Tổng hợp kiến thức phần đọc hiểu thi THPT Quốc gia 2024 Ôn thi THPT Quốc gia 2024 môn Văn

Tổng hợp kiến thức đọc hiểu Ngữ văn thi THPT Quốc gia là tư liệu vô cùng hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12. Kiến thức đọc hiểu Ngữ văn 12 bao gồm toàn bộ kiến thức về: các thể thơ thường gặp, phong cách ngôn ngữ, các phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận, các phép liên kết, các xác định nội dung chính của văn bản và một số đề đọc hiểu minh họa có đáp án giải chi tiết.

Kiến thức đọc hiểu Ngữ văn 12 thi THPT Quốc gia 2024 này còn giúp quý thầy cô tham khảo để giao đề ôn tập cho học sinh của mình. Đồng thời đây cũng là tư liệu cực kì hữu ích giúp các bạn học sinh ôn tập để đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi học kì 2, thi THPT Quốc gia 2024 sắp tới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn nhé. Bên cạnh đó các bạn xem thêm một số tài liệu như: 40 đề đọc hiểu môn Ngữ Văn theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia, Bộ 110 đề thi đọc hiểu luyện thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.

1. Nhận diện các phong cách ngôn ngữ

- Đặc điểm nhận diện của các loại phong cách để phân biệt khi xác định phong cách đó trong một văn bản.

Phong cách ngôn ngữĐặc điểm nhận điểm
1Phong cách ngôn Khoa học

Dùng trong những văn bản thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học, đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu

2Phong cách ngôn Báo chí

Kiểu diễn đạt dùng trong các loại văn bản thuộc lĩnh vực truyền thông của xã hội về tất cả các vấn đề thời sự.

3Phong cách ngôn Chính luận

Dùng trong lĩnh vực chính trị - xã hội, người giao tiếp thường bày tỏ chính kiến, bộc lộ công khai quan điểm tư tưởng, tình cảm của mình với những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội

4Phong cách ngôn Nghệ thuậtDùng chủ yếu trong tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người; từ ngữ trau chuốt, tinh luyện…
5Phong cách ngôn Hành chínhDùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực giao tiếp điều hành và quản lí xã hội.
6Phong cách ngôn Sinh hoạtSử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày, mang tính tự nhiên, thoải mái và sinh động, ít trau chuốt… trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm trong giao tiếp với tư cách cá nhân

2. Các phương thức biểu đạt

- Lưu ý: trong một văn bản thường xuất hiện nhiều phương thức như tự sự và miêu tả, thuyết minh và biểu cảm… song sẽ có một phương phương thức nổi bật.

Phương thứcKhái niệmDấu hiệu nhận biếtThể loại
Tự sự

- Dùng ngôn ngữ để kể lại một hoặc một chuỗi các sự kiện, có mở đầu -> kết thúc

- Ngoài ra còn dùng để khắc họa nhân vật (tính cách, tâm lí...) hoặc quá trình nhận thức của con người

- Có sự kiện, cốt truyện

- Có diễn biến câu chuyện

- Có nhân vật

- Có các câu trần thuật/đối thoại

- Bản tin báo chí

- Bản tường thuật, tường trình

- Tác phẩm văn học nghệ thuật (truyện, tiểu thuyết)

Miêu tảDùng ngôn ngữ để tái hiện lại những đặc điểm, tính chất, nội tâm của người, sự vật, hiện tượng

- Các câu văn miêu tả

- Từ ngữ sử dụng chủ yếu là tính từ

- Văn tả cảnh, tả người, vật...

- Đoạn văn miêu tả trong tác phẩm tự sự.

Thuyết minhTrình bày, giới thiệu các thông tin, hiểu biết, đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng

- Các câu văn miêu tả đặc điểm, tính chất của đối tượng

- Có thể là những số liệu chứng minh

- Thuyết minh sản phẩm

- Giới thiệu di tích, thắng cảnh, nhân vật

- Trình bày tri thức và phương pháp trong khoa học.

Biểu cảmDùng ngôn ngữ bộc lộ cảm xúc, thái độ về thế giới xung quanh

- Câu thơ, văn bộc lộ cảm xúc của người viết

- Có các từ ngữ thể hiện cảm xúc: ơi, ôi....

- Điện mừng, thăm hỏi, chia buồn

- Tác phẩm văn học: thơ trữ tình, tùy bút.

Nghị luận

Dùng để bàn bạc phải trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết rồi dẫn dắt, thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.

