Địa lí 7 Bài 6: Đặc điểm dân cư, xã hội châu Á Soạn Địa 7 trang 117 sách Chân trời sáng tạo

Giải Địa lí lớp 7 Bài 6: Đặc điểm dân cư, xã hội châu Á giúp các em học sinh lớp 7 tham khảo, nắm chắc kiến thức, dễ dàng trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Lịch sử - Địa lí 7 sách Chân trời sáng tạo trang 117, 118, 119.

Qua đó, giúp các em nêu được những đặc điểm nổi bật về sự phân bố dân cư, tôn giáo ở Châu Á. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án Bài 6 Chương 2: Châu Á. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Câu hỏi Mở đầu Bài 6 Địa lí 7 Chân trời sáng tạo

Vậy dân cư, xã hội của châu Á có những đặc điểm gì nổi bật? Phân bố dân cư và các đô thị ở châu Á như thế nào?

Trả lời:

Châu Á đông dân nhất thế giới, dân cư thuộc nhiều chủng tộc. Dân cư và đô thị phân bố không đều.

Trả lời câu hỏi nội dung Bài 6 Địa lí 7 Chân trời sáng tạo

1. Đặc điểm dân cư

Câu 1: Dựa vào thông tin trong bài và bảng 6.1, em hãy:

  • Cho biết số dân của châu Á năm 2020.
  • Nhận xét cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của châu Á giai đoạn 2005 - 2020.

Bảng 6.1

Trả lời:

- Dân số của châu Á năm 2020 là 4,64 tỉ người (không tính số dân của Liên bang Nga).

- Nhận xét cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của châu Á giai đoạn 2005 - 2020:

  • Cơ cấu dân số trẻ với nhóm tuổi từ 0 - 14 tuổi chiếm 23,5% số dân (2020), nhưng đang có xu hướng giảm (năm 2005 chiếm 27,6% số dân, năm 2020 chiếm 23,5% số dân, giảm 4,1%).
  • Tỉ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi có sự biến động nhưng không đáng kể.
  • Tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên có xu hướng tăng (Năm 2005 chỉ chiếm 6,3% dân số, đến năm 2020 là 8,9%, tăng 2,6%).
Câu 2: Dựa vào hình 6.1 và thông tin trong bài, em hãy trình bày sự phân bố dân cư châu Á.

Hình 6.1

Trả lời:

Dân cư châu Á phân bố không đồng đều giữa các quốc gia và khu vực do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khác nhau:

  • Các khu vực đông dân: Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á.
  • Các khu vực thưa dân: Bắc Á, một phần của Tây Á (A-rập-xê-út) và Trung Á.

Câu 3: Dựa vào hình 6.1 và thông tin trong bài, em hãy:

  • Xác định 10 đô thị đông dân nhất ở châu Á (không tính Liên bang Nga).
  • Cho biết các đô thị lớn của châu Á thường tập trung tại khu vực nào? Vì sao?

Trả lời:

- 10 đô thị đông dân nhất ở Châu Á (không tính LB Nga):

1. Tô-ky-ô (Nhật Bản)

2. Niu Đê-li (Ấn Độ)

3. Thượng Hải (Trung Quốc)

4. Đắc-ca (Băng-la-đét)

5. Bắc Kinh (Trung Quốc)

6. Mum-bai (Ấn Độ)

7. Ô-xa-ca (Nhật Bản)

8. Ca-ra-si (Pa-ki-xtan)

9. Trùng Khánh (Trung Quốc)

10. I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ).

- Các đô thị lớn của châu Á thường tập trung ở khu vực ven biển do có điều kiện thuận lợi cho đời sống và sản xuất, trao đổi, buôn bán với các nước.

2. Tôn giáo ở châu Á

Dựa vào thông tin trong bài, em hãy trình bày đặc điểm tôn giáo ở châu Á.

Trả lời:

Đặc điểm tôn giáo ở châu Á:

  • Nơi ra đời của 4 tôn giáo lớn, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa nhân loại: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo.
  • Tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, kiến trúc, du lịch và lễ hội của các quốc gia châu Á.

Giải Luyện tập - Vận dụng Địa lí 7 Bài 6 trang 119

Luyện tập

Dựa vào bảng 6.2, em hãy nhận xét sự thay đổi số dân và tỉ lệ dân thành thị của châu Á trong giai đoạn 2005 - 2020.

Bảng 6.2

Trả lời:

Số dân và tỉ lệ dân thành thị của châu Á có xu hướng tăng trong giai đoạn 2005 - 2020:

  • Năm 2005, dân số châu Á là 3,98 tỉ người, năm 2020 là 4,64 tỉ người (tăng thêm 660 triệu người trong vòng 15 năm, trung bình mỗi năm tăng thêm 44 triệu người).
  • Tỉ lệ dân thành thị năm 2020 là 50,9%, tăng 9,9% so với năm 2005.

Vận dụng

Em hãy thu thập thông tin về dân cư của tỉnh (thành phố) nơi em sinh sống dựa trên một số thông tin gợi ý sau: số dân, mật độ dân số, tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên, cơ cấu dân số theo tuổi,...

Trả lời:

Ví dụ em sống ở thủ đô Hà Nội (số liệu năm 2020):

  • Số dân: 8,24 triệu người.
  • Mật độ dân số: 2 455 người/km2.
  • Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên 12,47%.
Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 42
  • Lượt xem: 3.798
  • Dung lượng: 297,7 KB
Sắp xếp theo