Phân tích bài thơ Chừa rượu của Nguyễn Khuyến Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ
Phân tích bài thơ Chừa rượu của Nguyễn Khuyến mang đến bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo để dễ dàng viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ hay.
Chừa rượu là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Bài thơ chỉ với vỏn vẹn 4 câu thơ tác giả đã cho chúng ta thấy được tác hại của rượu, nhưng ông lại không thể “chừa” được. Vậy sau đây là bài văn mẫu phân tích bài thơ Chừa rượu mời các bạn cùng theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm phân tích bài thơ Thu vịnh, phân tích bài thơ Thu ẩm.
Phân tích bài thơ Chừa rượu
Chừa rượu là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Khuyến. Mặc dù chỉ với vỏn vẹn 4 câu thơ, nhưng tác giả đã cho chúng ta thấy được tác hại của rượu, nhưng ông lại không thể “chừa” được, tức là bỏ rượu. Do vậy mà tác giả muốn khuyên chúng ta đừng dính líu vào nó.
Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được. Lúc này, Nam Kì rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1882, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội.
Năm 1885, chúng tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Nhưng cuối cùng, phong trào Cần Vương tan rã.
Có thể nói, sống giữa thời kỳ các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan về ở ẩn. Từ đó dẫn đến tâm trạng bất mãn, bế tắc của nhà thơ.
Nguyễn Khuyến nổi tiếng mê uống rượu. Cuốn thơ văn Nguyễn Khuyến có in ảnh của ông trang đầu, đầu khăn xếp, mặt xương xương, hai mắt sáng và tay thì đang cầm chén rượu. Rồi có đôi khi đọc thơ Nguyễn Khuyến thì quả thực lắm khi cũng thấy phảng phất… mùi rượu, tỷ như bài “Tạ người cho hoa trà” thì nghe ra còn cả tiếng khề khà hơi thở của người say. “Chừa rượu” là bài thơ vui vẻ viết lối liên hoàn khá thú vị,
Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa,
Hay ưa nên nỗi không chừa được,
Chừa được nhưng ta… cũng chẳng chừa.
Trong bài thơ, có thể thấy tâm trạng đối lập của nhà thơ. Hai vế đối liên hoàn thể hiện đúng sự băn khoăn của người yêu rượu.
Đó là khi say muốn chừa rượu – bỏ rượu, không uống rượu. Thế nhưng, thực chất trong lòng lại không muốn bỏ rượu.
Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa,
Nguyễn Khuyến đã sử dụng lối nói cực kỳ hóm hỉnh: muốn chừa nhưng tính lại hay ưa. Đây chính là một trong những lý do được các mọt rượu hay lấy ra để chống chế. Đó cũng là nguyên nhân để bắt đầu cho những việc tiếp theo:
Hay ưa nên nỗi không chừa được,
Đọc đến câu thơ này, người ta sẽ cảm thấy thật lắm lý do, làm gì có chuyện không thể chừa được rượu, chỉ cần có quyết tâm là sẽ bỏ được.
Thế nhưng, câu thơ cuối của Nguyễn Khuyến thực sự khiến bạn đọc phải tâm phục, khẩu phục:
Chừa được nhưng ta… cũng chẳng chừa.
Thật ra, bỏ rượu không khó, thế nhưng, giữa thế sự loạn lạc, bất bình mà không thể làm gì được, chẳng thể thay đổi thì việc say rượu sẽ giúp người ta quên đi những bất công. Không chỉ Nguyễn Khuyến, các thi sĩ cũng đều lấy cách này để quên đi hiện thực bất công.
Bài thơ đơn giản nhưng đúng lối hóm hỉnh của Nguyễn Khuyến. Bài thơ tên là “Chừa rượu” mà chẳng có ý chừa tí nào. Mà hay là nếu ai có mê rượu thì mới thấy nó tả đúng cái tâm sự của mình, thật tiện lợi mà đem ra chống chế…