- Có vấn đề nghị luận và quan điểm của người viết

- Từ ngữ thường mang tính khái quát cao (nêu chân lí, quy luật)

- Sử dụng các thao tác: lập luận, giải thích, chứng minh

- Cáo, hịch, chiếu, biểu.

- Xã luận, bình luận, lời kêu gọi.

- Sách lí luận.

- Tranh luận về một vấn đề trính trị, xã hội, văn hóa.

Hành chính công vụ- Là phương thức giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí.

- Hợp đồng, hóa đơn...

- Đơn từ, chứng chỉ...

(Phương thức và phong cách hành chính công vụ thường không xuất hiện trong bài đọc hiểu)

- Đơn từ

- Báo cáo

- Đề nghị

3. Các thao tác lập luận

Trong một văn bản, người ta thường dùng nhiều thao tác lập luận khác nhau nhưng sẽ có một thao tác lập luận chính nổi bật. Bảng dưới đây giúp thí sinh nhận biết rõ ràng cụ thể hơn.

STTThao tác lập luậnKhái niệm
1Giải thích

Dùng lí lẽ để cắt nghĩa, giảng giải sự vật, hiện tượng, khái niệm giúp người đọc, người nghe hiểu đúng ý của mình.

2 Phân tích

Chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện về nội dung, hình thức của đối tượng.

3 Chứng minhĐưa ra những cứ liệu – dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề đó. ( Đưa lí lẽ trước - Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn. Đôi khi thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau.)
4 So sánhĐặt đối tượng trong mối tương quan, cái nhìn đôi sánh để thấy đặc điểm, tính chất của nó
5Bình luậnĐánh giá hiện tượng, vấn đề tốt/xấu, đúng/sai...
6 Bác bỏTrao đổi, tranh luận để bác bỏ những ý kiến sai lệch

4. Các biện pháp tu từ

Trong đề thi, câu hỏi thường có dạng, tìm ra biện pháp tu từ và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ ấy. Chính vì thế các em phải nhớ được hiệu quả nghệ thuật mang tính đặc trưng của từng biện pháp.

Biện pháp tu từKhái niệmTác dụng
So sánh

Đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.

Giúp sự vật, sự việc được miêu tả sinh động, cụ thể tác động đến trí tưởng tượng, gợi hình dung và cảm xúc
Nhân hóa

Sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi ... vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối khiến cho chúng trở nên sinh động, gần gũi, có hồn hơn

Làm cho đối tượng hiện ra sinh động, gần gũi, có tâm trạng và có hồn gần với con người
Ẩn dụ

Gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Cách diễn đạt mang tính hàm súc, cô đọng, giá trị biểu đạt cao, gợi những liên tưởng ý nhị, sâu sắc.
Hoán dụ

Gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Diễn tả sinh động nội dung thông báo và gợi những liên tưởng ý vị, sâu sắc

Nói quá

Phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

Khiến các sự việc, hiện tượng hiện lên một cách ấn tượng với người đọc, người nghe.
Nói giảm nói tránhDùng cách diễn đạt tế nhị uyển chuyển để tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sựLàm giảm nhẹ đi ý muốn nói (đau thương, mất mát) nhằm thể hiện sự trân trọng
Liệt kê

Sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảm.

Diễn tả cụ thể, toàn diện nhiều mặt
Điệp ngữLặp lại từ ngữ (hoặc cả câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnhNhấn mạnh, tô đậm ấn tượng – tăng giá trị biểu cảm, tạo âm hưởng nhịp điệu cho câu văn, câu thơ.
Tương phản

Sử dụng từ ngữ đối lập, trái ngược nhau để tăng hiệu quả diễn đạt.

Tăng hiệu quả diễn đạt, gây ấn tượng
Chơi chữ

Lợi dụng những đặc sắc về âm, về nghĩa của từ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước…l

Giúp câu văn hài hước, dễ nhớ hơn

5. Các thể thơ thường gặp

STTThể thơĐặc điểm nhận biết
15 chữ (ngũ ngôn)

- Mỗi câu thường có 5 chữ

- Thường được chia thành nhiều khổ nhỏ, mỗi khổ gồm 4 dòng thơ.

2Song thất lục bát

- Mỗi đoạn có 4 câu

- 2 câu đầu mỗi câu 7 chữ; câu thứ ba 6 chữ, câu thứ 4 tám chữ.

3 Lục bát

- Một câu sáu chữ rồi đến một câu tám chữ cứ thế nối liền nhau

- Thường bắt đầu bằng câu 6 chữ và kết thúc bằng câu 8 chữ

4Thất ngôn bát cú Đường luật

- Câu 1 và 2 là phá đề và thừa đề.

- Câu 3 và 4 là Thực hay Trạng, dùng để giải thích hoặc đưa thêm chi tiết bổ nghĩa đề bài cho rõ ràng

- Câu 5 và 6 là Luận, dùng để bàn luận cho rộng nghĩa hay cũng có thể dùng như câu 3 và 4

- Câu 7 và 8 là Kết, kết luận ý của bài thơ

5Thơ 4 chữ, thơ 6 chữ, thơ 7 chữ, thơ 8 chữ- Dựa vào số chữ trong 1 dòng thơ
6Thơ tự do- Đếm số chữ trong 1 dòng thơ, dòng nhiều dòng ít không gò bó, không theo quy luật

6. Các phép liên kết

STTCác phép liên kếtĐặc điểm nhận diện
1Phép lặp

Lặp lại ở câu đứng sau những từ ngữ đã có ở câu trước

2Phép thếSử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế các từ ngữ đã có ở câu trướ tạo sự liên kết giữa các phần văn bản.
3Phép nốiSử dụng ở câu sau các từ ngữ biểu thị quan hệ (nối kết) với câu trước
4Phép liên tưởngSử dụng ở câu đứng sau những từ ngữ đồng nghĩa/trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước

7. Xác định nội dung chính của văn bản

Muốn xác định được nội dung của văn bản giáo viên cần hướng dẫn học sinh căn cứ vào tiêu đề của văn bản. Căn cứ vào những hình ảnh đặc sắc, câu văn, câu thơ được nhắc đến nhiều lần. Đây có thể là những từ khóa chứa đựng nội dung chính của văn bản.

Đối với văn bản là một đoạn, hoặc một vài đoạn, việc cần làm là học sinh phải xác định được đoạn văn trình bày theo cách nào: diễn dịch, quy nạp, móc xích hay song hành... Xác định được kiểu trình bày đoạn văn học sinh sẽ xác định được câu chủ đề nằm ở vị trí nào. Thường câu chủ đề sẽ là câu nắm giữ nội dung chính của cả đoạn. Xác định bố cục của đoạn cũng là căn cứ để chúng ta tìm ra các nội dung chính của đoạn văn bản đó.

8. Yêu cầu xác định từ ngữ, hình ảnh biểu đạt trong văn bản

Phần này trong đề thi thường hỏi anh/ chị hãy chỉ ra một từ ngữ, một hình ảnh, một câu nào đó có sẵn trong văn bản. Sau khi chỉ ra được có thể lý giải phân tích vì sao lại như vậy.

Vì thế giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh đọc kĩ đề, khi lý giải phải bám sát vào văn bản. Phần này phụ thuộc nhiều vào khả năng cảm thụ thơ văn của học sinh.

9. Một số đề đọc hiểu

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 1

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia ? Khuôn mặt trẻ đẹp chim vào những miền xa nào..

Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống. Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?

Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết. Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh bước từng bước run rẩy.

Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. [0,25 điểm]

Câu 2: Hãy chỉ ra nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản trên. [0,25 điểm]

Câu 3: Qua văn bản trên, anh/ chị hiểu thế nào là nơi dựa của mỗi con người trong cuộc đời? [0,5 điểm]

Câu 4: Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng. [0,5 điểm

ĐÁP ÁN

Câu 1. Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ văn chương.

Câu 2. Nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản: Thông thường người yếu đuối tìm nơi dựa ở người vững mạnh. Ở đây ngược lại. Người mẹ trẻ khỏe dựa vào đứa con mới biết đi chập chững. Anh bộ đội dạn dày chiến trận dựa vào cụ già bước từng bước run rẩy trên đường.

Câu 3. Nơi dựa của mỗi người trong cuộc đời mà bài thơ đề cập đến là nơi dựa tinh thần, nơi con người tìm thấy niềm vui, ý nghĩa sống, …

Câu 4. Các dạng của phép điệp trong văn bản: điệp từ (đứa bé, bà cụ, …), điệp ngữ (ai biết đâu, lại chính là nơi dựa, …), điệp cấu trúc (câu mở đầu của 2 đoạn có cấu trúc giống nhau, câu kết của 2 đoạn cũng vậy), điệp kết cấu giữa hai đoạn.

Hiệu quả nghệ thuật: tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, hài hòa giữa hai đoạn thơ, góp phần khẳng định nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống chính là nơi ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 2

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn giông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”

[Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997]

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. [0,25 điểm]

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên. [0,5 điểm]

Câu 3: Chỉ ra tác dụng của việc dùng phép so sánh trong văn bản trên. [0,5 điểm]

Câu 4: Theo quan điểm riêng của anh/ chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì? [Trả lời ít nhất 2 tác hại trong khoảng 5-7 dòng]

ĐÁP ÁN

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: phương thức nghị luận/ nghị luận.

Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên: khẳng định cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống sai lầm/bác bỏ một quan niệm sống sai lầm: sống bó hẹp trong ngưỡng cửa nhà mình.

Câu 3. Tác giả đã so sánh cuộc sống của mỗi người (cuộc sống đầy đủ tiện nghi; cuộc sống biệt lập;cuộc sống lúc sóng gió; …) với một mảnh vườn (mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng; mảnh vườn có lớp rào bao quanh; mảnh vườn lúc giông tố nổi lên;…)

Tác dụng: việc sử dụng pháp so sánh khiến đoạn văn trở nên sinh động, truyền cảm, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao chứ không khô khan như khi chỉ sử dụng lí lẽ thuần túy.

Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác hại của cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 3

Đọc văn bản sau rồi trả lời các câu hỏi

“Con yêu quí của cha, suốt mấy tháng qua con vùi đầu vào mớ bài học thật là vất vả. Nhìn con nhiều lúc mệt ngủ gục trên bàn học, lòng cha cũng thấy xót xa vô cùng. Nhưng cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách mà vượt qua nó. Rồi con lại bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời mình với biết bao nhiêu khó nhọc. Khi con vào trường thi, cha chỉ biết cầu chúc cho con được nhiều may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Quan sát nét mặt những vị phụ huynh đang ngồi la liệt trước cổng trường, cha thấy rõ được biết bao nhiêu là tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng…của họ. Điều đó là tất yếu vì những đứa con luôn là niềm tự hào to lớn, là cuộc sống của bậc sinh thành.

Con đã tham dự tới mấy đợt dự thi để tìm kiếm cho mình tấm vé an toàn tại giảng đường đại học. Cái sự học khó nhọc không phải của riêng con mà của biết bao bạn bè cùng trang lứa trên khắp mọi miền đất nước. Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người. Và con của cha cũng không ngoại lệ, con đã được sự trải nghiệm, sự cạnh tranh quyết liệt đầu đời. Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình. Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên. Nhưng con hãy yên tâm bên cạnh con cha mẹ luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.”

(Trích “Thư gửi con mùa thi đại học”, trên netchunetnguoi.com)

a) Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

b) Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

c) Khái quát nội dung của đoạn văn bản trích trên.

d) Hãy tìm nhan đề phù hợp để đặt tên cho đoạn trích.

ĐÁP ÁN

Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:

Câu a. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Câu b. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: tự sự, miêu tả và biểu cảm.

Câu c. Khái quát nội dung của đoạn văn bản trích:

- Đoạn trích là sự thấu hiểu và tình yêu thương, sẵn sàng sẻ chia của người cha trước những vất vả của con trước ngưỡng cửa thi đại học.

- Đồng thời, đó cũng là lời động viên, khích lệ, tin tưởng của cha dành cho những nỗ lực của con.

Câu d. Nhan đề phù hợp là nhan đề ngắn gọn, hàm súc, khái quát được nội dung của đoạn trích và có tính hấp dẫn. Ví dụ: Mùa thi bên con,…

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 4

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi ở phía dưới:

“…Đêm tối đối với Liên quen lắm, chị không còn sợ nó nữa. Tối hết cả. con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa. Giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí, và cả cái bếp lửa của bác Siêu, chiếu sáng một vùng đất cát; trong cửa hang, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa. Tất cả phố xá trong huyện bây giờ đều thu nhỏ lại nơi hang nước của chị Tí. Thêm được một gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt, nhưng bác chưa hát vì chưa có khách nghe…”

(Trích “Hai đứa trẻ” – Thạch Lam)

1. Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?

2. Nội dung miêu tả của đoạn văn là gì?

3. Xác định thủ pháp nghệ thuật chính trong đoạn văn? Nêu tác dụng của thủ pháp đó.

4. Phân tích ngắn gọn hiệu quả của cách sử dụng từ ngữ trong vế câu “thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”

ĐÁP ÁN

Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Đoạn văn trên sử dụng các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2. Đoạn văn miêu tả khung cảnh và cuộc sống con người phố huyện khi đêm xuống.

Câu 3. Thủ pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong đoạn văn là thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối và biện pháp liệt kê.

Tác dụng: miêu tả cuộc sống tăm tối, nhịp sống tẻ nhạt, đều đều, quẩn quanh của con người phố huyện lúc đêm xuống.

Câu 4. Hiệu quả của cách sử dụng từ ngữ trong vế câu “thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”: Cách nói đảo ngữ và các từ "thưa thớt" "hột sáng" "lọt" gợi tả thứ ánh sáng leo lét, yếu ớt, như những kiếp người phố huyện bé nhỏ, vật vờ trong cái màn đêm mênh mông của xã hội cũ.

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 5

Đọc đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu sau:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Sách Ngữ văn 12, NXBGD-2007, tr. 144)

Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt trong đoạn thơ.

Câu 2. Cách xưng hô con trong đoạn thơ có ý nghĩa gì?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 4. Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của nhân vật trữ tình?

ĐÁP ÁN

Câu 1:

- Những phương thức biểu đạt: Biểu cảm, miêu tả, tự sự.

Câu 2:

- Cách xưng hô : Tác giả xưng con thể hiện lòng biết ơn sâu nặng của mình với cuộc kháng chiến, với tây bắc. Tây Bắc chính là mảnh đất mẹ, là Mẹ Tổ quốc, Mẹ nhân dân mà Chế Lan Viên đang khao khát trở về.

Câu 3:

- Biện pháp nghệ thuật so sánh: Tác giả dùng tới 5 hình ảnh so sánh, là những so sánh kép, tầng bậc, làm thành từng chum hình ảnh độc đáo : nghệ sĩ như nai, cỏ, én, đứa trẻ thơ đói lòng ; nhân dân như suối ngọt, như cánh tay đưa nôi,… Tất cả những hình ảnh trên đều lấy từ đời sống tự nhiên gần gũi của con người, nhưng trong cách nói của nhà thơ nó vẫn gợi lên những liên tưởng mới lạ, đưa lại hiệu quả thẫm mĩ cao.

Câu 4:

- Khổ thơ thể hiện niềm vui người chiến sĩ cách mạng khi gặp lại nhân dân. Về với nhân dân là về với những gì thân thuộc nhất, môi trường thuận lợi nhất; với niềm vui, hạnh phúc chờ mong; về với ngọn nguồn thiết yếu nhất của sự sống; về với lòng mẹ, tình mẹ bao la…Những hình ảnh diễn tả niềm sung sướng tột độ, ý nghĩa sâu xa của cuộc trở về cho thấy sự trở về này là lẽ tự nhiên, hợp quy luật : nghệ sĩ phải đến với nhân dân, gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân dân.

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 6

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường gặp người cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của chúng ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thôi sợ hãi và thử nghe theo chính mình?

Thật ra, cuộc đời ai cũng có những lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản, cực kì ngắn gọn: “Trước hết, hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình”. Hãy tôn trọng bởi cuộc đời là muôn mặt, và mỗi người có một cách sống riêng biệt. Chẳng có cách sống nào là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách với tựa đề “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”. […] Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng.

(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn…, NXB Văn học, 2015)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2 (0,5 điểm). Anh/chị hiểu thế nào là “định kiến”?

Câu 3 (1,0 điểm). Vì sao tác giả cho rằng: “Cuộc sống của chúng ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều.”?

Câu 4 (1,0 điểm). Anh/chị rút ra được bài học gì cho mình từ câu chuyện trên? Liên hệ thực tế.

GỢI Ý

Câu 1 (0,5 điểm) Thao tác lập luận: bình luận. Giải thích lý do chọn: tác giả đưa ra nhận xét, đánh giá về những người thường hay phán xét ở đoạn đầu và bàn luận mở rộng ở đoạn còn lại.

Câu 2 (0,5 điểm). “Định kiến” là ý nghĩa riêng đã có sẵn, thường là không hay và khó có thể thay đổi được.

Câu 3 (1,0 điểm).

– “Cuộc sống của chúng ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ”. Rất tệ bởi vì, định kiến khiến bản thân thường đánh giá, nhận xét một vấn đề theo một chiều, khó chấp nhận sự khác biệt dẫn đến khó hòa nhập.

– “Nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều”. Vì nếu ta bị điều khiến bởi định kiến của người khác thì khó lòng ta được là chính mình.

Câu 4 (1,0 điểm).

– Bài học rút ra: tôn trọng sự khác biệt. Vì mỗi người mỗi cách sống, cách nghĩ khác nhau.

– Học sinh có thể liên hệ thực tế về các vấn đề như: phân biệt sắc tộc, cách nhìn nhận đối với cộng đồng giới tính thứ ba,…

(Trích Hướng dẫn ôn tập nhanh kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016 – 2017 – Thủ thuật giải nhanh đề thi Ngữ văn, Chí Bằng, NXB Tổng hợp TpHCM, 2017)

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Ngữ văn 12
Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm