Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12
Đàn ghi ta của Lor-ca là một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Thanh Thảo. Tác phẩm được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn lớp 12.
Download.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 12: Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca. Hy vọng có thể giúp ích cho các bạn học sinh khi tìm hiểu về tác phẩm trên.
Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca
Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca - Mẫu 1
Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” được nhà thơ Thanh Thảo sáng tác nhằm thể hiện nỗi đau xót sâu sắc trước cái chết bi thảm của Lor-ca, một nhà thơ thiên tài người Tây Ba Nha.
Hình ảnh tiếng đàn xuất hiện ngay từ những câu thơ mở đầu tác phẩm. Nhưng nó lại rất đặc biệt: “những tiếng đàn bọt nước”. Tiếng đàn vốn được cảm nhận bằng thính giác. Nhưng ở đây Thanh Thảo đã dùng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để cảm nhận tiếng đàn bằng thị giác. Những âm thanh giống như bọt nước mỏng manh, tròn trịa nhưng cũng dễ vỡ và có thể tan biến bất cứ lúc nào. Điều đó giống như chính cuộc đời ngắn ngủi của người nghệ sĩ tài năng này. Tiếp đến, hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” chính là biểu tượng của đất nước Tây Ba Nha. Hình ảnh gợi nhắc về những dũng sĩ dũng cảm khoác trên mình những chiếc áo choàng đỏ trong trận đấu không cân sức với lũ bò tót, chính là hiện thân cho bè lũ phát xít phản động. Giai điệu “li-la li-la li-la” đầy vui tươi, thể hiện niềm yêu đời, khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ đang ôm cây đàn gảy lên những âm thanh vang vọng khắp phố phường. Hai câu thơ cuối với hình ảnh “vầng trăng chếnh choáng” và “yên ngựa mòn mỏi” gợi ra sự cô độc, mệt mỏi của người nghệ sĩ tài hoa trên hành trình đó.
Đến những câu thơ tiếp theo, nhịp thơ bỗng trở nên gấp gáp, dồn dập hơn. Thật kinh hoàng làm sao khi chứng kiến cái chết của người nghệ sĩ tài năng ấy. “Áo choàng bê bết đỏ” - màu đỏ của máu hòa lẫn với màu đỏ của áo choàng càng tô đậm hiện thực tàn khốc. Thanh Thảo tiếp tục khắc họa cái chết của người nghệ sĩ tài năng đó: “Lor-ca bị điệu về bắn/chàng đi như người mộng du”. Đoạn thơ tiếp theo được coi là hay nhất khi miêu tả tiếng ghi ta với nhiều cung bậc khác nhau:
“tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”
Thanh Thảo đã sử dụng hàng loại những hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Tiếng ghi ta đầu tiên có màu sắc - “tiếng ghi ta nâu”. Màu nâu gợi cho chúng ta liên tưởng đến màu của đất, có thể là màu của cây đàn ghi ta; nhưng cũng có thể là màu mắt của cô gái di-gan sống trên thảo nguyên. Hình ảnh “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy” gợi nên sức sống mãnh liệt, bền bỉ của tiếng đàn hay là giá trị nghệ thuật mà Lor-ca để lại. Một lần nữa, tiếng đàn tròn bọt nước vỡ tan lại được nhắc lại. Động từ “vỡ tan” gợi ra sự mong manh. Cuối cùng là hình ảnh “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy” đã ám ảnh người đọc sâu sắc. Tiếng đàn đã biến thành một sinh thể sống có hồn. Nó đang bị hủy hoại, vỡ tan tành rồi chảy thành từng dòng máu. Dường như nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần được hòa quyện trong tiếng đàn của người nghệ sĩ tài năng. Quả là những hình ảnh thật độc đáo.
Để rồi đến cuối cùng:
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Thanh Thảo đã cho người đọc cảm nhận được sự tiếc nuối sâu sắc trước cái chết của Lor-ca. Nhưng cũng là sự nuối tiếc trước những di sản nghệ thuật mà Lor-ca để lại từ nay không có ai kể thừa, lưu giữ. Hay đúng hơn là không có ai dám làm điều đó. Bài thơ khép lại bằng âm thanh “li-la li-la li-la ….” chứng tỏ sự bất tử của Lor-ca trong cuộc đời cũng như trong lòng mọi người. Đồng thời âm thanh đó còn tạo dư âm cho bài thơ.
Tóm lại, qua bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”, người đọc đã cảm nhận được thái độ ngưỡng mộ của Thanh Thảo dành cho người nghệ sĩ tài năng của đất nước Tây Ba Nha. Lor-ca chính là đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỉ XX.
Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca - Mẫu 2
Đàn ghi ta của Lor-ca của nhà thơ Thanh Thảo là một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc.
Bài thơ viết về Lor-ca, một người nghệ sĩ tài năng của đất nước Tây Ba Nha. Trước sự thối nát của chế độ cầm quyền tại Tây Ban Nha lúc bấy giờ, Lorca đã cổ vũ nhân dân đấu tranh chống lại mọi thế lực áp chế vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Nhờ đó mà đời sống tinh thần của Tây Ban Nha và cả một vùng rộng lớn thuộc khu vực Tây Âu trở nên sôi động. Năm 1936, chế độ phản động cực quyền thân phát xít đã bắt giam và bắn chết ông vì đối với chúng ông như một nhóm lửa luôn sẵn sàng châm ngòi cho các phong trào của nhân dân bùng nổ, với chúng ông như một mục tiêu nguy hiểm cần phải tiêu diệt càng sớm càng tốt.
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Tiếng đàn giống như một người dẫn chuyện đưa chúng ta đến với đất nước Tây Ban Nha xa xôi. Nó giúp người đọc được gặp và chiêm ngưỡng chân dung người nghệ sĩ hi sinh vì nghệ thuật vì chính nghĩa. Hình ảnh tiếng đàn xuất hiện ngay từ những câu thơ mở đầu tác phẩm. Nhưng nó lại rất đặc biệt: “những tiếng đàn bọt nước”. Tiếng đàn vốn được cảm nhận bằng thính giác. Nhưng ở đây Thanh Thảo đã dùng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để cảm nhận tiếng đàn bằng thị giác. Những âm thanh giống như bọt nước mỏng manh, tròn trịa nhưng cũng dễ vỡ và có thể tan biến bất cứ lúc nào. Điều đó giống như chính cuộc đời ngắn ngủi của người nghệ sĩ tài năng này. Tiếp đến, hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” - màu áo choàng đỏ chỉ có trên những đấu trường thi đấu bò tót tại Tây Ban Nha. Người nghệ sĩ đó đã tự nguyện khoác lấy tấm áo choàng đỏ gắt, đối đầu với bè lũ phản động để đòi quyền tự do, dân chủ. Và song hành trên chặng hành trình đó là “vầng trăng chếnh choáng” cùng với chiếc “yên ngựa mỏi mòn”. Hình ảnh đó đã gợi ra một cuộc hành trình đơn độc, xa xôi và không biết đích đến.
Tiếng đàn tiếp tục đưa chúng ta theo chân hành trình của người nghệ sĩ. Đó là sự đối mặt với nỗi đau của cái chết, của mất mát và nỗi đau của sự chia lìa. Tác giả dùng từ “bỗng” để nói về sự kinh hoàng, sự bất ngờ của chính ông về cái chết của Lor-ca. Nếu như trước đó, người nghệ sĩ thật oai phong trong bộ áo choàng của dũng sĩ, thì lúc này hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” lại gợi ra cái chết kinh hoang. Người nghệ sĩ, người chiến sĩ ấy ra đi, anh tiến về bãi bắn “như người mộng du”, vừa đi vừa “hát nghêu ngao”. Hình ảnh này đã cho chúng ta cảm nhận về một con người dũng cảm, can trường. Ngay cả khi đối mặt với cái chết, Lor-ca vẫn không hề run sợ. Ông thản nhiên đối mặt với cái chết bằng tâm hồn của một người nghệ sĩ.
Cây đàn ghi ta đã trở thành người bạn tri kỉ của ông. Trong phút cuối đời cây đàn đã cất lên những cung bậc bồi hồi, da diết, đau đớn nhất để tiễn đưa người bạn tri kỉ của mình về với nơi mà người ta gọi đó là “xứ sở của tâm hồn”:
“tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”
Âm thanh của tiếng đàn ghi ta giống như vỡ thành trăm mảnh. Mỗi mảnh mang một màu sắc khác nhau. Tiếng ghi ta đầu tiên có màu sắc - “tiếng ghi ta nâu”. Màu nâu gợi cho chúng ta liên tưởng đến màu của đất, có thể là màu của cây đàn ghi ta; nhưng cũng có thể là màu mắt của cô gái di-gan sống trên thảo nguyên. Hình ảnh “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy” gợi nên sức sống mãnh liệt, bền bỉ của tiếng đàn hay là giá trị nghệ thuật mà Lor-ca để lại. Một lần nữa, tiếng đàn tròn bọt nước vỡ tan lại được nhắc lại. Động từ “vỡ tan” gợi ra sự mong manh. Cuối cùng là hình ảnh “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy” đã ám ảnh người đọc sâu sắc. Tiếng đàn đã biến thành một sinh thể sống có hồn. Nó đang bị hủy hoại, vỡ tan tành rồi chảy thành từng dòng máu. Dường như nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần được hòa quyện trong tiếng đàn của người nghệ sĩ tài năng. Quả là những hình ảnh thật độc đáo.
Lor-ca đã ra đi nhưng tiếng đàn sẽ còn mãi. Tiếng đàn ấy mang linh hồn của người nghệ sĩ, mang ước nguyện và khát vọng của người dân Tây Ban Nha. Đối với nhân dân tiếng đàn ấy luôn ngân vang mãi trong trái tim và tâm hồn họ. Cái chết của người họa sĩ thiên tài được tác giả khắc họa thông qua hình ảnh “vầng trăng” và “giọt nước mắt” - hai hình ảnh ấy xuất hiện một cách đối ngẫu không có từ ngữ biểu thị quan hệ đặt giữa chúng, mở ra cho người đọc những cảm xúc đa chiều và nhiều dòng suy nghĩ:
“Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng”
Dù người nghệ sĩ ấy có ra đi dù là bị giết chết hay theo quy luật của cuộc sống “đường chỉ tay đã đứt” thì tâm hồn ông luôn còn tồn tại mãi mãi. Chiếc ghi ta nâu trước kia giờ đã hóa thành “ghi ta bạc”. Cây đàn ghi ta đã nhuốm màu của ánh trăng bất tử. Dòng sông ấy sẽ xóa dịu mọi nỗi đau, giải thoát mọi kiếp đời cực khổ và đưa họ về một thế giới “cực lạc”.
Hành động “ném lá bùa" và “ném trái tim” của Lor-ca như một lời chào tạm biệt của ông với thế giới đầy đau thương và tội ác này. Mọi đau khổ đã trở thành quá khứ, ông ra đi trong sự thanh thản, trong tư thế ngẩng cao đầu và “phiêu du” như một chàng lãng tử đi tìm cái đẹp. Cuối cùng tác giả kết thúc bài thơ bằng giai điệu “li-la li-la li-la li-la” không chỉ là những âm thanh mô phỏng phần vĩ thanh của một bản đàn mà đó còn là tên một loài hoa – hoa đinh hương. Loài hoa này đã kết thành một vòng hoa tưởng niệm cho người nghệ sĩ.
Như vậy, bài thơ đã gợi cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tư tưởng nghệ thuật mà Thanh Thảo đã gửi gắm. Đàn ghi ta của Lor-ca quả là một bài thơ độc đáo, hấp dẫn.
- Lượt tải: 02
- Lượt xem: 201
- Dung lượng: 504,6 KB