Thông tư liên tịch 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với công chức, viên chức trong Bộ Quốc phòng

Thông tư liên tịch 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 14/04/2-16 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, lao động hợp đồng, học sinh, sinh viên đang công tác, làm việc, học tập trong Bộ Quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân quân nhân tại ngũ, thân nhân cơ yếu. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết sau đây.

Nội dung Thông tư liên tịch 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC

BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ Y TẾ - BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------o0o-------

Số: 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2016

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CÔNG NHÂN
QUỐC PHÒNG, LAO ĐỘNG HỢP ĐỒNG, HỌC SINH, SINH VIÊN ĐANG CÔNG TÁC, LÀM VIỆC,
HỌC TẬP TRONG BỘ QUỐC PHÒNG, NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC KHÁC TRONG TỔ CHỨC
CƠ YẾU VÀ THÂNNHÂN QUÂN NHÂN TẠI NGŨ, THÂN NHÂN CƠ YẾU

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 nậm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, lao động hợp đồng, học sinh, sinh viên đang công tác, làm việc, học tập trong Bộ Quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân quân nhân tại ngũ, thân nhân cơ yếu.

Chương I

ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, TRÁCH NHIỆM ĐÓNG, PHƯƠNG THỨC ĐÓNG VÀ MỨC HƯỞNG BẢO HIỂM Y TẾ

Điều 1. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (sau đây viết tắt là BHYT) thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức cơ yếu và thân nhân quân nhân tại ngũ, thân nhân cơ yếu được quy định tại Điểm a Khoản 1, các Điểm 1 và n Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT bao gồm:

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng:

a) Công chức, viên chức, công nhân quốc phòng;

b) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;

c) Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức nhà nước;

d) Trí thức trẻ tình nguyện theo Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020”.

2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng:

a) Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (sau đây viết tắt là BHXH);

b) Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do mắc bệnh thuộc danh Mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng:

a) Học viên đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hệ tập trung theo Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự Cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia BHYT;

b) Người nước ngoài đang học tập trong các học viện, nhà trường Quân đội được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam theo các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ, (sau đây gọi chung là thân nhân quân nhân); thân nhân của người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác trong Bộ Quốc phòng hoặc tại các Bộ khác, ngành, địa phương và thân nhân của học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường Quân đội (sau đây gọi chung là thân nhân cơ yếu) bao gồm: Bố đẻ, mẹ đẻ; bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị khuyết tật theo quy định của pháp luật.

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Học sinh, sinh viên hệ dân sự trong các học viện, nhà trường Quân đội, Cơ yếu.

Điều 2. Đối tượng không áp dụng

1. Đối tượng quy định tại Khoản 1, Điểm c Khoản 3 Điều 1 Thông tư này trong thời gian sinh sống, học tập, công tác, làm việc có thời hạn tại nước ngoài.

2. Đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 1 Thông tư này đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng quy định tại các Khoản 1 và 2; các Điểm a. b, c, d, đ, e, g, h, i và k Khoản 3 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư này.

Điều 3. Mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

1. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này;

a) Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch, bậc và các Khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định), hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, đơn vị sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3;

b) Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để Điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh;

c) Trong thời gian được cử đi học tập, công tác hoặc đi lao động tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT; thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi; trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia BHYT thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời Điểm tham gia BHYT được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục;

d) Trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm nếu không tham gia BHYT theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT;

đ) Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

2. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này:

a) Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư này;

b) Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 1 Thông tư này;

c) BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH tỉnh nơi cấp thẻ BHYT cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này hằng năm khi quyết toán với BHXH Việt Nam phải tách riêng phần quĩ BHYT cho người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để tính trích từ phần chi quĩ ốm đau, thai sản của người lao động chuyển sang phần đóng BHYT cho người lao động đó.

3. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư này: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng.

4. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư này: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo, 30% đối với học sinh, sinh viên khác; phần còn lại của mức đóng do học sinh, sinh viên tự đóng.

Điều 4. Phương thức đóng bảo hiểm y tế

1. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này:

a) Hằng tháng, đơn vị đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động theo mức đóng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư này để nộp cùng một lúc, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng về BHXH Bộ Quốc phòng đối với nhóm đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, về BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) đối với nhóm đối tượng thuộc tổ chức cơ yếu các Bộ khác, ngành, địa phương;

b) Đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Thông tư này, khi cơ quan có thẩm quyền kết luận không vi phạm pháp luật, đơn vị sử dụng lao động trích tiền truy đóng BHYT của người lao động bằng 4,5% của 50% tổng số tiền lương người lao động được truy lĩnh trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để Điều tra, nộp một lần về cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT.

2. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Hằng năm, BHXH Bộ Quốc phòng hoặc BHXH tỉnh tổng hợp số thẻ BHYT đã cấp và số tiền phải đóng BHYT, chủ động trích chuyển phần đóng BHYT từ phần thu BHXH của quĩ ốm đau thai sản sang; báo cáo quyết toán với BHXH Việt Nam.

3. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư này:

a) Đối tượng quy định tại các Điểm a và b:

Hằng năm, BHXH Bộ Quốc phòng thực hiện ký hợp đồng cấp thẻ BHYT đối với các đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng này.

Đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng trích tiền đóng BHYT từ ngân sách nhà nước theo mức đóng quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này để nộp vào tài Khoản thu BHYT của BHXH Bộ Quốc phòng thành 2 đợt: đợt 1, được thực hiện ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực, với số tiền đóng BHYT tính từ ngày hiệu lực hợp đồng đến hết ngày 31 tháng 12 của năm tài chính; đợt 2, hoàn thành việc nộp BHYT trước ngày 31 tháng 3 của năm sau kế tiếp, số tiền phải đóng được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày hợp đồng hết hiệu lực và thực hiện thanh lý hợp đồng theo quy định;

b) Đối tượng quy định tại Điểm c:

Hằng năm, trước ngày 31 tháng 10, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với BHXH Bộ Quốc phòng để thực hiện việc đóng BHYT và cấp thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân, thân nhân cơ yếu; tổ chức sử dụng cơ yếu của Bộ khác, ngành, địa phương ký hợp đồng với BHXH tỉnh để thực hiện đóng BHYT và cấp thẻ BHYT đối với thân nhân người làm công tác cơ yếu bao gồm cả thân nhân cùng địa bàn và thân nhân không cùng địa bàn.

Căn cứ hợp đồng đã ký và ngân sách nhà nước được phân cấp, đơn vị nộp tiền, đóng BHYT vào tài Khoản thu BHYT của BHXH Bộ Quốc phòng hoặc BHXH tỉnh theo mức đóng quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này thành 2 đợt: đợt 1, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực và ít nhất bằng 85% tổng giá trị của hợp đồng; đợt 2, trước ngày 31 tháng 10 hằng năm, hai bên đối chiếu số thẻ đã cấp, số tiền phải đóng BHYT (kể cả tăng, giảm số người tham gia BHYT hoặc do Điều chỉnh mức lương cơ sở, hoặc mức đóng BHYT) để chuyển nốt số tiền phải đóng và thực hiện thanh lý hợp đồng theo quy định.

Kinh phí đóng BHYT của thân nhân người làm công tác cơ yếu không cùng địa bàn với người làm công tác cơ yếu sẽ được chuyển về BHXH Việt Nam để đảm bảo kinh phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho BHXH tỉnh nơi đối tượng đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu.

4. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư này:

a) Hằng năm, BHXH Bộ Quốc phòng thực hiện ký hợp đồng đóng BHYT và cấp thẻ BHYT với các đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng này;

b) Ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực, đơn vị thu tiền đóng BHYT, phần trách nhiệm đóng của học sinh, sinh viên theo mức đóng quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư này theo thời hạn năm học nếu học dài hạn trên 1 năm hoặc theo khóa học nếu học từ đủ 12 tháng trở xuống, nộp vào tài Khoản thu BHYT của BHXH Bộ Quốc phòng;

c) Sau quyết toán hằng năm, BHXH Bộ Quốc phòng tổng hợp số thẻ BHYT đã cấp, số tiền thực thu của học sinh, sinh viên và số tiền được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này, báo cáo BHXH Việt Nam tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để chuyển kinh phí đóng BHYT phần ngân sách hỗ trợ mức đóng cho BHXH Bộ Quốc phòng;

d) Khi Nhà nước Điều chỉnh mức đóng BHYT, Điều chỉnh mức lương cơ sở thì học sinh, sinh viên và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do Điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà học sinh, sinh viên đã đóng BHYT.

5. Phương thức đóng BHYT đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân của tổ chức cơ yếu các bộ khác, ngành, địa phương được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC).

Điều 5. Mức hưởng bảo hiểm y tế

Mức hưởng BHYT của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây viết tắt là Nghị định số 105/2014/NĐ-CP) và thanh toán BHYT trong một số trường hợp quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC.

Chương II

THẺ BẢO HIỂM Y TẾ

Điều 6. Cấp thẻ bảo hiểm y tế

1. BHXH Bộ Quốc phòng thực hiện cấp thẻ BHYT đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này thuộc Bộ Quốc phòng quản lý theo mẫu, mã thẻ quy định của BHXH Việt Nam.

2. BHXH tỉnh thực hiện cấp thẻ BHYT đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu tại các Bộ khác, ngành, địa phương và thân nhân cơ yếu tại các bộ khác, ngành, địa phương theo mẫu, mã thẻ quy định của BHXH Việt Nam. Thẻ BHYT của thân nhân người làm công tác cơ yếu bao gồm cả thẻ cùng địa bàn và thẻ không cùng địa bàn được BHXH địa phương nơi người làm công tác cơ yếu công tác cấp và chuyển cho người làm công tác cơ yếu để chuyển cho thân nhân.

3. Tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.

4. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thẻ BHYT cấp cho đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này phải thể hiện thời gian tham gia liên tục trước đó theo tháng, tối đa là 60 tháng, Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

5. Đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 1 Thông tư này di chuyển nơi cư trú theo quân nhân, người làm công tác cơ yếu thì phải có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý quân nhân, người làm công tác cơ yếu về việc có thân nhân di chuyển theo quân nhân, người làm công tác cơ yếu và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thân nhân quân nhân, người làm công tác cơ yếu đăng ký hộ khẩu thường trú về việc chưa được cấp thẻ BHYT. Đơn vị quản lí quân nhân, người làm công tác cơ yếu lập danh sách và chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ kèm theo gửi BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH tỉnh đề nghị cấp thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân, thân nhân cơ yếu. Khi đó, quyền lợi của thân nhân được hưởng theo đối tượng người tham gia và địa bàn nơi cư trú của quân nhân, người làm công tác cơ yếu. Định kỳ hằng quý, cơ quan BHXH nơi cấp thẻ cho thân nhân quân nhân, thân nhân cơ yếu có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT gửi BHXH tỉnh nơi thân nhân quân nhân, thân nhân cơ yếu đăng ký hộ khẩu thường trú để không cấp trùng thẻ BHYT.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
Liên kết tải về
Sắp xếp theo