Nghị định 28/2015/NĐ-CP Hướng dẫn mới về Bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, người lao động đã giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 đến dưới 12 tháng trước ngày 01/01/2015 và đang thực hiện hợp đồng này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng thì người sử dụng lao động phải tham gia BHTN cho NLĐ..... Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Nghị định 28/2015/NĐ-CP tại đây.

Nghị định 28/2015/NĐ-CP - Hướng dẫn mới về Bảo hiểm thất nghiệp.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT VIỆC LÀM VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm.

2. Người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã hưởng tiền lương và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập được giao các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm (sau đây viết tắt là trung tâm dịch vụ việc làm).

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

Chương II

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ ĐỂ DUY TRÌ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 3. Điều kiện được hỗ trợ

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm khi có đủ các điều kiện sau:

1. Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.

2. Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 03 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.

3. Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.

4. Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Mức hỗ trợ

1. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

2. Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Chương III

QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 5. Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

1. Các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm.

2. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

3. Nguồn thu hợp pháp khác, bao gồm:

a) Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;

b) Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Phương thức đóng và nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động

1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

2. Nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm của người sử dụng lao động như sau:

a) Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên thì ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

b) Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên thì ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Phần bảo hiểm thất nghiệp phải đóng còn lại, người sử dụng lao động tự bảo đảm theo quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản này.

c) Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.

d) Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức khác thì khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc bảo đảm duy trì số dư quỹ hằng năm bằng 02 lần tổng các khoản chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề nhưng mức hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phương thức chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp:

a) Vào quý IV hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp được cấp có thẩm quyền giao trong năm để xác định số kinh phí hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của năm trước theo mức quy định tại Khoản 1 Điều này, gửi Bộ Tài chính để chuyển một lần vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm trước của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, Bộ Tài chính thực hiện thẩm định, xác định số kinh phí hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm trước. Trường hợp số kinh phí Bộ Tài chính đã cấp theo quy định tại Điểm a Khoản này lớn hơn số phải hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm nộp trả ngân sách nhà nước phần chênh lệch; trường hợp số đã cấp nhỏ hơn số phải hỗ trợ, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp hỗ trợ bổ sung vào năm sau.

3. Nguồn kinh phí hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều này do ngân sách trung ương bảo đảm từ nguồn chi đảm bảo xã hội đã được Quốc hội quyết định.

Điều 8. Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp

1. Nội dung và mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp hằng năm được phân bổ và giao dự toán như sau:

a) Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và các nhiệm vụ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp;

c) Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ thu bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phương thức chuyển kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp:

Căn cứ dự toán chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chuyển kinh phí cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân mỗi quý một lần vào trước ngày 10 của tháng đầu trong quý, số tiền chuyển mỗi lần bằng mức bình quân một quý của dự toán được giao. Trường hợp đến ngày 10 tháng 01 chưa được cấp có thẩm quyền giao dự toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp tạm ứng bằng mức bình quân một quý của dự toán được giao năm trước; số kinh phí này được trừ vào số kinh phí cấp trong năm theo dự toán được giao.

Điều 9. Hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ số tiền tạm thời nhàn rỗi. Hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết.

2. Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định việc đầu tư theo các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Việc làm.

3. Tiền sinh lời từ đầu tư, tăng trưởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hằng năm được bổ sung vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 10. Kế hoạch tài chính, quản lý, sử dụng và quyết toán

1. Hằng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức liên quan lập kế hoạch thu, chi bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:

a) Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch thu, chi bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp;

b) Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân lập kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội được giao thực hiện các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp dự toán thu, chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp hằng năm, trình Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua và gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao kế hoạch tài chính hằng năm.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện xong việc giao dự toán thu, chi cho các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội được giao thực hiện các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp.

4. Các đơn vị được giao kế hoạch thu, chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng và lập báo cáo quyết toán gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định và tổng hợp trình Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 289
  • Lượt xem: 596
  • Phát hành:
  • Dung lượng: 477,3 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo