Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ Soạn văn 12 tập 1 tuần 6 (trang 84)

Nhằm giúp học sinh nắm rõ được phương pháp nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 12: Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.

Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ

Với tài liệu soạn văn này, các bạn học sinh lớp 12 sẽ có thể chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ. Mời tham khảo nội dung chi tiết ngay bên dưới.

Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ - Mẫu 1

I. Hướng dẫn

1. Tìm hiểu đề và lập dàn ý

Đề 1.

a. Tìm hiểu đề

Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh: Bài thơ được Bác Hồ sáng tác khi còn ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954).

b. Lập dàn ý

(1) Mở bài: Giới thiệu khái quát hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

(2) Thân bài:

  • Vẻ đẹp của núi rừng đêm trăng khuya (hình ảnh ánh trăng, hoa, cây cổ thụ, tiếng suối…)
  • Nhân vật trữ tình trong bài thơ mải lo việc nước, đến đêm khuya vẫn chưa ngủ.
  • Bài thơ hiện đại ở chỗ con người nổi bật giữa bức tranh thiên nhiên, cổ điển ở bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình.

(3) Kết bài: Sự hài hòa giữa tâm hồn nghệ sĩ và ý chí chiến sĩ trong bài thơ.

Đề 2.

a. Tìm hiểu đề

Khí thế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dũng mãnh, hào hùng thể hiện qua lực lượng tham gia, những con đường và thời điểm tổng tiến công sôi nổi…

b. Lập dàn ý

(1) Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ (xuất xứ, trích dẫn nguyên văn đoạn thơ).

(2) Thân bài:

  • Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Bắc: 8 câu đầu.
  • Khí thế chiến thắng của các chiến trường khác: 4 câu sau.
  • Nghệ thuật sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ tài tình của tác giả trong đoạn thơ.

(3) Kết bài: Đoạn thơ thể hiện thành công cảm hứng ngợi ca cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

2.

- Đối tượng: đoạn thơ, bài thơ.

- Nội dung: khái quát về đoạn thơ bài thơ, phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ và bài thơ, đánh giá về đoạn thơ bài thơ.

Tổng kết:

- Đối tượng của bài nghị luận về thơ rất đa dạng (một bài thơ, một đoạn thơ, hình tượng thơ…) Với kiểu bài này, cần tìm hiểu từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu, cấu tứ… của đoạn thơ.

- Bài viết thường có các nội dung sau:

  • Giới thiệu khái quát về bài thơ, đoạn thơ.
  • Bàn về những giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.
  • Đánh giá chung về bài thơ đoạn thơ.

II. Luyện tập

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Gợi ý:

(1) Mở bài: Giới thiệu về bài thơ Tràng giang, nội dung chính của khổ thơ 4.

(2) Thân bài

- Hai câu thơ đầu với một bức tranh thiên nhiên chiều tà với vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ:

  • Những đám mây trắng cứ hết lớp này đến lớp khác nối tiếp nhau “đùn” lên dưới ánh nắng chiều như tạo nên những quả núi dát bạc.
  • Hình ảnh “cánh chim” xuất hiện như ánh lên một tia ấm áp cho cảnh vật song nó vẫn không làm vơi đi nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn của nhà thơ.

- Hai câu thơ cuối đã thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết, cháy bỏng của tác giả:

  • Hình ảnh “dợn dợn vời con nước” miêu tả những đợt sóng lan xa mà hơn thế nó còn gợi lên cảm giác buồn nhớ đến vô tận của nhà thơ.
  • Câu thơ cuối đậm chất cổ điển khép lại bài thơ đã diễn tả một cách chân thực và rõ nét niềm thương nhớ quê hương đất nước.

(3) Cảm nhận chung về đoạn thơ trên.

Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ - Mẫu 2

I. Luyện tập

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Gợi ý:

Tràng giang của Huy Cận được trích từ tập Lửa Thiêng. Tác phẩm đã thể hiện nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê hương trong cảnh hoàng hôn. Đặc biệt nhất là ở khổ thơ cuối:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa,
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Trước mắt nhà thơ là những núi mây nhô lên, đùn lên lớp lớp màu trắng bạc. Cảnh sắc thiên nhiên hiện lên thật tráng lệ. Bầu trời chắc là xanh thẳm, hoặc tím thầm trong khoảnh khắc hoàng hôn nên màu mây ở cuối chân trời mới ánh lên màu bạc ấy. Giữa cái bao la mênh mông bỗng xuất hiện một cánh chim nhỏ nhoi. Cánh chim đang chở nặng bóng chiều, bay vội vã. Trên cái nền tím sẫm, nhạt nhòa của bóng chiều hôm, hiện lên những núi bạc mây cao và một con chim lạc đàn nghiêng cánh nhỏ. Hai nét vẽ ấy tượng trưng cho những cảnh chiều hôm trong tâm tưởng người lữ thứ: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” (Bà Huyện Thanh Quan), “Chim hôm thoi thóp về rừng” (Nguyễn Du). Nghệ thuật tương phản giữa cánh chim nghiêng nhỏ bé và mờ dần với núi mây bạc hùng vĩ, với trời đất bao la đã làm cho cảnh đất trời và tràng giang thêm mênh mông hơn, xa vắng hơn, và cũng buồn hơn.

Bốn câu kết mang ý vị cổ điển rất đậm đà. Ý vị ấy, màu sắc ấy được thể hiện ở hình ảnh nhà thơ một mình đứng lẻ loi giữa vũ trụ bao la, lặng lẽ cảm nhận cái vô cùng của không gian, thời gian đối với kiếp người hữu hạn. Một cánh chim, một núi mây bạc cũng dẫn hồn ta đi về mọi nẻo, đến với mọi phía chân trời: Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm - Mặt đất mây đùn cửa ải xa (Đỗ Phủ). Ý vị cổ điển ấy lại được tô đậm bằng một tứ thơ Đường:

Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Hơn mười hai thế kỉ trước, trong bài thơ Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu đã viết:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

(Tản Đà dịch)

Huy Cận nhìn cao rồi nhìn xa theo tràng giang vời con nước, ở trên nhà thơ đã phủ định: “Mênh mông không một chuyến đò ngang/Không cầu gợi chút niềm thân mật” thì ở đây, ông lại nói: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi buồn cô đơn và nỗi nhớ quê tràn ngập tâm hồn khách tha hương trong buổi hoàng hôn, bên dòng sông đang mải miết trôi về tận phương nào xa xôi.

Bài thơ “Tràng Giang” nói chung, khổ thơ cuối nói riêng đã bộc lộ nỗi sầu của một “cái tôi” cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời và lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha.

II. Bài tập ôn luyện

Đề 1. Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

Gợi ý:

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận xét: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong nhà thơ mới”. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là Vội vàng. Bài thơ là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là năm tháng tuổi trẻ.

Mở đầu bài thơ, tác giả bộc lộ tình yêu tha thiết với cuộc sống nơi trần thế:

"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi"

Nắng của mùa xuân là thứ ánh sáng rực rỡ, ấm áp và tươi vui. Còn hương của mùa xuân là nơi tinh hoa của đất trời, của vạn vật kết tinh, hội tụ. Hai hành động “tắt nắng”, “buộc gió” là đi ngược lại với những quy luật vốn có của tự nhiên. Cùng với đó là điệp cấu trúc “Tôi muốn... để” kết hợp với động từ mạnh “tắt”, “buộc” và nhịp thơ nhanh, dồn dập, thể hiện khao khát mãnh liệt, hối hả, muốn nhanh chóng không để những vẻ đẹp tạo hóa vụt mất khỏi tầm tay. Đó là ước muốn bất tử hóa cái đẹp, giữ cho cái đẹp tỏa sắc lên hương vì đóa hoa hương sắc cuộc đời tươi thắm, ngọt ngào mà mong manh.

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"

Điệp ngữ “này đây” được lặp đi lặp lại năm lần như một lời mời gọi, kết hợp với thủ pháp liệt kê, vừa diễn tả sự giàu có, phong phú bất tận của thiên nhiên vừa thể hiện cảm giác hân hoan, vui sướng của tác giả. Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá, dùng những danh từ thuộc về con người (“tuần tháng mật”, “khúc tình si”) để miêu tả thiên nhiên, kết hợp với “ong bướm”, “yến anh” được gọi tên như đôi như lứa khiến cho vườn xuân bỗng đầy mộng mơ, lãng mạn, vườn xuân cũng là vườn yêu, vườn tình, vườn ái ân hạnh phúc. Tính từ “xanh rì”, “phơ phất” giàu sức gợi tả vẽ nên cảnh thiên nhiên mùa xuân non tơ, tràn đầy sức sống. Bức tranh xuân không chỉ có cảnh vật đẹp tươi mà còn tràn đầy ánh sáng và niềm vui với hình ảnh “ánh sáng chớp hàng mi” và “thần vui hằng gõ cửa”. Với Xuân Diệu mỗi ngày được sống, được chiêm ngưỡng ánh dương, được tận hưởng sắc hương của vạn vật là một ngày hân hoan vui sướng. Thiên nhiên tạo vật say sưa, rộn ràng, mê mải trao gửi sắc hương, xui khiến lòng người ngất ngây tận hưởng, để thi nhân tạo hóa thành tình nhân: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Câu thơ sử dụng nghệ thuật ẩn chuyển đổi cảm giác, hay chính là phép giao thoa mà thơ Mới tiếp thu được từ thơ ca tượng trưng Pháp. Đồng thời, Xuân Diệu cũng gợi về cuộc sống, tuổi trẻ và hạnh phúc.

Những câu thơ tiếp theo thể hiện quan điểm mới mẻ của Xuân Diệu về thời gian:

"Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời"

Nhà thơ đã ý thức được sự chảy trôi của thời gian. Khi mùa xuân của tự nhiên vừa tới thì cũng là lúc mùa xuân của tuổi trẻ qua đi. Nếu mùa xuân của đất trời luôn tuần hoàn, thì mùa xuân của con người chỉ có một. Tuổi trẻ chẳng thể thắm lại đến lần thứ hai. Tiếc nuối về sự chảy trôi đó, mà chia ly cũng bao trùm lấy cả sự vô tận của thời gian, khoảng không cách biệt của không gian. Một loạt những hình ảnh thiên nhiên nhuốm màu sắc chia ly: Vị thời gian rớm màu chia phôi, núi sông than thầm lời tiễn biệt, những cơn gió xuân vốn dạt dào đến thế cũng thều thào trong tiếng nghẹn. Tiếng vàng anh ru khúc nhạc tình cũng đành dừng lại. Từ “ôi” vang lên nhẹ nhàng mà cũng thật tha thiết, vừa hối tiếc lại vừa thúc giúc.

Đoạn thơ cuối cùng chính là khát vọng được tận hưởng, tận hiến của nhà thơ:

"Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi"

Câu thơ mở đầu như một lời giục giã, thể hiện mong muốn được tận hưởng thiên nhiên và cuộc sống, tận hưởng thời gian và cuộc sống. Đ iệp từ “Ta muốn” được đặt ở đầu câu vang lên đầy dõng dạc, kết hợp với hàng loạt động từ theo cấp độ tăng tiến: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu” đã làm nổi bật tư thế chủ động tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống ở độ tươi mới nhất, căng tràn nhất của cái “tôi” trữ tình. Tác giả mong muốn được ôm trọn sự sống của đất trời vào lòng. Cũng như được sống hòa mình với thiên nhiên cùng với mây đưa và gió lượn. Hay là những cảm xúc rạo rực trong tình yêu đôi lứa. Câu thơ cuối cùng gợi ra một hình ảnh ông độc đáo: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”. Mùa xuân vốn là cái vô hình không thể cầm nắm, nhưng ở đây nhân vật trữ tình lại muốn “cắn” - ẩn dụ chuyển đổi cảm giác nhằm thể hiện khát vọng tận hưởng mãnh liệt của thi nhân.

Đến với Vội vàng, Xuân Diệu đã thể hiện những khát khao mãnh liệt được tận hưởng tận hiến cho cuộc sống. Đó cũng là cách sống mà thế hệ trẻ hôm nay cần học tập.

Đề 2. Phân tích khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Gợi ý:

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ. Đến với khổ thơ đầu tiên, người đọc sẽ cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên nơi thôn Vĩ tuyệt đẹp:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Bài thơ được bắt đầu bằng một câu hỏi: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Câu hỏi gợi cho người đọc hai cách hiểu. Đó có thể là lời hỏi của người thôn Vĩ dành cho tác giả. Vì theo như lời được kể lại thì nguồn cảm hứng để Hàn Mặc Tử sáng tác bài thơ bắt nguồn từ lời thăm hỏi của cô gái thôn Vĩ khi nhà thơ đang mắc bệnh hiểm nghèo. Cô đã gửi một tấm bưu thiếp là bức tranh nơi thôn Vĩ cùng với lời nhắn gửi sao anh không về thăm lại thôn Vĩ. Đó cũng có thể là lời của chính tác giả, Hàn Mặc Tử đang tự phân thân để hỏi chính mình. Nhà thơ lúc này tuy khao khát, nhớ nhung quê hương nhưng không thể trở về. Dù hiểu theo cách nào thì chúng ta cũng thấy được nỗi nhớ quê cũng như mong muốn được về thôn Vĩ của nhà thơ.

Những câu thơ tiếp theo đã khắc họa hình ảnh thiên nhiên thôn Vĩ Dạ. Hình ảnh đầu tiên hiện ra: “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Ánh nắng của buổi bình minh đã bao trùm khắp làng quê. Cách sử dụng điệp ngữ “nhìn nắng” - “nắng mới” thể hiện một không gian tràn đầy sức sống. Thứ ánh sáng của ngày mới đầy tinh khôi, ấm áp mang đến cho con người một luồng sinh khí mới. Tiếp đến câu thơ thứ ba lại là một câu hỏi tu từ: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. “Ai” là đại từ phiếm chỉ, nhà thơ không biết khu vườn kia là của ai. Từ “mướt” gợi cảm giác về một màu xanh của sự sống, lấp lánh khắp khu vườn. Cách so sánh “xanh như ngọc” khiến ta liên tưởng đến câu thơ của Xuân Diệu:

“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền”

(Thơ duyên)

Cuối cùng, nhà thơ khắc họa vẻ đẹp của con người xứ Huế trong câu thơ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Trong không gian thiên nhiên đó, con người chỉ thoáng xuất hiện. Hình ảnh trên lại gợi cho người đọc hai cách hiểu. Khuôn mặt chữ điền của người thôn Vĩ thấp thoáng sau tán trúc. Khuôn mặt chữ điền gợi ra vẻ hiền lành phúc hậu, phải chăng đó là khuôn mặt của người con gái Hàn Mặc Tử thầm thương? Hay cũng có thể đó là khung cửa sổ hình chữ điền thấp thoáng sau lá trúc. Dù là cách hiểu nào thì Hàn Mặc Tử cũng đều muốn thể hiện vẻ đẹp của con người xứ Huế cũng như tình cảm dành cho con người, cảnh vật nơi đây.
Khổ thơ thứ nhất trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên thôn Vĩ đầy sinh động, thể hiện được tài năng sáng tác của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 16
  • Lượt xem: 16.257
  • Dung lượng: 214,8 KB
Tìm thêm: Soạn Văn 12
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Phan Chiến
    Phan Chiến có giáo án GDTC lớp 1 sách kNTT chia từng tit ko a
    Thích Phản hồi 25/09/22