Bài dự thi Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: "Ký ức tự hào" 2024 Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)

TOP 3 bài dự thi Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: "Ký ức tự hào" 2024 hay nhất, đặc sắc nhất, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thành bài dự thi của mình. Các tác phẩm viết truyền tải hồi ức, ký ức, tư liệu về những kỷ niệm hoặc nhân vật lịch sử liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và thời kỳ tiếp quản Thủ đô; phản ánh đời sống ở Hà Nội sau giải phóng,....

Thời hạn nộp bài dự thi Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: “Ký ức tự hào” từ ngày 28/3 đến 10/9. Lễ tổng kết và trao giải vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2024. Vậy mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều ý tưởng mới:

Bài dự thi viết kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô - Mẫu 1

Biên phòng - Trong những ngày tháng 10 lịch sử này, ta như được sống lại với nhịp bước quân hành của chiến sĩ với mũ nan, áo trấn thủ, dép cao su từ 5 cửa ô như 5 cánh sao vàng vào giải phóng Thủ đô. Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài hát “Tiến quân ca” đã có những dự báo linh cảm thật kỳ lạ khi ông viết bài hát “Tiến về Hà Nội” từ năm 1949 với thể loại hành khúc, đem lại không khí sôi nổi, đầy khí thế trào dâng. Nghe trong câu hát có nhịp bước hành quân với bao xôn xao, hạnh phúc giữa rừng cờ hoa chào đón hân hoan.

Trước ngày giải phóng Thủ đô 5 năm, nhạc sĩ tài hoa đã tưởng tượng, vẽ nên một không khí rộn ràng đúng như hiện thực: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”. Một không khí náo nức, tưng bừng cuộn chảy: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về”. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là sáng ngày 10/10/1954, Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân tiên phong), dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Từ sáng sớm, nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội vào tiếp quản Thủ đô. Trên ngực các anh lấp lánh huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” trở về thành phố thân yêu - nơi sinh ra Trung đoàn Thủ đô.

Cũng từ thành phố này, 9 năm trước, các anh đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu giành giật từng tấc đất, ngõ phố, ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch hy sinh anh dũng. Hôm nay, các anh đã trở về với nhịp bước quân hành, nhịp bước ấy với tư thế “Đâu có giặc là ta cứ đi”; nhịp bước ấy đã ca vang: “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ” (Diệp Minh Tuyền); nhịp bước ấy đã làm nên một Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, để đến năm 1972, trên vòm trời Thủ đô lại có trận “Điện Biên Phủ trên không” thật hào hùng, oanh liệt, bắn hạ pháo đài bay Mỹ B52 bằng những con rồng lửa từ đất Thăng Long ngàn năm lịch sử.

Trên đường về giải phóng Thủ đô, Trung đoàn Thủ đô đã dừng chân ở đền Hùng, quây quần xung quanh vị cha già dân tộc trong một sáng mùa Thu mát trong hương cốm mới, để nghe Bác Hồ dặn dò ân cần như một thông điệp hướng về tương lai: “Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”.

Và cũng thật tự hào biết bao, trong kí ức của người Hà Nội còn nhớ rõ thời điểm lịch sử lúc 15 giờ, ngày 10/10/1954, còi trên nóc nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ vẫn luôn gần cạnh đồng bào...”. Thưa Bác! Tuy Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh kính yêu của Bác vẫn luôn sống giữa lòng dân tộc. Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, vẫn cùng nhịp bước quân hành không chỉ trong ngày giải phóng Thủ đô, mà cả sau này trong chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa Xuân vẫn: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng” (Phạm Tuyên).

Ngày giải phóng Thủ đô là một cuộc gặp gỡ hân hoan và xúc động biết bao. Nhà thơ Tạ Hữu Yên viết bài thơ “Cảm xúc tháng mười”, sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Thành chắp cánh bay cao bay xa: “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/ Xốn xang mẹ thường gọi các con/ Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/ Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”. Thưa mẹ, mẹ Việt Nam anh hùng kính yêu, mẹ đã sinh ra những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” những thế hệ nối tiếp nhau: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu) đã lập nên bao chiến công và có bao người con ưu tú đã ngã xuống.

Đường về giải phóng Thủ đô chính là con đường của truyền thống lịch sử tiếp nối ông cha ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong những bước quân hành, ta như vẫn còn nghe âm vang cuộc hành quân thần tốc đoàn quân voi chiến, ngựa chiến của Vua Quang Trung từ Nam ra Bắc tiến vào thành Thanh Long năm Tết Kỷ Dậu (1789) đánh tan quân Thanh với chiến thắng vang dội oanh liệt: Ngọc Hồi - Đống Đa. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang khí thế cuộc Cách mạng tháng 8/1945 trào dâng như nước vỡ bờ, vùng lên cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ, mít tinh ở Nhà hát lớn. Niềm hạnh phúc dâng trào khi Thủ đô được chọn là điểm hẹn của lịch sử.

Ngày về giải phóng Thủ đô chính là một chặng đường đi qua bao hy sinh để có được ngày vui giải phóng một niềm vui tưng bừng mà rưng rưng xúc động như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Về đến đây rồi Hà Nội ơi/ Người đi kháng chiến tám năm trời/ Hôm nay về lại đây Hà Nội/ Ràn rụa vui lên ướt mắt cười”. Khúc quân hành: Ngày giải phóng Thủ đô chính là con đường kết tinh cao đẹp truyền thống yêu nước của dân tộc ta mà Thủ đô Hà Nội hào hoa là nơi hội tụ bao tinh hoa của mọi miền chứa đựng những nét văn hóa đậm chất thanh lịch, tao nhã của người Tràng An. Đường về giải phóng Thủ đô là con đường chiến lược cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra để hướng tới tương lai: Một thành phố hòa bình, Thủ đô của niềm tin và hy vọng!

Nguyễn Ngọc Phú

Bài dự thi viết kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô - Mẫu 2

Trong không khí hân hoan chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chúng tôi tìm gặp những nhân chứng lịch sử đặc biệt. Người thì nhận nhiệm vụ “về” trước ngày 10/10, người thì có mặt đúng ngày rực rỡ cờ hoa… Thời khắc thiêng liêng trở về tiếp quản trái tim của đất nước luôn sống động trong ký ức của họ.

Trong căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 20m2 tại phố Nguyễn Viết Xuân (Thanh Xuân, Hà Nội), Đại tá, Dương Niết trang trọng dành nhiều góc để trưng bày những kỷ vật về một thời chiến đấu cùng dân tộc.

Tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, cả cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Dương Niết trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sau này ông còn tham gia chiến dịch Tây Nam năm 1979. Với Đại tá Dương Niết, năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của ông càng thêm ý nghĩa khi được cùng đồng đội ở Tiểu đoàn Bình Ca trở về làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Đại tá Dương Niết hào hứng kể: Đại đoàn 308 vinh dự được Bác Hồ giao nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô. Theo thoả thuận của hai bên, 35 tổ của Tiểu đoàn Bình Ca được phân công vào trước vài ngày, phụ trách 35 điểm mà Pháp đang chiếm giữ. Khi ấy, dù rất vui sướng vì Hà Nội được giải phóng, nhưng vì quân Pháp vẫn chưa rút hết, lại nhận nhiệm vụ ngay “sát sườn” địch, nên anh em vẫn dặn nhau nêu cao tinh thần cảnh giác, nhất định phải bảo vệ Nhân dân và tài sản của dân, không cho địch phá hoại, cũng như không để chúng cưỡng bức dân di cư.

“Tự hào lắm, khi được là một trong 214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Chúng tôi khi ấy cũng mới chỉ mười chín, đôi mươi, còn rất trẻ. Tổ của tôi phụ trách bảo vệ Sở Cảnh sát Bắc Việt (trụ sở Công an TP Hà Nội bây giờ). Các tổ còn lại phụ trách nhiều vị trí quan trọng khác như: Phủ Toàn quyền, Tòa Thị chính, Tòa án tối cao, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai…”, Đại tá Dương Niết nhớ lại.

Cuộc chiến ngăn chặn âm mưu trao trả một Hà Nội hoang tàn, đổ nát của địch tuy không có tiếng súng, nhưng vô cùng căng thẳng, phức tạp. Địch muốn phá, còn Chính phủ ta muốn giữ lại tất cả cho Nhân dân, đấu tranh phải tránh nổ súng.

Đại tá Dương Niết kể, sau khi hành quân về tới phía Bắc cầu Đuống, khung cảnh của những cánh đồng rau xanh mơn mởn và tình cảm của người dân khi thấy bộ đội về khiến các anh em trong Tiểu đội không ai kìm được nước mắt. Người dân mang gạo, mang rau hồ hởi tới biếu bộ đội, nhưng quy định khi ấy là tuyệt đối không được nhận quà, nên các anh phải từ chối.

Khi về tới Sở Cảnh sát Bắc Việt, thấy khẩu hiệu rất to được treo trên lan can tầng hai với dòng chữ: “Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ?” (đồng chí Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta), hiểu rõ đây là một thủ đoạn của địch hòng lôi kéo nhân dân di cư, tổ của ông Dương Niết đã ngay lập tức yêu cầu địch gỡ xuống.

Trong những đêm tổ Bình Ca nhận nhiệm vụ canh giữ tại nội thành, việc ăn uống của cán bộ, chiến sĩ do anh nuôi phụ trách, nhưng đồ ăn sẽ được quân Pháp chở xe đưa tới từng nơi. Tiếng là phối hợp để đảm bảo các bữa ăn cho chiến sĩ ta vào tiếp quản, nhưng việc vận chuyển đồ ăn của quân địch thường xuyên có các “sự cố”, khiến chưa ngày nào cả 35 tổ của Bình Ca được ăn đủ hai bữa mỗi ngày.

“Không biết có phải do “quên” hay không, mà tối ngày 8/10 và sáng 9/10, xe đồ ăn không ghé tới tổ chúng tôi”, Đại tá Dương Niết kể.

Theo lời ông, đêm hôm đó, dù rất đói, nhưng cả tổ vẫn động viên nhau cố gắng, tụ tập hát các bài ca Cách mạng, vừa để át đi sự mệt mỏi, vừa để “bắn tin” cho quân Pháp biết rằng, bộ đội ta vẫn khỏe mạnh, vẫn luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi phá hoại của chúng.

“Trên chiến trường có “tiếng hát át tiếng bom”, còn ở Thủ đô có “tiếng hát canh quân thù”, Đại tá Dương Niết mỉm cười, hóm hỉnh.

Đại tá Dương Niết cũng nhớ về câu chuyện với anh lính người Đức bị quân Pháp bắt làm tù binh. Người lính Đức này có đứng nói chuyện với bộ đội Việt Nam, nên bị quân Pháp đánh và cấm liên lạc. Nhưng đến đêm, anh ta vẫn lẻn xuống ném vào chỗ tổ Bình Ca vài bao thuốc lá. Có lẽ do hồi chiều đã nhìn thấy anh em nói chuyện, rồi cuốn thuốc lá Cẩm Thủy (Thanh Hóa) hút.

Nhớ về không khí phấn khởi, hào hùng của những ngày tháng 10 lịch sử, Đại tá Dương Niết có thoáng chút tiếc nuối: “Đêm 9/10/1954 là một đêm Hà Nội không ngủ, cổng chào từ khắp các cửa ngõ được dựng lên. Ngày 10/10, bộ đội chính quy về tiếp quản Thủ đô, khắp nơi rộn ràng tiếng cười, tiếng nhạc. Hàng trăm “dòng sông đỏ” của cờ, của hoa đổ về Hà Nội. Nhưng chúng tôi vẫn đang làm nhiệm vụ, nên tuyệt đối không được phép rời khỏi vị trí tiếp quản, không được xuống đường, chỉ có thể ngồi trong nhìn ra và vui chung với mọi người mà thôi”.

...............

(Nguồn: Ký ức ngày trở về - Báo tin tức)

Bài dự thi viết kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô - Mẫu 3

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện đang sống tại xóm Hạ Hồi (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nhân chứng đã sống qua hai thế kỷ.

Đến thăm căn phòng nhỏ là nơi làm việc của ông, bốn bức tường được bao bọc bởi những tập ảnh dày xếp khít nhau. Ông nói trong căn phòng này, ông được sống với ký ức về một Hà Nội từ xưa đến nay bằng ảnh.

Ông là một trong những nhân chứng được chứng kiến giây phút lịch sử quân ta tiến vào tiếp quản thủ đô hơn 60 năm trước và cũng là người chụp được những bức ảnh tư liệu quý hôm ấy.

Trước đó suốt ngày 9-10-1954, từ sáng sớm đến tối đêm ông ăn mặc lịch sự, đeo thẻ nhà báo, đi lại khắp nơi trong thành phố để chụp ảnh.

“Tôi thấy các ngã tư, ngã năm đều không có xe tăng, thiết giáp, tất cả ụ súng đều bỏ ngỏ. Nghĩa là quân Pháp sẽ không có ý định chống lại khi quân ta tiến vào” - ông nhớ lại.

Nhưng từ khi vẫn còn là chàng thanh niên, ông đã cảm nhận được hai nửa buồn vui của Hà Nội ngày ấy.

Ông kể: “Ngày quân ta tiến về tiếp quản thủ đô, tôi được tận mắt chứng kiến hai nỗi niềm vui và buồn của người Hà Nội. Nếu bạn được đi qua một gia đình có con không trở về trong ngày vui giải phóng thủ đô (vì đã hi sinh) rồi lại đi qua một gia đình có đứa con trở về trong ngày ấy, bạn sẽ thấy nỗi đau và niềm vui đều tột cùng cả. Hai nỗi niềm tột cùng của thành phố lúc ấy thấm sâu và lắng đọng trong tôi đến bây giờ”.

Cẩn thận mang ra bức ảnh Những đứa trẻ đợi bố ở hồ Gươm chụp lúc 6g ngày 10-10-1954, ông kể lại câu chuyện xúc động: “Đây là những đứa trẻ con gia đình nghèo khó ở Hà Nội ngày ấy. Buổi sáng hôm ấy, tôi ra bờ hồ từ sớm và bắt gặp chúng đã ra sớm hơn cả tôi.

Tôi hỏi: “Các cháu ở đây làm gì?”. Một cháu trả lời: “Cháu ở đây đợi bố cháu về. Người ta gửi giấy báo tử về cho mẹ cháu rồi. Mẹ cháu đang khóc ở nhà. Còn cháu ra đây đợi bố cháu về cùng các chú bộ đội giải phóng quân vì cháu vẫn mong bố về!”.

Những năm đế quốc Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, ông Phùng đã ghi lại những khoảnh khắc đau thương, tang tóc ở khu phố Khâm Thiên năm 1972 ấy. Ông kể lại rằng những ngày trời mưa, màu đỏ của máu hòa với nước mưa thành những dòng đỏ loang khắp phố đổ nát.

Hình ảnh ấy đến bây giờ vẫn ám ảnh ông về sự khủng khiếp của nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra. Khi đến thăm con ở Bệnh viện Bạch Mai, ông đã chụp bộ ảnh Những đứa trẻ ở nơi sơ tán trong cảnh bị bom đạn tàn phá khiến nhiều bè bạn quốc tế xúc động.

................

Vũ Viết Tuân

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 01
  • Lượt xem: 169
  • Dung lượng: 946,6 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan