Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích

Hôm nay, Download.vn sẽ giới thiệu đến các bạn học sinh tài liệu hướng dẫn: Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)
Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 9 khi hoàn thiện bài văn nghị luận của mình. Mời tham khảo nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.

I. Tìm hiểu chung về vấn đề

- Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, sự kiện, chủ đề hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể.

- Những nhận xét, đánh giá về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách, số phận, của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát.

- Các nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) trong bài nghị luận phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ, và lập luận thuyết phục.

- Bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần có bố cục mạch lạc, lời văn chuẩn xác, gợi cảm.

II. Các bước làm bài nghị luận

Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý

Xác định ba yêu cầu chính:

- Yêu cầu về nội dung: Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần bàn luận. Các ý chính cần triển khai trong bài viết.

- Yêu cầu về phương pháp: Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng (giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận…)

- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

Bước 2: Lập dàn bài

Bài làm cần đảm bảo đầy đủ các phần của một bài văn nghị luận:

  • Mở bài: Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.
  • Thân bài: Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.
  • Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

Bước 3: Viết bài

- Triển khai bài viết theo hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng đã xây dựng (theo dàn ý).

- Trong quá trình triển khai các luận điểm, luận cứ cần thể hiện sự cảm thụ và ý kiến riêng của người viết về tác phẩm.

- Giữa các phần, các đoạn của bài văn cần có sự liên kết tự nhiên, hợp lí.

Bước 4: Đọc lại bài viết và sửa chữa

- Đọc lại bài viết một lần.

- Kiểm tra các lỗi cơ bản về: chính tả, ngữ pháp, diễn đạt…

III. Hướng dẫn làm bài văn nghị luận

Đọc các đề văn sau và trả lời câu hỏi:

Đề 1. Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong truyện “Chuyện người con gái Nam Xương”.

Đề 2. Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

Đề 3. Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua Chiếc lược ngà.

Đề 4. Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Bến quê (Nguyễn Minh Châu)

Câu hỏi:

Câu 1. Các đề bài trên đã nêu ra những vấn đề nghị luận nào về tác phẩm truyện?

Câu 2. Lập dàn ý cho các đoạn văn trên.

Gợi ý trả lời: 

Câu 1. Các đề bài trên đã nêu ra những vấn đề nghị luận:

  • Đề 1: Nhân vật Vũ Nương
  • Đề 2: Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
  • Đề 3: Đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua Chiếc lược ngà
  • Đề 4: Tình huống truyện của truyện ngắn Bến quê

Câu 2. Lập dàn ý cho các đề văn:

Đề 1. Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong truyện “Chuyện người con gái Nam Xương”:

(1). Mở bài

  • Giới thiệu nhà văn Nguyễn Dữ, tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”.
  • Giới thiệu về nhân vật Vũ Nương - nhân vật chính của truyện.

(2). Thân bài

a. Hoàn cảnh sống của Vũ Nương

  • Xã hội phong kiến Nam quyền với những bất công với người phụ nữ.
  • Chiến tranh loạn lạc xảy ra chia cắt nhiều gia đình.

b. Vẻ đẹp của Vũ Nương

- Vũ Nương là người vợ hiền, khuôn phép: biết chồng đa nghi nên hết sức giữ gìn khuôn phép, khi chồng phải đi lính thì không mong công danh mà chỉ hy vọng chồng trở về bình an, hết lòng chung thủy chờ đợi chồng.

- Vũ Nương là người con dâu hiếu thảo, người vợ yêu thương con hết mực: chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau, khi mẹ chồng chết lo tang như đối với mẹ đẻ, thương con phải xa cha từ nhỏ…

c. Số phận của Vũ Nương

  • Không được quyết định cuộc đời mà phải chịu sự sắp xếp của cha mẹ: hôn nhân không môn đăng hộ đối.
  • Lấy chồng nhưng phải chịu sự chia ly bởi chiến tranh.
  • Bị chồng nghi là thất tiết, phải lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch.
  • Khi chết rồi, muốn trở về bên gia đình nhưng không được nữa.

(3). Kết bài

  • Vũ Nương là nhân vật tiêu biểu cho người phụ nữ trong xã hội cũ.
  • “Chuyện người con gái Nam Xương” nói riêng, “Truyền kì mạn lục” nói chung gửi gắm nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đề 2. Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”:

(1) Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều.

- Giới thiệu về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

(2) Thân bài

a. Cảnh vật nơi chốn lầu Ngưng Bích

Khung cảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả theo điểm nhìn từ trên cao xuống:

  • “Khóa xuân”: khóa kín tuổi xuân, ý nói cấm cung (con gái nhà quyền quý trong xã hội xưa thường không được ra khỏi phòng) - nhưng ở đây là nói đến việc Kiều bị giam lỏng.
  • Hình ảnh thiên nhiên đối lập: “non xa” - “trăng gần” - Kiều ở trên lầu cao nhìn xuống dãy núi xa và mảnh trăng như ở cùng một trong một vòm trời.
  • “Bốn bề” kết hợp với từ láy “bát ngát” gợi ra một không gian rộng lớn, vô tận của thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích.
  • “Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” - những sự vật tưởng chừng như chẳng có sự liên kết nào.

=> Khung cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích rộng lớn đấy mà thật vắng lặng. Kiều như đơn độc trước không gian đó.

b. Nỗi nhớ cha mẹ, nhờ người thương của Thúy Kiều

* Hoàn cảnh của Kiều:

- “Bẽ bàng”: cảm giác xấu hổ, tủi nhục của Thúy Kiều trước hoàn cảnh lúc này của mình.

- Thành ngữ “mây sớm đèn khuya”: thời gian tuần hoàn của vạn vật.

- “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”: nỗi lòng của nàng Kiều như bị chia ra làm đôi. Một dành để nhớ đến cha mẹ, một nhờ về chàng Kim.

* Nỗi nhớ người yêu:

- “Người dưới nguyệt chén đồng”: hình ảnh Kiều và Kim Trọng cùng nhau đính ước được nàng hồi tưởng lại.

- “Tin sương luống những rày trông mai chờ”: Kim Trọng trở về nơi quê nhà, liệu đã nghe tin nàng phải bán mình chuộc cha hay vẫn còn mong nhớ, chờ đợi.

- Thành ngữ “bên trời góc bể” kết hợp với từ láy “bơ vơ” gợi ra sự cách trở, xa xôi giữa Thúy Kiều và Kim Trọng.

- “Tấm son”: tấm lòng son sắc thủy chung của Kiều biết đến bao giờ mới “gột rửa cho phai”.

=> Nàng Kiều khi nhớ đến Kim Trọng vẫn gìn giữ được tấm lòng thủy chung son sắc.

* Nỗi nhớ người thân:

- “Xót người tựa cửa hôm mai”: Sự đau đớn, xót xa không biết lúc này cha mẹ ở nhà có cảm thấy lo lắng cho mình không.

- “Quạt nồng ấp lạnh”: Gợi hình ảnh mùa hè trời nóng thì quạt cho cha mẹ ngủ, mùa đông trời lạnh thì vào nằm trước trong giường để khi cha mẹ ngủ, chỗ nằm đã ấm sẵn.

=> Tấm lòng hiếu thảo khi nhớ về cha mẹ.

- “Sân Lai cách mấy nắng mưa/Có khi gốc tử đã vừa người ôm”: Ý chỉ cha mẹ đã có tuổi rồi, cần người ở bên phụng dưỡng nhưng Kiều lại không thể bên cạnh.

=> Nỗi đau đớn, xót xa khi không thể ở bên hiếu thảo với cha mẹ.

c. Nỗi lo lắng trước cuộc sống tương lai của bản thân

Điệp ngữ “buồn trông” kết hợp với các hình ảnh thiên nhiên:

- “cửa bề chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”: Không gian bao la rộng lớn, Kiều nhớ về quê hương. Hình ảnh “con thuyền” gợi nhớ về quê hương, nàng mong muốn trở về nhưng không biết đến khi nào.

- “mặt nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu”: Hình ảnh những cánh hoa trôi giữa dòng nước cũng giống như cuộc đời nàng bị vùi dập.

- “nội cỏ rầu rầu.Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”: Dường như thiên nhiên cũng nhuốm màu tâm trạng, màu xanh không phải của hy vọng mà là màu xanh của tuyệt vọng, mất phương hướng.

- “gió cuốn mặt duềnh/Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”: Dường như ta nghe được âm thanh của tiếng sóng vỗ đang kêu. Đó là dự cảm về những sóng gió cuộc đời đang bủa vây lấy nàng. Kiều cảm nhận được, cảm thấy xót xa và đau đớn.

=> Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc cho thấy nỗi buồn cũng như những dự cảm của Kiều trước tương lai.

(3) Kết bài

- Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

Đề 3. Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua Chiếc lược ngà:

(1). Mở bài

- Tình cảm gia đình là những tình cảm thân thương, gắn bó trong tâm hồn của mỗi con người, nó đã trở thành một đề tài quen thuộc trong văn học.

- Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là bài ca về tình phụ tử thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc.

(2). Thân bài

a. Tình cảm cha con

* Trước khi bé Thu nhận cha

- Sau tám năm xa cách, bé Thu không chịu nhận cha:

  • Lúc mới gặp ông Sáu: “Con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác lạ lùng”.
  • Nhìn vết thẹo dài trên má ông Sáu nó càng hoảng hốt, sợ hãi “mặt nó tái đi, vụt chạy rồi kêu thét lên”.
  • Suốt ba ngày, con bé bộc lộ sự bướng bỉnh, nhất quyết không gọi ông Sáu bằng ba, chỉ nói trổng (khi mời ông Sáu ăn cơm, khi muốn nhờ ông chắt nước…).
  • Hất văng ra khỏi chén cái trứng cá ông Sáu gắp cho.
  • Bị ông Sáu đánh, nó bỏ sang nhà bà ngoại.

=> Bé Thu bộc lộ sự ương ngạnh, bướng bỉnh vừa đáng giận vừa đáng thương nhưng không đáng trách.

- Nguyên nhân:

  • Bé Thu không nhận ông Sáu là ba vì ông có vết thẹo trên mặt “không giống cái hình ba chụp với má”.
  • Với lứa tuổi của mình, Thu không thể hiểu những tình thế éo le, khắc nghiệt của chiến tranh. Vậy mà, vết sẹo chiến tranh hằn trên gương mặt ông Sáu đã làm Thu không nhận ra được cha mình.

=> Hậu quả mà chiến tranh gây ra khiến con người xót xa.

- Ông Sáu rất đau lòng, thất vọng vì bé Thu không nhận mình:

  • Xuồng chưa cập bến, ông Sáu đã nhảy lên bờ gọi, đưa tay đón con, rất xúc động làm vết thẹo đỏ ửng giần giật, “giọng lắp bắp, run run”.
  • Khi bé Thu chạy vụt đi, hét lên hoảng hốt, sợ hãi: “nỗi đau đớn khiến mặt anh tối sầm lại trông rất đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.
  • Trong ba ngày phép, càng muốn gần gũi, yêu thương con, bé Thu càng lảng tránh, lạnh lùng, vô lễ. Ông càng đau khổ hơn (tám năm mới được gặp con, những ngày phép ngắn dần mà con không chịu nhận ba, không một lần được ôm con trìu mến…)

* Sau khi bé Thu nhận cha

- Tình cảm thắm thiết mà ông Sáu dành cho con:

  • Lúc chia tay, ông Sáu muốn ôm hôn con nhưng sợ con không chịu, ông chỉ nhìn con bằng đôi mắt “trìu mến lẫn buồn rầu”. Khi Thu nhận cha, ông Sáu đã khóc vì sung sướng và xúc động.
  • Lúc ở rừng, tại khu căn cứ: ông Sáu sung sướng khi tìm được khúc ngày (“hớt hải chạy về”, “hớn hở như trẻ con được quà”); lúc rỗi ông “cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”, khắc dòng chữ nhỏ với bao tình cảm “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”
  • Lúc nhớ con, “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt”, có cây lược ông càng mong gặp con.
  • Trong giờ phút cuối cùng, tình cha con vẫn da diết “không đủ sức trăn trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”.
  • Ông gửi cây lược cho đồng đội nhờ đưa cho con, lúc ấy mới nhắm mắt xuôi tay.

- Tình cảm bé Thu đối với cha:

  • Trước lúc ông Sáu đi, ba gọi tiếng ba đầu tiên, xé lòng như thét lên: “Ba…a…a… Ba!”

=> Tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao năm nay, tiếng ba như vỡ tung từ đáy lòng nó.

  • Nó vừa kêu “vừa chạy xô tới”, “dang tay ôm chặt cổ, nó hôn ba nó cùng khắp, nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết sẹo dài trên má ba nó nữa”, “dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó” (muốn giữ ba nó ở lại), khóc mếu máo với lời dặn “ba mua cho con một cái lược, nghe ba”

=> Bé Thu đã hiểu, muốn bù đắp tình cảm những ngày qua.

b. Tình cảm vợ chồng

- Suốt mấy năm chồng đi kháng chiến, vợ chồng ông Sáu chỉ gặp nhau có mấy lần, những lần đi thăm rất khó khăn (qua rừng, xa xôi,…), mỗi lần chỉ gặp nhau vài ngày.

=> Họ sống trong nhớ thương, chờ đợi.

- Bà Sáu vẫn vượt đường xa, nguy hiểm đến thăm chồng.

- Khi ông Sáu về phép, bà lo lắng chăm sóc cho chồng (lo chuẩn bị đồ đạc, xếp từng chiếc áo,…)

c. Tình cảm bà cháu

- Bà là người mà bé Thu cảm thấy tin tưởng nhất.

- Bà ngoại cũng là người giảng giải cho bé thu hiểu vì sao ba nó lại có vết thẹo trên mặt. Cũng nhờ vậy mà bé Thu hiểu ra và nhận lại ba.

=> Bà ngoại chính là cầu nói giúp Thu giải tỏa khúc mắc trong lòng và nhận lại cha.

(3). Kết bài

- “Chiếc lược ngà” – một câu chuyện xúc động về tình phụ tử thiêng liêng trong chiến tranh.

- Câu chuyện thêm một lần nữa khẳng định tình cảm gia đình đặc biệt là tình cha con luôn bất diệt trong mọi hoàn cảnh.

Đề 4. Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Bến quê (Nguyễn Minh Châu):

(1). Mở bài

Giới thiệu về nhà văn Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn Bến quê.

(2). Thân bài

a. Khái niệm tình huống truyện

Tình huống truyện là những sự kiện, hoàn cảnh đặc biệt xuất hiện trong tác phẩm. Trong hoàn cảnh đó, con người sẽ bộc lộ những hành động, phẩm chất nổi bật của mình.

b. Tình huống truyện trong truyện ngắn Bến quê

- Khi còn khỏe mạnh, Nhĩ từng đi đến rất nhiều nơi, nhưng đến cuối đời căn bệnh hiểm nghèo quái ác đã khiến anh chỉ còn có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải nhờ cậy người thân trong gia đình.

- Khi bị bệnh, Nhĩ nhìn sang bãi bồi bên kia sông - một cảnh vật vốn quen thuộc của quê hương nhưng anh lại chưa từng đặt trên đến. Anh nhận ra sự tần tảo của người vợ mà lâu nay anh vẫn thường vô tâm. Nhĩ khao khát được sang bờ bên kia, nhưng bệnh tật không cho phép. Nhĩ nhờ anh con trai sang bên kia sông giúp mình, nhưng anh con trai không hiểu được khao khát đó của bố, anh đã bị hấp dẫn bởi đám đông chơi cờ thế bên hè phố, bỏ lỡ mất chuyến đò ngang trong ngày qua sông.

c. Ý nghĩa

Tình huống truyện chứa đựng những nghịch lý của cuộc sống. Từ đó, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm đến người đọc những chiêm nghiệm về cuộc sống. Đó là cái quy luật đầy nghịch lý “con người ta khó tránh được cái vòng vèo, chùng chình, phải dứt ra khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống”.

(3). Kết bài

Khẳng định lại giá trị của tình huống truyện trong tác phẩm.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 189
  • Lượt xem: 54.904
  • Dung lượng: 577,8 KB
Tìm thêm: Văn mẫu lớp 9
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan