Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 9 năm 2023 - 2024 5 Đề khảo sát lớp 9 môn Văn (Có đáp án)

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 9 năm 2023 - 2024 mang đến 5 đề kiểm tra có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo ôn luyện để làm bài kiểm tra thật tốt.

TOP 5 Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 9 môn Văn 2023 giúp các bạn học sinh làm quen với các dạng bài tập cơ bản, luyện giải đề. Thông qua bài khảo sát chất lượng đầu năm lớp 9 môn Văn học sinh sẽ xác định rõ năng lực và thái độ học tập của bản thân, qua đó nắm bắt được chính xác tình hình học hiện tại để xác định mục tiêu phù hợp cho năm học mới và xây dựng lộ trình học nhằm chinh phục mục tiêu đó. Vì thế học sinh cần kiểm tra năng lực học tập để biết được bản thân đang hổng kiến thức cũ nào từ đó có kế hoạch bổ sung song song với tiếp nhận kiến thức mới.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 9 môn Văn - Đề 1

Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 9

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

.………………..

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM 2023 - 2024 Môn: Ngữ văn 9
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cùng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.

(Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây – Phạm Tiến Duật)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (1đ): Trong đoạn thơ trên tác giả đã thể hiện những cảm xúc gì?

Câu 3 (1,5đ): Nêu cảm nhận của em về tình cảm của con người trong thời chiến.

II. Tập làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết đoạn văn sử dụng phương thức quy nạp để nói về sự quan trọng của độc lập tự do.

Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu.

Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 9

I. Đọc hiểu

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2 (1đ):

Trong đoạn thơ trên tác giả đã thể hiện những cảm xúc: nỗi nhớ dành cho người yêu nhưng tâm trạng vẫn vui tươi, hứng khởi chào đón ngày ra trận.

Câu 3 (1,5đ):

Tình cảm của con người trong thời chiến: là những người có trái tim khao khát, rực lửa tình yêu thương. Không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu quê hương, tổ quốc, tinh thần quyết tâm chiến đấu dành lại độc lập.

II. Phần làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào gợi ý sau:

  • Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn văn.
  • Các câu luận cứ phải có kết nối với nhau và đều phản ánh nội dung câu chủ đề.
  • Giọng văn trôi chảy, mạch lạc không mắc lỗi lặp từ, sai cú pháp, lủng củng.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Tố Hữu và bài thơ Khi con tu hú.

2. Thân bài

a. 6 câu thơ đầu

Âm thanh: Tiếng chim tu hú kêu, tiếng ve ngân, tiếng diều sáo vi vu trên trời → Âm thanh báo hiệu hè sang, một bản nhạc sôi động đầu mùa.

Màu sắc: Màu vàng của lúa chín, của bắp ngô; màu vàng hồng của nắng mới; màu xanh thẳm của bầu trời → Gam màu tươi sáng, màu của sức sống, đó còn là những màu tượng trưng cho sự tự do.

Hình ảnh: cánh đồng lúa chín, trái cây bắt đầu chín → báo hiệu mùa hè, bước chuyển mình của thời gian từ xuân qua hạ.

Đường nét: diều sáo “lộn nhào” giữa nền trời xanh thẳm → cảnh vật, đường nét có đôi có cặp, thể hiện sức sống.

⇒ Bức tranh mùa hè tươi mới, sinh động, tràn đầy sức sống qua con mắt của một tâm hồn trẻ trung, yêu đời.

b. 4 câu thơ cuối

Trước khung cảnh tràn đầy sức sống của mùa hè, tâm trạng người tù cách mạng bí bách, ngột ngạt hơn bao giờ hết.

Động từ mạnh: “đạp”, “ngột”, “chết uất” kết hợp với một loạt từ cảm thán: “ôi!”, “làm sao”, “thôi!” nói lên tâm trạng bức bối lên đến đỉnh điểm khiến nhà thơ phải liên tục thốt lên.

Tiếng chim tu hú được lặp lại 2 lần ở câu mở đầu và câu kết thúc: kết cấu đầu cuối tương ứng. Tiếng chim tu hú hay chính là tiếng gọi của sự tự do, tiếng gọi của cuộc sống đang hối hả, dồn dập, thúc giục niềm khao khát tự do, thoát khỏi chốn ngục tù, và sâu xa hơn là khao khát đất nước được hòa bình độc lập đang cháy hừng hực trong lòng tác giả.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 9 môn Văn - Đề 2

Đề thi khảo sát đầu năm lớp 9 môn Văn

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

.………………..

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM 2023 - 2024 Môn: Ngữ văn 9
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. Đọc hiểu văn bản (3 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:

“Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bây giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng vì bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu lúc đó phả ra thơm tho lạ thường.”

Câu 1 (0,5 điểm): Đoạn văn trên trích từ văn bản nào đã học ở lớp 8? Tác giả là ai?

Câu 2 (1 điểm): Người mẹ trong đoạn trích được miêu tả như thế nào?

Câu 3 (1,5 điểm): Nêu cảm nghĩ của anh/chị về tình mẫu tử.

II. Tập làm văn (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm):

Cho câu chủ đề sau: “Vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Hãy triển khai thành đoạn văn nghị luận.

Câu 2 (5 điểm): Phân tích diễn biến tâm lí chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”.

----------HẾT---------

Đáp án đề thi khảo sát đầu năm lớp 9 môn Văn

I. Đọc hiểu văn bản (3 điểm):

Câu 1 (0,5 điểm):

Đoạn văn trên trích từ văn bản “Trong lòng mẹ” của tác giả Nguyên Hồng.

Câu 2 (1 điểm):

Người mẹ trong đoạn trích được miêu tả: không còm cõi xơ xác quá như lời người cô nói. Gương mặt vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má.

Câu 3 (1,5 điểm):

Cảm nghĩ về tình mẫu tử: học sinh tự nêu những cảm nhận của mình bằng đoạn văn ngắn.

II. Tập làm văn (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm):

- Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào gợi ý sau:

+ Câu chủ đề có thể là câu mở đầu hoặc câu kết tùy theo cách diễn đạt.

+ Các câu luận cứ phải có kết nối với nhau và đều phản ánh nội dung câu chủ đề.

+ Giọng văn trôi chảy, mạch lạc không mắc lỗi lặp từ, sai cú pháp, lủng củng.

Câu 2 (5 điểm):

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Ngô Tất Tố, truyện ngắn “Tức nước vỡ bờ” và nhân vật chị Dậu.

2. Thân bài

a. Trước khi đánh tên cai lệ

- Chạy vạy khắp nơi kiếm tiền nộp sưu để chồng không bị đánh.

- Chấp nhận bán đứa con gái đầu lòng để có tiền nộp sưu cứu chồng.

- Khi chứng kiến cảnh chồng bị bọn chúng đánh đập dã man thì vô cùng đau xót, gào khóc giữa đình làng.

- Khi chồng về nhà trong bộ dạng bị thương nặng chị Dậu ân cần chăm sóc, xót xa trước sự đau đớn của chồng.

→ Một người vợ hết lòng yêu thương chồng, sẵn sàng làm mọi thứ vì chồng.

b. Khi đánh tên cai lệ

- Ban đầu nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự: xưng cháu gọi bọn cai lệ là ông.

- Cố gắng nhẫn nhịn, khẩn khoản van xin chúng để chúng không hành hạ chồng.

- Khi chúng sấn sổ, quát tháo đòi mang chồng đi đánh, chị Dậu xám mặt chạy đến ngăn cản.

- Khi bị bọn chúng đánh vào người mình, không thể chịu đựng được nữa, chị vùng lên đánh trả bằng hết sức mình.

ad

→ Tâm lí của chị Dậu được miêu tả theo cấp độ tăng tiến: bọn cai lệ càng hung hăng, bạo ngược bao nhiêu chị càng vùng dậy chống trả lại bấy nhiêu.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 9 môn Văn - Đề 3

Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 9

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

.………………..

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM 2023 - 2024 Môn: Ngữ văn 9
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. Đọc hiểu văn bản (3 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:

“Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đâu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai, đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.”

Câu 1 (0,5 điểm): Thành quả sau những đau đớn mà ngọc trai phải chịu là gì?

Câu 2 (1 điểm): Khi bị những hạt cát xâm lăng, những chú trai đã có hành động gì?

Câu 3 (1,5 điểm): Đoạn văn giúp em nhận ra bài học gì? (Trình bày bằng một đoạn văn).

II. Tập làm văn (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm): Viết một đoạn văn với chủ đề vươn lên trong cuộc sống bằng hình thức diễn dịch.

Câu 2 (5 điểm): Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích “Trong lòng mẹ.”

Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 9

I. Đọc hiểu văn bản (3 điểm):

Câu 1 (0,5 điểm):

Thành quả sau những đau đớn mà ngọc trai phải chịu: một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.

Câu 2 (1 điểm):

Khi bị những hạt cát xâm lăng, những chú trai đã có hành động: Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những chú trai không chịu được đau xót nên đã chết. Những cơ thể trai sống thì lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót.

Câu 3 (1,5 điểm):

ad

Bài học rút ra sau đoạn văn:

- Trong cuộc sống sẽ có nhiều khó khăn thử thách ập đến mà chúng ta không lường trước được.

- Lựa chọn vượt qua hay bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách là của chính bản thân mỗi người.

- Khi vượt qua khó khăn, chúng ta sẽ có được những thành quả ngọt ngào.

II. Tập làm văn (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào gợi ý sau:

- Câu chủ đề là câu mở đầu của đoạn văn.

- Các câu luận cứ phải có kết nối với nhau và đều phản ánh nội dung câu chủ đề.

- Giọng văn trôi chảy, mạch lạc không mắc lỗi lặp từ, sai cú pháp, lủng củng.

Câu 2 (5 điểm):

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyên Hồng và đoạn trích “Trong lòng mẹ”.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh đáng thương của chú bé Hồng

- Cha mất sớm, vì đói nghèo nên mẹ phải đi tha hương cầu thực.

- Cậu sống nhờ người cô ruột nhưng bị ghẻ lạnh, đay nghiến và không có được hạnh phúc.

→ Sống trong đau khổ, đáng thương và tội nghiệp.

b. Tình cảm của bé Hồng dành cho mẹ của mình

- Dù cho người cô có nói gì xấu xa thậm tệ về mẹ thì vẫn giữ được tình yêu thương, sự tin tưởng tuyệt đối với mẹ của mình.

- Cậu đã rất đau khổ và khóc rất nhiều khi nghe cô nói không tốt về mẹ của mình → những điều một đứa trẻ không xứng đáng phải nghe, phải nhận từ người cô ruột của mình.

- Thiếu thốn tình cảm nên luôn khao khát và mong muốn được yêu thương.

- Khi nghe tin mẹ về, cậu vui mừng nhưng vẫn ngờ vực vì không biết đó có thật sự là mẹ hay không. Khi nhận ra mẹ mình, tất cả mọi cảm xúc của cậu như vỡ òa, ùa vào lòng mẹ để cảm nhận hơi ấm, tình yêu thương của một trái tim bé bỏng bị chính người thân của mình làm cho lạnh giá.

- Cậu là người con biết cảm thông với hoàn cảnh của mẹ. Chính tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp cậu vượt qua mọi định kiến của xã hội và vững tin vào tình yêu mẹ dành cho mình. Những đau khổ cậu bé đã phải trải qua đã nhận về thành quả xứng đáng đó là những giây phút vỡ òa hạnh phúc khi được ở trong lòng mẹ.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 9 môn Văn - Đề 4

Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 9

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

.………………..

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM 2023 - 2024 Môn: Ngữ văn 9
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm thấy Bác cười!

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của đoạn thơ.

Câu 3 (1,5đ): Nêu những hiểu biết của em về chủ tịch Hồ Chí Minh. (Trình bày thành đoạn văn ngắn).

II. Tập làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết đoạn văn nêu ý nghĩa của tầm quan trọng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của giới trẻ hiện nay.

Câu 2 (5đ): Đóng vai chị Dậu kể lại đoạn trích Tức nước vỡ bờ.

Đáp án đề khảo sát đầu năm Văn 9

I. Đọc hiểu

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn thơ được viết theo thể thơ bảy chữ..

Câu 2 (1đ):

Nội dung chính của đoạn thơ: nói về sự đau xót của tác giả trước sự ra đi của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Câu 3 (1,5đ):

Học sinh tự nêu những hiểu biết của mình về chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình thành thành đoạn văn mạch lạc, logic.

II. Phần làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào gợi ý sau:

  • Lựa chọn một số đức tính tốt đẹp của chủ tịch Hồ Chí Minh để hình thành đoạn văn.
  • Các câu luận cứ phải có kết nối với nhau và đều phản ánh nội dung chủ đề.
  • Giọng văn trôi chảy, mạch lạc không mắc lỗi lặp từ, sai cú pháp, lủng củng.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý Đóng vai chị Dậu kể lại đoạn trích Tức nước vỡ bờ

1. Mở bài

Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

2. Thân bài

a. Bối cảnh

  • Không khí căng thẳng, nhộn nhịp của những ngày thu sưu thuế.
  • Hoàn cảnh gia đình: nghèo “nhất nhì trong hạng cùng đinh”, phải chạy vạy ngược xuôi để kiếm tiền nộp sưu cho chồng và cho người em chồng đã mất.
  • Hành động: bán cái Tí - đứa con gái đầu lòng mới 7 tuổi cho nhà Nghị Quế và chăm sóc người chồng bị đánh.

b. Cuộc vùng dậy

  • Bối cảnh: chăm sóc chồng bị thương nặng, người nhà lí trưởng ùa tới đòi bắt chồng đi đánh dù anh mới bị chúng đánh bị thương nặng từ hôm qua vì thiếu sưu.
  • Hành động: ban đầu nói năng nhỏ nhẹ, van xin chúng đừng đánh, đừng bắt chồng mình đi. Lúc sau không thể chịu được sự hống hách, hách dịch của bọn cai lệ nên đã đánh trả chúng.

→ Những hành động bộc phát vì quá sức chịu đựng vừa thể hiện tình yêu thương sâu sắc dành cho chồng, vừa tố cáo tội ác của xã hội phong kiến.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 9 môn Văn - Đề 5

Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 9

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

.………………..

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM 2023 - 2024 Môn: Ngữ văn 9
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ thuộc bài thơ nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (1đ): Cảnh con thuyền ra khơi đánh cá được miêu tả như thế nào?

Câu 3 (1,5đ): Đoạn thơ sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Nên tác dụng.

II. Phần làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về vẻ đẹp lao động của những con người Việt Nam.

Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Quê Hương của Tế Hanh.

Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 9

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn thơ được trích từ bài thơ Quê Hương của tác giả Tế Hanh.

Câu 2 (1đ):

Cảnh con thuyền ra khơi đánh cá được miêu tả: dân trai tráng hăng hái phăng mái chèo, cả con thuyền hăng như con tuấn mã, cánh buồm giương to như linh hồn của làng chài rướn thân hòa mình cùng thiên nhiên.

Câu 3 (1,5đ):

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng: so sánh (Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã; Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng), nhân hóa (Rướn thân trắng, góp).

Tác dụng: làm cho bức tranh ra khơi thêm sinh động hơn, sự vật như có hồn hơn.

II. Phần làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào gợi ý sau:

  • Nét đẹp lao động của con người Việt Nam được biểu hiện như thế nào? (cần cù, chăm chỉ, vượt khó…).
  • Thành quả họ đã nhận lại là gì?
  • Em học được bài học gì từ những nét đẹp đó.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý Phân tích bài thơ Quê Hương của Tế Hanh

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Tế Hanh và bài thơ Quê hương.

2. Thân bài

a. Hình ảnh quê hương trong nỗi nhớ của tác giả

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới”: giới thiệu về một miền quê ven biển với nghề chính là chài lưới vô cùng giản dị và thân thương.

Vị trí của làng chài: cách biển nửa ngày sông

→ Cách giới thiệu tự nhiên nhưng cụ thể.

b. Bức tranh lao động của làng chài

• Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi

Thời gian bắt đầu: Sớm mai hồng. Không gian: trời xanh, gió nhẹ.

→ Hứa hẹn một chuyến ra khơi đầy thắng lợi.

Hình ảnh chiếc thuyền “hăng như con tuấn mã”: sự dũng mãnh của con thuyền khi lướt sóng ra khơi, sự hồ hởi, tư thế tráng sĩ của trai làng biển.

“Cánh buồn như mảnh hồn làng”: cảnh buồm như linh hồ của người dân làng chài đang phơi phới đầy niềm tin yêu và hi vọng.

“rướn thân trắng”: khao khát mãnh liệt sánh ngang tầm với thiên nhiên, vũ trụ.

→ Cảnh tượng lao động hăng say, hứng khởi tràn đầy sức sống.

Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về

Không khí trở về: ồn ào, tấp nập → tưng bừng rộn rã vì đánh được nhiều cá → Lòng biết ơn đối với biển cả.

Hình ảnh người dân chài: “Da ngăm rám nắng, nồng thở vị xa xăm”: vẻ đẹp khỏe khoắn vạm vỡ trong từng làn da thớ thịt của người dân chài.

Hình ảnh “con thuyền” được nhân hóa “im bến mỏi trở về nằm” kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác → Con thuyền trở nên có hồn, có sức sống như con người.

→ Bức tranh sinh động về một làng chài đầy ắp niềm vui, gợi tả một cuộc sống bình yên, no ấm.

c. Nỗi nhớ quê hương da diết

Nỗi nhớ quê hương thiết tha của tác giả được bộc lộ rõ nét: Màu xanh của nước, màu bạc của cá, màu vôi của cánh buồm, hình ảnh con thuyền, mùi mặn mòi của biển.

→ Những hình ảnh, màu sắc bình dị, thân thuộc và đặc trưng thể hiện nỗi nhớ quê hương chân thành da diết và sự gắn bó sâu nặng với quê hương.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
89
  • Lượt tải: 5.520
  • Lượt xem: 173.393
  • Dung lượng: 224,5 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan