Dẫn chứng về vấn đề rác thải Ví dụ về vấn đề rác thải hiện nay
Dẫn chứng về vấn đề rác thải tiêu biểu, đặc sắc nhất trong cuộc sống, giúp các em có thêm ý tưởng, dễ dàng lồng ghép vào bài văn Nghị luận về rác thải của mình.
Rác thải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vậy nên chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường sống. Với những dẫn chứng về rác thải tiêu biểu, đặc sắc nhất, còn giúp bài văn nghị luận thêm tính chặt chẽ, đạt điểm cao. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Câu hỏi: Dẫn chứng về vấn đề rác thải.
Dẫn chứng về vấn đề rác thải hay nhất
Dẫn chứng về vấn đề rác thải
Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ.Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Không chỉ vậy, thế giới cũng đang phải đối mặt với khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn từ lục địa đổ vào các đại dương mỗi năm. Còn theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ khiến chúng ta không khỏi giật mình khi biết, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.
Dẫn chứng giảm thiểu rác thải nhựa
1. Thực hiện chương trình "Không rác thải nhựa"
Nhiều trường học đã triển khai chương trình "Không rác thải nhựa" bằng cách khuyến khích học sinh sử dụng bình nước tái sử dụng thay vì chai nhựa dùng một lần. Điều này không chỉ giúp giảm lượng rác thải nhựa mà còn giáo dục học sinh về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường.
2. Sử dụng ống hút và hộp đựng thực phẩm thân thiện với môi trường
Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy hoặc kim loại, và khuyến khích học sinh mang theo hộp đựng thực phẩm từ nhà thay vì sử dụng túi nhựa. Nhiều trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vấn đề này.
3. Tích cực trong việc tái chế
Nhiều trường học đã lắp đặt thùng rác phân loại, khuyến khích học sinh tham gia vào việc tái chế giấy, nhựa và các vật liệu khác. Việc này không chỉ giảm thiểu rác thải mà còn giáo dục học sinh về tầm quan trọng của việc tái sử dụng tài nguyên.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng ô nhiễm rác thải
- Nguyên nhân khách quan:
- Nhà nước, địa phương, cơ quan ban ngành chưa có chế tài xử lí đúng đắn, nghiêm khắc những hành vi vi phạm vứt rác bừa bãi
- Hệ thống thùng rác chưa được đầu tư ở nhiều nơi hoặc bố trí vị trí đặt chưa thích hợp
- Hệ thống xử lí rác thải chưa được đầu tư hiện đại khiến nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xử lí rác.
- Nguyên nhân chủ quan:
- Ý thức của con người chưa cao.
- Cha mẹ không giáo dục nghiêm khắc con cái, làm gương xấu cho con
- Thái độ sống ích kỉ, nhỏ nhen, không vì lợi ích chung của một số người cá nhân
Tác hại của tình trạng ô nhiễm rác thải
- Gây ô nhiễm môi trường, bên cạnh đó còn có thể phát sinh hàng loạt các dịch bệnh nguy hiểm và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống con người.
- Vứt rác bừa bãi làm mất cảnh quan sinh thái, các khu du lịch hay danh lam thắng cảnh.
- Gây tổn hại tiền của cho nhà nước.
- Tạo ra một thói quen xấu trong đời sống văn minh hiện đại.