Quyết định 166/QĐ-BHXH Quy trình giải quyết chế độ BHXH, BHTN, BHYT

Từ ngày 01/05/2019, Quyết định 166/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 31/01/2019 chính thức có hiệu lực. Quyết định ban hành quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, hồ sơ hưởng chế độ thai sản với lao động nữ sinh con gồm bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của bệnh viện thể hiện sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Mời các bạn cùng tham khảo và tải Quyết định tại đây.

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2019

QUYẾT ĐỊNH 166/QĐ-BHXH

BAN HÀNH QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT HƯỞNG CÁC CHẾ ĐỘ BHXH, CHI TRẢ CÁC CHẾ ĐỘ BHXH, BHTN

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật;

Căn cứ Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật;

Căn cứ Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động;

Căn cứ Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2019 và thay thế Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quyết định số 1515/QĐ-BHXH ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bãi bỏ Công văn số 4644/BHXH-CSXH ngày 18/11/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thanh toán phí giám định y khoa, Công văn số 3647/BHXH-CSXH ngày 21/9/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ TNLĐ, BNN theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các quy định khác do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành trước đây trái với quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;

- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm soát thủ tục hành chính VPCP;
- UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Hội đồng quản lý BHXH VN;
- Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc;
- Lưu: VT, CSXH (04b).

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Thị Minh

QUY TRÌNH

GIẢI QUYẾT HƯỞNG CÁC CHẾ ĐỘ BHXH, CHI TRẢ CÁC CHẾ ĐỘ BHXH, BHTN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31 tháng 01 năm 2019 của Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích từ ngữ

1. Các chữ viết tắt, viết rút gọn

- BHXH: Bảo hiểm xã hội.

- BHYT: Bảo hiểm y tế.

- BHTN: Bảo hiểm thất nghiệp.

- TNGT: Tai nạn giao thông.

- TNLĐ: Tai nạn lao động.

- BNN: Bệnh nghề nghiệp.

- PTTGSH: Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.

- DSPHSK: Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

- KNLĐ: Khả năng lao động.

- GĐYK: Giám định y khoa.

- Các khoản trợ cấp một lần, bao gồm: Trợ cấp một lần khi chết do TNLĐ, BNN; trợ cấp tiền mua PTTGSH; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; phụ cấp khu vực một lần; trợ cấp mai táng; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp sau TNLĐ, BNN; hỗ trợ kinh phí khám, chữa BNN; hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng sau TNLĐ, BNN; phí giám định y khoa; trợ cấp thâm niên nghề đối với nhà giáo khi nghỉ hưu...

- TCTN: Trợ cấp thất nghiệp.

- Hỗ trợ ĐTKNN: Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

- Tỉnh: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Huyện: Quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

- Xã: Xã, phường, thị trấn.

- LĐTBXH: Lao động - Thương binh và Xã hội

- KHTC: Kế hoạch - Tài chính.

- Trung tâm DVVL: Trung tâm Dịch vụ việc làm.

- TCT Bưu điện: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

- ĐDCT: Đại diện chi trả.

- Đơn vị SDLĐ: Gọi chung cho cá nhân, tổ chức sử dụng lao động.

- Bộ phận: Gọi chung cho Tổ nghiệp vụ thuộc BHXH huyện.

- Bộ phận TN - Trả KQ: Gọi chung cho Tổ tiếp nhận & quản lý hồ sơ thuộc BHXH huyện.

- Bộ phận Chế độ BHXH: Gọi chung cho Tổ Thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH huyện.

- Bộ phận Thu: Gọi chung cho Tổ Thu thuộc BHXH huyện.

- Bộ phận KHTC: Gọi chung cho Tổ Kế toán, chi trả và giám định BHYT tại BHXH huyện.

- Bộ phận Cấp sổ, thẻ và kiểm tra: Gọi chung cho Tổ Cấp sổ thẻ và kiểm tra thuộc BHXH huyện.

- Người hưởng: Người hưởng các chế độ BHXH, BHTN nói chung.

- Luật BHXH: Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014.

- ATVSLĐ: An toàn, vệ sinh lao động.

