Luyện từ và câu: Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ trang 76 Tiếng Việt Lớp 5 tập 2 - Luyện từ và câu Tuần 25

Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ - Tuần 24 giúp các em học sinh lớp 5 nhanh chóng trả lời các câu hỏi SGK Tiếng Việt 5 Tập 2 trang 76, 77. Qua đó, giúp các em biết cách liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ, tránh lặp từ nhiều lần.

Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Luyện từ và câu Tuần 25 cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng tải miễn phí bài viết dưới đây để ôn tập thật tốt kiến thức cho tiết Luyện từ và câu.

Hướng dẫn giải phần Nhận xét Luyện từ và câu trang 76

Câu 1

Các câu trong đoạn văn sau nói về ai? Những từ ngữ nào cho biết điều đó?

Đã mấy năm vào Vương phủ Vạn Kiếp, sống gần Hưng Đạo Vương, chàng thư sinh họ Trương thấy ông luôn điềm tĩnh. Không điều gì khiến vị Quốc công Tiết chế có thể rối trí. Vị Chủ tướng tài ba không quên một trong những điều hệ trọng để làm nên chiến thắng là phải cố kết lòng người. Chuyến này, Hưng Đạo Vương lai kinh cùng nhà vua dự Hội nghị Diên Hồng. Từ đây, ông sẽ đi thẳng ra chiến trận. Vào chốn gian nguy, trước vận nước ngàn cân treo sợi tóc mà Người vẫn bình thản, tự tin, đĩnh đạc đến lạ lùng.

Theo LÊ VÂN

Trả lời:

  • Các câu trong đoạn văn trên nói về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
  • Những từ ngữ cho biết điều đó là: Hưng Đạo Vương, Ông, Quốc công Tiết chế, Vị chủ tướng tài ba, Hưng Đạo Vương, Ông, Người.

Câu 2

Vì sao có thể nói cách diễn đạt trong đoạn văn trên hay hơn cách diễn đạt trong đoạn văn sau đây?

Đã mấy năm vào Vương phủ Vạn Kiếp, sống gần Hưng Đạo Vương, chàng thư sinh họ Trương thấy Hưng Đạo Vương luôn điềm tĩnh. Không điều gì khiến Hưng Đạo Vương có thể rối trí. Hưng Đạo Vương không quên một trong những điều hệ trọng để làm nên chiến thắng là phải cố kết lòng người. Chuyến này, Hưng Đạo Vương lai kinh cùng nhà vua dự Hội nghị Diên Hồng. Từ đấy, Hưng Đạo Vương sẽ đi thẳng ra chiến trận. Vào chốn gian nguy, trước vận nước ngàn cân treo sợi tóc mà Hưng Đạo Vương vẫn bình thản, tự tin, đĩnh đạc đến lạ lùng.

Trả lời:

* Đoạn văn trên của tác giả Lê Vân sử dụng cách diễn đạt tốt hơn. Bởi vì: Nội dung chặt chẽ nhờ sự liên kết bằng phép thế. Tên gọi nhân vật Hưng Đạo Vương được thay đổi nhiều lần, không những tránh được sự lặp từ mà còn thể hiện chức vị của ông và gửi gắm cả tình cảm kính trọng của mọi người đối với vị chủ tướng tài ba ấy.

* Còn đoạn văn thứ hai cách diễn đạt thiếu sinh động và hấp dẫn với người đọc và người nghe. Bởi vì, cả đoạn văn gồm sáu câu những từ Hưng Đạo Vương được lặp lại nhiều lần. Vì vậy, đoạn văn thứ hai này không có được cách diễn đạt có nhiều sáng tạo như đoạn văn thứ nhất.

Ghi nhớ Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ

Khi các câu trong đoạn văn cùng nói về một người, một vật, một việc, ta có thể dùng đại từ hoặc những từ đồng nghĩa thay thế cho những từ ngữ đã dùng ở câu đứng trước để tạo mối liên hệ giữa các câu và tránh lặp từ nhiều lần.

Hướng dẫn giải phần Luyện tập Luyện từ và câu trang 76

Câu 1

Mỗi từ ngữ in đậm dưới đây thay thế cho từ ngữ nào? Cách thay thế từ ngữ ở đây có tác dụng gì?

Hai Long phóng xe về phía Phú Lâm tìm hộp thư mật.

Người đặt hộp thư lần nào cũng tạo cho anh sự bất ngờ. Bao giờ hộp thư cũng được đặt tại một nơi dễ tìm mà lại ít bị chú ý nhất. Nhiều lúc, người liên lạc còn gửi gắm vào đây một chút tình cảm của mình, thường bằng những vật gợi ra hình chữ V mà chỉ anh mới nhận thấy. Đó là tên Tổ quốc Việt Nam, là lời chào chiến thắng.

Hữu MAI

Trả lời:

* Phép thế được sử dụng trong trường hợp trên được biểu hiện như sau:

  • Hai Long được thay thế ở các câu khác là anh.
  • Người đặt hộp thứ được thay thế ở các câu khác là người liên lạc.

→ Cách thay thế có tác dụng: Tránh lặp lại từ ngữ, lời văn trôi chảy hơn.

Câu 2

Hãy thay thế những từ ngữ lặp lại trong mỗi câu của đoạn văn sau bằng những từ ngữ có giá trị tương đương để đảm bảo liên kết mà không lặp từ:

Vợ An Tiêm lo sợ vô cùng. Vợ An Tiêm bảo An Tiêm:

- Thế này thì vợ chồng mình chết mất thôi.

An Tiêm lựa lời an ủi vợ:

- Còn hai bàn tay, vợ chồng chúng mình còn sống được.

Trả lời:

* Những từ ngữ thay thế có giá trị tương đương về liên kết là:

Vợ An Tiêm lo sợ vô cùng. Nàng bảo chồng:

- Thế này thì vợ chồng mình chết mất thôi.

An Tiêm lựa lời an ủi vợ:

Còn hai bàn tay, vợ chồng chúng mình còn sống được.

Trắc nghiệm Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ

Câu 1: Con hãy kéo thả từ gợi ý vào chỗ trống sao cho phù hợp:

cá song    tôm   cá chim    Chợ

..... Hòn Gai buổi sáng la liệt tôm cá. Những con ...... khỏe, vớt lên hàng giờ vẫn giãy đành đạch, vảy xám hoa đen lốm đốm. Những con ...... mình dẹt như hình con chim lúc sải cánh bay, thịt ngon vào loại nhất nhì. Những con cá nục béo núc, trắng lốp, bóng mượt như được quét một lớp mỡ dài vậy. Những con ..... tròn, thịt căng lên từng ngấn như cổ tay của trẻ lên ba, da xanh ánh, hàng chân choi choi như muốn bơi.

Lời giải:

"Chợ Hòn Gai buổi sáng la liệt tôm cá. Những con tôm khỏe, vớt lên hàng giờ vẫn giãy đành đạch, vảy xám hoa đen lốm đốm. Những con cá chim mình dẹt như hình con chim lúc sải cánh bay, thịt ngon vào loại nhất nhì. Những con cá nục béo núc, trắng lốp, bóng mượt như được quét một lớp mỡ dài vậy. Những con cá song tròn, thịt căng lên từng ngấn như cổ tay của trẻ lên ba, da xanh ánh, hàng chân choi choi như muốn bơi."

Câu 2: Con điền từ còn thiếu để hoàn thành ghi nhớ sau:

tránh lặp từ     mối liên hệ     đại từ     thay thế

Khi các câu trong đoạn văn cùng nói về một người, một vật, một việc ta có thể dùng ..... hoặc những từ ngữ đồng nghĩa ...... cho những từ đã dùng ở câu đứng trước để tạo thành ..... giữa các câu và ...... nhiều lần.

Lời giải:

Các từ cần điền vào chỗ trống đó là: đại từ, thay thế, mối liên hệ, tránh lặp từ

Đáp án đúng:

Khi các câu trong đoạn văn cùng nói về một người, một vật, một việc ta có thể dùng đại từ hoặc những từ ngữ đồng nghĩa thay thế cho những từ đã dùng ở câu đứng trước để tạo thành mối liên hệ giữa các câu và tránh lặp từ nhiều lần.

Câu 3: Con hãy điền từ còn thiếu vào chỗ trống?

"Dạo này, bé rất lười học. Việc học dường như chỉ khiến …….. cảm thấy mệt mỏi và áp lực mà không hề thoải mái và hứng thú gì cả."

Từ cần điền vào chỗ trống đó là:

A. mình
B. mẹ
C. bé
D. bố

Lời giải:

Bởi vì câu thứ nhất đối tượng được nhắc đến là bé nên câu thứ 2 người bị tác động bởi việc học này phải là bé chứ không phải ai khác. Vậy nên từ cần điền vào chỗ trống là từ bé.

Đáp án đúng: C. bé

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 37
  • Lượt xem: 10.398
  • Dung lượng: 198,3 KB
Sắp xếp theo