Dàn ý phân tích đoạn trích Xuý Vân giả dại (2 Mẫu) Xuý Vân giả dại trích chèo Kim Nham
Văn mẫu lớp 10: Dàn ý phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại gồm 2 mẫu khác nhau chi tiết nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo, nắm được các luận điểm luận cứ quan trọng để triển khai bài văn phân tích hay.
Trích đoạn Xúy Vân giả dại là tác phẩm rất hay đã làm nổi bật lên tâm trạng nhiều đau khổ, day dứt của Xúy Vân. Tuy nhiên nàng cũng không hề hay biết rằng người mà mình yêu say đắm Trần Phương lại là một tên Sở Khanh không hơn không kém. Bên cạnh đó các bạn xem thêm phân tích tâm trạng của Xúy Vân.
Dàn ý phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại
Dàn ý phân tích bài Xuý Vân giả dại
I. Mở bài.
- Giới thiệu chung về cheo cổ: còn gọi là chèo truyền thống hay chèo sân đình, là một thể loại sân khấu kịch hát dân gian đặc sắc, sản phẩm nghệ thuật của nông thôn các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật chèo là nghệ thuật tổng hợp, phối hợp nhuần nhuyễn giữa kịch bản, lời hát, động tác và âm nhạc.
- Đoạn Xúy Vân giả dại trích trong vở chèo Kim Nham là một trong những đoạn hay nhất của chèo cổ Việt Nam.
II. Thân bài.
A. Tóm tắt nội dung vở chèo Kim Nham.
Kim Nham là người học trò nghèo ở Nam Định được viên huyện Tể gả con gái cho. Vợ chàng - Xúy Vân – đảm đang, khéo léo, chỉ ước mơ cùng chồng lao động, gần gũi bên nhau. Song Kim Nham lại lên Tràng An “dùi mài kinh sử”, Xúy Vân buồn bã trong cảnh chờ đợi. Nàng bị một gã nhà giàu là Trần Phương tán tỉnh. Theo mưu kế của tình nhân, Xúy Vân giả điên để bỏ chồng. Sau đó, nàng lại bị hắn phụ rẫy. Xúy Vân đau khổ, từ giả điên thành điên thật.
Kim Nham thi đỗ, làm quan. Chàng gặp vợ cũ đi ăn xin, sai người bỏ nén bạc vào nắm cơm, đem cho Xuý Vân. Nàng nhận được, hiểu ra, xấu hổ và đau đớn bèn nhảy xuống sông tự vẫn.
Đoạn trích thể hiện cảnh Xúy Vân giả dại, buộc Kim Nham phải trả mình về nhà để đi theo Trần Phương.
B. LỜI HÁT CỦA XUÝ VÂN TRONG ĐOẠN TRÍCH.
1. Tâm trạng tự thấy mình đã lỡ làng, dở dang được bộc lộ qua lời hát: Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò. Chả nên gia thất thì về. Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười. Hình ảnh cô gái càng chờ đợi, con đò càng không tới đã cụ thể hóa sự bẽ bàng, lỡ dở của cô.
Tâm trạng tự thấy mình lạc lõng, vô nghĩa trong gia đình Kim Nham được thể hiện qua hình ảnh Gà rừng ăn lẫn với công, đắng cay chẳng chịu được, ức...
2. Tâm trạng thất vọng giữa ước mơ gia đình hạnh phúc đầm ấm, anh đi gặt, nàng mang cơm, với thực tại chồng mải mê đèn sách, thi cử, bỏ mặc nàng một mình cô đơn với gánh nặng gia đình. Cho nên, lời hát: Bông bông dắt, bông bông - Xa xa lắc, xa xa líu được lặp đi lặp lại mấy lần đã phản ánh bằng hình ảnh cụ thể tâm trạng đó. Nhân duyên, khiến họ phải gắn bó, dắt díu, ràng buộc với nhau, nhưng những ao ước của họ khác xa nhau, không thể sẻ chia.
3. Tâm trạng ấm ức, bế tắc, cô đơn của Xúy Vân được thể hiện qua hình ảnh Con cá rô nằm vũng chân trâu – Để cho năm bảy cần câu châu vào... Hình ảnh gợi bóng gió về không gian cạn, hẹp và đáy bất trắc. Đó cũng là tình cảnh của Xúy Vân.
Sau mỗi lời bộc bạch là điệp ngữ: Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên cho thấy nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc của cô không thể chia sẻ với láng giềng, cũng không được sự đồng cảm của cha mẹ.
4. Những câu hát ngược cuối đoạn trích vừa thể hiện đầu óc điên dại của Xúy Vân vừa gợi hình ảnh ngược đời, trớ trêu, điên đảo, đúng sai, thực giả lẫn lộn mà cô đã chứng kiến, đồng thời diễn tả sự bế tắc, mất phương hướng của cô.
Tóm lại, tâm trạng Xúy Vân được thể hiện đặc sắc qua những hình ảnh ẩn dụ có khi kín đáo, khi bóng bẩy, khi được giấu giữa những câu hát điên dại tưởng như vô nghĩa, khi lại là những câu nói ngược... tất cả tạo nên nội tâm phong phú, rối bời, đầy tính bi kịch.
C. CON NGƯỜI NHÂN VẬT XÚY VÂN
1. Cuộc hôn nhân của Xúy Vân với Kim Nham là do cha mẹ sắp đặt vội vàng, cô hoàn toàn không có tình yêu.
- Xúy Vân lúc mới về nhà chồng cũng muốn làm một người vợ tốt. Màn hát múa Xuý Vân giả dại cho thấy điều đó, cô múa điệu quay tơ, dệt cửi, vớt bèo, khâu vá... rất sinh động và khéo léo. Những công việc lao động cô làm hàng ngày chứng tỏ cô siêng năng, đảm đang, khéo léo, đẹp người đẹp nết.
- Là một cô gái lao động, mong ước của Xúy Vân thật nhỏ bé, bình thường, cụ thể. Đó là một gia đình có vợ có chồng, đầm ấm, chồng cày vợ cấy, đến mùa lúa chín thì chồng đi gặt, vợ mang cơm:
Chờ cho lúa chín bông vàng.
Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.
Mơ ước của Xúy Vân không cùng được mộng công danh, mơ ước đỗ đạt làm quan của Kim Nham. Điều đó dẫn đến bi kịch của Xúy Vân, thể hiện trong lời hát của cô: Gà rừng ăn lẫn với công, đắng cay không chịu được, ức!...
2. Đang trong hoàn cảnh trớ trêu ấy, gặp Trần Phương, cô tưởng gặp được người tri kỉ, thông cảm với mình. Xúy Vân đã tự hát về mình. Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng. Cô không phải là người lẳng lơ, nhưng cô không có tình yêu với chồng. Cô đã vượt qua lễ giáo, dám chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Nếu Trần Phương không phải là kẻ lừa gạt, tráo trở thì biết đâu Xúy Vân chẳng là người hạnh phúc? Bi kịch của Xúy Vân ở đây là phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương, nhưng lại gặp phải một kẻ phụ tình. Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại.
3. Cuối cùng cô đã chết một cách đáng thương. Đó không phải là tội lỗi của cô mà chính do nguyên nhân xã hội. Bởi khát vọng tình yêu tự do, hạnh phúc của cô là chính đáng, nhưng không thể thực hiện được trong chế độ phong kiến gia trưởng, với hôn nhân ép buộc, không có chỗ cho một Xúy Vân tự do yêu đương được hưởng hạnh phúc.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Xúy Vân, cảm thông với những đau khổ, bế tắc của nàng, chính là thanh minh cho Xúy Vân và thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá con người mang tính nhân đạo sâu sắc.
III. Kết bài
- Khát vọng hạnh phúc của Xúy Vân là chính đáng nhưng không thực hiện được trong chế độ phong kiến gia trưởng.
- Hiểu và cảm thông nội tâm đặc sắc của nhân vật Xúy Vân, ta càng hiểu nội dung, ý nghĩa sâu sắc của đoạn trích.
- Qua đó, hiểu được chèo cổ là món ăn tinh thần đáng quý của nhân dân đồng bằng Bắc Bộ, có thái độ trân trọng, gìn giữ đối với nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc.
Dàn ý phân tích Xúy Vân giả dại
A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu trích đoạn, khái quát nội dung.
- Nêu cảm nhận của bản thân.
B. Thân bài
1. Tóm tắt vở chèo Kim Nham.
2. Nguyên nhân Xúy Vân giả dại
3. Phân tích bi kịch của Xúy Vân
* Xúy Vân xuất hiện: giới thiệu sự ngang trái trong tình cảnh, tâm trạng nhân vật.
* Xúy Vân xưng danh: nhân vật xưng rõ tên, tính cách, tài năng, thói xấu, ước mơ, khát vọng,...
* Xúy Vân giãi bày: tâm trạng thương nhớ người tình, tuyệt vọng, bế tắc,...
4. Đánh giá
- Nội dung
- Nghệ thuật
C. Kết bài
- Đánh giá về trích đoạn và vở chèo.
- Thông điệp rút ra sau khi đọc tác phẩm.