Đề thi vào 10 môn Ngữ văn năm 2023 - 2024 sở GD&ĐT Sóc Trăng Đáo án đề thi vào lớp 10 môn Văn 2023

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2023 - 2024 sở GD&ĐT Sóc Trăng, giúp các em học sinh tham khảo, so sánh với bài thi vào lớp 10 môn Văn của mình thuận tiện hơn rất nhiều. Sáng ngày 10/6, các thí sinh Sóc Trăng thi môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút.

Đề thi vào 10 môn Văn Sóc Trăng 2023 còn giúp những trường chưa thi chủ động ôn thi, hệ thống lại kiến thức dễ dàng hơn. Chiều ngày 10/6, các em thi môn Tiếng Anh, còn sáng ngày 11/6 thi nốt môn Toán. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Đáp án đề thi vào 10 môn Văn Sóc Trăng năm 2023 - 2024

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ lục bát

Câu 2. 2 từ láy xuất hiện trong bài thơ: nhè nhẹ, long lanh

HOẶC: chói chang, xập xình, thơm tho .....

Câu 3.

Gợi ý: Là lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với những người đang gặt lúa. Đồng thời bày tỏ thái độ trân trọng, nâng niu của tác giả dành cho những bông lúa trên đồng, và cũng là đối với công sức nắng mưa dãi dầu của người nông dân đã làm ra hạt lúa vàng.

Câu 4.

Gợi ý: Thông điệp rút ra từ bài thơ trên:

- Yêu thiên nhiên, yêu đất nước con người Việt Nam.

- Trân trọng công sức và thành quả lao động của người nông dân.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1

a. Mở đoạn

- Giới thiệu vấn đề: Giá trị của lao động.

b. Thân đoạn

- Giải thích vấn đề: Lao động là hoạt động tạo ra của cải, vật chất để nuôi sống bản thân, tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng bản tay, công sức của chính mình. Lao động có vai trò, giá trị to lớn cho con người và xã hội.

- Giá trị của lao động:

+ Giúp con người rèn luyện và gia tăng tư duy, khả năng phán đoán, hoàn thiện và phát triển kinh nghiệm.

+ Giúp con người làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống.

+ Tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho đời sống con người.

+ Làm bàn đạp giúp con người thực hiện ước mơ, chinh phục những mục tiêu đã đặt ra.

+ Lao động không chỉ giúp cho bản thân mà còn giúp cho gia đình, xã hội ngày càng phát triển.

HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

- Phản đề: Phê phán những người lười biếng, không muốn lao động mà chỉ muốn hưởng thành quả của người khác. Tuy nhiên ngoài lao động, con người cũng cần chú trọng phát triển đời sống tinh thần phong phú, đa dạng.

c. Kết đoạn

- Khẳng định vấn đề/ Liên hệ bản thân: Nhận thức được giá trị của lao động mà bản thân | phải biết cố gắng học tập, lao động hăng say góp phần phát triển xã hội ngày càng tốt | đẹp hơn.

Câu 2

a. Mở bài:

- Tác giả: Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau năm 1954, tập kết ra miền Bắc, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn. Những năm chống Mỹ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học. Tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong thời bình.

- Tác phẩm: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên.

- Nhân vật ông Sáu là nhân vật chính của tác phẩm, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Đặc biệt là ở đoạn trích từ: “Tôi vẫn còn nhớ buổi chiều hôm đó… Có cây lược, anh càng mong gặp lại con”. Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng, sâu sắc của ông Sáu đối với bé Thu trong những ngày ở chiến khu.

b. Thân bài:

* Giới thiệu khái quát cảnh ngộ gia đình ông Sáu và tình yêu thương ông Sáu dành cho con:

- Đất nước có chiến tranh, ông Sáu phải đi công tác khi con gái chưa đầy một tuổi, khi con lớn lên, ông Sáu không một lần được gặp con, được yêu thương chăm sóc cho con.

- Sau tám năm vào sinh ra tử, khi được về thăm nhà, nỗi khao khát được gặp con, được ôm con vào lòng khiến ông không kìm nén được cảm xúc. Tuy nhiên, khi ông vì vết thẹo trên mặt, vết thương do chiến tranh gây ra nên đứa con gái hồn nhiên, ngây thơ của ông nhất định không chịu nhận cha. Đến khi con gái nhận ra thì cũng là lúc ông phải trở lại chiến trường. Lúc chia tay, ông đã cố nén giọt nước mắt vì cách bộc lộ, tình cảm của con đối với mình khiến ông quá xúc động. Niềm hạnh phúc mà ông hằng mong chờ đã tới nhưng quá ngắn ngủi vì đã đến giờ biệt li. Ông chỉ kịp rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên tóc con, lặng lẽ ra đi không hẹn ngày về mang theo một ước nguyện của con là cây lược nhỏ.

* Cảm nhận về vẻ đẹp nội dung của đoạn trích - vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng:

- Luôn ghi nhớ như in lời con dặn vội vàng lúc chia tay “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Điều đó thúc giục ông đến việc làm một chiếc lược ngà. Và ông Sáu đã dồn tất cả tình yêu, nỗi nhớ con vào việc làm cây lược ấy. “Lúc rảnh rỗi anh ngồi cưa từng chiếc răng lược cho đến khi hoàn thành, những đêm nhớ con anh lấy cây lược ra ngắm nghía ”.

- Chiếc lược trở thành một vật quý giá, nó làm vơi đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm nhớ thương, yêu mến của người cha đối với đứa con trong xa cách. Chiếc lược ngà trở thành một kỉ vật thiêng liêng, nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu cho người chiến sĩ trong những ngày gian khổ.

* Vẻ đẹp về hình thức nghệ thuật:

- Đoạn văn là lời kể của một người đồng chí của ông Sáu, người đã chứng kiến toàn bộ quá trình ông làm cây lược tặng con gái và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của ông. Đoạn văn vì thế trở nên khách quan, chân thành.

- Ngôn ngữ văn xuôi giàu tình cảm, khả năng miêu tả tâm lí tinh tế, chính xác, bắt nguồn từ một tâm hồn nhạy cảm và tấm lòng yêu thương, trân trọng con người.

- Đặc biệt, nhà văn đã xây dựng một tình huống truyện rất éo le, bất ngờ mà tự nhiên, cảm động; qua đó, phần nào nói lên sự ác nghiệt của chiến tranh.

c. Kết bài:

Cảm nhận khái quát về đoạn văn, liên hệ bản thân.

Đề thi vào lớp 10 môn Văn Sóc Trăng năm 2023 - 2024

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH SÓC TRĂNG

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
Năm học 2023 - 2024
Môn: NGỮ VĂN
(Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian phát đề)
Đề thi này có 01 trang

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ:

Tiếng hát mùa gặt

Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
Gió nâng tiếng hát chói chang
Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời

Tay nhè nhẹ chút người ơi
Trông đôi hạt rụng hạt rơi xót lòng
Dễ rơi là hạt đầu bông
Công một nén, của một đồng là đây

Mảnh sân trăng lúa chất đầy
Vàng tuôn trong tiếng máy quay xập xình
Rơm vò từng búi rối tinh
Thân rơm rách để hạt lành lúa ơi

Nắng non mầm mục mất thôi
Vì đời lúa đó mà phơi cho giòn
Nắng già hạt gạo thêm ngon
Bưng lưng cơm trắng nắng còn thơm tho

(Nguyễn Duy, trích “Cát trắng”, theo Tiếng Việt lớp 5, tập hai, NXB Giáo dục, 2004, tr.36-37)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên (lục bát; song thất lục bát; Đường luật; tự do).

Câu 2. Liệt kê ít nhất 2 từ láy xuất hiện trong bài thơ.

Câu 3. Em hiểu như thế nào về nội dung khổ thơ:

Tay nhè nhẹ chút, người ơi,
Trông đôi hạt rụng, hạt rơi xót lòng.
Dễ rơi là hạt đầu bông,
Công một nén, của một đồng là đây.

Câu 4. Thông điệp rút ra từ bài thơ trên.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Từ nội dung phần Đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ quan niệm của em về giá trị của lao động.

Câu 2 (5,0 điểm). Trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, có đoạn:

[...] Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó - buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. [...]

(Theo Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2011, tr.199-200)

Cảm nhận của em về đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ tình cảm cha con trong cuộc sống hiện nay.

Văn Sóc Trăng

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan