Văn mẫu lớp 10: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen có hại (6 Mẫu) Những bài văn hay lớp 10

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen có hại mang đến 6 bài văn mẫu khác nhau cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập củng cố kỹ năng làm văn thuyết phục người khác ngày một tốt hơn.

TOP 6 bài thuyết phục người khác từ bỏ thói quen có hại cực chất dưới đây sẽ là nguồn tài liệu cực kì hữu ích, là người bạn đồng hành giúp các em hiểu được trình tự làm bài, quan sát, biết cách liên tưởng, so sánh, lựa chọn ngôn từ phù hợp. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đi học muộn.

Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen xấu - Mẫu 1

Cuộc sống là một chuỗi những hành trình, để thực hiện những mục tiêu, dự định con người cần lên kế hoạch và thực hiện tốt những công việc. Thời gian để hiện thực hóa mục tiêu của mỗi người lại không giống nhau, có người thực hiện một cách nhanh chóng trong một khoảng thời gian xác định, cũng có người phải mất khoảng thời gian rất dài mới có thể thực hiện được. Có sự khác nhau này không chỉ do định hướng, cách thức thực hiện của con người mà còn bị chi phối bởi thói quen trì hoãn công việc.

“Công việc” là những mục tiêu, dự định trước mắt mà chúng ta cần thực hiện. “Trì hoãn” là kéo dài, làm gián đoạn tiến độ công việc. Thói quen trì hoãn công việc đang là một trong những thói quen chưa tốt của con người trong việc thực hiện những mục tiêu công việc.

Cuộc sống có rất nhiều biến động, trong đó có nhiều điều bất thường có thể xảy ra ngoài ý muốn của con người. Những thay đổi đó có thể làm gián đoạn buộc con người phải trì hoãn công việc đang thực hiện để giải quyết những vấn đề trước mắt. Chẳng hạn, công việc hàng ngày của người học sinh là học tập, nhưng vì những lí do bất ngờ: thời tiết, sức khỏe, phương tiện đi lại, người học có thể phải trì hoãn công việc học để giải quyết những vấn đề phát sinh trước mắt ấy.

Tuy nhiên, đó chỉ là việc trì hoãn tạm thời, còn thói quen trì hoãn công việc lại là thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần ở con người. Thói quen trì hoãn có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống, trước hết nó hình thành tâm lí ỷ lại, lười biếng, đứng trước một công việc cần phải giải quyết nhưng mãi ngần ngừ không chịu thực hiện và trì hoãn cho đến ngày hôm sau, ngày sau nữa hoặc một khoảng thời gian không xác định nào đó.

Trì hoãn công việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc, trì hoãn khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, thậm chí thói quen trì hoãn khiến cho con người bỏ lỡ những cơ hội, những điều kiện tốt để phát triển và khẳng định giá trị của bản thân.

Thói quen trì hoãn công việc còn làm nảy sinh tính bê trễ, thiếu kỉ luật, trách nhiệm với bản thân cũng như với công việc được giao. Nếu duy trì thói quen xấu này, con người không chỉ khó khăn trong việc thực hiện những mục tiêu, bỏ lỡ cơ hội để phát triển, thăng tiến mà còn đánh mất đi uy tín, làm giảm đi giá trị của bản thân trong mắt đối tác cũng như mọi người xung quanh.

Trì hoãn làm cho con người trở nên lười biếng, không phát huy được sự cố gắng, nỗ lực, kĩ năng giải quyết, xử lí mọi việc cũng bị giảm sút đáng kể.

Trì hoãn công việc là thói quen không tốt cần được nhận thức và thay đổi nếu như muốn phát triển và hoàn thiện bản thân, đừng tạo điều kiện cho sự lười biếng và những suy nghĩ thiếu quyết đoán phát triển, đừng để thói quen trì hoãn trở thành vật cản đường trong hành trình đến với thành công các bạn nhé!

Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen có hại - Mẫu 2

Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, nói tục chửi thề, gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là hiện tượng học sinh “nói tục chửi thề”. Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.

Trước hết ta cần hiểu “nói tục chửi thề” là gì? Nói tục chửi thề là hiện tượng học sinh dùng những từ ngữ thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực để giao tiếp với nhau hằng ngày.

Biểu hiện của hiện tượng này, là việc học sinh dùng những từ ngữ thô tục để lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm người khác hoặc đôi khi chỉ nói quen miệng nhưng gây nên sự phản cảm lớn đối với người nghe.

Theo cách giải thích ở trên, ta thấy hiện tượng nói tục chửi thề là hiện tượng có nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức của thế hệ học sinh nói riêng và xã hội hiện nay nói chung:

“Nói tục chửi thề” làm đạo đức và nhân cách của người học sinh bị suy đồi. Biến con người mình thành kẻ thiếu học thức, bị đánh giá là vô văn hóa, bị mọi người xa lánh, ghê tởm như căn bệnh. Việc nói tục chửi thề làm cho kĩ năng giao tiếp của học sinh trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn. Từ đó khiến cho các cuộc giao tiếp trở nên thiếu lịch sự, đôi khi trở thành “thảm họa”.

Không chỉ vậy, việc nói tục, chửi thề còn ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Nhất là trong các trường hợp nói tục chửi thề với mục đích lăng mạ, sỉ nhục người đối diện. Hành động đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, lòng tự trọng của người bị lăng mạ. Nếu việc này lặp đi lặp lại xảy ra nhiều lần, có thể gây ra tâm lý bức bối, ức chế, không kiểm soát được bản thân, có những hành động có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Thực sự đã có nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra cũng chỉ vì một lời nói tục, một cái nhìn đểu.

Nguy hiểm hơn nữa là việc, nếu không ngăn chặn thói xấu này, dần dà sẽ tạo nên một hệ lụy khôn lường. Một người nói tục, cả bàn nói tục, cả lớp nói tục, cả trường nói tục… lan ra cả ngoài xã hội. Khi đó xã hội văn minh sẽ biến mất mà thay vào đó là một xã hội thiếu văn hóa trầm trọng.

Từ việc phân tích tác hại đã nêu ở trên, ta cần tìm ra nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “nói tục chửi thề” nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau:

Nhiều học sinh xuất thân trong gia đình có bố mẹ, anh chị làm nghề tự do. Do có mối quan hệ xã hội phức tạp nên đôi khi mang những lời nói tục tĩu về nhà. Từ đây, việc học cái tốt thì rất khó, nhưng học điều xấu thì lại rất dễ bởi “nghe quen tai, nói quen miệng”. Chắc chắn lời nói của người lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ của giới trẻ. Cũng một phần do học sinh tiếp xúc với nhiều phần tử xấu trong xã hội hoặc học sinh cá biệt. Cũng có thể là do nói quen miệng, khi trở thành thói quen rất khó bỏ. Phía nhà trường chưa có những sự tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh.

Từ tác hại và những nguyên nhân trên, ta thấy cần phải có những biện pháp để khắc phục tình trạng nói tục chửi thề này. Trước hết là trong gia đình, cha mẹ phải cẩn trọng với từng lời nói của mình. Phải giáo dục trẻ, để trẻ không giao du với các thành phần xấu. Trong trường lớp thì cần phải tổ chức thêm nhiều hoạt động Đoàn, Đội lành mạnh để các em vui chơi, giao lưu học hỏi những điều tốt đẹp. Bản thân mỗi người cần rèn luyện nhân cách phẩm giá của mình để tránh xa những thói hư tật xấu.

Từ đó mỗi người cần rút ra cho mình bài học để không dính vào những tác hại ở trên. Như rèn luyện nhân cách, bản lĩnh; tham gia vào các sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Trau dồi ngôn ngữ chuẩn mực. Học tập lối sống lành mạnh, văn mình. Ăn nói lịch sự, đối xử hòa nhã với bạn bè. Đặc biệt là có ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Tóm lại, nói tục chửi thề là một hiện tượng xấu, có nhiều tác hại ảnh hưởng lớn đến môi trường học đường và đời sống xã hội. Mỗi cá nhân và tập thể cần lên án, đấu tranh và loại bỏ thói xấu ấy ra khỏi môi trường sống của chúng ta. Vì một môi trường học đường văn minh, tất cả hãy nói KHÔNG với “Nói tục chửi thề”.

Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen có hại - Mẫu 3

Bạn thân mến, đã gần đến kì thi cuối kì rồi - kì thi mà hầu hết các bạn học sinh đều cảm thấy hết sức hệ trọng và áp lực. Việc học tập làm sao cho thật tốt là điều mà bất cứ bạn nào cũng quan tâm. Có bạn mải chơi, thức đến hai, ba giờ sáng để vào mạng xã hội. Có bạn lại chăm học quá mức đến khuya. Việc thức khuya dù vì lí do gì thì cũng là một thói quen không tốt. Kì thi cuối kì đang sắp đến gần, mình muốn viết bài này để nhắn nhủ đến các bạn hãy có những thói quen lành mạnh.

Hiển nhiên, sự áp lực, căng thẳng để chuẩn bị cho kì thi sẽ khiến chúng ta có tâm lí muốn xả... "stress", muốn được vui chơi để cảm thấy thoải mái. Nhưng mình cho rằng việc thức đến hai, ba giờ sáng để lướt mạng xã hội, để chơi game là một điều không tốt. Hay kể cả bạn cố gắng học thêm nhiều kiến thức, giải thêm nhiều bài tập vào lúc đêm khuya cũng không phải là một thói quen tốt. Không những không tốt, mà còn có hại. Bởi vì đây là lúc mà cơ thể con người cần được nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. Nếu chúng ta không cho cơ thể nghỉ ngơi, chúng ta đang vô tình làm hại đến chính bản thân mình, và phá vỡ đồng hồ sinh học vốn có. Như vậy, sức khỏe sẽ không để đảm bảo. Đó là chưa kể, đến sáng hôm sau, chắc chắn nhiều bạn sẽ uể oải, không thể dậy sớm để đến lớp học. Cho dù bạn chơi vào cuối tuần, thì nó cũng làm đảo lộn nhịp sinh hoạt trong tuần của bạn. Điều đó thật không tốt chút nào. Nếu tình trạng thức khuya kéo dài, cơ thể có khả năng suy nhược.

Tuổi của chúng ta là độ tuổi để lớn. Hẳn tất cả chúng ta đều rất quan tâm tới vẻ bên ngoài. Ta cố gắng ăn mặc , chải chuốt sao cho thật đẹp, thật bắt mắt. Sẽ chẳng có một bạn học sinh nào hi vọng, một buổi sáng chuẩn bị đến lớp lại thấy trên mặt mình xuất hiện mấy nốt mụn! Điều đó thật là ám ảnh! Bạn thấy đấy, thức khuya sẽ là cơ hội tốt để làn da của bạn... toàn mụn là mụn! Như vậy, mình có thể khẳng định với bạn: thức khuya vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nhất là ảnh hưởng đến kết quả học tập của chúng ta.

Đọc đến đây, mình mong bạn có thể thay đổi thói quen này. Dù thói quen là một thứ khó thay đổi, nhưng không có nghĩa chúng ta không làm được. Bạn chỉ cần đi ngủ sớm và dậy sớm mà thôi! Sẽ mất một vài ngày đầu để ta bắt nhịp với một thói quen mới. Nhưng ta sẽ làm được, tất cả là dựa vào ý chí, nghị lực của bản thân. Mình thì đã chơi trò này với cô em gái của mình. Chúng mình cá cược với nhau xem ai dậy sớm hơn thì người đó sẽ được bố mẹ chở đi học. Vậy là cả mình và em gái đã có được thói quen ngủ sớm, dậy sớm. Bạn thấy có dễ dàng không nào? Thói quen mới gắn với một sự ganh đua nho nhỏ, gắn với một niềm vui nho nhỏ sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

Ngủ sớm, dậy sớm cũng sẽ giúp cho chúng ta có nhiều thời gian chuẩn bị cho buổi sáng đến lớp. Bạn cũng có thể nhân buổi sáng sớm để đọc sách hay học bài. Lúc này, đầu óc của chúng ta là minh mẫn nhất. Chắc chắn bạn sẽ có kết quả học tập khả quan, một sức khỏe tốt và một làn da mịn màng!

Mình hy vọng chúng ta sẽ có những thói quen tốt để cuộc sống tốt hơn. Việc thay đổi một thói quen không phải là dễ dàng. Nhưng mình đã làm được. Mình tin bạn cũng sẽ làm được. Nếu cần giúp đỡ, bạn có thể tìm đến mình. Mình luôn sẵn sàng trong khả năng của bản thân. Chúc các bạn có được những thói quen tốt!

Bài thuyết phục người khác từ bỏ thói quen có hại - Mẫu 4

Bên cạnh việc không làm bài tập ở nhà, không chuẩn bị bài mới cũng trở thành thói quen phổ biến và để lại nhiều hệ lụy đối với các bạn học sinh.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các bạn trẻ không chuẩn bị bài mới xuất phát từ sự lười nhác, cảm thấy không hứng thú và không xác định được mục tiêu trong học tập. Tôi biết có rất nhiều bạn cho rằng việc chuẩn bị bài mới trước khi lên lớp là một việc thừa thãi, tốn thời gian. Thay vì ngồi vào bàn học, các bạn sẵn sàng thỏa mãn bản thân bằng những trò chơi vô bổ, không cần thiết. Chỉ đến khi bố mẹ nhắc nhở, các bạn mới tạm gác lại thú vui để chuyên tâm vào học. Để qua mắt phụ huynh và chống đối lại giáo viên, nhiều bạn tận dụng mạng internet để tìm lời giải rồi tải về và ngồi hì hục chép. Thậm chí, có bạn sát giờ lên lớp mới hốt hoảng nhận ra mình chưa chuẩn bị bài, vội vã mượn vở bạn rồi viết vài dòng nguệch ngoạc cho đủ chữ.

Rõ ràng những điều kể trên đều là những biểu hiện của thói quen không chuẩn bị bài mới. Đây là thói quen xấu cần phải từ bỏ. Không chuẩn bị bài trước khi lên lớp khiến chúng ta thụ động và không thể bắt kịp với tiến độ giảng dạy của thầy cô. Lâu dần, kiến thức trở nên bị "hổng" và gây ra tâm lí hoang mang, chán nản với việc học. Kết quả học tập từ đó cũng giảm sút một cách nghiêm trọng.

Chính vì vậy, bạn hãy thay đổi thói quen này ngay từ hôm nay. Việc từ bỏ thói quen không chuẩn bị bài mới đem lại nhiều ích lợi hơn bạn tưởng. Khi từ bỏ được thói quen này, bạn sẽ có phong thái ung dung, tự tin, sẵn sàng chiếm lĩnh và làm chủ tri thức. Việc chuẩn bị bài mới còn giúp bạn lĩnh hội kiến thức tốt hơn. Từ đó, đạt được nhiều điểm cao và thành tích xuất sắc trong học tập.

Tôi biết rằng, để từ bỏ một thói quen đã hình thành và in sâu vào nếp sống, suy nghĩ không phải là điều dễ dàng. Nhưng tôi tin chắc, bằng sự nỗ lực không ngừng, mỗi người chúng ta đều có thể vượt lên chính mình. Thay vì tiêu phí thời gian vào các công việc không cần thiết, các bạn có thể dành ra từ 1-2 tiếng mỗi tối để ôn lại bài cũ đã học và chuẩn bị cho những tiết học sau. Ngoài ra, bạn nên xây dựng thời gian biểu, chế độ sinh hoạt phù hợp, cân bằng giữa việc học với hoạt động vui chơi. Cố gắng giữ tinh thần thoải mái, không nên quá thúc ép vào bản thân vào việc học và chuẩn bị bài mới. Nếu gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu bài, bạn nên trao đổi với bạn bè, thầy cô để được giải đáp và giúp đỡ kịp thời.

Không thể phủ nhận soạn bài và chuẩn bị bài trước khi lên lớp là một công việc nhàm chán nhưng bạn hãy cố gắng vượt lên những rào cản cảm xúc để hướng tới chân trời tri thức đang rộng mở ở tương lai.

Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen có hại - Mẫu 5

Có thể thấy được với sự phát triển của công nghệ, của internet như hiện nay mang đến rất nhiều lợi ích cho toàn cầu nhưng bên cạnh đó cũng để lại một số tác hại không tưởng. Một trong số đó chính là các trò chơi điện tử. Nó đang tạo ra với mục đích giải trí, thư giãn sau khoảng thời gian làm việc, học tập mệt mỏi. Nhưng nó đã bị giới trẻ hiện nay quá lạm dụng, trở thành những con nghiện game và mang đến những tác hại không ngờ đến.

Trò chơi điện tử đang được giới trẻ rất ưa chuộng và là giải pháp để giải trí khá tối ưu của giới trẻ. Đây là dạng trò chơi có thể chơi được bất cứ khi nào hay ở đâu, đó cũng là lí do nó được lựa chọn nhiều đến vậy. Trò chơi điện tử là một phát minh sinh ra không chỉ với mục đích giải trí, nó còn bắt người dùng sử dụng đầu óc để điều khiển khiến cho người chơi phát triển trí não, sự nhanh nhạy, rèn luyện được phản xạ nhanh nhẹn của cả bộ não và chân tay. Ngoài ra, điện tử còn giúp mọi người kết nối với nhau vì có chức năng kết bạn từ người lạ. Từ đó giúp thu ngắn lại khoảng cách giữa người với người, tạo thành một mạng xã hội đoàn kết, yêu thương.

Nếu được sử dụng với đúng mục đích của nó thì sẽ là người sử dụng thông minh và ngược lại nếu bạn quá lạm dụng dẫn đến nghiện điện tử thì nó chính là liều thuốc độc đối với bạn. Khi chúng ta không biết tự điều chỉnh bản thân mà để cho điện tử cuốn mình vào thế giới ảo sẽ khiến bản thân bị ảo giác, mất kiểm soát và ngày càng cuốn sâu vào nó. Có nhiều người vì quá mê điện tử khiến cho quên ăn, quên ngủ mà chơi thâu đêm suốt sáng. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng hoặc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vì họ đã quá mải chơi mà quên đi nhiệm vụ hàng ngày của chính mình. Bên cạnh đó, gần như các trò chơi đều có thể nạp tiền vào để sở hữu những vật phẩm xịn trong game, điều đó dẫn đến việc mất rất nhiều tiền đối với các con nghiện điện tử. Đã có rất nhiều trường hợp vì nạp game mà lấy tiền bố mẹ hay trộm cắp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề suy thoái đạo đức cho xã hội ngày nay.

Vì vậy, khi chơi chúng ta cần phải sắp xếp thời gian sao cho thật hợp lí và chỉ chơi với mục đích giải trí chứ không quá mê muội vào các trò chơi. Không để trò chơi điện tử thao túng tâm lí bản thân, không để nó kiểm soát cảm xúc hay hành động của chính mình. Và khi có dấu hiệu của nghiện điện tử, điều đầu tiên là phải tự điều chỉnh bản thân bằng cách dành ít thời gian cho các trò chơi đó hơn hoặc nếu có thể là nên quên lãng nó một thời gian. Sau đó tìm những cách khác để giải trí để thay thế các trò chơi điện tử.

Việc nghiện điện tử hay không là do chính bản thân mình quyết định vì vậy hãy luôn giữ vững lập trường, giữ vững tư tưởng cho mình. Hãy để trò chơi điện tử được sử dụng đúng với mục đích của nó, đúng với giá trị mà những nhà sáng tạo trò chơi muốn mang đến cho người dùng. Đừng để nó bị biến tính và làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng đi xuống. Chúng ta hãy chung tay xây dựng một thế giới nói không với nghiện điện tử!

Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen có hại - Mẫu 6

Lần gần nhất mà bạn phải ngồi chờ đợi một ai đó là bao lâu rồi? Có lẽ thói quen đi trễ đã không còn xa lạ gì với mọi người nữa, nó gần như trở thành thói quen của rất nhiều người trong xã hội, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi,…và đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh có thói quen đi học muộn với đủ mọi lí do hết sức vô lí được đưa ra.

Quản lý thời gian là một giải pháp cần thiết để khắc phục được tình trạng trễ giờ, quên thời gian,… và cần phải bố trí đủ thời gian vào buổi sáng để sẵn sàng đi học, trì hoãn các công việc không cần thiết cũng như dự đoán được các vấn đề về giao thông. Rất nhiều người không có ý thức sắp xếp, phân bổ thời gian một cách hợp lý, làm việc gì cũng chậm chạp và họ coi việc đi học muộn trở thành một việc hết sức bình thường. Việc đi đúng giờ không chỉ thể hiện bạn là một người văn minh, hiện đại mà còn là một người biết tôn trọng người khác. Chẳng hạn việc bạn thường xuyên đi trễ sẽ làm mất đi uy tín của bạn, lời hứa không còn có trọng lượng và bị đánh giá là người không đáng tin cậy. Nếu bạn nghĩ rằng đi học muộn là việc của bạn và hậu quả ra sao mình bạn chịu thì nhầm rồi nhé. Khi bạn đến lớp muộn, nó không chỉ làm gián đoạn dòng chảy của một bài giảng hoặc thảo luận, mà còn ảnh hưởng đến sự tập trung của học sinh khác, cản trở việc học của tập thể và thường ăn mòn tinh thần lớp học. Thầy cô cũng vì thế mà cảm thấy bực mình và không muốn dạy một lớp học mà có nhiều bạn vô ý thức, vô kỉ luật như vậy.

Việc mọi người đi trễ có thể do một sự cố ngẫu nhiên như: ngủ quên, tắc đường, nhỡ xe, thời tiết,…. nhưng cũng có thể đó đã trở thành một thói quen ngấm vào máu. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bạn đến lớp muộn, có thể là nguyên nhân chủ quan với lí do làm bài tập ngủ muộn, sáng dậy muộn,… hay nguyên nhân khách quan như việc tắc đường, xe hỏng,…. Nhưng dù có là lý do gì đi nữa thì việc đi trễ vẫn là một thói quen không tốt để lại rất nhiều hậu quả đáng tiếc và chúng ta cần từ bỏ nó ngay từ bây giờ. Tác hại của việc đi trễ là vô cùng lớn. Nếu mỗi người trong xã hội đều không coi trọng việc đúng giờ thì xã hội sẽ không thể nào tiến bộ được. Để tránh tình trạng đi học muộn, các bạn hãy tự chọn cho mình một biện pháp khắc phục phù hợp với bản thân mình, giảm thiểu tối đa thời gian bị mất bởi những lí do không cần thiết.

Đi trễ không chỉ đơn thuần là một thói quen xấu mà còn là căn bệnh bám rễ vào tư tưởng mỗi người và có thể gây nên những hậu quả khó lường nếu không được khắc phục ngay từ bây giờ. Để khắc phục thói quen đi trễ của bản thân đầu tiên bạn phải là một người biết coi trọng thời gian và đơn giản là có ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình. Thứ nhất, bạn phải biết cách lập kế hoạch phân bổ thời gian trong ngày một cách hợp lí. Nếu bạn là người chậm chạp, lề mề trong việc chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà thì hãy nhớ cài đồng hồ hẹn trước một chút thời gian để không bị lỡ hẹn và đi học đúng giờ. Thứ hai, nếu bạn là người đãng trí hay quên thì hãy tự lập cho mình một thời gian biểu khoa học và nhớ thường xuyên theo dõi nó để chắc chắn rằng mình không bỏ quên hay đi trễ một cuộc hẹn hay một buổi học nào cả. Và bạn cũng nên dự trù thời gian để có thể hoàn thành công việc và những việc có khả năng phát sinh thêm, tránh để quỹ thời gian của bạn bị quá tải, trôi đi một cách lãng phí.

Cha ông ta có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” dù biết rằng việc thay đổi thói quen từ thường xuyên đi trễ thành một người luôn đúng giờ là một việc làm rất khó nhưng không phải là không làm được. Vì vậy bạn và tôi, chúng ta đừng để đi muộn trở thành thói quen không thể sửa mà hãy cùng nhau trở thành người có thói quen làm việc khoa học và hiệu quả hơn. Hãy biết quý trọng thời gian!

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 66
  • Lượt xem: 53.161
  • Dung lượng: 191,5 KB
Sắp xếp theo