Tóm tắt một số tác phẩm văn học lớp 12 Ôn thi THPT Quốc gia 2023 môn Văn

Tóm tắt một số tác phẩm văn học lớp 12 là tài liệu hữu ích cho quá trình ôn tập môn Ngữ văn lớp 12.

Tóm tắt các tác phẩm văn học lớp 12
Tóm tắt các tác phẩm văn học lớp 12

Nội dung của tài liệu sẽ bao gồm mẫu tóm tắt của các tác phẩm trọng tâm trong chương trình học môn Ngữ văn 12.

1. Tóm tắt Tuyên ngôn độc lập

Tóm tắt mẫu 1

Tuyên ngôn Độc lập đã trích dẫn hai bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Mỹ, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp để khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Sau đó, bản tuyên ngôn lên án tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam trong đó hơn 80 năm xâm lược. Đó là tội ác về kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục và tội bán nước hai lần cho Nhật. Đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng là lời tuyên bố độc lập.

Tóm tắt mẫu 2

Tuyên ngôn Độc gồm ba phần rõ ràng. Phần mở đầu đưa ra cơ sở cho bản Tuyên ngôn nói về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc dựa vào hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp - hai cường quốc lớn trên thế giới. Bác dùng những lí lẽ đó để làm bản lề vạch ra cho ta thấy những việc làm trái với tuyên ngôn của chúng. Phần nội dung nêu những cơ sở thực tế đã được chỉ ra, đó là những tội ác của Pháp, chúng đã thi hành ở nước ta hơn 80 năm nay trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Tất cả những điều đó đập tan luận điệu xảo trá của kẻ thù đã, đang và sẽ nô dịch nước ta trở lại. Phần kết luận là lời tuyên bố đanh thép và khẳng định quyết tâm sắt đá giữ vững nền độc lập dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập đã hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời cho thấy khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Tóm tắt mẫu 3

Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - mốc son chói lọi trong lịch sử đánh dấu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Trước hết về cơ sở lí luận được Bách trích dẫn về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp. Về cơ sở thực tiễn Bác tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho dân tộc ta hơn 80 năm qua. Từ đó đập tan luận điệu xảo trá, bẻ gãy ngọn cờ “bảo hộ”của chúng. Cuối cùng là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới và khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc ta bằng tất cả “tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải”. Tuyên ngôn độc lập đã hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời cho thấy khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

2. Tóm tắt Người lái đò sông Đà

Tóm tắt mẫu 1

Ông lái đò đã làm nghề nhiều năm. Ông nắm vững con sông Đà trong lòng bàn tay. Hằng ngày, ông phải đối mặt với con sông Đà nguy hiểm. Thạch trận sông Đà luôn bày sẵn cửa tử chờ con thuyền đi đến. Nhưng với kinh nghiệm và bản lĩnh, ông lái đò đã đưa con thuyền vượt qua. Sau khi vượt qua con thác nguy hiểm, ông lái đò trở về với cuộc sống thường nhật. Đêm ấy, nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam. Họ vừa ăn, vừa trò chuyện về cá anh vũ, cá dầm xanh, chẳng thấy ai nói một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua.

Tóm tắt mẫu 2

Tây Bắc có thiên nhiên hùng vĩ được tô điểm bằng con sông Đà vừa dữ dội, hung tợn và đôi khi lại thật nhẹ nhàng, yêu kiều và thơ mộng như một người con gái. Con sông Đà hung bạo và hùng vĩ bởi đá ở bờ sông “dựng vách thành”, lòng sông thắt lại như yếu hầu, vô số những điểm “hút nước” vô cùng nguy hiểm cho thuyền bè. Sông Đà mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình nhất là nhìn từ xa dòng sông như mái tóc một người con gái, trong năm còn sống có nhiều sự thay đổi theo mùa, mỗi mùa lại có những vẻ đẹp riêng biệt và độc đáo. Trên nền thiên nhiên rộng lớn, hình tượng người lái đò người dân lao động đặc điểm thân hình cao to, nước da rám nắng, thông thạo trong nghề nghiệp của mình. Ông nắm chắc các quy luật dòng thác, từng vách đá, luồng nước, cửa sinh, cửa tử. Người lái đò sông Đà trước tiên cần sự kinh nghiệm trong nghề nghiệp và sự dũng cảm, gan dạ, những người lái đò là những con người tài hoa, khiêm tốn trong cuộc sống, họ giúp những con thuyền vượt qua khó khăn từ thiên nhiên và về bến an toàn.

Tóm tắt mẫu 3

Tây Bắc là nơi nổi tiếng bởi thiên nhiên hùng vĩ, mà minh chứng cụ thể là con sông Đà. Từ thượng nguồn sông Đà đã mang vẻ dữ dội của đại ngàn: dựng đá vách thành, chỉ lúc đúng ngọ mới thấy mặt trời; sóng đá dữ dội dàn thành các thạch trận xô nhau liên tiếp, dữ dội hơn trông Đà giang như sôi lên sùng sục , tiếng thác đá ở đây thì như ngàn con trâu mộng giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa. Có lúc sông Đà cũng dịu dàng: “Sông Đà tuôn dài như áng tóc trữ tình, mang màu xanh ngọc bích và màu đỏ phù sa chứ không có màu đen như Pháp nói; sông Đà lại giống như một cố nhân lâu ngày gặp lại; hai bên bờ sông Đà tĩnh lặng nhưng đầy sức sống”. Trên vẻ đẹp của Tây Bắc ấy hình ảnh người lái đò hiện ra đầy nghệ sĩ, hùng dũng dù rất bình dị đời thường. Ông lái đò vượt qua ba thạch trận với nhiều cửa tử; dù, ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, đêm trở về với những thứ bình dị, khiêm tốn.

Tóm tắt mẫu 4

Người lái đò sông Đà kể về thiên nhiên hùng vĩ nhất là còn sông Đà và hình ảnh người lái đò tài giỏi, dũng cảm. Con sông Đà nổi tiếng hung tợn và vô cùng hiểm trở với những thác nước, đá ngầm, đá nổi, thạch trận được bố trí vô cùng nguy hiểm nhưng con sông Đà trở nên hiền hòa và có chất thơ hơn khi ngắm nhìn màu nước biến đổi theo mùa và mang đặc điểm riêng. Trên nền của thiên nhiên xuất hiện hình ảnh người lao động đó là người lái đò sông Đà những người thực hiện nhiệm bảo chèo lái con thuyền vượt sông Đà. Ông lái đò khỏe mạnh, rắn chắc và có thừa sự dũng cảm. Ông trong nghề đã nhiều năm và nắm vững bố trí bãi đá, con thác, thạch trận… mọi thứ đều ghi nhớ và nắm trong lòng bàn tay. Để chèo lái con thuyền vượt qua sông Đà thành công ông phải kết hợp kinh nghiệm của bản thân và sự dũng cảm, gan dạ. Sau khi trở về bến ông và những người bạn còn toát lên vẻ đẹp của sự tài hoa và khiêm nhường họ xem những thử thách vừa trải qua là những công việc thường ngày.

Tóm tắt mẫu 5

Thiên nhiên Tây Bắc được tô điểm bởi con sông đà vừa hung bạo vừa trữ tình. Sông Đà có lúc dịu dàng như người phụ nữ kiều diễm. Nước sông Đà thay đổi theo mùa phản chiếu trời xuân nắng thu “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, mùa thu lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”. Dọc theo sông Đà, có lắm thác nhiều ghềnh, có đá dựng vách thành, có đá tảng, đá hòn bày thế thạch trận, tạo nên cửa sinh cửa tử. Nổi bật trên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, đầy sức sống đó là hình ảnh ông lái đò sông Đà. Đó là một người mang vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân lao động vùng sông nước với thân hình cao to, nước da rám nắng. Ông làm nghề lái đò đã nhiều năm, từng gắn bó với dòng sông Đà, hiểu được tính khí của nó. Ông thuộc nằm lòng từng con thác lớn, thác nhỏ, từng vách đá, luồng nước, từng cửa sinh, cửa tử do thế thạch trận tạo nên. Ông đã dùng kinh nghiệm nghề nghiệp cộng với sự cần cù gan dạ đưa con thuyền vượt thác nước sông Đà đầy nguy hiểm. Ông đã đưa nhiều chuyến hàng về xuôi an toàn để góp phần vào cuộc sống. Sau khi vượt sông Đà, ông lái đò trở về cuộc sống đời thường thanh thản của mình, ông neo thuyền chỗ khúc sông bình lặng và nấu ống cơm lam, bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh.

3. Tóm tắt Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Tóm tắt mẫu 1

Trong các dòng sông đẹp trên đất nước, chỉ có sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Khi ở thượng nguồn, sông Hương đã là một bản trường ca của rừng già. Nó mang trong mình vẻ đẹp mãnh liệt và hoang dại, có nhiều ghềnh thác đáy vực bí ẩn. Khi trở về đồng bằng, sông Hương thơ mộng làm say đắm lòng người. Hai bên bờ sông Hương chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên. Dòng sông mềm như tấm lùa uốn cong, cảnh đẹp như bức tranh có đường nét, hình khối trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, cao đột ngột. Sông hương có vẻ đẹp da màu biến ảo: “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Đến khi qua thành phố Huế, sông Hương trôi đi thật chậm chảy lặng lờ như điệu slow. Sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Dòng sông này cũng đã sống những thế kỷ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của mình. Đó còn là dòng sông của thời gian, của sử thi.

Tóm tắt mẫu 2

Sông Hương dường như chỉ thuộc về một thành phố duy nhất. Ở thượng nguồn, con sông được ví với một bản trường ca của rừng già. Nó mang mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Khi trở về với đồng bằng, sông Hương lại trở nên trầm mặc như triết lí, như cổ thi. Đến khi qua thành phố Huế, sông Hương trôi đi thật chậm chảy lặng lờ như điệu slow. Dòng sông này cũng đã sống những thế kỷ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của mình. Có một nhà thơ từ Hà Nội đã đến đây, tóc bạc trắng, lặng ngắm dòng sông, ném mẩu thuốc lá xuống chân cầu hỏi với trời, với đất, một câu thật bâng khuâng: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

4. Tóm tắt Vợ chồng A Phủ

Tóm tắt mẫu 1

Vì món nợ của bố mẹ, Mị phải về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Một hôm, Mị trốn về nhà quỳ lạy, úp mặt xuống đất, nức nở. Bố Mị cũng khóc, đoán biết lòng con gái, liền khuyên con. Mị không đành lòng chết. Qua mấy năm, bố Mị cũng chết. Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến cái chết. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Thế rồi, mùa xuân về trên không ngài. Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị thấy mình còn trẻ, vẫn muốn đi chơi. Nhưng A Sử trở về, thấy Mị sửa soạn, liền trói cô vào nhà. Cả đêm Mị phải đứng trói như thế. Đến sáng, A Sử trở về. Áo nó rách toạc một mảnh vai. Người chị dâu đến cởi trói cho Mị đi hái thuốc cho chồng. Mị nghe chị dâu nói lại, mới biết chuyện A Sử đi chơi bị đánh vỡ đầu. Khi trở về nhà, Mị thấy người ta đang xử kiện. A Phủ là người đánh A Sử quỳ giữa nhà, chịu đánh. Kể từ đó, A Phủ trở thành nô lệ cho nhà thống lí. Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa đều do A Phủ làm. Một lần nọ, A Phủ để hổ ăn mất một con bò, bị thống lí phạt trói. Vào đêm hôm đó, Mị dậy để thổi lửa, nhìn thấy A Phủ bị trói, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Mị nhớ lại đêm năm trước bị A Sử trói, cũng phải đứng như thế. Mị liền cởi trói cho A Phủ. Một lúc sau, Mị chạy theo A Phủ. Hai người trở thành vợ chồng, trốn đến Phiềng Sa. Tại đây, A Phủ gặp được A Châu, tham gia cách mạng. A Phủ trở thành tiểu đội trưởng du kích, cùng với Mị và đồng đội bảo vệ quê hương.

Tóm tắt mẫu 2

Truyện kể về cuộc đời của vợ chồng A Phủ. Mị là cô gái trẻ đẹp, nhà nghèo, sống ở Hồng Ngài. Cô bị bắt cóc về làm vợ A Sử, làm con dâu gạt nợ nhà thống Lí Pá Tra. Cô phải lao động quần quật, sống không khác gì con trâu, con ngựa. Khi mùa xuân đến, cô cũng muốn đi chơi liền bị A Sử trói đứng trong buồng. Chỉ đến khi A Sử bị đánh, cô mới được cởi trói để đi lấy lá thuốc, xoa dầu cho chồng. A Phủ là một chàng trai nghèo, mô côi, khỏe mạnh, gan góc, giỏi lao động. Vì đánh A Sử đến phá rối cuộc chơi nên bị bắt, bị đánh đập, bị phạt vạ, phải vay vốn thống lí để nộp phạt, rồi trở thành người ở đợ trừ nợ trong nhà thống lí. Một lần để hổ ăn mất một con bò, A Phủ bị trói đứng, bị bỏ đói suốt mấy ngày đêm. Một đêm, khi trở dậy thổi lửa để sưởi, Mị bắt gặp dòng nước mắt chảy trên gò má đen sạm của A Phủ. Mị nghĩ về thân phận mình, đồng cảm về cảnh ngộ của A Phủ. Cô đã cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và bỏ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra. Hai người đến Phiềng Sa, thành vợ thành chồng, tạo dựng một cuộc sống mới. A Phủ được sự giác ngộ của cán bộ cách mạng A Châu trở thành tiểu đội trưởng du kích. Họ cùng mọi người cầm súng để gìn giữ bản làng.

Tóm tắt mẫu 3

Câu chuyện kể về một cô gái có tên là Mị, nàng là một cô gái trẻ trung xinh đẹp, nết na, đa tài nhưng bạc phận. Vì cha mẹ của nàng thiếu nợ nhà Thống Lý Pá Tra nên nàng bị bắt về làm vợ của A Sử, con trai nhà Thống Lý để trừ nợ cho cha. Từ khi nàng về nhà Thống Lý, nàng trở nên ít nói hơn, suốt ngày lủi thủi trong nhà như con rùa nuôi trong xó cửa. Năm ấy tết đến, Mị tình cờ nghe được tiếng sáo ở đâu vọng lại, tâm hồn nàng trở nên bồi hồi, thiết tha, nàng nhớ lại những chuyện xưa kia và nàng muốn đi chơi, nhưng bị chồng nàng ngăn cản không cho đi, bắt nàng phải ở nhà. Trong một lần chồng nàng là A Sử đi chơi bên Làng bên, vì chọc ghẹo con gái nên bị A Phủ đánh, sau đó A Sử bắt A Phủ bồi thường tiền thuốc men cho A Sử, A Phủ không có tiền trả nên bị A Sử bắt về làm công trừ nợ suốt đời cho nhà A Sử. Trong đêm tình mùa đông năm ấy, A Phủ bị A Sử trói ở góc nhà, Mị trông thấy và nàng nghĩ lại cuộc đời mình, nàng thấy tủi thân cho và thương thay cho số phận của A Phủ, Nàng đã cởi trói cho A Phủ và cả hai cùng bỏ trốn khỏi nhà Thống Lý Pá Tra.

Tóm tắt mẫu 4

Mị là con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Trá. Quanh năm, Mị chỉ biết làm hết mọi công việc trong nhà. Khi mùa xuân về, Mị cũng muốn đi chơi. Nhưng A Sử - chồng của Mị trở về đã trói cô trên cột. Cả đêm Mị phải đứng trói như thế. Có tiếng xôn xao phía ngoài. Rồi một đám đông vào nhà. A Sử chệnh choạng vào buồng. Áo rách toạc một mảnh vải. Lúc này, người chị dâu mới đến cởi trói cho Mị, rồi bảo cô đi hái thuốc cho chồng. Đến khi Mị về thì nhìn thấy A Phủ - người đã đánh A Sử quỳ giữa nhà. Kể từ hôm đấy, A Phủ phải làm thân nô lệ cho nhà thống lí Pá Trá. Một lần nọ, A Phủ để hổ ăn mất một con bò, bị thống lí phạt trói. Đêm ấy, Mị dậy để thổi lửa, nhìn thấy dòng nước mắt chảy trên gò má của A Phủ. Mị nghĩ đến thân phận mình, liền cởi trói cho A Phủ. Một lúc sau, Mị chạy theo A Phủ. Hai người trốn Phiềng Sa, trở thành vợ chồng. A Phủ gặp được A Châu, tham gia cách mạng. Họ cùng nhau chiến đấu để bảo vệ bản làng.

5. Tóm tắt Vợ nhặt

Tóm tắt mẫu 1

Vợ nhặt là một truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, in trong tập Con chó xấu xí. Tác phẩm ban đầu có tên là Xóm ngụ cư, viết ngay sau Cách mạng tháng Tám. Bản thảo sau này được viết lại.

Cái đói tràn xuống chợ, trẻ con ủ rũ, người lớn dật dờ, lặng lẽ. Tràng bông dắt người đàn bà xa lạ ấy về. Trẻ con có đứa gào lên "chông vợ hài", người lớn bàn tán, những khuôn mặt u tối của họ như rạng rỡ lên. Về đến cái nhà vắng teo, bà cụ Tứ, mẹ Tràng về muộn; Tràng loanh quanh hết ra lại vào. Người đàn bà theo Tràng trong hoàn cảnh không ngờ. Hai lần gặp, và câu đùa với bốn bát bánh đúc người đàn bà ăn một chập và cái "chặc lưỡi" của Tràng.

Bà cụ Tứ về, Tràng reo lên, bà ngạc nhiên. Thấy trong nhà có người đàn bà, lại chào bà là u, bà càng ngạc nhiên. Được Tràng giải thích, bà nín lặng. Bao nỗi niềm xáo trộn trong lòng bà. Nói chuyện với con dâu, bà khóc. Tràng bật lửa thắp đèn, bà vội lau nước mắt mùi đống rấm và tiếng hờ khóc ở những nhà trong xóm có người chết vẳng tới.

Sáng hôm sau, Tràng dậy muộn. Từ trong nhà đến ngoài sân đều đổi thay, gọn gàng, sạch sẽ. Tràng thấy có bổn phận với vợ và yêu cái nhà mình hơn. Bữa ăn chỉ có rau chuối rối chấm muối với mỗi người hai lưng bát cháo lõng bõng. Bà cụ Tứ nói toàn những chuyện vui vẻ. Bà mừng con dâu mới bằng nồi cháo cám mà bà gọi vui là "chè khoán". Tiếng trống thúc thuế ngoài đình nổi lên. Bà cụ Tứ lại khóc. Trong óc Tràng bỗng hiện lên lá cờ đỏ và đoàn người trên đê Sộp đi phá kho thóc.

Tóm tắt mẫu 2

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra lan tràn khắp nơi trên cả nước, người chết như rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma. Tràng là chàng trai xấu xí thô kệch, ế vợ, Tràng sống ở xóm ngụ cư. Anh làm nghề kéo xe bò thuê và sống cùng người mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh Tràng đã quen với một cô gái. Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy, bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật, nửa đùa, cô gái đã theo anh về nhà làm vợ. Việc Tràng nhặt được vợ đã làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, nhất là bà Cụ Tứ (mẹ của Tràng) cũng không nổi bàng hoàng ngạc nhiên và lo lắng nhưng rồi bà cụ cũng đã hiểu ra và chấp nhận người con dâu ấy. Trong bữa cơm” đón nàng dâu mới, họ chỉ với một bữa cháo kèm theo là nồi cháo cám bà cụ tứ dành cho nàng dâu nhân bữa cơm đón nàng dâu mới với tấm lòng độ lượng, bao dung. Tác phẩm kết thúc ở chi tiết vào buổi sáng hôm sau tiếng trống thúc thuế dồn dập, quạ đen bay vù như mây đen. Thị nói về chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật và Tràng nhớ lại hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới hôm nào.

Tóm tắt mẫu 3

Tràng là một người dân xóm ngụ cư, sống cùng với mẹ già. Anh làm nghề kéo xe bò thuê. Một lần, trên đường kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, anh quen được thị. Chỉ với bốn bát bánh đúc, thị đã đồng ý làm vợ Tràng. Về đến nhà, Tràng phấp phỏng chờ mẹ về để thưa chuyện. Đến khi bà cụ Tứ trở về, vô cùng ngạc nhiên khi thấy có người phụ nữ lạ trong nhà. Nghe con kể rõ sự tình, người mẹ nghèo khổ ấy đã hiểu ra. Bà lão chấp nhận nàng dâu mới, động viên các con cố gắng làm ăn. Sáng hôm sau, Tràng thức dậy, thấy mọi thứ thay đổi. Bữa ăn đầu tiên của nàng dâu mới chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo. Nhưng họ vẫn vui vẻ ăn, vừa ăn vừa nói đến chuyện tương lai. Khi bà cụ Tứ bê nồi cháo cám lên, người vợ nhặt vẫn điềm nhiên và vào miệng.Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Nghe tiếng trống thúc thuế, Tràng nhớ đến cảnh người ta phá kho thóc chia cho người đói và hình ảnh lá cờ đỏ thắm.

6. Tóm tắt Rừng xà nu

Tóm tắt mẫu 1

Sau ba năm đi lực lượng, Tnú mới có dịp về thăm làng. Thằng bé Heng gặp ở con nước lớn đã dẫn anh về. Con đường cũ giờ đây chằng chịt hầm chông, hố chông, nếu không có người dẫn Tnú không dám đi một mình. Khi về đến làng, cụ Mết và dân làng đều mừng rỡ ra đón anh. Đêm đến, từ nhà ưng vang lên một hồi, ba tiếng mõ dài, cả lũ làng cầm đuốc kéo tới nhà cụ Mết gặp Tnú. Dít yêu cầu Tnú xuất trình giấy phép. Mọi người tỏ vẻ tiếc nuối vì Tnú chỉ được về thăm làng có một đêm. Sau đó, cụ Mết kể lại cuộc đời Tnú cho lũ làng nghe. Dân làng Xô Man vẫn tự hào rằng năm năm, chưa hề có một cán bộ nào bị giặc bắt. Anh Xút bị giặc treo cổ, bà Nhan bị giặc chặt đầu, Tnú và Mai đi vào rừng nuôi anh Quyết cán bộ. Anh dạy Tnú và Mai học chữ. Tnú học chữ thì hay quên nhưng đi rừng làm liên lạc thì đầu nó sáng lạ lùng. Nó vượt thác, xé rừng mà, lọt tất cả vòng vây của giặc. Một lần Tnú vượt thác Đắk Nông thì bị giặc bắt, tra tấn dã man. Khi giặc hỏi cộng sản ở đâu, Tnú ắp tay vào bụng trả lời: “Cộng sản ở đây này”. Ba năm sau, Tnú vượt ngục trốn về, lưng đầy thương tích. Tnú đọc thư của anh Quyết gửi cho dân làng Xô Man trước khi mất. Nghe lời anh, mọi người chuẩn bị chiến đấu. Đêm đêm, làng Xô Man thức mài vũ khí. Bọn giặc kéo về một tiểu đội đúng lúc đứa con trai đầu lòng của Mai và Tnú ra đời. Cụ Mết và trai tráng lánh vào rừng, bí mật bám theo giặc. Bọn giặc bắt mẹ con Mai để đe dọa Tnú. Chúng tra tấn mẹ con Mai dã man. Tnú không cứu được mẹ con Mai, còn bản thân thì bị bắt. Chúng lấy nhựa xà nu đốt cháy mười ngón tay anh. Đúng lúc đó thì cụ Mết và trai tráng trong làng cầm giáo mác tới giết chết thằng Dục. Đời Tnú chính là minh chứng sống cho chân lý: “Chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo” mà cụ Mết nói. Cụ Mết ngừng kể, rồi hỏi Tnú những năm đi lực lượng đã giết được mấy thằng Diệm, mấy thằng Mỹ. Anh kể lại chuyện đánh đồn, xông xuống hầm dùng tay bóp chết thằng chỉ huy. Đối với anh, thằng giặc nào cũng là thằng Dục. Sáng hôm sau cụ Mết và Dít tiễn Tnú lên đường. Ba người đứng nhìn những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời…

Tóm tắt mẫu 2

Tnú trở về thăm làng sau ba năm đi lực lượng. Anh gặp thằng bé Heng gặp ở con nước lớn. Con đường cũ chằng chịt hầm chông, hố chông. Nếu như không có người dẫn, Tnú không thể đi qua một mình. Về đến nơi, cụ Mết và dân làng vô cùng mừng rỡ, đón chào anh. Đến tối, dân làng kéo tới nhà cụ Mết để gặp Tnú. Cô bé Dít năm xưa giờ đã là bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã hội. Dít yêu cầu Tnú xuất trình giấy phép. Dân làng tiếc nuối vì Tnú chỉ được về thăm làng có một đêm. Cụ Mết kể lại cho dân làng nghe về cuộc đời của Tnú. Khi xưa, làng Xô Man vẫn tích cực trong phong trào cách mạng. Nhiều dân làng như anh Xút bị treo cổ, bà Nhan bị chặt đầu vì bị giặc phát hiện việc nuôi giấu cán bộ cách mạng. Lúc đó, Tnú và Mai còn nhỏ nhưng đã rất dũng cảm. Cả hai xung phong vào rừng nuôi anh Quyết cán bộ. Tnú và Mai được cán bộ dạy cho học chữ. Tnú học chữ thì hay quên nhưng đi rừng làm liên lạc thì đầu nó sáng lạ lùng. Nhiều lần, cậu đã thoát khỏi vòng vây của giặc. Ba năm sau, Tnú vượt ngục trốn về, lưng đầy thương tích. Anh Quyết trước khi hy sinh đã gửi thư cho dân làng Xô Man trước khi mất. Nghe lời anh, mọi người chuẩn bị chiến đấu. Đêm đêm, làng Xô Man thức mài vũ khí. Bọn giặc nghe được kéo đến làng Xô Man đúng lúc đứa con đầu lòng của Tnú và Mai chào đời. Cụ Mết và trai tráng lánh vào rừng, bí mật bám theo giặc. Bọn giặc bắt mẹ con Mai, tra tấn để buộc Tnú xuất hiện. Tnú không cứu được mẹ con Mai, bản thân lại bị giặc bắt trói lại. Chúng tấm nhựa xà nu vào mười đầu ngón tay của anh, rồi châm lửa đốt. Đúng lúc đó thì cụ Mết và trai tráng trong làng cầm giáo mác tới giết chết thằng Dục. Đời Tnú chính là minh chứng sống cho chân lý: “Chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo” mà cụ Mết nói. Cụ Mết hỏi Tnú những năm đi lực lượng đã giết được mấy thằng Diệm, mấy thằng Mỹ. Anh kể lại chuyện đánh đồn, xông xuống hầm dùng tay bóp chết thằng chỉ huy. Đối với anh, thằng giặc nào cũng là thằng Dục. Hôm sau, cụ Mết và Dít tiễn Tnú lên đường. Ba người đứng nhìn những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời…

7. Tóm tắt Những đứa con trong gia đình

Tóm tắt mẫu 1

Hai chị em Chiến và Việt là những đứa con trong một gia đình có nhiều mất mát, đau thương: cha bị Pháp chặt đầu hồi chín năm, mẹ vừa bị đại bác Mĩ bắn chết. Khi hai chị em Chiến và Việt trưởng thành, cả hai đều giành nhau tòng quân. Nhờ có sự ủng hộ của chú Năm, mà cả Việt và Chiến đều được đi tòng quân. Trong trận đánh ác liệt tại một khu rừng cao su, Việt bị thương nặng, lạc đồng đội, một mình nằm lại chiến trường khi còn ngổn ngang dấu vết của đạn bom và chết chóc. Việt ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, Việt hồi tưởng về gia đình, về những người thân yêu như mẹ, chú Năm, chị Chiến…

Tóm tắt mẫu 2

Chiến và Việt là những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước. Cha bị Pháp chặt đầu hồi chín năm, mẹ vừa bị đại bác Mỹ bắn chết. Khi hai chị em Chiến và Việt lớn lên, cả hai đều giành nhau đi tòng quân. Nhờ sự đồng tình của chú Năm, chú đã thuyết phục anh cán bộ ghi danh cho cả hai. Trước ngày hành quân, chị em Chiến và Việt dọn dẹp đồ đạc, nấu cơm cúng má và khiêng bàn thờ sang gửi nhờ nhà chú Năm. Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi đâu đấy, Chiến và Việt ngồi nghe chú Năm hò điệu hò đặc trưng của người dân Nam Bộ. Sau đó, chú nói về cuốn sổ gia đình và mong muốn giao cuốn sổ cho hai chị em Việt. Trong một trận chiến ác liệt, Việt bị thương, lạc mất đồng đội. Một mình nằm lại chiến trường, Việt ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, Việt hồi tưởng về gia đình, về những người thân yêu.

8. Tóm tắt Bắt sấu rừng U Minh Hạ

Tin đồn có cá sấu ở ngọn rạch Cái Tàu đến tai ông Năm Hên – người thợ già chuyên bắt cá sấu ở Kiên Giang. Ông bơi xuồng đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu. Ông bắt cá sấu không phải vì tiền bạc, phú quý mà để giúp dân và trả thù cho người anh trai bị cá sấu bắt ngày trước. Buổi sáng hôm sau, Tư Hoạch - một người dân địa phương dẫn ông lên ao cá sấu. Buổi chiều, ông trở về cùng với 45 con cá sấu nối đuôi nhau theo thuyền. Tư Hoạch kể lại cách bắt sấu phi phàm của ông Năm Hên, ai nấy đều kính phục và tôn Năm Hên là “bậc thánh xứ này”.

9. Tóm tắt Chiếc thuyền ngoài xa

Tóm tắt mẫu 1

Theo yêu cầu từ trưởng phòng, Phùng phải đi về miền Trung thực hiện bộ ảnh để chào đón năm mới. Đây cũng là địa điểm mà anh từng tham chiến trong thời gian chống Mỹ. Sau khi tìm hiểu và quyết định chọn chủ đề cho bộ lịch đó là chiếc thuyền đánh cá trong một buổi sáng bình minh. Khi đã hoàn thành bộ ảnh, anh quay về bờ thì chứng kiến cảnh tượng người đàn ông hàng chài to lớn đang đánh đập người phụ nữ. Đứa con tên Phác chạy ra can ngăn. Cứ thế cảnh tượng đó diễn ra liên tiếp, không thể chịu được Phùng quyết định vào ngăn cản thì bị người đàn ông đánh bị thương nhẹ. Ngay sau đó, Chánh án tên là Đẩu là bạn của Phùng mời người đàn bà hàng chài lên tòa án huyện để giải quyết. Tại đây Đẩu khuyên người đàn bà hàng chài bỏ người chồng vũ phu kia. Người đàn bà giải thích lí do vì sao chồng đánh và kể về người chồng của mình. Phùng và Đẩu hiểu ra rằng mặc cho bị ngược đãi về thể xác nhưng cả người đàn bà và những đứa con cần người đàn ông gánh vác trách nhiệm gia đình và nuôi sống gia đình. Phùng nhận ra rằng nhìn nhận mọi việc đơn giản bằng vẻ ngoài không thôi thì chưa đủ.

Tóm tắt mẫu 2

Nhiếp ảnh Phùng có một chuyến đi thực tế về miền Trung để thực hiện một bộ ảnh chuyên đề. Anh quyết định sẽ chụp một bộ ảnh về cảnh con thuyền đánh cá trong một buổi sáng bình minh. Trong lúc đó, anh tình cờ chứng kiến cảnh tượng người đàn ông hàng chài to lớn đang đánh đập người phụ nữ. Không thể đứng nhìn, Phùng quyết định chạy vào can ngăn thì người đàn ông đánh anh bị thương nhẹ. Chánh án tên là Đẩu - cũng chính là bạn của Phùng đã mời người bà hàng chài lên tòa án huyện để giải quyết chuyện ly hôn. Tại đây Đẩu khuyên người đàn bà hàng chài bỏ người chồng vũ phu. Nhưng người đàn bà đã van xin đừng bắt chị ta bỏ chồng. Sau cuộc trò chuyện, Phùng và Đẩu hiểu ra rằng mặc cho bị ngược đãi về thể xác nhưng cả người đàn bà và những đứa con cần người đàn ông gánh vác trách nhiệm gia đình và nuôi sống gia đình. Phùng nhận ra rằng nhìn nhận mọi việc đơn giản bằng vẻ ngoài không thôi thì chưa đủ.

10. Tóm tắt Mùa lá rụng trong vườn

Chiều 30 Tết, chị Hoài về thăm nhà ông Bằng. Chị là vợ anh Tường liệt sĩ, con trai trưởng của ông. Dù chị đã đi bước nữa nhưng vẫn thường xuyên hỏi thăm gia đình ông. Các em trai, em dâu thấy chị Hoài về thăm đều vui vẻ, mừng rỡ. Chị Hoài về thăm còn mang biết bao nhiêu là thứ quà quê, nào là gạo nếp tăng sản, nào là giò thủ, nào là bột sắn dây, và một gói hạt giống mướp hương. Chị em nói chuyện, hỏi thăm, mừng vui vì đã lâu ngày mới gặp gỡ. Ông Bằng từ trên gác xuống cầu thang thấy chị Hoài, cả hai cha con đều xúc động. Nhìn cảnh ấy, Phượng nghẹn ngào, mắt ngấn lệ. Lý rất ý tứ mời ông Bằng khấn cho lễ cúng gia tiên bắt đầu. Ông Bằng tóc bạc lầm rầm khấn. Chị Hoài đăm đắm ngước lên bàn thờ, rồi chị thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực. Mọi người vào mâm, hân hoan khác thường.

11. Tóm tắt Một người Hà Nội

Tóm tắt mẫu 1

Nhân vật trung tâm trong truyện ngắn là cô Hiền, một người Hà Nội bình thường. Cũng như những người Hà Nội bình thường khác, cô đã cùng Hà Nội, cùng đất nước trải qua những biến động, thăng trầm nhưng vẫn giữ được cốt cách Hà Nội, cái bản lĩnh văn hoá của người Hà Nội. Cô sống thẳng thắn, chân thành, không giấu giếm quan điểm, thái độ riêng của mình với mọi hiện tượng xung quanh.

Thời trẻ, cô Hiền là một người tài hoa, yêu thích văn chương, giao du với đủ loại thanh niên con nhà giàu, nghệ sĩ văn nhân, nhưng khi chọn chồng cô không hề lãng mạn mà chọn ông anh giáo dạy cấp Tiểu học hiền lành, chăm chỉ. Cô tính toán kĩ lưỡng khi quản lí gia đình, dạy dỗ con cái từ cách ăn nói, đi đứng sao cho thể hiện được nét văn hoá của người Hà Nội.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, cô Hiền nói về niềm vui và cả những cái có phần máy móc, cực đoan của cuộc sống xung quanh: vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, theo cô chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá. Cô tính toán mọi việc trước sau rất khôn khéo và đã tính là làm, đã làm là không để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ.

Miền Bắc bước vào thời kì đương đầu với chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Cô Hiền dạy con cách sống “biết tự trọng, biết xấu hổ”, biết sống đúng với bản chất người Hà Nội. Đó cũng là lí do vì sao cô sẵn sàng cho con trai ra trận: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”.

Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước trong thời kì đổi mới, giữa không khí xô bồ của thời kinh tế thị trường, cô Hiền vẫn là “một người Hà nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Từ chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn, cô Hiền nói về niềm tin vào cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Tóm tắt mẫu 2

Cô Hiền - một người Hà Nội, một “hạt bụi vàng” của thủ đô nghìn năm văn hiến. Cô vốn xinh đẹp, thông minh, lại sinh ra trong một gia đình giàu có lương thiện. Khi còn trẻ, cô từng mở một xa lông văn học, giao lưu với khách văn chương trí thức. Đến khi lập gia đình, cô lại lấy một ông giáo Tiểu học làm chồng trong sự ngỡ ngàng của biết bao người. Suốt thời kháng chiến chống Pháp, vợ chồng cô vẫn sống ở Hà Nội một cách nền nếp, lễ nghi. Khi người con trai cả xin vào chiến trường, cô không ngăn cản. Cậu thứ hai thi được điểm cao nên trường giữ lại. Năm 1975, con cả của cô trở về và đã là thượng úy. Cô Hiền tổ chức bữa ăn bạn bè như mấy chục năm nay cô vẫn làm mỗi tháng. Nhân vật tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống nhưng cứ ra Hà Nội lại ghé vào thăm cô Hiền. Tôi tỏ ý buồn phiền về lối ứng xử xuống cấp của người Hà Nội thời nay. Cô Hiền kể cho anh nghe chuyện cây si bật gốc vì bão ở đền Ngọc Sơn.

12. Tóm tắt tác phẩm Thuốc

Tóm tắt mẫu 1

Vợ chồng lão Hoa, chủ một quán trà, có thằng con trai tên Thuyên bị bệnh lao rất nặng. Được lão Cả Khang mách, vợ chồng lão Hoa dốc tiền đến Cổ Đình Khẩu từ mờ sáng để mua chiếc bánh bao tẩm máu người vừa bị hành hình đem về cho con ăn với hy vọng chữa khỏi căn bệnh quái ác cho con. Buổi sáng, khi thằng Thuyên ăn chiếc bánh tẩm máu người rồi đi nghỉ thì quán trà cũng dần đông khách, mọi người râm ran khẳng định thằng Thuyên sẽ khỏi bệnh rồi bàn tán về Hạ Du, người chiến sĩ vừa bị hành hình lúc sáng sớm. Ai nấy đều cho Hạ Du là “thằng khốn nạn”, “thằng nhãi con” và “điên thật rồi”. Cuối cùng, chiếc bánh tẩm máu người cũng không cứu được thằng Thuyên khỏi thần chết. Một ngày vào tiết Thanh minh, bà Hoa buồn rầu ra thăm mộ con nhìn thấy mẹ Hạ Du cũng đến viếng mộ. Đồng cảnh ngộ mất con, bà Hoa bước qua con đường mòn sang an ủi mẹ Hạ Du, cả hai cùng ngạc nhiên trước vòng hoa đặt trên mộ. Mẹ Hạ Du sau khi than khóc cho cái chết oan nghiệt của con vẫn không hết khó hiểu “Thế là thế nào nhỉ?”. Truyện kết thúc với tiếng quạ kêu và hình ảnh con quạ nhún mình bay bút về phía trời xa.

Tóm tắt mẫu 2

Vợ chồng lão Hoa - chủ một quán trà có thằng con trai tên Thuyên mắc bệnh lao rất nặng. Nhờ được lão Cả Khang mách, hai vợ chồng lão dốc tiền đến Cổ Đình Khẩu để mua chiếc bánh bao tẩm máu người vừa bị hành hình đem về cho con trai ăn. Thuyên ăn chiếc bánh tẩm máu người rồi đi nghỉ. Quán trà của lão Hoa trở nên đông khách, mọi người trong quán bàn tán về Hạ Du, người chiến sĩ vừa bị hành hình lúc sáng sớm. Chiếc bánh bao tẩm máu người cũng không cứu được Thuyên. Một ngày vào tiết Thanh minh, bà Hoa buồn rầu ra thăm mộ con nhìn thấy mẹ Hạ Du cũng đến viếng mộ. Đồng cảnh ngộ mất con, bà Hoa bước qua con đường mòn sang an ủi mẹ Hạ Du, cả hai cùng ngạc nhiên trước vòng hoa đặt trên mộ.

13. Tóm tắt Số phận con người

Trước chiến tranh, Xô-cô-lốp có một gia đình hạnh phúc với người vợ và ba đứa con. Chiến tranh nổ ra, anh phải tham gia lực lượng chống phát xít nhưng bị bắt giam và tra tấn dã man. Chiến đấu khoảng một năm, anh bị thương tới hai lần. Năm 1944, anh trốn thoát, về với Hồng quân, biết được tin vợ và hai con gái đã chết do bị Bom Đức sát hại từ năm 1942. Người con trai duy nhất là thoát chết sau đó anh gia nhập quân ngũ tiến đánh Béc-lin. Nhưng đúng vào ngày chiến thắng 9 tháng 5 năm 1945, A-na-tô-li đã hi sinh. Sau chiến tranh Xô-cô-lốp quay về thời bình nhưng không muốn trở lại quê nhà. Anh đến chỗ của đồng đội cũ, xin làm lái xe cho đội vận tải và tình cờ gặp được Va-ni-a một cậu bé mồ côi đã mất cha mẹ trong chiến tranh. Anh đã nhận Vania làm con nuôi. Hai người nương tựa nhau mà sống. Trong một lần vô tình gây ra tai nạn, anh bị tước bằng lái xe, anh phải chuyển nghề nhưng thợ mộc để kiếm sống. Theo lời mời của một người bạn khác ở Ka-sa-rư, anh dẫn bé Va-ni-a đến đó với hy vọng chừng nửa năm sau anh được cấp lại bằng lái mới. Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng hai cha con vẫn lạc quan tin tưởng vào tương lai phía trước.

14. Tóm tắt Ông già và biển cả

Đến ngày thứ ba, con cá bắt đầu lượn vòng. Đó là con cá kiếm lớn nhất và đẹp nhất ông từng thấy trong đời. Suốt mấy ngày, Xan-ti-a-gô tìm mọi cách để bám trụ và giữ con cá. Cuối cùng, lão cũng cắm được mũi lao vào tim con cá và giết chết được nó. Không thể đưa con cá lên thuyền vì nó quá lớn, Xan-ti-a-gô cẩn thận buộc nó dọc theo mạn thuyền, giương buồm về bến. Một tiếng sau thì con cá mập đầu tiên tấn công.

15. Tóm tắt Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Trương Ba giỏi đánh cờ bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích đã cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác anh hàng thịt vừa chết. Khi trú nhờ trong xác anh hàng thịt, Trương Ba gặp phải rất nhiều phiền toái: lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, ngay đến gia đình của ông cũng cảm thấy xa lạ... Bản thân Trương Ba cũng đau khổ vì phải sống trái với tự nhiên. Đặc biệt là khi xác anh hàng thịt đã làm cho Trương Ba nhiễm một vài thói xấu. Trước nguy cơ bị tha hóa, ông đã quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt, còn mình thì chấp nhận cái chết.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 227
  • Lượt xem: 10.316
  • Dung lượng: 301,8 KB
Liên kết tải về

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo