Viết bài luận thuyết phục từ bỏ quan niệm: Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân Dàn ý + 2 bài văn mẫu lớp 10
Văn mẫu lớp 10: Viết bài luận thuyết phục từ bỏ quan niệm: Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân bao gồm 2 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em học sinh có thể vận dụng, điều chỉnh và viết một cách tự tin chính xác hơn.
Thuyết phục từ bỏ quan niệm Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân mà Download.vn đăng tải dưới đây sẽ giúp các em tự luyện tập và rèn luyện phong cách viết riêng cho mình. Hi vọng qua bài văn mẫu này sẽ giúp các em học sinh hiểu được tác hại của việc đề cao cái tôi quá đáng từ đó có một số giải pháp khắc phục hiện tượng này. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: thuyết phục người khác từ bỏ thói quen thức khuya, bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đi học muộn.
Thuyết phục từ bỏ quan niệm Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân hay nhất
Dàn ý thuyết phục từ bỏ quan niệm Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân
I. Mở bài
- Nêu quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ: quá đề cao cái tôi cá nhân.
- Nêu lí do hay mục đích viết bài luận: mỗi người đều có giá trị của riêng mình, ai cũng có cái “tôi” từ đó hình thành nên những tính cách khác nhau, muôn màu muôn vẻ. Tuy nhiên, trong cuộc sống có nhiều cá nhân quá đề cao cái tôi, dẫn đến những hành vi không tốt.
→Cần phải từ bỏ quan niệm đề cao quá mức cái tôi.
II. Thân bài
- Giải thích, nêu biểu hiện của quan niệm cần từ bỏ.
+ Cái tôi: là bản ngã, bản chất, cá tính của mỗi con người, hiện hữu từ khi chúng ta sinh ra,…
→Vừa để phân biệt, để mỗi cá nhân tự khẳng định mình.
+ Quá đề cao cái tôi cá nhân: luôn xem mình là nhất, coi trọng giá trị của bản thân của mình hơn người khác (chỉ công nhận những ưu điểm của bản thân - không chấp nhận nghe những điểm yếu, khuyết điểm của mình; luôn cảm thấy bản thân làm tốt hơn người khác thậm chí là tốt nhất, không ai có thể tốt hơn mình; không chấp nhận sự thay đổi, không muốn học hỏi, nghiên cứu,…)
- Tác hại của quan niệm cần từ bỏ.
- Khiến cá nhân trở nên ích kỉ, hẹp hỏi, thái độ khinh thường, hống hách với người khác
- Không nhận ra được những thiếu sót, hạn chế hay sai lầm của bản thân; không thể thay đổi và tiến bộ.
- Làm cho mọi người xung quanh khó chịu, không thoải mái; không nhận được sự góp ý chân thành, sự quan tâm, yêu thương từ họ;
- Lợi ích của việc từ bỏ quan niệm.
- Trở thành người có thái độ sống tích cực, ham học hỏi, biết lắng nghe,…
- Được sự yêu thương, trân trọng từ mọi người xung quanh
- Giải pháp từ bỏ quan niệm.
- Hạ thấp cái tôi, học cách lắng nghe, chấp nhận, học hỏi,…
- Sống với thái độ chân thành, tử tế, cởi ở,…
- Không so sánh tiêu cực, nhận thực được giá trị của bản thân (ưu- khuyết điểm)
- Thay đổi cách nhìn nhận, tư tưởng,…
III. Kết bài
- Khẳng định lại lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm.
- Thể hiện niềm tin vào sự cố gắng hay hi vọng ở sự thành công của người được thuyết phục.
Từ bỏ bỏ quan niệm Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân
Mọi người trong chúng ta, ai ai cũng có “cái tôi”. Nó là cá tính và bản chất vốn có của mỗi con người. “Cái tôi” là cách mỗi người tự khẳng định mình trước người khác, không muốn mình là kẻ vô hình, không muốn là người mờ nhạt,… Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi, mỗi người đều có Cái Tôi riêng, không ai giống ai. Từ đó hình thành nên tính cách cá nhân rất khác nhau dù chúng ta cùng sống trong cùng một xã hội.
Theo đúng nghĩa của nó, Cái Tôi không có gì là xấu, miễn sao mỗi người biết điều chỉnh nó cho phù hợp với những thứ có liên quan đến cuộc sống của mình. Cái Tôi không những tốt mà còn rất tốt. Nó là nguyên nhân và cũng là lý do cho sự tồn tại của mỗi con người. Nếu không có nó, không những bạn mà ngay cả chúng ta sẽ rơi vào sự hoang mang trong suốt cuộc hành trình đi tìm bản thân mình.Tuy nhiên, chúng ta thường nghe đến cụm từ “Cái Tôi cao” với những cái lắc đầu rất hay gặp: “Cái tôi của nó quá lớn!”. Người có Cái Tôi quá lớn sẽ tự nghĩ mình là số 1, không ai quan trọng hơn mình, xem thường người khác, dần dần trở nên "láo" , hống hách, không còn biết quan tâm đến giá trị của ai bên cạnh.
Mỗi người chúng ta cũng vậy, ai cũng có thể tạo thêm giá trị cho “thương hiệu” của chính mình bằng những việc làm đơn giản nhưng thiết thực, ví dụ như thể hiện sự quan tâm với những người xung quanh, sống vui vẻ, hòa nhã với mọi người, xây dựng những mối quan hệ tốt với người thân, bạn bè… Mọi nỗ lực dù nhỏ nhoi nhưng đều mang lại những kết quả đáng kể.
Khi tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho “cái tôi” của mình đẹp hơn, người ta sẽ cảm thấy tự tin, cởi mở và tìm thấy cũng như tạo ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thấy hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể “là chính mình” và sống thật với mình hơn. Họ sẽ không bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về “cái tôi” của họ, không mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương hay “chạm tự ái” với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô tình hay cố ý của những người khác.
Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng lại thường gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại… vì hình như cái tôi lại thường hay phát triển và được phóng đại cùng với cái tài. Cho nên căn bệnh “cái tôi quá to” cố hữu về sự kiêu ngạo và cố chấp trầm kha thường lại rơi vào những người có những thành công nhất định trong xã hội.
Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Vì thế nếu khi một người bình thường đón nhận sự bất đồng về ý kiến của người khác một cách cởi mở, thì các “sếp” có thể xem đó là “không thể chấp nhận được”. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình. Mà đã là tù nhân thì làm sao có hạnh phúc?
Vậy làm sao cởi bỏ được cái gánh nặng cái tôi đó ra? Làm thế nào để kiểm soát được trạng thái tâm lý tự ti mặc cảm, hay ngược lại, tâm lý tự cao tự đại của mình? Làm sao để có thể vượt ra khỏi cái tôi tiêu cực, cái bản ngã nghiệp chướng của chính mình để có thể là một người tự do, được sống hồn nhiên yêu đời và hạnh phúc?
Khi chê ai đó có cái tôi quá lớn, người ta thường nói “cái tôi của hắn to bằng quả núi”, hoặc “anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ”, là “trung tâm của thế giới”… Như vậy, vô hình trung, chúng ta đã thừa nhận mình chỉ là những cá thể rất nhỏ trong một vũ trụ rộng lớn. So với vũ trụ và thế giới chung quanh, quả thật mỗi cá nhân chúng ta chỉ là những hạt nhân nhỏ bé. Những hạt nhân này khi di chuyển va đụng vào nhau, giao tiếp, hỗ tương với nhau, sau đó lại di chuyển tiếp trong quỹ đạo của riêng mình trong vũ trụ.
Đã không phải là vũ trụ hoặc chỉ là “cái rốn” của vũ trụ, thì tại sao lại dám xem mình là cả vũ trụ? Bên cạnh đó, mỗi cá nhân là một thực thể tồn tại, phát triển, sinh ra và mất đi, có sự hình thành và cấu tạo rất riêng biệt, với những giá trị nhất định riêng trong thế giới này. Mỗi hạt nhân tuy nhỏ bé nhưng đều có một chỗ đứng nhất định trong mối tương quan với vũ trụ và các hạt nhân khác, và không tồn tại vĩnh viễn trong một thực thể nhất định.
Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
Thuyết phục từ bỏ quan niệm Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân
Ngày nay, cái tôi cá nhân dần được mọi người coi trọng. Tuy nhiên, nhiều người lại quá đề cao cái tôi mà quên đi mất tập thể. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, phổ biến trong đời sống hiện nay.
Chúng ta thường hay nghe về “cái tôi”, nhất là trong đời sống và văn học. Cái tôi được hiểu là sự tự nhìn nhận, đánh giá về giá trị của chính mình nhằm phân biệt bản thân với mọi người hay cá nhân khác. Đương nhiên, vì đây là quá trình tự nhận thức bản thân nên đương nhiên sẽ có sự sai lệch, nhận thức chưa đúng đắn về giá trị, phẩm chất.
Chúng ta là một cá nhân, được đặt trong vô vàn các mối quan hệ xã hội khác nhau. Nếu quá đề cao cái tôi cá nhân trong tập thể thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy, hậu quả không hay với mỗi người. Thứ nhất, chúng ta dễ rơi vào trạng thái bị ảo tưởng về chính mình, luôn đặt mình ở vị trí cao hơn so với người khác. Nói cách khác, khi cái tôi bị phát tiết quá mức thì chúng ta sẽ không còn đủ tỉnh táo để nhìn nhận sự vật, sự việc theo đúng bản chất vốn có. Từ đó, tâng bốc mình một cách thái quá.
Có một điều thường thấy ở những người quá đề cao cái tôi cá nhân là họ thường ít khi lắng nghe và không chịu chấp nhận ý kiến xung quanh. Những người như thế luôn tự coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, xem mình là nhất, không chịu thua kém, ngang bằng với bất kì ai, cũng không quan tâm đến việc mình làm là sai hay đúng,... Chính việc đề cao cái tôi đã biến họ thành kẻ láo toét, ngông cuồng như con ếch trong truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” hay chú Dế Mèn trong đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” (“Dế Mèn phiêu lưu kí” - Tô Hoài). Tôi tự hỏi rằng, liệu có bao giờ họ soi gương và nhìn lại bản thân mình như thế nào hay không? Cái tôi quá lớn đã trở thành nhà tù giam giữ họ trong sự tự mãn, kiêu căng của chính mình, để rồi đi ngược lại với các giá trị, mục tiêu chung và bị người khác ghét bỏ, khó chịu. Họ tự biến mình thành kẻ “khác biệt” so với mọi người, đi theo lối sống vị kỉ, không quan tâm đến cảm nhận của người khác.
Cái tôi hoàn toàn có thể kiểm soát. Để làm được điều đó, chúng ta cần học cách lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu những lời phản hồi, ý kiến góp ý từ mọi người xung quanh. Thay vì để cái tôi cá nhân áp đảo, điều khiển, bạn hãy lắng nghe lí trí, có cái nhìn toàn diện, đa chiều về mọi việc trong cuộc sống. Đồng thời, học cách cân bằng, dung hòa giữa lợi ích chung với mục tiêu của riêng mình.
Con người ai cũng có cái tôi và cái tôi cũng như “con giao hai lưỡi”. Nó có thể đem đến thành tựu nhưng cũng có thể khiến bạn bị đau nếu không sử dụng đúng cách. Bởi “Cái tôi không phải là thứ sẵn có, mà là thứ liên tục hình thành thông qua lựa chọn hành động.” - John Dewey.