Nghị quyết 02/NQ-CP Nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng lên 10 bậc

Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

  • Nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên 10 bậc.
  • Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên ít nhất 01 bậc.
  • Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng (B4) lên 02 - 03 bậc.
  • Nâng xếp hạng nhóm chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (B5) lên 02 - 03 bậc.
  • Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6) lên ít nhất 05 bậc.
  • Nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán (B7) lên 02 - 03 bậc.
  • Nâng xếp hạng chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (B8) lên 02 - 03 bậc.
  • Nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) lên 02 - 03 bậc.
  • Nâng xếp hạng chỉ số Doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10) lên 02 - 03 bậc.
  • Nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (B11) lên 02 - 03 bậc.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/NQ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2022

NGHỊ QUYẾT 02/NQ-CP

VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2022 CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Theo đó, hàng năm Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019-2021) với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, bám sát các chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín. Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, các Bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tháo gỡ nhiều rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ vậy, Việt Nam luôn được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.

Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên. Cụ thể là: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019[1]), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc - UN[2]) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; Phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016[3] (vị trí 88); An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018 (vị trí 50).

Ở một số lĩnh vực cụ thể, các tổ chức quốc tế tiếp tục duy trì đánh giá, xếp hạng trong năm 2021 như Quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản), Cảm nhận tham nhũng (của Tổ chức minh bạch quốc tế), Hiệu quả quản trị nhà nước (của Ngân hàng thế giới - WB). Trong đó, Ngân hàng thế giới đánh giá Hiệu quả quản trị của nước ta năm 2020 có mức độ cải thiện tốt hơn so với các năm trước đó.

Chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy mức độ cải thiện là khác nhau giữa các lĩnh vực. Năm 2020, có 58,2% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh cải thiện tốt, cao hơn rõ rệt so với kết quả năm 2017 (tỷ lệ 51,7%); cả 10 lĩnh vực môi trường kinh doanh đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP đều có cải thiện, trong đó Thành lập doanh nghiệp, Tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất.

Kết quả đạt được như trên là nhờ những nỗ lực cải cách của các Bộ, ngành và địa phương nhằm cải thiện chất lượng các yếu tố môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực quản lý. Từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề tới người dân, doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Những cơ chế, chính sách, giải pháp đã đi vào cuộc sống và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hoan nghênh và đánh giá cao. Thời gian tới, doanh nghiệp càng kỳ vọng nhiều hơn vào sự đồng hành của Chính phủ thông qua các giải pháp cải cách thể chế, quy định và thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); Quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); Cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).

Việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực cao hơn bởi các nền kinh tế khác cũng rất chú trọng cải cách nhằm nâng cao vị thế trên toàn cầu. Mặt khác, có nhiều chỉ số phải nỗ lực liên tục trong một số năm mới có thể cải thiện được, nhất là các chỉ số liên quan tới hạ tầng, nhân lực và các yếu tố môi trường, xã hội. Vì vậy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương trong cải cách môi trường kinh doanh, cũng như sự chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo các Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết tiếp nối các Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tập trung triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau:

a) Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.

b) Phát triển bền vững (của UN) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu.

c) Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu.

d) Chính phủ điện tử (của UN) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu.

đ) Quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu.

e) Hiệu quả logistics[4] (của WB) tăng ít nhất 4 bậc.

g) Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.

h) An toàn an ninh mạng (của ITU) tăng ít nhất 3 bậc.

2. Một số mục tiêu cụ thể năm 2022

a) Cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch.

b) Về cải thiện Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) theo xếp hạng của WEF:

- Nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật[5] (gọi tắt là B1).

- Nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng[6] (B2) lên 10 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai[7] (B3) lên ít nhất 1 bậc.

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng[8] (B4) lên 2-3 bậc.

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin[9] (B5) lên 2-3 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề[10] (B6) lên ít nhất 5 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán[11] (B7) lên 2-3 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển[12] (B8) lên 2-3 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo[13] (B9) lên 2-3 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo mới đột phá[14] (B10) lên 2-3 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ[15] (B11) lên 2-3 bậc.

c) Về cải thiện Năng lực Đổi mới sáng tạo (GII) theo xếp hạng của WIPO:

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin[16] (gọi tắt là C1) lên ít nhất 5 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức[17] (C2) lên ít nhất 5 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Hợp tác nghiên cứu nhà trường - doanh nghiệp[18] (C3) lên 2-3 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường[19] (C4) lên 10 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Công nghệ thông tin và sáng tạo trong mô hình của tổ chức[20] (C5) lên 2-3 bậc.

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Sáng tạo trực tuyến[21] (C6) lên ít nhất 5 bậc.

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Giáo dục đại học[22] (C7) lên ít nhất 5 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Nhập khẩu dịch vụ ICT[23] (C8) và xuất khẩu dịch vụ ICT[24] (C9) lên ít nhất 5 bậc.

d) Về cải thiện Quyền tài sản (IPRI) theo xếp hạng của Liên minh quyền tài sản:

- Cải thiện xếp hạng chỉ số Độc lập tư pháp[25] (gọi tắt là D1).

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Quyền tài sản vật chất (D2) lên ít nhất 5 bậc.

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Quyền sở hữu trí tuệ (D3) lên 2-3 bậc.

đ) Tăng điểm số các chỉ số thuộc Mục tiêu 9 về Công nghiệp, sáng tạo và phát triển bền vững theo xếp hạng Phát triển bền vững của UN.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số (tại mục 1, Phụ lục I) và các Bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần (tại mục 2, Phụ lục I).

a) Các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các Bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm:

- Cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.

- Chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng chế độ báo cáo, theo dõi tình hình, kết quả cải thiện đối với các bộ chỉ số, chỉ số được phân công; cập nhật trên hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ chỉ đạo, điều hành.

b) Các Bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh (tại Phụ lục II)[26] tiếp tục thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp, bao gồm: (i) Khởi sự kinh doanh; (ii) Nộp thuế và bảo hiểm xã hội; (iii) Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; (iv) Tiếp cận tín dụng; (v) Bảo vệ nhà đầu tư; (vi) Tiếp cận điện năng; (vii) Đăng ký tài sản; (viii) Giao dịch thương mại qua biên giới; (ix) Giải quyết tranh chấp hợp đồng; và (x) Giải quyết phá sản doanh nghiệp.

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu thống kê công bố trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.

2. Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

a) Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh.

b) Tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.

c) Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

d) Đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

e) Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát.

g) Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững.

h) Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

i) Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

k) Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phân công tại Phụ lục III kèm theo Nghị quyết.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết này và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

b) Trước ngày 20 tháng 01 năm 2022, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ.

c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của bộ, ngành và địa phương.

d) Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tổ chức công tác truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

đ) Trước ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 năm 2022, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 06 tháng và 01 năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và cuối năm.

2. Bộ Nội vụ nghiên cứu lồng ghép một số tiêu chí đánh giá, xếp hạng việc thực thi Nghị quyết vào nội dung khảo sát hàng năm của chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh theo dõi, đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để được giải quyết. Định kỳ hàng năm công khai kết quả theo dõi, đánh giá.

4. Văn phòng Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, thu thập thông tin báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.

5. Các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập, thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra và công bố thường niên chỉ số PCI; kết hợp, lồng ghép đánh giá kết quả và tác động của Nghị quyết.

6. Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI).

7. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí chủ động hỗ trợ các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức truyền thông, quán triệt, phổ biến Nghị quyết sâu rộng trong các ngành, các cấp và đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường sự theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí về kết quả thực hiện Nghị quyết./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Các ngân hàng: Chính sách xã hội, Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Viện Nghiên cứu QLKTTW (Bộ KHĐT);
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg; các Vụ, Cục, Công báo, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KSTT (2).NTTL

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

........

Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung Nghị quyết

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 02
  • Lượt xem: 20
  • Phát hành:
  • Dung lượng: 276,8 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo