Đề cương ôn tập giữa học kì 2 môn Ngữ văn 8 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 (Cấu trúc mới)

Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức năm 2025 là tài liệu rất hữu ích gồm 12 trang giới hạn kiến thức ôn tập kèm theo các dạng bài tập trọng tâm.

Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức được biên soạn rất chi tiết, chính xác bám sát nội dung học từ tuần 19 đến tuần 24. Qua đó giúp các em học sinh lớp 8 nắm được kiến thức mình đã học trong chương trình giữa kì 2, rèn luyện và ôn tập một cách hiệu quả. Đồng thời giúp giáo viên dễ dàng ra đề thi cho các bạn học sinh. Ngoài ra các bạn xem thêm đề cương ôn tập giữa kì 2 Toán 8 Kết nối tri thức.

Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức năm 2025

TRƯỜNG THCS ………….

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA KÌ 2

NĂM HỌC 2024 – 2025

MÔN: NGỮ VĂN 8

Ôn tập kiến thức đã học từ tuần 19 đến tuần 24 (SGK Ngữ văn 8 tập 2)

I. Kiến thức trọng tâm:

1. Văn bản:

+ Truyện

+ Thơ Đường luật

* Yêu cầu nắm được nội dung, các chi tiết nghệ thuật tiêu biểu, ý nghĩa của văn bản, tóm tắt được truyện theo các sự việc chính, thể thơ, vần, nhịp…

2. Tiếng Việt:

Học sinh ôn lại các kiến thức tiếng Việt đã học từ HK I, ngoài ra còn các kiến thức trong HK II như: Từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội; câu hỏi tu từ, từ tượng hình, từ tượng thanh; biện pháp tu từ: So sánh, ẩn dụ, nhân hóa, điệp ngữ, đảo ngữ...

* Yêu cầu:

- Nhận biết được các đơn vị kiến thức tiếng Việt.

- Nêu vài trò, tác dụng của các đơn vị kiến thức.

- Vận dụng kiến thức trong thực hành nói và viết

3. Viết:

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội.

* Yêu cầu:

- Nắm vững thể loại nghị luận xã hội.

- Lập dàn ý và viết bài văn/ đoạn văn hoàn chỉnh.

Lưu ý: GV ra các dạng bài tập vận dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết vấn đề thực tiễn.

II. Cấu trúc đề kiểm tra: 100% tự luận.

III. Một số bài tập tham khảo.

Phần I: Đọc hiểu

Bài tập 1:

Đọc văn bản sau:
“Bây giờ thì hắn trở thành mõ thật rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn.(…)

Không! Lộ sinh ra là con một ông quan viên tử tế, hẳn hoi. Và chỉ mới cách đây độ ba năm, hắn vẫn còn được gọi là anh cu Lộ.(…)

Những lời tiếng mỉa mai truyền từ người nọ đến người kia. Lộ thấy những bạn bè cứ lảng dần. Những người ít tuổi hơn, nói đến hắn, cũng gọi bằng thằng. Trong những cuộc hội họp, nếu hắn có vui miệng nói chõ vào một vài câu, nhiều người đã ra vẻ khinh khỉnh, không thèm bắt chuyện… Hắn nhận thấy sự thay đổi ấy, và bắt đầu hối hận. Nhưng sự đã trót rồi, biết làm sao được nữa? Hắn tặc lưỡi và nghĩ bụng: “Tháng ba này, thằng nào thằng ấy đến ba ngày không được một bát cơm, dãi nhỏ ra, hết còn làm bộ!…” Một ý phấn khích đã bắt đầu nảy mầm trong khối óc hiền lành ấy… Một hôm, trong một đám khao, Lộ vừa chực ngồi cỗ thì ba người ngồi trước đứng cả lên. Lộ ngồi trơ lại một mình. Mặt hắn đỏ bừng lên. Hắn do dự một lúc rồi cũng phải đứng

lên nốt, mặt bẽn lẽn cúi gầm xuống đất. Chủ nhà hiểu ba anh kia có ý gai ngạnh không chịu ngồi chung với mõ. Ông tìm một người khác, xếp vào cho đủ cỗ, và an ủi Lộ:

- Chú ăn sau cũng được.

Lộ ầm ừ cho xong chuyện, rồi nhân một lúc không ai để ý, lẻn ra về. Hắn tấm tức rất lâu. Trông thấy vợ, hắn cúi mặt, không dám nhìn thị, làm như thị đã rõ cái việc nhục nhã vừa rồi. Hắn thở ngắn thở dài, lắm lúc hắn muốn bỏ phắt việc, trả lại vườn cho họ đỡ tức. Nhưng nghĩ thì cũng tiếc. Hắn lại tặc lưỡi một cái, và nghĩ bụng: “Mặc chúng nó!…” Hắn chỉ định từ giờ chẳng đi ăn cỗ đám nào nữa là ổn chuyện… Nhưng khổ một nỗi, không đi, không được. Đám nào có ăn, tất nhiên chủ nhân không chịu để hắn về. Làm cỗ cho cả họ ăn còn được, có hẹp gì một cỗ cho thằng sãi? Để nó nhịn đói mà về, nó chửi thầm cho. Mà thiên hạ người ta cũng cười vào mặt, là con người bủn xỉn… Ấy, người ta cứ suy hơn, tính thiệt như vậy, mà nhất định giữ thằng sãi lại. Không ai chịu ngồi với hắn, thì hắn sẽ ngồi một mình một cỗ trong bếp, hay một chỗ nào kín đáo cho hắn ngồi…

Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ là yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào, mà chả có người chạy qua, chạy lại. Mỗi người đi qua lại hỏi hắn một câu:

- Lộ à, mày?

Cũng có người đế thêm:

- Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hoá ra lại … bở!

A! Thế ra họ nói kháy anh cu Lộ vậy, cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng: “Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!…” Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lẽn muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn lấy một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà đòi một cỗ to hơn bốn người ăn!…

- Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: “Tham như mõ”.

A! Họ bảo hắn là mõ vậy… Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!… Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày… Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!

Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…

Bây giờ thì hắn mõ hơn cả những thằng mõ chính tông. Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta.

Vào một nhà nào, nếu không được vừa lòng, là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng:

- Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ…”

(Nam Cao, Trích Tư cách mõ, NXB Hội nhà văn 1993)

Trả lời câu hỏi:

Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện “Tư cách mõ”.

Câu 2. Tìm thán từ được tác giả sử dụng trong đoạn văn sau:

“Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!

Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân

cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…”

Câu 3. Xác định trình tự kể của truyện.

Câu 4. Phân tích nguyên nhân hình thành tư cách mõ của anh cu Lộ?

Câu 5. Câu nói: “Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm” gợi cho em những suy nghĩ gì?

Bài tập 2:

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

(Lược một đoạn: Truyện kể về gia đình Dần, đó là một gia đình nghèo khổ ở nông thôn Việt Nam vào thời điểm trước Cách mạng tháng Tám 1945. Dần là con gái lớn của một gia đình nông dân nghèo. Dần có nết rất hay làm, đi ở từ năm 12 tuổi, để nhà đỡ một miệng ăn, lại có được cái ăn, biết việc để làm- đấy là mong mỏi của mẹ Dần. Nhưng được ít bữa, Dần vẫn gầy, khóc xin mẹ ở nhà chứ không đi ở nhà bà Chánh. Thương mẹ, Dần đi ở được hai năm. Mẹ chết vì đi tả. Dần ở nhà coi sóc các em, để bố đi làm, nhưng cuộc sống mỗi ngày một khó thêm, tiền mất giá, thiên tai hết lụt lội và hạn hán. Một đêm sau khi tâm sự với con, bố Dần nói với Dần về chuyện sẽ gả Dần đi cho đỡ một miệng ăn, để bố Dần lên rừng kiếm kế sinh nhai. Dần được gả cho một gia đình đã dạm trước đó hơn một năm, vào cái ngày mẹ Dần mất, họ đã đưa cho bố Dần hai chục bạc để lo ma cho mẹ Dần. Nghe lời bố, Dần chấp nhận một đám cưới.)

Rồi ông ngồi lử thử. Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Ðêm hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông đã phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược... Chao ôi! Buồn biết mấy?... Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá... À thì ra ông phải đi nơi khác làm ăn, chẳng phải vì cớ gì khác mà chỉ vì Dần phải đi lấy chồng, Dần đi lấy chồng, không ai trông coi vườn đất, nhà cửa, con cái cho ông nữa... Ông buồn quá. Ông đáp lại những câu rất dài dòng của bà thông gia bằng những câu ngắn ngủn (…)

Ðến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai. Ông bố vợ đã tưởng không đi. Nhưng bà mẹ chồng cố mời. Vả lại nếu ông không đi, thì hai đứa bé cũng không thể đi mà Dần thì đang khóc lóc. Nếu chỉ có mình nó ra đi thì có lẽ nó cũng không chịu nốt. Ông đành kéo mấy cành rào lấp ngõ rồi đi vậy.

Dần không chịu mặc cái áo dài của bà mẹ chồng đưa, thành thử lại chính bà khoác cái áo ấy trên vai. Dần mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt gần đến nách. Nó sụt sịt khóc, đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt đứa em lớn của Dần. Còn thằng bé thì ông bố cõng. Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...

(Trích Một đám cưới, Nam Cao, 1944)

Trả lời câu hỏi:

Câu 1. Xác định đề tài của truyện ngắn “Một đám cưới”.

Câu 2. Câu chuyện kể về đám cưới của nhân vật Dần trong tác phẩm diễn ra trong bối cảnh xã hội như thế nào?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu văn "Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ".

Câu 4. Tiếng sụt sịt khóc của nhân vật Dần ở cuối đoạn trích gợi lên trong em suy nghĩ và cảm xúc gì về số phận người dân nghèo trong xã hội cũ?

Câu 5. Nhận xét về tình cảm mà nhà văn Nam Cao dành cho cô dâu Dần trong đoạn trích trên.

Bài tập 3:

Đọc văn bản sau:

BÁNH TRÔI NƯỚC
(Hồ Xuân Hương)

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

(Theo Kiều Thu Hoạch, Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, 2008)

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 1. Bài thơ trên được làm theo thể thơ nào ?

Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 3. Tác giả mượn đặc điểm của bánh trôi để khẳng định phẩm chất gì của người phụ nữ Việt Nam?&nbspCâu

4. Nêu tình cảm, thái độ của nhà thơ thể hiện qua bài thơ.

Câu 5. Từ hình ảnh bánh trôi nước, viết đoạn văn (7 – 9 dòng) nêu suy nghĩ của em về số phận và phẩm chất của người phụ nữ xưa.

Bài tập 4:

Đọc văn bản sau:

NỖI OÁN CỦA NGƯỜI PHÒNG KHUÊ(1)

(Khuê oán) - Vương Xương Linh

Phiên âm:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.

Dịch nghĩa:

Người đàn bà trẻ nơi phòng khuê không biết buồn,
Ngày xuân trang điểm lộng lẫy, bước lên lầu đẹp,
Chợt thấy sắc [xuân] của cây dương liễu(2) đầu đường,
Hối hận đã để chồng đi [tòng quân lập công, làm quan] kiếm tước hầu(3)!

Dịch thơ :

Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.
Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,
Hối để chàng đi kiếm tước hầu.

Chú thích:

NGUYỄN KHẮC PHI dịch (Có tham khảo bản dịch của TRẦN TRỌNG SAN, Thơ Đường, quyển I, Bắc Đẩu, Sài Gòn, 1966)

(1) Phòng khuê: phòng của phụ nữ quý tộc ngày xưa, cũng dùng để chỉ phòng của phụ nữ nói chung.

(2) Màu dương liễu: Màu của mùa xuân và tuổi trẻ, gợi lên khát vọng hạnh phúc. Ở đây, người thiếu phụ thấy màu dương liễu mà nhớ đến người chồng đang ra trận để “kiếm tước hầu”.

(3) Kiếm tước hầu: thời phong kiến, bề tôi lập được công lớn (thường là chiến công) thì được vua phong tước hầu. Ở đây, người chồng đi tìm kiếm tước hầu có nghĩa là đi ra trận lập công để được phong tước hầu. Khuê oán được sáng tác vào thời thịnh vượng của nhà Đường, các cuộc chiến tranh phần lớn là để mở mang bờ cõi.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ trên.

Câu 2. Nhân vật trữ tình đang ở trong hoàn cảnh cụ thể nào?

Câu 3. Hình ảnh dương liễu trong văn bản có ý nghĩa gì?

Câu 4. Sau khi nhìn thấy màu dương liễu, nhân vật trữ tình có sự chuyển biến tâm trạng như thế nào? Hãy chỉ ra và lí giải sự chuyển biến tâm trạng đó.

Câu 5. Em hãy nhận xét tình cảm của nhà thơ được thể hiện trong đoạn trích.

Bài tập 5:

Đọc văn bản sau:

THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ(*)
(Bà Huyện Thanh Quan)

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường(1)
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
(2) Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo(3),
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
(4), Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt(5),
Nước còn cau mặt với tang thương
(6) Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường(7)

(Nguồn: Nguyễn Tường Phượng, Phan Văn Sách, Bùi Hữu Sủng, Việt văn diễn giảng hậu bán thế kỷ thứ XIX, Trường Nguyễn Khuyến xuất bản, Hà Nội, 1953)

Chú thích:

(*) Thăng Long là kinh đô nước ta từ đời nhà Lý đến đời nhà Lê, đến đời Minh Mệnh nhà Nguyễn thì đổi ra tỉnh Hà Nội. Đi qua cố đô, Bà huyện Thanh Quan, đại biểu cho giai cấp sĩ phu Bắc Hà, bâng khuâng trước sự di đô đổi triều, đau lòng trước sự tang thương.

(1) Hí trường: Sân khấu diễn tuồng. Ở đây dùng ví với cuộc đời, vì nối tiếp hết lớp này tiếp lớp khác, luôn biến đổi.

(2) Tinh sương: Một năm, tinh là sao, mỗi năm di chuyển một vòng, sương theo thời tiết, mỗi năm giáng một lần.

(3) Thu thảo: Cỏ mùa thu.

(4) Tịch dương: Bóng mặt trời lúc chiều tà.

(5) Tuế nguyệt: Năm tháng.

(6) Tang thương: Do chữ "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành ruộng dâu), chỉ việc sự vật thay đổi.

(7) Đoạn trường: Đau lòng đứt ruột.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Những câu thơ nào gợi lên hình ảnh hoang tàn, phế tích của kinh thành xưa?

Câu 2. Tìm 03 từ Hán Việt được sử dụng trong văn bản.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

“ Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương". Câu 4. Nêu cảm nhận về tâm trạng của tác giả thể hiện trong văn bản. Câu 5. Văn bản gợi cho em suy nghĩ gì về sự cần thiết phải trân trọng những giá trị của quá khứ? Phần II: Viết

Đề 1: Trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng quê hương đất nước mình.

Đề 2: Trình bày suy nghĩ của em về thái độ, trách nhiệm của các bạn trẻ trước những đổi thay, biến động của cuộc sống.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Chọn file cần tải:

Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
Sắp xếp theo
👨
    Đóng
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng