đường gian lao trập trùng đồi núi, khi lên đến đỉnh, con người dễ lo lắng, mệt mỏi khi nghĩ đến con đường xuống núi dốc thẳm cheo leo và những quả núi ngút ngàn khác. Nhưng Hồ Chí Minh thì ngược lại.
Điều Người cảm nhận là niềm tự hào, sung sướng khi được đứng từ trên đỉnh cao chiêm ngưỡng sự hùng vĩ bao la của nước non, vũ trụ. Hình ảnh “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” thật hào sảng. Nó gợi đến hình ảnh bé nhỏ của con người đang đối diện trước cái mênh mông, trập trùng của giang san. Con người ấy không choáng ngợp trước sự kì vĩ của đất trời mà rất vui sướng, bồi hồi như lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy gương mặt của nước non. Chính cảm quan ấy đã nâng vị thế con người sánh ngang tầm non nước.
Đứng trước một sự thật khách quan, mỗi con người có một cảm nhận khác nhau. Cảm nhận ấy phụ thuộc vào thế giới quan và bản lĩnh của con người, ở Hồ Chí Minh Người đã có những cảm nhận lạc quan, tươi sáng về cuộc đời. Người không bị cái nhọc nhằn của thể xác lấn át đi ước mơ, khát vọng và lí tưởng mà ngược lại, đã vượt qua gian lao để khẳng định ý chí bền bỉ, sắt đá và niềm lạc quan, tin tưởng vào cách mạng của bản thân mình. Đó là tinh thần thép là vẻ đẹp tâm hồn Bác.
Bài thơ "Đi đường" - "Tẩu lộ" không chỉ là bức tranh về con đường chuyển lao đầy rẫy nhọc nhằn trở ngại, đó còn là bức tranh chân dung tinh thần tự họa Hồ Chí Minh. Từ bài thơ, người đọc có thể cảm nhận hình ảnh Bác vừa có thần thái ung dung, bình tĩnh của một bậc tiên phong đạo cốt vừa có nét kiên cường rắn rỏi, đầy lạc quan của một người chiến sĩ cách mạng.
Và như thế, bài thơ "Đi đường" - "Tẩu lộ" cùng với nhiều bài thơ khác trong tập thơ "Nhật kí trong tù" thực sự là một đoá hoa đáng trân trọng của văn học Việt Nam.