KHTN Lớp 6 Bài 8: Sự đa dạng và các thể cơ bản của chất. Tính chất của chất Giải sách Khoa học tự nhiên lớp 6 Chân trời sáng tạo trang 35
Giải bài tập Khoa học tự nhiên 6 Bài 8: Sự đa dạng và các thể cơ bản của chất, tính chất của chất hay nhất, ngắn gọn giúp các em học sinh dễ dàng làm bài tập trong SGK Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo trang 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43.
Qua đó, giúp các em nắm được các thể cơ bản của chất, tính chất và sự chuyển thể của chất. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo soạn giáo án Bài 8 Chủ đề 2: Các thể của chất cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Giải Khoa học tự nhiên Lớp 6 Bài 8: Sự đa dạng và các thể cơ bản của chất. Tính chất của chất
- Câu hỏi Mở đầu Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
- Câu hỏi thảo luận Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
- Câu hỏi luyện tập Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
- Câu hỏi Vận dụng Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
- Giải bài tập Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
Câu hỏi Mở đầu Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
Trong cuộc sống chúng ta thường sử dụng các chất như nước uống, muối ăn, nước hoa,…Vậy các chất đó tồn tại ở những thể nào?
Trả lời:
Trong cuộc sống, các chất tồn tại ở ba thể: rắn (muối ăn, sắt, nhôm,…), lỏng( nước, cồn,…) và khí (khí oxi, khí nitơ,…)
Câu hỏi thảo luận Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
Câu 1
Em quan sát được những vật thể nào trong hình 8.1? Vật thể nào có sẵn trong tự nhiên (vật thể tự nhiên), vật thể nào do con người tạo ra (vật thể nhân tạo)?
Trả lời:
Những vật thể trong hình 8.1: Cây cối, mỏm đá, đồi núi, nước, thuyền, lưới đánh cá, con người.
- Vật thể tự nhiên: cây cối, mỏm đá, đồi núi, nước, con người
- Vật thể nhân tạo: thuyền, lưỡi đánh cá
Câu 2
Kể tên một số vật thể và cho biết chất tạo nên vật thể đó.
Trả lời:
Một số vật thể và chất tạo nên vật thể đó:
- Vòng tay - chất tạo nên: Bạc
- Bàn Ghế - chất tạo nên: Gỗ
- Ly nước - chất tạo nên: thủy tinh
- Móc treo quần áo - chất tạo nên: Nhôm
- Ống nước - chất tạo nên: chất dẻo, nhựa
Câu 3
Nêu sự giống nhau, khác nhau giữa vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo.
Trả lời:
Vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo
- Giống nhau: Đều là các vật thể.
- Khác nhau:
- Vật thể tự nhiên là những vật có sẵn trong tự nhiên.
- Vật thể nhân tạo là những vật thể do con người tạo ra để phục vụ cuộc sống.
Câu 4
Kể tên một số vật sống và vật không sống mà em biết.
Trả lời:
- Một số vật sống: Con mèo, con chim, cây khế, con người,...
- Một số vật không sống: Cái bàn, điện thoại, hòn đá, bếp ga,...
Câu 5
Quan sát hình 8.2 và điền thông tin theo mẫu bảng 8.1.
Trả lời:
Điền thông tin vào bảng:
Chất | Thể | Các hình dạng xác định không? | Có thể nén không? |
Nước đá | Rắn | Có | Không |
Nước lỏng | Lỏng | Không | Không |
Hơi nước | Khí | Không | Có |
Câu 6
Quan sát hình 8.3, hãy nhận xét đặc điểm về thể rắn, thể lỏng và thể khí của chất.
Trả lời:
Đặc điểm cơ bản ba thể của chất:
Ở thể rắn
- Các hạt liên kết chặt chẽ.
- Có hình dạng và thể tích xác định.
- Rất khó bị nén.
Ở thể lỏng
- Các hạt liên kết không chặt chẽ.
- Có hình dạng không xác định, có thể tích xác định.
Khó bị nén.
- Ở thể khí/hơi
- Các hạt chuyển động tự do.
- Có hình dạng và thể tích không xác định.
- Dễ bị nén.
Câu 7
Em hãy nhận xét về thể và màu sắc của than đá, dầu ăn, hơi nước trong các hình 8.4, 8.5 và 8.6.
Trả lời:
- Hình 8.4: Than đá: thể rắn, màu đen
- Hình 8.5: Dầu ăn: thể lỏng, màu vàng
- Hình 8.6: Hơi nước: thể khí, màu trắng đục
Câu 8
Quan sát thí nghiệm 1 (hình 8.7), ghi kết quả sự thay đổi nhiệt độ hiển thị trên nhiệt kế sau mỗi phút theo mẫu bảng 8.2.
Trả lời:
Học sinh tự tiến hành thí nghiệm và ghi kết quả sự thay đổi nhiệt độ hiển thị trên nhiệt kế sau mỗi phút vào bảng 8.2.
Trong suốt thời gian sôi, nhiệt độ của nước không thay đổi (100 độ C)
Câu 9
Từ thí nghiệm 2 (hình 8.8 và 8.9), em có nhận xét gì về khả năng tan của muốn ăn và dầu ăn trong nước.
Trả lời:
Nhận xét thí nghiệm 2: Muối tan tốt trong nước, dầu ăn không tan trong nước.
Câu 10
Khi tiến hành thí nghiệm 3, em thấy có những quá trình nào đã xảy ra? Hãy lấy ví dụ trong thực tế cho quá trình này.
Trả lời:
Các quá trình đã xảy ra trong thí nghiệm 3:
- b. Quá trình nóng chảy. Ví dụ: kem bị chảy ra nếu để ra ngoài tủ lạnh
- c. Quá trình sôi. Ví dụ: đun nước
- d. Quá trình đổi màu (sang màu vàng). Ví dụ: miếng sắt để lâu ngoài không khí bị đổi màu
- e. Quá trình đổi màu (sang màu đen), bị đông đặc lại. ví dụ: nước để trong tủ lạnh bị đông lại thành màu trắng
Câu 11
Em hãy cho biết trong các quá trình xảy ra ở thí nghiệm 3 có tạo thành chất mới không.
Trả lời:
Có tạo thành chất mới.
Câu 12
Trong thí nghiệm 3, hãy chỉ ra quá trình nào thể hiện tính chất vật lí, tính chất hóa học của đường.
Trả lời:
- Tính chất vật lý của đường: nóng chảy, sôi
- Tính chất hóa học của đường: bị đốt cháy
Câu 13
Tại sao kem lại tan chảy khi đưa ra ngoài tủ lạnh?
Trả lời:
Vì Kem đưa ra ngoài tủ lạnh, gặp nhiệt độ cao hơn nên bị nóng chảy.
Câu 14
Tại sao cửa kính trong nhà tắm bị đọng nước sau khi ta tắm bằng nước ấm?
Trả lời:
Vì tắm bằng nước ấm nên có hơi nước bốc lên, ngưng tụ thành giọt nước đọng lại ở cửa kính trong nhà tắm.
Câu 15
Khi đun sôi nước, em quan sát thấy có hiện tượng gì trong nồi thủy tinh?
Trả lời:
Khi đun sôi nước có hiện tượng mặt nước sủi bọt, hơi nước bốc lên.
Câu 16
Quan sát vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên, em hãy cho biết các quá trình diễn ra trong vòng tuần hoàn này.
Trả lời:
Các quá trình diễn ra trong vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên:
- Bốc hơi, chuyển từ thể lỏng sang thể khí (mặt trời làm nóng nước ở các đại dương, sông hồ, ao suối,..., làm bốc hơi nước vào trong khí quyển)
- Ngưng tụ, chuyển từ thể khí sang thể lỏng (hơi nước bốc lên gặp nhiệt độ thấp ngưng tụ thành những đám mây)
- Mưa: nước thoát ra khỏi các đám mây, dưới dạng thể lỏng hoặc rắn dưới các dạng mưa như mưa đá, mưa tuyết,...
- Mưa rơi xuống chảy về các ao hồ, sông suối, đại dương. Sau đó lại lặp lại vòng tuần hoàn: Bốc hơi, ngưng tụ, mưa,...
Câu 17
Em hãy quan sát thí nghiệm 4,5 và cho biết có những quá trình chuyển thể nào đã xảy ra?
Trả lời:
Thí nghiệm 4: Khi được đun nóng, quá trình nóng chảy của nến xảy ra, nên chuyển sang thể lỏng. Khi tắt đèn, để nguội, nến lại đông lại thành thể rắn.
Thí nghiệm 5: Khi đun sôi nước, mặt nước sủi bọt, có hơi nước bốc lên, ngưng tụ thành giọt nước bám vào đáy bình cầu chứa nước lạnh đặt trên miệng cốc thủy tinh.
Câu hỏi luyện tập Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
Luyện tập 1
Cho các vật thể: quần áo, cây cỏ, con cá, xe đạp. Hãy sắp xếp chúng vào mỗi nhóm vật thể tự nhiên, vật thể nhân tạo, vật hữu sinh và vật vô sinh.
Trả lời:
- Vật thể tự nhiên và hữu sinh: cây cỏ, con cá.
- Vật thể nhân tạo và vô sinh: quần áo, xe đạp.
Luyện tập 2
Kể tên ít nhất hai chất ở mỗi thể rắn, lỏng, khí mà em biết.
Trả lời:
- Chất có thể rắn: nước đá, thủy tinh
- Chất có thể lỏng: nước biển, dầu ăn.
- Chất ở thể khí: Khí gas, hơi nước.
Luyện tập 3
Em hãy nêu một số tính chất vật lí và tính chất hóa học của một chất mà em biết.
Trả lời:
- Tính chất vật lý của đường: nóng chảy, sôi.
- Tính chất hóa học của đường: bị đốt cháy.
Luyện tập 4
Em hãy lấy ví dụ trong cuộc sống tương ứng với mỗi quá trình chuyển thể: nóng chảy, đông đặc, bay hơi, sôi và ngưng tụ.
Trả lời:
Ví dụ về các hiện tượng:
- Nóng chảy: nấu chảy kim loại
- Đông đặc: nước cho vào tủ lạnh đông thành đá
- Bay hơi: sau khi mưa, nước ngập trên đường một thời gian sẽ biến mất
- Sôi: Đun nước ở nhiệt độ cao
- Ngưng tụ: Hơi nước bốc lên ban đêm nhiệt độ lạnh sáng hôm sau ngưng tụ thành sương đọng trên lá
Câu hỏi Vận dụng Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
Vào những ngày trời nồm (không khí chứa nhiều hơi nước, độ ẩm cao), sự chênh lệch nhiệt độ giữa nền nhà và lớp không khí bao quanh khiến hơi nước trong không khí bị ngưng tụ tạo thành những hạt nước nhỏ gây ẩm ướt cho nền nhà. Để giảm thiểu hiện tượng này, chúng ta nên đóng kín cửa, hạn chế không khí ẩm vào nhà. Em hãy giải thích tại sao làm như vậy.
Lời giải:
Nhiệt độ trong nhà thấp hơn nhiệt độ ngoài trời, nên khi không khí có độ ẩm cao (chứa nhiều hơi nước) tràn vào nhà sẽ ngưng tụ tạo thành các giọt nước bám vào nền nhà làm nền nhà trơn trượt , do đó cần đóng kín cửa.
Giải bài tập Khoa học tự nhiên 6 Chân trời sáng tạo bài 8
Bài 1
Hãy chỉ ra đâu là vật thể, đâu là chất trong các câu sau:
a) Cơ thể người chứa 63% - 68% về khối lượng là nước.
b) Thuỷ tinh là vật liệu chế tạo ra nhiều vật gia dụng khác nhau như lọ hoa. cốc, bát, nồi...
c) Than chì là vật liệu chính làm ruột bút chì.
d) Paracetamol là thành phần chính của thuốc điều trị cảm cúm.
Đáp án
a) Vật thể: cơ thể người - chất: nước
b) Vật thể: lọ hoa, cốc, bát, nồi - chất: thủy tinh
c) Vật thể: ruột bút chì - chất: than chì
d) Vật thể: thuốc điều trị cảm cúm - chất: Paracetamol
Bài 2
Em hãy chỉ ra vật thể tự nhiên, vật thể nhân tạo, vật vô sinh, vật hữu sinh trong các phát biểu sau:
a) Nước hàng (nước màu) được nấu từ đường sucrose (chiết xuất từ cây mía đường, cây thốt nói, củ cải đường. ...) và nước.
b) Thạch găng được làm từ lá găng rừng, nước đun sôi, đường mía.
c) Kim loại được sản xuất từ nguồn nguyên liệu ban đầu là các quặng kim loại.
d) Gỗ thu hoạch từ rừng được sử dụng để đóng bàn ghế, giường tủ, nhà cửa.
Đáp án
a) vật tự nhiên: cây mía đường, cây thốt nốt, củ cải đường, nước
vật nhân tạo: nước hàng(nước màu)
vật vô sinh: nước, nước hàng(nước màu)
vật hữu sinh: cây mía đường, cây thốt nốt, củ cải đường
b) vật tự nhiên: lá găng rừng, nước
vật nhân tạo: thạch găng, đường mía
vật vô sinh: lá găng rừng, nước, đường mía, thạch găng
c) vật tự nhiên: quặng kim loại
vật nhân tạo: kim loại
Vật vô sinh: kim loại, quặng
d) vật tự nhiên: gỗ
vật nhân tạo: bàn ghế, giường tủ, nhà cửa
vật vô sinh: gỗ, bàn ghế, giường tủ, nhà cửa
vật hữu sinh: gỗ
Bài 3
Cho các từ sau: vật lí; chất; sự sống; không có; rắn; lỏng; khí; tự nhiên/ thiên nhiên; tính chất; thể trạng thái; vật thể nhân tạo. Hãy chọn từ/cụm từ thích hợp điền vào chỗ trống trong các câu sau:
a) Các chất có thể tồn tại ở ba (1)... cơ bản khác nhau, đó là (2)...
b) Mỗi chất có một số (3)... khác nhau khi tồn tại ở các thể khác nhau.
c) Mọi vật thể đều do (4)... tạo nên. Vật thế có sẵn trong (5)... được gọi là vật thể tự nhiên; Vật thể do con người tạo ra được gọi là (6)...
d) Vật hữu sinh là vật có các dấu hiệu của (7)... mà vật vô sinh (8)...
e) Chất có các tính chất (9)... như hình dạng, kích thước, màu sắc, khối lượng riêng, nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, tính cứng, độ dẻo.
f) Muốn xác định tính chất (10)... ta phải sử dụng các phép đo.
Đáp án
(1). thể/trạng thái;
(2). rắn, lỏng, khí;
(3). tính chất;
(4). chất;
(5). tự nhiên/thiên nhiên;
(6). vật thể nhân tạo;
(7). sự sống;
(8). không có;
(9). vật lý;
(10). vật lý
Bài 4
Khi làm muối từ nước biển, người dân làm muối (diêm dân) dẫn nước biển vào các ruộng muối. Nước biển bay hơi, người ta thu được muối. Theo em, thời tiết như thế nào thì thuận lợi cho nghề làm muối? Giải thích.
Đáp án
Thời tiết nóng. Bởi vì khi thời tiết nóng thì nhiệt độ cao sẽ khiến nước bốc hơi nhanh hơn
Bài 5
Trường hợp nào sau đây thể hiện tính chất hoá học, tính chất vật lí?
a) Cho 1 viên vitamin C sủi vào cốc nước.
b) Cho 1 thìa đường vào cốc nước và khuấy đều.
Đáp án
a) Tính chất hóa học
b) Tính chất vật lý