Bài dự thi Kể chuyện theo sách năm 2024 (3 mẫu) Hội thi Kể chuyện theo sách năm học 2023 - 2024

Bài dự thi Kể chuyện theo sách năm 2024 gồm 3 mẫu hay nhất, giúp các bạn có thêm nhiều ý tưởng mới kể lại câu chuyện Tình yêu của Bác dành cho những khúc dân ca, Bác Hồ đến thăm người nghèo, Người mẹ điên cho Hội thi Kể chuyện theo sách năm học 2023 - 2024.

Mỗi câu chuyện là bài học ý nghĩa, sâu sắc. Hội thi Kể chuyện theo sách hướng đến mục tiêu hình thành thói quen đọc sách, nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu cho các em học sinh, góp phần tích cực hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho các em. Mời các em cùng theo dõi bài viết:

Kể câu chuyện Tình yêu của Bác dành cho những khúc hát dân ca

KỂ CHUYỆN THEO SÁCH
TÌNH YÊU CỦA BÁC HỒ DÀNH CHO NHỮNG KHÚC HÁT DÂN CA
NGƯỜI KỂ:………………

Kính thưa Ban Giám Khảo, kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể hội thi, Em tên là .......... Hôm nay em rất vinh dự và may mắn được đại diện cho các bạn học sinh lớp 5/3 trường TH ....... tham dự Hội thi KỂ CHUYỆN THEO SÁCH năm học 2023 - 2024 để có thể chia sẻ câu chuyện của mình và học hỏi thêm từ các bạn. Lời đầu tiên cho phép em xin trân trọng gửi lời chào, lời chúc sức khỏe tới toàn thể các vị Đại biểu, các thầy cô giáo và các bạn học sinh! Chúc Hội thi thành công rực rỡ!

Thưa toàn thể Hội thi. Có rất nhiều truyện viết về Bác Hồ kính yêu. Mỗi câu chuyện về Bác đều là những bài học lớn đối với mỗi chúng em. Trong những câu chuyện ấy, em xin được kể lại chuyện: Tình yêu của Bác dành cho những khúc hát dân ca. Truyện được trích trong tập Bác Hồ với hoạt động nghệ thuật của XNB Mĩ thuật do Trần Thị Ngân sưu tầm và tuyển chọn. Truyện được in ở mục số 9 trang 31 của cuốn sách.

Trong muôn ngàn câu chuyện kể về Người, trái tim em lại trào lên xúc cảm, trước những phút giây cuối cùng trong cuộc đời Bác - đó là câu chuyện về tình yêu của Người dành cho những khúc hát dân ca. Và buổi sáng ngày 2/9/1969, buổi sáng cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác đã ghi dấu ấn không phai mờ đối với chúng tôi- những người được ở bên Bác trong những giây phút cuối cùng.

Bởi sau 9h sáng hôm ấy Người thực sự bước vào "cuộc trường trinh nhẹ cánh bay" để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới một nỗi đau thương vô hạn. Câu chuyện chỉ thu nhỏ trong căn nhà A67, nơi Bác nằm dưỡng bệnh. Sau gần 20 ngày chống chọi với bệnh tật, Bác đã yếu lắm nhưng hễ tỉnh lại là ngay lập tức Người lại hỏi tình hình chiến đấu ở miền Nam, tình hình lũ lụt ờ miền Bắc. Người còn hỏi các đồng chí trong Bộ chính trị và dặn các đồng chí phải làm sao tổ chức ngày lễ Quốc Khánh thật long trọng để nhân dân vui, phải bắn pháo hoa cho nhân dân phấn khởi.

Trong những phút giây cuối cùng của cuộc đời, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, Bác luôn nghĩ cho đồng bào, cho nhân dân. Các đồng chí trong Bộ chính trị và các bác sĩ ko ai nỡ rời xa Bác dù chỉ là 1 phút. Lần đầu tiên tỉnh lại sau cơn đau, Người nhìn xung quanh rồi hỏi "Trong các chú có ai biết hò Huế ko?". Thường ngày, Người vẫn nói: Miền Nam luôn trong trái tim tôi. Hơn nữa, mảnh đất xứ Huế đã gắn bó cùng với Người suốt một thời gian dài tuổi thơ. Mọi người lúng túng nhìn nhau. Quả là một tình huống không ai chuẩn bị trước. Dường như ai cũng hiểu được nỗi niềm của Người. Nhưng tìm nghệ sỹ hò Huế lúc này thật khó!

Lần thứ 2 tỉnh lại. Lần này giọng Người đã yếu hơn rất nhiều: "Trong các chú có ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh được không?" Một lần nữa sự im lặng và bối rối lại bao trùm lên khắp căn phòng, câu ví dặm câu hát dân ca xứ Nghệ đã bao bọc và nuôi dưỡng tâm hồn của Người từ thuở lọt lòng. Trước giây phút sắp biệt ly, Người lại khao khát được nghe, được sống trong hơi ấm quê hương.

Lần thứ 3 tỉnh lại, lần này Người ngỏ ý muốn nghe một khúc hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Thật may mắn khi cô y tá Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác: “Cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Căn phòng nhỏ chìm trong tiếng hát của bài quan họ Người ở đừng về.Tiếng hát hay tiếng lòng không ai phân biệt được, chỉ biết rằng lời ca quan họ sâu lắng, tha thiết quá. Cô y tá càng hát càng nghẹn lời, những người xung quanh không ai cầm được nước mắt.

(Mỹ Hạnh hát 2 câu: Người ơi Người ở đừng về. Người ơi, Người ở đừng về)

9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 trái tim vĩ đại của Bác Hồ đã ngừng đập. Người ra đi để lại muôn vàn tình yêu thương cho đồng bào dân tộc cả nước. Cả cuộc đời người sống cho nhân dân, cho dân tộc, không gợn chút riêng tư, hành trang mà Người mang theo về thế giới người hiền chỉ là ước nguyện bình dị : Mang theo âm hưởng câu hát dân ca vào cõi bất tử.

Người sinh ra và lớn lên từ câu hát dân ca, từ điệu hò ví dặm ầu ơ ngọt ngào của mẹ. Để rồi Người thanh thản và nhẹ nhàng ra đi trong giai điệu dân ca ngọt ngào sâu lắng.

Thưa toàn thể Hội thi, câu chuyện em kể giản dị như bao câu chuyện về Người. Qua những tình tiết của chuyện, ta nhận thấy ở Người một tình yêu bao la với quê hương đất nước, với những điệu hát dân ca. Người để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc và thấm thía: Muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca. Mỗi học sinh chúng em nguyện chăm ngoan học giỏi, xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ, góp phần làm rạng danh mái trường Tiểu học........ yêu dấu.

Kính thưa toàn thể Hội thi. Câu chuyện này em đã được đọc trong thư viện của lớp. Truyện càng hay hơn nữa khi cô giáo giúp chúng em hiểu nội dung, ý nghĩa và truyền cảm hứng cho chúng em.

Các bạn ơi, hiểu được ý nghĩa của việc đọc sách, chúng mình hãy cùng nhau xây dựng gìn giữ thư viện sách của mỗi lớp, của nhà trường. Đọc sách mỗi lúc, mỗi nơi. Còn bao câu chuyện thú vị đang chờ các bạn khám phá đó. Đọc và Học tập suốt đời để noi gương Bác Hồ kính yêu các bạn nhé.

Kể câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo

Kính thưa Ban Giám Khảo, kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể hội thi, Em tên là Hồ Ngọc Nhã Uyên. Hôm nay em rất vinh dự và may mắn được đại diện cho các bạn học sinh lớp 5/3 trường TH ...... tham dự Hội thi KỂ CHUYỆN THEO SÁCH năm học 2023-2024 để có thể chia sẻ câu chuyện của mình và học hỏi thêm từ các bạn. Lời đầu tiên em xin trân trọng gửi lời chào, lời chúc sức khỏe tới toàn thể các vị Đại biểu, các thầy cô giáo và các bạn học sinh! Chúc Hội thi thành công rực rỡ!

Kính thưa ban giám khảo, em sinh ra và lớn lên khi Bác Hồ đã không còn nữa nhưng những câu chuyện kể về người luôn để lại trong em biết bao cảm xúc. Bản thân người, cuộc đời của người luôn là một đề tài bất tận cho tất thảy những ai mong muốn gieo mầm cái đẹp cho sự sống, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ CHí Minh đã khiến cho mỗi chúng ta biết dừng lại trong cuộc sống, biết tự soi mình vào tấm gương đạo đức Bác Hồ để tự gột rửa mình làm cho mình sống tốt hơn, sống có ích hơn cho gia đình và xã hội.

Có rất nhiều truyện kể về Bác. Mỗi câu chuyện về Bác đều là những bài học lớn đối với mỗi chúng em. Trong những câu chuyện ấy, trái tim em lại trào dâng cảm xúc cho câu chuyện: Bác Hồ đến thăm người nghèo được trích từ sách Kể chuyện Bác Hồ tập 7, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Chuyện kể rằng.

Tối 30 Tết năm Nhâm Dần năm 1962, đường phố mịt mờ trong làn mưa bụi. Trời rét, xe ô tô đưa Bác đến đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Chín. Bác chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc Tết. Chồng chị Chín mất, để lại 3 đứa con nhỏ. Chị không có công việc ổn định, gặp việc gì làm việc đó để lấy tiền nuôi con. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bổng rơi khỏi vai chị. Chiếc thùng sắt rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác, Bác Hồ” rồi chạy lại quanh Bác.

Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác rồi bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu bạc bỗng rung lên từng đợt. Bác đứng lặng, hai tay Người nhè nhẹ vuốt lên mái tóc chị Chín. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác an ủi: Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?

Tuy cố nén, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói: Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng nay mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá, mừng quá thành ra con khóc. Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo: Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì thăm ai?

Người xoa đầu các cháu và cho các cháu kẹo, rồi hỏi chị Chín: Thím hiện nay làm gì?

Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ.

Như vậy là làm công nhân chứ, sao lại gọi là phu?

Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia ạ.

Thím chưa có công việc ổn định à?

Dạ, cháu đã ngoài 30 tuổi lại kém văn hóa nên tìm việc có nghề nghiệp cũng khó ạ.

Bác quay sang nhìn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Bác lại hỏi: Mẹ con thím có bị đói không?

Thưa Bác, hồi Tây còn ở đây thì dẫu có cả bố cháu cũng vẫn đói ạ, bây giờ bố cháu mất rồi, nhưng đói thì không ngại, rét cũng không lo, song việc chi tiêu thì còn chắt chiu lắm ạ. Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt.

Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi: Cháu có đi học không?

Dạ, thưa Bác cháu đang học lớp bốn ạ. Cháu nó vất vả lắm, sáng đi học, chiều về phải trông các em và đi bán kem hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu. Còn cháu thứ hai thì học lớp ba, cháu thứ ba thì học lớp hai ạ. Dạ, khó khăn nhưng vợ chồng cháu trước đã dốt nát nay cũng phải cố cho các cháu đi học. Bác tỏ ý bằng lòng, Người ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học tập cho các cháu.

Nhân dân trong ngõ đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc Tết bà con. Mọi người cùng mẹ con chị Chín theo tiễn Bác ra xe. Khi chiếc xe từ từ lăn bánh, mấy mẹ con chị vẫy chào Bác, nhưng nét mặt chị vẫn bàng hoàng như việc Bác vào thăm Tết nhà chị không rõ là thực hay hư. Trên đường về Phủ Chủ tịch, mưa xuân vẫn như rắc bụi, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy tư. Sau Tết, Bác đã chỉ thị cho Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Chín.

Kính thưa ban giám khảo, Câu chuyện “Bác Hồ đến thăm người nghèo” là câu chuyện nhỏ trong muôn vàn câu chuyện lớn kể về Người nhưng lại chứa đựng bài học rất lớn, bài học Bác dạy cho chúng ta là bài học về tình yêu thương con người, bài học về đạo lý làm người. Tình yêu thương con người được thể hiện trước hết là tình thương với đại đa số Nhân dân, tình yêu thương đối với những người lao động nghèo và tình yêu thương đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Có thể nhận thấy rằng đâu đó trong cuộc sống vẫn còn nhiều bạn thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, cần được sự quan tâm và giúp đỡ. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân. Mỗi bạn học sinh cũng cần chung tay tiếp sức hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường thông qua các phong trào của Đội như Kế hoạch nhỏ, quà Chủ nhật hồng, … Và đối với bản thân mỗi chúng ta cần phải tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc làm và hành động nhỏ nhất, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Để tưởng nhớ về Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc và tạo không khí tươi vui cho hội thi, tập thể lớp em xin biểu diễn bài hát……

Kể chuyện Người mẹ điên

Kính thưa quý vị đại biểu, em tên là... học sinh lớp... Đến với hộ thi Kể chuyện theo sách hôm nay, lời đầu tiên cho em gửi lời chào đến các vị đại biểu, các giám khảo cùng toàn thể hội thi, chúc hội thi thành công rực rỡ.

Tình mẹ, một tình cảm thiêng liêng, cao quý, ... cho mỗi người con, cho dù học là người như thế nào

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con."

Tình yêu của người mẹ hiền dành cho mỗi chúng ta không thể nói hết thành lời. Đến với hội thi hôm nay, em xin gửi đến quý vị câu chuyện cảm động về người mẹ, mang tên "Người mẹ điên" của tác giả Vương Hằng Tích.

Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người.

Đàn bà trong làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng. Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ. Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi" sẽ đuổi đi liền.

Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.

Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói:

- Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!.

Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con. Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên:

- Ðưa, đưa tôi...

Bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên. Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi:

- Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao biết được mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!.

Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm. Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Ðặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.

Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo:

- Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?.

Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán:

- Ðừng... đừng....

Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét:

- Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?

Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch. Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại. Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài.

Bà nội quay đầu đi, nuốt những giọt nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói:

- Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!

Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra. Bà nội dằn lòng đuổi:

- Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!

Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí. Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa. Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới biết được, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi, tìm bà đòi, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi:

- Mẹ mày là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi.

Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ "bà lang sói", thậm chí hất tung mọi cơm rau bà bưng cho tôi. Ngày đó, tôi làm gì biết "điên" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, mẹ trông như thế nào nhỉ? mẹ còn sống.

Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang. Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo:

- Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của mày về rồi!

Tôi mừng quá, đít nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi. Ðây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách nát, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống cỏ nào. Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu.

Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám chúng tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo:

- Thụ... bóng... bóng....

Mẹ đứng lên, liên tục giơ lên quả bóng bay trong tay, dúi vào tôi với vẻ lấy lòng. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi nhớ thương lại là cái hình người này. Một thằng cu đứng cạnh tôi kêu to:

- Thụ, bây giờ mày biết con điên là thế nào chưa? Là mẹ mày như thế này đấy!

Tôi tức tối đáp lại nó:

- Nó là mẹ mày ấy! Mẹ mày mới là con điên ấy, mẹ mày mới là thế này!

Tôi quay đầu chạy trốn. Người mẹ bị điên này tôi không thèm. Bà nội và bố thì lại đưa mẹ về nhà. Năm đó, bà nội đuổi mẹ đi rồi, lương tâm bà bị chất vấn dày vò, bà càng ngày càng già, trái tim bà cũng không còn sắt thép được nữa, nên bà chủ động đưa mẹ về, còn tôi lại bực bội, bởi mẹ đã làm tôi mất thể diện.

Tôi không bao giờ tươi tỉnh với mẹ, chưa bao giờ chủ động nói với mẹ, càng không bao giờ gọi "Mẹ!", khi phải trao đổi với mẹ, tôi gào là chủ yếu, mẹ không bao giờ dám hé miệng.

Nhà không thể nuôi không mẹ mãi, bà nội quyết định huấn luyện cho mẹ làm việc vặt. Khi đi làm đồng, bà nội dắt mẹ đi "quan sát học hỏi", bà bảo mẹ không nghe lời sẽ bị đánh đòn. Sau một thời gian, bà nội nghĩ mẹ đã được dạy dỗ tương đối rồi, liền để mẹ tự đi cắt cỏ lợn. Ai ngờ mẹ chỉ cắt nửa tiếng đã xong cả hai bồ "cỏ lợn". Bà nội vừa nhìn đã tá hỏa sợ hãi, cỏ mẹ cắt là lúa giống vừa làm đòng trỗ bông trong ruộng nhà người ta. Bà nội vừa sợ vừa giận phát cuồng chửi rủa:

- Con mẹ điên, lúa và cỏ mà không phân biệt được..."

Bà nội còn đang chưa biết nên xoay xở ra sao, thì nhà có ruộng bị cắt lúa tìm tới, mắng bà cố ý dạy con dâu làm càn. Bà nội tôi lửa giận bốc phừng phừng, trước mặt người ta lấy gậy đánh vào eo lưng con dâu, chửi:

- Ðánh chết con điên này, mày cút ngay đi cho bà...

Mẹ tuy điên, nhưng vẫn biết đau, mẹ nhảy nhỏm lên chạy trốn đầu gậy, miệng phát ra những tiếng lắp bắp sợ hãi: "Ðừng... đừng...". Sau rồi, nhà người ta cũng cảm thấy chướng mắt, chủ động bảo:

- Thôi, chúng tôi cũng chẳng bắt đền nữa. Sau này giữ cô ta chặt một tí là được...

Sau khi cơn sóng gió qua, mẹ oại người dưới đất thút thít khóc. Tôi khinh bỉ bảo:

- Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được, mày đúng là lợn!

Lời vừa dứt, gáy tôi bị một cái tát lật. Là bà… Bà trừng mắt bảo tôi:

- Thằng ngu kia, mày nói cái gì đấy? Mày còn thế này nữa? Ðấy là mẹ mày đấy!

Tôi vùng vằng bĩu môi:

- Cháu không có loại mẹ điên khùng thế này!

- A, mày càng ngày càng láo. Xem bà có đánh mày không!

Bà nội lại giơ tay lên, lúc này chỉ thấy mẹ như cái lò xo bật từ dưới đất lên, che giữa bà nội và tôi, mẹ chỉ tay vào đầu mẹ, kêu thảng thốt:

- Ðánh tôi, đánh tôi!

Tôi hiểu rồi, mẹ bảo bà nội đánh mẹ, đừng đánh tôi. Cánh tay bà trên không trung thõng xuống, miệng lẩm bẩm:

- Con mẹ điên này, trong lòng nó cũng biết thương con đây!…

Tôi vào lớp một, cha được một hộ chuyên nuôi cá làng bên mời đi canh hồ cá, mỗi tháng lương 50 tệ. Mẹ vẫn đi làm ruộng dưới sự chỉ bảo của bà, chủ yếu là đi cắt cỏ lợn, mẹ cũng không còn gây ra vụ rầy rà nào lớn nữa. Nhớ một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi mẹ đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: "Thụ... ô...".

Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận mẹ khủng khiếp, hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi xấu hổ, càng hận thằng Hỷ cầm đầu trêu chọc.

Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp cái hộp bút trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị thằng Hỷ tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau. Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng "vút" kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp "bay" ào vào, một tay tóm cổ thằng Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp. Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi mặt thản nhiên, mẹ đi ra.

Mẹ vì tôi gây ra đại họa, mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt.

Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Mẹ!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn.

Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà. Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi cha về.

Cha vừa bước vào nhà, một đám người tráng niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi bát đũa vò hũ trong nhà nát như tương, trong nhà như vừa có động đất cấp chín. Ðây là những người do nhà thằng Hỷ nhờ tới, bố thằng Hỷ hung hãn chỉ vào cha tôi nói:

- Con trai tao sợ quá đã phát điên rồi, hiện đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền thuốc thang, tao cho một mồi lửa đốt tan cái nhà mày ra.

Một nghìn tệ? Cha đi làm một tháng chỉ 50 tệ! Nhìn những người sát khí đằng đằng nhà thằng Hỷ, cha tôi mắt đỏ lên dần, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt dỡ thắt lưng da, đánh tới tấp khắp đầu mặt mẹ. Một trận lại một trận, mẹ chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, cả đời tôi không thể quên tiếng thắt lưng da vụt lạnh lùng lên thân mẹ và những tiếng thê thiết mẹ kêu.

Sau đó phải trưởng đồn cảnh sát đến ngăn bàn tay bạo lực của cha. Kết quả hoà giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, cả hai không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó. Ðám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ nồi niêu bát đũa tan tành, lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết.

- Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như tôi không đánh thì việc này không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người. Bởi nghèo khổ quá mà thành họa đấy thôi!

Cha lại nhìn tôi nói:

- Thụ, con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, nhé!

Tôi gật đầu, tôi hiểu…

Mùa hè năm 2000, tôi thi đỗ vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc cực nhọc cả đời mà mất trước đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhà tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường tôi học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ thế tôi mới có thể học tiếp.

Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn đi làm thuê 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi đặt lên vai mẹ, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa cho mẹ mang đi. Hai mươi ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo ruột dê làm khổ mẹ phải tốn sức ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình yêu mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này.

27/4/2003, lại là một Chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ:

- Ngọt quá, ở đâu ra?

Mẹ nói:

- Tôi... tôi hái...

không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ:

- Mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi!.

Mẹ cười hì hì.

Trước lúc mẹ về, tôi theo thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập trước kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông. Ngày hôm sau, khi đang ở trên lớp, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi tôi, mẹ tôi có đến đưa tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói đưa rồi, hôm qua mẹ về rồi. Thím nói:

- Không, mẹ mày đến giờ vẫn chưa về nhà!

Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không đi lạc đường? Chặng đường này mẹ đã đi ba năm rồi, có lẽ không thể lạc được. Thím hỏi:

- Mẹ mày có nói gì không?

Tôi bảo không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi. Thím đập hai tay:

- Thôi chết rồi, hỏng rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!

Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về tìm. Ðường về quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân cây đào có một vết gãy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước. Thím nhìn tôi rồi nói:

- Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!

Tôi nói:

- Thím, thím đừng doạ cháu....

Thím không nói năng kéo tôi đi xuống vách núi...

Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành đám màu đen nặng nề. Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi:

- Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ... Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào...

Tôi sát đầu tôi vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá dại trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.

Ngày 7/8/2003, một trăm ngày sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học dát vàng dát bạc của Ðại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, "bay" thẳng vào cửa nhà tôi.

Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ cô tịch của mẹ:

"MẸ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi, MẸ có nghe thấy không? MẸ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi!".

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 12
  • Lượt xem: 131
  • Dung lượng: 224,4 KB
Liên kết tải về
Tìm thêm: Đọc sách
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan