Soạn bài Nghĩa thầy trò trang 79 Tiếng Việt Lớp 5 tập 2 - Tuần 26

Soạn bài Tập đọc Nghĩa thầy trò giúp các em học sinh lớp 5 hiểu rõ ý nghĩa bài tập đọc, cũng như bố cục, nội dung chính để nhanh chóng trả lời các câu hỏi đọc hiểu SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 79, 80.

Đồng thời, cũng hướng dẫn chi tiết cách đọc, giúp các em đọc trôi chảy, lưu loát, đúng các từ ngữ trong bài. Tập đọc Nghĩa thầy trò - Tuần 26 còn hỗ trợ thầy cô trong quá trình soạn giáo án cho học sinh của mình. Mời thầy cô và các em theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Tập đọc Nghĩa thầy trò

Bài đọc

Nghĩa thầy trò

Từ sáng sớm, các môn sinh đã tề tựu trước sân nhà cụ giáo Chu để mừng thọ thầy. Cụ giáo đội khăn ngay ngắn, mặc áo dài thâm ngồi trên sập. Mấy học trò cũ từ xa về dâng biếu thầy những cuốn sách quý. Cụ giáo hỏi thăm công việc của từng người, bảo ban các học trò nhỏ, rồi nói:

- Thầy cảm ơn các anh. Bây giờ, nhân có đông đủ môn sinh, thầy muốn mời tất cả các anh theo thầy tới thăm một người mà thầy mang ơn rất nặng.

Các môn sinh đồng thanh dạ ran. Thế là cụ giáo Chu đi trước, học trò theo sau. Các anh có tuổi đi sau thầy, người ít tuổi hơn nhường bước, cuối cùng là mấy chú tóc để trái đào. Cụ giáo Chu dẫn học trò đi về cuối làng, sang tận thôn Đoài, đến một ngôi nhà tranh đơn sơ mà sáng sủa, ấm cúng. Ở hiên trước, một cụ già trên tám mươi tuổi râu tóc bạc phơ đang ngồi sưởi nắng. Cụ giáo Chu bước vào sân, chắp tay cung kính vái và nói ta:

- Lạy thầy! Hôm nay con đem tất cả môn sinh đến tạ ơn thầy.

Cụ già tóc bạc ngước lên, nghiêng đầu nghe. Cụ đã nặng tai. Thầy giáo Chu lại nói to câu nói vừa rồi một lần nữa. Thì ra đây là cụ đồ xưa kia đã dạy vỡ lòng cho thầy.

Tiếp sau cụ giáo Chu, các môn sinh của cụ lần lượt theo lứa tuổi vái tạ cụ đồ già. Ngày mừng thọ thầy Chu năm ấy, họ được thêm một bài học thấm thía về nghĩa thầy trò.

Theo Hà Ân

Từ khó

  • Cụ giáo Chu: Tức Chu Văn An (1292 – 1370), một nhà giáo nổi tiếng đời Trần
  •  Môn sinh: Học trò của cùng một thầy giáo
  • Áo dài thâm: Áo dài màu đen
  • Sập: Giường gỗ, mặt liền với chân, xung quanh có diềm
  • Vái: Chắp tay giơ lên hạ xuống, đồng thời cúi đầu, để tỏ lòng cung kính
  • Tạ: Cảm ơn hoặc xin lỗi một cách kính cẩn
  • Cụ đồ: Người dạy chữ Nho thờ trước
  • Vỡ lòng: Bắt đầu học (chữ)

Hướng dẫn đọc

Đọc lưu loát, diễn cảm cả bài với giọng đọc trang trọng.

Bố cục

Có thể chia bài đọc thành 3 đoạn:

  • Đoạn 1: Từ đầu đến mang ơn rất nặng
  • Đoạn 2: Từ Các môn sinh đến đến tạ ơn thầy
  • Đoạn 3: Phần còn lại

Nội dung chính

Bài đọc kể về một câu chuyện của cụ giáo Chu, tức cụ Chu Văn An. Các học trò đến mừng thọ thầy, nhưng thầy lại đưa tất cả học trò đến vái lạy thầy giáo của mình, một cụ già đã dạy thầy từ thuở vỡ lòng. Tình nghĩa thầy trò, uống nước nhớ nguồn từ cụ giáo Chu truyền cho thế hệ sau này.

Hướng dẫn giải phần Tập đọc SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 80

Câu 1

Các môn sinh của cụ giáo Chu đến nhà thầy giáo để làm gì? Tìm những chi tiết cho thấy học trò rất tôn kính cụ giáo Chu.

Trả lời:

* Các môn sinh của cụ giáo Chu đến nhà thầy từ sáng sớm để mừng thọ thầy, đồng thời từ hành động mừng thọ này ta cũng thấy được các học trò rất yêu quý và kính trọng thầy – người đã dìu dắt, dạy dỗ họ trưởng thành.

* Những chi tiết cho thấy học trò rất tôn kính cụ giáo Chu đó là:

  • Ngay từ sáng sớm, các môn sinh đã tề tựu trước nhà thầy giáo Chu để mừng thọ thầy
  • Họ dâng biếu thầy những cuốn sách quý
  • Khi nghe thầy bảo cùng với thầy tới thăm một người mà thầy mang ơn rất nặng thì tất cả đều đồng thanh dạ ran
  • Họ kính cẩn đi theo thầy theo thứ tự trước sau

Câu 2

Tình cảm của cụ giáo Chu đối với người thầy đã dạy cho cụ thuở học vỡ lòng như thế nào? Tìm những chi tiết biểu hiện tình cảm đó.

Trả lời:

Tình cảm của cụ giáo Chu đối với người thầy đã dạy mình từ thuở nhỏ là tình cảm tôn kính của học trò đối với thầy giáo, bao nhiêu năm rồi tình cảm ấy vẫn không có gì thay đổi

Những chi tiết trong bài biểu hiện tình cảm tôn tính của cụ giáo Chu đối với thầy giáo đã dạy mình từ thuở nhỏ:

  • Dù đã nhiều năm nhưng thầy vẫn luôn coi người thầy đã dạy mình từ thuở nhỏ là người mà mình mang ơn rất nặng.
  • Vào ngày mừng thọ của mình khi các môn sinh đã tề tựu bên mình điều mà cụ muốn làm nhất lại là cùng các môn sinh đến thăm thầy giáo cũ của mình.
  • Thầy chắp tay cung kính vái cụ đồ.
  • Thầy cung kính thưa với cụ “Lạy thầy! Hôm nay con đem tất cả môn sinh đến tạ ơn thầy”.
  • Cụ đồ nặng tai nghe không rõ thầy giáo Chu không ngại cung kính thưa với cụ lần nữa.

Câu 3

Những thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây nói lên bài học mà các môn sinh nhận được trong ngày mừng thọ cụ giáo Chu?

a. Tiên học lễ, hậu học văn

b. Uống nước nhớ nguồn

c. Tôn sư trọng đạo

d. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)

Trả lời:

Những thành ngữ, tục ngữ nói lên bài học mà các môn sinh nhận trong ngày mừng thọ cụ giáo Chu đó là:

  • Uống nước nhớ nguồn
  • Tôn sư trọng đạo
  • Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)

Ý nghĩa bài Nghĩa thầy trò

Ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, nhắc nhở mọi người cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
79
  • Lượt tải: 57
  • Lượt xem: 14.512
  • Dung lượng: 176,3 KB
Liên kết tải về

Các phiên bản khác và liên quan:

1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • 阮秋庄 Bang
    阮秋庄 Bang

    PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1: Cho biết công dụng của dấu ngoặc đơn trong các câu văn dưới đây. 

    a. Chu Văn An(1292-1370) là nhà giáo thầy thuốc đại quan dưới triều Trần quê ông ở tại xã Quảng Liệt, huyện Thanh Đàm nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). 

    b. Gọi là kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bỏ tập trung toàn những con Ba Khía chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây(Ba Khía là một loại còng biển lai cua, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trộn tỏi ăn rất ngon). 

    c. Khi gió bắt đầu hiu hiu se lạnh, đảng con nít nhảy cà tưng, háo hức vỗ tay cười, vậy là gần được sắm quần áo, dép mới rồi (nhà nghèo, cả năm chỉ được dịp nầy chứ mấy) PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2: Cho biết công dụng của dấu ngoặc kép trong các câu văn dưới đây: 

    a. “Thương nhớ mười hai” được viết trong thời gian Vũ Bằng sống ở miền Nam, xa cách quê hương miền Bắc. 

    b. “ An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không? thầy Đuy-sen mỉm cười hiền từ hỏi.

    c. “Ngày xuân ngọt lành” của người lính ấy không bao giờ mất đi mà sẽ từ núi xanh trở về, hồi sinh trong các thế hệ sau. 

    d. Một tiếng đồng hồ sau, cô nói: “Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hy vọng sẽ được vẽ vịnh na-plơ”. 

    e. Người “máu” cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp.

    Thích Phản hồi 07/12/22