Văn mẫu lớp 7: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ năm chữ (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7
Văn mẫu lớp 7: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ năm chữ là tài liệu được giới thiệu đến bạn đọc.
Nội dung gồm 2 đoạn văn mẫu được đăng tải ngay sau đây. Mời bạn đọc cùng tham khảo để có thể làm bài tốt hơn.
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ năm chữ
Đoạn văn mẫu số 1
Sang thu của Hữu Thỉnh miêu tả khoảnh khắc giao mùa đầy tinh tế. Mở đầu, tác giả đã đưa ra tín hiệu của mùa thu được cảm nhận qua các giác quan gồm khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (Sương chùng chình qua ngõ). Mùa thu sang khiến cho mọi vật có nhiều biến chuyển. Dòng chảy của con sông dường như chậm chạp hơn. Ngược lại, cánh chim gấp gáp để chuẩn bị cho cuộc di cư. Hình ảnh đám mây được tác giả miêu tả đang “vắt nửa mình sang thu” thật độc đáo và thú vị. Đám mây dường như cũng có cảm xúc, đang phân vân rằng nửa muốn nghiêng về mùa hạ, nửa lại muốn ngả về mùa thu. Không chỉ khắc họa thiên nhiên lúc giao mùa, nhà thơ còn khéo léo gửi gắm triết lý sâu sắc. Các hiện tượng tự nhiên “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” biểu tượng cho những người từng trải, đã đi qua nhiều biến cố trong cuộc đời. Họ có kinh nghiệm, trưởng thành và không còn bất ngờ, lo lắng trước những biến cố nữa. Ở đây, tác giả không chỉ khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên lúc giao mùa mà còn gửi gắm triết lý sâu sắc về cuộc đời. Có thể khẳng định, Sang thu là một trong những bài thơ hay viết về đề tài mùa thu.
Đoạn văn mẫu số 2
Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên đã đem đến cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Hình ảnh ông đồ vốn rất quen thuộc trong xã hội xưa, vốn là những người có học thức, tài năng và được trọng vọng. Nhưng trong xã hội hiện tại, ông đồ đang dần bị lãng quên. Nhà thơ đã khắc họa hình ảnh ông đồ từ quá khứ đến hiện tại. Trong quá khứ, ông đồ xuất hiện trên phố với hoa đào, với mực tàu giấy đỏ và viết câu đối mà như người biểu diễn thư pháp: “Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa rồng bay” khiến mọi người xem tấm tắc khen ngợi: “Hoa tay thảo những nét/Như phượng mùa rồng bay”. Đó là một thời vàng son khi ông đồ được trân trọng. Nhưng một thời vàng son đã không còn, mỗi năm mỗi vắng, người ta không còn quan tâm đến ông đồ nữa. Hình ảnh nhân hóa “giấy đỏ buồn không thắm”, “mực đọng trong nghiên sầu” gợi ra nỗi buồn của chính người nghệ sĩ khi không còn được biết đến. Để rồi năm nay đào lại nở, nhưng không còn thấy ông đồ nữa. Câu hỏi tu từ “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ” giống như một lời than trách cho số phận. Bài thơ đã thể hiện tình cảnh đáng thương của ông đồ nhưng qua đó toát lên niềm cảm thương trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ. Khi đọc bài thơ, tôi cảm thấy thấu hiểu và trân trọng hơn về ông đồ.