Văn mẫu lớp 9: Đóng vai một người lính kể lại Hoàng Lê nhất thống chí (5 mẫu) Kể lại Hoàng Lê nhất thống chí hồi thứ 14 hay nhất

Đóng vai người lính kể lại Hoàng Lê nhất thống chí gồm 5 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 nhanh chóng nhập vai người lính kể lại chiến công đại phá quân Thanh của người anh hùng áo vải.

Đóng vai người lính kể lại Hoàng Lê nhất thống chí

Với 5 bài văn đóng vai người lính trong đội quân của Vua Quang Trung kể lại chiến công đại phá quân Thanh của người anh hùng áo vải, các em sẽ hiểu được cách hóa thân và kể chuyện sáng tạo một tác phẩm đã học bằng ngôi thứ nhất. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Đề bài: Dựa vào hồi thứ 14 của Hoàng Lê nhất Thống Chí em hãy đóng vai một người lính trong đội quân của vua Quang Trung kể lại chiến công đại phá quân Thanh của người anh hùng áo vải.

Đóng vai một người lính kể lại Hoàng Lê nhất thống chí - Mẫu 1

Tôi vốn là một nông dân sống ở huyện La Sơn, Nghệ An. Hưởng ứng lời chiêu mộ lính của vua Quang Trung, tôi gia nhập vào nghĩa quân Tây Sơn. Nhìn cảnh quân giặc giày xéo lãnh thổ nước ta, bóc lột nhân dân ta, tôi đã tự nguyện gia nhập đội quân của vua Quang Trung để đánh đuổi giặc Thanh, bảo vệ chủ quyền nước nhà. Tôi đã cùng các binh lính khác đã cùng nhau lập lời thề chiến đấu hết mình, không tiếc máu xương.

Sau khi đã tuyển lính xong, vua Quang Trung tổ chức duyệt binh, tôi là lính mới ở Nghệ An nên nằm trong doanh trung quân, còn các số khác chia thành 4 doanh tiền, hậu, tả, hữu. Sau khi nghe lời dụ binh của Vua Quang Trung, tôi càng có thêm niềm tin và quyết tâm cho cuộc chiến này. Vua nói:

- Quân Thanh không biết trông gương đời Tống, Nguyên ngày xưa, nay lại dám mưu đồ xâm chiếm nước Nam ta. Các ngươi phải cùng ta đánh đuổi chúng, chớ có ai ăn ở hai lòng, nếu phát giác ra sẽ giết chết tức khắc, không tha một ai!

Tôi và tất cả quân lính đều tuân lệnh, lên đường tiến quân ra Bắc. Đến núi Tam Điệp, hai tướng sĩ là Ngô Văn Sở và Nguyễn Văn Tuyết ra chịu tội vì để giặc cướp Thăng Long, vua Quang Trung rất rạch ròi công tội, khiến ai cũng phải thán phục tài dụng binh như thần của Người. Hôm đó ngày 30 tháng chạp năm 1788, vua cho mở tiệc khao quân, đêm hôm đó bắt đầu lên đường, Vua nói:

- Đúng hẹn mùng 7 Tết sẽ ăn mừng trong thành Thăng Long

Đoàn quân đi đến sông Gián, binh trấn thủ tan vỡ chạy trước, đi đến sông Thanh Quế thì đuổi đám do thám của quân Thanh đến tận Phú Xuyên bắt sống không để lọt ai. Nửa đêm ngày mồng 3 chúng tôi đã đến làng Hà Hồi, các binh lính chia nhau vây lín làng, lúc ấy quân lính trong đồn đều sợ hãi xin hàng. Sau khi lấy được lương thực khí giới, tuân lệnh vua chúng tôi đóng những ván lớn, tổng cộng 10 ván, 20 người khiêng một ván lấy rơm dấp nước đắp lên. Ngày mồng 5 đi tới đồn Ngọc Hồi, đám cầm ván chúng tôi xông lên, súng đạn quân Thanh không ăn nhằm gì, khói lửa phun ra nhưng lại gặp trúng gió nam khiến quân Thanh không nhìn thấy gì. Chúng tôi vừa khiêng ván che vừa xông lên khi gươm giáo chạm nhau thì rút dao ngắn ra chém bừa. Quân Thanh chống không nổi chạy toán loạn, giẫm đạm lên thây chết mà chạy. Sau đó quân ta kéo vào Thăng Long, chúng tôi chẳng cần đánh mà vua tôi Lê Chiêu Thống đã sợ chạy mất mật, quân lính đều tan tác bỏ chạy. Đến nỗi cầu đứt không thể qua sông, quân lính rơi xuống nước khiến sông Nhị Hà tắc nghẽn không chảy được.

Chúng tôi đã chiến đấu và chiến thắng, tất cả là nhờ Vua Quang Trung sáng suốt, trí tuệ và nhạy bén, từng chiến lược và kế hoạch đều rất rõ ràng. Trận đánh là niềm tự hào của những người lính như tôi và của cả dân tộc mãi về sau.

Đóng vai một người lính kể lại Hoàng Lê nhất thống chí - Mẫu 2

Tôi là người lính Tây Sơn và tôi đã trải qua một trận đánh đồn Ngọc Hồi vô cùng oanh liệt và dã đi vào sử sách nước nhà. Hôm nay tôi sẽ kể lại cho các bạn nghe trận đánh này để các bạn có thêm hiểu biết về một trong những trận đánh nổi tiếng đi vào lịch sử.

Sau khi biên chế đội ngũ, bàn giao kế hoạch tác chiến, vua Quang Trung tổ chức duyệt binh, động viên tướng sỹ và tuyên bố trước ba quân, nâng cao sĩ khí quyết tâm đánh giặc cứu nước. Đại quân nhanh chóng lên đường, khẩn kíp như sắp vào trận, không ai dám chậm trễ. Tôi thuộc bộ tiền quân, được phân làm đội trưởng, nhận lệnh hành quân cũng khẩn trương chuẩn bị.

Để hành quân nhanh chóng, không bị chậm trễ lại bảo toàn được sức lực, sẵn sàng cho mọi trận chiến, vua Quang trung chia đại quân ra làm nhiều xuất đinh nhỏ. Mỗi suất đinh gồm từ 5 đến 7 người. Binh lính Tây Sơn tự mang vũ khí, lương thực và những đồ vật cần thiết nhưng phải hết sức gọn nhẹ. Hành trình từ nam ra Bắc đường dài hiểm nguy không sao kể siết. Bởi thế, để bước đi được gọn nhẹ, tiết kiệm được thời gian. Trước đó, nhà vua đã kêu gọi nhân dân cung ứng không biết bao nhiêu lương khô và những đồ dùng cần thiết.

Quả thực vua Quang Trung là người rất tài trí, suy tính hơn người không ai sánh bằng. Xưa nay đánh trận, chưa bao giờ việc chuẩn bị nhanh gọn mà lại chắc chắn như thế này. Chúng tôi lên đường, quân trang, quân dụng, vũ khí không có bao nhiêu. Lại chia nhau mỗi người một ít, mang vác tiện lợi. Lương khô đã sẵn, gồm bánh tráng, bánh chưng, thịt muối, cá khô…

Tiện lợi hơn nữa là những thứ ấy có thể giữ lâu mà không bị hư hỏng, lại thơm ngon. Người Người lính Tây Sơn có thể vừa hành quân vừa ăn, không cần dừng lại nấu nướng lôi thôi. Lúc hành quân, việc gì ăn uống rất gọn nhẹ và mau chóng. Lại thêm, bà con khắp chốn đều ra sức ủng hộ. Đi đến đâu chúng tôi cũng được chào đón và cung ứng không biết bao nhiêu lương thực. Nhưng, thực hiện lệnh vua ban nhằm an lòng dân, chúng tôi chỉ lấy những thứ cần thiết. Còn lại đều gửi trả không dám lấy gì thêm. Bởi thế, chúng tôi hành quân suốt ngày đêm mà sức khỏe vẫn ổn định. Tinh thần hăng hái không sao kể xiết.

Đến Nghệ An, vua Quang Trung lệnh cho đại quân đừng lại nghỉ ngơi 10 ngày để tuyển thêm binh lính. Vua lại cho người vời Nguyễn Thiếp – một cư sĩ tài danh ra hỏi ý. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp khen ngợi nhà vua tài cao chí lớn, liền nhận lời ra giúp sức. Phu Tử phân tích tình hình và khẳng định cuộc xuất quân lần này tất thắng chỉ trong mươi ngày.

Nhà vua nghe thế vô cùng mừng rỡ liền chiêu mộ thêm quân, tăng cường thêm khí giới. Cứ ba người thì lấy một người. Ai có hoàn cảnh đều miễn cho hết. Chưa mấy lúc, đã được hơn một vạn quân tinh nhuệ, 10 vạn quân và hơn 100 con voi. Rồi nhà vua cho mở cuộc duyệt binh lớn ở doanh trấn rồi thẳng tiến ra Bắc.

Khi quân ra đến sông Gián, gặp toán quân do thám của giặc, đội của tôi đi tiên phong, đã vậy bắt hết không sót một tên. Bởi vậy, việc hành quân hết sức cơ mật, khi chúng tôi tiến sát thành đạo quân Thanh đóng ở Hà Hồi thì quân đồn trú ở Ngọc Hồi và Thanh Trì đều không hay biết gì cả.

Trận đầu tiên, nhà vua tiến quân đánh vào thành Hà Hồi. Hà Hồi là điểm quân trấn thủ của quân Thanh nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta từ cánh nam. Để tiêu diệt gọn điểm quân này, hoàng đế Quang Trung ra lệnh dùng thuật giả binh. Mục đích là làm hoang mang tinh thần kẻ địch trước, sau tiến quân tiêu.

Chúng tôi lặng lẽ vây kín ngôi làng rồi bắc loa truyền gọi vang. Tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng kinh động đất trời. Nghe như có hơn vài vạn người bao vây bốn phía. Lại cho người đốt đuốc sáng rực trời. Một nhóm khác đem nồi, trống và các vật dụng khua đánh inh ỏi.Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nấy rụng rời sợ hãi. Chúng chẳng biết thực hư thế nào liền quy hàng, xin được sống. Lương thực khí giới đều bị quân ta lấy hết. Quang trung quả thực dự tính như thần. Ta chiếm gọn thành mà không mất một mũi tên nào.

Sau thắng lợi lớn, đại binh Tây Sơn tiến đánh Ngọc Hồi. Ngọc Hồi là điểm quân trọng yếu, quân địch sẽ có thủ mà liều chết với ta để giữ thành. Sau khi suy tính, vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức. Bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín. Tất cả được hai mươi bức lớn. Xong cho kén hạng lính khoẻ mạnh, lực lưỡng. Cứ mười người khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn. Hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ “nhất”.

Khi công thành, địch nhất định sẽ dùng cung tiễn để hạ sát quân ta. Tấm ván lớn là dùng để chắn tên của địch, bảo vệ đội quân tiến theo ở phía sau. Lớp rơm dày có tẩm ướt nước nhằm dập tắt tên lửa của giặc, khiến cho giặc không thể dò xét được quân ta. Đây quả thực là một kế hay, chỉ những bậc quân sự thiên tài mới nghĩ tới được.

Mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Để làm tăng sĩ khí và quyết tâm diệt giặc,vua Quang Trung sai đốt hết lương thực. Rồi tự mình quấn khăn vàng vào cổ để tỏ ý quyết chiến quyết thắng, chỉ tiên không chịu lùi. Ngài uy nghi mạnh mẽ cưỡi trên mình voi đốc thúc đại quân xông tới, lẫm liệt như một vị thần trong sử thi.

Quang Trung quả thực dự liệu như thần. Khi ta tiến đến vây thành, quân Thanh từ trong thành nổ súng bắn ra dữ dội. Nhân có gió bắc, chúng bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói toả mù trời. Cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam rối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió nam. Đám khói bị thổi ngược trở lại, thành ra quân Thanh lại tự làm hại mình.

Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa. Những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh. Nhà vua cũng tả xung hữu đột, thoát ẩn, thoắt hiện cùng đại quân diệt giặc hết sức ngoan cường. Người dũng mãnh, thiện chiến, tham gia phá thành, giải vây, ứng cử binh sĩ. Nhờ một đường đao của nhà vua diệt gọn kẻ địch sau lưng đã cứu tôi thoát chết khi tôi hăng hái tiến vào doanh trại. Người còn nhìn tôi khích lệ, đôi mắt vừa rực lửa vừa chan chứa tình thương khiến tôi vô cùng cảm kích.

Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết.Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung. Quân thanh thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, đại bại thảm hại.

Kết thúc trận đánh, khi khói lửa đã tan, quân Thanh số chết, số bị thương, số tán loạn dẫm đạp lên nhau chạy về hướng Bắc. Lúc này, Quang Trung mặt sạm vì khói, áo bào bị rách và nhuộm đen vì thuốc súng. Nhưng nhìn người uy dũng phi thường làm đại quân hết sức phấn khích.

Giữa trưa hôm ấy vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành. Tôn Sĩ nghị vì mải mê chè chén nên khi nghe tin cấp báo thì đại quân đã kề cận. Hắn sợ đến mất mật. Tinh thần hoảng loạn, không còn ý chí chiến đấu nữa. Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, Tôn Sĩ Nghị dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, đoạn cứ nhằm hướng bắc mà chạy.

Quân Thanh các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy. Chúng tranh nhau qua cầu sang sông Nhị Hà, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt. Quân lính đều rơi xuống nước, số chết vô kể. Đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa.

Bọn Lê Chiêu Thống cũng vội vã tìm đường trốn chạy. Trên đường đi chịu không biết bao nhiêu gian khổ, trong lòng uất hận vô cùng. Đến cửa ải thì hội quân cùng Tôn Sĩ Nghị. Đôi bên cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt. Tôn Sĩ Nghị cũng lấy làm xấu hổ vô cùng.

Kết thúc cuộc chiến, quân ta đại thắng. Toàn bộ quân Thanh bị tiêu diệt. Bọn bán nước cầu vinh cũng bị một phen khiếp vía không còn dám mưu đồ nữa. Chẳng những non sông toàn vẹn mà tiếng vang còn mãi, đến mấy chục năm sau nhà Thanh cũng không dám sang xâm phạm nước ta.

Sau đó, chúng tôi ở lại ít lâu, giúp nhân dân lưu lạc trở về dựng xây cuộc sống. Nhà vua vừa tổ chức lại bộ máy chính quyền vừa ban dụ cho bà con hiểu rõ sự tình mà an tâm. Lại thêm, sai binh lính Tây Sơn cùng bà con khai hoang, mở ruộng, tăng cường sản xuất. Chẳng mấy chốc, Bắc Hà trở lại ổn định và phồn vinh hơn trước. Đất nước từ đó thái bình thịnh trị. Khắp nơi vang lời ca tiếng hát ca ngợi công đức bậc anh hùng tài danh sáng suốt.

Trở về kinh thành, tôi được thăng chức Trưởng cơ Đội cận vệ. Lại được nhà vua hết sức tin tưởng và giao phó nhiều trọng trách. Tôi tự hào là người Tây Sơn vào sinh ra tử bảo vệ giang sơn. Được ở gần vị minh quân, tôi hết sức lấy làm vinh mà vinh dự, tự hứa phải ra sức chiến đấu, bảo vệ giang sơn, giết giặc lập công, tận trung báo quốc.

Đóng vai một người lính kể lại Hoàng Lê nhất thống chí - Mẫu 3

Hôm nay trăng sáng quá, mấy đứa cháu vẫn chưa chịu đi ngủ, chúng còn đang mải chơi đánh trận giả ngoài sân. Tiếng reo hò, cổ vũ của chúng như đánh thức trong tôi những kí ức đẹp của một thời theo đội quân Tây Sơn bách chiến bách thắng, nhất là chiến công đại phá quân Thanh do chính Quang Trung chỉ huy.

Thời trai trẻ, tôi sống ở huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Mùa xuân 1771, đất Tây Sơn sôi động với sự phất cờ khởi nghĩa, lật đổ Trương Phúc Loan, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tôi cũng đầu quân vào nghĩa quân Tây Sơn. Có thể nói chiến công của quân Tây Sơn là do Nguyễn Huệ -một vị tướng tài ba, dáng cao lớn, tóc xoăn, mắt như chớp sáng, giọng nói sang sảng như tiếng chuông. Khi vua Lê Chiêu Thống chạy trốn sang Trung Quốc, Nguyễn Nhạc xưng đế , còn Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương. tôi được phân công vào đội lính hầu cận bảo vệ ngài và chứng kiến được tài năng của bậc anh hùng trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Ngày 24 tháng mười một năm Mậu Thân, nhận được tin cấp báo quân Thanh đã chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giận lắm họp các tướng sĩ định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng những người đến họp đã đều nói ngài nên chính vị hiệu để yên lòng dân rồi cất quân ra Bắc. Nên ngày 25 tháng Chạp, Bắc Bình đã lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi hạ lệnh xuất quân.

Ngày 29 tháng Chạp, Quang Trung đến Nghệ An, bàn việc quân với Nguyễn Thiếp. Nghe Nguyễn Thiếp nói không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan, vua mừng lắm, bèn cho tuyển lính, duyệt binh,rồi ra lời phủ dụ động viên tướng sĩ. Tất cả mọi người trong đó có tôi đều lấy làm xúc động, tinh thần thêm hăng hái tự tin trước cuộc chiến sắp đến dù quân địch lên đến hai mươi vạn.

Ngày 30 tháng Chạp, Quang Trung đến Tam Điệp, tha tội chết cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân về tội chưa đánh trận nào đã rút quân bởi họ chỉ hạng võ biền. Quang Trung biết đó là kế sách của Ngô Thì Nhậm nhằm bảo toàn lực lượng, trấn giữ nơi hiểm yếu, làm giặc kiêu ngạo, chủ quan tạo điều kiện cho quân Tây Sơn giành thế chủ động tấn công bất ngờ. Ngài còn dự tính sau chiến thắng sẽ cử Ngô Thì Nhậm sang thương thuyết với nhà Thanh để nuôi dưỡng lực lượng, xây dựng đất nước vững mạnh. Rồi vua mở tiệc khao quân. Tối 30, cả năm đạo quân lên đường tiến ra Bắc.Sau đó ông chia ra làm năm đạo quân. Đạo chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, thẳng hướng Thăng Long. Đạo thứ hai và thứ ba đánh vào tây Thăng Long và yểm trợ cho đạo chủ lực. Đạo thứ tư tiến ra phía Hải Dương. Đạo thứ năm tiến lên Lạng Giang - Bắc Giang, chặn đường rút lui của quân địch. Khi tiến thẳng đến thành Thăng Long, để giữ sức cho quân lính chiến đấu, ông sai dùng cáng làm võng. Hai người khiêng một người nằm ngủ và cứ thế luân phiên nhau đi suốt đêm.

Khi quân Tây Sơn đến sông Thanh Quyết, Quang Trung cho bắt hết quân do thám đang chạy trốn nên bọn giặc ở Hà Hồi, Ngọc Hồi không hề biết gì cả.

Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung cho vây kín làng Hà Hồi, bắc loa truyền gọi, quân lính dạ ran để hưởng ứng như có vạn người. Quân giặc trong đồn sợ hãi, xin hàng.Quân Tây Sơn thu hết lương thực, khí giới.

Ở trận đánh đồn Ngọc Hồi, tôi thấy Nguyễn Huệ rất cẩn trọng. Tối mùng bốn, tôi cùng nhóm trực gác bảo vệ vua, tôi thấy ngài vẫn thao thức cả đêm. Đồn lũy Ngọc Hồi được xây dựng kiên cố, xung quanh đều được cắm chông sắt và chôn địa lôi. Để chuẩn bị đánh đồn Ngọc Hồi, vua Quang Trung truyền lấy sáu mươi tấm ván, cứ ba tấm ghép thành một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, được hai mươi bức. Rồi kén lính khỏe mạnh, cứ mười người khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn, hai mươi người khác cầm binh khí theo sau, dàn trận thành chữ "nhất". Vua Quang Trung cưỡi voi đi thúc,, đội chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ vua mà giờ đây cũng trở thành những người lính xông vào trận đánh theo hiệu lệnh của ngài.Mờ sáng mùng năm tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn, chẳng trúng ai. Nhân có gió bắc, chúng dùng ống phun khói lửa nhằm làm quân Tây Sơn rối loạn. Nhưng trời bỗng trở gió nam, làm cho quân Thanh rối loạn hàng ngũ. Quang Trung liền chỉ huy đội khiêng ván vừa che vừa xông lên. Khi gươm giáo hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống, ai nấy dùng dao ngắn chém bừa, những người cầm gươm giáo theo sau đều nhất tề xông lên hiệp lực. Cùng lúc đó, đạo quân thứ hai và thứ ba tấn công đồn Đống Đa, Sầm Nghi Đống thắt cổ chết. Quân Thanh đại bại, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối.

Trận tấn công thành Thăng Long, Quang Trung bày thế gọng kìm, cho đạo quân thứ tự bày thế nghi binh ở hướng đông. Quân Thanh sợ hãi tìm đường tắt thì gặp đạo quân thứ năm. Chúng vội lùi về đầm Mực, làng Quỳnh Đô thì bị quân Tây Sơn cho voi giày chết. Giữa trưa mùng năm tết, Quang Trung kéo quân vào Thăng Long. Nói về Tôn Sĩ khi nghe tin Quang Trung đánh đồn Ngọc Hồi, hắn sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp dẫn bọn lính kị mã bỏ chạy về hướng bắc. Quân Thanh nghe tin, bỏ chạy, tranh nhau qua cầu. Cầu đứt, quân Thanh rơi xuống nước đến nỗi nước sông Nhị Hà tắc nghẽn. Vua Lê Chiêu Thống và bọn tùy tùng bỏ chạy trốn sang Trung Quốc.

Chiến công đại phá quân Thanh của Quang Trung là niềm tự hào dân tộc. Dù cho quân Thanh có hai mươi vạn nhưng với tài cầm quân lỗi lạc của Nguyễn Huệ, với lòng yêu nước thiết tha và sự đoàn kết của các tướng sĩ, đội quân Tây Sơn đã làm nên kì tích. Lúc vua mất, Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn, những người lính như tôi sau một thời gian bị bắt được thả về quê Dù thời gian có trôi qua, nhưng âm hưởng chiến thắng vẫn vang vọng mãi trong tôi, hình ảnh vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ sống mãi với non sông,đất nước và nhất là trong lòng các tướng sĩ từng cùng ngài xông pha trận mạc.

Đóng vai một người lính kể lại Hoàng Lê nhất thống chí - Mẫu 4

Tôi là một người lính, mới được vua Quang Trung tuyển chọn ngày 29 tháng Chạp tại Nghệ An – quê hương tôi. Đại tướng Hám Hổ Hầu trực tiếp kén lính, cứ ba suất đinh (người trai tráng) thì lấy một người. Chẳng bao lâu, số lính mới tuyển đã lên đến hơn một vạn. Tôi được sung vào trung quân, trực tiếp dưới quyền chỉ huy của nhà vua.

Ngay sau khi tuyển lính, nhà vua đã mở một cuộc duyệt binh lớn. Trong lễ duyệt binh, vua đã dụ quân sĩ. Trong lời nói của Người, tôi nhớ nhất câu: “…Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông sương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng…”. Hôm sau, ngày 30 tháng chạp, nhà vua hạ lệnh tiến quân. Khi đến núi Tam Điệp, hai vị tướng Sở và Lân ra đón, đều mang gươm trên lưng mà chịu tội. Vua khen, chê, thưởng, phạt công minh các tướng lĩnh, khiến lòng tôi kính phục vô cùng. Cùng ngày hôm đó, vua mở tiệc khao quân và chia quân ra làm năm đạo. Nghe đâu, vua đã tiên đoán với các tướng: hẹn ngày mồng bảy năm mới vào thành Thăng Long lại mở tiệc ăn mừng. Chúng tôi nghe chuyện, lòn? cứ náo nức rộn ràng không sao tả xiết. Thế là, đúng ngày 30 tháng chạp cả năm đạo quân đều gióng trống lên đường ra Bắc…

Khi quân đến sông Gián, nghĩa binh trấn thủ ở đó tan vỡ chạy trước. Lúc đến sông; Thanh Quyết, gặp một toán quân Thanh do thám, nhà vua ra lệnh đuổi theo, bắt sống cho kì hết. Bởi thế, nửa đêm ngày mồng ba tháng giêng năm Kỉ Dậu (1789), khi đoàn quân chúng tôi đến đồn Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín đồn, rồi bắc loa truyền gọi lúc bấy giờ trong đồn mới biết, chúng đều rụng rời sợ hãi. Quân ta bên ngoài lại nghi binh, luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng, nghe như có hơn vài vạn người. Vì vậy, lính ở đồn Hà Hồi đều xin hàng, ta thu hết lương thực, khí giới. Đồn Hà Hồi bị quân ta hạ, không mất một mũi tên, hòn đạn nào.

Để hạ tiếp đồn Ngọc Hồi, vua chỉ huy chúng tôi truyền lấy sáu chục tấm ván, ghép liền ba tấm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp đầy nước phủ kín. Tất cả là hai mươi bức. Tôi được chọn trong số lính khoẻ mạnh, cứ mười người khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn. Hai mươi người khác cầm binh khí theo sau, dàn trận thành chữ “nhất”. Vua Quang Trung cưỡi voi trực tiếp đốc thúc. Mờ sáng . mồng năm quân ta đã tiến sát, bao vây đồn Ngọc Hồi. Khi gươm giáo hai bên chạm nhau, thì tất cả quăng ván xuống đất, ai nấy đều cầm dao ngắn, phối hợp với những người lính cầm binh khí, xông lên mà đánh. Quân Thanh tán loạn, xéo lên nhau mà chạy. Tên Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống lại tự thắt cổ chết. Quân của Quang Trung thừa thế xông lên. Quân Thanh đại bại. Vua Quang Trung còn lùa cho voi chiến xuống Đầm Mực, khiến cho kẻ địch trốn dưới đầm chết như ngả rạ.

Giữa trưa mồng năm tháng giêng, vua Quang Trung chỉ huy đội quân tiến vào Thăng Long trong tiếng hô tung trời của người dân kinh thành. Là một người lính trong đội quân chiến thắng, tôi tự hào và vui sướng vô cùng. Thế là vua Quang Trung đã thực hiện lời tiên đoán trước hai ngày…

Nhìn nhà vua cưỡi trên lưng voi chiến, dẫn đầu đoàn quân tiến vào Thăng Long, áo long bào của Người sạm đen khói súng… tôi xúc động, giàn giụa nước mắt, kính phục và tự hào vô cùng về đức vua Quang Trung. Thế là từ nay, trăm họ lại được hưởng cuộc sống yên vui, thái bình. Là một người lính trong đoàn quân của vua Quang Trung, tôi thực sự hạnh phúc, thực sự sướng vui.

Đóng vai một người lính kể lại Hoàng Lê nhất thống chí - Mẫu 5

Nghe tin quân Thanh chiếm thành Thăng Long, dù chỉ là một nông phu bé nhỏ nhưng tôi cũng cảm thấy giận dữ và bất bình lắm. Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy là mong muốn đánh đuổi kẻ xâm lược ra khỏi bờ cõi. Thật may khi đó vua Quang Trung lên ngôi, kén lính vào nghĩa quân Tây Sơn, tôi đã tự nguyện gia nhập vào đội quân ấy.

Hôm đó là ngày 29 tháng chạp năm 1788, tôi hay tin vua Quang Trung kén lính, nhà có ba suất đinh chỉ lấy một tôi liền xung phong đi. Sau đó nhà vua cho mở cuộc duyệt binh ở doanh trấn, chia binh thành 5 doanh, tôi ở doanh trung quân. Vua không chỉ tập hợp quân lính mà còn đích thân ra doanh yên ủi chúng tôi. Vua dãy bày và phân tích cho chúng tôi hiểu mưu mô của quân Thanh, kêu gọi chúng tôi đồng tâm hiệp lực để chúng lập công lớn. Vua nói:
- Nay quân Thanh sang xâm lược nước nhà, ta cùng các ngươi chung sức đánh đuổi, nếu như có ai ăn ở hai lòng, ta phát giác ra sẽ giết không ta, chớ bảo ta không nói trước!

Tôi nghe xong càng quyết tâm và tin tưởng vào vua Quang Trung. Tôi cùng đám lính nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi. Đi đến ngày 30 tháng chạp thì tới núi Tam Điệp, sau khi phân công tội rõ ràng các tướng sĩ, vua cho mở tiệc khao quân, hạ lệnh tối đêm 30 sẽ lên đường ra Bắc, vua nói:
- Hãy tạm cúng Tết đã, tối nay lên đường, đến mùng 7 thì vào thành Thăng Long ăn mừng, hãy nhớ lấy đừng nghĩ ta nói khoác!

Các đạo quân chúng tôi lạy vâng mệnh lệnh gióng trống lên đường. Quân Tây Sơn với khí thế hừng hực, đi đến đâu giặc khiếp sợ đến đó. Từ sông Gián đến sông Thanh Quyết về tận Phú Xuyên, quân do thám bị bắt sống không kịp về báo tin. Đến đêm ngày mồng 3 chúng tôi đã tới làng Hà Hồi, lúc này chẳng cần đánh, chỉ cần lên tiếng hưởng ứng trong đồn đã rụng rời sợ hãi xin hàng. Để chuẩn bị cho trận đánh Ngọc Hồi, vua ra lệnh đóng các bức ván gỗ, lấy rơm dấp nước phủ bên ngoài.

Ngày mùng 5 tới đồn Ngọc Hồi, chúng tôi cứ 20 người khiêng bức gỗ đó dàn trận chữ "Nhất" rồi xông lên, súng đạn quân Thanh bắn không trúng đích, ngược lại chúng còn bị khói lửa phun ra hại chính mình. Quân ta dùng dao ngắn chém tan tác quân giặc, giặc sợ chạy tán loạn, xéo lên nhau mà chết. Kết cục tên Thái thú thắt cổ chết, quân ta đuổi cùng giết tận, đuổi tới tận đầm Mực cho voi đi lùa, giày đạp chết hàng vạn người. Giữa trưa mùng 5, quân kéo vào thành Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị sợ hãi ngựa không kịp đóng yên, người không mặc áo giáp cứ nhằm hướng bắc chạy. Quân sĩ thì tranh nhau qua cầu bỏ chạy đến nỗi đứt cả cầu, xác rơi xuống làm tắc nghẽn cả nước sông Nhị Hà. Vua Lê cũng bỏ chạy thục mạng, không thấy bóng dáng ở đâu. Mãi về sau mới biết được bọn hổ hào làm cơm rồi chỉ lối chạy mới thoát thân.

Kết thúc trận đánh, nghĩa quân chúng tôi hoàn toàn thắng lợi, quân Thanh đại bại chạy trốn về nước, vua tôi Lê Chiêu Thống chịu cái kết bi thảm. Thật đáng đời cho những kẻ nhăm nhe xâm lược và cả những kẻ chỉ biết tư lợi mà bán nước hại dân.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 33
  • Lượt xem: 19.800
  • Dung lượng: 261,2 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan