Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12
Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận bài thơ Hoàng Hạc lâu là tài liệu mà Download.vn giới thiệu đến bạn đọc.
Nội dung chi tiết bao gồm 2 bài văn mẫu lớp 12. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết ngay sau đây để nắm rõ hơn.
Cảm nhận bài thơ Hoàng Hạc lâu - Mẫu 1
Thôi Hiệu là một nhà thơ người Trung Quốc. Một trong những bài thơ mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất là Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc).
Bài thơ được sáng tác khi Thôi Hiệu đến thăm tỉnh Hồ Bắc và ghé vào lầu Hoàng Hạc. Cảnh vật nơi đây là nguồn cảm hứng cho nhà thơ:
"Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du."
(Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.)
Ở bốn câu thơ đầu, tôi cảm nhận được nỗi niềm hoài vọng quá khứ của Thôi Hiệu. Hình ảnh “hạc vàng” gợi ra cõi mộng ảo, không có thật. Còn “lầu Hoàng Hạc” gợi ra cảnh vật trong hiện thực. Câu hỏi tu từ hỏi nhưng không nhằm mục đích nhận được câu trả lời, mà như để bộc lộ tâm trạng băn khoăn, tiếc nuối. Tác giả khéo léo sử dụng từ “trơ” khiến cho câu thơ đọc lên nghe mà não nề, buồn bã biết bao nhiêu. Có thể thấy rằng, bốn câu thơ tập trung tả cảnh và lí giải tích lầu Hoàng Hạc.
"Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu."
(Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)
Bốn câu tiếp theo, tôi cảm nhận được bức tranh thiên nhiên đầy tươi tắn, bình dị. Đó là hàng cây đất Hán Dương soi bóng rõ mồn một xuống lòng sông tạnh, bãi Anh Vũ cỏ thơm mơn mởn xanh tươi. Hai câu kết giúp tôi thấu hiểu nỗi trăn trở và cảm xúc của một vị khách xa nhà. Câu hỏi tu từ gợi nỗi nhớ quê hương thiết tha, sâu nặng của nhà thơ.
Có thể khẳng định rằng, Hoàng Hạc lâu được coi là một trong những bài thơ hay nhất của Thôi Hiệu.
Cảm nhận bài thơ Hoàng Hạc lâu - Mẫu 2
Lầu Hoàng Hạc là một địa danh nổi tiếng ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Trong số bài thơ viết về địa danh này, tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu.
"Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du."
(Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.)
Trước hết, tôi chú ý đến nhan đề bài thơ là Lầu Hoàng Hạc. Nhưng ngoài sự xác định vị trí của lầu Hoàng Hạc ở “nơi đây” toàn bài không nói gì về “lầu” cả. Ở đây, tác giả có dụng ý nghệ thuật, ý muốn nói đến mối quan hệ giữa “người xưa” với “người nay”, giữa thời gian quá khứ và không gian mở rộng, giữa hư với thực, giữa cảnh với tình.
Khung cảnh được khắc họa trong bài thơ đẹp nhưng mang nét buồn. Hạc vàng đã đi mất, chỉ còn lại một mình lầu Hoàng Hạc trơ trọi. Ngàn mây phủ trên mái lầu vàng, vẫn bay từ nghìn năm trước. Nhà thơ như đắm chìm trong sự hoài niệm, tưởng nhớ về nơi lầu son gác tía nay chỉ còn cô quạnh, vắng vẻ. Hạc vàng đã bay lên trời, hóa thành tiên để lại lầu Hoàng Hạc trơ trọi. Từ đó, tôi cảm nhận được triết lí nhân sinh mà nhà thơ muốn gửi gắm, đó là sự chảy trôi của thời gian.
Bốn câu thơ tiếp theo, Thôi Hiệu khắc họa bức tranh thiên nhiên đầy tươi tắn, giản dị để từ đó gửi gắm nỗi niềm tâm sự:
“Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
(Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)
Hàng cây đất Hán Dương soi bóng rõ mồn một xuống lòng sông tạnh. Bãi Anh Vũ cỏ thơm mơn mởn xanh tươi. Thời điểm “hoàng hôn” gợi cảm giác đoàn tụ, sum họp. Vậy mà lúc này tác giả vẫn đứng nơi lầu Hoàng Hạc hiu quanh. Tâm trạng buồn bã, nhớ thương về quê hương càng tăng thêm.
Bài thơ Hoàng Hạc lâu bộc lộ nỗi hoài vọng về một thời xa xưa cũng như nỗi nhớ quê hương của nhà thơ. Tôi rất yêu thích và ấn tượng về bài thơ này.