- Nghị định số 115/2015/NĐ-CP: Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Nghị định số 33/2016/NĐ-CP: Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

- Nghị định số 28/2015/NĐ-CP: Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

- Nghị định số 09/1998/NĐ-CP: Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

- Nghị định số 37/2016/NĐ-CP: Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.

- Nghị định số 143/2018/NĐ-CP: Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Nghị định số 166/2016/NĐ-CP: Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

- Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH: Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH: Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

- Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH: Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/9/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động và hướng dẫn thi hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP.

- Thông tư số 56/2017/TT-BYT: Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

- Thông tư số 181/2016/TT-BQP: Thông tư số 181/2016/TT-BQP ngày 04/11/2016 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng.

- Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH: Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ LĐTBXH quy định việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

- Quyết định số 838/QĐ-BHXH: Quyết định số 838/QĐ-BHXH ngày 29/5/2017 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

- Quyết định số 595/QĐ-BHXH: Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT.

2. Giải thích từ ngữ

- Hệ thống là viết rút gọn của Hệ thống các phần mềm nghiệp vụ và cơ sở dữ liệu.

- Hệ thống quản lý thông tin: Là Hệ thống phần mềm nghiệp vụ tự động tiếp nhận, xử lý và lưu trữ hồ sơ điện tử của tổ chức, cá nhân sử dụng giao dịch điện tử và các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; quản lý, xử lý thông tin nghiệp vụ ngành BHXH theo quy định.

- Điểm chi trả: Là nơi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN do tổ chức dịch vụ công (Cơ quan Bưu điện) thành lập và đã được thống nhất với cơ quan BHXH để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN.

- Điểm giao dịch của cơ quan bưu điện là bưu cục, bưu điện.

- Đại diện chi trả gọi chung cho cơ quan Bưu điện được cơ quan BHXH ký hợp đồng để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và quản lý người hưởng.

- Danh sách, báo cáo hoặc mẫu kèm theo (số ký hiệu của mẫu báo cáo) được hiểu là danh sách, báo cáo hoặc mẫu tương ứng mẫu số, ký hiệu đi kèm được nêu tại phụ lục số 01 đính kèm. Ví dụ: Danh sách 01B-HSB là Danh sách đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK theo mẫu số 01B-HSB.

- Bản sao hợp lệ là bản sao được chứng thực sao từ sổ gốc hoặc chứng thực sao từ bản chính hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính.

- Thành phần hồ sơ nêu tại văn bản này nếu không ghi là bản chính thì có thể nộp bản chính hoặc bản sao hợp lệ; các thành phần hồ sơ, mẫu hồ sơ khác nêu trong văn bản này mà do cơ quan BHXH lập hoặc ban hành là bản chính.

- Số lượng thành phần hồ sơ nêu trong Văn bản này là 01 bản.

- Số hồ sơ hưởng BHXH là mã số BHXH.

- Các chương, mục, điều, khoản, điểm, tiết và mẫu, biểu viện dẫn trong Văn bản này mà không ghi rõ nguồn trích dẫn thì được hiểu là của Văn bản này.

- Các mẫu có ký hiệu Cxx-HD viện dẫn trong Văn bản này là chứng từ kế toán BHXH được ban hành kèm theo Thông tư số 102/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 của Bộ Tài chính về kế toán BHXH và không nhắc lại nguồn trích dẫn.

Điều 2. Phân cấp giải quyết, chi trả và quản lý người hưởng

1. Phân cấp giải quyết hưởng các chế độ BHXH

1.1. BHXH tỉnh

1.1.1. Giải quyết hưởng

a) Giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động, thân nhân người lao động thuộc các đơn vị SDLĐ theo phân cấp quản lý thu.

b) Giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người nộp hồ sơ tại BHXH tỉnh, gồm:

- Người đang đóng BHXH bắt buộc đề nghị hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN do thương tật, bệnh tật tái phát.

- Người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện.

- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.

- Thân nhân của các đối tượng: Người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, người tham gia BHXH tự nguyện.

1.1.2. Lập danh sách chi trả

a) Lập danh sách chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, TCTN, hỗ trợ học nghề; danh sách hỗ trợ ĐTKNN theo phân cấp thu; danh sách chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN trên địa bàn tỉnh.

b) Lập danh sách chi trả chế độ BHXH một lần do BHXH tỉnh chi trả; danh sách chi trả chế độ BHXH một lần do BHXH tỉnh giải quyết chuyển cơ quan Bưu điện chi trả.

1.2. BHXH huyện

1.2.1. Giải quyết hưởng như quy định tại tiết 1.1.1 điểm 1.1 khoản này.

1.2.2. Làm thủ tục di chuyển hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng chuyển hưởng đến địa bàn khác.

1.2.3. Lập danh sách chi trả chế độ BHXH một lần do BHXH huyện chi trả; danh sách chi trả chế độ BHXH một lần do BHXH huyện giải quyết chuyển cơ quan Bưu điện chi trả; danh sách hỗ trợ ĐTKNN theo phân cấp thu.

1.3. Đối với các nhiệm vụ ngoài nhiệm vụ giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK và BHXH một lần mà BHXH huyện chưa đủ khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào theo phân cấp nêu tại tiết 1.2.1 điểm 1.2 khoản này thì Giám đốc BHXH huyện có văn bản đề nghị Giám đốc BHXH tỉnh chưa phân cấp thực hiện nhiệm vụ đó; chậm nhất từ ngày 01/01/2021, BHXH huyện phải thực hiện giải quyết toàn bộ các chế độ BHXH. Trong thời gian chưa đủ khả năng thực hiện việc giải quyết hưởng các chế độ BHXH theo phân cấp, BHXH huyện có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận hồ sơ, truy cập Hệ thống để cập nhật thông tin, chuyển BHXH tỉnh phê duyệt, đảm bảo thời hạn giải quyết theo quy định.

2. Phân cấp chi trả, quản lý người hưởng

2.1. BHXH tỉnh

2.1.1. Tổ chức chi trả chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK do BHXH tỉnh giải quyết; chi hỗ trợ học nghề, hỗ trợ ĐTKNN; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc, hỗ trợ khám BNN, hỗ trợ chữa BNN, hỗ trợ phục hồi chức năng, hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ, hỗ trợ điều tra lại TNLĐ, BNN, phí GĐYK; chi các chế độ trợ cấp BHXH một lần kèm theo các khoản trợ cấp một lần (nếu có) theo danh sách do BHXH tỉnh chi trả; chi TCTN qua tài khoản cá nhân cho người lao động.

2.1.2. Ký hợp đồng chi trả và quản lý người hưởng với Bưu điện tỉnh

a) Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; các khoản trợ cấp BHXH một lần kèm theo chế độ BHXH hàng tháng; chế độ trợ cấp BHXH một lần đối với trường hợp người hưởng đăng ký nhận tại cơ quan bưu điện; chi TCTN bằng tiền mặt cho người lao động.

b) Quản lý người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Thực hiện chế độ báo giảm người hưởng theo quy định.

c) Quản lý, lưu trữ Danh sách chi trả qua tài khoản cá nhân, Danh sách chi trả bằng tiền mặt, Giấy nhận tiền có chữ ký của người hưởng do cơ quan bưu điện chi trả theo đúng quy định của pháp luật.

2.2. BHXH huyện

Tổ chức chi trả chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK do BHXH huyện giải quyết hưởng; chi hỗ trợ ĐTKNN; chi các chế độ trợ cấp BHXH một lần kèm theo các khoản trợ cấp một lần (nếu có) theo danh sách do BHXH huyện chi trả.

Điều 3. Một số quy định chung trong giải quyết và chi trả các chế độ BHXH

1. Căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH là sổ BHXH thể hiện quá trình đóng BHXH đồng bộ với cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ đã được quản lý tập trung thống nhất trong cả nước (không bao gồm đối tượng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý mà không có dữ liệu thu trên cơ sở dữ liệu tập trung của BHXH Việt Nam). Khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH phải đối chiếu sổ BHXH với cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ; sổ BHXH được đưa vào lưu trữ theo quy định sau khi đã giải quyết hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Trường hợp đã được giải quyết hưởng BHXH mà việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH liên quan đến cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ thì trước hết phải điều chỉnh lại cơ sở dữ liệu trên Hệ thống và điều chỉnh lại sổ BHXH; căn cứ cơ sở dữ liệu và sổ BHXH đã được điều chỉnh để thực hiện việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH theo quy định.

2. Khi giải quyết hưởng BHXH mà hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH do ngành y tế hoặc các ngành khác cấp theo quy định thì phải đối chiếu với cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh BHYT; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu có liên quan khác (nếu có).

3. Việc luân chuyển các quyết định, danh sách, biểu mẫu báo cáo, văn bản trao đổi giữa các bộ phận nghiệp vụ, giữa bộ phận nghiệp vụ đến cán bộ quản lý cấp trên, giữa các cơ quan BHXH phải thực hiện trên Hệ thống phần mềm quản lý và phải lưu giữ trên Hệ thống; việc phê duyệt phải được thực hiện bằng chữ ký số.

4. Trong quá trình giải quyết hưởng và chi trả các chế độ BHXH nếu phát hiện hồ sơ giả, hồ sơ có dấu hiệu gian lận, bất thường, sai sót về nghiệp vụ tại khâu nào thì bộ phận nghiệp vụ tại khâu đó phải báo cáo ngay với Giám đốc BHXH tỉnh/huyện (sau đây gọi tắt là Giám đốc), Giám đốc có trách nhiệm chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, nếu không khắc phục kịp thời, đúng quy định thì Giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật (Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định).

5. Trường hợp giải quyết chậm hơn so với thời hạn quy định hoặc không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

6. Cơ sở dữ liệu đóng - hưởng BHXH của người tham gia, thụ hưởng BHXH được quản lý tập trung, thống nhất tại BHXH Việt Nam (không bao gồm đối tượng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý) và mọi thông tin liên quan đến đóng - hưởng BHXH khi có thay đổi phải được cập nhật vào Hệ thống kịp thời, đúng quy định.

7. Tổ chức chi trả chế độ BHXH, BHTN

7.1. Chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ, chính sách, đúng người hưởng.

7.2. Cán bộ BHXH, cán bộ chi trả không được ký nhận thay các chế độ BHXH, BHTN của người hưởng.

7.3. Tổ chức làm ĐDCT phải được BHXH Việt Nam ký Hợp đồng dịch vụ chi trả các chế độ BHXH, TCTN và quản lý người hưởng BHXH hàng tháng (Tổ chức làm ĐDCT là TCT Bưu điện).

7.4. TCT Bưu điện phải tổ chức các Điểm chi trả đến cấp xã phù hợp với điều kiện của từng địa phương và thống nhất với cơ quan BHXH. Điểm chi trả có địa chỉ cụ thể, được cập nhật vào Danh mục điểm chi trả trong toàn quốc đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam. BHXH tỉnh, TCT Bưu điện và cơ quan bưu điện các cấp chịu toàn bộ trách nhiệm khi đơn vị, cá nhân trực thuộc để xảy ra mất tiền trong quá trình vận chuyển và trong khi chi trả dù bất kỳ nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Nếu xảy ra rủi ro mất tiền phải có phương án bù đắp ngay để tiếp tục chi trả cho người hưởng đầy đủ, đúng thời gian quy định, không để xảy ra khiếu kiện, gây khó khăn cho người hưởng. Trường hợp chi sai do lỗi của tổ chức làm ĐDCT phải ứng tiền để hoàn trả ngay cho quỹ BHXH trong vòng 02 ngày kể từ ngày phát hiện ra và thực hiện thu hồi số tiền chi trả sai theo quy định.

8. Đối với trường hợp giải quyết không đúng chế độ BHXH do lỗi của cơ quan BHXH dẫn đến chi trả không đúng đối tượng hoặc nhiều hơn mức quy định thì số tiền chi trả sai phải được thu hồi đầy đủ theo nguyên tắc sai sót ở khâu nghiệp vụ nào thì bộ phận và cá nhân thực hiện nghiệp vụ ở khâu đó có trách nhiệm thu hồi; trường hợp không thu hồi được số tiền đã chi trả, thì bộ phận, cá nhân có liên quan để xảy ra sai sót có trách nhiệm bồi hoàn đầy đủ số tiền không thu hồi được theo quy định của pháp luật.

9. BHXH tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết, chi trả và quản lý người hưởng của cơ quan BHXH huyện, cơ quan Bưu điện, đơn vị SDLĐ, cá nhân, tổ chức liên quan và người hưởng theo Quy định này.

10. Trường hợp giao dịch điện tử thì thực hiện theo Nghị định số 166/2016/NĐ-CP và Quyết định số 838/QĐ-BHXH.

11. Về tiếp nhận hồ sơ:

11.1. Trường hợp hồ sơ giải quyết chế độ BHXH của người lao động do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

11.2. Thành phần hồ sơ tại Quy trình này mà không ghi là bản sao thì được hiểu là bản chính; khi tiếp nhận bản sao hồ sơ chưa được chứng thực, công chứng thì viên chức tiếp nhận hồ sơ phải đối chiếu với bản chính, đồng thời xác nhận trên trang nhất của bản sao “đã đối chiếu với bản chính”, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm xác nhận để trả lại bản chính cho người nộp.

12. Giám đốc BHXH tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, quy định chi tiết thời hạn thực hiện của từng bộ phận nghiệp vụ đảm bảo không vượt quá thời hạn giải quyết và chi trả được quy định tại Quyết định này. Khuyến khích BHXH các tỉnh áp dụng các giải pháp trong tổ chức thực hiện đẻ giảm hơn nữa thời hạn giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN so với thời hạn tại Quy định này.

13. Cơ quan BHXH các cấp, các tổ chức làm ĐDCT không được quy định thêm các thủ tục hành chính.

Chương II

QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT HƯỞNG VÀ CHI TRẢ CÁC CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU, THAI SẢN, DSPHSK

Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả

Trách nhiệm của Bộ phận/Phòng TN-Trả KQ

1. Hướng dẫn, giải đáp cho đơn vị SDLĐ, người lao động, thân nhân của người lao động về chế độ, chính sách BHXH và việc kê khai, lập hồ sơ theo đúng quy định.

2. Tiếp nhận hồ sơ giấy do đơn vị SDLĐ nộp theo hướng dẫn tại điểm 2.1, 2.2, 2.4 khoản này và hồ sơ do người lao động, thân nhân người lao động nộp theo hướng dẫn tại điểm 2.3 khoản này với thành phần hồ sơ cho từng loại chế độ như sau:

2.1. Đối với chế độ ốm đau: Hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:

2.1.1. Trường hợp điều trị nội trú

a) Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.

b) Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

2.1.2. Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

2.1.3. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ nêu tại tiết 2.1.1 và 2.1.2 điểm này được thay bằng bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.

2.2. Đối với chế độ thai sản của người đang đóng BHXH: Hồ sơ theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH; khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 15, 18, 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT; Điều 7 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:

2.2.1. Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:

a) Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.

b) Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

2.2.2. Lao động nữ sinh con:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.

b) Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài hồ sơ nêu tại nội dung a tiết này có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

c) Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.

d) Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.

đ) Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì có thêm một trong các giấy tờ sau:

đ1) Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

đ2) Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

đ3) Trường hợp phải GĐYK: Biên bản GĐYK.

e) Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

2.2.3. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

2.2.4. Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con; trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

2.2.5. Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

Trường hợp lao động nam đồng thời hưởng chế độ do nghỉ việc khi vợ sinh con và hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thì tiếp nhận một lần hồ sơ như nêu tại tiết 2.2.4 điểm này.

2.3. Đối với chế độ thai sản của người sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH do đã thôi việc, phục viên, xuất ngũ trước thời điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi (áp dụng cho cả trường hợp sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi trong thời gian đang đóng BHXH kể từ ngày 01/01/2018 trở đi nhưng đã thôi việc tại đơn vị mà có nguyện vọng nộp hồ sơ hưởng chế độ tại cơ quan BHXH):

2.3.1. Hồ sơ theo quy định tại tiết 2.2.2, tiết 2.2.3 điểm này. Trường hợp nghỉ thai sản khi sinh con theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà các hồ sơ quy định tại nội dung đ tiết 2.2.2 điểm này không thể hiện việc nghỉ dưỡng thai thì có thêm Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

2.3.2. Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.

2.4. Trường hợp hưởng DSPHSK sau ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN: Hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 100, khoản 5 Điều 101 Luật BHXH; khoản 1 Điều 60 Luật ATVSLĐ là Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập.

3. Kiểm tra, đối chiếu quá trình đóng ghi trên sổ BHXH của người lao động nêu tại điểm 2.3 khoản 2 Điều này và trả lại sổ BHXH cho người nộp.

4. Truy cập Hệ thống quản lý thông tin để tiếp nhận Danh sách 01B-HSB đối với trường hợp giao dịch điện tử kèm hồ sơ giấy; kiểm tra, đảm bảo tính toàn vẹn của hồ sơ, đủ thành phần hồ sơ; sắp xếp hồ sơ theo trình tự trên Danh sách 01B-HSB và chuyển toàn bộ hồ sơ đã tiếp nhận cho Bộ phận/Phòng Chế độ BHXH; lập giấy tiếp nhận và trả kết quả theo quy định.

5. Tiếp nhận hồ sơ từ Bộ phận/Phòng Chế độ BHXH để lưu trữ và trả cho đơn vị SDLĐ Danh sách C70a-HD kèm theo hồ sơ không được phê duyệt (nếu có). Trả lại hồ sơ không được phê duyệt cho người lao động, thân nhân người lao động (nếu có).

Điều 5. Trách nhiệm giải quyết và chi trả

1. Giải quyết hưởng

1.1. Trách nhiệm của Bộ phận Chế độ BHXH

1.1.1. Tiếp nhận hồ sơ

Tiếp nhận hồ sơ giấy từ Bộ phận TN-Trả KQ; truy cập Hệ thống quản lý thông tin để tiếp nhận Danh sách 01B-HSB; kiểm tra hồ sơ đảm bảo tính pháp lý, tính toàn vẹn của hồ sơ. Thông báo giải quyết hồ sơ giao dịch điện tử và trả kết quả (mẫu số 03/TB-GDĐT ban hành kèm theo Quyết định số 838/QĐ-BHXH).

1.1.2. Giải quyết hưởng:

a) Truy cập vào Hệ thống để cập nhật thông tin, đối chiếu với cơ sở dữ liệu thu, dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, GĐYK, cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư (nếu có), xét duyệt chế độ vào Danh sách C70a-HD, C70b-HD (bao gồm cả phí GĐYK nếu có); ra Quyết định thu hồi (Mẫu số 01C-HSB) đối với trường hợp hưởng không đúng quy định; trình lãnh đạo phê duyệt các danh sách, quyết định.

b) Tiếp nhận thông tin từ Bộ phận KHTC về các trường hợp đơn vị khai không đúng thông tin tài khoản của người lao động và đề nghị đơn vị khai lại thông tin đúng tài khoản của người lao động; chuyển thông tin đúng về tài khoản của người lao động cho Bộ phận KHTC.

c) Hàng tháng, lập Danh sách D03-TS (ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH) người chỉ tham gia BHYT của tháng trước do tổ chức BHXH đóng đối với người hưởng chế độ thai sản khi sinh con, nhận nuôi con nuôi và hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày gửi Bộ phận Thu.

1.1.3. Chuyển hồ sơ:

a) Chuyển Bộ phận KHTC Danh sách C70a-HD, 70b-HD.

b) Chuyển Bộ phận TN-Trả KQ Danh sách C70a-HD, kèm theo hồ sơ giấy đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK.

c) Chuyển đơn vị SDLĐ Danh sách C70a-HD (qua giao dịch điện tử).

d) Chuyển Bộ phận Thu Danh sách D03-TS để đối chiếu báo cáo tăng, giảm của đơn vị SDLĐ.

1.1.4. Khóa số liệu và kết xuất báo cáo:

Ngày làm việc đầu tiên hàng tháng, thực hiện khóa số liệu và lập các báo cáo số 02A-HSB, 20-HSB của tháng trước, trình lãnh đạo phê duyệt để lưu trên Hệ thống và gửi phòng Chế độ BHXH.

1.2. Trách nhiệm của Phòng Chế độ BHXH

1.2.1. Thực hiện như quy định tại điểm 1.1 khoản này.

1.2.2. Ngày làm việc đầu tiên hàng tháng, thực hiện khóa số liệu và kết xuất các báo cáo quy định tại tiết 1.1.4; lập báo cáo mẫu số 02B-HSB và 20-HSB của toàn tỉnh gửi BHXH Việt Nam (Ban Thực hiện chính sách BHXH).

2. Trách nhiệm của Bộ phận KHTC

2.1. Tiếp nhận Danh sách C70a-HD, C70b-HD từ Bộ phận Chế độ BHXH; tiếp nhận Thông báo C12-TS từ Bộ phận Thu.

2.2. Chi trả

2.2.1. Chuyển kinh phí cho đơn vị SDLĐ để chi trả cho người lao động không có tài khoản cá nhân theo Danh sách C70a-HD.

a) Căn cứ Danh sách C70a-HD, thực hiện chuyển số tiền trợ cấp của người lao động không đăng ký tài khoản tiền gửi.

Ngay sau khi chuyển tiền vào tài khoản đơn vị SDLĐ, Hệ thống tự động gửi đến từng người tin nhắn thông báo về việc cơ quan BHXH đã chuyển tiền trợ cấp về đơn vị.

b) Hướng dẫn đơn vị SDLĐ tổ chức chi trả cho người lao động theo đúng quy định; trường hợp sau khi đơn vị SDLĐ tổ chức chi trả mà có người hưởng chưa nhận thì trong vòng 01 tháng kể từ khi nhận được kinh phí do cơ quan BHXH chuyển sang, hướng dẫn đơn vị lập Danh sách 6-CBH và chuyển lại cơ quan BHXH (Bộ phận KHTC) kèm theo số tiền người lao động chưa nhận; theo dõi, quản lý công tác chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản, đảm bảo số tiền chưa chi trả hết phải được chuyển về cơ quan BHXH.

c) Tiếp nhận để theo dõi, quản lý số người, số tiền người hưởng chưa lĩnh theo Danh sách 6-CBH.

2.2.2. Chi trực tiếp cho người lao động

a) Chi cho người lao động, thân nhân người lao động qua tài khoản cá nhân: Căn cứ Danh sách C70a-HD, Danh sách C70b-HD, phối hợp với ngân hàng nơi người hưởng mở tài khoản thực hiện đối chiếu thông tin, số hiệu tài khoản, nếu đúng thực hiện chuyển số tiền trợ cấp vào tài khoản cá nhân người lao động; thông báo cho bộ phận chế độ BHXH để đề nghị đơn vị cung cấp lại thông tin đúng về tài khoản cá nhân đối với người hưởng bị sai thông tin về tài khoản cá nhân; tiếp nhận lại thông tin điều chỉnh tài khoản từ Bộ phận Chế độ BHXH để chi trả cho người lao động.

b) Chi trực tiếp bằng tiền mặt

Căn cứ Danh sách C70b-HD, Danh sách 6-CBH, chi trả bằng tiền mặt trực tiếp cho người hưởng và đề nghị người hưởng ký nhận.

2.3. Lập Danh sách C75-HD, vào sổ chi tiết theo dõi thu hồi của từng đối tượng theo quy định.

2.4. Căn cứ Thông báo C12-TS để theo dõi ghi thu, ghi chi số tiền đóng BHYT theo phân cấp.

2.5. Hàng tháng, lập báo cáo tổng hợp chi chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo mẫu số 4-CBH do BHXH huyện quản lý.

........

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo