Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận hình ảnh Đầu súng trăng treo (3 mẫu) Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" chính là biểu tượng cao đẹp của tình đồng đội, đồng chí hết sức thiêng liêng, cao cả. Với 3 đoạn văn cảm nhận hình ảnh Đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí sẽ giúp các em học sinh lớp 9 hiểu sâu sắc hơn.

Đồng chí

Bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu là một trong những bài thơ rất thành công viết về người chiến sĩ. Đặc biệt, câu kết của bài thơ "Đầu súng trăng treo" đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bao thế hệ độc giả. Mời các em cùng theo dõi bài viết để ngày càng học tốt môn Văn 9:

Đoạn văn cảm nhận hình ảnh Đầu súng trăng treo

Hình ảnh đầu súng trăng treo thể hiện sự hình ảnh lãng mạn, thể hiện hình ảnh của người lính cách mạng và cũng thể hiện được hình ảnh các người lính phải đứng gác nơi rừng hoang rét buốt. Trong đêm sương muối rét buốt, những người lính phải đứng gác nơi rừng hoang. Trong thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn như vậy, những người lính vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chờ quân giặc đến. Trong cuộc kháng chiến gian khổ ấy, những người lính lại sát cánh bên nhau, đứng cạnh bên nhau sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại khó khăn khổ cực. Hình ảnh những người lính hiện lên rất chân thực, rất đẹp. Hình ảnh đầu súng trăng treo vừa là hình ảnh tả thực lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Đêm đứng gác về khuya, trăng xuống thấp, những người lính lại đeo súng trên vai nên ta có cảm giác như trăng treo nơi đầu súng. Cũng như vậy, ta thấy hình ảnh đầu súng trăng treo là hình ảnh người lính cách mạng, và qua đó cũng chính là thể hiện tình đồng chí, đồng đội của người lính cách mạng trong những năm kháng chiến.

Viết đoạn văn cảm nhận hình ảnh "Đầu súng trăng treo"

"Đầu súng trăng treo" là câu kết bài thơ Đồng chí, cũng là một biểu tượng đẹp về người chiến sĩ thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Trong đêm phục kích giữa rừng, bên cạnh hình ảnh thực là súng, là nhiệm vụ chiến đấu tạo nên con người chiến sĩ thì cái mộng, cái trữ tình là trăng. Hình ảnh trăng tạo nên con người thi sĩ. Hình ảnh chiến sĩ, thi sĩ hài hòa với nhau trong cuộc đời người lính cách mạng. Hai hình ảnh đối lập đặt cạnh nhau tạo ra ý nghĩa vô cùng độc đáo. Súng là chiến tranh lạnh lùng, là gợi ra sự chết chóc, tàn phá, ghê sợ. Còn trăng là tượng trưng cho hòa bình, gợi lên sự thanh cao, hạnh phúc, thơ mộng, dịu dàng. Người lính cầm súng để bảo vệ hòa bình, khát khao hòa bình. Súng và trăng : cứng rắn và dịu hiền, chiến sĩ và thi sĩ, có người còn gọi đây là một cặp đồng chí. Chính Hữu đã thành công với hình ảnh Đầu súng trăng treo - một biểu tượng thơ giàu sức gợi cảm. Tác giả đã từng nói : "Trong chiến dịch nhiều đêm có trăng đi phục kích giặc trong đêm trước mắt tôi chỉ có ba nhân vật : Khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật quyện với nhau tạo ra hình ảnh đầu súng trăng treo". Đầu súng trăng treo, đã trở thành một biểu tượng đẹp của người lính cách mạng Việt Nam: Hiện thực và lãng mạn, chiến sĩ và thi sĩ.

Viết đoạn văn cảm nhận của em về câu thơ kết trong bài Đồng chí

Bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu kết thúc với hình ảnh "Đầu súng trăng treo" mang đầy ý nghĩa. Đó là hình ảnh thực mà tác giả đã nhận ra trong những đêm phục kích chờ giặc tới. Ánh trăng trên bầu trời mà đêm đêm vẫn tỏa thứ ánh sáng dịu hiền xuống mặt đất. Chẳng biết từ bao giờ trăng đã trở thành người bạn tri âm tri kỉ, đồng hành cùng người lính. Nhưng hình ảnh "Đầu súng trăng treo" còn gợi ra hình dung về vầng trăng như đang treo lơ lửng ngay trên đầu súng. Trong cuộc chiến, "súng" là biểu tượng cho chiến tranh ác liệt. Còn "trăng" tượng trưng cho cái đẹp, cho độc lập, tự do. Việc nhà thơ đặt hình ảnh "súng" và "trăng" cạnh nhau như muốn nhấn mạnh mong ước của những người lính về một ngày không xa đất nước được thống nhất. Việc đan cài giữa chất hiện thực và lãng mạn còn gợi nên vẻ đẹp tâm hồn của những người lính. Trong cái khắc nghiệt của chiến tranh, họ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên. Đó như là động lực tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ có thể cầm chắc tay súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Việc để hình ảnh "Đầu súng trăng treo" ở cuối bài thơ chính là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ Chính Hữu. Qua đó, ngợi ca tâm hồn lãng mạn của những người lính trong kháng chiến.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt xem: 831
  • Dung lượng: 120 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan